Đi Xuyên Hà Nội

Chương 26: Anh Xe, Con Sen Và Ôsin


Đọc truyện Đi Xuyên Hà Nội – Chương 26: Anh Xe, Con Sen Và Ôsin

Năm 1994, Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim truyền hình nhiều tập Oshin của Nhật Bản, phim kể về cuộc đời một cô gái tên là Oshin, từ một kẻ đi ở Oshin đã vươn lên trở thành bà chủ một doanh nghiệp thành đạt. Bộ phim thu hút đông đảo khán giả, đến mức các cô bé giúp việc cố hoàn thành công việc để đến giờ chiếu yên tâm ngồi xem phim. Từ đó Oshin thành danh từ gọi những người giúp việc.

Kéo xe, con sen, u già, vú em… thành một nghề từ khi Pháp chiếm Hà Nội. Trong cuốn Ở Bắc Kỳ, ghi chép và kỷ niệm của công sứ Bonnal, ông này kể rằng, trong một chuyến đi Nhật, ông đem về hai chiếc xe tay Djinnrickshaw (pousse pousse-xe tay kéo), một chiếc để dùng còn chiếc kia tặng Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Hữu Độ. Sau đó, thuộc cấp của ông sai người làm giống như thế để họ dùng. Những người châu Âu ở Hà Nội cũng bắt chước thuê thợ đóng. Đó là chiếc xe hòm có sàn, chỗ ngồi cao hơn trục, vòng ngoài bánh xe bọc sắt nên kéo rất nặng nhưng bù lại bánh xe bền hơn, chịu được gạch đá lổn nhổn. Trước đó phương tiện đi lại trên bộ ở Hà Nội chủ yếu là xe ngựa, cáng, xe bò đẩy, quan thì đi kiệu. Xe bò đẩy đóng bằng gỗ, có một bánh cũng bằng gỗ, trên có hai càng để kéo, đằng sau có một người đẩy. Xe chỉ ngồi được một người và khách phải ngồi yên vì nếu cựa quậy rất dễ bị đổ. Cáng là miếng vải dệt bằng sợi đay hình chữ nhật, chiều ngang cố định bằng hai đoạn tre còn chiều dài luồn hai đoạn tre đực, có hai người khiêng. Khách có thể ngồi hoặc có thể nằm tùy thích. Còn kiệu để dành cho quan hoặc gia đình giàu có.


Xe tay xuất hiện đã đánh bại cáng và võng vì chỉ cần một người kéo, đỡ mất sức hơn và lại sang trọng. Nhiều gia đình giàu có mua xe riêng, nuôi phu xe trong nhà, cần đi đâu sai kéo. Sự xuất hiện của xe tay làm thay đổi đi lại trong thành phố nhưng hơn cả vì có nó mà công sứ đã ra lệnh phá bỏ các cổng chắn đầu phố với cánh cửa vuông nặng trịch do Hoa kiều làm để ngăn cách với các phố của người Việt. Nhu cầu dùng xe tay tăng cao làm viên quan thuế đã nghỉ hưu là Leneven nhập từ Nhật, Hồng Kông về cho thuê và trở nên giàu có. Năm 1890, công ty Verneuil et Gravereand ở phố Rialan (nay là Phan Chu Trinh) đã sản xuất cả xe bánh sắt và xe bánh cao su, giá xe bánh sắt rẻ hơn được bán ở các tỉnh lân cận. Ngày 15-3-1892, Trú sứ Chavassieux ký mức thuế một năm cho một chiếc xe tay là 60 đồng. Theo thống kê năm 1897, Hà Nội có 442 xe, đến năm 1901, Hà Nội có tới 728 chiếc và như thế cũng có từng ấy phu xe. Theo báo cáo thông qua quyết toán thuế do công sứ Baille ký ngày 10-1-1902, số tiền thuế xe tay ở Hà Nội thu được năm 1897 là 26.530 đồng, năm 1898 là 32.165 đồng, năm 1899 là 40.450 và năm 1901 là 43.370 đồng trở thành nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố.

