Đọc truyện Diễm Chi – Chương 13
Mẹ gọi cho bố hai người cứ thế cãi nhau qua điện thoại không ngừng, nếu không phải điện thoại mẹ hết tiền thì chẳng biết cuộc cãi vã ấy còn kéo dài tới lúc nào mới dứt.
Mẹ bực vì chưa chửi chồng cũ cho đã thì điện thoại đã ngắt, mà bực tức không có chỗ nào trút thì lại trút cả lên đầu tôi. Cứ thế tôi phải hứng chịu cơn thịnh nộ của mẹ:
– Con này, tao đã cấm không được dùng điện thoại sao vẫn dùng. Ngày hôm nay tao không thấy thì mày còn định giấu tao đến bao giờ.
– Con.. con chỉ dùng để thi thoảng nói chuyện với em thôi, con cũng không mang đi học..
– Mày còn cãi nữa à, cái điện thoại này tao tịch thu.
Tôi khóc mếu cố nói:
– Nhưng đó là bố mua cho con mà…
– Mày có thích bố không, bố tao cũng thu, bé tí nứt mắt ra biết cái gì mà dùng điện thoại hỏng hết người. Còn nữa từ nay tao cũng cấm mày không về bên ấy, không có thăm em thăm ún gì cả. Về đấy chỉ tổ bọn họ dạy hư mày, rồi súi sít vớ vẩn.
– Không có, không ai sui con gì cả…
Tôi còn chưa kịp nói hết câu mẹ đã cắt ngang:
– Câm mồm, không nói nhiều, tao nói không là không, từ nay mày còn mở mồm ra xin về đấy tao vả cho gẫy răng.
– Vậy mẹ phải đón em về đây chơi con nhớ em.
– Mày còn dám mặc cả với tao nữa à, tao còn chưa cho mày ăn đòn là may đấy còn ở đấy mà mặc cả à. Đánh răng nhanh lên còn đi ngủ.
– Nhưng mà…
Mẹ trợn mắt lên hỏi:
– Nhưng cái gì, hay là muốn ăn đòn.
– Không.
– Vậy thì nhanh lên.
Mẹ thu luôn cái điện thoại, cũng dập tắt luôn hy vọng được gặp em gặp mọi người vào dịp cuối tuần của tôi. Lầm lũi đi vào nhà tắm, tôi không đánh răng mà đóng chặt cửa để khóc, khóc vì buồn, vì tủi thân và cả vì nhớ mọi người nữa.
Nhiều lúc tôi không hiểu tại sao mẹ lại khác thế, ngày xưa mẹ yêu thương tôi bao nhiêu thì bây giờ mẹ vô tâm với tôi bấy nhiêu. Sống cùng mẹ tôi không được phép mè nheo, nhõng nhẽo cũng không được đòi hỏi bất cứ thứ gì. Ngay cả đến việc khóc cho vơi nỗi buồn tôi cũng không thể.
Bên ngoài tiếng quát của mẹ lại một lần nữa dội vào màng nhĩ tôi:
– Ngủ trong đấy à, có mau lên đi ngủ mai còn dậy sớm đi học không hả.
Vuốt vội ít nước mát lên mặt để cho mẹ không biết là tôi vừa khóc, cứ thế tôi lầm lũi đi ra, mở cửa leo lên giường như một cái máy. Nhắm mắt thật chặt và nằm xoay lưng về phía mẹ để mẹ không biết là tôi đang khóc.
Mẹ ốm, lại thêm tác dụng phụ của thuốc cảm nên đã bắt đầu ngủ say, còn tôi vẫn nằm đây nhớ về những kỷ niệm thời gia đình tôi còn hạnh phúc mà trào nước mắt. Niềm vui ấy, tiếng cười ấy chắc cả đời này tôi sẽ chẳng còn cơ hội được hưởng trọn vẹn thêm lầm nào nữa.
