Bạn đang đọc Đi Hết Một Đời Anh Vẫn Là Của Em – Miên Man Nỗi Nhớ – Chương 33: 33. Đâu Là Kết Quả Thật?
Ở NIEM Group, Quang trở thành người nắm nhiều cổ phần chỉ sau anh Niệm, vì anh đề xuất nên mọi người đều ủng hộ cậu lên làm Chủ tịch. Tuy nhiên, Quang từ chối, cậu tuyên bố sẽ lên nắm quyền khi nào mình là người sở hữu nhiều cổ phần nhất. Sở dĩ Quang có quyết định như vậy là vì sau khi được anh Niệm cho nghe đoạn đối thoại giữa cô Bích và bác Sơn, cậu đã bớt rầu rĩ và trở về phòng bóc phong thư ba để lại cho mình. Ba viết khá dài, ba thừa nhận những năm vừa qua dành nhiều thời gian bên mẹ và hơi thiếu trách nhiệm trong công việc. Ba phân tích qua cho cậu về tình hình hiện tại của tập đoàn, về những công ty đang lỗ và những công ty có doanh thu bị chững, về những khó khăn Quang sẽ phải đối diện khi một mình gánh vác con tàu lớn. Ba trao cho anh tất cả vì ba muốn ép anh phải có trách nhiệm vực dậy NIEM Group cho ba, khiến nó trở nên kiên cố trước khi Quang kế nhiệm. Ba tin rằng anh sẽ không bao giờ lấy đi NIEM Group của Quang, bởi với một người có tính lười sẵn trong máu như anh, nếu không vì bất đắc dĩ anh sẽ không ôm đồm.
– Niệm! Giúp em dẹp loạn!
Quang chủ động hạ cái tôi của mình xuống để nhờ vả anh trai. Anh Niệm khẽ ừ, gánh vác cả hai tập đoàn lớn trên vai, anh thường xuyên phải làm việc quá giờ. Quang rất mừng vì NIEM Group được anh che chở, nhưng cậu cũng thương anh vất vả, thế nên vào ngày thứ một trăm sau ngày ba mẹ ra đi, cậu thay anh đứng ra lo liệu mọi chuyện. Ông nội Quang vẫn hôn mê, bà nội đã tỉnh nhưng bà lầm lì ít nói, cả ngày ở trong bệnh viện chăm ông. Quang rủ bà về nhà nhưng bà toàn lắc đầu, bà chảy nước mắt bảo:
– Không về. Về đau lắm!
Những lúc như thế Quang cũng chảy nước mắt theo bà. Thi thoảng Quang và Miên đưa Mi Ni tới thăm bà, bà thích con nhỏ lắm, cứ ôm nó mãi thôi. Có hôm thấy bà thở dài thườn thượt, con bé dùng ngón tay bụ bẫm chọt chọt vào má bà, nhí nhảnh nịnh nọt:
– Chụ Chị chóc tréng như bờ chiên, chụ đập nhão ghê á!
– Cụ Kỷ tóc trắng như bà tiên, cụ đẹp lão ghê á!
Miên nói đế theo cái giọng ngọng líu lo của con gái, bà Kỷ phì cười bẹo má con nhỏ. Phần vì muốn được gần gia đình, phần vì muốn gắn bó với quán cơm, Miên quyết định không sang Mỹ sinh sống nữa. Em đã chính thức công khai Mi Ni với tất cả mọi người. Tất nhiên, em nói dối con bé là con của em với người bạn học cùng đại học, nhưng hai người chia tay rồi nên giờ em là mẹ đơn thân. Từ bà nội, các chị giúp việc trong nhà tới các cô các thím trong họ, ai cũng kêu gào con nhỏ giống mẹ Hoài. Miên cười cười giải thích:
– Chắc tại lúc chửa nó em hay ngắm ảnh mẹ.
– Đúng vậy, người ta nói khi bầu mẹ chăm ngắm ai thì sau này sinh ra con sẽ rất giống người đó.
