Diary In Grey Tower

Chương 39


Đọc truyện Diary In Grey Tower – Chương 39

Nhắc tới cái tên Jane Castor, không hiểu có phải tôi nhìn lầm không nhưng dường như bàn tay đang cầm bút máy của C đã run lên.

Ông ta vẫn chưa chịu buông tha tôi.

“Alan, cậu hiểu tình huống hiện này chứ. Không quân đang hết sức căng thẳng, phái một trung đội đi phòng thủ Newcastle là một quyết định nghiêm trọng. Chúng ta phân tán đội bay tức là phòng tuyến chống trả tại địa điểm khác sẽ mỏng đi. Thế nên ta cần cậu phải thề, mọi lời cậu nói đều là sự thật.”

“Tôi thề.”

“Kể cả về nội dung mọi điện tín cậu đã nhận được?”

“Kể cả nội dung của chúng.” tôi nói.

“Trong đó thậm chí có một tin ghi rõ ‘Gửi Alan Castor’?”

“Đúng vậy, thưa ngài. Nhưng tôi chỉ nhận tin, chưa bao giờ chủ động liên lạc với đối phương.”

“Sau khi giải được điện tín cậu cũng không trình lên, đúng không? Và vẫn tiếp tục giải mã chúng?”

“Tôi cho rằng chúng không quan trọng.” tôi nói: “Hơn nữa đó có thể là mẹ tôi! Mẹ tôi không phản quốc!”

C hạ giọng lặp lại: “Có trình lên hay không?”

“Không.”

Ông ta gật đầu hài lòng, bảo tôi sang phòng bên cạnh đợi. Cửa phòng họp lại đóng kín. Tôi chán nản ngồi xuống cái ghế bọc da, nhìn cô phục vụ xinh xẻo đẩy xe trà bánh ra ra vô vô.

Đợi mãi đến khi nắng chiều chiếu xiên vào phòng, cánh cửa mới mở ra lần nữa. Cuộc họp đã xong, mọi người bước ra. Andemund đi cuối cùng, C bước đằng trước ảnh.


Tôi nhìn về phía Andemund, lại thấy C tiến lại gần mình. Ông ta đã khoác cái áo khoác xám, tay chống cây can gỗ đầu bịt bạc, ông ta dừng lại trước mặt tôi, nhìn tôi: “Chà, Alan, may quá cậu chưa bỏ về. Nếu không chúng ta lại mất thời giờ tìm cậu.”

“Newcastle sao rồi?”

“Cậu không cần lo. Alan, cậu trông giống Jane lắm.” ông ta cười có vẻ rất nhân từ: “Cứ nhìn cậu thế này có lẽ ta sẽ hối hận mất. Chà, ta có một trang trại bên hồ, cuộc sống thôn dã cũng không tệ phải không. Mùa thu sẽ có nho, rồi thì đồng oải hương… Nhưng đấu tranh đâu có dễ dàng như vậy, Andemund Garcia muốn giành cái ghế của ta cũng phải trả giá chút gì chứ, ví dụ như… cậu?”

“Tôi không hiểu ngài đang nói gì.”

“Ta từng yêu Jane, nhưng tính cách của cậu lại giống cha cậu, Alan. Cái đó thì rất khó ưa.”

“Phiền ngài không nói nữa. Việc này do tôi xử lý.”

Tôi quay lại, thấy Andemund. Anh ấy lạnh lùng đứng sau lưng tôi, hai tay đút trong túi quần. Chưa bao giờ tôi thấy vẻ mặt anh ấy khó coi đến thế.

Cặp mắt xanh biếc của Andemund nheo lại, ảnh nói bằng giọng cao ngạo: “Tôi đã nói rồi, ngài có thể không ưa tôi nhưng không có nghĩa là ngài được động đến người của tôi.”

C nhún vai, lùi lại chực bỏ đi: “Chàng trai trẻ ạ, ta đâu đã hết thời. Ta đang đợi kết quả xử lý của cậu đây.”

“Ngài đã nói là ngài tin tôi. Hồi tháng năm, chính tại đây, ngài nói rằng dù trước kia không thể tín nhiệm mẹ tôi nhưng ngài sẽ tin tôi, tin tôi vô điều kiện.” tôi vội vàng gọi theo ông ta: “Thưa ngài!”

