Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 40: Chân Tướng​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 40: Chân Tướng​


Lúc này tôi và Trịnh Khải đang ngồi đằng sau bức tường xiêu vẹo của ngôi miếu, anh nhìn tôi bằng ánh mắt trấn an, tay anh cầm chặt tay tôi.
Xoạt. Xoạt… Tiếng chân người dẫm trên cỏ và tiếng áo quần va chạm vào các bụi cây ngày càng đến gần ngôi miếu. Tôi ép sát mình vào bức tường cũ, cố gắng nín thở để bọn người kia không phát giác ra nơi chúng tôi đang trốn. Ánh sáng bàng bạc của trăng tròn trên đầu chiếu thẳng xuống gương mặt sắc lạnh của Trịnh Khải khiến tôi sững sờ trong giây lát. Trước đây tôi chỉ thấy gương mặt lạnh nhạt, sau này thì trìu mến, còn gương mặt lúc này của anh là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
– Kiểm tra quanh đi. – Một người đàn ông ra lệnh bằng giọng khàn khàn.
Sau đó là tiếng bước chân vang lên, giọng của một người khác nghe rất gần:
– Rõ ràng lúc nãy thấy có bóng của hai người, cũng không thấy chúng bỏ chạy, chắc chắn chỉ có ở gần đây.
– Có lẽ chúng trúng đạn của đại ca lăn ra chết rồi. – Giọng của tên còn lại mang theo ý cười.
Tất thảy có ba tên. Chúng sắp đến gần. Tôi nín thở nhìn Trịnh Khải, anh gật đầu ra hiệu tôi phải ngồi yên rồi chuẩn bị đứng dậy. Kéo tay anh lại, tôi đặt vào đó con dao được bọc vải mà tôi đã mang theo. Trịnh Khải nhìn vật trong tay, mắt anh toát ra tia ngạc nhiên sau đó thì gật đầu với tôi rồi đứng dậy.
Tôi biết mình nên ngồi yên ở đây, ra ngoài đó chỉ làm vướng tay chân của Trịnh Khải nhưng tôi thực sự sợ hãi, tuy rằng Trịnh Khải giỏi võ nhưng anh không mang theo vũ khí hơn nữa lại là một đấu ba, chỉ sợ không cầm cự được lâu. Tiếng nổ to như vậy, Hải chắc phải nghe thấy chứ? Hi vọng anh ta kịp đến giúp đỡ Trịnh Khải.
Trịnh Khải lom khom đi vòng ra một bên bức tường rồi biến mất. Viu. Tiếng một vật nào đó xé gió lao đi trong không khí.
– Á…
Tiếng hét thất thanh của một tên trong số bọn chúng vang lên khiến tôi giật thót cả người. Nhưng nơi này là góc khuất, tôi không biết chuyện gì vừa xảy ra. Sau đó là tiếng la hét, tiếng bước chân người chạy, tiếng kim loại vang lên… Tôi buộc phải đưa tay ấn giữ lồng ngực trái của mình để trái tim đang nhảy thon thót trong đó khỏi phải bị văng ra ngoài. Hai chân cũng bắt đầu run rẩy. Cả người tôi “căng” như sợi dây đàn.
– Công tử… – Tiếng la của Hải vang lên.
Hải đến rồi. Tôi căng thẳng ngồi yên một chỗ, đằng sau lưng tôi không ngừng vang lên tiếng các thanh kiếm va vào nhau, tiếng la hét, tiếng chân dẫm mạnh lên mặt đất, tiếng đánh đấm… Một loạt các âm thanh hỗn độn. Tôi sợ hãi co rúm người lại, chỉ mong Trịnh Khải bình an.
Một lát sau, không gian lại im lặng như tờ. Tôi ngẩng đầu lên nghe ngóng nhưng không có một tiếng động nào. Cố gắng đứng dậy, chân run lẩy bẩy, tôi đi từng bước vòng ra bên ngoài bức tường xiêu vẹo.
– Á… – Tôi hét thất thanh khi thấy ngay trước mắt mình một xác người nằm sấp, trên lưng anh ta vẫn còn cắm một thanh kiếm.
