Đọc truyện Điệu Vũ Bên Lề – Chương 6
Ngày 29 tháng Chín, 1991
Bạn thân mến,
Tôi có nhiều chuyện để kể với bạn về hai tuần qua. Vui nhiều, buồn cũng lắm. Tôi không hiểu sao lúc nào mọi sự cũng cứ đan xen như vậy.
Đầu tiên, thầy Bill cho bài luận Giết con chim nhại của tôi một con C, lý do theo thầy bảo là tôi viết câu nhập nhằng. Tôi đang cố tập sửa tật ấy. Thầy cũng bảo là tôi nên dùng những từ mà tôi học trong lớp như “đẫy đà” và “thiên kiến”. Tôi sẽ dùng trong thư này, nhưng thực sự mà nói, những từ đó chẳng hợp chỗ tí nào.
Thật đấy, tôi không biết dùng những từ đó ở đâu cho hợp. Ý tôi không phải là người ta không nên biết chúng. Tất nhiên biết thì tốt. Nhưng cả đời tôi chưa từng nghe ai dùng chữ “đẫy đà” hoặc “thiên kiến”, kể cả các thầy cô. Thế nên dùng những từ mà không ai khác biết hoặc không tiện dùng thì ích gì? Tôi không hiểu nổi chuyện đó.
Khi xem mấy ngôi sao điện ảnh diễn xuất tệ hại, cảm giác của tôi cũng tương tự. Vài người trong số đó hẳn đã tích được ít nhất một triệu đô-la rồi, ấy thế mà họ vẫn tiếp tục đóng phim. Họ triệt hạ kẻ xấu. Họ thét vào mặt các thám tử dưới quyền. Họ trả lời phỏng vấn mấy tờ tạp chí. Mỗi lần tôi thấy một cô diễn viên thuộc loại như vậy trên tạp chí, tôi lại cảm thấy cực kỳ tội nghiệp cô, bởi chẳng ai coi cô ra gì cả nhưng người ta vẫn phỏng vấn cô. Mà mọi cuộc phỏng vấn đều kể lể một kiểu như nhau chứ.
Đầu bài sẽ tả về món nhân vật đó đang dùng trong nhà hàng: “Vừa nhỏ nhẻ nhai món rau trộn gà kiểu Trung Quốc, cô A vừa nói về tình yêu.” Rồi mọi trang bìa kêu lên cùng một giọng: “…trải lòng về sự nổi tiếng, tình yêu cùng với bộ phim/sô diễn truyền hình/album mới ra lò của anh/cô ấy.”
Kể ra các ngôi sao trả lời phỏng vấn để người bình thường như bọn bọn tôi thấy họ gần gũi hơn thì cũng hay, nhưng nói thật với bạn, tôi có cảm giác tất cả chỉ là sự dối trá của truyền thông. Rắc rối ở chỗ tôi không biết ai đang nói dối. Và tôi không biết tại sao các tạp chí lại bán đắt đến vậy. Càng không hiểu tại sao các bà các cô ở phòng khám răng lại thích đọc chúng đến vậy.
Thứ Bảy tuần trước nữa, tôi đi khám răng và nghe được cuộc trò chuyện này.
“Chị xem phim đó chưa?” Một cô chỉ vào trang bìa và hỏi.
“Tôi xem rồi, chung với Harold.”
“Chị thấy thế nào?”
“Cô diễn viên đó thật là đáng yêu.”
“Ừa, phải.”
“À, tôi có cái thực đơn mới người ta ghi trong đây nè.”
“Ít chất béo hả?”
“Ừa.”
“Mai có lúc nào chị rảnh không?”
“Không rồi. Hay là chị nhờ Mike fax nó cho Harold?”
“Ok.”
Rồi các quý bà tiếp tục nói về cô diễn viên nổi tiếng mà tôi kể với bạn, ai cũng nhận xét như đúng rồi.
“Tôi thấy sao mà nhục quá.”
“Chị đọc bài phỏng vấn trên tờ Good Housekeeping chưa?”
“Đăng hồi mấy tháng trước đó hở?”
“Ờ phải”
“Nhục thiệt.”
“Chị đọc bài trên tờ Cosmopolitan chưa?”
“Chưa.”
“Trời, hai bài đó giống nhau y chang.”
“Tôi không hiểu sao mà bọn họ phí lời cho cô ta như vậy.”
Thật ra tôi buồn nhiều thế là vì một trong hai quý bà trên là mẹ tôi, mà mẹ tôi đẹp người lắm. Lúc nào mẹ cũng ăn kiêng. Thi thoảng, ba tôi gọi mẹ là người đẹp, nhưng mẹ lại không nghe được điều ấy. Nhân đây, phải nói ba tôi là một người chồng rất tốt. Chỉ có điều ông thực tế mà thôi.
Khám răng xong, mẹ đưa tôi tới nghĩa trang, nơi có nhiều người họ hàng của mẹ an nghỉ. Ba tôi không thích viếng nghĩa trang, bởi chỗ ấy khiến ông ớn lạnh. Nhưng tôi không phiền gì hết, vì dì Helen của tôi cũng nằm đây. Trong hai chị em, khi trước lúc nào mẹ cũng được người quen nhắc tới như là “cô bé xinh xắn”, còn dì chỉ là “cô bé kia”. Được cái dì Helen không bao giờ ăn kiêng gì cả. Thế nên dì là người “đẫy đà”. Đấy, tôi dùng được từ đó rồi!
