Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 36: Cổ Cầm
Sáng sớm vừa bước ra khỏi phòng thì Đình Khuê đã đứng sẵn trước cửa chờ tôi.
– Đinh Thanh, em thua cược rồi. – Nói xong thì ngẩng đầu cười rất sảng khoái.
Tôi nhìn thấy cũng cười theo, rất thoải mái nói:
– Yêu cầu của anh là gì?
– Đi rồi anh sẽ nói yêu cầu. – Đình Khuê nháy nháy mắt.
Tôi và Đình Khuê ngồi xe ngựa ra phố, đến thẳng một quán trà hai lầu có tên “Cổ Cầm”. Đình Khuê phóng khoáng đi trước, tôi đi ngay theo sau lên lầu trên, đến ngồi ở một bàn tròn bên cạnh cửa sổ có che rèm trúc. Trong gian phòng được kê khoảng tám chiếc bàn như vậy, ánh sáng yếu ớt từ ngoài cửa xuyên qua các kẽ hở của rèm trúc chiếu vào tạo cảm giác huyền ảo. Một người phục vụ đến hỏi món uống, Đình Khuê gọi một ấm trà sen, một đĩa bánh đậu xanh nướng.
– Anh Khuê, sao họ không kéo rèm lên cho sáng sủa? – Tôi đem thắc mắc nãy giờ ra hỏi Đình Khuê.
Đình Khuê chỉ cười, không trả lời. Rất nhanh trà và bánh được mang ra, quán cũng bắt đầu ngồi chật kín các bàn. Đình Khuê thong thả rót trà vào chén nhỏ đưa cho tôi, lại rót riêng ình một chén đem lên miệng uống.
Tùng tùng tùng…
Một loạt tiếng trống vang lên, không lớn không nhỏ, rất có nhịp điệu. Hai người đàn ông, một ôm đàn đáy, một ôm trống nhỏ lên ngồi lên chiếc chiếu đã trải sẵn trên sạp gỗ. Đèn lồng đủ màu sắc quanh sạp gỗ cũng được đốt lên tạo thành một sân khấu nhỏ lung linh.
Tiếng trống lên trước, tiếng đàn theo sau, tịch tình tinh… tình… tình…
Tiết tấu chậm rãi, tiếng phách cũng nhịp nhàng mà gõ theo. Một giọng hát trong veo vang lên từ sau màn trúc:
“Ngũ canh tể tướng triều kim khuyết
Bán dạ tướng quân xuất Ngọc Quan
Thôi thì thôi danh lợi bất như nhàn
Riêng một cuộc giang san tùng cúc…”
Một thiếu nữ vừa hát vừa bước ra từ màn trúc, dáng người mềm như lụa, gương mặt tròn trịa, trắng hồng. Nàng ta vừa hát vừa đong đưa đôi mắt trong suốt, có lúc như là đang nhìn khách ngồi nghe hát ở dưới nhưng cũng có lúc như là đang nhìn đến một khung trời ảo vọng xa xôi nào đó. Tiếng hát vẫn chậm rãi, lúc lên cao, lúc trầm thấp, êm ái tựa như dòng suối:
“… Cười cợt yên hà thơ mấy khúc
Dọc ngang kim cổ rượu vài chung
Vẫy vùng vui, phong nguyệt buông tung
Chẳng khanh tướng cũng ngang tàng trong vũ trụ…”
Nàng ta nhấc váy bước lên bậc thang nhỏ lên sạp gỗ, lại đến chính giữa chiếu mới ngồi xuống, tư thế như một cành liễu rũ, hết sức mềm mại, vừa hát vừa gõ phách. Đến khi câu hát cuối cùng kết thúc, tiếng đàn cũng ngưng, không gian trong phòng bỗng im bặt.
Tôi nhìn qua thấy Đình Khuê đang sững người, ánh mắt dán vào đào nương đang ngồi nhoẻn miệng cười trên kia. Tôi lại nhìn qua các bàn khác, hồn của họ dường như đã bay xa rồi. Tôi hắng giọng, đưa tay vỗ bộp bộp phá vỡ không khí im lặng. Mọi người dường như vừa được tỉnh mộng, tiếng vỗ tay mới bắt đầu vang lên, tiếng khen ngợi, tiếng cười nói ồn ào một hồi.
