Bạn đang đọc Đồ Mi Không Tranh Xuân FULL – Chương 8: Gió Nổi 5
Ta ngoái đầu, y đang nhìn ta, vậy là ta phải nhanh nhanh chóng chóng buông chổi chạy qua.
Cao Yển đi vào phòng ngồi xuống trước bàn sách, tiện tay với một quyển sách đưa sang cho ta.
Ta vừa nhận lấy, chợt y bảo: “Ngươi đọc cho ta nghe.”
Nhìn lướt qua tên quyển sách, có vẻ như đây là cuốn sách sử ghi lại triều trước, mặc dù bụng hoài nghi nhưng ta vẫn ngoan ngoãn đọc rõ từng chữ một.
Cũng may đây không phải kiểu chữ phồn thể, ta vẫn có thể nhận biết được.
Thời gian một chén trà nhỏ từ từ trôi qua cũng không nghe Cao Yển lên tiếng, mồm miệng khô không khốc, ta chỉ đành cắn răng tiếp tục đọc.
Đọc hết nửa tiếng, mắt thấy đã sắp đọc được nửa cuốn sách, bấy giờ Cao Yển mới kêu dừng.
Ta nuốt ngụm nước miếng, chợt nghe y nói: “Xem ra ngươi biết khá nhiều chữ đấy.”
Tay cầm sách của ta co rụt lại.
Không phải chứ? Đang kiểm tra đấy à? Lẽ nào đến tận giờ này rồi mà y vẫn còn muốn truy cứu chuyện ta chẳng thèm đếm xỉa tới tấm bảng gỗ mà tự tiện lội xuống ao sao? Nợ cũ năm xưa cũng chưa chắc bị nhớ dai như thế.
Những lời tiếp theo của Cao Yển giúp ta hoàn toàn tường tận ý đồ của y.
Y nói: “Ngươi sinh ra trong gia đình nông dân, đứa con của người làm ruộng đâu có thể biết nhiều chữ tới vậy?”
“Trước đây nô tỳ rất hiếu kỳ về việc học chữ, mỗi ngày đều chuồn lên trường học trên thôn đứng ngoài cửa sổ nghe lén, khi ấy mới học được đôi ba con chữ.” Trình độ nói dối của ta hiện quả thực có thể hạ bút thành văn.
Cao Yển cầm lấy quyển sách trong tay ta, nâng lên trước mặt: “bản sử ký này là của triều đại trước, trong đó sử dụng rất nhiều từ ngữ trúc trắc khó hiểu, ngay cả quý nữ khuê phòng được dạy dỗ đàng hoàng từ nhỏ cũng chưa chắc đọc hiểu được, ta thấy vừa rồi ngươi đọc trôi chảy lưu loát lắm.”
Ta ngứa ngáy da đầu muốn giơ tay bứt tóc, nhưng may là kịp thời khống chế được hành vi quái gở ấy.
Ôi chao, chẳng nhẽ học rộng biết nhiều cũng là điều sai trái ư? Tự dưng khi không y nổi hứng ra bài, ta chỉ nghĩ thôi thì cứ đọc đại vài câu trong sách, thế mà kết quả lại quên giấu cái khôn.
Nào có biết y đang thử ta đâu.
Nhưng ta cũng không thể bảo với y rằng, ai học đại học mà chả biết đọc chữ, thế nên đành hoạt động cái lưỡi khô nẻ, cố thanh minh cho bản thân: “Phu tử trong thôn của nô tỳ rất thích nghiên cứu những con chữ hiếm gặp này, nô tỳ học lỏm lâu ngày, mưa dầm thấm đất nên cũng biết được chút chút.”
Nhưng hiển nhiên lời này chả có tí sức thuyết phục nào, Cao Yển gác quyển sách trong tay lên bàn, ngón trỏ nhẹ nhàng gõ: “Xem ra tai mắt của ta chẳng nhạy tin gì cả, thế mà lại để một nhà thông thái ngụp lặn trong phòng giặt thế kia.”
