Đình Vân

Chương 32: Say Vẫn Còn Có Thể Trúng Hồng Tâm


Đọc truyện Đình Vân FULL – Chương 32: Say Vẫn Còn Có Thể Trúng Hồng Tâm


Nhà luật sư Triệu Đại Trạng nằm trên đại lộ Hoà Bình – con phố chính của Nam Kinh.

Xe hơi vừa chạy vào đường này, người ta đã cảm nhận ngay quả thật Nghi Châu chẳng có cửa so bì sự thịnh vượng với đất Nam Kinh.
Ngã tư đường rộng thênh thang.

Hai bên là kiến trúc Kì Lâu* điển hình, với những cửa hiệu cửa tiệm sặc sỡ đủ loại san sát nhau như bát úp.

Đàn ông phụ nữ qua lại trên đường đều mặc Hoa phục, không hề ít người ngoại quốc tóc vàng mắt xanh xen lẫn, song chẳng mấy ai liếc mắt dò xét họ.

Ven đường, các cụ ông đang vây quanh bàn cờ kê cạnh cầu thang chém giết.

Khi xe chạy qua nhóm kì thủ già, ta nghe thấy âm thanh cười mắng quát tháo rộn ràng, còn có hai vị cảnh sát tuần tra hào hứng đứng bên vọng xem.

Thẩm Tế Nhật thập thò đầu ngoài cửa sổ một xíu, đúng lúc bắt gặp một bác gái dạo ngang.

Bác gái xách theo giỏ thức ăn, tuy mặc trang phục người hầu kẻ hạ, nhưng ánh mắt lại ngời sáng khi trông thấy Thẩm Tế Nhật, nghe chừng đã sớm nhìn quen như không đối với loại xe jeep quân dụng của chính quyền.
*Nguyên văn “骑楼” /qí lóu/ = arcade (vòm cuốn): Nghĩa thông thường của từ này là ban công.

Trong truyện, nó chỉ một lối kiến trúc thuộc địa.

Cái tên “Kì Lâu” dựa trên một số trang báo du lịch của Việt Nam.
Vào thế kỉ 18, thực dân Anh xâm lược Ấn Độ – một nơi có khí hậu nhiệt đới.

Nên họ đã xây tầng một của nhà nằm sâu vào bên trong để tạo ra một khoảng hiên trống nhằm tránh nắng nóng, ngập lụt, thuận lợi buôn bán…! Các tầng trên là khu vực dùng để ở và khu vực sàn nhô ra ngoài thì được chống bởi các cột trụ dưới hàng hiên ở tầng một.

Các hình trang trí và điêu khắc đều được thiết kế theo phong cách kết hợp Á – Âu.
Kiểu kiến trúc này nhanh chóng phổ biến đến các thuộc địa ở Nam Á, duyên hải Trung Quốc và Đông Nam Á.

– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –
Đây là thành phố Nam Kinh trong trí nhớ Thẩm Tế Nhật.

Chỉ là nhiều năm trôi qua như vậy, nó vẫn tấp nập sôi động y năm xưa, nhưng cũng trở nên xa lạ.
Thấy anh nhoài đầu ngó trái ngó phải xung quanh, Du Thiên Lâm cũng sáp vào: “Huynh đang ngắm gì đó? Đừng thò đầu ra ngoài như thế, nguy hiểm lắm.”
Thẩm Tế Nhật mới nãy còn giận hờn Du Thiên Lâm, bây giờ tâm tư ấy biến mất tiêu.

Nhìn thấy khung cảnh in dấu năm tháng hoa niên, thứ tình cảm hoài niệm lại nảy nở tràn đầy lòng anh.
Lúc học ở Nam Kinh trước đây, anh không đếm được mình đã tới lui trên đại lộ Hoà Bình bao nhiêu lần.

Anh vẫn nhớ nơi này có trà sữa bít tất* và bánh dứa* thật mĩ vị trong một quán trà sáng kiểu Quảng Đông, cũng nhớ rõ Thư viện thành phố Nam Kinh giữa Công viên Trung tâm.

Đó là công trình kiến trúc của Nam Kinh mà anh yêu thích nhất.

Và cả bà lão của tiệm khêu móc giày nằm trong con ngõ nhỏ cuối phố nữa.

Thẩm Tế Nhật quen đi giày vải nên năng tìm hàng bán.

