Điệu Vũ Bên Lề

Chương 37


Đọc truyện Điệu Vũ Bên Lề – Chương 37

Ngày 29 tháng Tư, 1992

Ước gì tôi có thể nói rằng mọi chuyện đang tốt lên, xui xẻo là mọi chuyện không tốt lên chút nào. Thật khổ sở là đằng khác, bởi vì bọn tôi vào học lại rồi, mà tôi không thể tới những chỗ tôi vẫn thường đi. Mọi thứ không thể như lúc trước nữa. Mà tôi vẫn chưa sẵn sàng để nói lời từ biệt.

Nói thật với bạn, tôi chỉ tránh né mọi thứ.

Tôi đi loanh quanh trong các hành lang, nhìn người ta. Tôi nhìn các giáo viên, và tự hỏi tại sao họ ở chỗ này, họ có thích giảng dạy không, hoặc có thích bọn học trò không. Rồi tôi tự hỏi hồi họ mười lăm, họ thông minh cỡ nào. Tôi không có ý soi mói, chỉ là tò mò thôi. Giống như chuyện tôi nhìn tất thảy học trò và ngẫm nghĩ đứa nào trong số ấy bị thất tình ngay ngày đó, và bọn chúng sẽ phải đương đầu ra sao với ba bài kiểm tra cộng thêm một bài bình luận sách nữa. Hoặc ngẫm nghĩ xem ai là kẻ làm tan nát tim người khác, và tại sao. Tôi biết rằng cho dù vào học một trường khác, những đứa bị thất tình rốt cuộc cũng bị ai khác làm đau lòng kia mà, vậy thì tại sao tôi lại khó chịu quá như vậy? Mà nếu tôi đi học trường khác, tôi đã không quen Sam hay Patrick hay Mary Elizabeth hay bất kỳ ai ngoại trừ người trong gia đình tôi.

Tôi kể bạn nghe một việc đã xảy ra. Tôi đang trong siêu thị, đó là nơi dạo này tôi hay đi. Suốt vài tuần qua, ngày nào tôi cũng tới đó, cố tìm hiểu xem tại sao người ta đến đó. Kiểu như một dự án cá nhân vậy.

Có một đứa bé nọ. Có lẽ chừng bốn tuổi. Tôi không chắc nữa. Nó đang khóc om sòm và cứ kêu gào đòi mẹ. Hẳn nó vừa bị lạc. Rồi tôi thấy một gã lớn hơn tôi, có lẽ chừng mười bảy. Tôi nghĩ là hắn học trường khác, bởi trước giờ tôi chưa từng thấy hắn. Dù sao thì tên này mặt mũi khá bặm trợn, mặc áo khoác da, tóc dài thượt, bước lại chỗ đứa bé, rồi hỏi nó tên gì. Đứa bé trả lời và nín khóc.

Rồi gã ấy dắt đứa bé đi khỏi.

Một phút sau, tôi nghe tiếng điện đàm thông báo cho người mẹ rằng đứa con của cô đang ở quầy thông tin. Nên tôi đi lại quầy thông tin để xem chuyện gì sắp xảy ra.

Tôi đoán người mẹ tìm đứa bé khắp nơi đã lâu rồi, bởi cô chạy vội đến quầy thông tin, rồi lúc cô trông thấy đứa bé, cô bắt đầu khóc. Cô ôm nó thật chặt, dặn nó đừng bao giờ chạy đi như vậy nữa. Rồi cô cảm ơn gã kia vì đã giúp cô, và gã này chỉ nói đúng một câu, “Lần sau thì liệu mà trông con cho ra hồn nhé.”

Rồi gã bước đi mất.

Người đàn ông có ria đứng sau quầy thông tin như á khẩu. Người mẹ cũng vậy. Đứa bé chỉ vuốt mũi, ngẩng lên nhìn mẹ nó rồi nói,


“Khoai tây chiên.”

Người mẹ nhìn xuống đứa bé và gật đầu, rồi họ đi khỏi. Nên tôi đi theo họ. Họ vào quầy đồ ăn, ở đó có bán khoai tây chiên. Đứa bé mỉm cười và làm văng tương chấm ra khắp người. Và người mẹ vừa lau mặt nó vừa rít vài hơi thuốc lá.

Tôi cứ nhìn người mẹ đó, gắng tưởng tượng xem cô trông ra sao hồi còn trẻ. Cô có lấy chồng hay không. Đứa bé con cô là một tai nạn, hay là một kế hoạch. Và hai điều ấy có gì khác nhau.

