Đọc truyện Đi Hết Một Đời Anh Vẫn Là Của Em – Miên Man Nỗi Nhớ – Chương 35: 35. Kết
Hơi bối rối nên Miên chẳng biết trả lời ra sao, cô giả giọng con gái kêu buồn ngủ rồi cúp máy. Cứ như thế mỗi ngày hai người lại bớt xa cách đi một chút, mỗi ngày Mi Ni cũng phát âm đúng thêm một chút. Sau vài tháng quấn quít bên bác Niệm, cô nhóc đỡ nói ngọng hẳn. Mẹ Miên thấy Mi Ni biết nói tròn vành rõ chữ rồi thì mừng lắm, mẹ bắt đầu mua sách tập tô và bút màu về để dạy em bé của mẹ tô những con chữ đầu tiên. Tuy nhiên, đối với việc cầm bút Mi Ni cũng không được giỏi lắm. Đã thế lại còn thêm tính lười, có mỗi tô màu đỏ vào chữ A thôi mà nó lê la kề cà mất cả tuần mới xong, chưa kể còn tô nhoè nhoẹt hết cả ra ngoài. Mẹ mua cho cái bàn học hồng hồng xinh ơi là xinh mà chẳng bao giờ chịu ngồi ngoan một chỗ tập tô, xểnh ra cái là chạy đi ăn chực đồ của khách. Có lần mẹ Miên ra vườn hái nắm rau thơm còn bắt quả tang con gái đang ngủ khì khì dưới tán đu đủ, khoé miệng chúm chím còn dính hạt xôi gấc đỏ au mới đểu chứ. Mẹ Miên tức điên quát tháo:
– Mẹ bảo con đi tập tô chứ không phải đi ngủ nhé Mi Ni!
Mi Ni giật mình tỉnh giấc, nó chối bay chối biến:
– Mi Ni đâu có ngủ đâu, người ta chỉ nhắm mắt sương sương thui mà.
– Ra thế! Ra là chỉ nhắm mắt sương sương thôi! Thế cái hạt gì đo đỏ gì dính ở mép kém duyên thế kia?
Có bàn tay mũm mĩm đưa lên mặt sờ sờ, tìm thấy hạt xôi gấc thì thản nhiên bỏ vào miệng. Ăn có một hạt xôi thôi mà thế nào phải lấy hẳn thêm một quả dâu trong túi ra để tráng miệng, mải nhai chóp chép nào có thèm để ý tới ai, hại mẹ Miên lộn hết cả tiết, mẹ lớn tiếng quát:
– Con gái con lứa, hết ăn rồi lại ngủ, hết ngủ rồi lại ăn. Con có tin mẹ quẳng con xuống chuồng chó, tối ngày chỉ ăn và ngủ với chó không?
Thật á? Chỉ ăn với ngủ? Không cần phải tập tô nữa? Được thế thì còn gì bằng? Mi Ni khoái chí phát rồ, mặc kệ mẹ Miên đang tức giận đùng đùng, cô bé hớn hở chạy lên tầng ba thay váy đẹp lộng lẫy rồi ôm em Ni Ni đi xuống dưới, lon ton chạy ra ngoài cổng đợi chờ. Nhóc con đợi mãi chiếc xe quen thuộc mới xuất hiện, khoảnh khắc trông thấy người đàn ông to cao vạm vỡ bước ra khỏi xe, Mi Ni sướng điên. Nó ba chân bốn cẳng lao vào về phía người đó, mồm năm miệng mười khoe khoang:
– Bác Niệm! Bác Niệm ơi! Mi Ni vừa thay váy đẹp nè!
Niệm nhấc bổng Mi Ni lên, tình củm nịnh nọt:
– Ui thảo nào! Xinh thế chứ nị!
– Dạ, Mi Ni xinh gái chuẩn bị được mẹ Miên cho xuống chuồng chó để ăn và ngủ đấy. Thích ghê lắm!
Chia sẻ ngây ngô của con nhóc khiến Niệm chợt nhớ về kỷ niệm nho nhỏ với mẹ Hoài. Ngày đó nghe mẹ tuyên bố sẽ cho mình xuống chuồng lợn ăn và ngủ, Niệm cũng sung sướng y như Mi Ni bây giờ. Con nhóc ôm em Ni Ni rồi áp cái má phính vào ngực Niệm, thỏ thẻ rủ rê:
– Bác Niệm phải đi cùng Mi Ni cho vui đấy! Để Mi Ni xin mẹ Miên bố trí thêm cho bác một suất ăn và ngủ với các em chó nha!
Bác Niệm vốn có kinh nghiệm dày dặn với loại chuyện như thế này, biết tỏng có tống Mi Ni xuống chuồng chó thì con bé cũng không hoảng sợ nên bình thản từ chối:
– Bác Niệm không đi đâu.
– Sao vậy?
– Tại đồ ăn ở dưới chuồng chó không ngon.
– Vậy hả? Hem ngon thiệt hả?
– Ừ. Không ngon chút nào cả.
– Hem ngon thì ăn làm chi? Phí công nhai á! Mắc mệt!
Mi Ni tỏ vẻ bà cụ non phân tích, Niệm tủm tỉm gật đầu tán thành, cô bé thở dài đưa ra quyết định:
– Thui! Hem thèm đi chuồng chó nữa á!
Bác Niệm phì cười bế em vào gọi món, mẹ Miên thấy bác tới liền trang điểm đẹp ngút ngàn rồi xách giỏ bỏ đi chơi, trước khi đi còn nháy mắt ra hiệu với Mi Ni. Con nhỏ lén lút gật đầu, đợi mẹ đi được một lát nó thỏ thẻ:
– Mẹ Miên đi chơi với bác Quân đấy!
– Ừ.
Tuy bác Niệm tỏ vẻ không quan tâm nhưng Mi Ni vẫn bất đắc dĩ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, nó nói:
– Eo ui tối qua mẹ với bác Quân hôn nhau lâu khủng khiếp, hai người nhìn nhau cứ ngọt lìm lịm đi á.
Niệm ngay lập tức đặt Mi Ni sang chiếc ghế bên cạnh, tự dưng không được ngồi trong lòng bác nữa, Mi Ni vô cùng khó chịu, nó chột dạ hỏi:
– Sao vậy?
– Bác Niệm không thích trẻ con nói xạo.
– Sao bác Niệm biết Mi Ni nói xạo?
Mi Ni thật ngốc, chưa gì đã khai ra luôn rồi. Con bé mếu máo khiến Niệm rất tức cười, nhưng cậu vẫn phải cố nhịn. Niệm đứng dậy, giả bộ giận dỗi muốn đi về. Mi Ni sợ hãi bám theo ôm chân Niệm, bật khóc nài nỉ:
– Bác Niệm đừng ghét Mi Ni mà, tại Mi Ni bị mẹ Miên xúi bậy ý, mẹ bảo nếu không nói vậy thì mẹ sẽ hem nấu cơm ngon cho Mi Ni ăn nữa. Mi Ni khổ quá chừng luôn.
– Sao mẹ Miên lại xúi bậy Mi Ni?
Niệm chất vấn, Mi Ni phụng phịu lắc đầu tỏ vẻ không biết. Niệm lại hỏi bác Quân có hay tới quán cơm chơi không? Con bé suy tư một lúc rồi đáp:
– Có tới một lần xa lắc xa lư rồi, tới tặng cho mẹ cái nhẫn nhưng mẹ trả, xong bác Quân khóc quá trời.