Sạp hàng bé con con chẳng nhìn nổi, nhưng tay nghề bà lão tuyệt hảo.

Không ít ông già bà cả tại Nam Kinh mua giày ở tiệm này của bà.


Bà lão khoẻ mạnh minh mẫn lại khéo ăn nói, luôn làm cho anh nhớ ngay đến bà nội yêu thương quan tâm mình từ thơ bé.

Chỉ là không biết liệu bà cụ có còn khoẻ mạnh, có còn cặm cụi đan móc trước tiệm chờ người qua kẻ lại ghé mua hay chăng.
*Trà sữa Bít tất: Tên một hãng trà sữa ở Hồng Kông.

Theo ông chủ, tên hãng bắt nguồn từ việc ông khởi nghiệp bán trà sữa mỗi buổi chiều quanh bến tàu năm 1952.

Các khách hàng chủ yếu là phu khuân vác.

Họ thấy ông pha trà bằng chiếc túi nhỏ ngả màu nâu, rồi gọi nó là bít tất.

Vì hồi đó pha trà bằng túi lọc không phổ biến ở Hồng Kông.

Các quán khác thường đun bằng ấm đồng cỡ lớn nên trà chát hơn.
*Bánh dứa Hồng Kông: Loại bánh gốc của bánh dứa kẹp bơ được nhắc đến trong chương thứ sáu.

Theo đồn đại, người Hồng Kông cảm thấy bánh mì được du nhập quá nhạt nhẽo.

Nên họ đã thêm các chất tạo ngọt như đường vào bánh mì và tạo nên bánh dứa.
Thẩm Tế Nhật đăm đăm coi con phố đằng trước, mong liếc mắt một thoáng xem cái sạp hàng đó còn không, nhưng tiếc là xe chạy đến giữa đường thì dừng.
Thấy trên mặt anh tỏ vẻ thất vọng, Du Thiên Lâm tò mò: “Rốt cuộc huynh đang nhìn gì đấy?”
“Không có gì.” Kéo lại mạch suy ngẫm đang bay xa, Thẩm Tế Nhật mở cửa xe bước xuống.

Mục đích anh đi chuyến này là giải quyết phiền toái của Thẩm Xuân Hàn, đâu phải nhàn nhã thong dong tìm kiếm cảnh xưa chốn cũ.
Du Thiên Lâm quan sát anh một lượt, cùng xuống xe với đôi chút đăm chiêu.
Sau đó, Vương Mộc dẫn hai người lên tầng hai nhà luật sư.

Triệu Đại Trạng đã nhận được điện thoại của Hồ Tuyết Duy, đón tiếp nhóm người họ ở văn phòng.

Thẩm Tế Nhật hỏi quan điểm của luật sư Triệu.

Anh ta nói phần rầy rà lôi thôi nhất trong vụ kiện của Thẩm Xuân Hàn chính là nhân chứng.
Theo cùng Thẩm Xuân Hàn ngày đó là một tên bạn học.

Lúc cảnh sát ập đến, tên bạn kia vẫn tại trận, nhưng uống nhiều hơn cả cậu ta, chả nhớ nổi gì.

Hai cô gái bồi rượu tại hiện trường cũng lấy uống nhiều làm cớ.

Thực ra cho dù họ không khai như vậy, thì cảnh sát cũng chẳng bao giờ tin tưởng lấy lời khai của gái bồi rượu làm chứng cứ xác thực.
Cho nên vấn đề mấu chốt ngay hiện tại là có thể tìm được điểm đột phá khác hay không.

Việc này chỉ còn nước lần theo từ người bị hại mà bắt tay vào làm.

Nhưng đối tượng là người nước ngoài ở tô giới Pháp, lại là kế toán viên cấp cao của chính quyền Nam Kinh.

Dạng thân phận này không phải để cho người như Triệu Đại Trạng được phép nhúng tay thám thính.

Đó là nguyên nhân mà họ chỉ có thể chờ tin tức bên Hồ Tuyết Duy.
Mấy người họ thảo luận tới quá bốn giờ chiều.

Kế tiếp luật sư Triệu phải tham gia khai mạc một hội nghị quan trọng.


Vì vậy, Du Thiên Lâm và Thẩm Tế Nhật bèn đứng dậy cáo từ.
Từ khi xuống xe lửa buổi sáng, hai người như ngựa không dừng vó chạy ba nơi liền, đến giờ chưa nếm một hột cơm.

