Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 18: Cướp Sắc
“Thế tử”. Hai tiếng này đánh mạnh vào tim tôi, khiến cả người tôi run rẩy. Trịnh Khải là thế tử, là con chúa thượng. Chuyện này là sao? Tại sao anh lại là thế tử?
– Không phải tên của thế tử là Trịnh Tông sao? – Tôi không tin được, có lẽ Nguyễn Cảnh vừa nói nhầm.
– Đúng vậy. – Nguyễn Cảnh trả lời.
– Nhưng người kia… – Tôi muốn nói, người kia tên Trịnh Khải, sao lại là Trịnh Tông, sao có thể là thế tử. Nhưng tôi không nói tiếp được, Nguyễn Cảnh không thể nhầm lẫn. Chỉ có tôi, tôi chắc là đã nhầm lẫn ở đâu đó.
Ùuuuuu Uuuuuu
Tiếng tù và thổi ra rất lớn, báo hiệu cho các thuyền đua xuất phát. Nhưng tâm trí tôi không còn để vào những chiếc thuyền đua nữa, suốt cả buổi, tôi không rời mắt khỏi hình bóng của một người. Người đó lạnh nhạt không cười không nói, chỉ ngồi im ở ghế trên mạn thuyền, nhìn ra xa. Người đó đã từng gần tôi trong gang tấc, rốt cuộc sao lúc này tôi lại có cảm giác xa vời đến như vậy.
Tôi cố nhớ lại từng chi tiết từ lúc tôi bắt đầu gặp Trịnh Khải, lần đầu tiên tôi gặp anh, trưa đó về mẹ cả nói có thế tử ghé nhà. Chiều hôm đó và cả ngày sau nữa tôi gặp lại anh nhưng không phải thế tử đã về lại kinh thành rồi sao. Hoặc là Trịnh Khải nói về kinh thành nhưng rốt cuộc vì lí do nào đó mà ở lại trấn Nghệ An thêm mấy ngày.
Ông Hòa từng nói tôi không nên gọi tên Trịnh Khải lung tung, là vì tên của anh quá cao quý? Sao lúc tôi hỏi anh, tôi lại không hỏi tới nơi tới chốn, sao lại đơn giản bỏ qua như vậy.
Trịnh Khải nói năm mười hai tuổi đến ở nhà Hân quận công. Lúc đó tôi còn nghĩ đơn giản anh có quan hệ với Hân quận công hoặc là được cha mẹ gởi gắm. Thế tử không ở phủ chúa lại đến ở một nhà quận công. Hơn nữa những người xung quanh Trịnh Khải lúc nào cũng xưng hô, gọi anh là công tử. Như vậy thì làm sao tôi có thể nghĩ ra được anh là thế tử.
Mọi người đang xem đua thuyền ở ngoài sông, tôi quay qua kéo ống tay áo của Nguyễn Cảnh, hỏi:
– Tại sao thế tử mới mười hai tuổi đã đến ở nhà công tử?
Nguyễn Cảnh bị tôi hỏi thì tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Sao nàng biết?
Sao tôi biết được ư? Không phải là do Trịnh Khải nói sao. Tôi hỏi việc này thì có thay đổi được việc anh chính là thế tử không? Tôi buông tay, lắc đầu rồi quay ra nhìn về phía bóng người mang áo bào đỏ đang ngồi trên chiếc thuyền đằng kia.
Tôi đang chìm vào những suy nghĩ không đầu không đuôi thì Nguyễn Hoàn đột nhiên lên tiếng:
– Đinh Thanh, sao mặt nàng trắng bệch như vậy?
Đinh Ngọc từ lúc sáng vẫn im lặng không nói tiếng nào, lúc này quay qua cầm tay tôi:
– Sao tay em lạnh như vậy, có khi nào là bị trúng gió rồi không?
Tôi lắc đầu nói không có. Nguyễn Cảnh nói:
– Chúa thượng đang trao thưởng cho đội chiến thắng. Chúng ta không cần ở lại xem, nên đưa Đinh Thanh về.
Anh ta nói rồi sai người đậu thuyền vào bến, Gạo đỡ lấy một cánh tay của tôi, đưa lên bờ. Tôi chỉ kịp quay người nhìn lại chiếc thuyền xa hoa kia nhưng bóng người đó đã không thấy đâu.
