Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 16: Ước Hẹn Chờ Nhau​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 16: Ước Hẹn Chờ Nhau​


Ba ngày sau, mẹ cả nói với Đinh Ngọc là lễ nạp cát rất tốt, lễ nạp tệ là ngày mười tháng sau. Tức là đúng một tháng sau sẽ tiến hành lễ hỏi, tôi không ngờ lại nhanh như vậy. Vì thời gian gấp gáp, trong phủ đã bắt đầu công tác chuẩn bị, mẹ cả bận rộn cả ngày sai bảo người hầu làm việc này, việc kia. Áo cưới của Đinh Ngọc cũng đã có người đến may đo.
Đinh Ngọc từ khi biết ngày đám hỏi đã định thì chị càng trầm lặng, nếu không có việc gì sẽ ngồi bên bàn lặng yên không nói. Tôi nhìn chị, cảm thấy bức bối trong người.
Vì cớ gì cha mẹ muốn gả con gái đi cũng không hỏi ý kiến lấy một lần. Vì cớ gì yêu ai lấy ai đều không thể tự bản thân quyết định. Vì cớ gì Đinh Ngọc lại nhẫn nhịn đến như vậy? Là vì nề nếp nặng nề của xã hội phong kiến này sao. Là vì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” mà vứt bỏ tình cảm cá nhân sao?
Tôi không nhịn được, cầm tay Đinh Ngọc:
– Chị, chị thật sự muốn gả cho tên Phan Huy kia sao?
Đinh Ngọc rũ mi xuống, giọng buồn buồn:
– Muốn hay không thì có thể được sao? Phan Huy là người tốt, gả cho Phan Huy, chị rồi cũng sẽ hạnh phúc.
– Miễn là người tốt thì gả cho ai cũng được hay sao? Làm sao chị biết lấy anh ta thì chị sẽ hạnh phúc? – Tôi không đồng ý.
Đinh Ngọc ngẩng mặt nhìn tôi, sau đó thở dài:
– Trước đây chị cũng chỉ hi vọng lấy được người tốt, sống bình yên qua ngày.
– Nhưng đó là trước khi chị gặp Nguyễn Cảnh. – Tôi nói.
Người Đinh Ngọc khẽ run lên, tôi cầm chặt tay chị:
– Đinh Ngọc, chị nghe em nói, có tình cảm với một người nhưng phải lấy một người khác là điều bất hạnh. Hạnh phúc của mình, mình phải tự nắm giữ. Chị đừng đánh mất hi vọng, đừng thuận theo mọi sự sắp đặt của người khác, dù đó là cha mẹ.
Đinh Ngọc mở to mắt nhìn tôi, tôi đọc được sự ngạc nhiên của chị, tôi cũng thấy cả sự bi thương trong đó. Đinh Ngọc choàng tay ôm lấy tôi, tựa đầu vào vai tôi, khóc to:
– Giá mà chị chưa từng gặp Nguyễn Cảnh.
Tôi thấy vai mình run run, Đinh Ngọc lần đầu khóc trước mặt tôi, lại khóc đau đớn đến như vậy. Những ngày qua Đinh Ngọc đã cố gắng vùi lấp suy nghĩ sâu kín nhất trong lòng, thế nhưng tôi lại vừa lôi nó ra, chỉ thẳng vào nỗi khổ tâm của chị. Tôi không ngờ, chị đã có tình cảm sâu đậm như vậy đối với Nguyễn Cảnh.
Tiếng khóc nức nở của Đinh Ngọc như bóp chặt trái tim tôi. Tôi thấy mình khó thở, chỉ có thể há miệng, hớp từng ngụm không khí.
***

Từ hôm đó, tôi luôn bám sát lấy Đinh Ngọc. Tuy chúng tôi không nói chuyện nhiều, nhưng Đinh Ngọc cũng không còn vẻ mặt u ám như trước kia. Chị nói, chị cần suy nghĩ cẩn thận. Vì vậy, tôi chỉ im lặng ngồi bên chị, lúc cầm sách học chữ, lúc lại nằm ra bàn nhìn vu vơ ngoài sân. Buổi tối, tôi sẽ kiếm cớ để ngủ chung giường với chị.
