Độc Chiếm Hoa Khôi

Chương 18: Gặp Thời Đổi Vận


Bạn đang đọc Độc Chiếm Hoa Khôi: Chương 18: Gặp Thời Đổi Vận


Năm Thành Hóa triều Minh, ở phía ngoài cửa Xương Môn thành Tô Châu có một người họ Văn tên Thực, tên chữ Nhược Hư. Chàng này từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, mọi loại cầm kỳ thi họa, thổi sáo, đánh đàn, ca múa đều biết cả. Chỉ có là không chăm chú việc kinh doanh để sinh sống, buôn bán thường luôn bị thua lỗ. Chẳng hạn như có một lần chàng ta nghe nói ở Bắc Kinh mùa hè buôn quạt rất lời, bèn mua rất nhiều quạt xếp, rồi mời những người có tiếng ở đấy như Văn Trưng Minh, Chúc Kỹ Sơn đến vẽ thư họa lên quạt, vẽ xong đóng hòm chở đến Bắc Kinh. Thế nhưng mùa hè năm đó, ở Bắc Kinh mưa liên miên, trời không hề nóng. Văn Thực cùng bọn người làm công cả ngày cứ phải ở trong nhà vì mưa, chẳng bán được cái quạt nào. Đến mùa thu, mở hòm ra xem thì quạt giấy bị ẩm nên mốc hết. Những chuyện như vậy thường luôn xảy ra với Văn Thực nên mọi người đặt cho chàng ta biệt hiệu là “Chàng lỡ vận”, có nghĩa là “Kẻ luôn gặp rủi ro”.
Thế nhưng “kẻ rủi ro” này cũng có lần vận đổi. Đó là lần ấy có một số người buôn bán đường biển định cùng nhau đi xa một chuyến. Văn Thực biết được cũng muốn đi theo, bèn tìm đến người dẫn đầu là Trương Đại. Trương Đại vốn tính hào hiệp, hay giúp đỡ người, nghe Văn Thực xin đi cùng thì bằng lòng ngay. Trước khi thuyền rời bến, ông ta còn đưa cho chàng ta ít bạc bảo mua ít đồ ăn mang lên thuyền. Văn Thực cầm tiền vừa ngượng ngùng vừa cảm kích.
Chàng ta đến chợ, song không biết mấy đồng tiền trong tay nên mua cái gì đây. Lúc này đang mùa cam quýt, khắp chợ chỗ nào cũng bán quýt. Quýt ở đây trồng ở Động Đình Sơn vùng Thái Hồ, tuy không có tiếng như quýt Quảng Châu, Phúc Kiến, song quả nào cũng rất ngọt, giá lại rẻ. Chàng ta ngẫm nghĩ một lúc, thấy rằng mua quýt là tốt nhất, một là số lượng nhiều, có thể chia ra mọi người cùng ăn cho vui, hai là ăn quýt có thể giải khát, đi đường rất tốt. Lúc chàng thuê người gánh hơn một trăm cân quýt xuống thuyền, một số người vỗ tay cười lớn: “Ông Văn mua về nhiều quả quý thế!”
Văn Thực nghe nói vậy thì ngượng quá không biết trốn đi đâu. Thuyền nhổ neo, đi liền bốn năm ngày đến quốc đô nước Cát Linh. Vừa ghé bến là những người buôn bán ào ào lên bờ. Ở Cát Linh, hàng hóa Trung Quốc có thể bán giá cao gấp ba. Cứ trao qua đổi lại như vậy có thể kiếm được khá nhiều tiền, cho nên những người này mặc dù rất vất vả khổ sở song đều rất vui. Chỉ có Văn Thực không có hàng cũng không có tiền, chỉ đành coi hàng cho họ ở trên thuyền.