Tôi thấy những người khác nữa. Những ông già ngồi một mình. Các cô gái trẻ đánh mắt xanh dương đeo niềng răng. Mấy đứa bé có vẻ mệt mỏi. Các ông bố quần áo chỉn chu trông còn mệt mỏi hơn. Mấy anh chàng làm việc ở quầy bán đồ ăn thì trông vô hồn suốt nhiều tiếng đồng hồ. Những chiếc máy cứ mở rồi đóng. Khách mua hàng không ngừng chìa tiền ra, rồi lấy tiền thối. Và mọi thứ đều tạo cảm giác xáo động trong tôi.

Thế nên tôi quyết định tìm một nơi khác để đi, và tìm hiểu xem tại sao người ta tới đó. Rủi thay, không có nhiều chỗ như vậy. Tôi không biết tôi còn chịu đựng được bao lâu nữa cái cảnh không có bạn bè nào hết. Tôi từng xoay sở sống tiếp ngày nối ngày rất dễ dàng, nhưng đó là trước khi tôi biết được có một người bạn là như thế nào. Đôi khi, chưa biết tới cái gì đó thì ta đỡ khổ hơn nhiều. Chỉ cần khoai tây chiên cùng với mẹ là đủ.

Trong hai tuần qua, người duy nhất mà tôi thực sự chuyện trò là Susan, cô bạn từng “đi chơi” với Michael hồi cấp hai, lúc đó cô ấy còn mang niềng răng. Tôi bắt gặp cô ấy đứng trong sảnh, xung quanh là một đám con trai mà tôi không quen. Cả đám cười cợt, pha trò tục tĩu, và Susan gắng hết mức để cười với bọn chúng. Khi thấy tôi tiến lại, mặt cô ta “bệch ra”. Hình như cô ấy không muốn nhớ mười hai tháng trước cô ấy thế nào, cũng như hẳn nhiên cô ấy không muốn đám con trai đó biết cô ấy quen tôi, và từng là bạn tôi. Cả đám ấy im bặt, ngó tôi trân trân, nhưng tôi chẳng thèm để mắt. Tôi chỉ nhìn Susan, và hỏi một câu duy nhất,

“Có bao giờ cậu nhớ người bạn đã khuất không?”

Giọng tôi không có vẻ hằn học hay trách móc gì. Tôi chỉ muốn biết là có ai khác nữa nhớ đến Michael không. Nói thật với bạn, lúc bấy giờ tôi đang say thuốc, và không thể gạt câu hỏi ấy ra khỏi tâm trí.

Susan lúng túng. Cô ấy không biết làm gì. Đó là câu đầu tiên mà chúng tôi đã nói với nhau kể từ cuối năm ngoái. Tôi đoán là hỏi cô ấy trước mặt cả đám bạn như vậy là không phải với cô, nhưng kể từ lúc có chuyện, tôi chưa bao giờ thấy cô ấy một mình cả, mà tôi thì thực sự muốn biết câu trả lời.

Lúc đầu, tôi tưởng dáng vẻ không chút xúc cảm của cô ấy là do ngạc nhiên, nhưng vì mãi sau cô ấy vẫn y vậy, nên tôi biết rằng không phải. Rồi đột nhiên tôi nhận ra rằng nếu Michael mà còn sống, rất có thể Susan sẽ không “đi chơi” với cậu ấy nữa. Không phải vì cô ấy là người xấu xa hay nông cạn hay thấp hèn. Mà bởi vì mọi thứ đổi thay. Bạn bè rời xa. Và cuộc đời không dừng lại vì bất kỳ ai cả.


“Xin lỗi đã phiền cậu, Susan. Chỉ là tôi đang có chuyện buồn. Vậy thôi. Chúc vui vẻ nhé,” tôi nói rồi đi khỏi.

“Trời đất, thằng quỷ đó kỳ cục dữ vậy,” tôi nghe một đứa con trai thì thầm lúc tôi đi được nửa hành lang. Giọng nó nói có vẻ thật thà, chứ không móc khoáy, và Susan chẳng trách gì nó. Tôi còn chẳng biết tôi có thèm trách nó những ngày này không nữa.