Ông Nhị nói đỡ cho Miên, xưa giờ ông chẳng mấy khi quan tâm tới em, nhưng từ lúc ông nội cậu bị hôn mê, ông Nhị tỏ ra thân thiện với Miên hơn hẳn. Những ngày đầu em mới về nước, ông thường xuyên bắt chuyện với em, hỏi han tình hình ở bên Mỹ. Bữa nay ông còn cao hứng bế Mi Ni đi xuống bếp, ngọt ngào cưng nựng:
– Eo ui thương thế nhỉ? Con nhà ai mà xinh gái thế?
Thấy Mi Ni lười không chịu nói chuyện với mình, ông Nhị gắp một xiên thịt nướng giềng sả thơm phưng phức đưa lên dí vào mũi nó rồi mồi chài:
– Thơm không?
– Chơm!
Mi Ni ngay lập tức đáp lời, ông Nhi lại hỏi:
– Ăn không?
Con bé gật đầu lia lịa, ông Nhị bảo nó trả lời câu hỏi trước của ông đi rồi ông cho ăn. Nó nhí nhảnh đáp:
– Dợ, cong nhà cong goái nhoà mạ Min ợ.
– Dạ, con là con gái nhà mẹ Miên ạ.
Miên sửa phát âm cho con, nhưng Mi Ni không thèm tiếp thu, bàn tay bụ bẫm của nó chộp luôn xiên thịt nướng của ông Nhị rồi ăn lấy ăn để. Quang phì cười nhắn tin cho anh trai:
“Bác Niệm xong việc thì về nhà ngay ạ, cỗ bàn xong hết rồi. Gớm cháu gái bác tham ăn không khác bác chút nào, được mỗi cái nhan sắc xuất thần, ai gặp cũng mê tít, đến cả ông Nhị cũng cưng nó quá chừng.”
Dương Tất Niệm nhận được tin nhắn của em trai liền thở dài, ngoảnh đi ngoảnh lại vậy mà cũng đã một trăm ngày, nếu mẹ Hoài và ba Niệm còn ở nơi đây, chắc mẹ Hoài sẽ tranh ôm Mi Ni suốt, và ba Niệm sẽ lẽo đẽo bám theo hai bà cháu. Quang bảo trong tất cả các anh chị em thì Niệm là người máu lạnh nhất, ba mẹ ra đi đột ngột như vậy mà chẳng thấy anh gào khóc mấy. Thi thoảng Quang vô tư chỉ trích anh mình mà quên mất rằng nếu như Niệm không biết kiềm chế cảm xúc của bản thân để tập trung lo việc lớn thì Quang đâu có những giây phút thảnh thơi để mà thoả sức đau lòng. Nhiều khi người khóc lóc thảm thương nhất chưa chắc đã phải người đau nhất, người đau nhất, đôi lúc chỉ đơn giản là người phải gồng mình nhiều nhất. Đến hôm nay, Niệm mới lấy hết can đảm để mở phong thư ba để lại cho mình. Khác với bức thư viết cho Quang, thư ba viết cho Niệm cực ngắn:
“Tất Niệm!
Khi người đầu bếp nấu một món ăn, nếu như ông ta không tận mắt canh chừng tất cả các công đoạn thì không có gì đảm bảo rằng món ăn đó sẽ được nấu y chang công thức ban đầu.”
