Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 9: Đường Đến Kinh Thành
Tôi học chữ ngày đêm, ôn thi Đại học cũng không chăm chỉ như lúc này. Nhưng dục tốc bất đạt. Một ngày quận công gọi tôi vào gian nhà giữa, hỏi bài tôi. Kết quả những chữ học trước đây chỉ còn nhớ một nửa. Thật thảm hại. Tôi lại phải về phòng sửa đổi kế hoạch học tập. Lúc trước là tốc chiến tốc thắng. Bây giờ là chậm mà chắc.
Mỗi ngày tôi sẽ dành một buổi để ôn lại từ đầu các chữ và từ ghép đã học từ trước tới nay. Những chữ cảm thấy dễ nhầm lẫn, tôi lại dành một buổi luyện viết lại.
Thời tiết càng ngày càng nóng, ở trong phòng tôi chỉ mặc yếm, váy kéo lên tới đầu gối, ngồi viết chữ. Gạo ngồi ngay kế bên, ra sức cầm quạt, quạt cho tôi. Nhưng tôi vẫn thấy cả người nóng hổi, mồ hôi dinh dính khắp người. Tôi ngồi thèm khát cái máy lạnh vô cùng, hoặc có cái quạt điện thì tốt biết bao.
Vì trời nóng oi bức, tôi giảm thời gian học, chỉ học buổi sáng và buổi tối. Buổi chiều tôi sẽ ra nằm trên chiếc võng được mắc dưới tán cây trong sân nhà. Đinh Ngọc sẽ ngồi trên chõng tre được đặt bên cạnh, vừa thêu vừa nói chuyện với tôi.
Một hôm, Đinh Ngọc quay qua hỏi tôi:
– Đinh Thanh, em học chữ được mấy tháng rồi?
Tôi đang nằm, suy nghĩ, hình như cũng lâu rồi, nhưng chính xác mấy tháng thì tôi không nhớ. Gạo đang ngồi xỏ chỉ vào kim, trả lời thay tôi:
– Tiểu thư từ lúc học đến bây giờ chỉ thiếu bốn ngày nữa là tròn năm tháng.
Tôi ngồi bật dậy, hỏi:
– Thật sao?
Gạo nhìn tôi ngạc nhiên, gật đầu thay câu trả lời. Tôi thật sự không ngờ tôi đã học lâu như vậy. Như nhớ lại điều gì, tôi đứng dậy, chạy vào phòng.
Vào phòng, tôi đóng cửa, cài then. Sau đó đến bên tủ gỗ, mở ngăn kéo nhỏ, lấy túi vải nhỏ ra. Bên trong tôi để chiếc khăn tay và bức thư của Trịnh Khải. Tôi đặt chiếc khăn tay qua một bên, hồi hộp mở thư của Trịnh Khải ra đọc.
Nguyên bức thư chỉ có ba hàng chữ nhưng tôi vẫn chưa đọc hết được. Tôi chỉ nhận ra được phân nửa số chữ, một số chữ khác tôi có thể nhận ra các bộ và chữ ghép trong đó nhưng không đoán được nghĩa của chúng khi được ghép lại.
Trong thư có nhắc đến Thăng Long, tôi đoán Trịnh Khải đang ở kinh thành.
Tối hôm đó, quận công nói rằng chúa thượng cho gọi ông lên Thăng Long. Vì vậy trong mười ngày tới, cả nhà sẽ chuyển lên kinh thành ở. Theo đó, việc học chữ của tôi sẽ kéo dài ra. Chờ cả nhà đến Thăng Long, quận công sẽ tìm thầy trên đó dạy tôi chữ Nôm.
Những ngày kế tiếp, trong phủ quận công luôn ồn ào, tôi muốn ôn bài cũng không cách nào học được. Tôi đành lôi áo quần, trang sức ra xếp đặt vào rương. Đang xếp đặt giữa chừng, tôi nghe tiếng mẹ cả quát lớn ngoài sân. Từ lúc về đây, tôi chưa từng nghe mẹ cả lớn tiếng như vậy bao giờ.
Nhanh chân đi ra sân, tôi thấy rất đông người đang đứng ở đó. Mẹ cả đang ngồi trên ghế mây, Đinh Ngọc đứng bên cạnh. Giữa sân, Hoa và một anh chàng da nâu sẫm đang quỳ. Những người hầu khác đứng vây xung quanh xem chuyện vui.
Tôi chầm chậm đi đến bên cạnh Đinh Ngọc, hỏi chị chuyện gì đang xảy ra.