Sáng hôm sau do khóc nhiều nên mắt tôi sưng húp thế nhưng mẹ cũng chẳng biết vì còn mải đi làm.
Mẹ cũng chẳng biết lực học của tôi đang giảm sút dần, tuy chưa đến mức đứng bét lớp nhưng chắc cũng chẳng còn mơ đến cái giấy khen tiên tiến chứ đừng nói đến là học sinh giỏi như trước.
Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng quả thật chuyện buồn cứ liên tiếp tới khiến cho tôi chẳng thể nào tập trung rồi. Rồi lại chuyển trường nghỉ mất mấy buổi, tiếp đến là trường mới, bạn mới chưa kịp thích nghi, ngay cả cách truyền đạt của thầy cô cũng khác nên phải mất mấy hôm tôi mới dần quen.
Tới khi quen rồi thì lỗ hổng kiến thức của tôi đã quá lớn, chẳng thể nào bắt kịp nhịp học ngày trước nữa. Nhiều khi có bài tập khó muốn có ai hướng dẫn nhưng nhìn quanh lại chỉ có một mình ở nhà nên đành gấp sách để đấy.
Hai tuần rồi tôi không được về nhà thăm mọi người, mẹ cũng chẳng đón em xuống đây, buồn lại càng thêm buồn.
Nhà bạn Hoa bên cạnh mỗi dịp cuối tuần là cả nhà lại về quê nội, quê ngoại không thì lại dắt nhau đi khu vui chơi giải trí nào đó. Mỗi lần bạn Hoa được đi chơi về đều sang khoe với tôi, bạn bảo được bố cho chơi trò này, được mẹ mua cho cái kia… Xen lẫn trong lời kể của bạn là sự đố kỵ đang nhen nhóm trỗi dậy trong tôi.
Đố kỵ vì bạn được hạnh phúc còn tôi thì không, đố kỵ vì bạn chẳng bao giờ phải ở nhà một mình còn tôi thì thường xuyên như cơm bữa. Sự đố kỵ ấy dần dần làm xấu đi mối quan hệ của tôi và bạn, bạn càng vui vẻ, hạnh phúc tôi càng ghét bạn.
Ghét tới mức dù mẹ tôi đã gửi tiền cô Duyên nấu thêm đồ ăn cho tôi nhưng tôi thà ăn mì gói chứ nhất quyết không thèm sang lất thức ăn về. Lần nào bạn Hoa bê sang tôi cũng lấy lý do, khi thì tôi vừa ăn xong, lúc lại đồ ăn nhà tôi vẫn còn. Một vài ngày đầu cô Duyên còn kiên nhẫn vì thương tôi, lâu dần cô cũng chán, chẳng nấu cho tôi nữa. Vậy là tôi cứ thế tự mình lo cho mình. Hôm nào mẹ về sớm thì còn ăn cơm đàng hoàng tử tế, hôm nào mẹ tăng ca là tôi lại ngày 3 bữa mỳ gói.
Mẹ thấy tôi ăn mỳ nhiều quá thì cũng có nhắc:
– Chi này, nếu con không sang nhà cô Duyên ăn cơm thì cũng phải cắm cơm mà ăn chứ, suốt ngày ăn mỳ thế vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe.
– Nhưng mà con thích ăn mỳ, ăn vừa nhanh vừa ngon.
Mẹ nói mấy lần không được thì mặc kệ tôi, muốn ăn gì thì ăn. Nhà tôi lại chẳng có tủ lạnh nên có muốn tích trữ đồ ăn cũng khó, chỉ quanh đi quẩn lại mấy mớ rau với vài quả trứng và gói mỳ là cũng qua bữa.
Ngày trước tôi mũm mĩm đi đâu cũng bị người ta véo má thì bây giờ gầy nhẳng, chẳng còn hai cái má bánh đúc ngày nào nữa. Thay vào đó là mấy cái mụn mọc quanh mồm vì nóng quá. Rồi cả cái nước da đen nhẻm vì dãi nắng.
