Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 22: Cảnh Hưng Thứ 40
Tôi vẫn duy trì thói quen thỉnh thoảng sẽ đến nhà Nguyễn Hoàn chơi cờ, uống rượu, nói chuyện trên trời dưới đất. Tuy nhiên lễ hội hoa đăng và trung thu năm nay tôi không bước nửa chân ra khỏi phủ. Tôi chỉ trùm mền nằm trong phòng, những kỷ niệm năm ngoái ùa đến, tôi lại gặm nhấm chúng.
Rất nhanh gần cuối thu, mẹ cả dạo này rất tích cực gặp gỡ các phu nhân hàn huyên, tôi đoán là đang kén rể. Tôi cũng không quan tâm, dù mẹ cả có ưng ý ai thì tôi cũng sẽ không đồng ý.
Một ngày, tôi mặc áo bông đến nhà Nguyễn Hoàn chơi như thường lệ. Lần này Nguyễn Hoàn đón tôi bằng gương mặt rầu rĩ. Anh ta nói cha mẹ anh ta đã chọn được con dâu, muốn cuối năm này anh rước người ta về nhà. Tôi che miệng cười, hỏi Nguyễn Hoàn đã nhìn thấy cô gái ấy chưa? Anh nói đã thấy hai lần, là một trong những khách quen của cửa hàng, con gái của một nhà làm nghề nhuộm vải trong thành. Tôi trêu chọc Nguyễn Hoàn:
– Mẹ anh chọn lui chọn tới rốt cuộc cũng chọn đúng người rồi còn gì. Nhà anh mua bán vải vóc, nhà tiểu thư đó lại nhuộm vải, quá xứng đôi. – Tôi và Nguyễn Hoàn lúc này đã thân thiết nên cũng bỏ luôn xưng hô công tử, tiểu thư.
Nguyễn Hoàn bị tôi đùa thì tức giận đứng dậy đi ra sân. Tôi đuổi theo, nói:
– Này đừng giận tôi, thế anh không có tình cảm với người ta sao?
Nguyễn Hoàn quay qua nhìn tôi nói:
– Tôi có tình cảm với ai không lẽ nàng không nhìn ra?
Tôi sững người, tôi thời gian gần đây gặp anh ta thường xuyên như vậy nhưng lại không nhìn ra được anh ta thích ai. Tôi lấy giọng nói:
– Nếu anh thích ai thì tới xin cưới người đó là được rồi. – Dù sao tôi cũng không thích kiểu cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó.
Nguyễn Hoàn nhìn chằm chằm vào tôi, sau đó thở dài:
– Chỉ e là nhà người ta không muốn gả con gái cho tôi.
Tôi lặng im, cảm thấy có chút lo lắng trong lòng. Nguyễn Hoàn con người tốt, gia cảnh cũng tốt, ai lại không muốn gả con gái cho. Chỉ có thể là gia đình đó muốn nhắm đến một cuộc hôn nhân chính trị, như nhà Huy quận công.
***
Đến lúc về tôi nói xe ngựa qua bờ hồ Tả Vọng, tôi xuống xe, đi chầm chậm đến dưới cây lộc vừng. Mùa thu, từng dây hoa lộc vừng đỏ rực, buông thõng khắp cành, cánh hoa rụng đỏ dưới gốc cây. Gió thổi mang hơi nước từ hồ vào càng thêm lạnh. Tôi kéo áo bông sát người, nhìn ra mặt hồ ngoài kia, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ.
Nếu Nguyễn Hoàn thực sự ám chỉ tôi là người anh ta để ý thì tôi phải làm sao? Nguyễn Hoàn là người bạn duy nhất của tôi ở đây, nếu thực sự phải gả đi thì gả cho anh có phải tốt hơn gả cho người khác hay không?
Nhưng trong lòng tôi vẫn còn hình bóng một người.
Tôi thở dài, quay người đi ra xe ngựa. Khi vừa ngồi lên xe, tôi bắt gặp một thân ảnh cao gầy đứng trước nhà Thủy Tạ. Trịnh Khải đang nhìn thẳng về phía tôi. Khoảnh khắc mắt chạm mắt anh, tim tôi lại rung lên một nhịp. Tôi quay mặt vào trong xe, cố che đi vẻ mặt bối rối lúc này.