Đinh Ngọc bình thản, nói nhỏ cho tôi nghe:
– Hoa muốn xin ở lại trấn Nghệ An.
Tôi vừa nghe đã hiểu. Hoa và anh chàng người Nghệ An kia có tình cảm đã lâu. Nay cả nhà quận công chuyển đi, nếu Hoa đi theo thì không thể ở bên người yêu. Anh chàng kia lại chỉ được thuê để giúp việc, gia đình vẫn ở Nghệ An, anh ta căn bản không thể đi theo lên Thăng Long.
– Tiểu thư chưa được gả đi, người hầu đã muốn tách ra. Ở đâu có chuyện đó hả? – Mẹ cả tức giận.
Hoa khẽ run người, chắp tay nói:
– Xin phu nhân cho con được ở lại. – Hoa nói xong cúi đầu sát xuống đất, anh chàng kia thấy cũng cúi đầu theo.
Mẹ cả nghe thấy mặt càng lạnh hơn. Đinh Ngọc lên tiếng:
– Mẹ, hãy để Hoa ở lại. Người đã không có tâm đi theo, hà tất phải cưỡng cầu.
Hoa nghe thấy, bật khóc thành tiếng, nước mắt đã chảy giàn giụa cả gương mặt. Mẹ cả nhìn Đinh Ngọc lại nhìn Hoa đang khóc rống lên, thở dài, nói:
– Ngươi từ nhỏ đã theo Đinh Ngọc, thân thiết như chị em. Nay ngươi có tâm nguyện riêng, Đinh Ngọc lại xin cho ngươi, ta cũng đáp ứng cho ngươi. Có điều…
Mẹ cả bỏ lửng câu. Cả nhà im lặng chờ, mẹ cả nói tiếp:
– Có điều, Tèo, ngươi có tiền để cưới con Hoa không?
Tôi thấy mặt hắn ta biến đổi, chuyển sang xanh rồi đỏ. Hoa lại cúi đầu sát xuống đất:
– Phu nhân, con tình nguyện đi theo hắn, rau cháo có nhau. Nhà hắn nghèo, xin người đừng đòi tiền cưới.
Tôi bất ngờ trước câu trả lời của Hoa, cái gọi là tình yêu thuở hàn vi có lẽ chính là đây. Mẹ cả thở dài nói:
– Ngươi thật vô dụng. Ngươi tuy là người hầu nhưng từ nhỏ cũng ăn cơm của phủ ta mà lớn lên, việc nặng nhọc ngươi cũng không phải làm. Ngươi nói, ta đòi hỏi một chút tiền cưới có sai chỗ nào? Hơn nữa, hắn còn chưa trả lời, ngươi đã muốn cùng cam chịu khổ rồi.
– Quận chúa, bầy tôi quyết không để Hoa phải chịu khổ. Cầu người gả Hoa cho tôi. – Tèo lên tiếng, hắn cố gắng nói rõ ràng.
Lần này, mẹ cả đã thả lỏng mặt mày, bà nói:
– Tèo, ngươi nói ngươi không để con Hoa phải chịu khổ. Ta nhắc cho ngươi nhớ, ngày hôm nay, con Hoa tình nguyện theo ngươi, sau này ngươi phụ bạc nó, ta sẽ không tha cho ngươi.
– Đội ơn phu nhân, đội ơn quận chúa. – Hoa và Tèo đồng thanh, cúi rạp cám ơn.
Mẹ cả nhìn Hoa, nói tiếp:
– Thời gian cấp bách, ta không thể chuẩn bị đám cưới cho ngươi. Ngươi lại không đòi hỏi gì, thôi vậy, ta ban cho ngươi ít tiền, gọi là của hồi môn, mang về để dành có vốn làm ăn.
– Ngàn lần đội ơn phu nhân, đội ơn tiểu thư. – Hoa lại khóc ròng.
***
Quận công dẫn theo Hoàng Lộc và vài người hầu khác cưỡi ngựa đi Thăng Long trước. Hai ngày sau, mẹ cả, Đinh Ngọc và tôi cùng với những người hầu khác mới xuất phát. Mẹ cả trước thắp mấy nén nhang, cả đoàn người cùng nhìn cánh cổng phủ quận công một lần mới xuất phát. Vừa đến cổng thành đã thấy rất đông người dân nghèo ra tiễn, họ quỳ xuống đất hô to “Đội ơn Huy quận công”. Mẹ cả đứng ra nói lời chia tay. Rồi cả đoàn tiếp tục đi ra khỏi thành.