Lần trước bố tranh thủ lúc mẹ đi làm tới thăm tôi, vừa thấy tôi bố đã sững sờ hỏi:
– Chi, con làm sao thế này, có ốm đau hay khó chịu ở đâu không.
– Không, con bình thường mà.
– Bình thường mà sao gầy thế, mới 1 tháng bố bận bán cá với dọn vườn không gặp mà sao gầy rộc đi thế hả con. Đau ở đâu, khó chịu ở đâu phải bảo ngay với mẹ mẹ đưa đi khám nhớ chưa?
– Mẹ làm gì có thời gian nói chuyện với con mà bảo. Với cả con cũng chẳng làm sao cả.
Bố nhìn cái dáng vẻ bất cần ấy của tôi mà giật mình, có lẽ tôi thay đổi nhiều quá, nhiều đến mức bố chẳng còn nhận ra nữa. Cũng đúng, nhiều lúc tôi nhìn mình trong gương tôi còn phải giật mình nữa là.
Tôi bây giờ đã không còn là con bé hay khóc, hay tủi thân như trước. Có hôm bị mẹ mắng cả buổi tối vì cái tội trong lớp không chú ý học để cô giáo phải gọi điện cho phụ huynh nhưng tôi cũng chẳng thấy buồn, chẳng còn khóc lóc tủi thân như trước nữa.
Tôi quen rồi, quen với cái kiểu vô tâm và hay chửi bới của mẹ. Quen đến mức bây giờ cũng trai sạn luôn cả cảm xúc. Có những ngày mẹ ốm phải nghỉ làm ở nhà tôi cũng không còn nghĩ đến việc mua kẹo ngọt để mẹ ăn cho mau khỏe. Chỉ ngồi im lặng ở đó nhìn mẹ, mẹ hỏi gì thì trả lời đấy, tuyệt nhiên không còn bắt chuyện trước.
Mấy lần tôi có nói ý là mình nhớ em, nhưng mẹ luôn lấy cớ bận để từ chối việc đón em tới về đây cùng tôi. Cũng cấm tôi không được về bên nhà dù mấy lần bố đã tới tận nơi xin phép.
Lần ấy bố mẹ cãi nhau to lắm, nhà cô Duyên và mấy người hàng xóm phải can mãi mới được.
Tôi đứng trong nhà nhìn hai người quan trọng nhất đời mình đang đánh chửi nhau, lòng buồn lắm, nhưng lại không khóc. Bao lâu rồi tôi không rơi nước mắt tôi cũng chẳng nhớ nổi nữa. Chỉ biết càng ngày tôi càng lầm lì ít nói hơn.
Cũng vì như thế mà không ít lần mẹ chửi tôi:
– Cái con này mày không có mồm à, mẹ hỏi tại sao không trả lời.
Tôi nhìn mẹ thản nhiên nói:
– Mẹ có hỏi đâu, mẹ đang chửi con mà.
Bốp, một cái tát in hằn lên má tôi, đau rát nhưng tôi vẫn quyết không khóc. Mẹ thấy thế thì càng bực mình mà rít lên:
– Mày giống hệt cái thằng bố mày, lỳ lợm, bướng bỉnh. Càng ngày càng mất dậy.
Không biết mẹ có nhớ hôm nay là sinh nhật tôi hay không, nếu mẹ nhớ thì món quà mẹ tặng tôi đặc biệt quá. Không hoa, không bánh, cũng chẳng có những lời chúc mừng, chỉ vọn vẻn vài câu đay ngiến và một cái tát cháy má.
Đã có lúc tôi nghĩ đến việc bỏ về với bố, với bà và cái Hương nhưng lại không dám. Vì tôi hiểu tôi có về thì mẹ cũng sẽ chẳng để tôi ở đó. Mà tôi thì lại không muốn bố buồn, càng không muốn cái Hương phải chịu những tổn thương giống tôi bây giờ nên cứ thế một mình chịu đựng.