Một ngày, Đinh Ngọc chống cằm hỏi tôi:
– Đinh Thanh, mấy ngày qua, em sợ chị làm bậy phải không?
Tôi ngớ người, ra Đinh Ngọc nhìn thấu những hành động trong mấy ngày qua của tôi. Đúng là sau cái hôm tôi chạm vào nỗi đau của Đinh Ngọc, tôi sợ chị sẽ nghĩ lung tung rồi bế tắc mà tự tử. Vì vậy tôi luôn cẩn thận theo dõi chị ngày đêm.
– Em không có. – Tôi lấp liếm.
Đinh Ngọc cười, nụ cười hiếm hoi trong suốt hơn mười ngày qua, giọng chị dịu dàng:
– Chị sẽ suy nghĩ cẩn thận việc có lấy Phan Huy hay không. Chị sẽ không nghĩ quẩn đâu. Hôm nay Trung thu, em không muốn ra ngoài chơi sao?
Tôi nghe đến Trung thu thì giật mình, tối nay tôi có hẹn với Trịnh Khải, suýt chút nữa là tôi quên mất.
***
Tối Trung thu, cả nhà đã treo đèn lồng sáng rực, mâm cỗ cũng đã bày biện. Tôi không cách nào ra phố được, bèn đợi đến lúc phá cỗ xong, tôi mới dám cùng Gạo ra phủ.
Lúc này đã quá giờ Tuất, Trung thu trăng sáng, người đi lại trên phố rất đông vui. Tiếng trống múa lân thùng thùng vang lên khắp con phố. Tôi nhớ đường cũ, đi trước, Gạo theo sau.
Tôi đi rất nhanh, hồi hộp không biết Trịnh Khải có còn chờ tôi. Đến trước đền cũ, tôi đứng trước cánh cửa gỗ, hít vào một hơi thật sâu để bình tâm lại. Gạo hỏi:
– Tiểu thư, đây là…
– Là một đền cũ. – Tôi đẩy cánh cửa gỗ.
Vừa mở cánh cửa, tôi thấy một bóng người đang đứng quay lưng với tôi. Người đó nghe tiếng cửa mở thì quay người lại, nhìn tôi. Là Trịnh Khải, anh đang đứng đợi tôi. Trịnh Khải nhìn tôi, mỉm cười:
– Rốt cuộc nàng đã đến.
Tôi ngại ngùng gật đầu. Gạo quay người đóng cánh cửa gỗ trong khi tôi và Trịnh Khải vẫn đứng nhìn nhau. Gạo nói:
– Tiểu thư, em sẽ đứng ở đây chờ người.
Tôi quay qua, ừ một tiếng rất nhỏ với Gạo. Tôi bước đến gần Trịnh Khải, anh chìa bàn tay to ra. Tôi hiểu ý của anh, nhưng Gạo đang đứng ở đây, tôi không dám đưa tay mình cho anh. Tôi ngập ngừng đi đến bên cạnh Trịnh Khải, một tay tôi đưa ra cầm lấy phần tay áo của anh. Tôi nghe tiếng anh cười rất nhỏ.

Trịnh Khải chầm chậm đi, tôi nắm một phần ống tay áo của anh, đi theo. Đến bên ao sen, tôi thả tay ra. Trịnh Khải quay qua nhìn tôi, mỉm cười:
– Ra là nàng cũng biết ngượng.
Tôi vừa xấu hổ, vừa thẹn nhưng không biết trả lời thế nào, đành im lặng trừng mắt nhìn anh, rồi quay người nhìn ra ao sen. Trịnh Khải cười ra tiếng. Tôi muốn nói gì đó để xóa đi sự ngại ngùng của mình, bèn hỏi:
– Công tử không đi cùng Dự Vũ sao?
Trịnh Khải hừ một tiếng trong miệng:
– Câu đầu tiên nàng nói với ta sau nhiều ngày gặp lại là nhắc đến một người khác sao?