Đối diện với đôi mắt càng lúc càng sa sầm của y, ta tự thấy hiện giờ mình cười còn khó coi hơn là khóc: “Ngũ gia quá đề cao nô…”
“Vậy từ giờ, nhiệm vụ chép lại tấu chương này sẽ giao cho ngươi.” Cao Yển đột nhiên cất lời, chủ đề chuyển hướng quá nhanh, nhất thời ta trở tay không kịp.
Chép lại tấu chương, chắc chắn ngày nào cũng phải vào phòng, nô tài có thể ra ra vào vào phòng của Cao Yển ít nhất cũng đứng hàng nhị đẳng, ta đây có tính là được thăng chức tiếp rồi không? Thấy Cao Yển chuẩn bị gọi Lý Mậu Sơn vào sắp xếp, ta vội mở miệng giành nói trước: “Ngũ gia…”
Ánh nhìn của y bỗng chốc lạnh hẳn xuống, ta mau chóng giải thích: “Chữ nghĩa của nô tỳ thực sự rất tệ, e rằng khó mà gánh được trọng trách này.”
“Cạch” một phát, trước mặt ta đã xuất hiện thêm một cây bút lông, y nói: “Viết cho ta xem.”
Ta khó xử cầm cây bút lên, sau cùng chỉ đành run rẩy viết hai chữ “Đồ Mi” xuống rồi lại cẩn thận đưa tờ giấy qua.
Mi mắt Cao Yển nheo vào rõ rệt, hỏi: “Ngươi viết gì đây.”
“Là tên của nô tỳ…” Giọng ta mỗi lúc một nhỏ.
Căn phòng lặng ngắt như tờ.
Sao trách ta được đây, dù sao ở thời hiện đại có ai viết chữ bằng bút lông đâu chứ? Hơn nữa ta còn đi vượt thời gian để cuối cùng đầu thai vào một gia đình nghèo khó bần hàn, sống mấy năm nay gần như chưa từng đụng vào cây bút lông.
Có cơn gió bất ngờ ùa tới đánh úp về phía ta, theo bản năng ta đưa tay ra chắn ở đằng trước, kết quả lại nhận được một xấp giấy.
Chưa kịp nhìn cho kỹ đã nghe giọng nói lạnh tanh của Cao Yển vang lên: “Nửa tháng, nếu ngươi còn viết cái kiểu không ai hiểu này nữa thì tự đi tìm Lý Mậu Sơn lãnh mười thước đi.”
Bấy giờ ta mới nhận ra thứ y vừa ném cho mình là tập thơ mà y thường sao chép, mục đích là kêu ta lấy thứ này dùng làm bảng chữ mẫu.
Không thể không nói, mặc dù ta không hiểu sâu về cách giám định và thưởng thức thư pháp, nhưng cũng nhìn ra được mỗi một chữ hiện diện trên từng tờ giấy đều vô cùng mạnh mẽ cứng cáp.
Quả đúng là chữ hay hiếm thấy.
Dưới áp lực của Cao yển, ta câm bặt chẳng dám hó hé, khúm núm ôm giấy rời khỏi phòng.
Lý Mậu Sơn đứng ở cửa nở nụ cười hết sức hiền lành, tựa như đang chờ đón thú vui mới tới.
Ta ngượng ngùng mỉm cười đáp lại, vội rảo bước đi nhanh dưới cái nhìn đầy thân thiện của ông ta.
Ta của hiện tại… có phải đang bị ép học không?
Ta cố gắng hết sức mô phỏng nét chữ nhìn sao cho ổn áp nhất, cũng chả hiểu vì sao, mỗi lần cầm bút lông là tay kia của ta đều run tới nỗi như bị rối loạn thần kinh, càng chuyên chú thì càng run bần bật bần bật, chữ viết ra nguệch ngoạc đến thảm thương.
Sống ở phòng giặt quá lâu, hai cổ tay của ta có khi sắp tàn phế đến nơi, lấy đâu ra sức cầm bút – công việc đòi hỏi phải có sự khéo léo chính xác cực kỳ cao.