Xe ngựa lướt qua anh nhưng ánh mắt vẫn còn in hằn trong tâm trí tôi. Cả tối hôm đó tôi nằm trên giường, mắt mở to, bởi chỉ cần nhắm mắt là lại thấy hình ảnh của anh. Quên một người thực sự chưa hề là dễ dàng.
Mùa đông năm đó, tôi ở lỳ trong phủ, suốt ngày chỉ loanh quanh bên lò than sưởi ấm hoặc ngồi ở bếp nghe chuyện phiếm của người hầu.
Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 (tức năm 1779 dương lịch) rất nhanh đã đến. Tết vẫn có pháo, có bánh mứt nhưng trôi qua một cách buồn tẻ. Mình tôi nghe pháo nổ, mình tôi ăn bánh mứt. Đinh Ngọc có lần cùng Phan Huy trở về chúc Tết nhưng rất nhanh lại đi, tôi cũng không nói chuyện được với chị.
Qua giữa xuân thì Đình Duệ từ thành Phú Xuân ra Thăng Long. Quận công nói đã sắp xếp để Đình Duệ làm Tống lĩnh trấn Sơn Nam, giúp đỡ ông quản trấn. Đình Duệ được sắp xếp ở tại một phòng gian nhà giữa. Anh cũng rất bận rộn, sáng đi tối về cùng với quận công. Nhưng thỉnh thoảng anh về giữa trưa, sẽ ngồi nói chuyện với tôi một lát.
– Đinh Thanh, em đã có ý trung nhân chưa? – Đình Duệ hỏi.
Tôi đang ngồi ở bàn đá nhìn cây lựu thì bị hỏi bất ngờ mà giật mình, tôi nhìn anh hỏi ngược lại:
– Tại sao anh lại hỏi như vậy?
– Anh thấy dạo gần đây em ít nói hơn so với lần gặp trước, có phải đã để ý ai rồi không? – Đình Duệ vừa rót trà vừa hỏi.
Tôi lắc đầu, nói rằng do ở hoài trong phủ khiến tôi buồn chán mà thôi. Đình Duệ cúi đầu trầm ngâm một hồi rồi nói:
– Em có muốn ra trấn phủ trấn Sơn Nam thăm thú không? Lát chiều anh sẽ dẫn em ra đó.
Tôi vui vẻ đồng ý, nhưng Đình Duệ dặn là trấn phủ không cho phép nữ nhi bước vào, vì vậy tôi phải nghe theo lời của anh, tránh để người khác phát hiện ra, đặc biệt là quận công.
Chiều hôm đó, tôi mặc trang phục con trai, một thân áo màu nâu từ trên xuống dưới, tóc búi trên đầu, quấn khăn ngang đầu cũng màu nâu. Tuy gọi là giả trai nhưng nhìn vóc dáng của tôi và cả khuôn mặt trắng hồng kia thì không thể lừa dối ai được cả. Đình Duệ nói, tôi giả làm tiểu đồng của anh, chỉ cần ngồi xe ngựa, đến nơi lại núp sau lưng anh đừng để ai nhìn thấy mặt tôi là được. Tôi hí hửng gật đầu, cùng Đình Duệ ra xe ngựa, tiến thẳng đến trấn phủ trấn Sơn Nam.
Đi mất một canh giờ thì đến trước cửa trấn phủ, binh lính gác cổng hai bên cúi đầu chào Đình Duệ, tôi đi ngay sau lưng anh, cố gắng che mặt mình. Từ cổng đi thẳng vào sân rồi lên phòng quan sát trên lầu hai rất thuận lợi, những binh lính đứng gác ở lối đi, cửa ra vào chỉ cúi đầu chào Đình Duệ chứ không thắc mắc về tôi. Một phần có lẽ họ đã quen với việc có một tiểu đồng áo nâu đi sau lưng anh, một phần là họ sợ Đình Duệ nên không dám ngẩng đầu soi mói, tôi thì lại luôn cúi thấp đầu mà đi.
Trên phòng quan sát ở lầu hai có vài lính đang đứng canh chừng, Đình Duệ đuổi ra ngoài rồi khép cửa lại. Lúc này tôi mới dám ngẩng đầu đứng thẳng người, vui vẻ cười lớn rồi đi ra ngoài lan can đứng nhìn cảnh vật phía ngoài. Khung trời rộng lớn, xanh thẳm. Xa xa là cánh rừng bên ngoài với màu xanh tươi mướt mắt. Phía bên kia là cổng thành Sơn Nam, những người ở bên ngoài cổng thành đang xếp hàng để được lính kiểm tra mới được vào trong thành. Nhưng người ở trong lại rất dễ dàng đi ra ngoài. Tôi quay qua hỏi Đình Duệ đang ngồi trên bàn làm việc:
– Anh Đình Duệ, sao đi vào thành lại phải kiểm tra cẩn thận như vậy?