Trịnh Khải nghe tiếng la của tôi thì hốt hoảng chạy đến:
– Đinh Thanh…
Không chỉ sương đêm lạnh mà trong lòng cũng lạnh ngắt, hai tay run rẩy, hai chân muốn quỵ xuống nhưng Trịnh Khải đã nhanh tay lao đến ôm trọn cả người tôi, giữ cho tôi đứng vững. Tôi tựa vào người anh, áp mặt vào cổ anh, liên tục thở mạnh. Trịnh Khải vỗ nhẹ vào lưng tôi, giọng trầm thấp:
– Đừng sợ, đã có ta.
Trịnh Khải vừa ôm tôi vừa vỗ nhẹ vào lưng tôi, anh vẫn liên tục nói thầm bên tai tôi cho đến khi tôi bình ổn được tâm trạng của mình. Tôi cố trấn tĩnh bản thân, mở miệng hít vào một hơi thật sâu, đầu óc cũng tỉnh táo hơn. Đưa hai tay ôm lấy anh, tôi vùi mặt vào ngực anh, thầm cảm ơn trời đất vì anh vẫn còn sống.
Một tay Trịnh Khải đỡ lưng tôi, một tay vuốt má tôi, ánh mắt anh đầy lo lắng nhìn tôi:
– Đinh Thanh, nàng có thể đi được không?
Tôi gật đầu, anh nói tiếp:
– Chúng ta rời khỏi đây thôi.
Trịnh Khải xoay người, một tay anh vẫn đỡ lưng của tôi, chúng tôi đi chầm chậm về phía con đường mòn. Trên mặt đất đã được dọn sạch sẽ, không còn xác chết hay vũ khí nào. Có lẽ Hải đã tranh thủ thu dọn chiến trường trong lúc Trịnh Khải vỗ về tôi, còn việc anh ta giấu những cái xác và vũ khí vào nơi nào thì tôi không muốn tìm hiểu.
Lúc ra đến con đường mòn thì tôi có cảm giác bước chân của Trịnh Khải chậm hơn, anh cứng nhắc bước từng bước. Tôi bừng tỉnh, trời ơi, sao tôi lại không nghĩ đến, có lẽ Trịnh Khải đã bị thương.
– Chàng bị thương rồi? – Tôi dừng lại, nhìn thẳng vào mắt anh mà hỏi.
Trịnh Khải sững người nhìn tôi rồi lắc đầu, anh nói:
– Không sao, chỉ là vết thương ngoài da.
– Ở đâu? – Tôi nói với giọng cương quyết. – Ở chân phải không?

Trịnh Khải khẽ thở dài:
– Chân trái có lẽ bị trật khớp thôi, không sao cả.
– Ở đâu nữa? – Tôi nhíu mày hỏi anh.
– Bên vai trái. – Trịnh Khải trả lời bằng giọng thản nhiên.
Hèn gì Trịnh Khải chỉ dùng một tay để đỡ người tôi. Tôi đưa tay chạm lên vai trái anh, lớp áo bông bị rách một đường lớn, từ bên trong có một chất lỏng âm ấm đang thấm dần ra lớp vải. Là máu. Tôi giật mình rụt tay lại, Trịnh Khải thấy vậy thì khẽ cười:
– Nàng đừng lo, chỉ bị rách áo thôi. – Tay phải Trịnh Khải nắm chặt tay tôi. – Đi thôi, ra xe ngựa đã.
Lúc này Hải đã kéo xe ngựa ra con đường mòn, tôi không muốn Trịnh Khải bị thương mà còn phải đỡ lấy người mình nên gọi Hải đến đỡ anh, còn tôi thì leo lên xe ngựa trước. Bên trong xe ngựa kín gió nên có chút ấm áp, khác hẳn với bên ngoài lạnh buốt. Trịnh Khải và tôi ngồi trong xe, Hải ngồi bên ngoài đánh xe.
Tôi lo lắng cho vết thương trên vai của Trịnh Khải, bắt anh cởi lớp áo bông bên ngoài ra để kiểm tra thương tích. Nhưng Trịnh Khải lại đưa tay phải kéo tôi sát vào người anh, đầu anh gác lên một bên vai tôi, giọng nói trầm thấp sát bên tai:
– May mà nàng vẫn bình an. Nàng không biết ngay khoảnh khắc tiếng nổ đầu tiên vang lên ta đã rất lo sợ nàng sẽ gặp nguy hiểm.