Chàng ta ngồi trên thuyền lâu quá, thấy buồn tẻ, chợt nhớ đến sọt quýt mình mang lên để trong khoang đã nhiều ngày, bèn nhờ một phu thuyền khiêng giúp ra rồi đổ tất cả xuống sàn. Những trái quýt đỏ rực đầy ván thuyền. Người Cát Linh đi qua nhìn thấy không biết là cái gì mà đỏ vậy. Văn Thực thấy họ ngạc nhiên thì chỉ cười thầm. Chàng ta chọn lấy một trái bóc vỏ ăn, người trên bờ mới biết là thứ này ăn được, lại thấy Văn Thực ăn rất ngon lành khiến họ thèm ứa nước miếng. Lúc đó có người không nhịn được, hỏi mua một trái ăn thử. Văn Thực buột miệng nói luôn: “Bác thực sự muốn mua thì cứ một đồng một trái”. Người kia lấy ra một đồng bạc trắng đổi lấy một trái quýt, bóc ngay ra ăn. Ăn xong bác ta thích thú kêu lên: “Quả là rất ngon!”, rồi lại móc ra mười đồng mua mười trái nữa. Người trên bờ xúm xít xem rồi tranh nhau móc tiền ra mua. Chỉ một lúc, chỗ quýt trên sàn thuyền bán hết sạch chẳng còn trái nào. Đợi cho người Cát Linh đi hết, Văn Thực mới đem số tiền bán quýt ra đếm, tất cả được hơn một ngàn đồng, mừng quá đến ngỡ ngàng cả người. Bọn đi thuyền mua bán xong trở lại thấy Văn Thực kể như vậy đều bảo rằng “anh chàng đen đủi” đã gặp thời đổi vận.
Lần ấy kiếm được một món tiền, Trương Đại khuyên Văn Thực nên mua một số hàng của Cát Linh đem về Trung Quốc bán. Văn Thực lắc đầu lia lịa, rằng mình không phải người biết buôn bán, lần nào làm cũng lỗ. Mọi người nghe nói thế đều thôi không nói gì nữa.
Mấy ngày sau, bọn Trương Đại cho thuyền quay về nước. Một hôm đang đi trên biển, bỗng mây đen kín trời, song dữ dâng cao, biết là giông bão đến nơi. Người trên thuyền vội kéo buồm nương chiều gió tìm nơi ẩn nấp. Một lúc sau, thuyền theo gió trôi đến cạnh một đảo nhỏ, phải thả neo dừng lại tạm nghỉ.
Mọi người nghỉ cả, chỉ có Văn Thực cứ nằm ngồi không yên. Chàng ta mang trong người khá nhiều bạc, chỉ tức là không bay ngay được về nhà, trong lòng bực bội, bèn quyết định lên đảo chơi một lát. Có người khuyên rằng nơi hoang đảo này chẳng có gì thú vị, nên nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng chàng ta nhất quyết cứ lên.
Đứng trên đảo, Văn Thực nhìn ra biển cả thấy cảm khái muôn phần, bụng nghĩ mình suốt đời lao đao nghèo túng, lần này lại may mắn kiếm được những hơn một ngàn đồng bạc trắng, không biết có phải đây là số mình không? Đang nghĩ vớ vẩn, chợt nhìn thấy trong bụi cỏ gần đấy có một vật gì rất lớn, bèn bước tới gần xem thì thấy một cái mai rùa khổng lồ. Thấy lạ, Văn Thực bèn tháo vải quấn chân ra, xỏ vào giữa cái mai rùa rồi làm như phu kéo thuyền, lôi nó tới chỗ bờ. Mọi người thấy vậy đều cười anh chàng ngốc. Chàng ta cũng cười nói: “Các người đừng có cười! Đây là thứ hàng ngoại tôi đem về đấy, về nhà thế nào cũng có chỗ dùng”.
Được cái là thuyền khá rộng nên để được vừa cái đồ chơi đó. Mấy ngày sau, thuyền tới Phúc Kiến. Vừa cập bến, những người buôn bán trên thuyền đều lên bờ tìm mối mua.

Phúc Kiến vốn là nơi có tiếng, được xem là “con đường tơ lụa trên biển”, lại có rất nhiều thương nhân ngoại quốc cư trú, trong số đó có một người Ba Tư tên là Ma Pao Ca, ông này thường xuyên giao thiệp với dân buôn đường biển. Vừa lên bờ là những người này đến thẳng tiệm của Ma Pao Ca, vừa ăn uống vừa bàn chuyện mua bán. Văn Thực chẳng có hàng gì, Ma Pao Ca không để ý đến.