Thẩm Tế Nhật cứ nhịn suông thế này, khiến Du Thiên Lâm lo lắng bệnh đau dạ dày cũ của anh trở nặng, thực sự rủ rê anh đi ăn món gì đó.
Hắn không thông thuộc đại lộ Hoà Bình.

Tuy nhiên năm ấy nghỉ hè, hắn với anh họ và Thẩm Tế Nhật thật ra đã dạo vài vòng.

Lần đầu tiên tới là anh họ cho hắn đón gió tẩy trần, đặt một bàn đầy đồ ăn tại Nam Tương quán trên đại lộ Hoà Bình.

Hắn nhớ kỹ món ăn của nhà hàng kia rất ngon, do đó sai Vương Mộc đậu xe dưới lầu Nam Tương quán, kéo tay Thẩm Tế Nhật lên, tìm vị trí gần cửa sổ ngồi xuống.
Người phục vụ đưa thực đơn cho bàn họ.

Du Thiên Lâm để anh gọi trước.

Thẩm Tế Nhật tiện tay chọn hai món liền chuyển lại chỗ hắn, đầu óc không tập trung bắt đầu ngắm phong cảnh ngoài cửa sổ.
Du Thiên Lâm thở dài đành chịu vậy, chỉ vào thực đơn chọn vài món hợp khẩu vị anh, suy nghĩ giây lát, lại bảo hầu bàn đem thêm một nậm Trúc Diệp Thanh*.
*Trúc Diệp Thanh: Một trong 10 quốc tửu của Trung Quốc, được tạo ra bằng cách chưng cất rượu với lá trúc.

Rượu vàng nhạt trong suốt, khi đặt dưới ánh nắng có màu ánh xanh.

Rượu có công dụng làm ấm dạ dày, tăng chức năng gan và tuần hoàn máu, khiến cho cơ thể luôn sảng khoái và tỉnh táo.

Vị ngọt nhẹ của nó giúp kích thích tuyến nước bọt, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng và cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Khoảng thời gian xa nhà lần này, Thẩm Tế Nhật ngừng tiêm thuốc.

Thứ nhất, anh không dự liệu được mình sẽ phải đi bao lâu.

Thứ hai là vì tiêm thuốc bên ngoài bất tiện.

Sau khi biết chuyện, Du Thiên Lâm trách anh tuỳ tiện, nhưng mà đâu còn biện pháp nào.

Song vậy cũng có cái hay, thí dụ như hiện giờ, nếu hắn muốn giúp ca ca nhà mình trấn tĩnh lại thì hình như chỉ còn cách mượn men say này.
Hắn gọi xong đồ ăn liền giữ im lặng, chuyển đôi đũa cho người đối diện đang nhìn xa xăm.

Trăm mối nặng trĩu lòng Thẩm Tế Nhật, nên anh hoàn toàn không có tâm trạng chú ý đến người đệ đệ này.

Đợi phục vụ mang tất cả thức ăn và rượu lên, Du Thiên Lâm nhắc anh ăn nhân lúc còn nóng, sau khi anh động đũa dăm lượt mới bắt đầu rót rượu, để anh nhấm hai ngụm.
Thẩm Tế Nhật chả từ chối, cầm chén rượu lên uống, dốc cạn rồi Du Thiên Lâm lại châm tiếp, còn nhắc anh dùng bữa.

Hồi sau của bữa cơm, nậm rượu Trúc Diệp Thanh kia hầu như là Thẩm Tế Nhật uống sạch.

Du Thiên Lâm chỉ nhấp môi hai hớp.
Độ tinh khiết của rượu Trúc Diệp Thanh cao.

Thẩm Tế Nhật uống hết còn hơi ngẩng đầu lên, một tay day thái dương, tay kia huơ huơ chén rượu sạch bách đòi: “Rót nữa.” dứt lời quăng chén cái cạch.
Anh vốn chẳng phải người tửu lượng kém như vậy, nhưng từ sau khi bệnh dạ dày diễn tiến nặng đều ít động tới rượu, hơn nữa gần đây không phải ăn đồ bổ thì là uống thuốc.


Một nậm này vừa vào bụng, triệu chứng liền biểu hiện rõ ràng.

Du Thiên Lâm lật ngược nậm rượu rỗng, quơ trước mặt anh: “Hết rồi mà.”
“Gọi thêm một nậm.” Anh trừng mắt bất mãn với Du Thiên Lâm, cảm thấy bản mặt đệ đệ nom càng đáng ghét so với ngày thường.