Mắt thấy nửa tháng mà Cao Yển nói sắp tới hạn, ấy nhưng chữ của ta xấu vẫn hoàn xấu, cái khó ló cái khôn, đầu ta chợt nảy ra vài ý tưởng hay ho.
Lúc kiểm tra thành quả tự luyện tập của ta, sắc mặt Cao Yển đen thui như đáy nồi, cảm giác sắp bị ăn đòn, ta nhanh nhẹn lấy một xấp giấy khác ra đưa sang: “Ngũ gia, ngài coi cái này đi, này cũng là do nô tỳ viết.”
Cao Yển lật trang giấy ra nhìn, những dòng chữ chỉnh tề ngay ngắn tức khắc hiện lên.
Y nhếch mày, ngay sau đó tầm nhìn của đôi con ngươi đã khóa chặt trên mặt ta, giọng điệu không vui không giận: “Viết bằng gì đây?”
Bấy giờ ta mới lấy “cây bút” nhét trong tay áo và cung kính đưa bằng cả hai tay.
Ta đã tới bếp sau lấy ít than củi, dùng tảng đá mài thành hình trụ dài nhỏ, tiếp tục dùng vải xô quấn vòng quanh, làm một cây “bút chì” đơn giản.
Cao Yển cau trán ngó cây bút nham nhở khủng khiếp trong tay hồi lâu, ta cất lời chậm rãi giải thích: “Nô tỳ làm cái này bằng than củi lấy sau bếp, hồi nhỏ nhà nghèo không có tiền mua bút mực, nô tỳ thường dùng mấy cục than vụn để tập viết, dần dần thành thói quen, vẫn có thể hiểu đang viết chữ gì.”
Vừa dứt lời đã thấy Cao Yển tiện tay ném cây bút kia lên mặt bàn, có vẻ không để ý lắm, y quay đầu nhìn ta nói: “Ta bảo ngươi luyện là luyện bằng bút lông, không phải là muốn dùng loại nào thì dùng.”
“Nô tỳ biết.” Trước khi y nổi cơn tam bành, ta vội vàng trả lời: “Nhưng do sống ở phòng giặt lâu quá, cổ tay nô tỳ ngày một yếu dần, thế nên không thể chép theo bảng chữ mẫu được, chữ viết thì xấu như gà bới.”
Đôi mắt Cao Yển như lóe lên, lát sau y dửng dưng bảo: “Đi luyện tiếp đi.”
Ta thở dài một hơi, phấn khởi đáp: “Thế nô tỳ lui xuống luyện ngay đây.”
Tốt xấu gì thì tạm thời cũng tránh được đòn roi rồi, nghía mắt nhìn “chiếc bút chì” mình làm đặt trên bàn, chẳng có can đảm chìa tay lấy lại, dù sao trong phòng ta vẫn còn, bớt một cây cũng không mất mát gì.
Chẳng đợi ta ra ngoài, đằng sau lưng bỗng truyền đến giọng của Cao Yển: “Cho ngươi nửa tháng nữa, nếu luyện không tốt, hai mươi thước chờ ngươi.”
Chân như vấp phải cục đá, ta loạng choạng suýt thì ngã chỏng vó, mà Cao Yển lại còn thản nhiên chêm thêm một câu: “Một lúc đánh bằng cả hai tay.”
Lúc này ta chẳng còn dám ấp ủ mất trò khôn vặt của mình, nghiêm chỉnh dồn hết khả năng vốn có để chép theo bảng chữ mẫu, chăm chỉ còn hơn lúc ôn tập thi đại học.
Tuy tay vẫn còn run nhưng dần dà ta đã có thể cầm bút lông vẽ đường thẳng tắp.
Khoảng thời gian này Cao Thừa An không hề tới tìm ta, nghe người khác bảo thái tử phi đã đổi cho nó một vị phu tử cao siêu hơn, quản thúc cực nghiêm nên thằng nhóc chẳng có cơ hội mà ra ngoài chạy lung tung.
Thế là mỗi ngày ta chỉ cần làm những công việc vặt vãnh và khổ luyện chữ viết, có nhiều lúc luyện tới tận nửa đêm, thậm chí quên cả thì giờ.
