Đọc truyện Đi Xuyên Hà Nội – Chương 13: Giai Nhân Hà Thành
Chào mừng Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương và khuếch trương sự phát triển của thuộc địa, chính phủ Pháp quyết định tổ chức hội chợ (exposition) lớn tại Hà Nội trong năm 1902. Không chỉ có các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi, chính phủ Pháp còn mời nhiều quốc gia trong khu vực tham dự sự kiện này. Công việc xây dựng khu triển lãm tại phố Gambetta (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị, phố Trần Hưng Đạo) được tiến hành trong hai năm và triển lãm chính thức khai trương đầu tháng 11-1902.
Ngoài các gian trưng bày hàng hóa, đặc sản, giới thiệu văn hóa của các quốc gia, hội chợ còn có quán bán cà phê, rượu dành cho khách nước ngoài. Để thu hút dân Hà Nội và các vùng xung quanh, ban tổ chức đã bày ra rất nhiều trò chơi như: leo cột mỡ, liếm chảo, bịt mắt đập niêu, kéo co và đặc biệt là thi người đẹp. Chương trình hội chợ ghi rõ: “Thứ Hai ngày 19-1-1903 vào 10 giờ sáng có 2 cuộc thi: người đẹp và người xấu dành cho người bản xứ. Giải nhất mỗi cuộc thi là 50 đồng, giải nhì 25 đồng và giải khuyến khích 15 đồng”.
Dù Hà Nội là nhượng địa, sống theo luật chính quốc nhưng ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống xã hội vẫn rất nặng nề. Gia đình có công to việc lớn thì đàn bà con gái không được phép ngồi cùng mâm với đàn ông, phải ngồi riêng ăn sau. Trong buổi tế lễ ở đình hay hội hè, họ phải phục vụ tận tình, nói như nhà văn Ngô Tất Tố trong Tắt đèn “các bà nữ nhân ngoại tộc ai kể”. Thời điểm đó món tiền thưởng mấy chục đồng là rất lớn vì một tạ gạo chỉ có hai đồng, giải khuyến khích 15 đồng mua được hơn bảy tạ gạo, thế nhưng không có cô gái nào dám tham gia vì sợ dân hàng phố chê là con nhà hư hỏng, không có người dạy. Biết trước điều đó nên đốc lý Baille Frédéric đã sức cho các phố trưởng cử các cô gái xinh đẹp chưa chồng tham dự. Lệnh trưởng phố nên cha mẹ các cô không dám chối, họ sợ bị làm khó dễ. Cuộc thi cũng rất đơn giản, người tham gia mặc áo dài, vấn tóc đuôi gà, đi vài vòng trên sân khấu để ban giám khảo chấm điểm. Tiêu chí chỉ là có khuôn mặt thanh tú ưa nhìn và người đẹp nhất được gọi hoa khôi hội chợ. Ban giám khảo gồm người Pháp lẫn người Việt. Và đây là cuộc thi người đẹp đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên thời đó rất ít báo và Hà Nội chưa có báo tiếng Việt nên không biết ai giành danh hiệu hoa khôi (reine de beauté), ai là người xấu nhất tại hội chợ này.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, cái đẹp của người phụ nữ không có chuẩn như phương Tây. Một cô gái đẹp có khi chỉ là mái tóc dài, nhưng mái tóc phải chẽ ngôi giữa vì rẽ lệch sang một bên bị cho là lẳng lơ. Cái đẹp cũng có thể “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” hay “Những người có mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng năm quan tiền”… Tuy nhiên dù thế nào thì cũng phải có hàm răng đen nhưng nhức vì răng trắng được ví “như [bad word] thằng Ngô”. Nhưng đôi khi cái đẹp cũng rất mơ hồ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Có một sự giả dối khi vua quan luôn dạy dân “Cái nết đánh chết cái đẹp” nhưng chính bọn họ lại mê mẩn trước vẻ đẹp bên ngoài và trong lịch sử chưa thấy vua nào lấy vợ xấu. Trong xã hội mà bổn phận mà người con gái “Xuất giá tòng phu, phu tự tòng tử” và “Phận gái tứ đức vẹn tuyền/Dung, công, ngôn, hạnh giữ gìn chớ sai” thì việc thi người đẹp, người xấu tại hội chợ 1902 cũng là khai mở quan niệm mới cho xã hội về phụ nữ.