Đình Duệ đang xem thư báo thì ngẩng đầu nhìn tôi, trả lời:
– Trấn Sơn Nam là cửa ngỏ phía nam để vào thành Thăng Long, tất nhiên phải kiểm tra cẩn thận. Hơn nữa, ở Đàng Trong nhà Tây Sơn đang ngày càng mạnh, chúng ta lại càng phải đề phòng.
Tôi chút nữa là quên mất cuộc nội chiến sắp diễn ra. Tôi đi lại gần Đình Duệ, muốn moi một chút tin tức để dự đoán lịch sử sắp tới:
– Hiện nay ở Đàng Trong nhà Tây Sơn đang làm gì?
Đình Duệ nhíu mày, suy nghĩ mới nói:
– Họ đang đánh nhau với quân trỗi dậy của chúa Nguyễn Ánh tại Gia Định. Một phần quân của họ lại đang tranh giành đất Phú Xuân với ta.
– Nói như vậy, có lẽ Tây Sơn chưa thể tiến ra bắc trong một hay hai năm được? – Tôi suy luận.
– Có thể nói như vậy. Em có hứng thú với việc quân binh? – Đình Duệ nheo mắt hỏi lại tôi.
Tôi bật cười, nói nếu em có hứng thú thì có cho em làm quản binh hay tướng tá gì đó được không. Đình Duệ nghe thấy thì cười lớn, tôi bĩu môi đi ra ngoài tiếp tục ngắm cảnh, để yên cho anh tiếp tục công việc.
Tôi lại ra lan can đứng, gió thổi từ ngoài vào mát rượi. Bên dưới có một quân doanh, binh lính đang luyện tập trên một khoảng đất trống rộng. Đứng xem một hồi cũng chán, tôi lại đi vào trong, nhìn quanh các vật treo trên tường. Có tù và, đao kiếm các loại và có cả những bức hoành viết thư pháp. Tôi nhớ lại thương gia người Hà Lan mà tôi từng gặp ở trấn Nghệ An có nói là mang súng, thuốc nổ đến đổi sản vật địa phương. Tôi lên tiếng:
– Đình Duệ, chúng ta có súng hay thuốc nổ không?
Đình Duệ lần này tỏ vẻ mặt ngạc nhiên hỏi:
– Sao em biết mấy thứ đó?
Đối với những người ở thời này thì con gái chính là chỉ biết thêu thùa, đàn hát, cùng lắm là đọc thơ. Một tiểu thư suốt ngày ở trong phủ, thỉnh thoảng ra ngoài chơi sao có thể biết được những thứ như súng hay thuốc nổ. Tôi đành lấp liếm:
– Một lần em ra phố chơi thì tình cờ nghe được thôi.
Đình Duệ nhíu mày, nói:
– Ai lại nói lung tung như thế giữa phố. Đinh Thanh, em không nên tò mò những thứ này làm gì.
– Vậy, rốt cuộc là quân mình có hay không? – Tôi cố hỏi thêm.
Đình Duệ hừ một tiếng rất nhỏ, trả lời:
– Đinh Thanh, đã nói em đừng tò mò, em lại càng muốn hỏi thêm.
Tôi lè lưỡi làm mặt xấu với Đình Duệ rồi lại đi loanh quanh ngắm nhìn mọi thứ treo trên tường. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Hồ Nguyên Trừng ở thời nhà Hồ Quý Ly đã chế tạo được súng thần công. Như vậy ở thời này việc sử dụng thuốc nổ và pháo thì đã có nhưng súng vẫn còn hạn chế. Cũng phải thôi, thuốc nổ dễ chế tạo hơn nhiều, nếu không có người nước ngoài thì người Việt cũng chế tạo được. Nhưng thời này súng có lẽ chưa phát triển hoàn thiện như ở hiện đại, việc bắn súng đòi hỏi thao tác nhiều, mất thời gian, số lượng cũng hạn chế. Vì vậy trong các trận chiến vẫn là dựa chủ yếu vào gươm kiếm.