Niệm hiểu thâm ý sâu xa trong câu nói tưởng chừng như vô thưởng vô phạt của ba. Tin nhắn của Quang cũng khiến cậu thêm phần nghi ngờ. Có người chau mày nhìn chằm chằm vào danh sách trợ lý và vệ sĩ của mình, sau đó khoác chiếc áo vest rời khỏi văn phòng. Hôm đó, Niệm đã tới bệnh viện lấy tóc của ông nội, cậu cũng ghé qua nhà, lén đứng đằng sau Miên cắt của em một lọn tóc nhỏ. Em đang mải nấu nướng nên không hề hay biết gì. Sau khi đã bỏ tóc vào túi bảo quản, Niệm chưa vội đi ngay mà cố ý nán lại hít một hơi thật sâu tận hưởng mùi rau khoai lang xào tỏi thơm ngào ngạt. Xào xong chảo rau lớn, Miên nhanh nhẹn gắp rau vào các đĩa rồi bày lên các mâm cỗ ở trên kệ. Nhà có cỗ nên Miên bận không bao quát được hết mọi thứ, mất hai đĩa rau xào trong lúc làm dưa góp mà mãi một lúc sau cô mới phát hiện ra. Cô nhăn mặt hỏi chị Thương:
– Chị ơi sao lại có hai mâm thiếu rau thế này?
Chị Thương khẽ nhún vai liếc ra chiếc bàn cách đó không xa. Có hai kẻ ăn vụng dường như chẳng biết liêm sỉ là gì, vẫn vô tư ăn không ngừng nghỉ. Mi Ni nhà cô thường ngày thích bò hẳn lên bàn bốc rau ăn lấy ăn để cơ mà? Bữa nay sao tự dưng lại khí chất thế? Cũng bắt chước bác Niệm ngồi ghế dùng đũa gắp rau, thể hiện ta đây rất thanh lịch. Tuy gắp mãi mới được một cọng rau nhưng nàng ta còn hờn bác nên kể cả bác gắp hộ cho cũng nhất định không chịu ăn. Đây là bếp chung ai cũng có quyền tự do ra vào, phận làm em gái Miên cũng không thể cấm anh trai ăn rau xào, cô chỉ có thể càu nhàu con gái cưng:
– Mi Ni! Sao con ăn hoài vậy? Ban nãy ông Nhị cho con ăn bao nhiêu đồ vẫn chưa đủ à?
Mi Ni phụng phịu giải thích:
– Ben nã mứi ăn xương xương hoi à.
Ghê thật, ban nãy ăn như thụi thế mà dám kêu mới ăn sương sương thôi à, xạo! Con bé này giống ba ở chỗ mặc dù rất háu ăn nhưng chưa bao giờ bị béo phì, chỉ luôn dừng lại ở mức bụ bẫm đáng yêu. Chỉ là nó chưa học được cách ăn sao cho duyên dáng, nhấm nháp có vài cọng rau mà dính cả chiếc lá xanh lên má phính kia kìa. Niệm trìu mến bóc bịch khăn ướt, định lau má cho con nhưng bé giận dỗi quay ngoắt đi chỗ khác, ra điều không cho bác chạm vào mình. Bị gái yêu lạnh lùng, có người rầu rĩ ca thán bâng quơ:
– Buồn thế!
Có đứa nhỏ tuy giận bác Niệm ghê lắm nhưng thấy bác kêu buồn lại quay đầu lại liếc trộm bác. Bác chớp thời cơ thơm chụt lên má Mi Ni, nhân cơ hội ăn luôn hộ Mi Ni chiếc lá rau dính trên má. Con nhóc sửng sốt hét lên:
– Eo ui! Bửn thía!
Vì Mi Ni nói ngọng quá nên hội chị em đang nấu nướng trong bếp ngoại trừ Miên thì không ai hiểu nó chê bác Niệm bẩn thế. Không thấy anh Niệm cáu gắt, Miên tưởng anh không nghe ra, ai ngờ đợi lúc con nhỏ không để ý, anh bôi tương ớt lên chóp mũi nó rồi còn dùng chiếc gương nhỏ chiếu thẳng vào mặt nó, để nó thấy được cái mũi lấm lem của mình la toáng lên, còn anh thì đểu cáng trêu chọc:
– Công nhận, con nhà ai mà bẩn thế nhờ?
Bị bác Niệm chê bẩn, Mi Ni cáu nhặng xì ngậu phủ định:
– Mi Ni hem bửn. Béc Nịm mứi bửn á.