Cuối cùng ngày tôi thi tốt nghiệp cấp 1 cũng tới, bạn bè ai ai cũng được bố mẹ đón đưa, còn tôi vẫn cứ đi bộ một mình. Quãng đường đến trường chưa đầy 10 phút mà tôi phải dừng lại nhìn các bạn thèm muốn không biết bao nhiêu lần.
Tâm trạng ấy theo tôi cả vào phòng thi, xung quanh bạn bè bàn nhau xem ôn được nhiều chưa, rồi dự đoán xem đề thi sẽ là gì. Chỉ mình tôi ngồi lặng im nơi cuối lớp đưa ánh mắt xa xăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Ở đó có một cây non do không chịu được nắng đang héo rũ lá. Cây non ấy sao mà giống tôi đến vậy, tâm hồn tôi cũng đang héo úa như mấy chiếc lá kia. Tiếc là chẳng còn cô giáo Hạnh, chẳng còn ai cố gắng tưới nước để nó tươi xanh. Cứ thế để mặc héo tàn theo từng ngày.
– —–*—-*——
Lực học của tôi không tốt nên chỉ làm được khoảng 50% đề thi, chắc cũng đủ tốt nghiệp và lên cấp 2.
– Chi, Chi..
Tôi đang chậm chậm đi ra khỏi cổng để về nhà thì nghe thấy tiếng gọi quen thuộc của bố. Bất giác tôi mỉm cười đưa ánh mắt nhìn quanh để tìm bố, bố kia rồi, có cả cái Hương nữa. Vui quá tôi cứ thế chạy ào sang bên đường mà không để ý. Đúng lúc có một chiếc xe đạp điện đi tới nên va phải, tôi ngã lăn ra đường, tay chống xuống nền đá mạt rát kinh khủng.
– Con có sao không, có đau ở đâu không hả con. Đưa đây bố xem nào, có đau lắm không hả con.
Lâu lắm rồi không được nghe mấy câu hỏi thăm này, tự nhiên tôi thấy mình như bé lại, nước mắt thi nhau rơi ướt đầm mặt. Bố thấy thế lại tưởng tôi đau nên rối rít hỏi:
– Con đau chỗ nào, đau ở đâu, nói bố nghe đi đừng khóc nữa.
Người phụ nữ va vào tôi cũng lo lắng giải thích:
– Tại cháu nó sang đường đột ngột quá tôi không tránh kịp, cháu có sao không cháu.
Tôi nhìn hai người họ khẽ lắc đầu đáp:
– Con không sao, chỉ hơi rát chút xíu thôi.
– Thế sao lại khóc.
– Con cũng không biết nữa, nghe bố hỏi tự nhiên tủi thân quá mà khóc.
Lúc này cơ mặt bố mới dãn dần ra, bố nói với người phụ nữ kia:
– Cháu nó không sao, chắc chị đang đi đón con hả.
– Vâng, cũng may là tôi đi chậm, xin lỗi anh nhiều.
– Tại cháu nó sang đường không chú ý mà, giờ cháu nó không sao rồi, chị cứ đi đi.
Bố phủi sạch hết mọi bụi bẩn cho tôi, sau đó bế tôi sang bên đường nơi cái Hương đang đứng nép vào xe máy nhìn sang. Nó bám lấy tay tôi hỏi:
– Chị Chi có sao không, có đau không.
– Chị không sao, Chị nhớ Hương quá ra đây cho chị ôm cái nào.
Con bé ngay lập tức xà vào lòng tôi, hai chị em ôm nhau một lúc mới chịu buông. Vừa buông ra nó lại hớn hở khoe:
– Hôm trước em được giấy khen, bố bảo sang năm em sẽ lên trường Chi học đấy.
– Giấy khen, mẫu giáo đã có giấy khen ghê vậy á.