C dừng bước mà không quay đầu lại: “Ta đã nói vậy sao? Ta không nhớ.”

Đột nhiên tôi thấy toàn thân mình lạnh toát.

“Giờ thì tôi mới nghĩ rằng… có phải trước kia ông cũng phản bội mẹ tôi thế này không, cũng như thế này mà mẹ tôi mới buộc phải chọn đến với Berlin. Ông hứa hẹn sẽ tin bà ấy để rồi khi biết Đức Quốc xã gửi thư cho cha tôi thì lập tức trở mặt phản bội lời nói của chính mình. Người mẹ mà tôi nhớ luôn yêu nước Anh nồng nhiệt, luôn luôn như thế!”

C không đáp lời tôi. Một giây khi đó, dường như tôi thấy lưng ông ta gù xuống. Như thể những lời của tôi nặng như chì, hoặc giả cột sống của ông ta chợt nhận ra nó không thể chống đỡ nổi sức nặng từ hàng chục năm nay nữa. Ông ta không đáp lời tôi mà tiếp tục bước đi, tiếng cây can nện xuống sàn vang rõ mồn một trong hành lang trống trải. Hơn lúc nào hết, C thực sự trở thành một ông già tiều tụy.


Tôi hỏi Andemund, tình hình Conventry và Newcastle sao rồi.

Andemund chỉ bảo đừng lo.

“Vậy tiện đường cho em quá giang về luôn được không cưng?” tôi hỏi.

Lúc đó tầm giờ cơm tối, hành lang đã chẳng còn ai ngoài chúng tôi. Đột nhiên Andemund ôm ghì lấy tôi, ôm rất lâu mà không nói một lời.

“Alan, em không thể về được.” giọng anh ấy vừa dịu dàng vừa như pha chút hối tiếc: “Em phân tích hoàn toàn đúng, nhưng mẹ em làm việc cho Đức Quốc xã, bạn em từng là gián điệp cho Đức, giờ lại có người của tình báo Berlin muốn móc nối với em, không, phải nói là từ lâu rồi nhưng em không báo cáo với tổ chức… đó là một sai lầm quá lớn. C kiên quyết đòi trừng phạt em, để đảm bảo sự an toàn cho cục tình báo họ yêu cầu phải giam giữ em… anh đã ký chấp thuận rồi.”

Tôi hoảng hốt: “Điều cuối cùng là sao?! Em chỉ muốn lấy lại danh dự cho mẹ em thôi mà.”

“Vấn đề là đó chỉ ‘có thể’ là mẹ em. Alan, em nhớ những gì anh nói không? Đây là MI-6. Nếu em phản bội, em sẽ bị hành quyết bí mật. Nếu bị nghi ngờ phản bội em cũng sẽ bị xử lý. Mà người ký lệnh xử em chính là anh. Chính vì thế mà anh đã không muốn em vào trang trại Plymton.” Andemund lại ghì chặt tôi hơn: “Yên tâm, chỉ đơn thuần là giam giữ, hạn chế tự do thân thể của em thôi.”

“Đến bao giờ?” bỗng dưng tôi thấy thật nực cười: “Lúc chiến tranh chấm dứt sao?”

Andemund hôn má tôi: “Ừ, đến khi chiến tranh chấm dứt.”

“Xin lỗi, đáng ra anh có thể làm được nhiều hơn… nhưng tình hình lúc này quá đặc biệt, chỉ ít lâu nữa anh sẽ phải tiếp nhận vị trí của C, phụ trách toàn bộ cục tình báo, anh không thể đứng ra bảo vệ em. Việc anh làm được chỉ là… yêu cầu được trực tiếp xử lý việc này.”

Trong ký ức của tôi gương mặt Andemund sau câu nói ấy sao mà buồn thảm, hàng mi ảnh rũ xuống, môi mím chặt. Anh ấy muốn giúp tôi, giữa cuộc họp anh ấy đã cố tình ngăn tôi nói, nhưng vô ích. Chính anh ấy cũng hiểu đó là vô ích, nếu muốn không quân Hoàng gia cho lực lượng bảo vệ Newcastle tôi buộc phải trình bày mọi thứ về tin tức mình có. Mà một khi thừa nhận mọi chuyện, chắc chắn tôi sẽ mất sự tín nhiệm từ đương cục.

