Đọc truyện Đi Xuyên Hà Nội – Chương 32: Người Thăng Long-hà Nội Di Cư
Từ vài trăm năm nay, đúng ngày 7 tháng Giêng hàng năm, dân vùng Yên Hưng, Quảng Ninh lại tổ chức lễ hội Tiên Công tưởng nhớ đến các tiên hiền đã đến vùng đất này khai canh lập ấp. Lễ hội Tiên Công ở Yên Hưng có những khác biệt với so với các vùng khác, một trong những phần lễ quan trọng nhất chính là màn rước các bô lão. Các cụ đại diện cho các dòng họ tham gia màn rước phải đẹp lão, khỏe, tài năng và nhất là đức độ. Họ ăn mặc, tô điểm rất sang trọng và sẽ trở thành niềm tự hào cho dòng họ nếu thể hiện được sự cao sang, đẹp lão hơn các dòng họ khác. Trong lễ rước, các cụ được kiệu trên ngai hay võng che ô lộng rất rực rỡ, tư thế tự hào, phô trương, phảng phất vẻ cao sang của phong cách tỉnh thành. Con cháu trong họ đi sau càng đông thì càng danh giá và càng tôn vinh thêm cho cụ già đại diện. Đặc biệt những con long mã làm cốt lõi cho các mâm cúng được tết bằng cây quả, hoa lá rất cầu kỳ và toát lên vẻ lộng lẫy, phảng phất nét tài hoa một thuở của đất kinh kỳ mà hiếm lễ hội ở vùng nông thôn nào có thể sánh được.
Qua bia ký, gia phả, thần phả trong vùng và đặc biệt là bia đá có niên đại Hồng Đức ghi nhận công lao lấn biển mở đất của 17 vị tiên công. 17 tiên công này chính dân gốc phường Kim Liên (nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa). Khi vua Lê Thái Tông mở rộng kinh thành và muốn biến vùng đất phía nam thành một trung tâm văn hóa, tâm linh mới của kinh thành với quần thể gồm: Văn Miếu, Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, đài chiêm tinh (Khâm Thiên)… đã ra chỉ dụ lấy một phần đất của làng Kim Liên. Lệnh vua ai dám kháng chỉ nhưng tại sao họ đang ở đồng bằng, quen trồng cấy sao lại phải kéo nhau ra tận bờ biển Đông? Theo bia ký, dân làng Kim Liên nghe theo lệnh vua muốn ra bảo vệ hải biên hoang vắng và thưa người. 17 người thuộc các dòng họ trong phường đi trước ra thăm đất, nơi mà họ sẽ gắn bó lâu dài, đó là đảo Hà Nam, một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng, xung quanh các đượng đất um tùm sú, vẹt. Khi thủy triều lên cả bãi ngập nước mênh mông chỉ có một số đượng đất cao nhô lên. Rồi từ Hà Nam trở về, các tiên công đã đưa họ hàng, gia quyến đi thuyền xuôi dòng sông Hồng, qua sông Luộc về phía vùng biển Hải Phòng ra Quảng Ninh. Theo bia ký là 500 người.
Tại địa phận xã Cẩm La, huyện Yên Hưng hiện nay có miếu Tiên Công hay còn gọi là đền Thập Cửu Tiên Công. Miếu Tiên Công thờ 19 vị là những người có công đầu tiên quai đê, lấn biển thành lập nên khu đảo Hà Nam vào năm 1434. Miếu được khởi dựng từ năm nào không rõ, nhưng thời vua Gia Long, miếu có kết cấu bằng gạch và đã qua nhiều lần trùng tu. Nhà bái đường và nhà tổ được dựng vào tháng 5-1804, trên câu đầu nhà thờ tổ có ghi niên đại xây dựng “Gia Long tam niên trọng hạ nguyệt, cốc nhật thu, thượng trụ thượng lương”. Miếu thờ 17 vị Tiên Công đã lập nên phường Bông Lưu mà sau này đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Cẩm La, Yên Đông và Phong Cốc. Đó là các vị: Vũ Song, Vũ Hồng Tiện, Bùi Huy Ngoạn, Ngô Bách Đoan, Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh, Lê Khép, Lê Mở, Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai, Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực, Bùi Bách Niên, Phạm Việt, Dương Quang Tín, Dương Quang Tấn và hai vị người Trà Lý (Hà Nam) là Hoàng Nông, Hoàng Nênh.