– Ừ, bác Niệm mới bẩn, còn Mi Ni sạch nè, thơm nè, xinh gái nè, đáng yêu nữa nè.
Niệm xuống nước nịnh nọt, Mi Ni nghe hơi sướng tai nhưng vẫn kiêu căng lườm bác. Niệm đủng đỉnh đứng dậy thó một miếng khoai tây chiên giòn rồi chấm tương ớt dính trên mũi Mi Ni. Khoảnh khắc bác Niệm dí miếng khoai vào mũi mình, Mi Ni thèm nhỏ dãi, nó đã há miệng rõ to rồi mà thế nào bác chẳng biết ý đút cho nó ăn, bác bỏ vào miệng bác, nhai rõ ngon nghẻ, xong còn tủm tỉm cười hại Mi Ni buồn thúi ruột. Con nhỏ mếu máo mách mẹ:
– Mạ Min ưi! Béc Nịm bét nợt Mi Ni!
– Bắt nạt chứ không phải là bét nợt. Con cứ làm như mình dễ bị bắt nạt lắm không bằng. Phải người khác thì con đã nhanh tay giật luôn miếng khoai rồi lờ người ta đi không thèm đếm xỉa rồi, làm gì có chuyện nói ríu rít suốt thế?
Mẹ Miên bóc phốt con gái, Mi Ni cau có bảo:
– Tựi… tựi… béc Nịm đớn ghéc á!
– À! Ra là tại bác Niệm đáng ghét hả? Nếu con ghét bác thì con tránh xa bác ra, cứ ngồi sấn lại gần bác làm gì?
Miên trêu, Mi Ni xấu hổ không dám ngồi gần Niệm nữa, con bé chạy ra ôm chân mẹ, nài nỉ mẹ cho ăn khoai tây chiên. Niệm còn muốn trêu con nhỏ thêm một lát nữa nhưng chợt phát hiện ra trong lúc mình làm bộ mải mê ăn rau, một vệ sĩ lén chạy đi chỗ khác đã quay trở lại vị trí cũ. Niệm nhanh chóng rời khỏi nhà. Ông nội là người Niệm kính trọng nhất nên cậu chưa bao giờ nghi ngờ vệ sĩ ông đích thân tuyển chọn cho mình. Ông từng dạy Niệm nếu muốn một người trung thành với mình thì mình nên tin tưởng và tôn trọng người ta. Nếu là trước đây, cậu chỉ nghĩ vệ sĩ đứng lâu một chỗ mỏi chân, muốn đi dạo linh tinh cho thoáng hoặc có nhu cầu cần giải quyết. Nhưng bây giờ, khi đã được Niệm ba nhắc nhở, Niệm đoán mọi việc không hề đơn giản như thế. Tất nhiên, Niệm vẫn giữ nét mặt thản nhiên, vệ sĩ thấy Niệm không phát giác ra điều gì thì thở phào nhẹ nhõm. Ban nãy anh ta vừa trốn đi để gọi điện cho ông Nhị. Vì đang ở chỗ đông người nên ông phải vào nhà vệ sinh nghe máy:
– Đã bảo không gọi khi ông đang ở nhà ông Nhất cơ mà?
– Nhưng có chuyện gấp ông ạ… bữa nay Chủ tịch lại thu thập mẫu tóc của ông Nhất và Miên.
Cái thằng này vẫn chưa bỏ cuộc cơ à? Cũng may ông có tai mắt ở khắp mọi nơi. Niệm tuy giỏi nhưng dẫu sao vẫn còn trẻ, thời gian gắn bó với Nhất Kỷ so với ông chỉ là con số lẻ, sao đã giỏi chiêu trò được như ông?
– Nếu như Chủ tịch đem mẫu tóc gửi ra nước ngoài như những lần trước thì đơn giản, Giám đốc công ty chuyển phát nhanh Nhất Kỷ là chỗ thân tín của ông, ông ta tự biết cách sắp xếp, tụi bay khỏi cần nhúng tay vào.