Không hiểu sao sau khi nghe thấy lời thổ lộ của Trịnh Khải thì nước mắt của tôi lại tuôn rơi không ngừng, từng giọt chảy dài hai bên má. Đêm nay thật đáng sợ, tôi chưa từng nghe tiếng súng nổ, chưa từng ngửi mùi thuốc súng, chưa từng thấy người bị giết, chưa từng sợ hãi như vậy… Tôi khóc nấc lên từng tiếng, nghe tim của mình đang co thắt từng cơn một nhưng lại có cảm giác nhẹ nhõm. May mắn, người nằm dưới đất kia không phải Trịnh Khải.
Trịnh Khải nghe tiếng tôi khóc thì hốt hoảng, sau đó lại vỗ nhẹ vào lưng tôi, an ủi:
– Đã ổn rồi.
Tôi gật đầu, tay cố lau đi nước mắt đang rơi trên mặt.
– Chàng cởi áo ra đi, vết thương phải được băng bó. – Tôi nhớ lại vết thương vẫn đang rỉ máu của Trịnh Khải.
– Nàng nghe lời ta, chỉ là vết thương nhỏ. – Trịnh Khải nói bằng giọng nhẫn nhịn.
– Không, dù nhỏ cũng phải băng bó. – Tôi cắn môi, kiên quyết nói.
Trịnh Khải lại khẽ thở dài, anh nói:
– Nàng đừng nhìn vết thương không lại bị ám ảnh. Lát nữa ta sẽ để Hải băng bó.
Tôi lắc đầu, đang định nói tiếp thì nghe tiếng một người quát lớn từ bên ngoài, xe ngựa cũng dừng hẳn.
– Ai kia? Đi đâu giờ này? – Giọng của một người đàn ông, có lẽ là lính tuần tra.
Tôi thót tim nhìn Trịnh Khải, anh ra hiệu là cứ im lặng. Sau đó tôi nghe tiếng Hải nhảy xuống xe ngựa nói với tên lính tuần tra kia:
– Quan…
Bịch. Tiếng người bị ngã ra đất. Tôi hốt hoảng kéo rèm ra thì thấy tên lính tuần tra đã bị Hải đánh ngất nằm một bên đường. Hải lại nhảy lên xe ngựa, xe tiếp tục chạy. Tôi buông tay thả rèm lại như cũ rồi ngồi vuốt ngực, đêm nay trái tim bé nhỏ của tôi đã bị hành hạ liên tục. Trịnh Khải khẽ cười rồi nói nhỏ với tôi:
– May mà chỉ có một tên lính. Bọn còn lại chắc là trốn việc ngủ say sưa rồi.
Xe ngựa dừng lại trước cổng phủ, cả ba chúng tôi đều xuống xe. Hải đem xe ngựa đi cất, Trịnh Khải nhìn tôi một lượt từ trên đầu xuống dưới chân rồi mới lên tiếng:
– Nàng vào trong nhà rồi cố gắng ngủ một giấc. Từ nay về sau không được tự ý hành động như tối nay nữa.
Tôi cắn môi gật gật đầu rồi hỏi lại:
– Còn chàng? Chàng còn chưa băng bó vết thương.
Trịnh Khải khẽ thở dài, giọng nói có chút không kiên nhẫn:
– Nàng mau vào trong đi.
– Nhưng… – Tuy là tôi mệt mỏi lắm rồi nhưng vẫn cứng đầu không chịu đi vào nhà.

Hải đến bên cạnh từ lúc nào, anh ta nói với tôi:
– Tiểu thư đừng lo, tôi sẽ băng bó giúp công tử rồi hộ tống người trở về nơi kia an toàn.
Nghe Hải nói xong tôi mới cảm thấy an tâm, trước khi quay người còn cố dặn dò:
– Chàng cẩn thận.
Trịnh Khải gật đầu. Tôi gõ ba tiếng vào cánh cửa gỗ, ngay lập tức cánh cửa mở ra, Gạo hốt hoảng kéo tay tôi vào trong.
– Tiểu thư, sao giờ người mới trở về? Người làm em lo muốn chết. – Cô bé cầm lấy tay tôi rồi nói tiếp. – Cả người tiểu thư sao lại lạnh ngắt thế này?
Tôi không đủ sức lực để giải thích, chỉ gật đầu với Gạo, cô bé thấy vậy cũng không gặng hỏi. Sau khi trở về phòng, Gạo thắp lên một ngọn đèn nhỏ, cô bé cầm đèn soi trên người tôi rồi xém chút đã la to thành tiếng:
– Tiểu thư, người bị thương sao?