Đặc biệt là lúc dõi theo mình, thật ước ao đá một phát từ phía dưới bàn qua.
“Huynh đã say lắm rồi, không thể uống nữa!” Du Thiên Lâm chỉ muốn cho anh nếm chút rượu bình tâm lại, chứ không phải để uống rượu hại thân.

Vì thế mặc kệ sự phản đối của anh, gọi phục vụ đến tính tiền.
Thẩm Tế Nhật vẫn còn lí trí, cho dù ghét cay ghét đắng bộ dạng Du Thiên Lâm không nghe lời như vậy, cũng chẳng làm ra hành động khác người gì.

Trả tiền xong, Du Thiên Lâm định tới dìu anh.

Nhưng anh vẫn đủ sức đẩy người, tự mình leo xuống cầu thang.
Du Thiên Lâm sợ anh chân nam đá chân chiêu sẽ ngã lăn xuống, bèn giành đi đằng trước.

Kết quả là mới bước được mấy bậc, anh thực sự nhũn chân va vào lưng Du Thiên Lâm.
Đây là khúc quanh trên cầu thang.

Có cô hầu bàn đúng lúc bưng canh rẽ đi lên, thấy một màn thế này sợ đến mức canh trong tay cũng sánh.

Thế nhưng chuyện cô nàng lo lắng chẳng xảy ra.

Du Thiên Lâm đứng vững như bàn thạch, còn xoay mình ôm, khom lưng rồi bế ngang người trong lòng.
Cơ thể Thẩm Tế Nhật chợt nhẹ bẫng, đôi tay vô thức câu lấy cổ Du Thiên Lâm.

Chờ tới thời điểm anh phản ứng đây là loại tình huống nào, Du Thiên Lâm đã phăm phăm bế anh xuống tầng.

Trong ánh mắt sửng sốt của các thực khách tại đại sảnh, hắn thản nhiên vô tư trở lại xe.
Thẩm Tế Nhật bối rối ngơ ngác mãi mới thông tỏ mọi sự nãy giờ*.

Lúc Du Thiên Lâm ngồi lên xe, đang tính coi xem tình trạng của người bên cạnh mình, thì anh giơ tay.

Một cái tát vụt thẳng qua.
*Hậu tri hậu giác: “Tri” là “tri đạo” (biết/ rõ), thuộc về lý tính.

“Giác” là “cảm giác”, thuộc về cảm tính.

Quá trình từ “tri” (biết) tới “giác” (hiểu) chính là quá trình tự dung nhập những thứ thuộc thế giới bên ngoài vào bên trong mình.

“Hậu tri hậu giác” là quá trình từ nhận thức đến hiểu rõ xảy ra khá chậm.
Du Thiên Lâm ăn một bạt tai bất ngờ không kịp tránh, sững cả người.

Vương Mộc và lái xe ngồi hàng ghế trước cũng quay đầu lại.

Thẩm Tế Nhật bị ba cặp mắt đồng loạt soi như vậy, bất giác càng cảm thấy khó xử lúng túng, thò tay tự mở một bên cửa xe.
Du Thiên Lâm nhanh chóng níu anh lại, nói với Vương Mộc: “Huynh ấy say rồi.

Cậu đưa chúng tôi quay về khách sạn.”
Tuân theo lệnh, Vương Mộc bảo lái xe xuất phát, dọc đường còn quan tâm hỏi Thẩm tiên sinh có việc gì hay không.

Kể từ lúc giơ tay tát Du Thiên Lâm, Thẩm Tế Nhật bình tĩnh lặng im.

Anh uống nhiều, nhưng chưa say.

Một hành động bộc phát không thể kiểm soát ban nãy đã đủ hổ thẹn.

Anh chẳng cho phép bản thân lại làm chuyện mất mặt hơn, vì thế lùi về thu lu trên ghế đang ngồi, thất thần nhìn ngoài cửa sổ không thốt nổi một câu.

Anh an tĩnh lại.

Nhưng Du Thiên Lâm vẫn chưa yên lòng, nhìn anh lo âu.

Xe tới khách sạn thì Vương Mộc quay về.

Thẩm Tế Nhật không muốn Du Thiên Lâm dìu, tự mình vào đại sảnh khách sạn.
Tùng Trúc ngồi suốt trên sô pha sang trọng chỗ đại sảnh đợi, trông thấy hai người họ trở về lập tức nghênh đón.