***
Tôi thỉnh thoảng sẽ được Đình Duệ cho cải trang đi theo anh đến trấn phủ trấn Sơn Nam thay đổi không khí. Tính tình Đình Duệ bình thường phóng khoáng nhưng trong công việc lại khá cẩn trọng. Những ngày anh cho tôi theo thường là ngày Huy quận công phải đến chầu ở phủ chúa thượng, cũng là ngày binh lính phải luyện tập bên ngoài, vì vậy sẽ rất ít người trong trấn phủ. Tuy anh dẫn tôi theo, cho tôi thoải mái ở lầu quan sát nhưng nhất quyết không cho tôi đi ra khỏi phòng, rất hiếm khi tiết lộ các thông tin quân sự.
Tôi thường sẽ vui vẻ rối rít đi theo anh, lúc hỏi anh việc này việc kia, lúc chán lại quay sang trêu anh không có vị tiểu thư nào thèm gả cho. Thực ra Đình Duệ mới mười tám, tôi cảm thấy vẫn còn trẻ để lấy vợ nhưng người thời này lại cho rằng như vậy là quá đủ tuổi để lập gia thất rồi.
Cũng nên nói thêm, vì Đình Duệ chuyển ra ở với chúng tôi nên trách nhiệm của mẹ cả phải tăng lên gấp đôi. Nếu trước kia là lo kén rể để gả tôi đi thì bây giờ còn phải kiêm thêm tìm con dâu để rước về cho Đình Duệ. Vì vậy mẹ cả ngày ngày ngoài trông coi việc lớn việc nhỏ trong phủ thì còn phải dành thời gian ra ngoài gặp mặt các vị phu nhân.Một ngày giữa tháng tám lúc tôi đang ở nhà thì Đinh Ngọc bất ngờ quay trở về phủ. Đinh Ngọc ôm mặt khóc chạy vào phòng mẹ cả, đóng cửa lại. Tôi hốt hoảng đứng ở ngoài nhưng không nghe được gì, bèn kéo Gạo lại hỏi chuyện.
Ra là Phan Huy rước về một cô vợ lẽ đã được hơn ba tháng nay, cô ta về phủ thấy Đinh Ngọc hiền lành thì ra sức bắt nạt. Hôm qua nền gạch ở sân sau cơn mưa khá trơn, cô ta đi lại không cẩn thận để bị trượt ngã, Đinh Ngọc đang đứng gần đó thấy thì đi đến đỡ cô ta dậy, không ngờ cô ta bù lu bù loa lên là chị đẩy ngã cô ta. Phan Huy cưng chiều cô vợ lẽ mà ra tay tát Đinh Ngọc, mắng chị rất nặng lời.
– Tiểu thư Đinh Ngọc bị oan ức, muốn giải thích mà không ai trong phủ Trang quận công nghe. – Gạo sụt sùi.
Tôi nghe mà tức giận trong lòng, Đinh Ngọc mới gả đi hơn một năm đã phải chịu cảnh chung chồng. Tôi ngờ rằng rồi Đinh Ngọc cũng sẽ quay trở lại phủ Trang quận công, tiếp tục cuộc sống nhẫn nhịn kia. Quả nhiên, mẹ cả không biết đã khuyên răn thế nào nhưng Đinh Ngọc đã bình tĩnh hơn, nói sẽ ở nhà thêm ngày nữa mới trở về bên kia.
Tối hôm đó tôi bực bội ngồi ở bàn đá, Đình Duệ từ trấn phủ trấn Sơn Nam trở về thấy tôi nhăn nhó thì mới đến hỏi thăm. Tôi đem mọi chuyện kể hết với anh. Ngày trước Đinh Ngọc và Đình Duệ rất thân thiết vì vậy nghe xong thì anh rất tức giận, nói ngày mai sẽ tìm tên Phan Huy hỏi rõ mọi chuyện, nhất định không để Đinh Ngọc chịu ấm ức.
Ngày hôm sau, Đình Duệ chưa kịp đi tìm Phan Huy thì anh ta đã đến tìm Đinh Ngọc. Phan Huy nói muốn Đinh Ngọc trở về phủ Trang quận công, không được tiếp tục ở nhà mẹ đẻ khiến anh ta mất mặt. Đình Duệ tức giận:
– Đinh Ngọc trở về để ngươi và cô vợ lẽ kia bắt nạt sao? Đinh Ngọc trước giờ hiền lành, các ngươi thấy dễ thì muốn làm gì cũng được phải không?