Sau hội chợ năm 1902 mãi đến 1918, đốc lý Hà Nội Jobouille Edmond (nắm quyền từ 8-2-1917 đến 24-5-1919) quyết định tổ chức hội chợ lần thứ hai và chỉ ở cấp độ chợ phiên (kermesse). Hàng hóa hầu hết sản xuất tại Việt Nam. Hội chợ diễn ra từ ngày 15 đến 30-12-1918 và trong chợ phiên có thi người đẹp. Đến năm 1922, chính phủ Pháp lại tổ chức hội chợ của xứ Đông Dương. Sau đó từ các năm 1923 đến 1927 tổ chức ở Sài Gòn nên tham gia cuộc thi người đẹp chủ yếu là các cô gái ở Sài Gòn và Lục tỉnh. Năm 1928, Hà Nội lại tổ chức chợ phiên nhưng sau đó kinh tế thế giới suy thoái đã ảnh hưởng đến kinh tế thuộc địa nên Hà Nội cũng không mở chợ phiên.
Đầu những năm 1930, phong trào “vui vẻ trẻ trung” do chính phủ bảo hộ khởi xướng đã khuyến khích dân chúng, nhất là thanh niên và phụ nữ mạnh dạn tiếp thu văn minh Pháp. Cuối năm 1930, Hà Nội xuất hiện tờ Phụ nữ thời đàm của ông bà Nguyễn văn Đa, chủ bút là cử nhân nho học Ngô Thúc Địch. Thời kỳ đầu, báo theo xu hướng bảo thủ, chống lại các hiện tượng phụ nữ tân thời. Nhưng năm 1933, nhân ông Phan Khôi ra Bắc, chủ báo mời ông làm chủ bút và Phan Khôi đã chuyển hướng tờ báo sang cổ vũ xu hướng cải cách, ủng hộ phụ nữ tân thời, thậm chí ủng hộ phụ nữ tham gia khiêu vũ. Rồi Hà Nội xuất hiện phong trào tiểu thư mặc quần soóc đi bộ, chơi hockey, đi bơi ở bể bơi Quảng Bá. Làn sóng “vui vẻ trẻ trung” lan về các tỉnh và năm 1936, lần đầu tiên Nam Định tổ chức cuộc thi sắc đẹp, với giá vé hai hào nhưng 700 người đã mua vé vào xem. Cuộc thi rất vui vẻ, có đốc lý Lebel, quan năm Noel và quan Thiếu (tương đương Phó tổng đốc) Trần văn Thông chứng kiến. Ban giám khảo có ba bác sĩ là Rongier, Quenardel, Coste, hai bà Pháp, ba bà Nam và hai ông Phạm Xuân Độ, Ngô Ngọc Kha. Bắt đầu mở cuộc, hai ông trong ban tổ chức, một ông xướng danh, một ông dẫn từng cô đi qua chiếc cầu bằng gỗ đặt ở giữa sân. Đến giữa cầu các cô dừng gót sen để các quan cho điểm số và dân chúng ngoạn thưởng. Cuộc thi sắc chia làm ba phần: Phần thứ nhất cho các đóa hoa quê, hai phần sau cho các nữ học sinh và thiếu nữ thành phố. Các cô gái quê do các huyện cử lên. Suốt cuộc thi hoa giấy ném như mưa, tiếng vỗ tay luôn không ngớt. Kết quả cuộc thi ba cô gái quê Trần thị Vinh (hạt Mỹ Lộc), Vũ thị Vân (hạt Trực Ninh), Trần thị Quý (hạt Mỹ Lộc), bốn cô nữ sinh Ngô thị Liêm, Phùng thị Bê, Lê thị Phúc và Nguyễn thị Kim và 3 cô gái tỉnh: Nguyễn thị Nghĩa, Nguyễn thị Hồ và Nguyễn thị Oanh được giải, họ được đốc lý Nam Định trao thưởng. Còn các cô khác không trúng tuyển mỗi người cũng được một phần quà biếu khuyến khích. Phần thưởng và quà biếu đều là những đồ dùng trang sức như: phấn, sáp, gương, lược, khăn mùi xoa…