Thương mến,

Charlie

Ngày 2 tháng Năm, 1992

Bạn thân mến,

Vài ngày trước, tôi tới gặp Bob để mua thêm cần sa. Phải nói rằng tôi cứ quên Bob không học chung trường với bọn tôi. Có lẽ vì hắn xem tivi nhiều hơn bất kỳ ai tôi quen và biết nhiều chuyện linh tinh nhưng thú vị. Bạn nghe hắn nói chuyện về cô diễn viên hài Mary Tyler Moore mà xem, cứ như lên đồng vậy.

Bob có kiểu sống rất đặc biệt thế này. Hắn bảo cứ cách ngày hắn mới tắm một lần. Mỗi ngày hắn đều cân đong “hàng” cẩn thận. Hắn bảo khi ta hút thuốc với ai đó, nếu mà ta có bật lửa thì nên châm điếu thuốc của người kia trước. Nhưng nếu ta dùng diêm quẹt, thì ta nên châm điếu của mình trước, bởi ta sẽ hít vào khí “sulfur có hại” chứ không để người kia hít phải. Hắn bảo đó là phép lịch sự. Hắn cũng bảo rằng châm “ba điếu một que diêm” là xui. Một ông chú của hắn từng tham chiến ở Việt Nam nói vậy, rằng chỉ cần châm ba điếu thuốc là quân phe kia biết được vị trí của ta ngay.

Bob bảo khi ở một mình, châm điếu thuốc, rồi điếu thuốc cháy được một nửa tức là có ai đang nghĩ đến ta. Hắn cũng bảo nếu ta tìm được một đồng xu, đồng xu ấy chỉ “may mắn” nếu nó nằm ngửa. Hắn bảo điều hay nhất là tìm được một đồng xu may mắn lúc ta đang đi cùng ai đó, và ta tặng sự may mắn cho người đó. Hắn tin vào nghiệp quả. Mà hắn cũng thích chơi bài.

Bob dự học bán thời gian ở trường đại học cộng đồng. Hắn muốn học làm đầu bếp. Hắn là con một, và ba mẹ hắn chẳng bao giờ ở nhà. Hắn bảo hồi xưa, lúc còn nhỏ điều ấy làm hắn buồn bực lắm, nhưng giờ thì chẳng buồn mấy nữa.


Lần đầu gặp thì ai cũng thấy Bob thú vị bởi hắn biết về chuyện hút thuốc sao cho “lịch sự”, về đồng xu và Mary Tyler Moore. Nhưng khi chơi với hắn một dạo thì tôi cứ phải nghe hắn lặp lại những chuyện này. Trong vài tuần rồi, hắn chẳng nói điều gì mới mà tôi chưa nghe qua. Cho nên tôi càng sốc nặng khi hắn kể với tôi một chuyện nọ.

Đại khái là ba của Brad bắt gặp Brad và Patrick ngủ cùng nhau.

Tôi đoán là ba của Brad không biết chuyện về con trai của ông, bởi lúc ông bắt gặp hai đứa, ba của Brad bắt đầu đánh Brad. Không phải kiểu tát tai bình thường. Mà là đánh bằng dây lưng. Một trận ra trò. Patrick kể với Sam, rồi Sam kể lại với Bob rằng cậu ấy chưa từng thấy cảnh như vậy. Theo tôi, cảnh đó kinh khủng lắm. Cậu ấy muốn nói “Dừng lại” và “Ông đang giết cậu ấy đó.” Thậm chí cậu ấy còn muốn vật ba của Brad xuống. Nhưng cậu ấy chỉ đứng chết trân. Rồi Brad thét bảo Patrick, “Đi ra!”. Cuối cùng, Patrick chỉ đi ra ngoài.

Đó là hồi tuần rồi. Và Brad vẫn chưa đi học lại. Mọi người nghĩ rất có thể hắn đã bị gửi vào một trường quân đội nào đó hay đại loại vậy. Không ai biết chắc được chuyện gì cả. Patrick thử gọi điện một lần, nhưng khi ba của Brad bắt máy, cậu ấy cúp luôn.

Bob bảo Patrick đang “tàn tạ.” Tôi không thể kể hết được với bạn là nghe câu đó tôi buồn cỡ nào, bởi vì tôi muốn gọi cho Patrick, bầu bạn và giúp đỡ cậu ấy. Nhưng tôi chẳng biết có nên gọi cậu ấy không, bởi cậu ấy từng bảo tôi tránh mặt cho tới khi mọi chuyện êm xuôi. Cái chính là tôi không thể nghĩ về bất kỳ chuyện gì khác.