Dương Thuỳ Miên! Em được lắm! Từ chối lời cầu hôn của người ta rồi mà còn cố ý nói xạo chọc điên cậu. Bị mẹ Mi Ni chơi cho một vố khá đau nhưng Dương Tất Niệm vẫn bình thản chơi với con và ăn tối như bình thường. Đợi Mi Ni đã say giấc nồng, Niệm giao con cho mẹ Mơ rồi lặng lẽ lên tầng ba. Từ ngày em về nước, đây là lần đầu tiên Niệm bước chân vào phòng ngủ riêng của em. Quang đã giúp Niệm chia căn phòng cũ thành hai phòng, em trai làm đúng như ý tưởng của cậu, thiết kế phòng của Mi Ni giống như lâu đài nhỏ của công chúa, chỉ cách phòng mẹ Miên một cánh cửa. Phòng Miên có một số chỗ tuy đã được bài trí khác đi, nhưng trong hộc bàn trang điểm của em vẫn còn giữ chiếc lắc chân ngọc trai và cả những lá thư cậu gửi hồi đi du học. Em hay lắm, rõ ràng muốn nói gì với nhau thì chỉ cần gọi điện, nhưng em lại cứ thích viết thư tay. Cơ mà không thể phủ nhận được mỗi lần nhận được thư của em, Niệm đều có một cảm xúc rất đặc biệt. Niệm nhớ nhất là bức thư em dặn bất cứ lúc nào Niệm cảm thấy kiệt quệ, hãy quay về bên em. Em còn khẳng định em của bây giờ vẫn giống em của ngày đầu tiên mình gặp nhau, bất cứ lúc nào em cũng có thể kiếm cơm cho Niệm ăn. Em không cần Niệm nuôi, em chỉ cần Niệm bên em, chỉ đơn giản vậy thôi! Hồi đó đọc thư xong tự dưng sống mũi Niệm cay cay, ngẫm lại những lời ông nội dạy, Niệm thấy mình sao tệ quá, thân là thằng đàn ông mà từ nhỏ tới lớn lười như thằng hủi, chẳng lo cho em được mấy, toàn để em phải lo cho mình, chăm mình từng chút một. Tâm trạng hơi nẫu nề nên khi ấy Niệm lấy bút ra viết vài dòng:
“Cơm của anh!
Cho dù em không cần anh nuôi, anh vẫn sẽ nỗ lực để có thể làm chỗ dựa cho em. Càng già anh càng cảm thấy thời trai trẻ mình đã sống quá thiếu trách nhiệm. Anh không thể hiểu sao em vẫn bên anh những ngày tháng đó…”
Sau đó Niệm tự làm một chiếc phong thư nhỏ để bỏ thư vào gửi về cho em. Nhiều năm trôi qua, chiếc phong thư vẫn được giữ mới nguyên, nhưng chữ viết trong lá thư đã bị nhoè đi. Có lẽ em đã khóc mỗi lần mở thư, gần đây em còn viết thêm vài dòng tròn trịa vào thư của Niệm:
“Cống của em!
Nếu như những ngày tháng đó em không ngu ngốc ở bên anh thì phải chăng những năm tháng sau này em sẽ có thể quên anh một cách dễ dàng?”
Sống mũi Niệm cay cay, tất cả những thứ đồ liên quan tới Niệm đều được em bảo quản rất cẩn thận, vậy mà em có thể nói Niệm đâu còn là gì trong cuộc đời em, thật xạo. Em đi chơi tới tận mười một giờ đêm mới về. Thấy Niệm ở trong phòng ngủ của mình, em hơi bất ngờ nhưng vẫn bình thản tháo bông tai, cố ý công kích:
– Bữa nay anh Quân đưa em đi chơi xa quá, hai đứa mải hí húi với nhau nên về hơi muộn.
– Vậy hả?
Niệm cố nén cười hỏi lại, Miên thấy anh không ghen thì hơi thất vọng. Vừa hay mẹ Mơ nhắn tin bảo tối nay mẹ cho Mi Ni sang nhà chị Nhi ngủ khiến Miên hơi buồn, ngủ với con quen rồi giờ nằm một mình cô thấy trống vắng lắm, cơ mà muộn rồi nên Miên không sang đón bé yêu. Cô thở dài hỏi Niệm:
– Sao anh chưa về? Cũng khuya rồi mà!
– Ừ. Anh có chút việc cần làm với em.
– Việc gì thì để mai đi anh. Giờ em mệt lắm, anh mau về cho em còn nghỉ ngơi.
Miên đi ra mở cửa phòng làm bộ đuổi khách, Niệm cũng đi ra chỗ Miên, nhưng anh không về mà đóng sầm cánh cửa lại, chốt khoá rồi đẩy cô vào góc tường. Cả người anh ép sát lên người cô, cả người Miên run lẩy bẩy, cô cố gắng đẩy anh ra nhưng vô ích. Hơi thở thơm mát của anh phả vào má cô, giọng anh trầm ấm:
– Việc hôm nay sao có thể để đến ngày mai?
Miên còn chưa hiểu có việc gì thì Niệm đã ngậm lấy cánh môi cô. Bị tấn công bất cờ, Miên giận dữ giáng cho anh một phát tát. Người ta chẳng những không thấy hối lỗi mà còn điềm nhiên hôn cô, cô ức chế tát thêm phát nữa, anh hung hăng hôn cô mạnh bạo hơn. Cô tiếp tục giơ tay, nhưng thấy má anh đã đỏ ửng thì không sao đánh xuống được, cô ứa nước mắt, uất ức quát tháo ầm ĩ:
– Dương Tất Niệm! Đồ vô liêm sỉ! Khốn nạn! Đáng ghét! Buông em ra! Người ta đính hôn rồi đấy!
– Kệ em.
Niệm nói với giọng rất phớt đời rồi cuống quít hôn lên những giọt nước mắt của em, Miên bực bội hỏi đểu:
– Không lẽ anh định làm tiểu tam?
Cà khịa chất như vậy rồi mà ai đó vẫn không chịu buông cô, người ta nhá nhẹ lên gò má cô, cười cười bảo:
– Chỉ cần được ở bên em thì dẫu có là tiểu tam, tiểu tứ, tiểu thất hay tiểu bát anh cũng nguyện ý.
Gì vậy? Anh coi cô là cái gì mà có cả tiểu thất lẫn tiểu bát? Nom cái mặt nhơn nhơn Miên muốn đập cho một trận ghê, cơ mà thương quá nên đâu nỡ. Hận anh khủng khiếp nhưng thi thoảng anh bận bịu ghé qua quán cơm muộn muộn, cô còn mong ngóng anh hơn cả Mi Ni, nói phũ phàng với anh nhưng vẫn muốn anh ghen, to mồm mắng chửi anh thế mà được anh hôn môi vẫn có cảm giác xao xuyến, thậm chí khi đuổi nhưng anh không đi trong lòng cô còn có chút vui vui. Cô thấy thất vọng về bản thân mình quá, chả hiểu kiêu chảnh sĩ diện của phụ nữ bị quẳng ở xó nào? Sao cô lại để anh hôn mãi như vậy? Sao cô có thể hôn lại anh? Những ngày tháng bị anh ruồng bỏ khổ sở như nào cô quên mất rồi sao? Tâm trạng Miên vô cùng rối bời, hôn anh nhưng nước mắt cô vẫn chảy giàn giụa. Niệm chẳng vì thế mà buông cô, môi anh vẫn ngậm môi cô, hai tay anh nắm lấy hai tay cô rồi vòng qua eo mình như kiểu muốn cô ôm anh. Miên thở dài chiều theo ý anh, chỉ là, thấy cô nhượng bộ anh bắt đầu muốn nhiều hơn thế, anh buông tay cô để chạm tới một nơi mẫn cảm khác. Cả người Miên run lên bần bật, để khỏi bị ngã khuỵ, cô ôm anh chặt hơn rồi khổ sở van nài:
– Niệm… xin anh… đừng…
– Niệm… em… em không muốn… em không thể… em… em không muốn bị bỏ rơi một lần nữa…
– Em… em không muốn ra nước ngoài sinh em bé… em sợ lắm… sợ cảm giác vào phòng sinh mà không có anh…
Miên khóc nấc, mắt Niệm cũng đỏ ngầu, nhưng anh vẫn không rời xa cô, chỉ trầm ngâm hỏi:
– Sinh em bé… đau lắm phải không?