Lúc này dưới ánh đèn tôi mới thấy rõ áo của mình bị nhiễm nguyên một mảng lớn màu đỏ thẫm. Trên bàn tay của tôi cũng có những vết máu đã khô. Tôi lắc đầu trả lời Gạo một cách mệt mỏi rồi đưa tay cởi áo bông ra. Gạo thấy áo trong của tôi không dính máu mới thở phào nhẹ nhõm. Sau khi thay áo váy, rửa mặt và tay chân bằng nước ấm, tôi leo lên giường, trùm kín người bằng chiếc mền bông nặng trịch. Cả người rã rời từ từ chìm vào giấc ngủ.
***
Máu. Máu đỏ chảy đầy mặt đất. Máu dính khắp tay tôi, khắp người tôi. Trịnh Khải đứng nhìn tôi, gương mặt anh trắng bệch, máu từ vai anh chảy ra không ngừng. Tôi đưa tay muốn bịt kín vết thương đang chảy máu trên vai anh thì lại thấy một thanh kiếm đã đâm xuyên qua người anh từ lúc nào. Tôi la lên thất thanh rồi vùng người dậy.
Ra chỉ là một giấc mơ. Tôi đưa tay sờ lên trán mình, lấm tấm mồ hôi và nóng hổi. Cổ họng khản đặc không cất tiếng được, tôi đành thả chân xuống giường, chưa kịp mang giày thì Gạo đã đẩy cửa phòng vào.
– Tiểu thư, người không sao chứ? – Cô bé đặt chậu nước nóng lên bàn rồi chạy đến giúp tôi mang giày.
Tôi thều thào, giọng khàn khàn:
– Chị muốn tắm. Em đi nấu nước nóng đi.
Gạo rót một ly nước ấm mang đến cho tôi uống, chờ tôi uống từng hớp nước xong rồi cô bé mới lên tiếng:
– Mới sáng trời lạnh lắm hay tiểu thư để trưa nắng rồi tắm?
– Không. Chị muốn tắm ngay. – Giọng tôi vẫn khàn khàn.
Gạo đưa tay sờ trán tôi rồi hốt hoảng:
– Tiểu thư, người bị sốt rồi, không thể tắm được. Tiểu thư nằm xuống nghỉ ngơi đi, em đi báo cho phu nhân biết.
Tôi kéo tay Gạo lại, giọng kiên quyết:
– Chị muốn tắm, em không đi nấu nước nóng thì chị sẽ tắm bằng nước lạnh.
Gạo thở dài rồi đáp:
– Dạ, để em xuống nói nhà bếp nấu nước nóng cho tiểu thư. Người nằm nghỉ đi.
***
– Tiểu thư… Người tắm xong chưa? – Giọng của Gạo lo lắng từ bên ngoài cửa vọng vào.
Tôi không trả lời, tay liên tục chà xát thật mạnh vào da thịt trên người, lớp da vì nước nóng và vì bị chà mạnh mà ửng đỏ. Sau khi chà lui chà tới không dưới mười lần, nước nguội dần, sức lực cũng cạn kiệt, tôi mới đứng dậy mặc áo váy rồi mở cửa. Gạo hốt hoảng chạy vào mặc giúp tôi thật nhiều lớp áo ấm, dùng khăn lau tóc rồi đỡ tôi đi về phòng.
Vừa vào đến phòng đã thấy Đinh Ngọc đang ngồi trên ghế uống trà, bên cạnh bàn đặt một chậu than lớn, cả phòng nhờ thế mà cũng ấm áp hẳn. Đinh Ngọc thấy tôi thì đứng dậy, kéo tôi ngồi vào giường, chị vừa dùng khăn lau khô tóc tôi vừa trách móc:
– Em bị sao vậy? Tự dưng sáng sớm lại đòi tắm?

Gạo mang chậu than đến đặt gần giường của tôi rồi mách lẻo với Đinh Ngọc:
– Tiểu thư Đinh Thanh còn tắm rất lâu nữa, làm em sợ tiểu thư ngất ở trong đó rồi.
Tôi gượng cười với Đinh Ngọc rồi nói:
– Em mệt quá, chỉ muốn ngủ.
Đinh Ngọc nghe thấy thì lắc đầu nhưng không cho tôi nằm xuống, chị nói:
– Đợi một lát, nhà bếp nấu xong cháo rồi, ăn một ít, uống thuốc rồi ngủ.