Bố ở bên cạnh cười tươi giải thich:
– Là cái giấy chứng nhận tốt nghiệp mẫu giáo.
Tôi lúc này mới hiểu ra nhưng vẫn giả bộ khen cho em vui:
– Hương giỏi quá, Hương của chị là giỏi nhất.
Tôi thấy rõ cơ mũi cái Hương đang dần nở ra, chắc là nó sướng lắm nên mới phổng cả mũi lên như vậy. Bố cũng phụ họa cùng tôi:
– Hôm nay hai chị em đều giỏi nên bố sẽ đưa hai chị em đi ăn kem, chịu không.
– Dạ chịu.
Ngay lập tức chúng tôi leo lên xe, bố chở đến một quán gần đó, gọi cho mỗi đứa một ly kem và một gói bim bim.
Chờ tôi ăn xong bố mới hỏi:
– Nay Chi làm bài tốt không.
– Chắc đủ để tốt nghiệp thôi bố.
– Sao lại đủ thôi, liệu có được đi thi vào lớp chọn không?
Tôi lắc đầu, bố hiểu nên không hỏi thêm nữa mà bảo:
– Chiều hai chị em có thích đi siêu thị không, bố cho cả 2 chị em đi cho biết.
– Nhưng mà mẹ…
Bố đưa ngón tay lên môi ra dấu cho tôi im lặng rồi nói nhỏ:
– Mẹ sẽ không biết đâu, xem như là bí mật của ba chúng ta.
Nói rồi bố còn nháy mặt một cái trêu ghẹo, tôi thích chí cười khanh khách gật đầu. Trưa hôm đó ba bố con tôi đi ăn phở, rồi lại cùng đi siêu thị. Siêu thị big C này ở mãi trên thành phố, hình như là mới mở. Đẹp mà đông người lắm, vào đó mát lạnh thích ơi là thích.
Bên trong có đủ các loại đồ từ đồ gia đụng, đến quần áo, thức ăn, rồi kẹo bánh, nước ngọt đủ cả. Chúng tôi đi một vòng thôi cũng mỏi dã cả chân.
Ba bố con cũng chẳng mua gì nhiều, chỉ mấy mấy thứ bánh linh tinh cho chị em tôi. Bố bảo mua cho tôi bố quần áo mà tôi không chịu. Nếu mẹ mà thấy kiểu gì cũng biết tôi đi chơi cũng bố nên dù thích mà vẫn phải từ chối.
Đến khi ra khỏi quầy thanh toán cũng đã 4h chiều, bố dắt tay chị em tôi vào quán nước mở ngay ở cửa siêu thị rồi bảo:
– Hai chị em uống gì thì chọn đi, uống xong bố con mình sẽ về nhé.
Đây là cửa hàng tự chọn, vì vậy muốn uống gì sẽ tự lấy. Tôi chọn 1 lon nước cam, còn cái Hương lại thích coca. Bố gọi thêm mấy cái xúc xích rán cho chị em tôi nhâm nhi.
Ăn xong xuôi bố con tôi ra bãi gửi xe đề về, có một chút luyến tiếc nên tôi cứ liên tục ngoái đầu lại phía sau để nhìn. Mải nhìn tới mức tôi va cả vào xe hàng của người ở phía ngoài đi vào. Đây là cửa ra vào, lại tự động đóng mở nên tôi không thấy rõ.
Chủ nhân của xe hàng mới đầu có chút cau có, nhưng khi nhìn rõ ba bố con tôi thì chợt sựng lại cứ thế nhìn chằm chằm ba bố con chẳng nói được câu nào.
Tôi và bố cũng chẳng khác gì người đó, ba con người nhìn nhau, mỗi người một biểu cảm nhưng có lẽ bất ngờ quá nên chẳng nói được gì.
Phía sau có tiếng người cất lên thúc giục:
– Nào đi nhanh cho người ta còn đi nào.