Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 48: Mưu Của Quang Bình​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 48: Mưu Của Quang Bình​


Trước lễ nạp tệ hai ngày, tôi vẫn chưa nhận được tin tức của Nguyễn Hoàn. Tuy không hi vọng nhiều nhưng tôi thực sự cần trì hoãn đám cưới để có thêm thời gian tìm cách đối phó.
Nếu Nguyễn Hoàn không tìm được cách giúp tôi thì sao? Bỏ nhà ra đi? Không được! Lúc này tôi còn không được bước chân ra khỏi cổng huống gì tôi đã hứa với quận công là sẽ nghe lời ông lấy tên Trọng Chiếu đó. Hay là tìm cách giả ốm? Nếu như thầy thuốc đến khám thì lộ tẩy mất. Không được! Hay là ốm thật? Sức khỏe của tôi mới hồi phục, nếu ngâm lạnh cho bệnh thì có khi nằm liệt giường không dậy được mất. Cũng không được! Tôi còn muốn sống để chứng kiến lịch sử sắp diễn ra, chứng kiến vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tiến quân ra bắc, chứng kiến cuộc kháng chiến chống quân Thanh hùng tráng… Và tôi còn muốn gặp lại Trịnh Khải.
Tuy biết Trịnh Khải vẫn giữ được mạng sống nhưng tình trạng chính xác hiện giờ của anh thì tôi lại không có một chút thông tin nào. Hải cũng mất tích không thấy bóng dáng, không biết anh ta có trốn thoát được hay không?
Tôi nhốt mình trong phòng đến chiều thì nghe được tiếng ồn ào từ nhà trên truyền xuống. Lò dò lên phòng khách, nấp sau cửa sổ, tôi nghe được giọng nói đầy tức giận của quận công vang lên bên trong:
– Hừ! Chắc chắn có kẻ tung tin thất thiệt, chờ ta tra ra được đứa cầm đầu xem bọn chúng còn dám đặt điều hay không.
Tiếng mẹ cả nhỏ nhẹ khuyên giải:
– Ông đừng quá giận. Việc trước nhất là lễ nạp tệ của Đinh Thanh. Bây giờ mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, nhà Viêm quận công lại đòi dời sang tháng chạp, chúng ta phải làm sao đây?
– Để ta sang gặp Nguyễn Trọng Viêm hỏi cho ra lẽ.
Quận công đẩy cửa đi ra, tôi không kịp trốn bị ông bắt gặp ngay trước cửa sổ. Nhìn thấy tôi, ông chỉ thở dài rồi phất tay áo đi về phía cổng.
– Ngoài kia họ đang đồn đại nhiều thứ không hay ho về con. Nếu có nghe được, con cũng đừng để bụng, cứ để ngoài tai là được. – Mẹ cả đứng ở bậc cửa nói với tôi, giọng bà có vẻ không vui.
Tuy không hiểu đầu tai cua nheo gì nhưng tôi cũng dạ cho có. Mẹ cả cũng không nói gì thêm. Tôi đành đi tìm người hầu trong phủ hỏi thăm. Sau một hồi hỏi vòng vo, tôi mới biết được mình đã trở thành chủ đề bàn tán trong lúc rỗi rãi của các bà các chị trong thành Thăng Long.
– Nghe đâu, nhị tiểu thư nhà Huy quận công có số sát phu, lễ nạp tệ còn chưa diễn ra mà công tử nhà Viêm quận công đã nằm liệt trên giường.

– Thật sao? Có phải tiểu thư ấy tên Đinh Thanh không?
– Hình như vậy. Tôi còn nghe tiểu thư nhà ấy ăn mặc xa xỉ, tiêu xài hoang phí lắm. Trước đây còn mặt dày mua nợ không biết bao nhiêu hàng quán ở Thăng Long đấy.
– Này, có phải chính là cô tiểu thư đanh đá bị nhà Nghĩa phái hầu từ hôn không?
– …
Trên đây là một đoạn trò chuyện vô cùng rôm rả mà bất cứ góc chợ nào ở Thăng Long cũng có thể nghe được. Đấy là chị làm bếp thuật lại với tôi.
Lần trước đồn đại tiểu thư nhà Huy quận công kiêu căng đòi từ hôn, lần này đã trở thành vì đanh đá nên bị người ta từ hôn… Quả là tam sao thất bản. Một đồn mười, mười đồn trăm. Lần này thì tôi nổi tiếng thật rồi.
Không biết sự việc lần này có liên quan đến Nguyễn Hoàn hay không nhưng quả thật sau khi Huy quận công trở về từ phủ Viêm quận công thì sa sầm mặt mày.
Hôn ước lần này bị hoãn đến tháng chạp. Lí do nhà Viêm quận công đưa ra là Nguyễn Trọng Chiếu bị ốm, không thể tiếp tục đám cưới được. Coi như tôi lại thoát được một nạn.
***
Một ngày đầu tháng sáu, trời bỗng đổ mưa như trút nước. Tôi ngồi trong phòng, mở hộp gỗ, lấy từng thứ bên trong ra ngắm nghía: chiếc khăn thêu màu xanh, chiếc trâm ngà voi đính ngọc, chiếc trâm gỗ khắc hình hoa sen, lá thư với nét chữ cứng cỏi… Trịnh Khải, tôi càng nhớ anh lại càng xót xa trong lòng. Một vương tử cao quý nhưng lại chịu số phận giam cầm, luôn bị đe dọa đến tính mạng, đến khi nào anh mới có được tự do? Đến khi nào tôi mới được gặp lại anh?
Cốc cốc. Có người gõ cửa phòng. Tôi đoán là người hầu trong nhà, thường giờ này sẽ có chị làm bếp mang chén thuốc bổ cho tôi theo lời dặn của mẹ cả. Tôi quay người cất cây trâm vào hộp gỗ, miệng vẫn trả lời:
– Vào đi.
Từ sau ngày bị trì hoãn hôn ước, tôi an phận ở nhà làm con ngoan. Phu nhân nhà Trang quận công lâm bệnh nặng nên Đinh Ngọc phải quán xuyến hết công việc nhà cửa, chợ búa… rất bận rộn; thành ra tôi cũng hiếm khi gặp được chị. Vì vậy, cả ngày ngoài việc ăn, ngủ và chống cằm ngồi dưới cây lựu nghĩ vẩn vơ, tôi chẳng làm gì cả.