Còn con sen có lẽ là phiên âm từ jeune servante tiếng Pháp nghĩa là người hầu trẻ, người giúp việc. Nhưng giáo sư Trần Quốc Vượng lại có ý khác, ông cho rằng người Việt rất thích lấy hoa để đặt tên cho con gái ví dụ như: Lan, Mận, Mơ, Cúc… nên gọi cô bé giúp việc là sen cho sang nhà và dần dần nó trở thành tên chung. Cũng như anh xe, con sen xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, phần lớn trong số đó xuất thân từ nông thôn, do cuộc sống khó khăn nên họ chỉ còn con đường ra thành phố tìm việc. Sau khi quân Cờ Đen bị giải giáp phải rời khỏi Hà Nội rồi thành phố này trở thành nhượng địa thì xã hội ổn định hơn, đó là lý do nhiều công chức, sĩ quan Pháp đưa vợ con sang Hà Nội sinh sống. Vì chưa quen xứ thuộc địa và cũng để thoải mái trong khi lương rất cao nên họ cần có người giúp việc để đi chợ, khâu vá, đánh xe ngựa, bồi bếp… Một bên cần việc, một bên có như cầu đã ra đời nghề giúp việc. Tuy nhiên ngôn ngữ là rào cản lớn vì thế cố Ân (tức cha cố Dronet) dùng ngôi trường hai tầng ở phố Nhà Chung mở lớp dạy tiếng Pháp miễn phí cho họ. Rồi thương mại phát triển, nhiều người Việt buôn bán trở nên giàu có và họ cũng có nhu cầu nên đầu thế kỷ XX, số người giúp việc tăng lên đáng kể. Anh xe, con sen, chị khâu… hưởng lương tháng và ở luôn nhà chủ.


Người các tỉnh đổ về thành phố tìm việc tăng nhanh vì Hà Nội được mở rộng về phía nam và phía tây nên đã xuất hiện những “phố đưa người”, và một trong những phố đó là phố Mới (nay là Hàng Chiếu). Người đầu tiên làm nghề này là bà Hưởng “cua cá”, bà xuất thân từ nghề đánh bạc kiểu “cò quay cua cá”. Tiếp đó là anh con trai tên Đức và cô con gái tên Ngọ cũng theo nghề mẹ. Đến năm 1936 phố Mới có hàng chục người chuyên dắt mối cho nhà cần thuê, chủ nhà coi họ như đảm bảo đầu tiên về con sen hay thằng xe mà họ thuê. Từ mờ sáng cho đến chiều tối, phố luôn có người tìm việc đứng chờ trong đó có cả chị em mới sinh con muốn “bán sữa”. Các cô phải “bán sữa” do gia đình nghèo túng, nợ nần đành để con nhỏ ở nhà cho chồng nuôi bằng nước cháo. Người muốn mua sữa là các cô có lối sống tân thời sau khi sinh con muốn giữ bộ ngực để giữ chồng hay các gia đình Hoa kiều cần sữa cho cha mẹ họ uống đã thuê các cô về làm vú. Kẻ mối lái dẫn buộc các cô phải cho chủ thử sữa có tốt không, nếu sữa không chua và chủ đồng ý các cô phải trả cho kẻ mối lái một khoản tiền. Các cô ở luôn với chủ, hàng ngày cho đứa trẻ bú hay vắt ra cốc cho bà Tàu già uống. Có cô gặp chuyện chẳng hay khi ông Tàu già vợ chết cứ đòi hai tay nắm hai bầu bú trực tiếp. Nhưng có kẻ lừa đảo, báo Phụ nữ Thời đàm năm 1934 phanh phui một gã đàn ông tên là Khánh ở phố Hàng Bồ ngày nào cũng nhờ mối đưa các cô về thử sữa, nói là cần một cô hàng ngày vắt cho bà vợ ốm yếu nằm liệt gường nhưng thực ra ông ta là kẻ bệnh hoạn. Khánh bí mật trả tiền cho mối nên cô nào từ chối không cho ông ta vạch áo, kéo yếm để ngoạm mồm vào đầu ti là mối vừa nịnh vừa dọa, vì cần tiền nên các cô đành im lặng. Khánh vừa bú vừa vầy vò nắn bóp, khen sữa cô này thơm, chê gai mít của ti cô kia quá to. Cô nào để yên Khánh đưa nhiều tiền, cô nào tỏ vẻ khó chịu Khánh đưa ít. Chuyện vỡ lở khi chính bà mối dẫn cô gái tên Xoan đến nhà khác thì chủ nhà lại khen là sữa tốt, biết bị lừa, Xoan tố cảnh sát. Tòa phạt bắt Khánh bồi thường nhân phẩm cho cô Xoan. Xấu hổ với hàng phố, Khánh bán nhà đi nơi khác ở.

