Đọc truyện Điều Bí Mật Của Chồng – Chương 18: Làm lại từ đầu
Lý Dương đưa vợ về chịu tang bố, chỉ mấy ngày ngắn ngủi mà trông anh gầy sọp hẳn đi. Anh trở nên trầm lặng, nhất là ở trước mặt Điền Ca, thái độ khác thường, không nói câu nào, thậm chí còn có ý né tránh. Làm thế nào đây? Chuyện đã xảy ra rồi, dẫu anh cắt lưỡi cô thì bố có thể sống lại sao? Mấy ngày qua cô cũng bị dằn vặt, cuộc sống chẳng yên ả gì.
Hôm ấy hai vợ chồng Lý Dương vừa bước vào cửa, Điền Ca đã bị anh cả và chị dâu chỉ trích nặng nề. Mặc dù, ngoài miệng anh cả không nói gì nhưng vẻ mặt nhìn cô đầy oán hận. Chị dâu là người nóng nảy, một mực khẳng định bố chồng bị em dâu làm tức chết. Chị nói:
– Ngày xưa có Gia Cát Lượng chọc tức Chu Du đến chết, ngày nay có con dâu nói làm bố chồng tức chết. Bố tốt như vậy, lại mắc bệnh tim nghiêm trọng, cô dựa vào cái gì mà nói này nói nọ trong điện thoại để ông cụ bị kích động thế chứ?
Từ miệng chị dâu, Điền Ca bỗng hiểu ra mọi việc. Lúc nghe xong điện thoại của cô, bố chồng ngồi thừ trên sofa, không nói gì cả. Mẹ chồng đang nấu cơm trong bếp, cứ nghĩ chồng đang ngồi nghỉ nên không để ý. Nửa giờ sau, mẹ gọi ra ăn cơm thì không thấy bố trả lời, bà chạy tới xem thì môi ông đã tím tái, hơi thở sắp tắt. Cả nhà vội vàng đưa bố đến bệnh viện. Bác sĩ cấp cứu ròng rã mười sáu giờ nhưng không cứu được. Lúc đưa vào bệnh viện cấp cứu, ông dặn đi dặn lại vợ chồng anh cả Lý Dương không được gọi điện cho anh, ông bảo anh đang làm việc bận rộn, đừng gây thêm phiền hà nữa.
Mẹ chồng cho rằng chồng mình tái phát bệnh cũ như những lần trước, nằm viện cấp cứu mấy ngày là được về nhà, ngờ đâu lần này ông vào viện, chẳng thể nào trở về.
Sở dĩ chị dâu oán hận Điền Ca là vì, bố chồng còn sống thì mỗi tháng còn được hơn một nghìn tệ tiền lương hưu đủ cho hai ông bà trang trải cuộc sống, còn những lúc đổ bệnh đã có Lý Dương lo. Nay ông cụ vừa đi, hơn một nghìn tệ lương hưu kia lập tức bị cắt, mẹ chồng sẽ sống thế nào? Bà không có lương hưu, cũng không đóng bảo hiểm, bây giờ bà mới ngoài sáu mươi tuổi, gánh nặng cuộc sống sau này chẳng phải đều dồn hết lên vai anh cả sao? Chị dâu càng nghĩ càng phẫn nộ, trút hết giận dữ lên người Điền Ca.
– Mấy năm trước, bố mua đôi giày không vừa chân nên mang đi đổi, người bán hàng không cho đổi còn đôi co mấy câu đã làm bố lên cơn nhồi máu cơ tim. May mà bố được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời. Hai năm trước, bố lơ ngơ thế nào lại mua phải một món đồ cổ giả có giá hai nghìn tệ, khi phát hiện ra mình bị người ta lừa, bố lại bị nhồi máu cơ tim lần nữa, nếu không cấp cứu kịp thời thì… – Chị dâu nước mắt nước mũi giàn giụa, – Hai mươi vạn tệ là chuyện lớn như vậy, sao thím có thể để cho bố biết hả? Thế chẳng phải là thím muốn lấy mạng của bố sao?
Điền Ca không thể bao biện được cho mình, dù cô nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa được tội, vô cùng oan ức nhưng không muốn giải thích nhiều, cô không ngừng rơi nước mắt:
– Sao bố lại chủ quan như vậy, bố thấy trong người khó chịu sao lại không gọi ai?