Ngày hôm sau, Ma Pao Ca lên thuyền xem hàng, nào ngờ vừa bước lên, ông ta bị thu hút bởi cái mai rùa khổng lồ của Văn Thực. Đến lúc biết thứ này là của cái người bị mình lạnh nhạt hôm qua, ông ta lập tức xin lỗi không ngớt, rồi vào tiệm rượu bày tiệc thết đãi Văn Thực như quý khách. Rượu được ba tuần, Ma Pao Ca mới hỏi Văn Thực cái mai rùa đó giá bao nhiêu. Bấy giờ Văn Thực mới biết đây là vật quý hiếm, song chàng ta cũng không biết nó đáng giá bao nhiêu tiền. Phân vân mãi, chàng ta mới ấp úng ra giá là năm vạn đồng. Không ngờ Ma Pao Ca vừa nghe xong đã kêu lên rằng vậy thì Văn Thực thiệt quá, bèn gọi Trương Đại tới làm chứng, ký giao kèo với Văn Thực, đợi lúc hai bên điểm chỉ vào bản giao kèo xong xuôi, ông ta mới nói rõ điều bí ẩn. Thì ra, đây không phải là cái mai rùa mà là xác con đà long. Loại này da có thể bịt trống đánh lên tiếng vang xa đến trăm dặm. Đà long phải hàng vạn năm mới thoát xác một lần. Xác nó có hai mươi bốn chẽ gân, trong mỗi chẽ gân có một hạt trân châu lớn, gọi là dạ minh châu. Loại dạ minh châu này đem sang Ba Tư mỗi hạt giá năm vạn đồng, hai mươi bốn chẽ gân là hai mươi bốn hạt, sẽ là bao nhiêu tiền?”
Nghe Ma Pao Ca nói vậy, mọi người đều trợn mắt há miệng. Còn Văn Thực thì thấy thỏa lòng quá, chẳng còn hối tiếc gì nữa. Lần này đi biển, chàng ta mới thực sự hiểu được là “vật hiếm rất quý”. Có được gia tài năm vạn đồng thế là có thể yên ổn cuộc sống, muốn buôn bán cũng có vốn, muốn cưới vợ sinh con cũng yên tâm chẳng phải lo lắng điều gì.
Sống phải chia lìa chết sẽ theo nhau (Nhị phách)
Thời Thuận đế triều Nguyên, ở Hoài Nam có một cô gái tên gọi Lưu Thúy Thúy rất thông minh lanh lợi và xinh đẹp. Mới năm, sáu tuổi cô bé đã đọc được Thi, Thư, cha mẹ thấy con đã sáng dạ lại ham học, bèn cho đến một trường gần nhà để học tập.
Trong trường này có cậu con trai nhà họ Kim, tên gọi Kim Định, cùng tuổi với Thúy Thúy, cũng là chàng trai mi thanh mục tú, thông tuệ hơn người.
Thúy Thúy và Kim Định trở thành hai học trò xuất sắc nhất của trường. Bọn cùng học có khi nói đùa: “Chúng mày bằng tuổi nhau, thông minh như nhau, sau này nhất định sẽ thành một đôi chồng vợ”. Kim Định và Thúy Thúy tuy ngoài miệng không bằng lòng song trong bụng cũng có ý mến nhau.
Ít lâu sau, Kim Định do nhà nghèo quá, đành phải bỏ học nửa chừng, Thúy Thúy thấy vậy cũng thôi không đi học nữa.
Thời gian thấm thoát, Thúy Thúy đã 16 tuổi, thành một cô nàng đẹp đẽ xinh tươi, người khắp gần xa đến xin cầu hôn tới tấp. Cha mẹ nàng cũng bàn bạc với nhau chuyện hôn nhân đại sự này. Thế nhưng, mỗi khi cha mẹ đả động đến thì Thúy Thúy lại ngồi lì trong phòng, chẳng ăn chẳng uống, chỉ buồn bã khóc rấm rứt. Cha mẹ biết chắc có nguyên nhân gì đây, năm lần bảy lượt gạn hỏi mãi, cuối cùng Thúy Thúy nói rằng trong lòng mình từ lâu đã có một người rồi, đó là anh chàng Kim Định biết nhau hồi cùng đi học. Rồi lại nói rằng chỉ lấy Kim Định không lấy ai khác, nếu cha mẹ không bằng lòng thì quyết chết cho xong.
Biết tính con kiên quyết, nếu không làm theo thì không biết sẽ xảy chuyện gì nên cha mẹ Thúy Thúy phải bằng lòng, nhưng muốn Kim Định sẽ phải đến ở rể.
