Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 26: Phụ Vương Vô Tình
Tháng 9 năm Canh Tý 1780, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41, chúa thượng hạ chỉ, phế ngôi thế tử Trịnh Tông.
Buổi sáng nghe được tin, buổi chiều Đinh Ngọc đã trở về phủ tìm tôi. Chị kéo tôi vào phòng, cài then rồi mới hỏi tin tức về Nguyễn Cảnh. Tôi đem mọi chuyện kể lại, nói rằng tôi cũng không biết được nhiều. Đinh Ngọc nói chị chỉ muốn biết Nguyễn Cảnh có bình an hay không thôi, nói rồi chị cùng Gạo trở lại phủ bên kia.
Sau khi tiễn Đinh Ngọc ra cổng, tôi trở về phòng, ngồi thừ người ở bàn. Tôi chỉ biết một kết cục là Nguyễn Huệ sẽ mang quân ra Đàng Ngoài, nhà chúa Trịnh sẽ sụp đổ nhưng tôi lại không hề biết được số phận của Trịnh Khải sẽ như thế nào. Anh bị truất ngôi thế tử, việc này có thể là một bước ngoặt thay đổi số phận của anh. Nếu như anh không lên ngôi chúa, vậy anh sẽ được bảo toàn tính mạng? Tôi thở dài ảo não, tôi là người của tương lai trở về nhưng lại không có một thông tin chính xác về thời điểm và sự kiện lịch sử sắp diễn ra.
Tôi cứ ngồi mãi một chỗ cho đến khi nghe người hầu báo Đình Duệ đã về mới ra cửa kéo tay áo anh hỏi chuyện. Tôi cố gắng trấn tĩnh, hỏi chậm rãi:
– Anh Duệ, thế tử bị truất ngôi thì sẽ trở thành dân thường sao?
Đình Duệ ngồi xuống ghế đá, nhìn chằm chằm vào tôi một hồi mới trả lời:
– Thế tử bị phế nhưng vẫn còn là vương tử.
– Vậy thế… à, vương tử vẫn bình an? – Đây là vấn đề tôi quan tâm.
Đình Duệ gật đầu:
– Vương tử Tông đang bị giam lỏng trong một ngôi nhà ba gian.
Tôi cúi đầu thở dài, Đình Duệ lại lên tiếng:
– Đinh Thanh, em nói thật đi, sao em lại quan tâm đến vương tử Tông?
Tôi ngồi xuống ghế, hai bàn tay nắm chặt, suy nghĩ một hồi mới cẩn thận trả lời:
– Lúc còn ở trấn Nghệ An, có lần em trèo cây bị ngã, may mà thế tử ở gần đó đã đỡ em. Nếu không có người thì có lẽ em đã gãy tay gãy chân rồi, cho nên em mới…
Đình Duệ đưa tay xoa đầu tôi, gật đầu nói:
– Ra là vậy. Anh biết em mang ơn muốn báo đáp, nhưng việc này em không thể giúp được gì đâu.
***
Sáng ngày hôm sau tôi ra khỏi phủ, đến nhà Nguyễn Hoàn vì muốn hỏi thêm chút thông tin. Lúc tôi đến thì người hầu nói là công tử nhà họ đã đi từ sớm. Tôi nghĩ lui nghĩ tới rồi đoán anh ta đến phủ Hân quận công, bèn nói xe ngựa quay đầu.
Vừa tới trước cổng nhà Hân quận công đã thấy vài người hầu đi ra đi vào, vài người khác lại đang khiêng hòm gỗ lên các xe ngựa đậu trước phủ. Tôi xuống xe nhưng chỉ dám đứng ở bên này đường nhìn qua. Một lát sau thấy Nguyễn Hoàn đi từ trong phủ ra, tôi mới lên tiếng:
– Nguyễn Hoàn.
Anh ta nghe tôi gọi thì quay mặt nhìn qua, sau mới sải bước đến gần. Chưa để cho anh ta thắc mắc sự có mặt của tôi, tôi đã hỏi:
– Họ đang làm gì vậy?
Nguyễn Hoàn thở dài, nói:
– Nhà bác tôi đang chuẩn bị về quê.
Hân quận công tại sao phải về quê, ông bị giáng chức sao? Vậy Nguyễn Cảnh đang bị giam hay anh ta đã bị xử tội chết rồi? Tôi hít vào một ngụm khí lạnh, nghe run rẩy trong lòng.
– Đinh Thanh?
Tôi quay người lại nhìn người vừa gọi tên mình, là Nguyễn Cảnh, tôi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên:
– Nguyễn Cảnh? Công tử được thả rồi?