Chúng tôi đứng đợi một lát, rất nhanh đã có xe ngựa đến, tôi và Đinh Ngọc vào bên trong ngồi. Tôi tựa vào thành xe, nhìn khung cảnh mơ hồ bên ngoài cửa sổ. Về đến phủ, Gạo mang một chén nước gừng mật ong cho tôi uống, sau đó tôi nói muốn nằm nghỉ. Đinh Ngọc cũng không nói gì, Gạo đành ra khỏi phòng, đóng cửa lại.
Tôi nằm trên giường, cuộn chặt chăn quanh người vẫn không có cảm giác ấm áp. Trong đầu tôi lúc này chỉ có hình bóng một người mặc áo bào đỏ, cao quý ngồi trên ghế, lạnh lùng mặc kệ những vị quan lại đứng xung quanh. Người đó là người mà tôi vẫn luôn nhớ nhung sao?
Không phải, người mà tôi nhớ nhung là một người khác. Người tôi hứa đợi chờ tuy lạnh nhạt nhưng rất biết cách quan tâm. Anh cười vui vẻ khi trêu chọc tôi. Anh cầm chặt tay tôi, phải nghe tôi nói ra lời hứa hẹn mới an tâm. Anh sao có thể lại là người cao cao tại thượng kia, sao lại là người trong tương lai trở thành chúa thượng được?
Từ lúc chấp nhận mình sẽ sống ở thời đại này, tôi chỉ muốn sau này sống một cuộc sống bình thường, đứng ở ngoài chứng kiến lịch sử sắp diễn ra. Vậy mà số phận lại đẩy đưa cho tôi gặp Trịnh Khải.
Tôi không biết mình nên làm gì nữa. Nhà Trịnh sẽ sụp đổ, chỉ là tôi không thể biết được chính xác thời gian còn lại. Trịnh Khải rồi sẽ thế nào? Tôi rồi sẽ thế nào? Tôi miên man suy nghĩ cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Những ngày sau đó, tôi vẫn luôn suy nghĩ về Trịnh Khải. Tôi lục nát đầu óc của mình, bắt mình phải nhớ ra được một sự kiện nào đó về chúa Trịnh, nhưng bất lực. Giá như, tôi có thể biết rõ lịch sử, tôi sẽ dễ dàng có quyết định của mình.
– Tiểu thư, người sao vậy? Mấy ngày nay tiểu thư như người mất hồn, thỉnh thoảng còn nói lung tung. – Gạo ngồi xuống cạnh tôi, khuôn mặt tỏ vẻ lo lắng.
Tôi không ngờ mình trong mắt người khác lại thảm hại như vậy. Tôi ngạc nhiên hỏi lại Gạo:
– Chị đã nói những gì?
– Tiểu thư thỉnh thoảng cứ lẩm bẩm cái gì mà lịch sử, chúa Trịnh, Quang Trung… nhiều lắm ạ. Em nghe không hiểu gì cả. – Gạo thành thật trả lời.
Tôi thở dài, cầm ly trà uống. Đinh Ngọc ở đâu đi đến, ngồi xuống ghế, chị nói:
– Đinh Thanh, từ hôm đi lễ hội đua thuyền về em cứ như thành người khác vậy. Suốt ngày thở dài, nói xem, có chuyện gì hả?
Tôi lắc đầu, tiếp tục thở dài. Đinh Ngọc nói tiếp:
– Hay ra phố chơi cho khuây khỏa nhé, thời tiết mùa xuân rất dễ chịu.
Tôi gật đầu. Vì vậy chiều hôm đó chúng tôi mặc váy áo đẹp đi dạo phố. Vừa ra khỏi phủ đã gặp phải một bà tầm hơn bốn mươi tuổi ngay ở cổng, bà ta nhìn thấy Đinh Ngọc thì cười, nói:
– Tiểu thư Đinh Ngọc, áo cưới đã may xong rồi. Tôi mang đến phủ, tiểu thư thử xem đã vừa chưa.
Đinh Ngọc gật đầu, nói cứ mang vào trong, tối về sẽ thử, ngày mai cho người mang qua sau. Bà thợ may vui vẻ đồng ý. Tôi nghe nói đến áo cưới thì đứng khựng lại,sao tôi lại có thể quên mất, cuối tháng này đã là lễ nạp tệ của Đinh Ngọc. Tôi đi sát bên cạnh Đinh Ngọc, hỏi chị:
– Chị đã quyết định rồi ư?