Chị dâu tiếp tục tố tội:
– Hồi còn trẻ bố luôn mong con cái sớm có cuộc sống hạnh phúc. Vì vậy bố làm việc quần quật, ngoài giờ đi làm còn giúp mẹ bán hàng, về sau buôn bán không tốt, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình nên mới học xong cấp Hai, nhà tôi đã chủ động nghỉ học, còn mẹ phải làm thuê cho tiệm giặt, sau khi tan ca bố lại tới giúp mẹ. Cả mùa đông giá rét, nhiệt độ có lúc xuống âm mấy độ, thế mà nửa đêm nửa hôm bố vẫn ngâm đôi tay trong nước lạnh buốt, bệnh tim có lẽ cũng từ đó mà ra. Từ khi có bệnh, bố không thể góp sức làm việc cùng cả nhà cho nên bố luôn thấy có lỗi với con cái…
– Là em hại bố, em có lỗi với bố. – Điền Ca khóc không thành tiếng, hận không thể bịt kín lỗ tai của mình lại. Nói thế nào thì bố chồng cũng vì nói chuyện với cô nên tâm trạng bị kích động, dẫn tới nhồi máu cơ tim rồi đột ngột qua đời. Chị dâu một hai nói bố chồng chết trong tay Điền Ca, âu cũng là sự thật, không hề bóp méo. Ngoài nỗi đau thương, day dứt trước cái chết của bố chồng, cô còn cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình, không thể chối cãi. Nếu mẹ chồng không bảo anh cả lôi chị dâu đi thì không biết chị ta còn đay nghiến Điền Ca đến khi nào.
Mẹ chồng an ủi cô:
– Mẹ Ni Ni à, con đừng oán hận bản thân, mỗi người có một số mệnh, bố con ra đi như vậy nghĩa là số mệnh của ông ấy đã đến, chuyện này không thể trách con được, con cũng không cố ý…
Mặc dù mẹ chồng bao dung, không muốn con dâu chịu áp lực tâm lý quá lớn nhưng ánh mắt của bà không giấu được nỗi niềm ai oán và những giọt nước mắt thầm kín càng làm Điền Ca thấy bị dằn vặt hơn.
Sau khi lo việc tang ma cho bố xong xuôi, hai người lại trở về Thanh Đảo. Vừa bước vào nhà, Điền Ca ngã nhoài lên giường. Tinh thần cô hoảng loạn, cả người mềm nhũn. Cô không đau ốm, suốt một ngày không có ngụm nước nào nên miệng cô đắng ngắt, không muốn ăn cái gì, một miếng cơm cũng không nuốt trôi.
Đây là tâm bệnh. Bà Phượng nói.
Lý Dương không hề trách Điền Ca câu nào nhưng sự im lặng của anh còn đáng sợ hơn chửi mắng hay đánh đập. Bà Phượng ở hẳn bên nhà để chăm sóc con gái và cháu ngoại. Buổi tối, Lý Dương viện cớ đi tiếp khách ở bên ngoài, khi cả nhà đi ngủ rồi anh mới về, sang hôm sau anh ăn uống qua loa, vội vã đưa Ni Ni tới trường mẫu giáo như thường lệ, sau đó đi làm, mấy ngày liền anh không ngó ngàng gì đến vợ.
Nhất định là anh hận mình đến thấu xương, Điền Ca nghĩ. Từ thời đại học anh đã xa gia đình, mỗi năm anh chỉ gặp bố được một lần nhưng tình cảm giữa anh và bố rất sâu nặng, điều này cô là người hiểu hơn ai hết. Ba ngày không gọi điện thoại, không nghe tình hình của bố, anh đứng ngồi không yên, không làm nổi việc gì. Anh thường kể chuyện bố mẹ nuôi dạy ba anh em vất vả như thế nào cho cô nghe. Anh luôn tâm niệm, sau này cuộc sống của hai vợ chồng dư dả, sức khỏe của bố cũng tốt hơn, anh sẽ đón bố lên Thanh Đảo ở một thời gian, đưa bố đi du lịch… Thế mà chỉ trong nháy mắt bố đã đi xa, anh không thể chấp nhận ngay được, oán giận cô là điều có thể hiểu được. Hơn nữa, cô là “thủ phạm” nhưng anh cũng bị vạ lây, không những chị dâu oán hận em dâu mà còn có oán hận cả em chồng, những đóng góp của anh cho gia đình trong nhiều năm qua đều bị xóa sạch.
Điền Ca cũng ân hận không kém.
– Rốt cuộc hôm đó con đã nói gì với bố chồng? – Bà Phượng đóng cửa phòng lại, sốt ruột hỏi con gái.
– Thực sự con không nói gì quá đáng, con chỉ nói về số tiền kia thôi. – Nhắc đến chuyện này, nước mắt Điền Ca lại rơi lã chã, cô không giấu bà Phượng, kể lại ngọn nguồn sự việc.
– Ngay từ đầu nếu Lý Dương không cho mượn số tiền đó thì chẳng xảy ra rắc rối gì hết. – Điền Ca thở ngắn than dài, – Anh ấy đúng là dại quá, đã bảo không được cho ai mượn tiền thế mà lại cho Xuân Phong mượn. Ừ thì hai người là bạn bè tốt nhiều năm nên phải cho mượn nhưng sao Xuân Phong… giấy nợ cũng không giữ được… Đương nhiên, giấy nợ bị hỏng không phải là lỗi của anh ấy, áo khoác mới mặc một ngày, ai ngờ lại giặt nhanh như thế… Chỉ tại con, tại con giục mẹ giặt áo.