Phan Huy bị mắng thì đỏ mặt, tức tối:
– Nhà tôi không ai bắt nạt cô ta, nếu có cũng là do cô ta không biết sinh nở.
Tôi nghe mà máu nóng dồn lên mặt, Đinh Ngọc chỉ mới gả đi hơn một năm, anh ta mượn cớ chưa có con để tìm vợ lẽ không nói, còn dám trước mặt chị, sỉ nhục chị không biết sinh đẻ. Tôi bước tới trước, muốn chửi anh ta thì bị Đinh Ngọc kéo tay lại. Tôi nhíu mày nhìn chị, ngực vẫn còn phập phồng tức giận. Đinh Ngọc gắng nở nụ cười, lắc đầu nhìn tôi. Tôi cảm thấy vị chua xót từ trong lòng dâng lên đến tận cổ. Tại sao Đinh Ngọc phải chịu đựng như vậy?
“Bụp”. Đình Duệ đấm một phát vào mặt Phan Huy, quát lớn:
– Đồ vô lại.
Phan Huy bị đánh, ngã người xuống nền gạch, anh ta đưa tay đỡ bên má, mắt trừng to, hằm hè:
– Anh có quyền gì đánh tôi? – Nói xong, Phan Huy đứng dậy đòi lao vào đánh Đình Duệ.
– Ngừng lại. – Tiếng mẹ cả từ trong nhà quát lớn.
Đình Duệ và Phan Huy chuẩn bị lao vào nhau, nghe tiếng mẹ cả quát thì ngừng tay. Mẹ cả đi từ trong nhà ra, nhìn một lượt chúng tôi, rồi nói:
– Phan Huy, cậu về đi. Chiều nay Đinh Ngọc sẽ trở lại nhà bên đó.
Phan Huy nghe thế thì chỉ dạ rồi cúi chào ra về. Trước khi ra khỏi cổng, anh ta còn quay lại trừng mắt nhìn Đình Duệ. Mẹ cả gọi chúng tôi ra gian nhà giữa, lên tiếng trách móc:
– Thật không biết suy nghĩ. Các con gây chuyện với Phan Huy thì đến lúc Đinh Ngọc trở về nhà bên kia sẽ phải làm sao.
– Nhưng nếu không làm rõ ràng, chị Đinh Ngọc trở về lại tiếp tục chịu ấm ức. – Tôi lên tiếng.
Mẹ cả nghe thấy chỉ hừ một tiếng, nhấp một ngụm trà mới tiếp tục:
– Con gái gả đi đã là con nhà người ta, Đinh Ngọc là vợ cưới hỏi đàng hoàng, không việc gì phải nhân nhượng hay cúi đầu trước vợ lẽ. Các con còn gây chuyện thì khi Đinh Ngọc trở về bên kia càng bị gây khó khăn. Chuyện đến đây thôi, các con ai đi làm việc đó.
Mẹ cả nói xong thì đứng dậy đi vào phòng trong. Tôi cắn môi, bực bội bỏ về phòng mình nằm. Không biết Đình Duệ và Đinh Ngọc nói chuyện gì, lát sau chị mới vào phòng tôi. Chị ngồi bên giường, đưa tay vuốt tóc tôi, giọng nhỏ nhẹ:
– Đinh Thanh, chị biết em bất bình cho chị nhưng chị không cảm thấy buồn chút nào. Thật đấy, chị chỉ vì bị hiểu lầm mới tủi thân thôi.
Tôi ngồi dậy, cầm tay Đinh Ngọc, nói:
– Anh ta có người khác, chị không ghen tuông hay tức giận một chút nào sao?
Đinh Ngọc cười mỉm, nhìn tôi:
– Chị chỉ muốn làm tốt trách nhiệm của một người vợ là được rồi.
Tôi bất giác hiểu được ý của Đinh Ngọc, là vì chị không có tình cảm với Phan Huy nên anh ta có ở bên ai đi nữa chị cũng không để ý. Chiều hôm đó, Đinh Ngọc ngồi võng quay trở lại phủ Trang quận công. Tôi nhìn bóng chị và Gạo đi xa, cảm giác trống rỗng trong lòng càng lớn hơn.