Nguyễn Cảnh gật đầu, sau ra hiệu bằng mắt để Nguyễn Hoàn đi. Anh ta nhìn tôi rồi nói:
– Đinh Thanh, cha tôi đang đi từ biệt người quen, nàng có muốn vào phủ một lát không?
Tôi gật đầu, dù sao tôi cũng có nhiều vấn đề muốn hỏi anh ta. Nguyễn Cảnh đi trước, tôi chậm rãi theo sau. Đi qua gian phòng khách, vẫn giản dị như lần đầu tiên tôi đến tìm Trịnh Khải, Nguyễn Cảnh dẫn tôi ra sân nhà giữa. Thiết kế của phủ Hân quận công nhìn vào không khác mấy so với phủ Huy Quận Công, giữa các gian nhà đều có sân, riêng sân nhà giữa lại có một cổng gỗ nằm ở phía Tây. Anh ta đẩy cửa, bên trong lại là một sân nhỏ, đối diện là phòng ngủ, bao quanh là tường đá.
Nguyễn Cảnh đến ngồi ở bộ bàn đá được kê dưới gốc cây đào, tôi cũng đến ngồi ở ghế đối diện. Anh ta im lặng, tôi cũng im lặng, nhìn xung quanh, phòng ngủ đóng kín cửa nhưng có lẽ khá rộng, sân vườn nhỏ được lát đá sạch sẽ. Nguyễn Cảnh bỗng nhiên lên tiếng:
– Đây là lần thứ ba tôi được bước chân vào đây.
Tôi ngạc nhiên, dù sao cũng là trong phủ của anh ta mà anh ta lại nói chỉ được bước chân vào đây ba lần. Vậy thì nơi này là của ai? Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh của Trịnh Khải, có lẽ nào? Nguyễn Cảnh nhìn biểu cảm trên mặt tôi thì nói tiếp:
– Đúng vậy, nơi đây là phòng riêng trước đây của thế tử.
Tôi hít vào một ngụm khí, đúng là nơi ở của anh rồi. Tôi biết anh từng ở nhà Hân quận công nhưng tôi không ngờ đến nơi ở của một thế tử lại đơn sơ như vậy. Nguyễn Cảnh nhìn ra phía sân, giọng đều đều, từng câu từng chữ chậm rãi mà đau đớn và chua xót.
Huyên phi vốn không được chúa thượng yêu thương, cho nên thế tử từ khi được sinh ra đã bị chúa thượng lạnh nhạt. Thế tử năm mười hai tuổi đáng lẽ được vào ở Đông cung nhưng chúa thượng cứ chần chừ, sau viện cớ thế tử cần được dạy dỗ cẩn thận mà cho đến ở phủ riêng của Hân quận công. Vì thế Hân quận công đã cho người làm phòng riêng cho thế tử, lại có cổng nhỏ để tăng thêm sự riêng tư. Hân quận công chịu trách nhiệm quản thế tử, cứ năm ba ngày Nguyễn Khản sẽ đến dạy học cho thế tử.
Thế tử ở nơi đây, mọi sinh hoạt ăn uống đều được Hân quận công chăm lo tốt nhất, nhưng so với trong vương phủ thì vẫn còn kém xa. Vậy mà thế tử chưa từng than trách, cũng không đòi hỏi điều gì. Ngày ngày thế tử luyện võ, tối đến sẽ đốt đèn đọc sách, không một ngày nghỉ ngơi. Chúa thượng tuy biết thế tử thông minh, văn võ song toàn nhưng vẫn tỏ thái độ thờ ơ, các quan trong triều nhiều lần khen ngợi thế tử đều bị chúa thượng gạt qua một bên.
Năm thế tử mười lăm tuổi đã có thể tham gia việc triều chính nhưng chúa thượng chê người chỉ ham học võ không chịu học văn, chỉ cho dự thính, không được ý kiến. Cũng trong năm này Tuyên phi hạ sinh vương tử Cán, chúa thượng càng ngày càng tỏ thái độ lạnh nhạt với thế tử.
Tuyên phi kia được sủng ái, muốn ngôi thế tử về cho vương tử Cán, vì thế lôi kéo quan lại về phía mình nên mới sinh bè sinh phái trong triều, người theo thế tử Tông, người theo Tuyên phi. Chúa thượng biết chuyện nhưng cũng làm như không thấy, việc này càng khiến phe Tuyên phi đắc ý. Tuyên phi còn sai nhiều thuộc hạ thân tín sớm tối thêu dệt đủ chuyện xấu vu oan cho thế tử, ngày đêm rót vào tai chúa thượng khiến người càng thêm ghét bỏ thế tử.