Điền Ca cứ nghĩ mẹ cô sẽ không chịu nổi sự trách móc này, không ngờ bà còn kiên cường hơn cả con gái. Bà biết con gái bị cả nhà chồng chỉ trích nên trong lòng cũng thương con, đau đớn tột cùng nhưng không biểu lộ tâm trạng ra bên ngoài, không khóc lóc rầu rĩ như Điền Ca, cũng không luôn mồm luôn miệng than phiền. Bà nghĩ, con gái đã đau khổ như vậy, lẽ nào cứ phải đem nó đóng đinh treo lên cây thánh giá sao?
Bà ngồi bên giường Điền Ca, không rời nửa bước, rủ rỉ khuyên nhủ:
– Chỉ là vì cái nhà thôi mà, tạm thời chưa mua được cũng không sao. Ít ra chúng ta vẫn có chỗ ở, trong khi không ít người sống nay đây mai đó không có nhà để về, có gia đình năm sáu người chen chúc trong một căn nhà bé tí có hai phòng, còn có bao người phải đi thuê nhà nữa. Ngẫm lại ngày xưa, ông bà nuôi tám anh chị em, thì có đến bốn người chưa đến mười tuổi thì đã bị chết đói rồi. Mẹ còn nhớ, buổi sáng hôm ấy mẹ để cậu con nằm trên giường để tới nhà ăn của hợp tác xã mót chút thức ăn thừa cho cả nhà, khi mẹ về đến nơi thì không còn thấy cậu o oe gì nữa, mẹ vội cầm bát cơm cháy đến bên giường thì cậu con đã tắt thở rồi. Cái chăn phủ trên người cậu bị rách một lỗ, bên trong trống không, hóa ra cậu đói quá nên đã moi bông ra ăn. Cậu bị chết đói đấy con ạ… Đời người khó tránh khỏi những lúc gặp khó khăn hoạn nạn, chẳng nhẽ cứ mặc kệ đến đâu thì đến à? Nếu con không bước qua được cái hố này thì mai sau còn làm được trò trống gì?
– Mẹ, thật vậy sao? – Điền Ca ngồi dậy.
– Mẹ ngần này tuổi rồi, có nhất thiết phải thêu dệt chuyện để nói với con không?
– Trước đây mẹ chưa từng kể mà.
– Đây không phải là chuyện tốt đẹp nên mẹ không muốn cho các con biết. Từ nhỏ các con chưa từng bị đói nên không biết được mùi vị của đói khổ, hễ gặp khó khăn là làm ầm lên như trời sắp sập, không sống nổi nữa. Ngày xưa khổ là thế mà mẹ vẫn cắn răng sống tiếp từng ngày. Bây giờ hai vợ chồng con chỉ có mỗi đứa con, cho dù bên nội không giúp được gì thì còn có mẹ mà. Mẹ không làm được việc gì to tát nhưng luôn bên cạnh giúp đỡ các con, cuộc sống như thế này đã là tốt lắm rồi. Các con mới ngoài ba mươi tuổi, cuộc sống sau này còn dài, miễn là có sức khỏe, có lòng tin, chịu khó làm việc thì có cái gì không với tới được?
– Không, con không khó chịu về chuyện đó mẹ ạ. Con chỉ cảm thấy chuyện của bố chồng đều là lỗi tại con.
– Mẹ bảo Lý Dương tới nói chuyện với con nhé?
– Nói gì hả mẹ?
– Nói những lời trong lòng nó, căn bản nó không oán trách con đâu. Nó nói với mẹ, cái chết của bố nó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hai năm nay, bệnh tình của ông ấy ngày càng nặng hơn, một khi phát bệnh thì thở không ra hơi, khó giữ được mạng, ông ấy ra đi coi như là đỡ được không ít đau đớn.
– Anh ấy nói như vậy thật ạ? Sao anh ấy không tự mình nói với con?
– Đúng là nó đã nói với mẹ như vậy. Nó không nói với con, có lẽ là để con tự xem lại bản thân mình. Những chuyện lớn trong gia đình, ít nhất con phải bàn bạc với nó, tôn trọng ý kiến của chồng, không được tự ý muốn làm cái gì thì làm, muốn nói cái gì thì nói. Gây ra hậu quả nghiêm trọng, không phải hai đứa cùng gánh chịu sao?
– Con biết rồi. – Nước mắt Điền Ca lã chã rơi.
– Còn có chuyện này nữa, tối qua mẹ xuống dưới nhà đổ rác, vô tình nghe thấy Lý Dương nói chuyện điện thoại với người nào đó, không biết là nó gọi đi hay người ta gọi tới, mẹ nghe bập bõm hình như là nó hỏi mượn tiền người ta, nói là vì việc gia đình, cụ thể là việc gì thì mẹ không biết.
– Lại là chuyện tiền bạc! – Vừa nhắc đến tiền, Điền Ca lại đau lòng.
Chị dâu Lý Dương than thở những năm qua vì chữa bệnh cho bố chồng mà tiền dành dụm trong nhà đều hết sạch. Hôm ông xảy ra chuyện, khoản chi phí phẫu thuật là anh cả đi mượn, phẫu thuật thất bại, người thì mất mà số tiền bỏ ra cũng như bát nước đổ đi. Tiếp đến, tiền lo tang ma hết hai ba vạn tệ, Điền Ca và Lý Dương cầm tạm của đồng nghiệp hai vạn tệ mang về cho anh chị, cộng thêm tiền viếng của họ hàng thân thích, coi như là đủ. Nhưng khoản nợ kia, trong chốc lát anh cả chưa trả được, buổi tối hôm hỏa táng ông bố, chị dâu cãi nhau một trận kịch liệt với anh cả, còn lấy cái chết ra để đe dọa.