– Anh Khuê, bài hát này có tên gì vậy?
Đình Khuê quay qua nhìn tôi:
– “Danh chẳng bằng nhàn”. Giờ thì em đã hiểu tại sao không kéo rèm lên chưa?
Tôi gật đầu như một cái máy. Đình Khuê cười khẽ một cái rồi quay người nhìn lên sân khấu, trên đó đào nương sau khi nhận được sự tán thưởng của mọi người thì chuẩn bị hát bài tiếp theo. Tiếng trống, tiếng đàn và tiếng gõ phách lại nhịp nhàng mà vang lên, từng âm từng điệu nghe mộc mạc mà tha thiết:
“… Buổi chiều hôm bóng nhạn về thưa
Lúc chập tối thuyền ngư đỗ bến
Tín tức ngư nhân hoàn phiếm phiếm
Thanh thu yến tử cố phi phi
Sông sâu sóng vỗ đá tri tri
Bóng trăng tỏ, mây đi, trời cao nhất
Người đắc thú ngâm câu cổ luật
Khách đa tình hát khúc trường ca…”(Thu muộn)
Tôi tựa người vào vách xe ngựa, từng câu từng chữ trong bài hát của nàng đào nương ở Cổ Cầm vẫn nghe thấy bên tai. Nhìn qua Đình Khuê ngồi đối diện, thấy anh đang nhắm mắt, có vẻ thân xác thì ngồi ở đây nhưng tâm hồn thì đang treo lơ lửng ở đâu đó. Tôi huơ huơ tay trước mặt anh:
– Có phải hồn vía của anh bị bay mất rồi không?
Đình Khuê mở mắt, sau đó hiểu được ý của tôi thì cười lớn. Tôi thắc mắc:
– Sao anh biết quán đó?
– Hôm trước một người bạn của anh ở kinh thành đưa đến mới biết, lần này đi với em là lần thứ hai. – Đình Khuê trả lời.
Tôi gật gù rồi hỏi yêu cầu của anh là gì? Nghe hát cũng đã xong, đừng nói anh bắt tôi hát lại là được. Nhưng không ngờ đến Đình Khuê lại đưa ra yêu cầu:
– Hôm khác lại đi cùng anh nghe hát?
Tất nhiên là tôi hoàn toàn đồng ý, không giỏi âm nhạc không có nghĩa là không thích nghe hát, hơn nữa đây có thể coi là một phương thức giải trí tốt trong những ngày nhàm chán thế này.
Sau lần đó, tôi và Đình Khuê có thêm hai lần đến quán Cổ Cầm nghe hát. Đình Khuê giống những quan lại và quý tộc ở thời này, rất yêu thích nghe hát ả đào. Tôi còn nghe được chúa thượng rất thích ca trù, ngài còn viết nhạc và gõ trống rất giỏi.
Nhờ Đình Khuê tôi biết được khá nhiều về hát ca trù hay còn gọi là hát ả đào. Nếu như trước đây, ca trù chỉ để dành cho các phường hát, hát ở các ngôi đình trong lễ hội hay những ngày trăng tròn thì lúc này, ca trù đã trở thành một hình thức giải trí dành cho giới quý tộc. Thậm chí nhà các quan lại, tướng quân còn nuôi hẳn đào nương trong nhà, gọi là ca kỹ, sẽ hát múa cho chủ nhà và khách đến chơi thưởng thức.
Huy quận công một là thường ngày quá bận rộn, hai là mẹ cả chỉ thích đàn nguyệt, không thích nghe hát ả đào nên trong nhà không nuôi ca kỹ. Quận công thỉnh thoảng sẽ có đến nhà Hữu tham quân Nguyễn Hữu Chỉnh để nghe hát. Đình Khuê nói rằng lúc nhỏ anh còn được Nguyễn Hữu Chỉnh dạy cho âm luật.
Không nhắc thì thôi, nhắc đến Nguyễn Hữu Chỉnh là tôi lại có cảm giác bất an trong lòng. Tuy rằng Đình Duệ đã nói ông ta không có khả năng phản bội lại quận công nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn không thể an tâm được. Thở dài, cố gắng tự trấn an mình, tôi hi vọng là mình nhớ sai hoặc lịch sử có sự ghi chép nhầm lẫn.