Cậu ta vừa đến gần một bước đã ngửi thấy mùi rượu khắp người cậu chủ nhà mình.
“Đại thiếu gia, người uống rượu ạ?” Tùng Trúc đỡ cánh tay anh hỏi.
Thẩm Tế Nhật đẩy cả Tùng Trúc, hờ hững buông câu: “Về phòng.” dứt lời loạng quạng đi về phía thang máy.

Tùng Trúc đành đưa mắt sang phía Du Thiên Lâm xin giúp đỡ: “Du trưởng ty, sao Đại thiếu gia có vẻ không vui vậy ạ? Không xảy ra chuyện gì chứ ạ?”
Du Thiên Lâm để Tùng Trúc yên tâm: “Không việc gì đâu.

Mấy hôm nay, huynh ấy chịu áp lực lớn, uống chén rượu thả lỏng tí thôi.”
Thấy Du tiên sinh nói xong liền đuổi theo cậu chủ, Tùng Trúc buộc lòng phải bám theo, cùng vào thang máy, lên đến tầng năm.
Ra khỏi thang máy sau đó là một hành lang rất dài.

Hai bên đều là những cánh cửa đóng chặt.

Thẩm Tế Nhật hỏi Tùng Trúc phòng ở đâu.

Cậu ta thưa phòng 507 và 508.

Mặc dù nghe thấy là lạ nhưng anh không thể giải thích nên lời làm sao lại lạ.

Tùng Trúc mở cửa gắn số 507, chờ anh vào đã định theo, liền bị Du Thiên Lâm túm cổ áo: “Ta với huynh ấy ở cùng một phòng.

Ngươi sang 508.”
Nói đoạn hắn tóm luôn cái chìa khoá phòng 507, chả chờ Tùng Trúc phản ứng đã giữ cửa đóng sầm.
Tùng Trúc thở một tiếng “Ai”, coi cánh cửa đã đóng, mà lòng chẳng đặng đừng vác mình qua phòng 508 sát vách.

Dẫu sao Du Thiên Lâm thích Đại thiếu gia nhà cậu ta, giao người cho Du Thiên Lâm chăm sóc chắc cũng không sứt mẻ gì.
Tùng Trúc tự vẽ cớ an ủi bản thân vậy, bước chân vào phòng liền cởi giày vải, luỗi xác lên giường bắt đầu ngủ ngon lành cành đào, nào hay cách vách đang diễn ra một loạt hành động dở khóc dở cười.
Tại phòng bên, Thẩm Tế Nhật đi vào liền ngã vật lên giường, đang nghĩ rốt cuộc mình có thể đánh một giấc, thì nhận ra bị ai đó động chạm chân.

Anh nâng đầu lên, thấy Du Thiên Lâm lom khom mà ý không vui.

Toàn bộ bực dọc sáng giờ tom góp tích tụ đầy một bụng vọt lên đầu, nhấc chân đá tới đùi Du Thiên Lâm.

Tuy nhiên anh đã quên bản thân uống quá chén, chẳng những đá không uy lực gì, còn đá lệch đích, một cước trúng giữa hồng tâm.

Du Thiên Lâm đau thét ầm lên, bưng nơi đó ngồi sụp.

Ở trên giường, Thẩm Tế Nhật ngay đơ người, nghe tiếng Du Thiên Lâm kêu thấu bên tai, lại nhớ cảm giác mềm mại mà gan bàn chân vừa quờ.

Cuối cùng anh cũng nhận thức được mình đã gây ra chuyện lớn gì đây.
Bởi vậy anh lưỡng lự ngồi xuống, thấy Du Thiên Lâm cúi đầu, dáng vẻ dường như thật sự đau điếng.

Có hơi mủi lòng, anh bò đến cuối giường chụp bả vai Du Thiên Lâm: “Đệ sao vậy?”
Du Thiên Lâm vẫn bưng kín nơi đó hít khí lạnh như thế.

Thẩm Tế Nhật đợi thêm chốc nữa vẫn chưa thấy đệ đệ ngẩng đầu để ý mình tí nào, trong lòng càng áy náy, lúng búng nói: “Không phải huynh cố ý đâu.

Đệ, đệ vào nhà vệ sinh kiểm tra một chút, nếu không ổn thì phải đi bác sĩ khám nhé.”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.