– Nhưng nhỡ lần này Chủ tịch không dùng dịch vụ chuyển phát nhanh của Nhất Kỷ thì sao ạ?
Thì vẫn chả sao cả, lăn lộn trên thương trường bao nhiêu năm, thường xuyên đi nhậu nhẹt với các chiến hữu nên mối quan hệ của ông Nhị tất nhiên rộng hơn của Tất Niệm. Tự tin là sẽ có cách giải quyết ổn thoả nên ông bảo:
– Việc của tụi bay là âm thầm theo dõi xem Chủ tịch dùng dịch vụ của công ty nào, việc còn lại ông lo.
– Dạ, nhưng nhỡ Chủ tịch đích thân đem hai mẫu tóc tới bệnh viện chứ không nhờ dịch vụ chuyển phát thì sao ạ?
– Hỏi lằm hỏi lắm, vận động đầu óc lên! Tìm cách tráo mẫu tóc trước khi Chủ tịch tới bệnh viện, nếu không tráo được thì tìm cơ hội hành động sau. Nếu Chủ tịch tới bệnh viện Nhất Kỷ thì chỉ cần nói với Giám đốc bệnh viện tụi bay là người của ông, ông ta sẽ tự hiểu. Còn nếu không phải là bệnh viện Nhất Kỷ thì tìm cách mua chuộc bác sĩ, nếu không mua chuộc được thì có thể tạo tình huống va vấp hoặc đánh thuốc mê để tráo mẫu tóc. Có cả tỉ cách ra đấy mà sao tụi bay cứ phải hỏi ông hoài vậy? Lương ông trả cho tụi bay không đủ ăn hay sao mà đầu óc toàn bã đậu thế?
Ông Nhị nổi cáu, anh vệ sĩ sợ hãi vâng dạ rồi cúp máy. Vệ sĩ của Tất Niệm đều là người mà ông Nhất đích thân tuyển chọn cho thằng bé, nhưng trước khi ông Nhất chọn, ông Nhị là người đề cử, thế nên có người làm việc cho ông là điều dễ hiểu. Ông cũng ngầm gài gắm người làm lái xe, trợ lý cho Chủ tịch. Thực ra ông chưa bao giờ có ý định làm gì bất lợi cho tập đoàn cả, chỉ là giống như hồi ông Nhất làm Chủ tịch, ông muốn biết đường đi nước bước của cấp trên để dễ dàng phục vụ. Từ ngày ông Nhất rơi vào trạng thái hôn mê, tâm trạng ông Nhị tuột dốc không phanh. Ông tới thăm ông Nhất hàng ngày và những lúc bà Kỷ không có ở đó, ông rất hay trò chuyện với ông Nhất. Chỉ khi ông Nhất không tỉnh táo ông mới dám nói thật lòng mình, rằng ông từng làm việc có lỗi với ông Nhất, ông rất sợ nếu ông Nhất biết chuyện, ông Nhất sẽ cạch mặt ông. Ông Nhị đang giấu một cái kim trong chiếc bọc kín mà ông thầm mong ước nó sẽ không bao giờ bị lòi ra. Trong thâm tâm, ông Nhị không hề muốn gian dối chuyện xét nghiệm ADN, nhưng ông có chỗ khó xử riêng. Cái lần ông Nhất đưa hai mẫu tóc cho ông đem sang khoa khác làm xét nghiệm, lúc đó ông đang đào tạo con trai để thay thế vị trí của mình sau khi mình về hưu nên ông chủ quan đưa cho nó làm giúp mình. Biết tin Miên là con gái của Chủ tịch và Hương, ông quả thật cũng sốc, tại Chủ tịch già rồi mà vẫn có con, nói thật ông vô cùng ngưỡng mộ. Sau khi ông Nhất tiết lộ chuyện đó cho Tất Niệm, không lâu sau ông nghe người của mình báo cáo Niệm sai trợ lý về nhà tìm bàn chải đánh răng của ông nội và Miên để đem đi xét nghiệm ADN thêm một lần nữa. Thấy thằng bé nghi ngờ kết quả ban đầu, ông Nhị cũng sốt sắng bật dậy, muốn đích thân đi làm xét nghiệm giúp Niệm cho an tâm. Ngặt nỗi ông vừa mới thay xong bộ đồ để ra ngoài thì thằng con trai ông lao tới ôm chân ba khóc lóc năn nỉ van xin ông tráo kết quả giúp nó.