***
Sau mười ngày, Đình Duệ và Đình Khuê được gọi vào cung vua để nhận chức. Đình Duệ tiếp tục nhiệm vụ ở lại trấn Sơn Nam, giữ chức Tổng lĩnh, tăng thêm hai bậc phẩm hàm. Đình Khuê làm Chỉ huy Thiêm sự, thuộc hàng Chánh ngũ phẩm, trong vòng một tháng trở về thành Phú Xuân nhậm chức.
Đình Khuê trở về từ cung vua liền lôi kéo tôi đi Cổ Cầm nghe hát. Tuy rằng tôi đi nghe hát ả đào với Đình Khuê cũng được ba lần rồi nhưng với khả năng âm nhạc kém như tôi thì chỉ có thể nghe, không thể bình luận được. Đình Khuê thì khác, mỗi lần trở về từ quán Cổ Cầm anh đều có thể ngâm nga lại bài hát trong lúc ngồi trên xe ngựa, còn bình phẩm câu này hay, ý kia thật tuyệt.
Nhưng lần này trở về từ quán Cổ Cầm, Đình Khuê không hát nữa, anh trầm lặng ngồi yên trên xe ngựa. Ánh sáng đèn lồng từ ngoài đường và treo trước xe ngựa chiếu vào mờ ảo khiến gương mặt anh đang đăm chiêu thêm phần u ám. Tôi lên tiếng phá vỡ bầu không khí quái dị:
– Anh Khuê, có phải hôm nay họ hát dở quá không? Lần sau yêu cầu đào nương không hát mấy bài buồn như thế nữa.
Đình Khuê nghe thấy thì mặt giãn ra, sau hé một nụ cười rồi nói với tôi:
– Thực ra anh thích cuộc sống như vậy, ngày ngày yên ổn, rảnh có thể đến nghe hát, vui thì hát bài hát vui, buồn lại hát bài hát động viên.
Đột nhiên không hiểu Đình Khuê đang ám chỉ điều gì, tôi chỉ cảm thấy một nỗi buồn vô hình đang dâng lên. Đình Khuê im lặng một hồi mới nói tiếp:
– Mai anh trở về thành Phú Xuân rồi.
– Nhanh như vậy sao? – Tôi không nghĩ là anh nhanh như vậy đã trở về rồi.
– Ừm, chiều nay anh đã nhận chức Thiêm sự, anh phải trở về Phú Xuân nhậm chức. Cha anh còn đang đợi. – Đình Khuê nghiêng người đến gần, nói vào bên tai tôi. – Nể tình em hay theo anh đi nghe hát, anh nói cho em bí mật của anh.
Tôi gật đầu, hít vào một hơi thật sâu. Đình Khuê khẽ cười, mặt nghiêm túc mà nói:
– Thực ra, anh không thích cầm quân đánh trận, cũng không thích quyền vị.
Tôi trố mắt ra nhìn Đình Khuê, anh vừa nói anh không thích danh lợi, không thích cầm binh đánh trận. Vậy tại sao anh lại đi thi Võ thí? Đình Khuê nhìn thấy thắc mắc hiển hiện trên gương mặt tôi thì giải thích:
– Từ nhỏ anh đã được dạy võ, được dạy thế nào là chí khí anh hùng, thế nào là báo ơn vua, đền nợ nước. Cha ở chiến trường vô vàn nguy hiểm, các anh trai cũng theo nghiệp binh quyền, anh không thể làm con rùa ở nhà hưởng an nhàn, càng là lúc chiến sự nóng bỏng, anh càng phải góp sức mình giúp đỡ cha.
Sau khi nghe được tâm sự của Đình Khuê, tôi mới thấy được một khía cạnh khác của anh. Đình Khuê không háo thắng và cũng không ham vui như tôi nghĩ, anh chỉ là đang cố tạo một vỏ bọc nhiệt hiết để che đi những trăn trở bên trong.