Trước đây anh chị đều có nghề nghiệp ổn định trong nhà mày in ở thị trấn, sau đó hai người bị cắt giảm biên chế, không thể đảm bảo cuộc sống. Mấy năm trước, anh chị vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà, cuộc sống vừa mới có chút khởi sắc thì dịch cúm gia cầm tràn tới, họ lại trắng tay. Về sau họ không dám làm “ông chủ bà chủ” nữa, mở nghề gì cũng cần vốn liếng, trong khi họ không có nổi một hai vạn tệ. Thế rồi họ làm công nhật, ngày được ngày chăng, chỉ kiếm đủ miếng cơm cho cả nhà và nuôi hai đứa con ăn học, cuộc sống cứ mãi túng bấn. Hôm đó về quê, Điền Ca có đến thăm nhà anh cả, ba gian nhà xây từ mấy năm trước vẫn chưa được sơn, đồ đạc thì tuềnh toàng, thiếu thốn. Quả thực không thể trách chị dâu được, người phụ nữ nào ở trong hoàn cảnh này mà không cau có mới là lạ. Mỗi lần giúp đỡ anh chị, Lý Dương đều nói với Điền Ca: Anh còn mắc nợ anh cả nhiều lắm, hồi xưa anh cả học cấp Hai, năm nào cũng đứng nhất lớp nhưng vì gánh nặng gia đình nên anh cả chủ động rút lui, nhường cơ hội học tiếp cho anh và Lý Khu. Nếu như anh cả không bỏ học, có lẽ bây giờ số phận anh ấy đã khác, giống như anh bây giờ chẳng hạn, ngồi trong phòng làm việc của một công ty lớn, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu, một tháng lĩnh mấy nghìn tệ tiền lương, chứ không phải làm khuân vác ở siêu thị trong thị trấn, nguy hiểm luôn rình rập.
Cả một năm, tiền công của hai vợ chồng anh chị chỉ có hơn một vạn tệ nên không dư dả được đồng nào; thế mà để nộp tiền phẫu thuật cho bố, bỗng chốc họ mắc nợ hơn một vạn tệ, biết bao giờ mới trả được? Đối với chị dâu mà nói, chẳng khác nào trời sụp! Vì vậy, Lý Dương mới nói:
“Cho anh chị chút tiền, anh chị coi là to, chứ vợ chồng mình chỉ làm một tháng là ra”.
“Thế anh không phải ăn tiêu à? Nhà mình chi tiêu nhiều lắm đấy” – Điền Ca hỏi vặn lại.
“Tiết kiệm một chút, đôi ba tháng là đủ thôi mà”.
Lần này Lý Dương lẳng lặng giúp anh chị, không nói với Điền Ca tiếng nào. Anh tự giải quyết theo cách riêng khiến cô cảm thấy mình như người thừa vậy. Nhiều năm qua, hai người tuy hai mà một, khi anh gặp khó khăn, cô không khỏi lo lắng. Điền Ca kể lại chuyện Lý Dương muốn giúp đỡ anh cả cho mẹ đẻ nghe.
– Thế chính xác là Lý Dương hỏi mượn tiền người nào?
– Có lẽ vẫn mượn của đồng nghiệp, anh ấy muốn trả nợ thay anh cả và mua miếng đất ở nghĩa địa cho bố. Tro cốt của bố đang để trong nhà tang lễ của thị trấn, phải chôn cất bố đàng hoàng thì anh ấy mới yên tâm được. Con cũng hỏi rồi, vị trí tốt thì có giá năm sáu vạn tệ, kém hơn một chút cũng phải hai ba vạn tệ.
Bà Phượng suy nghĩ một lát rồi vỗ về con gái:
– Về chuyện này, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Đều là người một nhà, chúng ta không thể để một mình Lý Dương gánh lấy khó khăn, hai đứa con còn phải sống với nhau cả đời đấy. Mẹ thấy bây giờ Lý Dương đối tốt với bố mẹ và anh em thì đời này nó cũng không đối xử tệ bạc với con đâu, chút trắc trở trước mắt này có là gì? Con không giúp nó thì còn ai giúp nó nữa? Nửa năm nay, mẹ cũng tích cóp được năm sáu nghìn tệ, mai mẹ cầm sang cho con…
– Mẹ! – Điền Ca cắt ngang lời mẹ, – Con không thể nhận thêm một đồng nào của mẹ nữa.
– Trông con kìa, mẹ là mẹ của con, sinh mạng nhỏ bé của con cũng là mẹ cho, còn có cái gì mà mẹ không thể cho con chứ?