Đinh Ngọc gật đầu, mím môi trả lời:
– Chị sẽ quên Nguyễn Cảnh. Những ngày nằm bệnh chị đã suy nghĩ kỹ rồi, chị không thể bất hiếu với cha mẹ, coi như chị và anh ấy có duyên không phận.
Tôi cắn môi, rốt cuộc Đinh Ngọc đã đưa ra quyết định.
– Chị đã nói với Nguyễn Cảnh chưa? – Tôi hỏi.
Đinh Ngọc lắc đầu, đi tiếp. Phải rồi, cần gì nói, người như Nguyễn Cảnh chỉ nhìn biểu hiện của Đinh Ngọc hôm đó là đã hiểu được. Tôi giờ chỉ có thể hi vọng tên Phan Huy thực sự là người tốt, thực sự sẽ yêu thương và bảo vệ Đinh Ngọc.
Đinh Ngọc nói muốn mua thêm chỉ màu về thêu cho tôi một chiếc khăn tay, vì vậy chúng tôi đến một cửa hàng bán kim chỉ. Những cuộn chỉ nhiều màu sắc xếp hết lên một kệ gỗ khiến tôi nhìn muốn hoa cả mắt. Gạo phụ Đinh Ngọc chọn loại chỉ, rồi lại chọn màu. Tôi đứng ngắm các mẫu thêu cây hoa, chim, cá… đang treo ở một bên, thỉnh thoảng hỏi Đinh Ngọc thêu cho tôi mẫu này được không, mẫu kia được không. Đinh Ngọc mỗi lần như vậy đều cười, nói tôi tốt nhất hãy tự thêu đi. Tay tôi liên tục mở xem các mẫu vẽ ở trên bàn, miệng sẽ xuýt xoa khen đẹp, Đinh Ngọc vì thế cũng qua xem cùng tôi.
Đến khi chúng tôi bước ra khỏi cửa hàng thì tâm trạng cũng đã thoải mái hơn nhiều. Tôi rủ Đinh Ngọc ra hồ Tả Vọng hóng gió. Mùa xuân, cây mọc chồi non màu xanh mướt mắt. Tôi kéo tay Đinh Ngọc đến bên cây liễu đứng ngắm nhìn mặt hồ. Ngắm chán, tôi nhặt những hòn đá nhỏ dưới chân, ném ra xa, tạo nên những mặt tròn đồng tâm trên mặt nước. Đinh Ngọc quay qua hỏi tôi làm gì vậy.
– Em ném hết những nỗi buồn đi. Ngày mai chúng ta sẽ vui vẻ sống. – Tôi vừa cười vừa trả lời.
Đinh Ngọc nghe xong cũng bật cười, chị nói cũng muốn ném. Tôi đưa hòn đá còn lại trong tay cho chị. Đinh Ngọc ném ra xa, hòn đá hạ cánh xuống nước, những vòng tròn đồng tâm lại hiện lên trên mặt hồ, chúng tôi quay qua cười với nhau. Tôi lại cúi người lượm thêm đá. Khi đang nhặt hòn đá thứ hai thì một bàn chân hiện ra trong tầm mắt tôi, tôi ngẩng đầu nhìn lên, là một người thanh niên. Tôi đứng thẳng người dậy, nhìn thẳng vào mặt người kia. Hắn ta khoảng hơn hai mươi tuổi, mắt to, mày rậm, mặt đỏ phừng. Hắn ta nheo mắt nhìn chằm chằm vào Đinh Ngọc và tôi, rồi bật cười lớn:
– Đúng là Thăng Long, ở đâu cũng thấy mỹ nhân.
Đám thuộc hạ của hắn cũng cười lớn, hùa theo:
– Đúng là mỹ nhân thưa cậu.
Tôi nghe tiếng cười đã thấy sởn cả da gà, không tự chủ mà bước lui, đứng bên cạnh Đinh Ngọc. Gạo đứng ngay cạnh tôi, tay run run. Hắn ta thấy thế thì bước tới gần, đưa bàn tay to ra chạm vào mặt tôi, hơi thở mang mùi rượu phả ra:
– Đừng sợ, về nhà với cậu, cậu cho tiền vàng.
Tôi hất tay hắn ra, chùi chùi vào chỗ hắn vừa chạm vào. Đây là lần đầu tiên tôi bị sỉ nhục như vậy. Tôi trừng mắt:
– Đồ điên!