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vì Đông Kinh ứ dân nên năm 1481, Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ bắt tất cả dân ra sinh sống ở đây phải trở về quê. Một viên quan là Quách Đình Bảo đã can gián để bãi bỏ chỉ dụ này”. Sự ra đi của dân phường Kim Liên về phía đông, lấn biển giữ biên cương trong khi dân nhập cư các miền đổ về Thăng Long cho thấy sự hy sinh của họ. Ngược dòng lịch sử, đã có một cuộc di cư lớn của người Thăng Long, đó dân làng Cơ Xá (nay là các phường ở phía nam hồ Tây). Khi Lý Công Uẩn rời Hoa Lư ra lập kinh đô trên nền thành Đại La, ngài muốn mở rộng thành nên ra chỉ dụ di dân Cơ Xá ra ven sông Cái (sông Hồng). Dù sao bãi sông Cái vẫn còn gần quê gốc hơn dân Kim Liên sau này. Cơ Xá vốn quen cấy lúa trồng màu nay bị đưa ra bãi phù sa nên không có ruộng chỉ biết trông chờ vào lương thực triều đình cấp phát. Vào mùa mưa lũ, nước tràn qua các con đê thấp ngập hết bờ bãi nên dân Cơ Xá sống nhờ vào giăng lưới bắt con cá con tôm. Khi dân Cơ Xá ra bãi sông Cái thì Lý Thường Kiệt (tên thật là Ngô Tuấn) còn nhỏ. Sau này lớn lên làm mệnh quan của triều đình, thương dân quê vất vả ông đã xin triều đình miễn thuế cho họ được chở đò ngang, không phải đi làm công cho triều đình. Sự ưu ái này kéo dài cho đến cuối đời Hậu Lê mới thôi.
Sau năm 1954, nhà nước đưa ra chủ trương phát triển kinh tế ở Tây Bắc và giai đoạn này là “văn nghệ phục vụ chính trị” nên nhạc sĩ Bửu Huyền đã nhanh chóng sáng tác bài Trên đường ta đi tới, bài hát có câu:
Anh đi khai phá miền Tây
Rừng núi bao la bừng giấc say
Anh khai đất hoang thành luống cày
Mai kia mừng ngô lúa nặng tay.
Bài hát được ca sĩ Quốc Hương hát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam như lời hiệu triệu thanh niên tình nguyện đi xây dựng Tây Bắc. Và Trên đường ta đi tớiđã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải nhất năm 1960 vì “phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị” nhưng xét một cách công bằng, giai điệu rất bay bổng và lãng mạn, ca từ không khô cứng dễ vào lòng người. Còn Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, bậc thầy của thơ cách mạng có hẳn một khổ:
Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?
Hỡi những chàng trai, những cô gái yêu
Trên những đèo mây, những tầng núi đá
Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!
Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai
Khói những nhà máy mới ban mai…
Từ chủ trương rồi tuyên truyền và thành chính sách nên ngày 15-8-1963, tại sân ga Hàng Cỏ diễn ra lễ tiễn đưa 5.000 thanh niên trong Đội thanh niên Tháng 8 Thủ đô lên đường đi phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi. Nhóm đi phía bắc thì lên tàu hỏa, nhóm lên Tây Bắc thì lên ô-tô, họ được phân công đến làm việc tại các nông trường: Tô Hiệu, Chiềng Khương, sông Gâm, An Khánh, Bắc Sơn, Điện Biên, Việt-Trung hữu nghị, Hữu Lũng, Lịnh Sơn, Hồng Quảng… thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ,Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hòa Bình, Lạng Sơn… Trước khi lên đường, Đội thanh niên Tháng 8 Thủ đô được Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến nói chuyện và động viên rồi tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Nông trường Quốc doanh Nghiêm Xuân Yêm. Lại thêm đợt tiếp theo và từ 8-1963 đến 4-1964, cả thành phố có 9.202 thanh niên đi lao động tại các nông lâm trường.
Nguyễn văn Đăng hiện sống thị trấn Mai Sơn (Sơn La), năm 2014 ông 70 tuổi. Ông Đăng quê gốc ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, kể rằng, bổ sung về nông trường Tô Hiệu (Sơn La) có 100 thanh niên, hầu hết là ở quận Đống Đa. Những ngày đầu quả là vất vả, cực nhọc vì ở Hà Nội gia đình cũng chẳng cao sang, giàu có nhưng không ai phải phát rừng, trồng cây công nghiệp, ngủ thì tập chung, ăn bếp tập thể. Ngày đầu còn được ăn cơm trắng sau chỉ có cơm độn ngô hay sắn. Hết mùa măng thì chỉ có muối, thi thoảng mới có tí nước mắm. Mùa đông đầu tiên lạnh thấu xương nhưng mỗi người chỉ có tấm chăn chiên, mót đái tè vào vào bát sắt ăn cơm không dám ra ngoài vì sợ hổ. Có đêm lạnh không ngủ được phải thức dậy đốt lửa. Hộ khẩu “đất thánh” đã cắt, tiêu chuẩn lương thực cũng đã cắt, bỏ về thì khốn khổ nhưng vẫn có người liều mạng cắt đường rừng về thị xã Hòa Bình rồi đón xe về Hà Nội. Những người ở lại gắng chịu đựng, khổ mãi cũng quen. Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, rất nhiều thanh niên Hà Nội ở các nông trường đã nhập ngũ. Cũng có người được cử đi học. Lại có nhiều người vào chiến trường và hy sinh.