– Con quyết định rồi. Con không thể để Lý Dương mang nợ, con sẽ bán xe, con không đi xe nữa… – Điền Ca cảm thấy chua chát, nước mắt lại tuôn ra như suối, cô không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc nức nở.
Bà Phượng lấy khăn giấy lau nước mắt cho con gái:
– Đừng khóc, đây là chuyện tốt, khóc cái gì chứ? Con nghĩ được như vậy là mẹ mừng cho con, mẹ không muốn con đi chiếc xe đó bởi nó không an toàn, chờ sau này có điều kiện thì mua xe tốt, trước mắt bán nó để chữa cháy đã…
Nói là làm, vừa nghĩ được cách giúp Lý Dương giải quyết khó khăn, Điền Ca liền lấy lại tinh thần, hai mẹ con cùng hành động. Để nhanh chóng lấy được tiền, hai người bán xe thấp hơn giá mong muốn hai nghìn tệ. Trước lúc bán xe, Điền Ca tháo những phần trang trí trong xe ra để giữ lại. Khi giao xe, Điền Ca chụp mấy tấm ảnh bên chiếc xe yêu quý, sau đó cô và nhân viên đại lý ôtô làm các thủ tục liên quan đến việc mua bán xe. Hai ngày sau, họ đến nhận sổ tiết kiệm rồi lên xe buýt đi về nhà, về đến cổng khu chung cư cũng là lúc Lý Dương cũng đi làm về, anh lấy làm lạ khi nhìn thấy hai mẹ con bà Phượng bước xuống từ xe buýt chứ không phải từ xe riêng.
Bước vào nhà, Lý Dương hỏi:
– Cuối cùng cọp cũng xuống núi rồi? Không giận dỗi ở lì trong nhà nữa à?
– Ai giận dỗi chứ? – Điền Ca bĩu môi, nghe giọng nói khôi hài của anh, cô hiểu cơn giận trong lòng anh đã đi qua rồi, – Anh cũng xấu tính thật đấy, ai bảo không đếm xỉa gì tới người ta!
– Mấy hôm nay công việc bề bộn quá, với lại tại em sai nên anh cũng phải để em yên tĩnh một mình để suy xét lại bản thân.
– Suy xét xong rồi. – Điền Ca lấy từ trong túi ra một cuốn sổ tiết kiệm – Anh đừng mượn tiền người nào nữa, kể từ hôm nay chúng mình lại trở về con số không, làm lại từ đầu. Dù sao hai vợ chồng mình cũng quen với chuyện này rồi…
Lý Dương sửng sốt nhìn Điền Ca.
Hôm sau đến cơ quan, Điền Ca gửi tin nhắn cho Lý Dương: “Ông xã, thực sự anh không trách em nữa chứ?”.
Lý Dương nhắn lại: “Cưng, chuyện qua rồi thì để cho nó qua đi. Có điều mình bán xe rồi, sổ tiết kiệm cũng rỗng tuếch, lại phải để em cùng anh làm lại từ đầu, khổ thân em”.
Điền Ca mỉm cười bấm tin nhắn: “Em không sợ làm lại từ đầu, cũng không sợ nợ nần, mỗi lần vỡ mộng, mỗi lần thất bại, em đều không sợ, hoàn toàn không sợ. Điều em sợ nhất là anh đau lòng, sợ anh chật vật, sợ anh không thèm đếm xỉa gì tới em, càng sợ những điều này là do em gây nên. Chỉ cần hai đứa mình chung sức chung lòng, cùng gánh vác khó khăn thì sợ gì không đi qua được Hỏa Diệm sơn”.
2
Mâu thuẫn giữa vợ chồng Điền Ca được giải quyết, bà Phượng yên lòng về chuyện này nhưng lại vướng bận nỗi lo khác.
Cứ nghĩ đến hai mươi vạn tệ của các con không có tin tức gì, trái tim bà như bị dao cứa. Mặc dù ở trước mặt Điền Ca, bà tỏ ra khảng khái nhưng thực ra, trong lòng bà rất khó chịu. Cái thằng Lý Dương này, kiên trì chờ đợi đến bao giờ đây? Tiền của nó, thế mà nó còn ngần ngại, không dám đi đòi lại. Làm gì có ai tốt bụng tìm tiền rồi trả cho mình? Bà Phượng nghe mọi người nói Tích Tích là người tốt nhưng bà không hiểu lắm về cô. Ở đời có nhiều người tốt lắm, bình thường không đắc tội với anh, không dính dáng đến lợi ích cá nhân, ai cũng là người tốt, một khi xảy ra chuyện thì người tốt ở đâu?