– Đau lắm… mỗi cơn đau khủng khiếp lại mong anh… mong hoài mong mãi… nhưng anh chưa từng xuất hiện…
– Là anh không tốt… anh thật sự tệ…
Niệm ghé tai Miên thủ thỉ, tay anh liên tục vỗ về đoá hoa rực rỡ, thật giống như anh đang dỗ dành cô, có một chút ngọt ngào len lỏi trong tim Miên, nhưng nhiêu đó chưa đủ để xoa dịu những ấm ức trong lòng cô. Miên oán trách:
– Anh ác lắm! Bạc bẽo lắm! Em căm ghét anh!
– Ừ.
– Em muốn dùng cả đời này để căm ghét anh! Nhưng em biết phải làm sao khi càng ghét thì lại càng nhớ…
Miên khóc rưng rức, Niệm cũng nào có khá khẩm hơn, cậu nhớ em phát khùng. Áp gò má mình vào gò má em, Niệm thủ thỉ tâm sự với em những nỗi nhớ miên man dai dẳng. Tự nhủ không được tin lời đường mật của anh, nhưng Miên vẫn bị mủi lòng. Biết thừa anh đang dần cởi chiếc váy xanh, nhưng thay vì đẩy anh ra, cô lại ngầm cho phép anh đem yêu thương gửi gắm vào sâu thẳm trong mình. Bao nhiêu năm trôi qua, bao nhiêu xa xôi cách trở cùng bao nhiêu nỗi oán hận trùng trùng điệp điệp, thế nhưng giây phút này, cớ sao hai người vẫn có thể hoà hợp với nhau đến thế? Cớ sao trong lúc bọn họ gần gũi, cô vẫn âu yếm gọi tên anh trong vô thức:
– Niệm… Niệm à…
Niệm mỉm cười hôn dọc theo cổ cô rồi lướt xuống phần thanh xuân màu nắng đầy thương nhớ. Nhận thấy cô run run, Niệm vòng tay qua đỡ chân cô lên, tình cảm bảo cô quặp chân qua hông anh. Miên như bị thôi miên, cô chợt quên hết mọi ấm ức tủi nhục, cứ thế nhất nhất nghe theo lời anh, nũng nịu bám riết lấy anh. Cả một đêm dài dằng dặc quấn quít bên nhau, cô mệt đến nỗi chẳng ý thức được anh đưa mình vào giường từ bao giờ, chỉ biết lúc thức giấc thì đã là giữa trưa, cô nằm sấp trên người anh, chỉ có da tiếp da nên tất nhiên rất xấu hổ. Niệm thơm trán Miên, thấy em ngọ nguậy làm chăn bị tuột xuống, Niệm lại cẩn thận kéo chăn lên đắp ngang vai cho em. Miên bối rối nhìn cậu rồi ngập ngừng hỏi:
– Anh khinh em lắm đúng không? Em chẳng có chút sĩ diện nào cả… đến em cũng khinh thường chính mình…
Niệm dùng ngón trỏ xoắn lấy một lọn tóc mềm mại của em rồi đưa lên mũi hít hà. Làm sao Niệm có thể khinh em chứ cô bé? Em không thể mường tượng được Niệm hạnh phúc đến nhường nào đâu. Cả đêm qua Niệm đã chẳng dám chợp mắt, vì Niệm sợ ngủ rồi khi tỉnh dậy tất cả sẽ chỉ là giấc mộng đẹp. Ngắm em nằm gọn ghẽ trong vòng tay mình, Niệm tưởng như thế giới của mình đang bừng sáng. Đã rất lâu rồi Niệm mới cười khi nhìn thấy ánh nắng buổi trưa rực rỡ xuyên qua khung cửa sổ, cậu lật người đổi vị trí, để em nằm bên dưới mình, dịu dàng hôn môi em rồi thủ thỉ bảo:
– Có ai khinh người mình hôn không?
– Ai mà biết được? Có phải hồi xưa em từng làm sai chuyện gì không? Nên anh mới giận em lâu như vậy?
– Không… là anh sai…
Miên phụng phịu vùi mặt vào lồng ngực Niệm tra khảo:
– Anh sai chuyện gì thế? Anh cảm nắng cô khác à? Xong anh bỏ em để hẹn hò với người ta, hẹn hò một thời gian mới phát hiện ra cô đó không nấu ăn ngon như em nên lại quay về bên em chứ gì? Em biết thừa.
– Ừ.
Thấy anh không phủ nhận, Miên hơi giận. Cô cắn mạnh lên bả vai anh cho bõ tức rồi đẩy anh ra, hờn dỗi chuồn vào nhà tắm. Niệm cũng chui vào cùng Miên, mặc kệ nước đang chảy xối xả, anh vẫn ôm lấy cô từ phía sau, âu yếm hôn lên gáy cô. Miên ngượng chín mặt, cô mắng:
– Quỷ sứ à! Con gái mà về bây giờ thì mất mặt phải biết!
Niệm cười vang, cả ba Niệm và mẹ Miên cùng nhớ bé yêu nên ba mẹ không đùa dai, chỉ mười lăm phút sau họ đã sẵn sàng đi sang nhà chị Nhi đón con. Tuy nhiên còn chưa xuất phát thì hai người đã gặp anh Mùi, chị Nhi cùng mẹ Mơ, bé Mèo đang chơi dưới tầng một, bọn họ nói đưa Mi Ni về quán từ sáng sớm làm Miên há hốc, cô chau mày hỏi:
– Vậy nó đang ở đâu?
– Ơ? Chị tưởng nó lên tầng ba tìm em?
Nhi hỏi lại, Miên lo lắng đáp:
– Không có.
– Con thử đi quanh vườn tìm con bé xem.