Nói rồi, tôi quay qua kéo tay Đinh Ngọc định bỏ đi, nhưng lũ thuộc hạ của hắn đã vây quanh, chắn đường lại. Hắn thì ban đầu tỏ vẻ ngạc nhiên, sau đó chống tay mà cười càng lớn hơn trước.
– Đúng là Thăng Long vẫn tốt hơn ở trấn Sơn Nam nhiều. Mỹ nhân không chỉ nhiều mà còn mạnh miệng hơn. – Hắn ta nói xong lại cười lớn.
Đinh Ngọc mím môi:
– Thăng Long là đất vua chúa, ngươi không được làm càn.
Hắn ta và lũ thuộc hạ nghe thấy càng cười càn rỡ hơn, hắn ta tiến đến tính đưa tay vuốt má Đinh Ngọc, tôi nhanh tay kéo Đinh Ngọc ra sau. Hắn ta nghiến răng, liếc tôi, rồi nói:
– Ta đây không sợ ai cả. Người đâu, bắt mỹ nhân đưa về phủ cho ta.
Tôi thấy rõ ràng là gặp cướp sắc ngoài đường rồi, tôi hít vào một hơi, nói to:
– Ngươi dám, ta sẽ la to lên.
Hắn và lũ thuộc hạ lại cười, một tên thuộc hạ nói:
– Ngươi cứ hô, xem ai dám quản chuyện của cậu bọn ta. Đến chúa còn không quản được.
Không biết bọn này là ai nhưng nghe giọng điệu thì rõ ràng là không phân biệt phải trái, nhớ ra hòn đá trong tay mình, tôi ném thật mạnh vào giữa đầu tên cầm đầu. Hắn chắc là không ngờ tới sẽ bị tôi ném đá, không kịp né, hòn đá bay thẳng vào giữa trán. Hắn bị đau, đi lùi một bước, tay ôm trán, la to lên, giọng đầy tức giận:
– Bắt lại cho ta, về ta sẽ xử tội.
Sáu tên thuộc hạ nghe thấy, hằm hè đi tới. Tôi nắm chặt tay Đinh Ngọc, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là bị bắt.
– Ngươi dám. – Một giọng nam đầy uy lực vang lên. Tôi biết người đó là ai, khẽ thở nhẹ một tiếng.
Tên cầm đầu quay mặt lại nhìn Trịnh Khải, hắn quát lớn:
– Ngươi không được xía vào chuyện của ta.
Trịnh Khải mặc bộ đồ xám tro, mắt nhìn thẳng vào tên cầm đầu, miệng gằn ra từng chữ:
– Đặng Lân, ngươi giữa ban ngày làm chuyện càn rỡ. Ngươi còn dám lớn tiếng, ta giết ngươi ngay tại đây.
Hắn ta nghe xong cười khẩy một tiếng:
– Ngươi dám giết ta?
Dự Vũ nãy giờ đứng cạnh Trịnh Khải, rút gươm ra chỉ thẳng vào mặt Đặng Lân:
– Ngươi muốn thử?
Trịnh Khải lên tiếng:
– Lấy thân phận của ta, giết ngươi xong thì có thể xảy ra chuyện gì?
Hắn ta thấy thanh gươm lại nghe Trịnh Khải nói xong thì sắc mặt hơi tái, quay qua nói với đồng bọn:
– Đi.
Trước khi hắn bỏ đi, còn quay lại nhổ một bãi nước bọt:
– Ta về nói với Tuyên phi, xem chị ta xử lý ngươi thế nào.
Trịnh Khải chỉ hừ một tiếng, quay qua nhìn tôi, mặt anh giãn ra:
– Nàng không sao chứ?
Tôi lắc đầu. Nguyễn Cảnh ở đâu chạy tới, thấy chúng tôi không sao mới thở phào nhẹ nhõm sau đó quay qua cúi đầu, làm lễ với Trịnh Khải:
– Thế tử.
Trịnh Khải gật đầu rồi nói với Nguyễn Cảnh:
– Ngươi đưa họ về. Ta phải đi giải quyết công việc.
– Dạ. – Nguyễn Cảnh đáp.
