Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 12: Phải Lòng
Trịnh Khải im lặng rồi thở hắt ra một tiếng, anh nói:
– Hiện giờ nàng đang ở đâu?
Nhớ lại hôm trước bị Nguyễn Hoàn chế giễu, tôi rút kinh nghiệm, không dám nói ra phủ Huy quận công. Mà Trịnh Khải cũng không hề biết tôi là Đinh Thanh, tôi không cần tự khai ra nữa. Tôi trả lời là nhà cách đây ba con phố, nhà Huy quận công đúng là cách hồ Tả Vọng ba con phố.
Trịnh Khải nghe câu trả lời của tôi xong cũng không thắc mắc thêm. Anh cầm cây tăm gỗ cắm vào một miếng bánh trắng đục có phủ dừa bên trên, sau đó đưa cho tôi.
– Nàng ăn thử đi.
Tôi cầm lấy cây tăm gỗ, đưa miếng bánh lên miệng cắn, quả nhiên rất thơm, vị ngọt thanh thanh. Trịnh Khải nói tiếp:
– Hoài An, nàng bao nhiêu tuổi?
Tôi trả lời cẩn thận:
– Mười lăm tuổi. – Đinh Thanh năm nay đúng mười lăm tuổi.
– Thì ra đã mười lăm tuổi, ta hơn nàng một tuổi. – Trịnh Khải cười.
Thật không ngờ Trịnh Khải chỉ mới mười sáu, vậy mà tôi cứ ngỡ anh phải lớn hơn. Có lẽ vì anh cao hơn tôi cả một cái đầu và cách nói chuyện chững chạc đã khiến tôi nghĩ anh không thể dưới mười tám.
Lại có tiếng gõ màn trúc. Lần này Trịnh Khải đứng dậy, bước ra vén màn trúc. Người đàn ông gặp lúc mới đến nói nhỏ vào tai Trịnh Khải, tôi thấy mặt anh cứng lại. Trịnh Khải gật đầu với người đàn ông, chờ ông ta lui ra, anh đến ngồi đối diện tôi rồi nói:
– Nàng cứ ngồi ở đây ăn bánh chờ ta. Phụ, à, là cha ta đang ở đây, ta qua gặp ông rồi sẽ quay lại.
Tôi gật đầu máy móc. Thật ra khi nghe Trịnh Khải nói cha anh đang ở đây, tôi lại thấy chột dạ, mặc dù mình không làm sai điều gì. Nếu lén lút hẹn hò với con của ông ấy thì có bị coi là làm sai không? Người thời này cổ hủ, rất hay phán xét này nọ. Tôi có thể đùa nghịch với người ngang tuổi, nhưng với người lớn tôi lại có cảm giác sợ.
Trịnh Khải thấy tôi gật đầu thì mỉm cười rồi đứng dậy. Lúc anh vén rèm trúc còn quay đầu nhìn tôi một cái mới quay lưng đi ra ngoài.
Trịnh Khải đi khỏi, tôi càng rối bời. Nói gian phòng này kín, thật ra cũng không kín. Rèm trúc có thể ngăn không nhìn rõ mặt, nhưng có thể nhìn thấy bóng người. Nếu như cha của Trịnh Khải biết được tôi ngồi ở đây, liệu có muốn gặp tôi không? Tôi cảm thấy tình huống có chút nguy hiểm.
Tôi muốn bỏ của chạy lấy người, nhưng khi nhìn khay bánh thì tôi nghĩ lại, muốn ôm của bỏ chạy. Nghĩ là làm, tôi lấy tấm khăn ban nãy được phủ lên khay bánh, trải khăn ra, gắp mỗi loại bánh mấy cái đem bỏ lên chiếc khăn, gấp kín rồi cột lại. Thấy khá ổn, tôi vén rèm trúc đi ra ngoài. Một tay cầm túi bánh, tay kia để ngang ôm lấy bụng, tôi vừa đi vừa phập phồng lo sợ bị ai đó hỏi. Nhưng lạ một điều, những người đi lại trong nhà Thủy Tạ cũng không ai thèm để ý đến tôi. Rốt cuộc tôi cũng đi ra khỏi nhà Thủy Tạ an toàn.