Mẹ Mơ khuyên nhủ, Miên sốt sắng chạy đi tìm gái yêu, tìm mọi ngóc ngách cũng không thấy bóng dáng con nhỏ, người làm mẹ bắt đầu phát hoảng. Tầm chục phút sau Niệm nhận được điện thoại thông báo tin khẩn của vệ sĩ, những vệ sĩ này trước đây theo Miên sang Mỹ nên họ nghe lời Miên, nhưng từ khi thấy Niệm hay ghé quán cơm thì có việc gì họ cũng gọi Niệm đầu tiên. Niệm dặn dò vệ sĩ đôi ba câu rồi kéo Miên đi theo mình. Cùng lúc đó, ở một bãi biển xanh rì, có bé gái mũm mĩm đang được bác Ly bế trong lòng. Ban sáng về nhà Mi Ni có mò lên tầng ba, nhưng thấy cửa phòng mẹ đóng, nghĩ mẹ còn đang ngủ nên nhóc con xuống vườn chơi. Bé con đang chuyện trò với mấy em cá vàng xinh đẹp thì gặp bác Ly. Bác Ly cho Mi Ni kẹo bông ngon tuyệt rồi ngọt giọng rủ rê con bé đi chơi cùng bác, bác sẽ đưa Mi Ni tới một nơi có rất nhiều món ngon. Mi Ni sướng rơn, con nhóc đồng ý liền. Ly lái xe đưa Mi Ni về chỗ an nghỉ của ba mẹ. Chỉ ba ngày nữa Đông sẽ đem trầu cau sang hỏi cưới Chi, và rồi Đông sẽ chính thức là của người con gái khác. Ly rất nhớ Đông, nhớ những tháng ngày họ ríu rít bên nhau. Giá như Ly nhận ra cô yêu Đông sớm hơn thì có lẽ cô đã không tuyệt vọng đến như vậy. Dạo gần đây Ly luôn thấy chán ghét cuộc sống, nhưng cô lại không đủ can đảm để ra đi một mình, thế nên cô lựa chọn đem Mi Ni theo cùng. Ôm con bé trong lòng, Ly bước dần xuống biển, vừa đi cô vừa nói thầm:
– Mẹ Hoài! Sẽ rất nhanh thôi, Ly sẽ đến chỗ mẹ! Ly sẽ đem cả Mi Ni theo nữa mẹ à! Mi Ni xinh lắm, trắng, mập, dễ cưng, Ly chắc chắn mẹ sẽ rất vui khi được gặp con bé!
Có Mi Ni ở bên, Ly thấy vững tin hơn, bước chân của cô cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, cô càng đi xa bờ thì Mi Ni càng cau có khó chịu. Trái ngược với thời tiết tuyệt đẹp trên thành phố, ở biển hôm đó là một ngày âm u, gió biển thổi vù vù khiến Mi Ni lạnh cóng, con bé giãy giụa kêu la:
– Lạnh á! Đi vào bờ đi! Lạnh lắm!
– Mi Ni ngoan nha! Khi nào tới chỗ bà Hoài thì bác Ly sẽ cho con đi ăn những món ngon nhất trên đời!
Ly dỗ dành, Mi Ni nhìn ngó xung quanh, chỉ thấy một vùng biển rộng lớn mênh mông chứ nào thấy thức ăn ngon đâu, con bé nhăn mặt nói:
– Ứ phải. Bác Ly nói dối!
– Bác Ly nói thật mà… Mi Ni tin bác nha!
– Nhưng lạnh lắm á! Mẹ Miên ơi Mi Ni lạnh! Bác Niệm ơi Mi Ni lạnh. Mi Ni lạnh ghê quá!
Mi Ni gào thét ầm ĩ, Ly rất muốn lao xuống biển thật nhanh, nhưng cô không thể đi nổi vì Mi Ni liên tục dùng bàn tay bụ bẫm giật tóc cô, nó đanh đá hét lên:
– Thả Mi Ni ra!
– Ngoan ngào… bác Ly thương Mi Ni mà!
– Mi Ni không cần bác Ly thương! Mi Ni ghét bác Ly! Mi Ni không cần bác Ly cho ăn ngon nữa, Mi Ni chỉ muốn về nhà với mẹ Miên và bác Niệm thôi.
Mi Ni cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi bác Ly nhưng dẫu sao nó cũng chỉ là đứa con nít, bác cứ ôm chặt khiến nó không sao nhoài người xuống được, ấm ức khủng khiếp, nó mếu máo gọi người thương:
– Mẹ Miên ơi! Bác Niệm ơi! Mẹ Miên và bác Niệm ở đâu thì mau mau đến cứu Mi Ni đi! Bác Ly bắt nạt Mi Ni! Mi Ni lạnh quá chừng… khổ quá chừng…
– Mi Ni ngoan nào… xíu nữa là hết lạnh thôi. Bác Ly không bắt nạt con, bác Ly thương con lắm, bác Ly sẽ thương con thay phần mẹ Miên và bác Niệm.
Ly giải thích, Mi Ni cáu:
– Mi Ni ứ cần.
Mặc Ly ra sức dỗ ngọt, Mi Ni vẫn rất ương ngạnh. Ly có thể chịu đựng được nó giật tóc mình, thậm chí tát vào mặt mình, nhưng không thể chịu được khi nghe nó khóc lóc thảm thiết. Tiếng gào thét chói tai của nó khiến Ly xót quặn thắt ruột gan, sợ bé la nhiều khản tiếng, Ly không dám làm trái ý nó nữa, bất đắc dĩ phải ôm nó đi vào bờ. Vệ sĩ của Niệm thấy vậy thì thở phào nhẹ nhõm, bọn họ luôn đi theo bảo vệ Mi Ni, ngay lúc Ly ôm bé con đi ra bờ biển một trong số họ đã gọi điện về xin chỉ thị, Chủ tịch dặn bọn họ nếu như Ly ôm Mi Ni lao xuống biển thì ngay khi nước chạm tới lòng bàn chân của Mi Ni phải chạy ra giành lại con bé. Nãy giờ Ly cũng đi được một đoạn kha khá, nhưng do nước nông nên Mi Ni chưa bị ướt chút nào, vệ sĩ vì thế vẫn án binh bất động. Sở dĩ Niệm vẫn cho Ly một khoảng thời gian ở bên Mi Ni vì cậu nghe Minh nói chị đang bị trầm cảm, tâm trạng chị lên xuống thất thường, lúc vui có thể cười rất tươi nhưng lúc khủng hoảng hay nghĩ tiêu cực. Niệm hi vọng sự nhí nhảnh đáng yêu của Mi Ni có thể kéo chị trở về như chị của ngày xưa. Niệm cũng khá hiểu con gái mình, bình thường nó tham ăn, ít nói không có nghĩa là nó yếu đuối dễ bị bắt nạt. Không khéo chưa cần vệ sĩ lao tới bảo vệ nó đã hành chị Ly một trận lên bờ xuống ruộng rồi ấy chứ, cứ mường tượng ra cảnh chị bị con bé mập ú đấm đá giật tóc, khoé môi người ba lại khẽ cong.
Về phía Ly, sau khi đã ôm Mi Ni vào bờ, cô dịu dàng lau nước mắt cho bé, cứ nhìn gương mặt bụ bẫm trắng trẻo và ánh mắt long lanh của nó cô lại không nỡ rời xa. Vốn cũng nhát gan không dám ra đi một mình, cô quyết định ở lại ngửi hơi con nhỏ đáng ghét này. Ly quyến luyến ôm nó thật chặt, nghe gái yêu kêu đói bụng cô bồng nó tới nhà hàng cách biển một cây số, gọi ra những món ngon nhất. Mi Ni gặp đồ ăn đôi mắt ngay lập tức ráo hoảnh, hồ hởi xông vào đánh chén và quên luôn chuyện ghét bỏ bác Ly, cũng giống hệt như việc nó hết giận bác Quang vì bác cho nó một cái kẹo dừa. Ly nhìn Mi Ni say đắm, nom nó kìa, ăn nhiều đồ quá nên cái môi bóng nhẫy, đôi má phúng phính thương ghê cơ. Ly rụt rè mở lời:
– Bác Ly thích Mi Ni lắm! Bác Ly sẽ không bao giờ làm Mi Ni khóc nữa, Mi Ni đừng ghét bác Ly nữa nhé!