Dưới sự cưỡng ép của Đinh Ngọc, tôi nuốt được một chén cháo, uống một chén thuốc đắng nghét rồi mới được ngủ. Mặc dù cơ thể mệt mỏi vô cùng nhưng chỉ cần nhắm mắt lại là nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng gươm kiếm va chạm, tiếng người la hét… Tôi không thể ngủ được, chỉ nhắm mắt nằm đợi Đinh Ngọc đi rồi mới mở mắt. Gạo vẫn còn ở lại trong phòng, tôi vẫy tay cô bé đến gần:
– Em đi tìm Hải xem thử hắn có bị thương tích ở đâu không?
Gạo dạ một tiếng rồi đi ra ngoài, khép cửa phòng lại. Tôi nhắm mắt lại, giấc ngủ chập chờn. Đến khi tôi tỉnh giấc thì thấy Gạo đang ngồi bên giường chất thêm than mới. Cô bé thấy tôi tỉnh thì cúi người nói thầm vào tai tôi:
– Tiểu thư an tâm, Hải không bị thương tích gì cả. Hắn ta nhắn với tiểu thư là công tử trở về bình an vô sự.
Tôi khẽ nhắm mắt rồi lại mở mắt, trong lòng bình ổn dần.
Lần này tôi bị bệnh nằm trên giường đến mười ngày mới khỏi, đêm nào cũng lên cơn sốt nhưng không gặp lại cơn ác mộng kinh hoàng đó nữa. Sau khi người khỏe lại thì suy nghĩ cũng thông suốt hơn.
Ngay thời điểm đưa ra quyết định sẽ ở bên cạnh Trịnh Khải, tôi cũng đã biết là phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc xảy ra tối hôm đó chính là nếu không giết người thì sẽ bị người giết mình. Trịnh Khải đang gặp nguy hiểm, tôi không thể trở thành gánh nặng cho anh được, tôi phải trở nên mạnh mẽ hơn.
Một ngày Đinh Ngọc và Gạo cùng ra phố mua sắm ít đồ, tôi ngồi ở bàn đá dưới cây lựu rồi gọi Hải đến hỏi một loạt câu hỏi:
– Công tử có khỏe không? Vết thương đã lành chưa? Công tử ở trong đó có gặp nguy hiểm hay không?
Hải kiên nhẫn chờ tôi nói xong mới từ tốn trả lời:
– Thưa tiểu thư, công tử vẫn khỏe, vết thương của người đã lành. Công tử ở trong đó rất an toàn.
Đúng vậy, chỉ cần suy nghĩ thấu đáo sẽ thấy được Trịnh Khải ở trong đó rất an toàn, tuy là nhà giam nhưng có lính canh trong canh ngoài, hơn nữa quận công sẽ không để Trịnh Khải gặp nguy hiểm nếu không muốn mang tội danh vào người.
– Ngươi gặp được công tử? – Tuy biết là Hải không thể vào gặp được Trịnh Khải nhưng tôi vẫn hỏi.
– Thưa không, một tên lính canh nói cho tôi biết.
– Có phải tên lính bị mất tích ngày hôm đó? – Tôi nhíu mày hỏi tiếp.
Hải lắc đầu. Anh ta nói tối hôm đưa Trịnh Khải trở lại ngôi nhà đó thì mới gặp được tên lính canh này, còn tên lính canh bị mất tích vẫn chưa thấy tăm hơi.
Nghe qua Hải nói là tôi có thể đoán được trong số những tên lính canh ở ngôi nhà ba gian đó có vài ba tên lính nghe lệnh của Trịnh Khải, nhưng có thể bọn họ không biết được nhau. Điều này chỉ có thể giải thích là Trịnh Khải muốn giảm thiểu sự nguy hiểm cho nên để người dưới quyền của mình hoạt động riêng rẽ và không biết đến những người còn lại. Nhờ vậy mà một người bị bắt hoặc có ý đồ phản bội thì hắn chỉ biết được rất ít và những người khác sẽ vẫn được an toàn. Có lẽ đây là bài học mà anh rút ra được sau vụ án năm Canh Tý.
Sau khi an tâm về thương tích của Trịnh Khải, tôi bắt đầu đặt ra các nghi vấn về buổi tối hôm đó, vấn đề lớn nhất chính là:
– Tối hôm đó là ai âm mưu sát hại công tử?