Ngày hôm sau, cha mẹ Thúy Thúy nhờ bà mối tới nhà Kim Định ngỏ lời. Kim Định đã có ý này từ lâu nên mừng rỡ ra mặt. Cha mẹ chàng ta không nói năng gì, cũng bằng lòng cuộc hôn nhân này. Ngay ngày hôm ấy, cha mẹ hai bên tác hợp cho đôi trai gái.

Sau khi Thúy Thúy và Kim Định lấy nhau, tình cảm mặn nồng, ngọt ngào ân ái, tuy ở cùng một nhà song vẫn cứ luôn luôn làm thơ gửi cho nhau để trò chuyện tâm tình.
Tốt lành chẳng được bao lâu, vợ chồng sống hạnh phúc với nhau chưa quá một năm thì Trương Sĩ Thành vốn khởi nghiệp bằng nghề chở thuyền buôn muối nay bỗng dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình. Chiến trận lan đến vùng Hoài Nam.
Thủ hạ của Trương Sĩ Thành có một viên tướng họ Lý là kẻ ngang ngược dám làm mọi chuyện, hắn cướp đoạt gái đẹp khắp nơi. Sau khi dẫn quân tới Hoài Nam, hắn nghe nói ở đây có nàng Lưu Thúy Thúy, thông minh lanh lợi, rất xinh đẹp thì lập tức dẫn một tốp gia đinh đến thẳng nhà họ Lưu cướp luôn Thúy Thúy đi. Cả nhà họ Lưu, người thì già yếu, kẻ thì khiếp nhược, cứ giương mắt mà nhìn con yêu vợ quý bị người ta cướp mất.
Mấy năm sau, Trương Sĩ Thành quy phục triều đình, dân chúng mới được sống yên ổn. Kim Định ngày đêm thương nhớ Thúy Thúy, quyết tâm đi khắp chân trời góc biển để tìm Thúy Thúy về. Chàng ta bái biệt cha mẹ đẻ và cha mẹ vợ rồi lên đường.
Kim Định đã trải trăm cay ngàn đắng, qua hàng ngàn dặm đường, hai năm sau mới hỏi thăm được tin tức của viên tướng họ Lý. Lúc này chàng đã mặt mũi tiều tụy, quần áo lam lũ, đến cửa phủ của họ Lý cứ rụt rụt rè rè không dám vào. Ông lão canh cửa thấy chàng mi thanh mục tú, sắc diện lộ vẻ khốn khó, bèn hỏi tới đây có việc gì. Kim Định kể cho lão nghe chuyện mình đi ngàn dặm để tìm Thúy Thúy, không dám nói Thúy Thúy là vợ mà chỉ nói là em gái. Ông già nói trong phủ này có một cô gái họ Lưu, người Hoài Nam, thông hiểu sách vở, được Lý tướng quân rất chiều chuộng. Nghe nói vậy, Kim Định vừa mừng vừa chua xót, chua xót vì vợ của mình mà bị người ta cướp đi, nhưng cũng mừng vì rốt cuộc đã tìm được Thúy Thúy. Ông già vào trong bẩm báo, một lúc sau ra dẫn Kim Định vào gặp tướng Lý.
Lại nói về Thúy Thúy, lúc bị cướp đi mới mười bảy, bây giờ đã hai mươi bốn. Bảy năm nay, không một giờ phút nào nàng không nhớ tới người chồng Kim Định của mình. Lúc mới bị bắt, nàng sống chết quyết không chịu thuận lòng. Tướng Lý dọa nếu không chịu theo, cả nhà sẽ bị giết chết hết. Suy trước nghĩ sau mãi, cuối cùng nàng đành phải nghe theo. Hàng ngày nàng giả bộ tươi tỉnh, nhưng trong lòng thì vô cùng đau khổ. Nàng chỉ mong sao nỗi niềm thương nhớ của mình cảm động được tới trời xanh, rồi vợ chồng sẽ được đoàn viên với nhau. Bây giờ bỗng nhiên nghe nói có người anh họ Lưu đang ở ngoài cổng muốn gặp, nàng biết chắc chắn là chồng mình, trong lòng vô cùng xúc động.