– Bác Ly cứ ngoan thì ai mà ghét?
Mi Ni nhí nhảnh hỏi bác, Ly cười hiền bảo:
– Bác Ly sẽ ngoan mà!
– Thế thì được, Mi Ni hem ghét bác nữa.
– Mi Ni thương bác Ly nha!
Ly nài nỉ, Mi Ni băn khoăn một lúc rồi chỉ vào hình cốc sinh tố trên quyển thực đơn ra điều kiện:
– Ai mua sinh tố dưa hấu cho Mi Ni uống thì Mi Ni sẽ thương người đó!
– Thương nhiều hem?
Ly hỏi, Mi Ni phụng phịu đáp:
– Thương nhiều cực luôn!
Ly vui vẻ gọi sinh tố cho Mi Ni, lúc ba Niệm mẹ Miên về tới biển thì Mi Ni đã đánh chén no say và ngủ khì khì trong lòng bác Ly rồi. Thấy Ly xin xỏ, hai người quyết định để chị bồng con gái tới tối muộn mới đón về. Phải trả bé cưng cho ba mẹ nó, Ly buồn thiu. Cô thở dài lái xe về thành phố, mua một cân hoa quả tới thăm mẹ Bích, nhưng cô không vào gặp mẹ mà chỉ đưa cho giúp việc. Bích nghe tin con gái tới nhưng không thèm vào phòng chuyện trò với mình thì tủi lắm. Dạo gần đây cô toàn phải đối mặt với những chuyện kinh hoàng. Công ty may mà cô muốn phá hoại đã tăng doanh số gấp rưỡi, người chồng cũ cô từng vứt bỏ đã tái hôn, hai đứa con ruột của cô dễ dàng gọi một người phụ nữ khác là mẹ. Chưa hết, nhà cô còn mới bị trộm đột nhập tuần trước, đống kim cương trong két sắt không cánh mà bay. Tự dưng mất đi khối tài sản lớn, cô Bích uất quá nên bị đột quỵ. Tuy kẻ trộm đã bị bắt trong vòng hai tư giờ, kim cương cũng được trả lại cho chủ nhân nhưng phải tới ba ngày sau cô Bích mới tỉnh lại. Cô điên tiết bật dậy, định chạy đi đánh cho thằng trộm mất nết một trận, nhưng tiếc rằng, mới chỉ đi vài bước thôi cô đã đâm sầm vào tường. Cơ thể cô bị suy nhược sau lần đột quỵ, ra ngoài gặp gió cái là ho sù sụ rồi lên cơn sốt nên cô cũng chẳng đi đâu mấy. Thị lực của cô giảm rõ rệt, bây giờ muốn đọc sách phải đeo một chiếc kính rất dày. Cô còn bị mất vị giác, ăn món gì cũng giống như nhai rơm. Tâm trạng cô lúc nào cũng tệ, ngay cả những viên kim cương lấp lánh cũng không thể khiến cô vui lên nổi.
Trong hàng triệu người theo dõi, không có một ai mở lời thăm hỏi khi cô bị bệnh. Dạo này đầu óc hơi lú lẫn nên bài viết trên mạng xã hội của cô cũng mất chất dần, đôi khi do không nhớ nổi trước đây mình đã viết gì nên cô đã bịa ra một vài câu chuyện hết sức vô lý. Những người trước kia hay ca tụng cô dễ dàng bỏ rơi cô để chạy theo nịnh nọt một người khác. Cô đánh cược tình thân để củng cố quyền lực và kiếm thật nhiều tiền, và rồi bây giờ, cô ngồi trên đống tiền khóc thương cho nỗi cô độc của chính mình. Cô run run sờ lên những nếp nhăn nơi khoé mắt, hồi xưa cô hay mỉa mai chị Hoài già cỗi, giờ cô mới nhận ra con người ai rồi cũng sẽ già. Cơ mà ít ra chị còn được người ta nhung nhớ, còn cô, một bà già bệnh tật lủi thủi trong một căn nhà lớn chẳng ai thèm đoái hoài, thật sự là một loại chuyện cay đắng.
Khác với sự suy yếu của cô Bích, tình hình ông Nhất có tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, sau khi thoát khỏi cơn hôn mê dài, tin vui đầu tiên ông nhận được từ vợ lại khiến ông sốc nặng. Bà hồ hởi khoe về đứa chắt xinh xắn đáng yêu, con gái bé Miên. Ông thì chỉ cần nhìn qua ảnh liền biết ba ruột thực sự của đứa nhỏ là ai. Ông tính kêu Niệm tới hỏi xem loại chuyện nghiệp chướng gì thế này, cơ mà ông chưa kịp sai người gọi cho cháu trai thì ông Nhị ở bên cạnh đã vội vã quỳ xuống nhận tội. Ông Nhị gọi cả thằng Nhẫn tới để tường thuật mọi chuyện một cách chi tiết nhất. Bà Kỷ nghe xong sự tình chỉ biết thở dài ngán ngẩm, bà ghét ông Nhị, ghét thằng Nhẫn, nhưng biết được Mi Ni là ruột thịt nhà mình bà vui lắm. Còn ông Nhất, bị người mà mình cực kỳ tin tưởng và yêu quý lừa gạt, ông suýt chút nữa nghẹn chết. Thấy ông có biểu hiện khó thở, các bác sĩ vội vã thực hiện sơ cứu. Ông Nhị đứng bên cạnh lo lắng thắt ruột thắt gan. Để bảo vệ cho sĩ diện của gia tộc nhà mình, ông đã ngu dại lừa gạt ông Nhất, nhưng tình cảm ông dành cho Chủ tịch là thật, nếu bữa nay ông Nhất có mệnh hệ gì ông sợ ông không sống nổi mất. Thật may là không có gì nghiêm trọng cả, Chủ tịch vẫn còn sức chửi ông một trận thừa sống thiếu chết.
– Em cắn rơm cắn cỏ lạy anh tha cho gia đình em một con đường sống, xin anh đừng làm lớn chuyện để cho con cháu em đi học còn được ngẩng mặt với bạn bè.
Ông Nhất rõ hơn ai hết ông Nhị là người cực kỳ xem trọng thể diện. Mặc dù đứng ở vị trí rất cao, có nhiều cơ hội béo bở nhưng ông Nhị chưa từng gian lận của Nhất Kỷ dù chỉ là một đồng. Làm việc gì ông cũng nghĩ cho con cháu mình đầu tiên, ông muốn trở thành tấm gương sáng cho tụi nó noi theo.
– Chú cố giấu chuyện đó đến cùng có phải bởi vì sợ tôi không tin chú? Bởi vì chính chú là người sắp xếp con Hương cho tôi, cũng chính chú được tôi giao cho đi xét nghiệm ADN nên chú nghĩ rằng nếu sự thật bị vỡ lở tôi sẽ không bao giờ tin chú. Chỉ vì sợ tôi không tin nên chú quyết định lừa tôi luôn! Chú già đầu rồi mà còn ngu!