Đây là thời điểm then chốt với Andemund, anh ấy không thể giành lại niềm tin ấy cho tôi. Anh ấy không thể đứng lên nói rằng đây là Alan Castor, người yêu của tôi… dù mẹ cậu ấy ở Berlin, bạn thân của cậu ấy là người Đức, cậu ấy đồng tính luyến ái. Cậu ấy phạm sai lầm không báo cáo kịp thời cho cục, nhưng tôi tuyệt đối tin rằng cậu ấy không có ý định liên hệ với Berlin…

Anh ấy chỉ có thể đặt bút ký tên trên quyết định trừng phạt tôi, rồi nói rằng việc này sẽ do anh ấy thực hiện.

Đó là lý do khiến Andemund từng cương quyết ngăn cản tôi vào trang trại Plymton.


Chỉ mới đây thôi, thậm chí anh ấy đã khuyên tôi về Bedford, nói rằng nhất định C sẽ dùng tôi để khống chế anh ấy. Và đến lúc ấy rất có thể anh ấy sẽ không thể cứu tôi.

Anh ấy chỉ nói, đợi anh đi, Alan. Đến khi chiến tranh kết thúc. Nếu hết chiến tranh anh không thể đến gặp em, nghĩa là anh đã chết rồi.

Tôi bắt đầu hiểu tại sao cuối cùng mẹ lại chọn Berlin. Có lẽ bà đã phải trả giá quá nhiều, vậy mà đến thời điểm then chốt nhất chỉ vì một lá thư cho cha tôi, hay như với tôi lúc này, một bức điện tín, mà chúng tôi bị liệt vào danh sách đen của cục tình báo.

Từ một góc độ nào đó mà nói, cục tình báo luôn lựa chọn sai lầm.

Do dự một hồi lâu, Andemund hỏi tôi: “Alan, em sẽ không bỏ trốn, đúng không?”

Tôi đáp: “Không. Anh không phải còng tay em.”

Tôi quay lại nhìn lần cuối tòa nhà quốc hội sừng sững trong hoàng hôn rồi nhắm mắt lại, Peter rút ra một tấm vải đen bịt mắt tôi và đỡ tôi lên xe.

Chiếc Rolls-Royce vững vàng lăn bánh , Andemund cầm tay tôi.

Anh ấy nói: “Đừng sợ, Alan. Không có gì đáng sợ cả, em hoàn toàn được an toàn.”

“Arnold bảo em phía Tây có một nơi chuyên giam giữ gián điệp. Ta sẽ đến đó sao?”

Andemund không đáp, anh ấy chỉ cầm tay tôi và hôn nó.

“Anh sẽ thường xuyên đến thăm em.” anh ấy nói: “Bạn em cũng có thể đến.”

“Đến nhìn Alan Castor trong tù vì bị tình nghi thông đồng với địch sao?” tôi tuyệt vọng hỏi: “Nếu C bị hạ bệ, anh trở thành tổng cục trưởng cục tình báo em sẽ được ra chứ?”

“Đích thân Thủ tướng ký lệnh xử lý em.” anh ấy đáp rất khẽ: “Riêng anh mà nói, anh hy vọng em sẽ ở đó đến hết chiến tranh. Chỗ đó thực sự an toàn.”

Trước khi đến Downing Street, tôi chỉ vội vàng ôm đi một chồng giấy tờ, chẳng hề chuẩn bị một thứ gì khác. Thậm chí tôi còn chưa kịp nhìn những món đồ ưa thích thêm một lần. Vậy mà đó là lần cuối cùng tôi bước qua cửa văn phòng số 1, để rồi không bao giờ còn được trở lại đó nữa.

Phía Tây London có một nơi được bao quanh bằng tường xây cao tít, hàng rào điện dày đặc và lính gác bồng súng trước cổng. Sau tường bao là một khu nhà giam cũ được cải tạo thành căn cứ bí mật của cục tình báo. Tôi bị đưa vào một tòa tháp canh phía Tây. Tường xám tro kiên cố, đi lên theo bậc thang dày bụi rất lâu mới đến tầng đỉnh tháp. Bên dưới còn có vệ binh canh gác nghiêm ngặt.