Có tiếng mở cửa, tiếng bước chân đến gần bàn sau lưng, tôi đoán chị ta đang đặt chén thuốc lên bàn nên cũng không để ý. Đang đóng hộp gỗ lại thì một giọng nói trầm thấp vang lên:
– Nàng có vẻ bận rộn nhỉ?
Tôi giật mình quay người lại. Một người mặc bộ đồ đen, hai vai bị ướt chắc do cơn mưa ngoài kia, trên gương mặt nam tính là đôi mắt hẹp dài, miệng đang mỉm cười với tôi, không phải ai khác chính là Quang Bình. Tôi lắp bắp:
– Sao… sao công tử lại ở đây?
– Tôi đến thăm nàng. – Quang Bình thản nhiên ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh bàn.
– Tại sao công tử vào được đây? – Tôi tức giận hỏi. – Nếu công tử không nói rõ ràng, tôi sẽ la lớn để người hầu đến bắt.
Tuy Quang Bình đối xử với tôi khá tốt nhưng anh ta là tướng quân của Tây Sơn. Một tướng quân của địch bỗng nhiên có mặt trong phủ của Huy quận công, tất nhiên tôi phải thay ông đề phòng. Quang Bình nhìn ấm trà rồi lại nhìn tôi:
– Khách đến chơi, nàng không mời trà sao?
Tôi nhẫn nại rót một chén trà đưa cho Quang Bình, lúc này anh ta mới cười cười mà nói:
– Tôi nhảy tường vào đấy.
Nhớ có lần tôi bắt gặp Quang Bình trèo vào trấn phủ trấn Sơn Nam, vì vậy việc anh ta nhảy tường vào phủ Huy quận công cũng không có gì là khó. Nhưng một tướng quân mà làm những việc này, không biết anh ta đang suy nghĩ gì nữa. Quang Bình uống cạn chén trà, tự mình rót thêm nước, uống cạn chén thứ hai mới nhìn tôi, khóe miệng hiện lên một nụ cười chế giễu:
– Nghe đồn nàng đã trở thành nhân vật có tiếng tăm ở kinh thành?