Ra họ chính là những người nghèo ở trấn Nghệ An từng được quận công phát gạo cứu đói, hôm nay nghe được tin cả nhà quận công Huy sẽ chuyển lên kinh thành nên ra tiễn. Tôi nhìn những con người mang áo sờn quần vá lỗ chỗ đang đứng hai bên đường, lòng dâng lên niềm xúc động. Hi vọng vị quan khác về quản trấn sẽ tiếp tục chăm lo cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Đi được một đoạn, tôi chợt nhớ ra Hoa, hỏi Gạo có thấy không. Gạo nói không nhìn thấy. Đinh Ngọc đi bên cạnh, nói với tôi:
– Hoa sáng sớm nay đã ra tiễn rồi. Tại em không để ý thôi.
Tôi ậm ờ rồi đi tiếp. Đường sá lúc này quả thật rất xấu, đường nghiêng ngả, lồi lõm đủ kiểu. Đi nhanh nhất là cưỡi ngựa. Ai không cưỡi ngựa được thì ngồi xe ngựa. Còn lại chủ yếu vẫn là đi bộ. Nhà giàu thì ngồi võng có người khiêng, nằm ra đó vẫn êm ái hơn là ngồi xe ngựa.
Mẹ cả và Đinh Ngọc ngồi mỗi người một võng, võng được mắc trên một cây gỗ lớn, hai đầu có hai người khiêng. Ban đầu tôi cũng ngồi võng nhưng võng lắc qua lắc về theo bước đi của người khiêng, cảm giác như say xe, chịu không nổi. Tôi leo lên ngồi trên một chiếc xe ngựa không chở hàng. Được một đoạn thì cả người tôi bị bầm dập, ê ẩm do xe bị xóc nảy mạnh. Dù Gạo đã lót một miếng đệm dày dưới mông tôi nhưng tôi vẫn cảm thấy xương tôi sắp gãy đến nơi. Tôi nhớ lại ngày trước bà Tần – mẹ Tố Như từng nói, sức yếu đi không chịu được, tôi giờ đã nếm trải rồi.
Tôi tụt xuống, đi bộ. Trời nắng nóng ở trên đầu, tôi phải mang một chiếc nón rất to, gần giống chiếc nón quai thao ngày nay. Đầu tôi vừa nặng, vừa cứng ngắc, bước chân càng ngày càng yếu.
Đến trưa, cả đoàn người dừng lại trước quán nước dưới gốc đa lớn bên đường nghỉ ngơi.
Cả đoàn người, ai cũng mệt mỏi, kiếm được chỗ nào ngả lưng sẽ lập tức ngả lưng. Tôi ngồi trên ghế, vừa ăn bánh vừa uống nước lấy lại sức. Gió thổi rất mát, mắt của tôi đã nhanh chóng lim dim buồn ngủ.
Tôi nói với mẹ cả tôi muốn ra xe ngựa nằm nghỉ một tí. Xe ngựa của chúng tôi có tất thảy có năm chiếc, trong đó bốn chiếc chở hàng, một chiếc để không, phòng khi trời mưa có chỗ cho chúng tôi vào trú mưa. Khi đoàn người dừng lại để nghỉ chân, vẫn có vài người được cử lại trông xe hàng.
Xe ngựa đang đậu ở bóng cây bên đường, tôi xách váy đi qua đó. Lúc đi ngang qua một nhóm người đàn ông, đàn bà có đủ, họ đang lót lá ngồi bệt dưới đất, tôi nghe được:
– Này bà, ở Đàng Trong nghe bảo nhà chúa Nguyễn đã bị bắt sạch rồi.
– Là ai bắt, có phải nhà chúa Trịnh không?
– Nhà chúa Trịnh có mà vào bắt được. Là nhà Tây Sơn đấy. Nghe đâu quân Tây Sơn đánh đến Gia Định rồi. Nhà chúa Nguyễn bị bắt sạch.
Tôi nghe thấy, tỉnh cả ngủ, ngồi sụp xuống, hỏi chuyện:
– Mọi người đang nói quân Tây Sơn Nguyễn Huệ sao?
Họ đang bàn tán chuyện, nhìn thấy tôi liền im bặt. Một bà nhìn tôi soi mói, nói:
– Cô gái chắc là con nhà giàu, ít ra đường nên không biết chuyện đúng không?