Đi vào con đường binh quyền này, không phải chỉ là mọi sự đã sắp xếp hay tình huống ép buộc như Đình Khuê nói, tôi biết anh đã phải hạ quyết tâm và cố gắng rất nhiều.
Tôi bỗng nhớ đến tiếng hát của nàng đào nương ở Cổ Cầm, có phải Đình Khuê cũng mong muốn được như vậy:
“Vẫy vùng vui, phong nguyệt buông tung
Chẳng khanh tướng cũng ngang tàng trong vũ trụ”
Xe ngựa đang lọc cọc thì bỗng dừng lại. Tôi kéo rèm hỏi Hải đánh xe ngựa ở trước:
– Có chuyện gì vậy?
– Tiểu thư, tôi nhớ ra ông Lộc nhờ tôi mua ít bánh quế.
– Vậy ngươi đi mua đi.
– Nhưng xe ngựa không tiện đậu ở đây… – Giọng Hải bối rối.
– Để ta đi mua, ngươi đậu xe qua bên kia chờ. – Đình Khuê nói với Hải, rất nhanh đi ra khỏi xe ngựa.
Tôi nhìn qua ô cửa sổ thấy Đình Khuê đang xuyên vào đám đông để băng qua đường, sau đó ngẩng đầu mới phát hiện ra hôm nay trăng tròn rất sáng. Bỗng nhiên tôi muốn ăn bánh phục linh nhưng Đình Khuê đã đi qua khỏi nửa đường, không thể gọi lại được, đành phải tự mình đi mua vậy. Hải thấy tôi đi ra khỏi xe ngựa thì bất ngờ:
– Tiểu thư, người muốn đi đâu?
– Ngươi cứ đánh xe đi, ta muốn đi theo anh Khuê mua thêm ít bánh.
Hải bất đắc dĩ phải đỡ tôi xuống xe ngựa, chân vừa chạm đất tôi nhanh tay xách váy đi theo bóng lưng của Đình Khuê. Ngay khi vừa đi được đến bên kia đường, Đình Khuê đã ở ngay trước mặt, tôi chuẩn bị gọi anh thì đột nhiên bị một bàn tay bịt kín miệng, cả người bị nhấc bổng lên, kéo vào trong một ngõ tối.
Tôi thực sự bị bất ngờ, không thể nghĩ ra được ngay giữa phố mình lại bị bắt cóc thế này. Tôi cố vùng vẫy, trong lòng không ngừng kêu gào: “Đình Khuê, cứu em.”
– Là ta.
Tôi ngừng vùng vẫy, tay của người kia cũng nới lỏng. Giọng nói quen thuộc, mùi hương cũng quen thuộc. Không thể nào? Ngay khi quay người lại, tôi chỉ có thể há hốc miệng:
– Chàng… sao chàng lại ở đây?- Suỵt…
Tôi biết ý, ngậm chặt miệng mình lại. Trịnh Khải nắm lấy bàn tay tôi, kéo vào một ngôi nhà nhỏ ngay trong đường tối. Anh xoay người đóng cánh cửa gỗ lại nhưng vẫn nắm chặt tay tôi. Lúc này nương theo ánh trăng sáng trên đầu, tôi có thể nhìn thấy Trịnh Khải đang mặc một bộ đồ lính tuần. Anh vượt ngục sao? À không, đó cũng không thể coi là nhà ngục.
– Tại sao chàng lại ở đây?
Trịnh Khải không trả lời, chỉ nhìn ra phía sau tôi. Tôi nghi ngờ có ai đứng sau lưng mình nhưng đến khi quay đầu lại thì không có ai, chỉ có một ngôi nhà nhỏ tối tăm đang đóng kín cửa.
– Tại sao chàng lại ở đây? – Tôi lặp lại câu hỏi.
– Ta giả trang làm lính. – Trịnh Khải khẽ cười.
Bất cứ ai có mắt cũng nhìn thấy anh đang mặc đồ lính, câu trả lời như vậy thật thừa thãi. Tôi bèn đổi câu hỏi:
– Tại sao chàng ra được nơi đó?
– Ta nói rồi, ta giả trang làm lính. – Trịnh Khải lại cười mỉm mà trả lời.
Tôi nghi ngờ trí thông minh của anh có vấn đề, hoặc là anh không muốn trả lời câu hỏi của tôi.