Thấy Chủ tịch đoán trúng phóc tim đen của mình, ông Nhị bối rối khủng khiếp, ông thừa nhận:
– Em biết em ngu mà… em bị thằng Nhẫn doạ dẫm nên hồ đồ… em sợ gia đình em bị mọi người khinh rẻ. Cả một đời giữ gìn danh tiếng bị đổ bể trong một tích tắc, em không cam tâm. Xin anh giữ kín chuyện này giúp em, tội vạ đâu em xin chịu hết. Em đã làm giấy tờ rồi, chỉ cần anh đồng ý, em xin phép được chuyển hết số cổ phần mà em và thằng Nhẫn nắm giữ ở Nhất Kỷ cho Niệm để đền tội.
– Chuyển cho bé Miên, dù sao nó cũng là cháu nội của chú. Nể tình chú dốc sức bao nhiêu năm vì Nhất Kỷ, tôi sẽ giữ kín chuyện này, nhưng chú và tôi từ giờ coi như không quen biết, thằng Nhẫn cũng cuốn xéo khỏi tập đoàn.
Ông Nhất đưa ra quyết định rất dứt khoát, thể diện gia đình được bảo toàn nhưng ông Nhị vẫn không vui nổi, vì ngày hôm đó ông đã mất đi một người bạn chí cốt. Việc chuyển cổ phần đối với ông không có gì to tát bởi Miên là ruột thịt nhà ông. Nhưng mà, con bé dường như không muốn nhận ông. Khi được ông gọi tới, nghe ông kể lại sự tình, nó chỉ khóc, mãi lúc lâu sau mới nghẹn ngào bảo:
– Ông và bác Nhẫn ác với con một thì ác với anh Niệm mười. Thực sự xin lỗi, sự ích kỷ của hai người khiến con ghê rợn. Con không muốn nhận cổ phần, cũng không muốn dính líu gì tới nhà ông cả.
Bị cháu nội đoạn tuyệt, ông Nhị đau quặn ruột. Ít ra trước khi Miên biết sự thật, ông vẫn được quan tâm tới Miên với tư cách là bạn ông Nhất. Thằng Nhẫn vẫn được tới thăm con gái nó với tư cách một người khách tới quán ăn cơm. Giờ thì hết thật rồi. Anh Nhẫn ngồi rầu rĩ một góc phòng, chăm chú ngắm nghía mấy bức ảnh của con gái và cháu gái xinh đẹp mà mình từng chụp lén được, cay đắng cảm thán:
– Không trách Miên được ba ạ. Có trách thì chỉ trách chúng ta đã chọn bảo vệ sĩ diện của gia đình thay vì nó.
Đúng vậy, bọn họ đã hi sinh tình thân để giữ gìn danh dự. Giờ danh dự gia đình được bảo toàn thì sao phải buồn bã? Nói là vậy, nhưng trẻ con mà, chơi với nó một lần bện hơi rồi thì nhớ nhung ghê lắm. Cả hai cha con nhà ông Nhị thi thoảng vẫn lén đứng từ xa nhòm trộm Mi Ni, nom nó dễ cưng mà nhiều khi chỉ muốn xông tới ôm một cái, nhưng biết rõ luôn có vệ sĩ ẩn nấp ở khu đó canh chừng bé con nên bọn họ không dám, chỉ thở dài lái xe trở về trong bứt rứt. Ông Nhất sau khi được xuất viện liền thuyết phục bà Kỷ dọn về nhà ở, nỗi đau mất con tất nhiên sẽ mãi ở trong trái tim người làm cha mẹ, chỉ là, bọn họ đang học cách sống tích cực hơn. Hai người thường xuyên qua quán cơm chơi với chắt nội, ông Nhất biết thừa có người rình mò chắt xinh nhà mình rồi nhưng mặc kệ, cái cảm giác thèm mà không được chạm mới là sự trừng phạt khủng khiếp nhất. Ông chỉ thấy áy náy với Niệm thôi, vì bảo vệ danh dự cho ông mà nó không hé răng với ai nửa lời, chấp nhận chịu tiếng xấu. Miên còn hối hận hơn cả ông Nhất, ngay sau khi rõ chân tướng, cô không dám đối diện với anh mà phải đi tìm anh Quang kể lể hết tất tần tật mọi chuyện rồi rưng rưng hỏi:
– Em phải làm sao đây? Niệm của em… tội nghiệp Niệm của em quá! Một mình Niệm chịu đựng bao nhiêu ấm ức, còn em chẳng biết gì cả, chỉ biết chửi Niệm thôi…
Quang sốc. Cậu cũng như Miên, tối ngày mắng anh trai máu lạnh mà không hề hay biết anh phải đối mặt với loại chuyện khủng khiếp như vậy. Quang thở dài kể:
– Miên! Quán cơm là anh Niệm xây cho em, cả phòng của Mi Ni cũng là anh Niệm bảo anh làm. Em còn nhớ hồi em ở bên đó anh hay dặn em cho con ra công viên chơi với các bạn ngoại quốc để bé tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên không? Là anh Niệm gợi ý cho anh đấy!
– Thảo nào… thực ra Mi Ni ít nói lắm anh ạ, ban đầu cho ra công viên thấy nó im im, mắt lim dim em còn tưởng nó bị ngơ, ai ngờ có hôm bị bạn giật bình sữa nó quát bạn như hát hay hại em khiếp đảm.
– Ừ, nó ít nói không có nghĩa là nó không biết nói. Nó cũng có vài điểm xuất thần giống anh Niệm em ạ. Cái đợt bị Mi Ni ghét, anh Niệm toàn trốn trong chuồng lợn khóc nhè…
Nghe Quang kể mà Miên cũng khóc nhè luôn, Quang đưa cho cô chìa khoá phụ của căn hộ trước kia anh Niệm từng dọn ra ở riêng. Cô lao như bay tới đó, mở cửa phòng của anh, Miên chợt sững sờ. Trên tường dính chi chít ảnh con gái, hình như là những bức ảnh cô gửi cho anh Quang, anh Quang lại gửi cho anh Niệm để in ra. Phòng của anh khá đơn sơ, đồ đạc của anh thì ít mà đồ anh mua cho con thì nhiều. Trong tủ chất đầy những em búp bê xinh xắn và những bộ váy rực rỡ, có lẽ anh chỉ mua vậy cho đỡ buồn chứ chưa bao giờ nhờ ai gửi sang cho con vì bị cô cấm cản. Rất nhiều váy áo tới bây giờ Mi Ni đã chẳng mặc được nữa, tại con lớn rồi, nhưng khi chạm vào chúng, nước mắt Miên lại chảy giàn giụa. Miên nhận ra anh chỉ không tiếp tục giữ lời hứa của mình khi biết được chuyện xấu mà ông Nhị đã làm, anh vì bảo vệ ông nội, bảo vệ cô mà chịu bao nhiêu ấm ức. Đồ ngốc! Giá như Miên không cấm anh liên lạc với mẹ con cô, giá như cô cho anh cái quyền được đến gần con ngay từ lúc bé chào đời. Niệm của em! Giá như em chưa từng nặng lời với anh… Mỗi đêm ở trong căn phòng này, chắc anh cô đơn và nhớ con lắm. Miên nằm vạ vật trên chiếc nệm màu xám của anh, không biết làm gì ngoài khóc và khóc.
– Làm ướt hết nệm của anh rồi, em phải giặt đấy!
Niệm nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh trêu chọc Miên. Nhận được tin nhắn của Quang cậu vội vã tới đây ngay, biết Miên đang tâm trạng nên cậu cố ý nói bằng giọng đùa cợt, cơ mà em vẫn không ngừng khóc, em gối đầu lên đùi cậu, ra sức dụi mặt vào áo cậu lau nước mắt rồi hờn dỗi bảo:
– Hem thèm giặt.