Nhìn ngoài trời ông trăng treo vút cành cây mới nhận ra đã tới giờ ngủ nghê.
Viết chữ xong tay dính đầy là mực, ta lén chuồn ra khỏi phòng đi ra ngoài sân múc nước rửa mặt.
Dường như mọi người đều đã đi nghỉ cả rồi, khoảng sân yên tĩnh cực kỳ, ta rón ra rón rén cố gắng không tạo ra âm thanh làm phiền tới người khác.
Sau khi rửa tay, ta giẫm lên bóng trăng hắt dưới đất quay trở về, mới vừa đến cửa phòng thì đột nhiên nghe thấy có tiếng “sột soạt” phát ra từ chỗ góc tường khuất nẻo, chưa kịp bước vào phòng, hai bóng người bất thình lình chớp hiện rồi vụt qua trong màn đêm âm u.
Trong đó, một người hình như đã mất ý thức, tên còn lại đang cõng người nọ trên lưng.
Ta đứng hình tại chỗ chẳng dám nhúc nhích, người tới dường như cũng phát hiện ra ta, trong một thoáng tên đó cũng bất động, có vẻ không ngờ sẽ đụng phải người khác ở chỗ này.
Ba người chúng ta… À không, một người đã hôn mê, nên hai người còn lại giương mắt nhìn nhau.
Nương theo ánh trăng, ta nhìn thấy người không che mặt kia chính là Cao Yển, mà người y đang cõng mặc nguyên cả cây đen thùi chẳng thấy rõ mặt.
Phút chốc, nét mặt của Cao Yển trở nên u ám cùng cực, đôi mắt y nhìn ta chòng chọc như dã thú nhắm trúng con mồi.
Y nâng bước đi về phía ta, chừng như ta còn nhìn thấy cả ánh sáng màu bạc lóe lên nơi đầu ngón tay y.
Nháy mắt, toàn thân ta cứng ngắc, đầu óc rối bời không biết nên chạy hay nên cầu xin tha thứ.
Bấy giờ, xa xa ngoài sân truyền đến tiếng ồn ào náo động, hình như có rất nhiều người đang đi tới chỗ này.
Cao Yển quay đầu liếc thoáng qua, ta thấy trên mu bàn tay trần trụi của y gân xanh nổi chằng chịt, sau đó y tiếp tục đi tới chỗ ta.
Khi đến bên cạnh ta, không chút chần chừ y giao người đang nằm trên lưng mình cho ta.
Ta luống cuống chân tay ôm lấy người nọ, thình lình một mùi máu tanh đặc xộc thẳng vào khoang mũi.
Cao Yển giơ tay đẩy mạnh ta và người nọ vào trong phòng, trước khi đóng cửa, y ghé vào bên tai ta thấp giọng nói: “Nếu để người khác phát hiện hắn ở trong này thì ngươi đừng hòng sống sót.”
Nói xong y đóng cửa cái “rầm”, bên ngoài chìm vào im lặng.
Chỉ một lát sau, cách cánh cửa ta nhìn thấy trong viện có ánh lửa bùng lên, xen lẫn là tiếng nói the thé chói tai: “Tần vương gia, bệ hạ triệu ngài lập tức vào cung.”
Ta nghe thấy động tĩnh ở cửa phòng Cao Yển, sau đó là một giọng ngái ngủ truyền tới: “Có chuyện gì thế?”
Chờ lúc lâu không ai trả lời, Cao Yển lại nói: “Công công chờ lát, ta thay quần áo rồi đi với công công.”
Ta ôm người mặc đồ đen cao hơn mình cả cái đầu, đến thở mạnh cũng không dám, mãi đến lúc hoàn toàn không còn tiếng động nào nữa ta mới thoáng thả lòng dây thần kinh căng chặt.
Cánh tay đau nhức hết sức chống đỡ, ta và người nọ mất thăng bằng ngã ngồi dưới đất.