Trước khi Trịnh Khải đi, anh nhìn tôi một cái, thấy mặt tôi không hề biến đổi, đoán là tôi đã biết anh là thế tử nên cũng không giải thích, quay người đi thẳng. Tôi nhìn bóng lưng anh cho đến khi khuất sau những người đang đứng trên phố xem chuyện.
Người hầu Nguyễn Cảnh chạy đến, sau lưng khoảng năm sáu thanh niên. Nguyễn Cảnh giải thích:
– Ban nãy tôi đi công việc, bắt gặp tên Đặng Lân đang bắt nạt các nàng, đã định chạy đến. Không ngờ thế tử chặn lại, nói tôi đi tìm thêm người, ngài ấy sẽ lo chuyện còn lại.
Ra Trịnh Khải cũng không nắm phần chắc khi đến giải cứu chúng tôi, cũng may tên Đặng Lân kia bị hù đã sợ quá mà bỏ chạy, nếu không lại xảy ra chuyện đánh nhau giữa phố.
Mặc dù từ đây về phủ khá gần nhưng Nguyễn Cảnh vẫn cương quyết bắt chúng tôi lên xe ngựa. Trên xe ngựa, Đinh Ngọc quay qua hỏi tôi:
– Em quen biết thế tử sao?
Nguyễn Cảnh ngồi ở đầu xe cũng quay ra chờ câu trả lời của tôi. Tôi nói:
– Không quen. Chắc thế tử thấy nạn thì cứu thôi.
Đinh Ngọc cũng không hỏi thêm. Đến phủ, khi chúng tôi vừa xuống xe ngựa thì gặp quận công và mẹ cả ở bên ngoài cũng vừa đến nhà. Nguyễn Cảnh nhìn thấy thì đưa hai tay làm lễ. Quận công lên tiếng:
– Tại sao cậu không đến dạy học nữa?
– Thưa quận công, tôi đáng lẽ nên đến nói với người từ sớm. – Nguyễn Cảnh trả lời.
– Là cha ngươi không cho phép? – Quận công lại hỏi.
Nguyễn Cảnh mím môi, nói từ tốn:
– Thưa, việc này không liên quan đến cha tôi. Là tôi hiện nay có nhiều việc bên ngoài nên không thể tiếp tục dạy học tiểu thư.
Quận công nghe thấy chỉ hừ một tiếng trong họng, quay lưng đi vào phủ. Tôi và Đinh Ngọc chào Nguyễn Cảnh rồi đi theo vào trong.
Đến phòng khách, quận công và mẹ cả ngồi trên ghế. Tôi và Đinh Ngọc bị bắt đứng lại hỏi chuyện. Mẹ cả hỏi trước:
– Các con mới đi đâu về?
– Con ra phố mua ít chỉ thêu. – Đinh Ngọc trả lời.
– Tại sao lại đi cùng công tử nhà Hân quận công? – Mẹ cả hỏi tiếp.
Lần này đến lượt tôi trả lời, kể rõ ràng sự việc xảy ra ban nãy.
– Thế tử và công tử Nguyễn Cảnh nhìn thấy bất bình mới đến giải cứu chúng con. Nếu không gặp họ, không biết lúc này đã xảy ra chuyện gì. – Tôi kết luận.
Mẹ cả nghe thấy thì tái mặt, quận công tức giận đập bàn, nói lớn:
– Ta phải vào phủ chúa nói chuyện với Tuyên phi.
Mẹ cả can ngăn:
– Đừng đi, ông cũng biết Tuyên phi cưng chiều em trai, thế nào Tuyên phi cũng tìm cớ để ép buộc chúng ta gả con gái cho tên Đặng Lân kia.
Chúng tôi nghe nói cũng giật mình, quận công trầm ngâm suy nghĩ, sau đó nói với chúng tôi:
– Các con nên hạn chế ra khỏi phủ, đi đâu thì nên đi xe ngựa và mang theo một tên hầu trai, có chuyện gì thì để hắn chạy đi báo ta.
Chúng tôi dạ một tiếng, ông đứng dậy đi vào gian nhà trong, trước khi ông bước ra cửa, bỗng ông quay lại nhìn tôi:
– Con cũng tránh gặp Nguyễn Cảnh đi.
Tôi nghe mà mù mịt, đáng lẽ phải nói chúng tôi đi cám ơn Nguyễn Cảnh thì lại nói tôi tránh gặp anh ta. Tuy thắc mắc nhưng tôi cũng không dám hỏi.