Tôi ra khỏi phủ, đến thẳng nhà Nguyễn Hoàn. Anh ta thấy tôi thì rất ngạc nhiên nhưng vẫn không quên chế giễu tôi:
– Tôi tưởng nàng không còn muốn gặp tôi nữa?
Tôi không trả lời, chỉ đi thẳng vào trong phủ, đến ngồi ở bàn đá ngoài vườn, nói:
– Tôi đang buồn, tôi muốn uống rượu.
Nguyễn Hoàn nghe thấy thì hốt hoảng, ngồi xuống nhìn vào mặt tôi chăm chú hỏi:
– Có chuyện gì?
– Tôi chỉ muốn uống rượu, nếu anh không mang ra thì tôi đi vậy. – Tôi đáp.
– Được rồi, được rồi, không biết từ khi nào nàng đã trở thành sâu rượu như vậy. – Nguyễn Hoàn cảm thán xong thì quay qua nói người hầu mang rượu ra.
Tôi mặc cho Nguyễn Hoàn hỏi gì cũng không trả lời, chỉ rót rượu mà uống, tôi muốn lấp đầy cảm giác trống rỗng trong lòng. Nguyễn Hoàn nhiều lần đưa tay can ngăn nhưng tôi đều đẩy ra, nói nếu anh tiếc rượu thì tôi sẽ không bao giờ qua đây nữa. Kì lạ là càng uống say thì trí óc càng thanh tỉnh, chỉ có hành động là không kiểm soát được.
Đang uống giữa chừng thì nghe tiếng một cô gái:
– Nguyễn Hoàn, nàng ta là ai?
Tôi ngẩng đầu, nhìn về phía giọng nói vừa phát ra. Một cô gái xinh đẹp tay này cầm giỏ mây, tay kia kéo ống tay áo Nguyễn Hoàn. Cô nàng mắt trừng trừng nhìn tôi, tay kia vẫn cầm chặt cánh tay của Nguyễn Hoàn. Tôi nhìn Nguyễn Hoàn thắc mắc, anh ta làm mặt khó xử, lên tiếng:
– Đây là cô gái lần trước tôi nói, là vị hôn thê của tôi.
Tôi à lên một tiếng, cười với cô gái kia. Nhưng cô ta mặt nhăn nhó, lặp lại câu hỏi:
– Nàng ta là ai?
Tôi cười, đứng dậy đáp:
– Là bạn. – Nói xong tôi nấc một tiếng rồi quay qua nhìn Nguyễn Hoàn nói – Tôi phải về.
Tôi đứng lảo đảo, tay phải chống vào mặt bàn để không bị ngã. Nguyễn Hoàn tính bước đến đỡ tôi thì lại bị cô gái kia kéo lại, anh không biết làm gì, nhìn tôi nói:
– Đinh Thanh, để tôi sai người nấu nước giải rượu uống rồi hãy về.
Tôi cười, cô gái kia chắc đang muốn tôi nhanh biến mất khỏi đây, tôi còn lòng dạ nào ngồi uống nước giải rượu. Tôi vẫy tay nói không cần rồi nhắm hướng đi ra cổng. Một người hầu đến đỡ tôi lên xe ngựa.
Tôi nằm bẹp trên xe ngựa, mắt mở to nhìn trần xe. Những bất mãn với xã hội phong kiến này và bất lực khi không giúp đỡ được Đinh Ngọc tuôn trào ra theo những giọt nước mắt. Nghĩ đến Nguyễn Hoàn, tôi cười chua xót. Dù rằng anh bị ép lấy người mình không yêu nhưng anh ta cũng không thiệt thòi gì, cùng lắm vẫn còn vợ hai, vợ ba. Nhưng tại sao phụ nữ lại luôn là người chịu thiệt thòi? Tại sao phụ nữ lại luôn là người nhẫn nhịn và chịu đựng?
Tôi cảm thấy trong bụng khó chịu, hơi chua xộc ra miệng. Tôi gõ vào xe, nói dừng lại, rồi loạng choạng đi ra cửa xe, tên hầu đỡ tôi xuống. Vừa xuống tới đất, tôi đã đưa tay bịt miệng mình lao đến một gốc cây gần đó, nôn thốc nôn tháo. Tôi nôn đến ruột quặn cả lại, mặt mày nhăn nhó. Nôn xong, tôi đứng dựa vào thân cây thở dốc. Đến khi mở mắt ra thì thấy một khuôn mặt quen thuộc ngay trước mặt.