Quả nhiên tôi bị đoán trúng rồi. Mấy tháng nay, tôi đóng cửa ở trong phủ học chữ, không hề biết chuyện bên ngoài. Tôi hỏi tiếp:
– Không phải mọi người đang nói chuyện ở Đàng Trong sao? Quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh Gia Định là thế nào?
Vài người trong đó gật đầu với tôi, một ông trung niên nói:
– Tháng trước tôi vào Đàng Trong mua bán, nghe được Nguyễn Huệ tuy còn trẻ nhưng đã dẫn thủy quân đánh vào Gia Định, đánh đâu thắng đó.
Một ông khác lại nói:
– Nghe đâu là quân Tây Sơn đã bắt được hai vị chúa nhà Nguyễn.
Người khác chen vào:
– Có khi nào Tây Sơn đánh ra cả nhà chúa Trịnh không?
– Bà xui cái mồm. Đánh qua đánh lại cũng là dân đen chúng ta chịu khổ thôi.
Tôi hỏi:
– Vậy Nguyễn Huệ giờ đang ở Gia Định sao?
Người đàn ông trung niên trả lời tôi:
– Đúng, cô gái hỏi để làm gì?
– Chỉ để biết vậy thôi ạ. – Tôi cười.
Nói xong tôi đứng dậy, chào họ rồi đi về phía xe ngựa. Họ lại tiếp tục câu chuyện của họ. Đến xe ngựa, tôi leo vào trong, kê đầu lên chiếc gối được để sẵn, nằm sắp xếp lại trí nhớ. Môn lịch sử tôi học ở nhà trường suốt từ năm cấp 2 đến cấp 3 dường như bị trôi tuột đi đâu mất, chỉ nhớ một số sự kiện, nhưng không nhớ chính xác và đầy đủ, càng không nhớ rõ thời gian xảy ra.
Ban đầu tôi có thể khẳng định tôi đang ở thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nhưng bây giờ nhà chúa Nguyễn đã bị quân Tây Sơn đánh. Tức là quân Tây Sơn đã rất mạnh. Tiếp theo chính là Nguyễn Nhạc sẽ lên ngôi vua. Sau đó Nguyễn Huệ tiến quân ra bắc đánh nhà chúa Trịnh. Lại sau đó? Nguyễn Huệ lấy công chúa Lê Ngọc Hân của vua Lê. Nguyễn Huệ lên ngôi vua, đánh quân Thanh xâm lược. Nguyễn Huệ sẽ bệnh mà qua đời sớm. Nguyễn Ánh là chúa Nguyễn, tiêu diệt nhà Tây Sơn, sau xưng vua, lập ra triều đại nhà Nguyễn, cũng là triều đại cuối cùng của Việt Nam.
Tôi cố nặn đầu suy nghĩ thêm nhưng chỉ có thể nhớ được các sự kiện lớn sẽ xảy ra tiếp theo, thời gian xảy ra thì tôi không nhớ được một con số nào. Quận công là quan lớn nhà chúa Trịnh, nếu chúa Trịnh xảy ra chuyện gì thì cả nhà cũng sẽ không thể yên thân. Tôi lục lại một lần nữa xem có sự kiện nào về nhà chúa Trịnh không nhưng không nhớ ra được gì.
Đang suy nghĩ miên man thì Gạo đã leo lên xe, chui đầu vào nói với tôi:
– Tiểu thư, người có muốn trải nệm ra nằm không? Chúng ta chuẩn bị lên đường rồi.
Trời đang nóng đổ cả mồ hôi hột thế này mà nằm nệm, chắc tới kinh thành, tôi sẽ thành con heo quay mất. Tôi nói:
– Không cần. Lót cái nệm gần cửa, chị ngồi là được.
Gạo dạ rồi chui vào, xếp cái nệm ngồi gần cửa xe. Tôi ngồi dậy, nhích người qua chiếc nệm. Ngựa chầm chậm kéo xe đi. Xe lại bắt đầu rung lắc. Tôi nhìn về phía trước, thấy mẹ cả và Đinh Ngọc đang nằm võng. Có hai người hầu cầm ô đi theo che nắng.
Tôi dựa vào thành xe, nhìn ra ô cửa sổ. Giá như hồi đó tôi học ngành Sử hoặc ít nhất là học hành chăm chỉ môn Sử, thì bây giờ, tôi có thể đoán được số mệnh của cả nhà quận công hoặc có sự chuẩn bị cho lịch sử biến động sắp tới.