Tháng trước, chúa thượng lâm bệnh nặng ngỡ như không qua khỏi. Thế tử và Huyên phi ở hành cung xa xôi đến thăm đều bị Tuyên phi đóng cửa, không cho vào gặp mặt chúa thượng. Thế tử lo sợ phe Tuyên phi lập mưu cướp ngôi, bèn gọi các quan thân tín lại cùng nghị sự. Các quan theo thế tử sau khi bàn bạc bèn bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập binh lính, liên kết với trấn thủ Sơn Tây và trấn thủ Kinh Bắc chờ ngày hành sự.
Chỉ là không thể ngờ được, một tên nội gián trong phủ Tuân sinh hầu Trấn thủ trấn Kinh Bắc đã đem tin báo cho viên Cấp sự trung Nguyễn Huy Bá. Hắn ta vốn tính giảo hoạt, liền tố cáo với Tuyên phi. Tuyên phi bàn kế với Huy quận công, để Nguyễn Huy Bá viết thư mật, tố cáo thế tử phản nghịch với chúa thượng.
Chúa thượng đọc thư mật thì tức giận, một mặt cho gọi trấn thủ Sơn Tây và trấn thủ Kinh Bắc về Thăng Long chầu, một mặt Huy quận công cho người bắt hết thủ hạ dưới quyền của hai vị trấn thủ. Chúa thượng sai Đốc đồng trấn Kinh Bắc lo việc điều tra sau thì để Thị lang bộ Hình xử lý vụ án.
Chứng cớ có, nhân chứng có, vụ án nhanh chóng đưa ra kết luận. Chúa thượng xử chém đầu bốn vị gia thần của thế tử, ban thuốc độc cho trấn thủ Kinh Bắc Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân và quan Nội thị Chu Xuân Hán, tống giam trấn thủ Sơn Tây Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản. Hân quận công bị trách tội không nuôi dưỡng tốt thế tử bị lột hết chức tước, phải về quê. Riêng thế tử, chúa thượng tức giận đòi xử chết nhưng quần thần vào cầu xin, bèn phế bỏ ngôi vị, giam lỏng trong một ngôi nhà ba gian. Thế mới thấy, cũng là giọt máu của mình nhưng chúa thượng thật vô tình với thế tử Tông.
Tôi bóp chặt tay mình, cố gắng hít thở để có thể nghe Nguyễn Cảnh nói tiếp.
– Tôi đáng ra cũng là tội chết, nhưng chúa thượng nể tình cha tôi nên mới tha cho, từ nay về quê phụng dưỡng cha già. – Nguyễn Cảnh nói xong thì thở dài mà cúi đầu.
Tôi ngồi lặng lẽ một bên, cố gắng hít thở trong bầu không khí nặng nề này. Nhìn Nguyễn Cảnh trầm tư, tôi muốn an ủi anh ta một câu nhưng không biết nói gì. Sau một hồi im lặng, Nguyễn Cảnh nhìn tôi mà nói:
– Thực ra, tôi vẫn chưa thực hiện lời hứa với nàng. Vật nàng nhờ tôi đưa lại cho thế tử, tôi vẫn còn giữ lại. Vì tôi biết thế tử rất để ý nàng, lúc đó lại đang thời điểm quan trọng, nên tôi mới chần chừ chưa dám đưa.
Tôi nhìn anh ta sững sờ, Nguyễn Cảnh đứng dậy, trước khi quay người đi ra ngoài thì bỏ lại một câu:
– Tôi nói chuyện của thế tử cho nàng nghe, chỉ là muốn nàng không hiểu lầm thế tử.
Ra đó là nguyên nhân anh ta kể chuyện cho tôi nghe nãy giờ, có lẽ Nguyễn Cảnh sợ tôi nghe được tin tức từ Huy quận công hay người khác mà hiểu sai về Trịnh Khải. Tôi nhìn bóng lưng buồn bã bước ra khỏi cổng của Nguyễn Cảnh mà nghe trong lòng mình nặng trĩu.
Rất nhanh đã có một gã hầu mang theo túi vải vào trong sân, đưa đến bên bàn cho tôi:
– Tiểu thư, công tử nhà tôi nói đưa lại vật này cho tiểu thư.
Nói xong, gã hầu đã nhanh chân đi ra ngoài, trước đó còn đóng cánh cổng lại. Tôi ngồi nhìn túi vải quen thuộc, lại nhìn cảnh vật đơn sơ xung quanh, tim như bị ai bóp chặt, hít thở cũng khó khăn.