– Hư thế? Làm mẹ trẻ con rồi mà chả ra dáng gì sất.
Niệm đùa, Miên gào khóc to hơn, cô trách:
– Tại ai mà người ta phải làm mẹ sớm?
– Tại ai cơ? Bé tiết lộ đi! Anh sẽ tìm thằng khốn đấy dần cho nó một trận để lấy lại công bằng cho bé!
Niệm cợt nhả, Miên phụng phịu trêu:
– Là Chủ tịch của tập đoàn Nhất Kỷ anh ạ. Anh ta hại đời con gái của em, hại em tuổi trẻ rực rỡ chưa được ăn chơi nhảy múa đã phải vác cái bụng to đùng đoàng đi đẻ. Anh không cần đánh anh ta đâu, chỉ cần bảo anh ta chịu trách nhiệm với em là được rồi.
– Ừ, để anh bảo nó.
– Em muốn được Chủ tịch của tập đoàn Nhất Kỷ cầu hôn Niệm ạ. Anh cố gắng thuyết phục anh ta nhé!
– Ừ, anh sẽ cố gắng.
Được người ta hứa hẹn, Miên vui đáo để. Chợt nhớ tới những gì mẹ Hoài viết trong thư, cô tủm tỉm cười thầm. Rất nhiều người tò mò về bức thư đó nhưng cô chưa từng tiết lộ cho ai hết, ngay cả anh Niệm cũng không. Cô muốn giữ lấy bí mật này như một mảnh ký ức đẹp đẽ của riêng cô và mẹ. Miên cao hứng bảo anh Niệm:
– Ơ thế thì em sắp trở thành đàn bà của người ta rồi đấy, anh có muốn hú hí với em lần cuối không?
Biết Miên đùa dai nhưng Niệm vẫn vui vẻ hùa theo:
– Không giấu gì em anh cũng sắp cầu hôn bà chủ quán cơm ngon rồi, có lẽ bọn mình nên tranh thủ.
Dứt lời, anh Niệm bế xốc Miên dậy, anh đặt cô nằm trong lòng anh rồi cúi xuống ngậm lấy môi cô. Bàn tay xấu xa của anh cởi bỏ chiếc khuy áo màu mận chín, luồn vào trong trêu ghẹo viên ngọc trai tròn trịa. Người Miên tê rần, cô hôn lại anh mãnh liệt, cô cứ muốn dây dưa như thế mãi, nhưng anh đã đểu cáng rời môi cô rồi gian xảo dùng cánh môi của mình ngậm lấy hạt ngọc kia, hại nhịp tim của cô đột ngột tăng vọt. Khoảnh khắc tay anh đưa xuống luồn sâu vào đoá hoa to đang nở rộ, Miên tưởng như tim mình vừa bị rớt ra ngoài. Cơ thể cô trở nên mềm mại khác thường. Có người thừa biết cô chết mê chết mệt anh rồi còn cố ý hỏi:
– Miên! Nói thương anh, được không em?
Miên kiêu căng lắc đầu, nhưng thấy Niệm có ý định rời xa mình, trong lòng cô hụt hẫng khủng khiếp. Miên vội vã ôm lấy anh, cô rối rít thoả hiệp:
– Niệm! Đừng… em thương anh mà…
Giọng em những lúc như thế này quả thực ngọt thấu xương thấu tuỷ, khiến cho hồn ai đó lâng lâng như đang bay trên mây. Niệm nhẹ nhàng hôn từng chút một lên phần thanh xuân tươi tắn màu nắng của em, dịu dàng thổ lộ:
– Miên! Anh yêu em!
Miên suýt rớt nước mắt, nhưng cô cố kiềm lại để làm nũng:
– Em thích được yêu nhiều cơ.
Nhận ra hàm ý sâu xa trong câu nói của em, Niệm phì cười. Cậu chiều theo ý em, yêu em thật nhiều, thật lâu. Cũng bởi vì thế mà hai người về quán cơm khá muộn, Mi Ni đang chơi đồ hàng với bác Ly, thấy mẹ và bác Niệm liền lon ton chạy ra đón. Dạo này chị Ly hay tới chơi với gái yêu lắm, chị cưng chiều nó cực kỳ nên giờ nó thân với bác Ly chỉ sau mẹ Miên và bác Niệm. Ở gần một đứa trẻ đáng yêu như Mi Ni, Ly bớt nghĩ tiêu cực đi nhiều, ngày nào cô cũng mong mau tan làm để qua ôm Mi Ni, con bé không những xinh đẹp dễ thương mà nó còn là nguồn sống của cô. Thường thì phải tới lúc Niệm ghé qua quán Ly mới rời khỏi, vì cô biết có ở lại cũng chỉ là kỳ đà cản mũi. Mi Ni thích Niệm lắm, thấy bác Niệm một cái là bám rịt lấy bác luôn à.
– Sao bác Niệm về muộn quá vậy?
– Khá khen cho chị Mi Ni! Mẹ với bác Niệm về cùng nhau nhưng chị ấy chỉ hỏi thăm mỗi bác Niệm!
Mẹ Miên hờn dỗi, bình thường có hai mẹ con cô mà giận nó nịnh cô ngay. Cơ mà cứ có anh ở cùng là nó lầy hẳn, chả thèm để ý tới cô, chỉ mải rủ rê anh:
– Đêm nay ở lại chơi với người ta nhá! Nhớ ý!
Anh Niệm gật đầu, vì Mi Ni vừa thành công trong việc rủ trai đẹp ở lại nên mẹ Miên tha thứ cho sự hư hỗn của nó. Từ đợt đó cứ khi nào muốn anh Niệm qua đêm ở quán cơm nhưng ngại mở lời, Miên đều nhờ con gái ra mặt hộ. Vào buổi tối trước ngày sinh nhật của cô, chẳng cần con rủ anh cũng mặt dày ở lại. Niệm nằm giữa, hai mẹ con cô nằm hai bên quấn lấy anh như dây leo quấn cây gỗ, lim dim nhắm mắt. Đợi đến khi hai cô nàng xinh đẹp nhà mình đã ngủ khì khì, có người đàn ông cẩn thận thoát khỏi những chiếc ôm tình cảm rồi rón rén bật dậy, mò vào nhà tắm thay đồ. Khi Niệm đi ra, Miên vẫn ngủ say, nhưng Mi Ni chả hiểu sao lại thức giấc giữa chừng, con bé đứng ngay ngoài cửa, tròn mắt hỏi Niệm:
– Trời tối om om mà bác Niệm còn đi đâu thế?
– Mi Ni ngoan, con ngủ thêm một lát đi! Bác Niệm có chút chuyện, bác đi lát rồi bác quay trở lại.
– Ứ tin. Bác Niệm nói chơi chơi vậy xong lủi đi mất ý.