Nhưng giữa chủ nhà và người ở chỉ là thỏa thuận mồm nên anh xe, con sen thấy nơi khác trả cao hơn lĩnh lương thì lẳng lặng ra đi. Lại xảy ra tình trạng kẻ ở ăn cắp của chủ rồi bỏ trốn, cảnh sát cũng bó tay nên năm 1935, một đàn ông trung niên tên là Vy ở số nhà 87B phố Mới đã nghĩ ra sáng kiến mở văn phòng. Ai muốn đi ở phải chụp ảnh và dán vào tờ khai tên tuổi, quê quán, phải điểm chỉ. Chi phí ban đầu do Vy chịu, nếu tìm được việc họ phải trả cho ông ta một tháng lương. Cách làm này được cảnh sát ủng hộ nên thu hút rất đông các gia đình cần thuê kẻ ở vì họ yên tâm hơn và dĩ nhiên nếu họ tìm được người ưng ý họ phải trả tiền cho Vy. Sau đó lợi dụng xã hội tín nhiệm, Vy bí mật làm đầu mối dẫn các cô gái quê cho các nhà thổ. Vy giàu lên nhanh chóng nhưng kết cục bị bắt đi tù do các cô bị ép làm gái tố cáo cảnh sát.


Con sen, thằng xe, u già, chị khâu… ở nhà nào phải theo nếp nhà đó và các gia đình kỹ tính coi họ như người trong nhà đã dạy từng lời ăn tiếng nói. Con sen xách làn đi chợ cùng với bà chủ cũng phải áo dài, tóc tai chải gọn. Ở với Tây cũng vậy, họ được bà chủ dạy nấu món Tây thế nào cho ngon. Nhưng với Hoa kiều thì khác, rất hiếm khi họ thuê con sen người Việt vì họ không muốn có người lạ ở trong nhà. Chuyện anh xe, con sen, u già… xuất hiện trên nhật báo và trở thành đề tài của các nhà văn trước năm 1954. Từ chuyện họ bị coi khinh đến ông chủ tình ý với con sen hay mất cắp tiền bạc hay con sen khép nép ở quê nhưng ra đô thị sẵn sàng đồng ý ngủ với đàn ông ở phòng trọ, anh xe có vợ ở quê chạy rạc cẳng ngày kiếm được vài hào không ngần ngại thuê nhà ở với cô bán hàng rong… Nếp sống truyền thống vỡ ra bởi tự do và văn minh phương Tây. “Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, câu kết trong bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính vừa ghen vừa trách vừa bất lực trước xã hội “Tây hóa”. Phóng sự dài kỳ Cơm thầy, cơm cô của nhà văn Vũ Trọng Phụng tuy không nói cụ thể phố nào nhưng ai cũng biết ông viết về các quán cơm đồng thời là nhà trọ ở phố Hàng Chiếu. Phóng sự khiến những ai quan tâm đến gia phong, lễ giáo phải lo lắng bởi sự xuống cấp trong lối sống đô thị của chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến. Sự tha hóa đạo đức không chỉ là kẻ làm ăn, buôn bán mà còn có cả người giúp việc. Truyện ngắn Thanh! Dạ của Nguyễn Công Hoan cho thấy sự khốn khổ của con sen, không biết nghe ai bởi ai cũng là chủ, nghe người này thì bị người khác trong gia đình ấy hành hạ. Truyện Quyền chủ phản ánh chủ nhà dù có sai nhưng kẻ ở không bao giờ đúng. Truyện Tờ giấy bạc 100 kể chuyện vợ một anh giàu có đổ cho người ở lấy cắp tiền. Nhưng thương cảm nhất chính là Người ngựa, ngựa người cũng của Nguyễn Công Hoan, thân phận anh xe, cô gái điếm cũng là thân phận của kẻ đi ở, bế tắc không lối thoát. Song đó chỉ là một mặt của xã hội khi đó. Trong hồi ký Thành phố bị chiếm của Nguyễn Bắc (giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội 1954-1976) trong đó có đoạn kể về bà vú ở chợ Hàng Da đã cứu thoát ông khỏi vòng vây mật thám năm 1952.