Bởi vậy, hôm thứ sáu, tôi đi xem sô diễn Rocky Horror. Tôi chờ đến khi sô diễn bắt đầu rồi mới vào rạp. Tôi không muốn phá hỏng buổi diễn của mọi người. Tôi chỉ muốn xem Patrick đóng vai Frank ‘n Furter như thường lệ, bởi vì tôi biết rằng nếu thấy cậu ấy trên sân khấu nghĩa là cậu ấy sẽ ổn. Giống như chuyện chị tôi nổi đóa khi bắt gặp tôi hút thuốc vậy.

Tôi ngồi ở dãy ghế hậu, nhìn lên sân khấu. Lúc ấy còn vài cảnh nữa mới tới đoạn Frank ‘n Furter xuất hiện. Sam xuất hiện trong vai Janet. Tôi nhớ cô ấy xiết bao. Và tôi hối hận vô cùng vì đã làm mọi thứ rối tung lên. Nhất là lúc tôi thấy Mary Elizabeth đóng vai Magenta. Cảnh diễn làm tôi buồn quá. Nhưng rồi rốt cuộc Patrick xuất hiện trong vai Frank ‘n Furter, và cậu ấy diễn thật tuyệt. Thực sự là tuyệt hơn mọi lần, xét theo nhiều khía cạnh. Thật vui vì tôi được thấy mọi đứa bạn của tôi. Tôi rời đi trước lúc sô diễn kết thúc.

Tôi vừa lái xe về nhà vừa nghe vài bản nhạc mà bọn tôi nghe những lúc cảm thấy mình ở vô tận. Và tôi giả vờ rằng họ đang ngồi trên xe cùng tôi. Thậm chí tôi nói thành tiếng. Tôi bảo Patrick rằng tôi thấy cậu ấy diễn hay. Tôi hỏi thăm Sam về Craig. Tôi nói với Mary Elizabeth rằng tôi xin lỗi, rằng tôi rất thích quyển sách của E.E. Cummings, còn muốn hỏi han cô ấy vài câu về nó. Nhưng rồi tôi thôi nói, bởi chuyện giả vờ ấy làm tôi buồn quá đỗi. Ngoài ra, có ai mà thấy tôi nói thành tiếng một mình trong xe, vẻ mặt họ rất có thể sẽ khiến tôi tin rằng chuyện không ổn ở tôi còn trầm trọng hơn tôi tưởng nhiều.

Lúc tôi về tới nhà, chị tôi đang xem phim cùng với anh bạn trai mới của chị. Không có gì mấy để kể về anh này, ngoại trừ tên anh là Erik, anh để tóc ngắn và là sinh viên năm ba. Anh Erik thuê bộ phim đó. Sau khi bắt tay với anh, tôi hỏi hai người về bộ phim, bởi tôi chưa xem phim đó, ngoại trừ biết một nam diễn viên trong phim từng tham dự một sô diễn trên tivi, mà tôi lại không nhớ tên người diễn viên.

Chị tôi bảo, “Phim dở lắm, em không thích đâu.”

Tôi hỏi, “Mà phim nói về cái gì?”

Chị đáp, “Thôi mà, Charlie, gần hết rồi kìa.”


Tôi hỏi, “Em cùng xem đoạn kết được không?”

Chị đáp, “Để anh chị xem xong rồi em xem.”

Tôi lại hỏi, “Vậy em xem đoạn kết với anh chị, và rồi em trở băng rồi xem tới khúc em bắt đầu xem cùng anh chị có được không?”

Chị tạm dừng phim.

“Bộ em không hiểu lời nhắc khéo à?”

“Chắc là không.”

“Anh chị muốn được riêng tư, Charlie à.”

“Ồ em xin lỗi.”

Nói thật với bạn, tôi thừa biết chị muốn được riêng tư cùng anh Erik, nhưng tôi quá mong có ai bầu bạn. Tôi biết làm vậy là không phải, ý là việc xen vào thời gian của chị chỉ vì tôi nhớ bọn bạn tôi, thế nên tôi chỉ nói chúc ngủ ngon rồi đi ra.

Tôi lên phòng mình và bắt đầu đọc quyển sách mới mà thầy Bill đưa tôi. Tựa nó là The stranger. Thầy Bill bảo nó “rất dễ đọc, nhưng rất khó để mà ‘đọc thấu đáo’”. Tôi không hiểu được ý thầy là sao, nhưng tới giờ thì tôi thích quyển sách.

Thương mến,

Charlie


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.