Tôi bất ngờ, Dự Vũ không phải trợ thủ của anh sao, không thấy không lẽ không được hỏi? Tôi không biết nói gì nữa, cứ đứng im ngắm sen trước mặt.
Trịnh Khải đứng bên cạnh, anh vuốt tóc tôi. Cả người tôi cứng đờ, tim đập mạnh nhưng hơi thở lại mong manh.
– Nàng không cần quan tâm hắn. – Trịnh Khải nói.
Tôi gật đầu như một cái máy, cả gương mặt nóng hổi. Tôi thầm nghĩ, may là buổi tối, trăng tuy sáng nhưng không thể nhìn ra được mặt tôi đang đỏ bừng lúc này, nếu không tôi cũng không biết giấu mặt đi đâu.
– Rất hợp. – Trịnh Khải lại nói.
Tôi quay qua nhìn gương mặt đang cười của anh, lát sau mới hiểu được ý trong câu nói đó. Tôi đang cài chiếc trâm ngà voi mà Trịnh Khải tặng. Tôi muốn trêu anh, liền rút cây trâm xuống mà nói:
– Trả lại cho công tử. Lần sau công tử nhớ đính lên đó nhiều vàng bạc đá quý một chút.
Trịnh Khải ban đầu nghe tôi nói thì sững người, sau đó bật cười:
– Ra là nàng thích những thứ đó. Lần sau ta sẽ cho nàng.
Tôi trợn mắt, Trịnh Khải sao có thể nói cho nhẹ bẫng như vậy, là vàng bạc đá quý đó. Hình như tôi chẳng biết chút gì về gia đình Trịnh Khải, đang phân vân không biết có nên hỏi hay không thì anh đã hỏi:
– Nàng đang nghĩ gì vậy?
– Đang nghĩ, nên lấy một viên đá quý lớn hay nhỏ, màu gì thì sẽ đẹp. – Tôi cười.
Trịnh Khải nói, vẻ mặt nghiêm túc:

– Ta thấy ngọc trắng rất hợp với nàng, thuần khiết.
Ra Trịnh Khải đính một hạt ngọc trắng trên cây trâm là có ý đó. Tôi cúi đầu cười:
– Vậy không cần thêm đá quý nữa, nghĩ tới nghĩ lui thì cây trâm này đã rất đẹp rồi.
Trịnh Khải nghe thấy vậy thì cười lớn, lại đưa một tay cầm lấy cây trâm trong tay tôi, cài lên đầu tôi cẩn thận. Tôi nghe tim mình run rẩy. Nhưng đáy lòng lại ngọt ngào như mật.
Trịnh Khải nói nhỏ bên tai tôi:
– Ta muốn nghe nàng gọi ta.
– Công tử. – Tôi đáp ứng yêu cầu của anh.
– Không phải. Gọi lại đi. – Trịnh Khải yêu cầu lần hai.
– Trịnh Khải.
– Cũng không phải. – Anh cười.
Từ nãy đến giờ tôi chỉ cúi đầu, cuối cùng cũng ngẩng mặt lên nhìn anh. Trên gương mặt tuấn tú đó, nụ cười và ánh mắt tràn ngập yêu thương. Tôi hít vào một hơi thật sâu, cố trấn tĩnh bản thân, nói nhỏ:
– Chàng.
Khóe miệng Trịnh Khải giãn rộng ra, anh đưa tay vuốt nhẹ một bên má tôi, giọng ấm áp:
– Hoài An, nàng chờ ta. Được không?
Tôi không biết tại sao Trịnh Khải muốn tôi chờ anh, nhưng tôi vẫn gật đầu.
– Nếu… nếu nàng phải chờ rất lâu thì nàng có chờ ta không? – Trịnh Khải siết chặt tay tôi.
Tôi cảm thấy Trịnh Khải đang có sự bất an trong lòng, dù không biết tại sao, nhưng tôi không sợ hãi. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh:
– Thiếp sẽ chờ chàng.