Tướng Lý từ trước tới nay chưa từng nghe Thúy Thúy nói là có anh trai, nay lại đột nhiên thấy anh trai họ Lưu, trong lòng nghi hoặc. Hắn ngồi đường hoàng quay mặt về hướng nam, liên tục gạn hỏi Kim Định, hai mắt nhìn Thúy Thúy chằm chằm. Hai vợ chồng đã bảy năm trời không gặp nhau, nay được thấy lại mà chỉ được giữ gìn theo lễ anh em, cả hai đều lòng đau như cắt. Tướng Lý nhìn mãi không thấy gì khác lạ, lại thấy Kim Định dáng vẻ nho nhã, thông hiểu sách vở, lý lẽ, bèn tin là anh trai Thúy Thúy thật, rồi giữ chàng ta ở lại trong phủ để giúp việc thư tín giấy tờ, tiếp đãi khách khứa.
Ở trong phủ của tướng Lý, Kim Định luôn tìm cơ hội để gặp riêng Thúy Thúy. Chàng muốn biết là bảy năm nay Thúy Thúy đã đổi lòng chưa. Thế nhưng từ hôm thấy mặt ở chỗ đại sảnh đến nay đã hơn hai tháng mà không sao gặp được nàng. Tướng Lý giấu nàng ở nơi thâm khuê, cách biệt mọi người. Có lúc Kim Định cố ý tìm đến nơi thì chỉ thấy Thúy Thúy ở bên cạnh tướng Lý. Thấy họ thành đôi vui vẻ mà mình thì cô đơn lẻ bóng, chàng chỉ mượn rượu tiêu sầu. Cuối cùng, chàng viết một bức thư, giấu vào trong cổ chiếc áo vải rồi bảo người hầu chuyển cho Thúy Thúy, nói rằng trời đã ấm rồi, nhờ em gái tháo áo ra giặt hộ rồi đưa trở lại.
Thúy Thúy ở chỗ thâm khuê, suốt ngày không sao gặp được chồng, nóng lòng nóng ruột cứ như ngồi trên đống lửa. Nay thấy người hầu đưa tới cái áo khoác vải của chồng thì nghĩ bụng chắc chàng có ý gì đây. Nàng mân mê mãi cái áo cuối cùng tìm thấy bức thư ở trong cổ áo, thư viết rằng Kim Định thương nhớ nàng, hai năm nay đi tìm nàng biết bao cực khổ, bây giở ở trong phủ lại càng nóng lòng sốt ruột như thế nào. Đọc xong thư, Thúy Thúy lòng đau như dao cắt, nước mắt lã chã như mưa. Nàng nghĩ: Chỉ vì mình tệ bạc khiến chàng phải chịu khổ nhiều như vậy. Bèn nhấc bút viết rằng: “Ruột gan tuy đứt nhưng tình không dứt, sống chẳng được theo nhau, chết sẽ theo nhau”. Viết xong, giấu mảnh giấy vào cổ áo rồi gọi người hầu đưa trả lại cho Kim Định.
Kim Định tách cổ áo ra, thấy đúng chữ của Thúy Thúy viết: “Sống chẳng được theo nhau, chết sẽ theo nhau” thì thấy hoàn toàn thất vọng. Chàng biết là kiếp này vợ chồng không được đoàn viên nữa, từ đó suốt ngày chỉ lấy rượu tiêu sầu, cuối cùng vì đau buồn quá mà ngã bệnh.

Thúy Thúy nghe tin Kim Định bệnh nặng, quyết định đến thăm. Tướng Lý không ngăn được. Thúy Thúy đến thư phòng, thấy Kim Định đã mê mệt bèn nâng đầu chàng lên gọi khẽ: “Anh ơi! Anh ơi! Hãy mở mắt nhìn em gái Thúy Thúy đây này!” Kim Định nghe tiếng gọi, mở choàng mắt, trong thấy vợ mình là Thúy Thúy đang nâng đỡ mình, chàng thở dài một tiếng rồi nói: “Được nhìn thấy em lần cuối, ta chết cũng nhắm mắt được rồi!” Nói xong, gắng sức ngồi dậy, gục đầu vào lòng Thúy Thúy, rồi tắt thở.
Thúy Thúy đau đớn khóc đến chết đi sống lại.
Sau khi mai táng cho Kim Định xong, Thúy Thúy suốt ngày không ăn không uống, mặt mũi lúc nào cũng nước mắt chan hòa, tinh thần luôn hoảng hốt. Ít ngày sau, nàng cũng ngã bệnh. Thế là giữ được lời hứa “Sống không được theo nhau thì chết theo nhau”, không hỏi thầy thuốc, cũng không uống thuốc, chỉ mong chết để giải thoát. Lúc hấp hối, Thúy Thúy khẩn thiết xin tướng Lý chôn nàng cùng chỗ với Kim Định.