– Nàng tìm được cách vào, ta cũng tìm được cách ra. Cho nên nàng đừng hỏi thêm nữa.
Quả nhiên Trịnh Khải không muốn nói cho tôi biết, tôi bĩu môi tỏ vẻ không hài lòng, anh nhìn thấy thì bật cười, đưa tay còn lại chạm vào má tôi, bàn tay to lớn ram rám ấm áp. Ánh mắt sâu hun hút của Trịnh Khải nhìn thẳng vào tôi, giọng thấp trầm:
– Ta cứ đợi nàng mãi.
Trịnh Khải vừa dứt lời tôi đã cảm thấy tim mình rung lên những nhịp đập mạnh mẽ. Một chữ “đợi” thâm sâu ý nghĩa, là bao hàm cả chữ mong và nhớ.
Trong lúc đang băn khoăn không biết nên trả lời thế nào thì Trịnh Khải lại nói:
– Nếu có lần sau nàng cũng đừng đến nữa.
Tôi trố mắt ra nhìn anh, câu trước vừa nói đợi tôi, câu sau đã nói tôi đừng đến, rốt cuộc là anh muốn thế nào đây? Trịnh Khải dường như hiểu ý của tôi, anh cười khẽ:
– Ta sợ nàng đến sẽ gặp nguy hiểm.
Trái tim ấm áp, ruột gan cũng ấm áp, tôi nhoẻn miệng cười với anh. Nếu có gương soi lúc này, tôi đoán có thể nhìn thấy miệng đã được kéo đến tận mang tai.
Trịnh Khải đưa tay vào trong ngực áo lấy ra một cây trâm, hình thù thì tôi không nhìn rõ, anh cài lên mái tóc tôi:
– Nếu nàng sợ cây trâm kia quá quý giá thì cây trâm này lúc nào nàng cũng phải cài trên đầu.
Tôi khẽ gật đầu, có lẽ Trịnh Khải không thấy tôi cài cây trâm ngà voi đính ngọc nên nghĩ rằng tôi ngại nó quý giá mà không dám cài. Quả thật tôi cũng có suy nghĩ như vậy, tuy mang danh là một tiểu thư nhà quan lớn nhưng trâm cài ngà voi quả thật quá phô trương. Hơn nữa, đó lại là vật Trịnh Khải tặng, lỡ như ra đường gặp cướp hay vô tình rơi làm trầy xước hư hỏng thì phải làm sao, không thể được, tôi phải nâng niu, giữ gìn nó.
Tôi đưa tay chỉnh lại cây trâm Trịnh Khải vừa cài lên đầu mới biết nó làm bằng gỗ. Tôi ngẩng đầu nhìn anh, giọng xúc động:
– Là chàng tự tay làm?
Trịnh Khải gật đầu còn tôi vì xúc động mà hai hốc mắt đã dâng đầy nước, chuẩn bị tràn ra ngoài. Từ lúc gặp gỡ Trịnh Khải đến nay, tôi luôn là người được nhận nhiều hơn. Những thứ Trịnh Khải trao cho tôi không chỉ là tín vật, nó còn chứa đựng rất nhiều tâm ý và sự chân thành của anh. Tôi cố hít thở thật sâu để ngăn không cho nước mắt rơi ra thì bỗng nhiên nghĩ đến một vấn đề. Làm sao hôm nay Trịnh Khải biết được sẽ gặp tôi mà mang theo cây trâm này? Không lẽ cây trâm này anh luôn mang theo người sao? Tôi rụt rè hỏi:
– Chàng luôn mang theo nó?
– Ừm. – Trịnh Khải đáp lại. – Ban nãy nàng tính đi mua gì?
Suy nghĩ mất năm giây tôi mới hiểu được câu hỏi của anh, tôi thở dài:
– Thiếp muốn mua ít bánh phục linh nhưng…
Nhưng bị bắt vô đây rồi. Tôi không dám nói ra hết câu. Trịnh Khải lấy từ trong túi áo ra hai quả đào nhỏ, nhét vào tay tôi:
– Lần sau hãy mua bánh phục linh.