Cửa sổ bằng đá không lớn, vừa đủ để nhìn xuống đến cổng chính bên ngoài. Tôi có thể thấy mỗi lần xe đưa Andemund đến làm việc, vệ binh chào anh ấy. Peter mở cửa, anh ấy xuất hiện trong áo khoác gió màu đen, đi về phía tôi.

Đến trước tháp canh anh ấy sẽ ngẩng lên mỉm cười, như thể biết tôi đang đứng trên này nhìn anh ấy.

Lệnh trừng phạt đến quá đột ngột, mất một thời gian dài sau đó tôi mới hiểu ra rằng… trước khi chiến tranh kết thúc tôi không thể bước ra khỏi tòa tháp này.

Mà đau đớn hơn là ngày thứ ba kể từ khi bị giam vào đây, tôi nghe tin Conventry bị oanh tạc. Người đưa cơm nói với tôi chuyện đó, không hề được phòng thủ, không ai biết máy bay Đức sẽ tập kích chỗ đó. Cuộc tấn công bắt đầu từ nửa đêm rồi kéo dài mười mấy giờ đồng hồ, thành cổ Conventry trở thành phế tích. Người ta thậm chí không tính toán nổi bao nhiêu người đã thiệt mạng trong trận không kích ác liệt ấy.

Andemund đến thăm tôi, tôi chất vấn anh ấy tại sao, tại sao Conventry không chống trả?

“Alan, em phân tích rất đúng. Hitler đang thử xem có phải chúng ta đã giải được ‘Mê’ không. Không thể mạo hiểm với hệ thống mật mã mới của Đức để bảo vệ Conventry, ta buộc phải hy sinh nó.”

Anh ấy đứng bên cửa sổ sao mà trầm lặng. Từ đây nhìn ra bầu trời luôn luôn mang màu lam xám, thỉnh thoảng có bóng bồ câu chao liệng qua.

“Nhưng Newcastle không sao cả. Không quân Hoàng gia đã phái một trung đội đến, cuộc không chiến đêm đó rất ác liệt, chúng ta giữ được Newcastle.” anh ấy lắc đầu: “Alan, quyết định bỏ mặc Conventry là của Thủ tướng, nhưng lý do chính là từ suy đoán của em… Đức đang thăm dò chúng ta.”

Tôi ngồi thần trên giường, lòng quặn lại.

Andemund bước tới, đặt tay lên vai tôi. Trầm ngâm một lát, anh ấy nói: “Nhưng chính anh là người đề nghị Thủ tướng hy sinh dân chúng thành phố đó. Alan, nếu em cảm thấy đó là tội lỗi thì chúng ta mỗi người phải gánh chịu một nửa. Một khi chiến tranh đã bắt đầu, ta chỉ có thể kết thúc nó bằng cách nhanh nhất, ít thương vong nhất mà thôi.”

Đỉnh tháp không mấy rộng rãi, chỉ có một cửa sổ nhỏ. Dưới cửa sổ là cái bàn gỗ, nước sơn xanh biếc đã tróc quá nửa. Một chiếc giường thép kê sát tường, trải ga lanh trắng. Ngoài ra chẳng còn gì khác. Không có tủ, tất cả đồ đạc đều xếp trong cái rương gỗ dưới gầm giường.

Trên gối của tôi lúc này là tập thơ của Yeats, chính là tập thơ Andemund tặng tôi lúc trước. Ảnh mang đến cho tôi cùng vài cuốn sách khác, có cả giấy, bút máy và cuốn sổ ghi chép tôi vẫn dùng.

“Em yêu, giờ thì em có thời gian giải bảy bài toán của Hilbert rồi.” ảnh hôn trán tôi.

Andemund hỏi tôi: “Alan, em có hối hận vì yêu anh không?”

Tôi cười khổ: “Có.”

“Anh đã biết có ngày em sẽ hối hận. Nhưng không kịp nữa rồi.” anh ấy ôm tôi từ sau lưng, gác cằm trên hõm vai tôi, nói bằng giọng như đang cười: “Người ở Berlin muốn liên lạc với em vẫn còn gửi tin tức cho chúng ta. Bọn anh dùng chính loại mã đó để trả lời bà ấy. Đó thật sự là mẹ em… phu nhân Jane Castor. Alan, em có một người mẹ rất dịu dàng.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.