Lần này Trịnh Khải cười mãn nguyện:
– Ta nhất định sẽ đến tìm nàng.
Không có một lời yêu thương, chỉ có một lời hứa hẹn. Lời hứa chờ đợi nhau.

Vì đã trễ, tôi phải chào tạm biệt Trịnh Khải để cùng Gạo trở về. Mỗi lần gặp anh không hiểu sao cứ luôn ngắn ngủi đến vậy nhưng lại ngọt ngào khắc ghi vào tâm cốt.
Những ngày qua thật ra tôi cũng từng lo rằng rồi mình cũng sẽ bị ép hôn như Đinh Ngọc. Nhưng tôi lại cố trấn an bản thân, chỉ cần Trịnh Khải vẫn ở đó, tôi sẽ không gả cho ai khác.
Sau tối nay, tôi càng thêm củng cố niềm tin của mình.
***
Khi chỉ còn cách ngày diễn ra đám hỏi chưa đến một tuần, Đinh Ngọc rốt cuộc cũng qua phòng tìm tôi.
– Đinh Thanh, chị đã nghĩ kỹ rồi. Chị muốn gặp Nguyễn Cảnh một lần trước khi bị gả đi. – Đinh Ngọc toát ra vẻ mặt kiên quyết.
Tôi gật đầu, mỉm cười:
– Chị suy nghĩ thật là lâu, rốt cuộc cũng “chín” kỹ rồi.
Đinh Ngọc cười, gí ngón tay vào trán tôi:
– Đừng trêu chị nữa. Mau nghĩ cách giúp chị.
Đúng vậy, tôi phải tìm cách để Đinh Ngọc gặp được Nguyễn Cảnh. Vì vậy, tôi với Gạo lại đến phủ Hân quận công. Lần này, tôi chưa cần gõ cửa thì cánh cổng đã mở. Nguyễn Hoàn đang chuẩn bị ra ngoài, thấy tôi đứng ngay ngoài cổng, mặt anh ta biểu lộ ngạc nhiên:
– Đinh Thanh, sao nàng ở đây?
Gặp được Nguyễn Hoàn, tôi rất mừng. Rốt cuộc cũng có thể gặp bọn họ rồi. Tôi nói:
– Tôi đến tìm Nguyễn Cảnh.
Nguyễn Hoàn bước đến gần tôi, kéo tôi qua ngã rẽ gần đó. Mặt anh ta có chút lo lắng:
– Tôi cũng định đi tìm nàng nhưng vẫn chưa đi được. Bây giờ Nguyễn Cảnh vẫn còn nằm trên giường bệnh, chưa hạ sốt. Chuyện anh ấy với Đinh Ngọc có lẽ không được rồi.
– Chuyện gì đã xảy ra? – Tôi cảm thấy bất an.
Nguyễn Hoàn thở dài:
– Tôi cũng không biết tại sao bác tôi lại nhất quyết không đồng ý cho Nguyễn Cảnh đi hỏi cưới Đinh Ngọc. Anh ấy van xin cách nào cũng không được, chúng tôi còn bị cấm túc trong phòng hơn năm ngày mới được thả. Sau đó Nguyễn Cảnh lại quỳ trước phòng bác tôi, xin cho cưới Đinh Ngọc. Bác tôi tức giận, bắt anh quỳ ở sân suốt cả đêm. Vì bị ngấm nước mưa cả đêm nên anh ấy sốt rất cao, hiện giờ đang nằm trên giường bệnh.
Cuối thu, ban đêm sẽ rất lạnh. Nguyễn Cảnh chấp nhận quỳ dưới mưa lạnh cầu xin thì chắc chắn tình cảm của anh ta đối với Đinh Ngọc cũng rất sâu nặng.
– Hân quận công có thay đổi ý kiến không? – Tôi có chút hi vọng Nguyễn Cảnh sẽ khiến cha anh ta động lòng.
Nguyễn Hoàn lắc đầu, nói Hân quận công thà rằng từ mặt Nguyễn Cảnh, cũng nhất quyết không làm thông gia với Huy quận công.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.