Năm 1938, Hà Nội lại tổ chức chợ phiên ở Ấu Trĩ viên (nay là Cung Thiếu nhi), người đoạt danh hiệu hoa khôi là Trần thị Thành, cháu ngoại của nhà tư sản Hưng Ký, chủ của các nhà máy gạch nổi tiếng Đông Dương. Cuộc thi này đã có những thay đổi lớn, thí sinh hoàn toàn tự nguyện. Ngoài mặc trang phục truyền thống, thí sinh còn mặc các trang phục do các nhà may thiết kế. Người giành danh hiệu hoa khôi được món tiền khá lớn và đứng trong lồng kính cho mọi người ngắm trong vòng một giờ ở Bờ Hồ.
Năm 1939, nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ II, cuối năm 1940, Nhật đưa quân vào Hà Nội, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp khan hiếm, để khuyến khích sản xuất trong nước, chính quyền thành phố đã tổ chức chợ phiên cũng tại Ấu Trĩ viên năm 1941. Giành danh hiệu hoa khôi tại cuộc thi người đẹp trong chợ phiên là cô Tân. Đêm thi, cô Tân mặc trang phục phụ nữ Thái với chiếc áo cóm bó sát người và chiếc váy đen. Cô Tân hút hồn thanh niên Hà Nội nhất là khi cô mặc đồ bơi, bơi ở bể bơi Quảng Bá. Cô học ở Trường nữ Hàng Cót (nay là trường Tiểu học Thanh Quan) và là cầu thủ đội hockey của trường, cô chính là mẹ ca sĩ Khánh Ly. Sau khi dành danh hiệu hoa khôi, cô Tân sang Hồng Kông với người yêu tên là Viễn, con một gia đình giàu có ở 106 phố Hàng Bông. Viễn học trường Bưởi đến hết trung học thì đi Hồng Kông làm gì không rõ. Hai người cưới nhau ở bên đó và khi về Hà Nội cô Tân đã có thai nên gia đình Viễn buộc phải tổ chức cưới. Cô Tân là người mạnh mẽ, có cá tính. Khi cô có ba con nhưng Toàn quyền Đông Dương là Decoux vẫn mê mẩn theo đuổi. Khi người chồng tên Viễn chết, cô lấy chồng khác giàu có, có biệt thự lớn ở đầu phố Thụy Khuê, năm 1954 hai vợ chồng đưa con cái di cư vào Nam.
Tính từ cuộc thi người đẹp năm 1902 cho đến cuộc thi cuối cùng năm 1941, Hà Nội có tất cả 12 hoa khôi. Nhưng Hà Nội luôn có rất nhiều giai nhân và trong nửa đầu thế kỷ XX, người ta hay bàn tán về “Hà Thành tứ mỹ” gồm: cô Bính Hàng Đẫy, cô Nga Hàng Gai, cô Síu Cột Cờ và cô Phượng Hàng Ngang. Trong hồi ký Những năm tháng ấy, nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902-1987) viết: “Năm tôi 13, 14 tuổi, ngày ngày đi học qua phố Hàng Ngang, tôi được trông thấy cô Phượng. Lúc đó cô khoảng 22, 23 tuổi. Cô ngồi bán các thứ hàng lụa, sa tanh, gấm vóc tại nhà chồng, nhà này họ Phan bên số chẵn. Cô Phượng người tầm thước có đôi mắt bồ câu long lanh với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười. Gò má cô hơi cao ửng hồng làm cho khuôn mặt trái xoan của cô có sức quyến rũ giống như diễn viên điện ảnh Marlene Dietrich thời bấy giờ. Cô Phượng ăn mặc rất nền, khi thì chít khăn nhiễu tam giang khi thì chít khăn nhiễu nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục, tất cả các màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang. Hai con mắt tình tứ tuyệt đẹp của cô hôm nào cũng liếc lên chuyến xe điện chở đầy học sinh trường Bưởi làm cho những anh học trò lớp trên chúng tôi cứ hễ xe điện chạy qua Hàng Ngang đều hướng cả về số chẵn. Lối ăn mặc của cô rất nền như phụ nữ Hà Nội thời xưa…”.