Thực ra từ đáy lòng, bà Phượng rất thông cảm với nhà họ Ngụy, tai họa bất ngờ ập đến, không ai có thể xoay chuyển được tình thế. Nhưng nhà Điền Ca vẫn phải sống, có ai không tiếc tiền của mình cơ chứ? Có xu nào là từ trên trời rơi xuống đâu? Những năm qua, Điền Ca vì gom góp tiền mua nhà mà cắm mặt vào tăng ca, người ta thì xúng xính quần áo này nọ, còn cô cả mùa mới mua một cái áo mà cũng phải đắn đo, thử đi thử lại mãi cuối cùng vẫn không mua. Tháng Năm là mùa anh đào chín, thứ quả Ni Ni rất thích. Bà Phượng hỏi thử giá ở chợ, một cân những hai mươi ba mươi tệ, bà chỉ dám mua cho cháu gái mấy quả làm quà. Điền Ca trông thấy xót ruột lại mắng Ni Ni: “Con thực là đứa phá của!” làm con bé giận dỗi khóc lóc ầm ĩ cả lên. Để vợ chồng Điền Ca tiết kiệm được chút tiền, mỗi lần sang chơi, bà Phượng đều tự bỏ tiền túi ra mua thức ăn, chai dầu lọ muối. Tiền lương hưu hàng tháng của bà, hoặc là để mua sắm linh tinh như vậy hoặc là tích góp thành món rồi dấm dúi cho con gái. Nhưng, đùng một cái họ mất hai mươi vạn tệ! Đấy là còn chưa kể việc mất trắng một vạn rưỡi tiền đặt cọc nhà… Bà Phượng ngậm ngùi rơi nước mắt, những lúc một mình nghĩ đến chuyện này bà lại buồn bã, nước mắt chảy vòng quanh. Việc đã đến nước này, trách ai cũng chẳng ăn thua gì, chỉ có thể tìm cách giải quyết thôi. Cho dù trong thời gian ngắn không thể giải quyết được thì ít nhất cũng phải đòi Tích Tích một câu trả lời rõ ràng, nếu không bà ăn không ngon, ngủ không yên.
Người xưa có câu, người càng giàu có thì càng keo kiệt và vô tình. Tuy không thể nói Tích Tích là loại người như vậy nhưng chồng mình mượn tiền của người khác, lại không phải là con số nhỏ, làm sao con bé không biết tí gì? Nó có ý khác chăng? Ngộ nhỡ Lý Dương nhìn lầm người, dù sao cũng không tìm được giấy nợ, nhỡ con bé cố tình xơi tái món tiền đó thì làm thế nào?
Bà Phượng nghĩ đi nghĩ lại, nếu không nói chuyện trực tiếp với Tích Tích, e rằng không có kết quả gì. Nhưng Lý Dương đã gặp con bé rồi mà? Chắc là nó lại từ chối khéo! Sao không tìm bố mẹ của Xuân Phong nhỉ? Nói chuyện chân thành với họ, thử tìm manh mối từ đấy. Lý Dương và Điền Ca không tiện ra mặt thì để mình giơ cái mặt già này ra vậy.
Qua những lời nói gần nói xa của Điền Ca, đại để bà Phượng cũng biết nhà của Xuân Phong và tình hình hiện giờ của bố mẹ Xuân Phong. Bà lựa thời gian Tích Tích đi làm, một mình tìm đến nhà cô.
Chuông cửa reo kính koong, bố chồng Tích Tích nhìn vào hệ thống video doorbell[1], thấy một bà lão đứng bên ngoài, bảo muốn tìm bố mẹ Xuân Phong, tưởng là bạn của vợ nên hồ hởi mở cửa.
[1] Hệ thống video doorbell truyền tín hiệu video, audio ở bên ngoài cửa tới màn hình hiển thị hoặc loa trong nhà, đảm bảo an ninh cho ngôi nhà.
Ông niềm nở đón khách vào nhà, rồi lớn tiếng gọi vợ:
– Bà nó ơi, mang trà lên.
Bà vợ liếc thấy đây là người xa lạ, chưa từng gặp bao giờ, khẽ trách chồng:
– Sao người nào ông cũng cho vào nhà thế? Ông không chút cảnh giác gì cả, ngộ nhỡ bà ta là kẻ lừa đảo thì sao?
Ông chồng lườm bà vợ một cái, hồ hởi mời khách ngồi.
Bà vợ đi ra, nhìn bà Phượng, ngờ vực:
– Tôi là mẹ của Xuân Phong, bà tìm tôi?
Bà Phượng ngồi xuống, tự giới thiệu. Khách vừa dứt lời, bà vợ liền viện cớ về phòng rồi gọi ngay cho con dâu kiểm chứng. Dĩ nhiên bà cũng biết Lý Dương có bà mẹ vợ quý con rể như con đẻ nhưng hai người chưa từng gặp nhau. Bây giờ có nhiều trò bịp bợm, cho người lạ vào nhà không cẩn thận không được. Đến khi nhận được câu trả lời chắc chắn từ Tích Tích, bà mới quay ra.
Bà Phượng cân nhắc từng câu từng chữ, bắt đầu giải thích từ mục đích ghé thăm, từ chuyện Lý Dương cho Xuân Phong mượn tiền đến chuyện làm hỏng giấy nợ, cặn kẽ không bỏ sót một chi tiết nào. Bà nói xong, cả căn phòng lặng như tờ. Mẹ Xuân Phong lấy làm bực bội, bà cau mày phá tan sự im lặng:
– Mẹ Điền Ca, chuyện này nghe có quá kì quặc không? Nghe cứ như là chuyện trong tiểu thuyết ấy. Con trai tôi vừa mất, bỗng dưng chị tìm đến nhà nói nó nợ tiền con rể chị nhưng không đưa ra được giấy nợ, chị bảo tôi làm sao tin được đây?