Về sau, người ta trông thấy trong bãi cỏ hoang ở Hồ Châu có một ngôi mộ rất lớn, đó là mộ của đôi vợ chồng rất mực thương yêu nhau: Thúy Thúy và Kim Định.
Ác giả ác báo (Nhị phách)
Năm Cảnh Thái triều Minh, ở một huyện tỉnh Vân Nam có một tài chủ lớn. Ông ta có hai con trai, con cả là Trương Dần con bà vợ cả đã chết. Con thứ là Trương Tân, con vợ kế. Trương Dần có học hành tốt, làm việc gì cũng khôn khéo, trơn tru, tài chủ giao cho anh ta vốn liếng hàng vạn quan để lo kinh doanh. Nhưng Trương Dần đã tính sẵn cả, chỉ cần cha chết đi là lập tức đuổi ngay mẹ kế và em nhỏ, một mình độc chiếm cái gia sản to lớn này.
Mấy năm sau, tài chủ chết. Bà mẹ kế biết rõ lòng tham của Trương Dần, bèn đòi chia gia sản. Trương Dần đời nào chịu. Không làm sao được, bà ta bèn viết một tờ đơn thưa lên quan phủ Dương Tuần Đạo. Trương Dần xưa nay thường quen nịnh bợ quan lại để được việc, nên có sợ gì đơn kiện của đôi mẹ góa con côi này. Có điều, lá đơn đang nằm trong tay Dương Tuần Đạo, hắn cảm thấy hơi khó khăn. Hắn không biết ông quan này, lại nghe nói đây là một quan tham, ác nổi tiếng. Hắn bèn nhờ người quen đưa biếu Dương Tuần Đạo ba trăm lượng bạc tiền mặt với một cái bình gia truyền bằng vàng khảm ngọc, thêm một bộ cài đầu bằng vàng có giây tơ, tất cả giá khoảng 500 lượng bạc. Dương Tuần Đạo nhận của hối lộ và bảo rằng vụ án này đảm bảo Trương Dần thắng, nếu không thắng được sẽ trả lại các đồ vàng bạc đó. Trương Dần nghe nói vậy, thấy phần thắng đã chắc trong tay, vui mừng khôn xiết, lại càng chẳng kiêng nể gì kế mẫu nữa.
Thế nhưng, trời sinh mưa gió chẳng thể lường, Trương Dần đã vui mừng quá sớm. Dương Tuần Đạo còn chưa kịp xét đến án này thì đã tới tiết Vạn Thọ tức là ngày lễ mừng sinh nhật Hoàng đế. Năm nay đến lượt Dương Tuần Đạo vào kinh để chúc mừng, ông ta thu xếp hành lý lên đường. Lúc sắp đi, ông ta nhờ người báo với Trương Dần rằng vụ án đợi ông ta trở về sẽ xử, Trương Dần cũng yên tâm.
Triều đình từ lâu đã không hài lòng vì hành vi tham tham, trái phép của Dương Tuần Đạo. Sau khi xong việc chúc mừng, Hoàng đế hạ chỉ cách chức Dương Tuần Đạo cho về quê cũ Tứ Xuyên an trí.
Nghe được tin này Trương Dần như bị sét đánh ngang tai. Hắn vốn là người keo kiệt hám lợi, sao lại có thể giương mắt nhìn năm trăm lượng bạc quẳng xuống sông xuống biển như vậy được? Hắn bèn nhờ quản gia trông coi nhà, mang theo bốn gia nhân từ Vân Nam đi tới Thành Đô. Sau khi tìm được nhà trọ rồi, Trương Dần do đi đường mệt nhọc nên cảm thấy buồn phiền sốt ruột, bọn gia nhân nói hay là tới thanh lâu tìm một gái làng chơi cho đỡ buồn. Trương Dần nghe người ta nói vùng này có cô gái tên gọi Thanh Hưng Ca rất giỏi làm vừa lòng người, bèn muốn gặp cô ta.
Hôm đó, vừa hay Hưng Ca vắng khách, thấy có công tử con nhà giàu tới chơi thì ân cần săn đón. Trương Dần rất thích. Hôm sau, Trương Dần bảo gia nhân đem tất cả hành lý từ quán trọ chuyển sang nhà Hưng Ca, sắp xếp ở lại đó. Được ít lâu, tiền mang theo tiêu gần hết, Trương Dần bèn cáo biệt với Hưng Ca, nói rằng phải đi đến chỗ Dương Tuần Đạo ở Tân Đô lấy ít bạc rồi sẽ trở lại sống với nhau.