Cô Phượng là người tài hoa, yêu văn thơ. Cô lấy chồng người Hàng Đào tên là A Cẩu. Chồng cô hay cờ bạc rượu chè lại có tính ghen tuông nên thường đánh cô và đòi ly dị. Cô sớm hiểu ra thân phận phụ nữ lúc đó nên đã phản kháng bằng cách tìm một người yêu thực sự quý trọng và biết đáp lại tình yêu của mình. Người lọt vào mắt xanh của cô là một thanh niên Tây học đẹp trai, lịch lãm lại là chủ bút một tờ báo ở Hà Nội là Hoàng Tích Chu, con trai một ông tri huyện ở Bắc Ninh. Hai người yêu nhau say đắm. Đầu năm 1927 cô Phượng cùng Chu đến sân bay Bạch Mai bay một vòng quanh Hà Nội và trở thành cô gái Việt Nam đầu tiên đi máy bay. Tuy nhiên Hoàng Tích Chu sang Pháp học và cha mẹ Chu không đồng ý con trai lấy gái đã có chồng. Và cuộc đời lại đẩy cô Phượng đến với một người đàn ông khác tên Lưu, nhưng Lưu đã có có vợ nên phải thuê cho người tình một căn nhà nhỏ bên kia sông Hồng. Lưu lên kế hoạch cùng người tình sang Hồng Kông nhưng kế hoạch đổ bể, cô Phượng buộc phải về nương nhờ tại một ngôi chùa. Rồi số phận đưa đẩy Phượng gặp một người đàn ông tên Bách khi anh này đến chùa vãn cảnh. Cô vợ cả của Bách đích thân đến đón Phượng về nhà, kẻ chị, người em xa lạ bỗng trở nên thân tình quấn quýt.
Ít lâu sau Tham Bách bị chuyển đi Lai Châu, chị nhường em đi trước với chồng chị. Lên Lai Châu, đang yên đang lành bỗng Phượng lúc mê lúc tỉnh, lúc cười lúc khóc, Tham Bách chợt hiểu có chuyện chẳng lành, nghi ngờ vợ cả đánh thuốc Phượng, vội cho người đưa về xuôi gửi nhà một người đàn bà tốt bụng bên Gia Lâm. Bệnh tình cô Phượng ngày một nặng, bà già đưa vào nhà thương làm phúc nhưng Phượng không qua được. Hay tin, Bách xin đưa xác cô về chôn ở cánh đồng làng Bạch Mai. Một nhà văn chấp bút cuộc đời bất hạnh của Phượng, ban đầu đăng dài kỳ trên báo sau in thành sách có tên Mồ cô Phượng. Có gánh cải lương chuyển thể diễn ở rạp Quảng Lạc, các bà các cô rủ nhau đi xem, ai cũng rơm rớm nước mắt thương cho số phận bi thảm của cô. Thời đó có câu “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, muốn lấy con gái Hàng Ngang, Hàng Đào thì phải có bằng cao đẳng, cô Phượng Hàng Ngang lại là giai nhân, chả lấy được chồng có bằng cao đẳng lại còn gặp nhiều truân chuyên. Sau này Hoàng Tích Chu ở Pháp về sinh đổ đốn, trai gái thuốc phiện và sống boóng cô Đốc Sao, chủ của nhiều nhà hát cô đầu ở phố Khâm Thiên và gần cuối phố Huế.