Ông chồng thấy bà vợ ăn nói chướng tai và lại để tránh cho bà Phượng cảm thấy ngại ngùng, ông bèn mở lời:
– Chị Phượng, không phải là chúng tôi không tin chị, những lời chị kể, chúng tôi đều hiểu. Chúng tôi cần phải chứng thực một chút, Xuân Phong mất rồi nhưng Tích Tích vẫn còn đó, một khi chuyện này được chứng thực, chúng tôi nhất định trả lại tiền cho mọi người. Chị yên tâm, nếu đúng là có nợ thì chúng tôi sẽ trả.
Bà Phượng nhăn mày giãi bày:
– Thì mấu chốt của vấn đề nằm ở đấy, chuyện này phải chứng thực thế nào đây? Khó nói lắm. Ý của tôi là, tôi muốn nhờ ông bà nói chuyện với Tích Tích để cô ấy sớm cho chúng tôi có câu trả lời.
Bố chồng Tích Tích lịch sự đáp lời:
– Tôi hiểu ý của chị rồi. Chị yên tâm, tôi sẽ nói rõ chuyện này với Tích Tích.
Bà vợ nghe vậy liền nổi giận:
– Cái chị này, chị nói cả buổi, hóa ra là nghi ngờ con dâu tôi cố tình không trả tiền cho các người?
Bà Phượng cuống quýt giải thích:
– Không, không, không. Tôi không có ý đó, ý của tôi là mọi người cùng nỗ lực giúp Tích Tích tìm ra nguồn gốc của số tiền đó.
Thế rồi bà Phượng vội vàng cáo từ.
Buổi tối, vừa bước vào nhà, Tích Tích đã cảm thấy bầu không khí nặng nề bao phủ. Bố chồng vẫn ung dung như ngày thường, chỉ có mẹ chồng mặt mày nhăn nhó, ỉu xìu. Cô định hỏi han mẹ chồng mấy câu nhưng nhìn sắc mặt khó chịu không có hứng nói chuyện của bà, cô đành giữ im lặng để tránh rắc rối.
Ăn tối xong, Hạo Hạo về phòng tập vẽ, Tích Tích định đi cùng thằng bé thì bị mẹ chồng gọi lại.
Bà không giữ được bình tĩnh. Chuyện nợ nần còn quan trọng hơn việc cháu trai tập vẽ, phải sớm nói chuyện rõ ràng. Ba người lớn ngồi lại sofa ở phòng khách, Tích Tích nhẫn nại nghe mẹ chồng hỏi.
Mẹ chồng kể lại chuyện bà Phượng đến nhà rồi hỏi:
– Tích Tích, rốt cuộc chuyện này là thế nào?
Tích Tích lắc đầu, thành thật trả lời:
– Mẹ, Lý Dương hỏi con chuyện này rồi. Nói thực, con cũng không biết chuyện này là thế nào, vẫn không tìm được manh mối, con đang đau đầu suy nghĩ mẹ ạ.
Ông bố thấy mẹ chồng nàng dâu căng thẳng liền vội dàn hòa:
– Mẹ nó, hôm khác thảo luận việc này được không? Tích Tích đi làm cả ngày, để con nó thoải mái một chút, ngày mai bàn tiếp nhé?
Bà mẹ nhất định không chịu nhịn:
– Không được, chuyện lớn như vậy, không nói rõ ràng thì làm sao ngủ yên? Suy cho cùng, Xuân Phong có nợ người ta số tiền đó không? Tích Tích, con không biết tí nào sao?
– Mẹ, con vừa nói rồi, con không biết đầu đuôi chuyện này như thế nào, con cũng đang cố gắng tìm số tiền đó nhưng chưa tìm thấy mà!
– Chuyện này liên quan đến vấn đề nhân phẩm, mẹ muốn làm rõ ràng thì có gì sai? Làm người phải có lương tâm. Mẹ biết Lý Dương đi lại nhiều năm với nhà mình, nó không thể làm ra chuyện lừa người lấy tiền trái lương tâm ấy. Người ta cho chúng ta mượn tiền, chúng ta không thể vì chuyện người ta lỡ làm hỏng giấy nợ mà không thừa nhận chứ?
Tích Tích khẽ nói:
– Mẹ, ý mẹ muốn nói con là người không biết điều? Lòng dạ hẹp hòi? Con cố tình muốn quỵt nợ? Vô lương tâm?
Ông bố bực bội quát bà vợ:
– Bà nói chuyện có tình có lý một chút được không? Con trai chúng ta không còn nữa, Tích Tích thấy sức khỏe của chúng ta không tốt nên đón sang đây phụng dưỡng. Sao bà còn nghĩ nó như thế hả?
“Bụp!” bố chồng ném mạnh chiếc điều khiển tivi đang cầm trong tay, đứng dậy đi thẳng về phòng, đóng sầm cửa lại.