Trước kia, Dương Tuần Đạo ỷ quyền thế trong tay, có thể bừa bãi, nhưng bây giờ ông ta chẳng qua chỉ là một thân sĩ địa phương, chẳng có gì đáng sợ. Trương Dần bèn dẫn theo bốn gia nhân xông thẳng vào phủ Dương Tuần Đạo rồi nhắn lời vào trong rằng đến để đòi một số bạc hối lộ. Dương Tuần Đạo từ khi miễn quan về nhà, lòng tham càng tăng. Lão bày mưu tính kế, ngầm nuôi hơn 30 tên trộm cướp, bất cứ lúc nào lão cần là phải làm theo. Quan phủ biết lão rất gian giảo, dân chúng thì sợ lão có thế lực, thế là chẳng ai dám làm gì. Bây giờ, nghe nói Trương Dần từ Vân Nam tới Tân Đô la lối đòi lấy lại số bạc hối lộ, làm mất thanh danh của lão, lão bèn quyết định giết chết hết cả lũ chủ tớ đó. Lão gọi bọn trộm cướp đến để nghe lệnh, đồng thời lại bảo người nhà khoản đãi bọn Trương Dần thật nhiệt tình. Thấy lão đối xử chu đáo quá, Trương Dần nghĩ chắc lão không thể lật lọng nên cứ yên tâm ăn uống cho sướng miệng. Chén đến nửa đêm thì cả chủ tớ năm người đều say bí tỉ. Bọn trộm cướp khiêng chúng ra một chỗ rồi vung dao sắc lên, cứ mỗi nhát một tên, cả năm mạng đều toi hết.
Hơn một tháng sau, người nhà Trương Dần mãi mà không được tin tức gì của hắn, lo lắng vô cùng. Hai đứa con trai đành đi Thành Đô tìm cha. Nghe người ta nói năm trước có một người đến từ Vân Nam ở nhà cô gái điếm Hưng Ca, hai đứa bèn đến nhà Hưng Ca hỏi. Hưng Ca lấy hành lý của Trương Dần ra, nói rằng Trương Dần đi Tân Đô đòi tiền hối lộ Dương Tuần Đạo, bảo rằng đi hai ba ngày rồi về mà đến nay vẫn bặt vô âm tín, chuyện này thật lạ!

Hai anh em bèn tới Tân Đô, vào trọ trong quán. Chủ quán thấy họ từ Vân Nam tới, lại hỏi thăm chuyện Dương Tuần Đạo, bèn kể chuyện năm ngoái có năm người, một chủ bốn tớ, đến đòi tiền Dương Tuần Đạo nhưng có đi mà không có về. Hai anh em nghe nói vậy thì biết là cha mình lành ít dữ nhiều rồi bèn không kìm lòng được, ôm mặt khóc ròng, rồi quyết tâm báo thù cho cha, lập tức viết đơn đưa lên phủ Thành Đô.
Quan tiếp nhận vụ án này là Thạch Sát Viện vốn người chính trực thanh liêm, ông đã biết rõ từ lâu những chuyện độc ác của Dương Tuần Đạo, bèn lập tức phái thủ hạ là Sử Ưng và Ngụy Năng giả làm thương nhân đến chỗ của Dương Tuần Đạo bàn chuyện buôn bán với lão để thu thập chứng cứ giết người của lão.
Dương Tuần Đạo có một người quản gia họ Kỷ. Người này tính tình thẳng thắn, ăn ở biết điều, mỗi năm chỉ riêng chuyện buôn bán hoa đã kiếm cho chủ hai ngàn lượng bạc. Kỷ quản gia thấy có người từ xa tới giao thiệp buôn bán thì nhiệt tình dùng rượu ngon nhắm tốt chiêu đãi. Ba người trò chuyện rất vui vẻ, lại kết nghĩa với nhau như Lưu, Quan, Trương thời tam quốc nữa. Trong mấy tháng trời Sử Ưng, Nguy Năng và Kỷ quản gia đã làm được năm sáu chuyến buôn. Hai người này mỗi lần tới Tân Đô đều ở lại chỗ Kỷ quản gia.