Quệt lớp mồ hôi lạnh rịn trên trán, ta há hốc miệng hớp lấy hớp để không khí.
Qua khóe mắt, ta nhìn thấy tấm mặt nạ của người áo đen trượt xuống theo cú ngã, mà khuôn mặt kia…
Đích xác là Hồ Nguyên Ly chạy khỏi thành đuổi theo cô nương hoa lâu mà người ta bàn tán.
Phải tốn rất nhiều sức mới đỡ hắn lên giường được, hai mắt Hồ Nguyên Ly nhắm nghiền, hắn chưa tỉnh, lúc này ta mới sực phát hiện hai bàn tay mình đã dính đầy máu tươi.
Thế là ta lặng lẽ đi ra ngoài lấy ít nước về, sau khi thu dọn sạch sẽ cho mình mới nhìn sang Hồ Nguyên Ly nằm bất tỉnh trên giường.
Mảng trước ngực hắn ướt đẫm, do dự hồi lâu, cuối cùng ta nhẹ tay nhẹ chân đi qua tháo đai lưng cho hắn.
Vừa cởi quần áo ra, đập vào mắt là phần vết thương máu chảy đầm đìa bên vai trái của hắn, rộng chừng năm ngón tay, đoán là bị dao đâm, ngực chỗ xanh chỗ tím, chắc bị nội thương gì đó rồi.
Ta không hiểu y thuật nên chỉ có thể nhẹ nhàng hết cỡ lau đi vết máu ở miệng vết thương, hắn vẫn chẳng có dấu hiệu tỉnh lại.
Ta cởi chiếc áo ướt máu của hắn ra rồi chọn đại cái áo cũ của ta cho hắn mặc, về phần mớ “quần áo dính máu” kia, ta không biết phải xử lý kiểu gì, bèn đặt ở cuối giường.
Thân hình Hồ Nguyên Ly chiếm trọn cả cái giường, ta đành đi lấy cái chăn khác trải ra đất nằm ngủ.
Đến khi nằm xuống rồi mà tay ta hãy còn run run, bàn tay ép chặt vào lồng ngực, nhịp tim của ta như bị sự run rẩy ấy lây nhiễm, nó cứ va đập điên cuồng.
Cuối cùng, ta lật người ngồi dậy, mắt nhìn Hồ Nguyên Ly mà lòng trăm mối tơ vò.
Cao Yển muốn giết ta.
Khoảnh khắc chạm mặt nhau trong đêm tối, ánh nhìn của y trong chớp mắt đó, đã bị ta nhìn thấu đáy.
Vốn tưởng thời gian này sống chung hòa hợp, ít nhất thì cũng phải buông lỏng được tâm tình, nhưng từ sau khi ta chứng kiến cảnh tượng đó, phản ứng đầu tiên của Cao Yển là… giết ta diệt khẩu.
May nhờ có đám người chạy vào phủ ta mới thoát được một kiếp.
Nhưng, một kiếp này, ta thật sự có thể tránh được ư? Giờ Cao Yển vào cung, không có thời gian chú ý Hồ Nguyên Ly và ta, lần này y tạm hoãn hình phạt dành cho ta, vậy nếu y trở lại thì sao?
Vô tình phá vỡ bí mật của bọn họ, một kẻ hầu tép riu như ta có giá trị gì đáng để sống sót?
Hoặc là giờ ta cuốn gói hết tiền trốn đi luôn…
Ý tưởng vừa nảy lên đã bị ta bóp nát, những thủ đoạn tàn khốc trừng phạt nô lệ chạy trốn của thời đại này luôn khiến lòng người rét lạnh, huống chi còn là tên nô lệ biết được bí mật mà Cao Yển muốn che giấu, chỉ sợ y sẽ ra sức săn lùng ta bằng mọi giá.
Ta nên dùng con bài nào để y thả ta đi đây?
Một đêm trằn trọc khó ngủ, ngày thứ hai không thấy Cao Yển về, mà cổ ta nặng trịch như treo thanh đao, chẳng biết lúc nào thì lưỡi đao đổ phập xuống.
(còn tiếp).