Tôi thở ra một hơi, đi đến bên Gạo đang ngồi một mình dưới gốc cây lộc vừng. Gạo nhìn thấy tôi liền chạy đến hỏi:
– Tiểu thư, sao người ra một mình?
Tôi đưa túi bánh cho Gạo cầm mới nói:
– Về nhà thôi.
Gạo cũng không hỏi thêm, cầm túi vải đựng bánh, đi theo tôi.
***
Về nhà, tôi mở tấm vải ra, bên trong rất nhiều loại bánh mứt đủ màu sắc và thơm ngon. Đinh Ngọc cầm một cái bánh lên ăn, khen nức nở. Hỏi tôi mua ở đâu, tôi nói là ăn trộm. Đinh Ngọc nghe thấy thì cười to, cũng không hỏi thêm, tiếp tục ăn bánh. Gạo cũng vừa ăn vừa khen ngon, dĩ nhiên cô bé biết tôi lấy chúng từ đâu nên không thèm hỏi.
Đinh Ngọc và Gạo ngồi ăn bánh ở bàn đá dưới gốc cây lựu. Tôi nói không muốn ăn nên đi vào phòng nằm. Thực ra tôi đang cần ổn định lại cảm xúc.
Trịnh Khải, tôi gặp anh tổng cộng được bốn lần, rốt cuộc tôi biết bao nhiêu về anh? Không có bao nhiêu. Nhưng điều đó có quan trọng không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều, hình như tôi đang phải lòng một người.
***
Nhiều ngày sau, tôi cứ hai buổi: sáng, chiều cùng Gạo ra phố dạo một vòng rồi quay về. Nhưng vẫn không “tình cờ” gặp được Trịnh Khải. Tôi ra phủ thường xuyên đến mức Đinh Ngọc nhìn tôi bằng con mắt nghi ngờ.
Do đó, để phân tán sự chú ý của Đinh Ngọc và cả của tôi, thỉnh thoảng tôi sẽ nhờ Đinh Ngọc chỉ vài chữ Nôm, thỉnh thoảng sẽ chỉ cho Gạo cách khâu một chiếc túi vải mang chéo, gần giống các kiểu túi của học sinh thời hiện đại. Thời gian còn lại, tôi đi lui đi tới trong sân, hoặc nằm ra giường vắt tay lên trán, nghĩ làm sao để gặp được Trịnh Khải.
Tất nhiên Trịnh Khải không biết tôi ở phủ Huy quận công. Tôi lại càng không biết được hiện giờ Trịnh Khải đang ở đâu. Cái đường Thượng Đạo gì đó xa xôi, tôi càng không thể đi được. Khoan, không phải còn có ông Hòa đó sao?
Chiều hôm đó, tôi lại cùng Gạo ra phủ. Lần này chúng tôi không cần đi lung tung, chỉ nhắm nhà Hân quận công mà đến. Mở cửa cho chúng tôi lại là anh chàng người hầu hôm bữa. Nhưng lần này nhìn thấy tôi, anh ta tỏ vẻ mặt ái ngại:
– Tiểu thư, ông Hòa đã không còn ở trong phủ.
Tôi bất ngờ, không phải lần trước ông ta nói có cần gì cứ tới tìm sao? Lần này tôi cần thì ông lại đi mất. Tôi hỏi:
– Ông Hòa đang ở đâu?
– Dạ, tôi không biết. – Anh ta gãi gãi đầu.
Tôi thất vọng quay người chuẩn bị rời đi. Vừa quay người thì bắt gặp Nguyễn Hoàn và Nguyễn Cảnh cùng hai người hầu của bọn họ đang đứng trước mặt tôi. Tôi bất ngờ:
– Sao hai người ở đây?
Nguyễn Hoàn bước đến gần tôi, cười ái muội nói:
– Tôi mới phải hỏi, tiểu thư, sao nàng ở đây?