Mi Ni phụng phịu ôm chân Niệm, thấy bác mặc vest đẹp con bé cũng đòi mặc váy công chúa cho sang chảnh giống bác. Niệm tủm tỉm thay váy và tết tóc cho con, Mi Ni cũng tủm tỉm cầm lọ keo xịt tóc xịt xịt cho bác. Nhờ có công Mi Ni xịt keo mà bác đẹp trai quá chừng luôn. Mi Ni thích chí thơm má bác chùn chụt. Xong xuôi, bác Niệm ôm Mi Ni đi xuống tầng dưới. Eo ui trên trần nhà có bao nhiêu là bóng bay nhá, đèn nhấp nháy sáng lung linh và vô vàn những bông hoa hồng nhung đỏ thắm nữa, Mi Ni thích mê. Niệm với một quả bóng bay cho Mi Ni chơi, con nhỏ phấn khởi cười tít mắt. Khi kim giờ và kim phút cùng chỉ số mười hai, cụ Nhất, cụ Kỷ, bác Quang, bác Ly, bác Minh, bà Mơ và bao nhiêu người là người đã tới tụ họp đông đủ ở quán, đồng hồ báo thức trên tầng ba kêu inh ỏi. Miên mắt nhắm mắt mở thức giấc, không biết đồng hồ bị vặn sai thành sáu giờ, cũng không tinh ý như Mi Ni để ý ngoài trời vẫn tối om om, Miên khờ dại bật dậy, cuống quít đánh răng rửa mặt, trang điểm qua rồi thay bộ váy hoa để đi xuống dưới. Trong lòng cứ chắc mẩm ba con nhà nó đang quanh quẩn trong bếp tìm đồ ăn nên khi phát hiện ra cả đại gia đình đang tụ họp ở quán cơm cô hơi choáng. Vừa thấy mẹ Miên bước xuống lầu, Mi Ni liền thả quả bóng bay lên trần nhà rồi xách giỏ hoa chạy ra chỗ mẹ. Theo như lời bác Niệm dặn thì vừa đi nó phải vừa rải cánh hoa hồng ra sàn cho đẹp, nhưng con nhỏ quên khuấy mất nên nó cứ thế cầm cái giỏ đầy cánh hoa chạy phăm phăm, lúc đối diện với mẹ nó mới ngớ người, thế là bé đành rối rít bốc cánh hoa ném tứ tung. Khi cánh hoa trong giỏ vơi đi, Mi Ni chợt nhìn thấy một chiếc hộp hình vuông nhỏ nhắn. Con bé chưa kịp cầm hộp lên xem thì bác Niệm đã nhanh tay cầm chiếc hộp lên trước nó, bác mở hộp ra rồi quỳ một chân xuống trước mặt mẹ Miên, nghèn nghẹn mở lời:
– Nắm Cơm Ngon của anh! Gả cho anh Cống em nhé!
Trong lúc bác Niệm căng thẳng cực độ, mẹ Miên xúc động khóc như mưa, mọi người xung quanh nín thở vì hồi hộp thì Mi Ni tỉnh queo, con bé chộp luôn chiếc nhẫn kim cương sáng lấp lánh trong hộp, đôi mắt to tròn long lanh nhìn chằm chằm vào chiếc nhẫn, thật thà nhận xét:
– Nhẫn của bác Niệm đẹp hơn nhẫn của bác Quân đó mẹ. Viên kim cương to quá chừng luôn.
Bác Quân nghe Mi Ni nói thì đen cả mặt, nhưng bác người lớn không chấp trẻ con, nhận ra em Miên chẳng bao giờ thuộc về mình nên bác vẫn mỉm cười chúc phúc cho đôi trẻ. Miên thường kể chuyện linh tinh hồi nhỏ cho con nên bé biết Nắm Cơm Ngon là mẹ, anh Cống là bác Niệm, vì vậy con nhỏ mới hiếu kỳ quay sang hỏi bác:
– Bác Niệm! Mẹ Miên phải đồng ý gả cho bác mới được tặng cái nhẫn này à?
Thấy bác Niệm gật đầu, Mi Ni sốt ruột giục giã:
– Vậy mẹ Miên đồng ý đi chứ còn chần chừ gì nữa? Mau mau lên không có bác tặng nhẫn cho người khác thì phí.
Mọi người phì cười, Miên đang khóc mà cũng phải bật cười. Em nghẹn ngào gật đầu đồng ý, Mi Ni vui vẻ đeo nhẫn cho mẹ, mắt Niệm đỏ hoe, cậu vui sướng đứng dậy nhấc bổng con lên rồi kéo em vào lòng. Gia đình nhỏ ôm nhau đầy tình cảm, gia đình lớn vỗ tay rầm rầm, có vài người xúc động phát khóc. Mi Ni ngó nghiêng một hồi rồi hỏi đầy chất chơi:
– Sao vậy? Mẹ Miên được tặng nhẫn đẹp mà sao các bác khóc quá trời vậy?
Mẹ Miên thủ thỉ bảo Mi Ni là các bác vui cho mẹ con mình nên khóc. Mẹ xạo! Vui thì phải cười chứ sao lại khóc nhè? Mi Ni còn chưa hiểu gì thì mẹ đã nói thêm rằng bác Niệm là ba ruột của Mi Ni đấy. Ơ? Mi Ni có ba á? Mi Ni lại cứ tưởng Mi Ni chỉ có mẹ thôi chứ. Hoá ra Mi Ni cũng có ba như bao bạn khác. Ơ hay nhờ? Không những có ba mà còn có ba đẹp trai khủng khiếp nữa chứ! Sướng thế! Mi Ni cười tủm một cái rồi hí hửng thơm vào má ba, bẽn lẽn gọi:
– Ba Niệm!
Ba Niệm nghe gái cưng gọi mình bằng cái giọng ngọt xớt thì hạnh phúc trào cả nước mắt. Mi Ni tưởng ba buồn nên dẻo miệng nịnh nọt:
– Đét đi! Đôn cờ roai! Ai nhớp diu!
Miên đến bó tay với con gái luôn, Mi Ni nhà cô đâu có bị ngọng tiếng Anh đâu, chẳng qua là chị ấy cố tình làm điệu để dỗ dành ba chị thôi, ý chị ấy là “Ba ơi! Đừng khóc! Con yêu ba!”. Ba Niệm dường như rất cưng cái sự điệu đà đó, ba thơm má gái yêu, tình cảm bảo:
– Bé cưng! Ba cũng yêu bé!
Bị cho ra rìa, Miên giả bộ tủi thân hờn trách:
– Chả ai yêu tôi!
Mi Ni và Niệm nhìn nhau tủm tỉm cười rồi cùng nhau thơm chụt vào má Miên và cùng nói một lúc:
– Mẹ Miên ưi! Mi Ni yêu mẹ Miên ghê lắm á!
– Miên! Anh và con yêu em!
Được hai ba con nhà nó tỏ tình cùng lúc, lòng Miên như có trăm vạn đoá hoa đang đua nhau khoe sắc. Trước mặt đông đủ mọi người, cô cũng nói tiếng yêu với gia đình nhỏ của mình. Sau đó ba người đồng thanh nói yêu gia đình lớn. Gia đình lớn cũng vui vẻ nói yêu gia đình nhỏ… và… bọn họ đã yêu nhau như thế đấy! Hãy luôn nói với người thân của mình rằng bạn yêu họ nhé, vì có thể bạn yêu họ rất nhiều, nhưng nếu bạn không nói ra thì chưa chắc họ đã cảm nhận được. Ngược lại, nếu như có một ngày bạn chịu bày tỏ, thì biết đâu đối với họ, ngày hôm ấy sẽ là một ngày rực nắng!
HẾT.
Nơi có nắng, có gió và yêu thương đong đầy.
Île-de-France, 03/12/2019
Lan Ruas Story ~ Porcupine & Duck Family.
P/S: Thank & Love!
_nhim_yeu_vole_