Không phải ai làm thằng xe, con sen, u già, vú em… đều có cuộc sống bất hạnh, nhờ có mức lương ổn định nhiều người đã giúp được gia đình họ ở quê. Thậm chí có người trở thành giàu có nhờ may mắn, ví dụ như chủ hiệu nem Sài Gòn Tế Mỹ ở đầu phố Hàng Gai xuất thân từ nhà quê ra Hà Nội làm thuê. Quán nem này đầu tiên ở phố Hàng Quạt do vợ Tây góa chồng mở. Một thời gian sau bà này bị liệt, anh ta tận tình chăm sóc nên bà ta nhận làm con nuôi rồi nhường cửa hàng cho. Hay từ người dọn hàng thuê ở chợ Đồng Xuân, một người đàn ông họ Công ở làng Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) được vợ chồng ông Tây không có con nhận làm con nuôi, dạy cách nấu đồ ăn Âu đã trở nên giàu có sở hữu cả khách sạn và quán ăn lớn ở phố Hàng Trống. Chẳng có một mô hình xã hội nào trên thế giới này mang lại công bằng tuyệt đối và người ngu dốt, bất tài dĩ nhiên phải chịu nghèo đói xem ra là đúng quy luật. Để giúp họ cần một xã hội nhân văn.

Sau năm 1954, chế độ mới quan niệm khác về giúp việc, cho đó là bóc lột nên Hà Nội không còn thằng xe, con sen, u già, vú em… Họ được giải phóng để trở về quê, chấm dứt hơn nửa thế kỷ bị thực dân, phong kiến “bóc lột”. Thế nhưng nhiều con sen tiếc nuối vì không còn được ra máy nước công cộng nói xấu gia đình bà chủ, không còn được nghe anh xe tán tỉnh. Không còn được liếc giai vì trò đó ở quê bị cho là thứ đàn bà đĩ thõa. Có kẻ buồn vì không còn được ăn nước máy, đêm tối ra đường có ánh điện sáng trưng, lại có người thấy bị mất tiền vì không còn cơ hội ăn gian tiền đi chợ của chủ nhà. Với những kẻ sống lâu ở thành thị, họ ngại công việc đồng áng vất vả, chân lấm tay bùn nhưng cũng phải về. Nhưng cũng có con sen được chủ nhà cho di cư cùng vào Nam.


Tưởng rằng nghề giúp việc chấm dứt vĩnh viễn nhưng nó lại xuất hiện trở lại vào năm 1990, sau khi thực hiện Đổi mới được mấy năm. Thành phần kinh tế tư nhân bị xóa bỏ mấy chục năm sống lại, điều đó đồng nghĩa công nhận sở hữu tư nhân, xã hội có giàu có nghèo. Các công ty tư nhân ra đời làm thay đổi bộ mặt Hà Nội. Ở nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp không còn, dân được chia ruộng nhưng vài sào ruộng năm cấy hai vụ cũng chỉ đủ thóc ăn vài tháng. Họ nhao nhác tìm việc kiếm tiền và Hà Nội là nơi đầu tiên họ nghĩ đến. Cuối những năm 1990, ôsin nhiều hơn. Công việc vẫn như xưa: đi chợ, trông em, nấu ăn, đưa trẻ đi học… Có chủ tốt, chủ ác. Và ôsin cũng trở thành đề tài của báo chí, tiểu phẩm hài diễn trên sân khấu, trên phim truyền hình dài tập. Nào khi nộp tiền điện thoại bà chủ nghi ngờ ông chủ gọi nhiều còn ông chủ lại nghi vợ mình gọi cho “giai”, khi đòi cô thu tiền danh sách cuộc gọi mới té ra toàn số lạ, thời gian gọi tới nửa tiếng hóa ra ôsin ở nhà buôn chuyện với bạn. Lại có ôsin trẻ đang yên đang lành bụng phưỡn ra, bà chủ nghi ngờ chồng, cuối cùng nó làm đám cưới với thằng thợ xây nhà đối diện, ông chủ mới nhẹ người. Khổ nhất là ngày lễ, ngày tết ôsin về quê, trăm việc đổ lên đầu ông bà chủ, trả thêm tiền bảo ở lại nó cũng lắc đầu “năm chỉ có một cái Tết”. Lại có nhà mọi chuyện yên ổn bỗng nhiên ôsin xin về quê lấy chồng, lại nháo nhác đi tìm.

Hãy tưởng tượng nếu cha mẹ già ốm đau trong khi con cái đi làm cả ngày mà không có ôsin sẽ ra sao?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.