– Tôi tìm người. – Tôi trả lời ngắn gọn.
Lần này, Nguyễn Cảnh đi tới gần nói:
– Tiểu thư Đinh Thanh, không biết nàng đang tìm ai?
Tôi hết nhìn Nguyễn Cảnh lại nhìn Nguyễn Hoàn, hỏi ngược lại:
– Tôi tìm một người trong phủ Hân quận công, hai người có thể biết được sao?
Nguyễn Cảnh cười:
– Đây là nhà của tôi, tôi nghĩ tôi có thể biết.
Tôi nghe Nguyễn Cảnh trả lời mà choáng váng. Đúng là trong cái rủi có cái may. Người hầu có thể không biết, Nguyễn Cảnh là công tử nhà này, chắc hẳn là biết. Tôi cười:
– Tôi tìm ông Hòa từng ở trong phủ của công tử. Không biết công tử có biết, giờ này ông Hòa đang ở đâu không?
Nguyễn Hoàn đứng im nãy giờ cũng xen vào, vừa nói vừa cười:
– Trong phủ làm gì có ai tên là Hòa. Tiểu thư tìm nhầm nhà rồi.
Nguyễn Cảnh nhíu mày nói:
– Sao tiểu thư Đinh Thanh biết được ông Hòa từng ở phủ chúng tôi?
Nguyễn Hoàn nghe Nguyễn Cảnh trả lời, gương mặt anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Trong phủ có người tên Hòa thật sao? Sao em không biết?
– Người này chú không cần biết. – Nguyễn Cảnh nói xong quay qua nhìn tôi, chờ một câu trả lời.
Tôi suy nghĩ cẩn thận mới đáp:
– Tôi tìm ông ấy có việc nhờ vả.
Nguyễn Cảnh lại nhíu mày, suy nghĩ một hồi rồi nói:
– Tiểu thư, ông Hòa chỉ có cha tôi mới biết được. Đợi tối cha tôi từ phủ chúa trở về, tôi sẽ hỏi giúp nàng.
– Cám ơn công tử. Vậy sáng mai tôi sẽ qua gặp công tử. – Tôi mừng rỡ.
Nguyễn Cảnh cười:
– Không cần khách khí. Tiểu thư không cần đi lại vất vả, sáng mai dù có tin tức hay không, tôi sẽ qua phủ Huy quận công tìm nàng.
Tôi tính nói, thực ra đi qua có hai con phố không vất vả tí nào. Nhưng thấy Nguyễn Cảnh nhiệt tình, tôi cũng gật đầu. Nói lời tạm biệt hai anh em họ, tôi và Gạo quay trở về phủ.
***
Sáng hôm sau, tôi đứng trước cổng phủ đợi Nguyễn Cảnh. Tôi đi qua đi về trước cổng, Gạo nhìn thấy không đành lòng mới nói:
– Tiểu thư, hay tiểu thư vào nhà ngồi nghỉ đi. Để em ngồi ở đây đợi, có người đến em sẽ chạy vào báo.
Tôi thấy Gạo nói đúng, tiểu thư là tôi đây mới sáng sớm đã muốn đứng trước cổng cho người qua đường nhìn, thật mất mặt. Tôi xách váy vào nhà ngồi đợi.
Không lâu sau, Gạo đã chạy vào báo cho tôi hay Nguyễn Cảnh đã đến. Tôi đi nhanh ra cổng. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn đang đứng bên cạnh con sư tử bằng đá. Tôi đi đến, chào hỏi. Nguyễn Cảnh cũng nhanh chóng trả lời tôi rằng, ông Hòa đã đến ở đường Thượng Đạo.
Tôi lại thêm một lần nữa thất vọng, đường Thượng Đạo đó chắc là đang nói đến nhà của Trịnh Khải rồi. Nguyễn Hoàn lên tiếng:
– Có chuyện này tôi vẫn rất thắc mắc. Tiểu thư Đinh Thanh của phủ Huy quận công có việc gì mà phải nhờ vả đến một người bên ngoài phủ?