Một hôm, Sử Ưng nói đùa với Kỷ quản gia rằng ở đây được quan tâm mọi chuyện rất chu đáo, chỉ có một điều là chỗ ngủ không được yên, ban đêm thường có tiếng ma quỷ kêu. Kỷ quản gia nói: Có mấy người Vân Nam bị chết thảm ở đây, chắc là đêm đêm họ than khóc đấy. Hai anh em làm ra vẻ đã nghe nói chuyện này từ lâu và bảo: “Sao ta không làm ly rượu nóng đi cúng họ?” Thế là Kỷ quản gia đưa Sử Ưng và Ngụy Năng tới bãi đất trống đó, trỏ một chỗ nói: “Họ được chôn ở dưới chỗ này”. Sử Ưng, Ngụy Năng làm như đứng trước bàn thờ, hướng lên trời vái, rồi tưới rượu xuống đất, trong lòng ngầm ghi nhớ kỹ chỗ đất chôn.
Ngày hôm sau, hai người từ biệt Kỷ quản gia, đi thẳng đến phủ Thành Đô, đem sự tình báo với Thạch Sát Viện. Để khỏi đứt dây động rừng, họ định đến cuối năm, Kỷ quản gia vào thành mua hàng Tết sẽ ghi lại khẩu cung rồi sẽ bắt hung thủ Dương Tuần Đạo. Đến cuối năm, quả nhiên Kỷ quản gia tới mua hàng Tết. Anh ta tới thăm Sử Ưng và Ngụy Năng. Quan phủ đã được tin trước, bèn sai hai tên công sai đưa Kỷ quản gia về nha môn. Kỷ quản gia biết rằng Dương Tuần Đạo tội ác đầy rẫy, trước sau thế nào cũng bị trừng phạt, bèn đem mọi chuyện mình biết được kể lại rõ ràng.
Thạch Sát Viện lập tức sai Sử Ưng, Ngụy Năng ngay đêm đó đi tới Tân Đô bắt Dương Tuần Đạo. Quan tri huyện Tân Đô tiếp được lệnh trên liền phái hơn ba trăm binh vây kín phủ họ Dương. Bấy giờ đúng vào đêm 30, Dương Tuần Đạo đang cùng thê thiếp uống rượu vui vẻ. Đang say sưa thì Sử Ưng, Ngụy Năng phá cửa xông vào. Dương Tuần Đạo chưa kịp tránh thì đã bị tóm cổ, rồi đọc lệnh bắt ngay tại chỗ sau đó áp giải về phủ Thành Đô. Bọn công sai khác đào được năm xác chết vùi trong bãi đất cũng đưa cả về Thành Đô.
Sáng hôm sau, Thạch Sát Viện thăng đường. Mới đầu, Dương Tuần Đạo chối hết, lão khăng khăng nói: “Bảo tôi giết người thì chứng cứ đâu?” Thạch Sát Viện gọi Kỷ quản gia đến đối chất. Dương Tuần Đạo nói: “Hắn là quản gia của tôi, hắn bất mãn với tôi nên nhân chuyện này xả cho bớt tức đấy thôi”. Thấy lão gần chết mà vẫn còn ngang ngạnh, Thạch Sát Viện bèn bảo khiêng năm cái xác chết đầu lìa khỏi thân ra. Vừa nhìn thấy, Dương Tuần Đạo bỗng sợ hãi xanh xám mặt mày.
Hai đứa con Trương Dần thấy cha bị chết quá thảm khốc thì gào khóc đau đớn chỉ giận là không băm vằm được Dương Tuần Đạo ra làm trăm mảnh. Nhưng chúng không biết là cha chúng vì muốn độc chiếm tài sản nên mới nên nỗi như vậy.
Dương Tuần Đạo thấy nhân chứng, vật chứng đầy đủ cả thì sụm người xuống. Lão nói rằng do mình say rượu rồi quên cả tình nghĩa, đã ngộ sát những người đó, mong đại nhân thương tình xử nhẹ tội cho.
Dương Tuần Đạo tham lam phạm pháp, giết người như bỡn, trời đất không tha. Thạch Sát Viện không do dự gì cả, bèn ký án xử tử hình, thi hành án ngay lập tức.
Gia sản nhà họ Trương cuối cùng cũng chia thành hai phần đều nhau: mẹ con kế mẫu một phần, còn phần kia thuộc hai anh em con Trương Dần.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.