Khác hẳn với cô Phượng, cuộc sống của giai nhân Đỗ thị Bính bình lặng, không sóng gió. Là con của nhà tư sản Đỗ Lợi, người nổi tiếng trước năm 1930 về thầu khoán, lớn lên trong nhung lụa nhưng Đỗ thị Bính nền nã đã làm trái tim nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (con trai học giả Nguyễn văn Vĩnh) rung động. Đỗ thị Bính cũng biết Nguyễn Nhược Pháp có tình ý với mình nhưng có lẽ không có duyên với nhau. Nguyễn Nhược Pháp mệnh bạc đã ra đi ở tuổi 24. Giai nhân Đỗ thị Bính kết hôn với kỹ sư Bùi Tường Viên (em trai út của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu) du học ở Pháp về. Năm 1947, đi tản cư cùng gia đình, được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em ruột họa sĩ Bùi Xuân Phái) dạy cho cách tiêm thuốc để đối phó với bệnh sốt rét nên Đỗ thị Bính tiêm cho rất nhiều người, cứu họ thoát khỏi cơn sốt rét hiểm nghèo. Sau 1954, Đỗ thị Bính công tác tại Phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng và nghỉ hưu năm 1970. Những bức ảnh thiếu nữ Đỗ thị Bính đều do người em là nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân chụp. Bà qua đời năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi.
Không trong “Hà Thành tứ mỹ” nhưng cuối những năm 1920, rạp Sán Nhiên Đài ở phố Đào Duy Từ có một cô đào đẹp nổi tiếng chuyên đóng đào thương là đào Tửu. Mỗi lần đi từ phố vào rạp, đàn ông đến đàn bà đều phải nhìn theo cho đến khi cô khuất vào rạp. Không chỉ đẹp, đào Tửu hát chèo rất hay vì thế nhiều thanh niên ngày nào cũng mua vé vào rạp vừa nghe hát vừa ngắm cô. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, Nguyễn văn Uẩn viết: “Nhiều người không có tiền mua vé đành phải đứng bên ngoài ngay cửa sổ để nghe cô hát và chờ đến khi tan ngắm cô rồi mới yên tâm ra về”. Hà Nội còn có hai giai nhân nổi tiếng cuối những năm 1930 và đầu 1940 là Ái Liên (sau là nghệ sĩ cải lương tài danh) và Lý Lệ Hà. Ái Liên có khuôn mặt đẹp và sang trọng, vì thế họa sĩ Cát Tường đã mời cô quảng bá áo dài Le Mur do ông sáng tạo. Còn Lý Lệ Hà là người mẫu cho hiệu áo dài Marie Nghi Xương (phố Nhà Thờ). Sau Lý Lệ Hà là người tình của vua Bảo Đại.
Hà Nội thời nào cũng có mỹ nhân. Nhưng sau năm 1954, cuộc đời của nhiều giai nhân không giống như trước đó, lấy ông thông, ông phán nào đó ở Hà Nội, nhiều cô con nhà tư sản đành lấy các anh bộ đội ở chiến khu về sốt rét da tái mét, mông teo để cứu cả nhà. Cũng sau 1954, cô Mỹ cuối phố Khâm Thiên, cô Nết nhà đầu ngõ Hội Vũ đẹp nổi tiếng. Thập niên 70, có cô Liên nhà trong ngõ Huế cũng nghiêng nước nghiêng thành lại thêm dáng vẻ sang trọng. Thời bây giờ, Hà Nội càng nhiều giai nhân, nhưng không có nét riêng, cô nào cũng giống cô nào: mũi cao, lông mi cong, lông mày thanh, họ là giai nhân nhờ thẩm mỹ viện và mỹ phẩm.