Tích Tích ngồi ngây ra một lúc, sau đó có cũng lên tầng, về phòng mình. Cô cảm thấy khó hiểu, lần trước cô đưa tiền cho Lý Dương thì anh một mực từ chối, sao mới đó chưa lâu mẹ vợ của anh lại tìm đến nhà cô? Buồn bực một lát, cô lại nghĩ, với tính khí của Lý Dương, chắc chắn đây không phải là ý của cậu ấy, chưa chắc cậu ấy đã biết việc này. Bỏ đi, cậu ấy không biết thì thôi, không nên nói lại, tránh để cả nhà cậu ấy cãi nhau om sòm.
Ngày hôm sau, vào giờ nghỉ trưa, Tích Tích đóng cửa phòng làm việc lại, gọi điện cho bà Phượng.
Bà Phượng đang ở nhà Điền Ca, bà mới đi chợ mua thức ăn về, vừa ngồi nhặt rau trong bếp vừa suy nghĩ về chuyện hôm qua. Gặp mặt bố mẹ Xuân Phong là ý của bà, Lý Dương và Điền Ca đều không hay biết gì, vì thế bà đang cân nhắc xem có nên tìm cơ hội nói với hai con một tiếng hay không, để chúng hiểu và ủng hộ bà, sau đó cả nhà đoàn kết lại, cùng đối phó với Tích Tích. Nhưng bà lại nghĩ, mình vừa mới ra một cú đấm rồi, thôi thì đợi đôi ba hôm, nếu không thấy động tĩnh gì, mình sẽ ra mặt lần nữa. Ấy vậy mà, bà chưa đi tìm Tích Tích thì cô đã gọi điện thoại đến.
– Cô ạ, cháu là Tích Tích. Đáng lẽ cháu phải đến nhà thăm cô nhưng gần đây cháu bận nhiều việc quá, chúng ta nói chuyện qua điện thoại trước, cô nhé. – Tích Tích chào hỏi lễ phép, ăn nói nhã nhặn.
– Ừ, chúng ta nói chuyện đi.
Tích Tích nói lại đầu đuôi việc cô đem trả tiền cho Lý Dương nhưng bị anh từ chối, cuối cùng cô nói rằng:
– Cô ạ, cháu không muốn bịa chuyện nói dối Lý Dương là mình tìm được số tiền đó rồi, làm vậy cháu cảm thấy không thoải mái. Ý của cháu là, nếu bây giờ gia đình cô cần dùng tiền thì cháu sẽ mang hai mươi vạn tệ sang nhà, mọi người không phải viết giấy nợ đâu. Còn như, cô thấy cháu làm như vậy không thỏa đáng thì xin cô cho cháu thêm thời gian để cháu tiếp tục tìm kiếm tung tích số tiền đó. Cháu không tin nó bốc hơi mà không để lại dấu vết gì. Xin cô tin cháu, nhất định cháu sẽ tìm được, chỉ cần có thời gian thôi.
– Nếu như vĩnh viễn không tìm được thì sao?
– Cháu gọi điện cho cô chính là để cô yên lòng. Không tìm được cũng không sao, một khi cháu xác nhận được Xuân Phong có số nợ đó, cháu sẽ mang tiền đến tận nhà trả, không thiếu một đồng, kể cả tiền lãi.
Nói đến đây, bà Phượng không bắt bẻ Tích Tích nữa. Bà nghĩ, xem ra con bé này quả thực giống như lời Lý Dương nói, là người thấu tình đạt lý, nghe giọng điệu khác hẳn người có bụng dạ xấu xa.
– Vậy thì được, cô tin cháu. – Bà Phượng bày tỏ thái độ.
– Cháu để lại số điện thoại của cháu cho cô nhé. Có chuyện gì, cô có thể tìm cháu bất cứ lúc nào, thỉnh thoảng cô đến nhà cháu chơi cũng được, cả nhà cháu luôn chào đón cô. Chỉ là, cháu mong muốn hơi quá một chút, lần sau cô đến nhà cháu thì đừng nhắc lại chuyện này được không ạ? Bố chồng cháu bị huyết áp cao, mấy tháng lại đây ông mới khỏe lại một chút nên cháu không muốn ông phiền lòng. Còn mẹ chồng cháu từ khi con trai xảy ra chuyện đến nay vẫn chưa dứt muộn phiền, hôm qua biết được chuyện này, bà rất băn khoăn, cả đêm không chợp mắt được, lúc tối ăn không ngon miệng, sáng nay cũng không buồn nhấc đũa…
– Cô biết rồi, cháu cứ yên tâm, cô không tới quấy rối họ nữa đâu. cô đợi tin tốt của cháu.
Đặt điện thoại xuống, bà Phượng rầu rĩ, Tích Tích đúng là nàng dâu hiếu thảo, rất biết thương bố mẹ chồng, nhưng sao con bé không nghĩ cho mình đi? Mình có áp lực không? Có thể chịu đựng áp lực không? Từ khi mình biết chuyện này, có bữa cơm nào ăn ngon lành đâu? Ôi! Sao mình không gặp được con dâu thảo như thế chứ!