Dì Helen của tôi luôn cho trẻ con thức khuya và xem chương trình trực tiếp đêm thứ Bảy, lúc dì đang đến giúp trông chúng tôi hoặc khi dì đã dọn đến sống với nhà tôi mà ba mẹ tôi sang nhà người khác để uống cho thoải mái và chơi cờ. Hồi còn nhỏ xíu, tôi nhớ là chỉ có tôi đi ngủ, còn anh và chị tôi cùng dì Helen xem Chiếc thuyền tình yêu và Đảo mộng mơ. Hồi ấy còn nhỏ quá nên tôi không tài nào thức nổi. Tiếc quá, ước gì tôi thức được, bởi vì anh chị tôi thi thoảng vẫn còn nói về những lúc ấy. Giờ chỉ còn lại những ký ức thôi, có lẽ cũng đáng buồn. Hoặc không. Và có lẽ sự thật đọng lại chỉ là anh em tôi đều yêu dì Helen, đặc biệt là tôi, và quãng thời gian đó bọn tôi đã được sống bên dì.
Tôi sẽ không kể lan man về những tập phim truyền hình đâu, chỉ một thôi, chắc là không lạc đề đâu nhỉ, vì tôi nghĩ chuyện này dễ khiến mọi người đồng cảm theo một cách nào đó. Tôi chưa hiểu bạn nhiều, vậy có lẽ tôi nên viết về chuyện gì đó bạn đồng cảm được.
Nhà tôi khi đó ngồi quây quần xem tập cuối phim M*A*S*H, tôi sẽ không bao giờ quên dù lúc ấy tôi còn nhỏ lắm. Mẹ tôi khóc. Chị tôi khóc. Anh tôi cố hết sức để kìm không khóc. Ba tôi rời chỗ lúc gần kết thúc phim để làm vài cái xăng-uých. Bây giờ tôi không nhớ mấy về nội dung phim bởi khi ấy còn nhỏ quá mà. Nhưng ba tôi không bao giờ rời chỗ để đi làm bánh kiểu thế trừ khi đài đang phát quảng cáo, và thường thì ba nhờ mẹ tôi làm. Tôi bước lại bếp, rồi tôi thấy ba tôi đang làm một cái xăng-uých, và khóc… Ông khóc còn dữ hơn mẹ tôi. Thật không tin nổi. Khi ông làm xong cái bánh, ông cất các thứ vào tủ lạnh, thôi khóc, lau nước mắt và thấy tôi.
Thế là ông bước lại, vỗ vai tôi mà nói, “Bí mật giữa hai ta thôi nhé, nhà vô địch?”
“Được ạ,” tôi đáp.
Rồi ba bế tôi lên bằng tay không cầm cái bánh xăng-uých, đi ra căn phòng có tivi, rồi đặt tôi ngồi trên đùi cho tới hết tập phim truyền hình. Lúc hết phim, ông bế tôi lên, tắt tivi, rồi quay lại.
Rồi ba tuyên bố, “Thật là một bộ phim dài tập hết xảy.”
Rồi mẹ tôi đồng tình, “Hay nhất đấy.”
Rồi chị tôi hỏi, “Phim này phát sóng bao lâu rồi nhỉ?”
Rồi anh tôi đáp, “Chín năm, ngốc ạ.”
Rồi chị tôi đáp, “Anh…ngốc thì có.”
Rồi ba tôi bảo, “Thôi ngay đi.”
Rồi mẹ tôi bảo, “Nghe ba các con đi.”
Rồi anh tôi không nói gì.
Rồi chị tôi không nói gì.
Rồi nhiều năm sau, tôi biết được anh tôi đã sai.
Tôi vào thư viện để tìm thông tin về bộ phim, và biết được hóa ra tập phim mà nhà tôi xem là chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình, thật đáng kinh ngạc vì tôi có cảm giác chỉ có năm người nhà tôi xem thôi.
Bạn biết đó, nhiều đứa trong trường tôi ghét ba mẹ chúng. Có đứa bị đòn. Có đứa lầm đường lạc lối. Cũng có đứa thành món đồ đẹp đẽ đáng tự hào để ba mẹ chúng khoe với hàng xóm. Có đứa trong số đó chỉ muốn được yên thân.
Riêng đối với tôi, có đôi khi tôi không hiểu được mẹ và ba, có đôi khi tôi thấy tội nghiệp cả hai người, nhưng điều đó không ngăn tôi thương ba mẹ thật nhiều. Mẹ tôi lái xe đi viếng nghĩa trang nơi những người mẹ yêu quý an nghỉ. Ba tôi khóc lúc xem M*A*S*H, tin tưởng tôi sẽ giữ bí mật, cho tôi ngồi trên đùi, và gọi tôi là “nhà vô địch”.
Nhân đây, phải nói là tôi bị một lỗ sâu răng, và dù ông nha sĩ yêu cầu đến mấy, tôi vẫn không thể tự ép mình làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa.
Thương mến,
Charlie