Tôi hiểu ý anh, có lẽ lúc này Đình Khuê đã mua bánh xong và đang đi tìm tôi cũng nên. Trịnh Khải quay người mở cổng, tôi bước ra ngoài nhưng vẫn còn luyến tiếc:
– Khải… ừm, chàng sẽ đi đâu?
– Ta sẽ quay trở lại nơi đó.
Trịnh Khải không phải trốn chạy khỏi nhà giam sao? Sao anh lại quay lại nơi đó? Trịnh Khải có lẽ thấy được biểu cảm ngạc nhiên của tôi nên khẽ thở ra:
– Ta sẽ không sao, nàng đừng lo. – Trịnh Khải nhìn ra con đường treo đèn lồng sáng ngoài kia rồi nhìn lại tôi. – Nàng đi đi, cẩn thận.
Tôi gật đầu, nhìn anh một lần nữa rồi chậm rãi quay người đi, chưa được ba bước đã nghe tiếng cánh cổng gỗ đóng lại rất khẽ sau lưng. Tôi đứng lại, quay đầu nhìn cánh cổng gỗ đã khép kín kia, đằng sau nó có lẽ Trịnh Khải vẫn đang đứng ở đó. Ánh trăng sáng mờ mờ chiếu con ngõ nhỏ lặng lẽ, dường như cả thế giới lúc này chỉ còn lại một mình tôi và anh, đứng cách nhau một cánh cửa gỗ.
– Đinh Thanh. – Giọng của Đình Khuê khiến tôi giật mình mà xoay người lại.
Đình Khuê chạy đến chỗ tôi đang đứng, nhìn quanh rồi hỏi:
– Sao em lại ở đây?
Tôi lấy giọng, cười:
– Em thấy một con mèo nên đuổi vào đây nhưng không thấy nó đâu nữa.
Đình Khuê lắc đầu:
– Đi thôi, trong này vắng vẻ lại không có đèn rất nguy hiểm.
Lúc ra đến xe ngựa, Hải lấm lét nhìn tôi còn Đình Khuê vẫn còn cằn nhằn việc tôi đi lung tung. Nói được một hồi anh mới đưa ra một gói giấy, tôi mở ra thì thấy bên trong là bánh phục linh. Tôi cười nịnh nọt Đình Khuê, tiện tay cho anh một quả đào. Đình Khuê nhìn thấy thì ngạc nhiên:
– Đây là đào Cao Bình, mùa này chỉ mới đầu mùa, sao em có được?
Tôi nhíu mày, chỉ là quả đào thôi mà cũng hỏi khó như vậy, biết thế tôi không cho anh làm gì.
– Em được người ta cho.
– Ai cho? – Đình Khuê căn vặn.
– Em không biết, ban nãy có người ngoài phố cho em hai quả thôi.
Đình Khuê hừ một tiếng, tôi bĩu môi:
– Anh sợ có độc thì em ăn trước cho. Người ta có lòng thì mình có bụng là được.
Nói xong tôi lấy tay áo lau quả đào rồi đưa lên miệng cắn một miếng, rất mềm và ngọt. Đình Khuê nhìn thấy thì bật cười, sau cũng phủi phủi quả đào rồi ăn ngon lành.
Về đến nhà, tôi chờ lúc Đình Khuê không để ý liền liếc Hải một cái thật dài. Đừng tưởng tôi không biết gì, chắc chắn ban nãy anh ta thấy Trịnh Khải nên mới cố ý kiếm cớ để dừng xe lại, sau lại tìm cách để tách tôi và Đình Khuê ra. Nhưng dù sao nhờ vậy tôi mới gặp được Trịnh Khải cho nên chỉ liếc một cái, không trách móc gì.
Vào phòng, cài then cửa xong xuôi tôi mới đến ngồi ở bàn, tay gỡ chiếc trâm gỗ xuống soi dưới ánh đèn dầu. Chiếc trâm hình dáng đơn giản, một đầu nhọn, một đầu lớn tròn dẹt, trên bề mặt có khắc hình một bông hoa sen. Tôi khẽ cười, thật may ban nãy Đình Khuê không nhận ra trên đầu tôi xuất hiện thêm một chiếc trâm gỗ, không lại phải nói dối thêm một chuyện.