Tôi rất bất ngờ trước câu hỏi của Nguyễn Hoàn, vẫn chưa biết trả lời sao thì Huy quận công đã đến bên cạnh tôi từ lúc nào. Ông nhìn tôi, nhìn hai anh em Nguyễn Hoàn rồi hỏi:
– Hai công tử đây là công tử nhà nào?
Nguyễn Cảnh chắp tay, cúi đầu chào, trả lời cẩn thận:
– Thưa Huy quận công, tôi là Nguyễn Cảnh, cha tôi là Hân quận công. Còn đây là em họ tôi, Nguyễn Hoàn.
Nguyễn Hoàn cũng chắp tay, cúi đầu chào. Huy quận công nghe câu trả lời của Nguyễn Cảnh thì gật đầu nói:
– Ra là con trai của Hân quận công Nguyễn Đĩnh.
Nói xong, ông quay qua nhìn tôi rồi hỏi:
– Đinh Thanh, sao con quen biết với công tử nhà Hân quận công?
Tôi chưa kịp trả lời thì Nguyễn Cảnh lại lên tiếng:
– Thưa quận công, tiểu thư Đinh Thanh và chúng tôi cũng là tình cờ gặp nhau ngoài đường mới quen biết.
Nguyễn Cảnh trả lời rành mạch, rõ ràng, đúng sự thật và còn có phần nói giảm. Cũng may anh ta không nói việc tôi nhờ họ tìm người.
Quận công nghe vậy thì nói:
– Đinh Thanh, con cũng nên mời công tử nhà Hân quận công vào nhà uống trà mới phải. Đừng đứng ở cổng trò chuyện, người ta nhìn thấy lại nói điều không hay.
Tôi dạ một tiếng. Đúng lúc một người hầu chạy từ trong nhà ra, dâng lên cho quận công một cuốn sách, anh ta nói:
– Bẩm quận công, đã tìm thấy văn thư.
Quận công cầm lấy, mở ra xem vài trang, gật đầu với người hầu. Sau đó, ông quay qua nhìn chúng tôi:
– Mau vào nhà đi. Ta phải đi công việc.
Ra là ông quay trở về nhà để lấy một cuốn văn thư, vì thế mới bắt gặp tôi đang nói chuyện với Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn. Chờ quận công ngồi lên kiệu gỗ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm rồi quay qua nói lời cảm ơn với Nguyễn Cảnh. Nguyễn Hoàn nhìn thấy thì trêu chọc:
– Đinh Thanh, có mời chúng tôi vào nhà dùng trà không đây?
Tôi quay lại trợn mắt với anh ta rồi nói:
– Công tử chắc bận rộn, không có thời gian uống trà. Vậy tôi không tiễn.
Nhìn Nguyễn Hoàn há hốc miệng, tôi rất vui vẻ, đang chuẩn bị quay lưng đi vào nhà thì Nguyễn Cảnh nói:
– Tiểu thư Đinh Thanh, tối mai là lễ hội hoa đăng. Tôi đã đặt một gian phòng nhỏ tại lầu Dương Khê, từ nơi đó có thể nhìn rất rõ cảnh lễ hội bên dưới. Hi vọng tiểu thư Đinh Ngọc và Đinh Thanh cùng đến.
Mắt tôi sáng rực khi nghe Nguyễn Cảnh nói đến lễ hội hoa đăng, lại còn có chỗ ngồi nhìn cảnh đẹp, tôi tất nhiên vui vẻ đồng ý:
– Được, tối mai tôi sẽ cùng chị Đinh Ngọc đến.
Nguyễn Hoàn nhìn biểu cảm vui vẻ trên mặt tôi thì bĩu môi nói:
– Anh nhìn xem, nàng ta thay đổi thái độ thật nhanh.
Tôi nghe thấy, cười tủm tỉm rồi quay lưng bước vào phủ. Thực ra tôi không ghét Nguyễn Hoàn tí nào, chỉ là thấy tính tình anh ta thoải mái nên tôi cũng thích trêu đùa.