Hải im lặng, mắt anh ta toát ra tia khó xử. Tôi đoán:
– Là Tuyên phi?
Ánh mắt Hải khẽ lóe sáng rất nhanh nhưng tôi đã kịp nhìn thấy, anh ta vẫn im lặng. Tôi khẽ thở dài, Tuyên phi đã tìm đủ mọi cách để bêu xấu danh tiếng của Trịnh Khải, làm rạn nứt tình cảm cha con vốn đã lạnh nhạt của anh và chúa thượng, bà cũng đã thành công trong việc truất ngôi thế tử của anh, vậy tại sao bà vẫn còn muốn anh chết? Tôi ngẩng đầu, mặt lạnh băng hỏi tiếp:
– Tại sao?
– Chúa thượng gần đây bệnh nặng chỉ có thể nằm một chỗ, ngôi vị thế tử vẫn còn bỏ trống… – Hải không nói hết câu.
Tôi hít vào một ngụm khí lạnh, trong lòng không ngừng ảo não. Lại vẫn là ngôi vị thế tử kia, tuy Trịnh Khải còn đang bị giam lỏng nhưng anh vẫn là hiểm họa đối với cái ghế mà Tuyên phi đã nhắm trúng. Nếu như Trịnh Khải không ra ngoài thì làm sao Tuyên phi có thể hại được anh? Như vậy chắc chắn có kẻ đã làm lộ thông tin, người đó có lẽ là tên lính canh bị mất tích. Và còn mẩu giấy đó, ngày hôm ấy tôi còn chưa kịp hỏi Trịnh Khải.
– Ngươi có biết thêm gì về chuyện xảy ra tối hôm đó không? – Tôi hỏi Hải bằng giọng kiên quyết.
Hải cúi đầu nhìn nền gạch suy nghĩ trong giây lát rồi ngẩng đầu nhìn tôi mà trả lời:
– Súng ngày hôm đó là súng của lính canh giữ cổng thành. Mấy hôm sau ở cổng thành phía Tây có tin lộ ra là bị mất một cây súng, có lẽ nó từ đó mà ra. Bọn chúng không thể dễ dàng lấy được, chắc chắn có người đưa cho chúng.
Tôi gật đầu. Hải nói tiếp:

– Họ phải biết chắc chắn công tử sẽ xuất hiện nên mới muốn dùng súng để gia tăng khả năng thành công sát hại người nhưng không nghĩ đến là tên bắn súng lại không thể ngắm trúng được.
Súng ở thời này thì tôi đã có lần nhìn thấy ở trấn Sơn Nam, nó tuy nguy hiểm nhưng khó sử dụng và hầu như không thể dùng được trong trường hợp cự ly gần. Cho nên hôm đó Trịnh Khải đã không kéo tôi bỏ chạy mà chờ chúng đến gần để tấn công.
Một người hầu đi ra sân sau, chị ta thấy tôi và Hải thì có vẻ ngạc nhiên nhưng rất nhanh cúi đầu đi về phía nhà bếp. Gió lạnh thổi qua từng đợt, tôi kéo chiếc áo bông sát vào người rồi hỏi:
– Ngươi có biết tin gì về Dự Vũ?
Tôi có thể đoán được là Dự Vũ gặp nguy hiểm nên đưa mẩu giấy là muốn nhờ tôi nhắn tin cho Trịnh Khải không đến chỗ hẹn. Chỉ là không ngờ tôi không liên hệ được với Trịnh Khải nên tự mình đến chỗ hẹn. Tối hôm đó anh ta cũng không xuất hiện, liệu anh ta có nguy hiểm về tính mạng hay không?
Hải lắc đầu, anh ta nhìn quanh sân một lượt mới trả lời:
– Tôi đoán Dự Vũ đang bị theo dõi nên mới đưa mẩu giấy cho tiểu thư. Có lẽ vài tháng tới anh ta sẽ ẩn trốn cho đến khi an toàn mới xuất hiện.
Tôi còn chưa kịp hỏi tiếp thì giọng của Gạo vang lên:
– Tiểu thư Đinh Thanh.
Đinh Ngọc và Gạo đang đi về phía tôi, tôi khẽ gật đầu với Hải. Anh ta hiểu ý nhưng trước khi đi ra còn nhìn tôi bằng ánh mắt thắc mắc:
– Tối đó, lúc kéo xác bọn chúng, tôi phát hiện có một tên bị cắm một con dao rất nhỏ trên mắt phải. Con dao đó có phải là của tiểu thư?