Tôi ngồi xuống ghế, tự mình rót nước rồi cười đáp lại:
– Hôm nay công tử đến đây là vì việc này à?
Không ngờ Quang Bình lại bật cười ra tiếng, anh ta nghiêng người về phía tôi, nói nhỏ:
– Là tôi giúp nàng đấy. Tôi đến để nghe nàng nói lời cảm ơn.
Quang Bình giúp tôi? Tôi nhíu mày tỏ ý không tin. Anh ta gõ gõ ngón tay lên bàn, vừa nhìn tôi vừa nói:
– Nàng biết tại sao Viêm quận công nhất quyết muốn lấy nàng về cho con trai ông ta không?
Tôi lắc đầu. Quang Bình nở một nụ cười nửa miệng bí hiểm:
– Tôi biết nàng làm rất nhiều việc để hai nhà hủy hôn, nhưng nàng không đánh trúng được điểm mấu chốt. Nguyễn Trọng Viêm tuy là quốc cữu nhưng vô mưu vô trí, an phận thủ thường vì thế hắn ta muốn dựa vào thế lực của cha nàng để mở rộng đường làm quan cho con trai của hắn. Trong khi đó, cha nàng lại muốn dựa vào chức danh em ruột Thái phi của Nguyễn Trọng Viêm, chỉ cần nàng làm con dâu nhà đó, dù ngôi chúa có thuộc về ai thì nàng cũng sẽ bình yên hưởng vinh hoa phú quý.
– Vậy thì sao? – Tôi hít vào một hơi sâu rồi hỏi dồn. – Công tử đã làm gì?
Quang Bình thuật lại sự việc với tôi bằng giọng đều đều, thỉnh thoảng lại chêm vào một nụ cười mỉa mai.
Nguyễn Trọng Chiếu cũng không muốn lấy tôi nhưng hắn bất tài, đành phải nghe lời cha mẹ. Sau đó nhờ Huy quận công giúp đỡ, Trọng Chiếu được cấp một chức vị nho nhỏ trong kinh thành, phong làm Chiếu lĩnh bá. Đúng lúc đó người của Quang Bình đến bày kế cho Trọng Chiếu giả bệnh để trì hoãn đám cưới. Một người đang khỏe mạnh đột nhiên lăn ra bệnh, các thầy thuốc lại không tìm được nguyên nhân, thuốc uống vào mãi không khỏe, da ngày càng vàng vọt đi. Phu nhân Viêm quận công đành tìm thầy cúng, sau khi dâng hương hỏi thần thánh thì nói rằng tôi có số sát phu, muốn con trai của bà bình an thì phải tránh xa tôi ra. Còn nếu vẫn cương quyết muốn cưới tôi thì phải làm lễ cúng bái suốt sáu tháng để giải trừ số mệnh của tôi và ngoài ra còn phải làm một cái bùa để bảo vệ tên Trọng Chiếu đó.
Dù Viêm quận công muốn con trai mình rộng đường làm quan nhưng nếu vì thế mà phải lấy vợ có số sát phu dẫn đến mất mạng thì chức tước còn ý nghĩa gì nữa. Vậy là đám cưới buộc phải hoãn đến tháng chạp.
Quang Bình nở một nụ cười mỉm, trong đôi mắt hẹp dài sâu không thấy đáy đang lấp lánh thứ ánh sáng kì lạ. Tôi sững người trong giây lát rồi bật cười. Anh ta lợi dụng sự mê tín dị đoan của phu nhân nhà Viêm quận công để lập mẹo khiến việc liên hôn hai nhà phải trì hoãn. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Xem ra tướng quân Tây Sơn không chỉ giỏi võ mà dùng mưu cũng rất tài, việc này làm tôi liên tưởng đến thiên tài quân sự Nguyễn Huệ.
Có một giai thoại kể lại rằng, trước lúc tiến quân ra bắc đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ cho người mang một mâm tiền có phủ vải che vào rồi tuyên bố trước ba quân rằng: nếu sau khi tung lên mà hai trăm đồng xu đều sấp thì đó là điềm báo quân Tây Sơn chắc chắn sẽ thắng. Không ngờ đến, sau khi hai trăm đồng xu tung lên cao rớt xuống sân đều lật mặt sấp lên trên. Ba quân thấy thế thì sĩ khí dâng cao, khí thế chiến đấu hừng hực.

Nguyễn Huệ cho người dùng cọc đóng chặt hai trăm đồng tiền xuống đất, sau này chiến thắng trở về mới cho nhổ cọc lên. Kì thật, trước đó ông đã cho người đúc hai trăm đồng tiền có hai mặt đều sấp.
Nghĩ xem, có một vị tướng quân tài ba như Nguyễn Huệ lãnh đạo thì cũng dễ dàng suy luận ra những vị tướng dưới quyền của ông không phải hạng tầm thường. Tôi nhìn Quang Bình bằng ánh mắt lấp lánh:
– Không biết đến bao giờ tôi mới có vinh hạnh gặp gỡ Long Nhương tướng quân của công tử.
Bốn năm trước, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, phong cho Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân. Việc này đã làm xôn xao Thăng Long một thời gian nên tôi vẫn nhớ rõ.
Quang Bình nhíu mày nhìn tôi có vẻ dò xét rồi hỏi:
– Tại sao nàng muốn gặp tướng quân của chúng tôi?
– Vì tôi ngưỡng mộ ngài ấy. – Tôi thành thật trả lời.
– Tại sao nàng lại ngưỡng mộ ngài ấy? – Quang Bình nín cười hỏi.
Tôi đáp bâng quơ:
– Vì tôi thích. Công tử có hỏi cũng không hiểu được đâu.
Không nghĩ đến, Quang Bình lại cười lớn. Tôi nhanh tay bịt miệng anh ta lại. Tuy ngoài kia trời vẫn đang mưa nhưng lỡ có ai nghe thấy tiếng cười con trai trong phòng tôi thì còn ra thể thống gì nữa. Không khéo chỉ ngày mai thôi lại có tin đồn tôi lăng nhăng với đàn ông thì quận công giết tôi thật sự chứ chẳng chơi.
– Cười cái gì mà cười? – Tôi nhăn mặt tức giận. – Muốn cười thì ra khỏi nhà tôi rồi hãy cười.
Quang Bình gật đầu, không cười ra tiếng nhưng khóe môi vẫn cong cong. Tôi không hiểu tại sao anh ta lại có thái độ như vậy nhưng nhìn gương mặt đang cười cười của anh ta thì không thoải mái tí nào, tôi đánh mạnh vào cánh tay anh ta cho hả cơn giận. Không ngờ Quang Bình lập tức thay đổi sắc mặt, mím môi nói:
– Nàng đánh vào vết thương cũ của tôi rồi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.