Đi Xuyên Hà Nội

Chương 19: “Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương”


Đọc truyện Đi Xuyên Hà Nội – Chương 19: “Trai Ngõ Trạm, Gái Tạm Thương”

Câu ngạn ngữ này làm tốn giấy mực từ trước 1954 cho đến sau này. Có người cho rằng vì phố Hà Trung vốn là nơi đặt trạm dịch, trong trạm có đội binh phu toàn đàn ông to lớn khỏe mạnh chuyên chuyển công văn giấy tờ, hay đưa quan lớn đến các trạm dịch tiếp theo, xong việc quan họ cờ bạc, hút xách, gây sự với dân quanh vùng nên “trai ngõ Trạm” ai cũng kinh hãi. Còn “gái Tạm Thương” chỉ đàn bà nanh nọc, ghê gớm có xuất xứ từ mấy bà chuyên cân thóc ở kho Tạm Thương sau đó đưa vào Thành thường quát tháo nông dân nộp thuế. Lại có người giải thích: Do lính trạm, phu trạm cư ngụ trong ngõ dẫn vào nhà trạm ỷ thế “hỏa tốc” và hộ tống các quan lớn nên hay sừng sộ, hạch sách dân chúng khiến ai ai nghe tới danh “trai Ngõ Trạm” cũng khiếp sợ. Còn Tạm Thương là “Kho tạm chứa thóc thuế các làng nộp trước khi chuyển vào kho chính trong Thành”. Kho tạm này đặt ở làng Yên Thái, gần đền Yên Thái trong ngõ Tạm Thương ngày nay, từ giữa phố Hàng Bông rẽ vào. Tại kho, dùng nhiều phụ nữ để cân đong và chuyển vận gạo thóc, những người này hay nạt nộ sách nhiễu dân nộp thuế nên gặp những gái Tạm Thương là nhiều người muốn tránh xa. Câu “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương”, là chỉ hai hạng người lợi dụng nghề nghiệp và vị trí mà ăn hiếp dân ở Hà Nội xưa.

Tuy khác về từ ngữ nhưng thông điệp trong hai cách giải thích là giống nhau. Trai nhà trạm sừng sộ, hạch sách dân chúng chứ không phải trai sống ở ngõ Trạm nên phải nói “trai nhà trạm” mới đúng, nhưng ngạn ngữ lại là “trai ngõ Trạm”, vì vậy cách giải thích này không thuyết phục. Tương tự sẽ phải là “gái kho tạm”, chứ không phải “gái Tạm Thương”, và nếu giải thích như vậy thì câu ngạn ngữ sẽ là “Trai nhà trạm, gái kho tạm”. Ở khía cạnh khác, nhà Nguyễn rất sùng Nho và trong “Hoàng Việt luật lệ” (ban hành từ thời vua Gia Long) thì phụ nữ chả có giá trị gì nên họ không bao giờ tuyển đàn bà làm việc quan. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ngõ Tạm Thương nổi tiếng Hà Nội vì trong ngõ có nhiều nhà thổ, buổi tối lính Pháp đóng trong Thành mò ra đây chơi gái nên dân trong ngõ cũng mang tiếng. Vì thế đám hát xẩm cũng “thanh minh” cho “trai ngõ Trạm” và “gái Tạm Thương”

Em là con gái Tạm Thương

Dù không cày cấy, lương vàng cũng có một đôi quây


Ghét cho miệng thế đặt bày

Moi gan móc ruột khép lựa điều này tiếng kia

Anh giai ngõ Trạm phải hèn

Phường trên, ngõ dưới biết tên những ngày


Duyên lành chắp mối đấy đây

Tạm Thương cô Choắt một tay chẳng vừa

Sớm cùng phận đẹp duyên ưa

Ông Tơ bà Nguyệt dắt đưa nên gần.


Ngõ Trạm lúc vua Minh Mạng đặt trạm dịch năm 1831 là đất thôn Yên Trung Thượng, dân cư khi đó thưa thớt, chủ yếu là người làng Tây Tựu (nay là quận Nam Từ Liêm) ra trồng hoa và trồng rau. Cuối thế kỷ XIX, có một người quê Ninh Hiệp tên là Thạch Văn Ngũ đi lính thợ trong Thành. Thạch được dạy nghề đóng yên và làm cương ngựa. Công việc hàng ngày của Thạch là sửa chữa hay làm yên mới, cương mới cho xe ngựa của quân đội Pháp. Giải ngũ, Thạch Văn Ngũ không về quê mà đi làm công cho hiệu đồ da Deleveau ở phố Hàng Thêu (phố Hàng Trống hiện nay). Thấy nghề da kiếm ăn được, Thạch vay vốn ra ngõ Trạm mở cửa hàng đóng yên ngựa, làm dây cương. Sở dĩ Thạch chọn ngõ Trạm vì phố Hàng Điếu gần đó có nhiều gia đình làm nghề da. Nghề đóng yên ngựa, làm cương đòi hỏi phải có sức khỏe, chăm chỉ nên Thạch về quê tìm người rồi truyền nghề, khi họ thành thạo, Thạch giữ lại làm thợ cho mình. Cuối thế kỷ XIX, xe ngựa là phương tiện chở hàng chở người phổ biến ở Hà Nội vì thế công việc làm ăn của Thạch Văn Ngũ rất phát đạt. Dân Ninh Hiệp thấy nghề này kiếm ăn được đã vay vốn ra mở cửa hàng và xin Thạch Văn Ngũ một thợ giỏi nghề để kèm thợ mới. Từ Cửa Nam ra Hàng Điếu chỉ có con đường qua ngõ Trạm, Hà Trung nên dân hay qua lại ngày nào cũng thấy thợ làm từ sáng đến tối. Công việc lại ở ngoài trời làm da anh nào cũng đen bóng. Câu “trai ngõ Trạm” là lời khen đối với cánh thợ đóng yên ngựa.

Còn ngõ Tạm Thương và đoạn giao với ngõ Yên Thái cuối thế kỷ XIX, đầu XX có khá nhiều gia đình làm nghề thêu, họ là người Quất Động (huyện Thường Tín) di cư ra Thăng Long. Từ sáng cho tới khi mặt trời chuẩn bị lặn, lúc nào cũng thấy các cô ngồi bên khung thêu. Nghề này đòi hỏi khéo tay và chăm chỉ. Do ngồi trong nhà cả ngày nên da dẻ các cô trắng trẻo. Hàng thêu làm ra được họ mang bán tại phố Hàng Thêu. Câu “gái Tạm Thương” có ý ngợi khen các cô gái làm nghề thêu khéo tay, chăm chỉ, con nhà lành. Hiện trong ngõ Tạm Thương vẫn còn ngôi đình thờ Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đền là nơi bày bán đồ thêu. Những anh chàng làm yên ngựa da đen, khỏe mạnh, chăm chỉ đối với các cô gái da trắng, khéo tay miệt mài bên khung thêu là rất hợp.

Có thể còn có người giải thích khác, điều đó tạo ra sự thú vị khi khám phá kho tàng văn hóa dân gian ở Hà Nội.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.