***
Ba ngày sau, Đình Khuê khăn áo cùng với người hầu cưỡi ngựa trở lại thành Phú Xuân. Tôi bỗng nhiên cảm thấy lần chia tay này không biết bao giờ mới gặp lại. Thăng Long tuy bình yên nhưng Phú Xuân lại là nơi chiến trận trọng yếu, nếu Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc thì Phú Xuân sẽ là nơi thất thủ đầu tiên. Tôi không dám tưởng tượng tới đến lúc đó Đình Khuê sẽ như thế nào, chỉ có thể tranh thủ lúc này mà dặn dò anh:
– Anh Khuê nhất định phải cẩn thận. Dù thành có mất hay không cũng không quan trọng bằng tính mạng. Anh phải sống, không được…
Quận công đứng bên cạnh quay qua nạt lớn:
– Đinh Thanh, không được ăn nói lung tung. Trai nam nhi sao có thể chỉ khư khư hèn nhát giữ tính mạng của mình? Con là con gái không hiểu chuyện thì cũng đừng nói bậy.
Tôi cắn môi im lặng, quận công không nói sai nhưng nếu biết trước kết cục là thất bại thì chết có ích gì?
Quận công hừ một tiếng rồi nói với Đình Khuê:
– Đi đường cẩn thận.
Đình Khuê dạ vâng rồi quay qua cười với tôi:
– Em yên tâm, anh sẽ đánh tan tác quân Tây Sơn, đánh cho chúng chạy vào tận Gia Định.
Tôi cười yếu ớt trước câu nói nửa đùa nửa thật của Đình Khuê, anh quay qua chào quận công và mẹ cả rồi nhảy lên ngựa. Đình Duệ cũng nhảy lên một con ngựa khác, sẽ tiện đường ra trấn Sơn Nam mà tiễn Đình Khuê một đoạn.
***
Ngày tôi cùng người hầu mang nệm dành em bé qua phủ Trang quận công thì bắt gặp Phan Huy ở cổng. Anh ta hết nhìn tôi rồi nhìn qua chiếc hòm gỗ đựng nệm em bé mà người hầu đang ôm trước bụng. Tôi không buồn giải thích, chỉ chào anh ta một tiếng rồi đi thẳng vào trong nhà, sau lại thêm một hồi chào hỏi phu nhân Trang quận công mới được nói chuyện riêng với Đinh Ngọc.
Gạo mở hòm gỗ lấy nệm em bé ra thì ngạc nhiên hỏi tôi cái này là gì. Tôi hào hứng miêu tả và hướng dẫn Gạo cách sử dụng. Đinh Ngọc lúc này đã thấy bụng hơi nhô ra, chị ngồi trên ghế vừa đón lấy tấm nệm xem xét vừa cười. Nói chuyện râm ran một hồi, tôi mới nhớ ra lần trước đến đây gây chuyện, bèn hỏi chị:
– Chị Đinh Ngọc, lần trước sau khi em về, anh rể có nói gì không?
Đinh Ngọc đặt chiếc nệm qua một bên, thở dài:
– Chị thì không có chuyện gì nhưng em thì có.
Tôi sán lại gần chị, cười hì hì:
– Em thì có chuyện gì chứ?
Đình Ngọc dí một ngón tay vào trán tôi:
– Còn cười nữa. Chị tuy ở trong phủ suốt nhưng chuyện bên ngoài chị vẫn biết hết, ngoài kia người ta đồn em đanh đá là vì sao chứ? Chắc chắn là do hôm đó em ra mặt nói vài câu qua lại với ả ta nên mới thành chuyện.
Gạo cũng xen vào:
– Tiểu thư, em cũng nghi do có người tung tin bậy bạ ra bên ngoài để bêu xấu tiểu thư.
Tôi nhoẻn miệng cười, quỳ người xuống, áp tai vào bụng của Đinh Ngọc:
– Bé con à, dì của cháu không quan tâm đến người khác nói gì nên cháu cũng đừng nóng giận làm gì nha.
Đinh Ngọc và Gạo nghe thấy thì cùng bật cười, sau tôi lại nghe chị thở dài rất nhỏ:
– Em cũng đã đến tuổi lấy chồng rồi.