Trong năm 1964, không chỉ thanh niên, nhiều gia đình hoặc tự nguyện, hoặc bắt buộc đi kinh tế mới miền núi. Phần lớn trong số họ không nghề nghiệp ổn định hay lao động tự do, nghề viết văn cũng có người ra đi, đó là nhà văn Sao Mai (1924-2008), khi đó sống với hai vợ ở bên ngoài đê thuộc quận Hoàn Kiếm tự nguyện đưa vợ con lên huyện miền núi Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ. Nhà văn Sao Mai tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1943, ông từng giữ chức trưởng Ty Bình dân học vụ tỉnh Nam Định, đồng thời là phóng viên của báo Nam Định kháng chiến. Sau đó, ông lên Hà Nội làm báo Công dân, báo Cứu quốc Thủ đô, công tác văn nghệ liên khu III và tham gia đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc. Từ năm 1955, ông công tác tại Hội văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn (khóa 1). Nhà văn Sao Mai đã để lại nhiều tác phẩm như Uất (tập truyện, 1946); Trại di cư Pagot Hải Phòng(phóng sự, 1954); Thôn Bầu thắc mắc (tiểu thuyết, 1957); Sông Rừng (tiểu thuyết, 1977); Tuyển tập Sao Mai (năm 2003) và nhiều tác phẩm khác. May cho ông là lên Phú Thọ, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Vĩnh Phú. Giai thoại về ông khi ở Phú Thọ là buổi tối ông viết văn nhưng không có đèn, thế là hai bà vợ đốt đuốc soi cho ông viết.
Dù nghề nghiệp không ổn định nhưng họ đang quen nước máy, tối có điện, giờ đêm xuống mò mẫm trong ánh đèn dầu, lại không biết trồng sắn tra hạt ngô nên hết gạo nhà nước cấp chẳng còn gì bỏ miệng đành dắt díu về lại Hà Nội nhưng nhà đã bán, hộ tịch đã cắt, tiêu chuẩn lương thực không còn nên họ trở thành dân vô gia cư trên chính quê mình. Họ đành tá túc gầm cầu Long Biên, chùa Liên Phái, đền Huyền Thiên… ngày ngày ra bến Phà Đen đội than, đạp xích lô, buôn thúng bán mẹt, có trẻ thì trộm cắp vặt… Theo cuốn Lịch sử truyền thống công an quận Hoàn Kiếm 1945-2004, trong năm 1964 có 28.745 người đi kinh tế mới miền núi và trung du. Đây là đợt di cư thứ hai trong thế kỷ XX, trước đó lần di cư thứ nhất là năm 1954 – cũng theo cuốn này, “Số công chức, bác sĩ, nhân viên kỹ thuật ở lại chỉ còn non nửa so với trước giải phóng, cụ thể là 7.861 người. Đặc biệt là tổn thất lớn trong ngành giáo dục: 50% số giáo viên đi Nam, y tế chỉ còn 935 bác sĩ và nhân viên so với 1.574 trước giải phóng”. Còn dân thường di cư là con số không nhỏ.
Đợt di cư thứ ba diễn ra vào năm 1977. Ông Nguyễn Gia Khải khi đó làm ở phòng Nông nghiệp huyện Từ Liêm kể rằng, năm 1978, huyện đã đưa tổng cộng 55 hộ với 300 nhân khẩu đi máy bay vào Liên Khương sau đó đưa họ đến khu Lán Tranh và Nam Ban (nay thuộc huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Rồi huyện lại đưa thêm mấy chục thanh niên vào xây dựng lán trại để tiếp tục đưa bà con vào. Từ năm 1977 đến 1979, Hà Nội đưa vào Lâm Đồng 84.000 lao động, khai phá 25.000ha đất canh tác.
Di cư và nhập cư là hai quá trình ngược diễn ra ở các đô thị từ thời phong kiến cho đến nay. Và Hà Nội hiện vẫn diễn ra di cư lẻ tẻ, không chỉ có lý do kinh tế mà còn rất nhiều lý do khác khó kể ra hết.