Nghe Hải nói mà tôi trố mắt ngạc nhiên, không thể ngờ được con dao cắt chỉ thường ngày mà tôi tưởng rằng hầu như không có sức sát thương nhưng khi rơi vào tay Trịnh Khải lại nguy hiểm như vậy. Tôi cứng nhắc gật đầu, Hải có được câu trả lời thì nhanh chân đi ra ngoài.
Ra vậy, hôm đó Trịnh Khải phóng dao hạ được một tên nên mới có thể tay không đánh với hai tên còn lại và cầm cự cho đến khi Hải đến giúp đỡ.
– Em nói gì với hắn ta vậy? – Đinh Ngọc đến ngồi cạnh bên tôi, chị nhìn tôi mà hỏi.
Tôi quay qua mỉm cười, đưa tay ôm lấy một cánh tay của chị:
– Chị ra phố có mua được nhiều đồ không? Cho em xem thử.
Đinh Ngọc đưa một ngón tay gí vào trán tôi, chị cười:
– Em càng ngày càng nhiều bí mật nghe. Thật sự không muốn nói cho chị biết sao?
Không phải không muốn nói mà là không thể nói. Tôi lắc đầu rồi cười cười:
– Chỉ là vài chuyện nhỏ thôi, em có thể giải quyết được. – Nói rồi tôi kéo tay chị đứng dậy. – Mau vào trong phòng thôi, em lạnh cóng cả người rồi.
Đinh Ngọc khẽ lắc đầu rồi chiều theo ý tôi, đến khi vào trong phòng, chị và Gạo bày ra các món mua được ngoài phố, trong đó có mấy cây trâm cài đầu bằng bạc và vài khúc vải mới. Chúng tôi cùng bàn luận xem nên may váy màu nào, áo màu nào thì đẹp. Đang cười cười nói nói rất vui vẻ thì Gạo chợt thốt lên:
– A, em quên mất. Tiểu thư Đinh Thanh, ban nãy ở ngoài cổng em gặp bà mối đến hỏi cưới tiểu thư.
– Thật sao? – Tôi hốt hoảng cầm tay Gạo hỏi lại.
Gạo có chút giật mình nhưng cũng thành thật trả lời:
– Dạ, tiểu thư Đinh Ngọc làm chứng cho em. Lúc em và tiểu thư Đinh Ngọc vừa xuống xe thì gặp một bà mối vừa từ trong nhà đi ra. Bà ấy còn đến chào hỏi tiểu thư Đinh Ngọc nên em mới biết là bà ta đến hỏi cưới tiểu thư.
Tôi quay qua nhìn Đinh Ngọc thì chỉ thấy chị gật đầu. Đinh Ngọc cầm tay tôi rồi nói rất nhỏ nhẹ:
– Đinh Thanh, lần trước cha mẹ hủy hôn khiến em bị mang tiếng xấu. Lần này chắc chắn cha mẹ sẽ suy nghĩ cẩn thận, hơn nữa chị nghe được người kia cũng tốt.
– Em không muốn. – Tôi lắc đầu.
Đinh Ngọc khẽ thở dài:
– Đinh Thanh, em đã sắp quá tuổi gả chồng rồi. Mấy hôm trước chị có nói với mẹ, đúng là gần đây mẹ hơi lơ là việc kén chồng cho em nhưng cũng không thể kéo dài mãi được.
Trời ơi, tôi thực sự muốn mẹ cả cứ lơ là việc kén rể mãi cũng được, hơn nữa Đinh Thanh lúc này chỉ mới mười chín tuổi thôi mà. Nhìn thấy mặt tôi nhăn nhó, Đinh Ngọc lại tiếp tục khuyên nhủ:
– Cha mẹ nhất định sẽ chọn người tốt để gửi gắm em. Em đừng lo lắng.
Tôi thở dài. Đinh Ngọc có lẽ không biết được tiêu chuẩn chọn rể của quận công nên mới nói vậy. Đúng là quận công sẽ chọn con rể có tài có đức để gả con gái mình đi nhưng không phải anh chàng nào có tài có đức đều được, tốt nhất chính là nhà thông gia phải có giá trị trong việc củng cố quyền lực chính trị của ông.
– Lần này sẽ là con trai của nhà nào đây? – Tôi bất mãn hỏi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.