– Sao phải tráo kết quả?
Ông Nhị chau mày hỏi, anh Nhẫn hoảng hốt đáp:
– Vì Miên không phải là con của Chủ tịch Nhất, nó là con gái ruột của con. Cái đợt Chủ tịch gần gũi với con Hương, con… con trót… trót dại léng phéng vài đêm…
Mặc dù ông Nhất đã về hưu nhưng mọi người trong tập đoàn Nhất Kỷ vẫn quen miệng gọi ông là Chủ tịch Nhất. Ông Nhị chau mày hỏi con trai:
– Con Hương có biết không?
– Ba phải hỏi nó mới có đáp án chính xác chứ.
– Mày nghĩ nó chịu khai thật hả? Có thể nó biết nhưng lờ đi vì quá khao khát có một đứa nhỏ để kế thừa Nhất Kỷ.
– Con thì con đoán nó không biết. Nó bị bịt mắt mà ba, Chủ tịch tập võ thường xuyên nên dáng dấp cũng đâu có thua kém con là mấy. Với cả khi đó con cũng chẳng lên tiếng, chẳng có bước dạo đầu, con cứ thế triển luôn đó ba…
– Thằng… thằng nghịch tử… đến đàn bà của Chủ tịch mày cũng dám chơi. Mày điên rồi hả?
Ông Nhị giận tím mặt mày, anh Nhẫn phân trần:
– Tại nó láo đó ba. Hồi xưa có vài lần con giúp ba chăm sóc nó, nó sai con hết chuyện này tới chuyện kia, còn mỉa mai con xấu như chó kiểu gì cũng ế dài cổ. Mà hạng đàn bà sẵn sàng trèo lên giường đàn ông đã có vợ để đạt được quyền thế như nó nào có cao sang gì?
– Cái thằng đàn ông xơ múi như mày thì cũng chỉ là một thằng giẻ rách mà thôi!
– Con biết con giẻ rách rồi, giờ con mới hiểu thế nào là một phút bốc đồng trăm năm bốc cứt, con hối hận lắm. Ba ơi ba thương con, ba giúp con với ba!
– Mày cứ đùn ra đấy rồi lại bắt tao đi hốt phân thế hả? Biết ăn vụng thì cũng phải biết chùi mép chứ? Thằng ngu!
– Làm sao mà chùi mép được hả ba? Sau đó Chủ tịch cũng không muốn dính líu tới con Hương thì con tội gì mà dính vào? Với cả con cũng tưởng như ba và Chủ tịch, tưởng nó bỏ đứa con đó rồi nên an tâm, ai dè…
– Ai dè làm sao? Mày biết Miên là con gái của mày từ bao giờ? Có chắc là con của mày không?
– Chắc chắn, nó giống mẹ ruột của con y như đúc mà ba.
– Mẹ ruột nào? Mẹ ruột mày da trắng má hồng nào có giống nó, mày đừng có vớ vẩn.
Ông Nhị lấp liếm, anh Nhẫn cười khổ:
– Thôi ba đừng cố xạo nữa, con gặp mẹ ruột con rồi. Mẹ ruột của con dáng đẹp y như siêu mẫu ý, nhưng chắc ba chẳng nhớ bà ấy đâu, vì bà ấy chỉ là tình một đêm của ba thôi. Cho dù ba và mẹ có đón con về nuôi từ thuở lọt lòng cũng không thể nào che giấu được con là máu mủ của bà ấy. Lần đầu tiên gặp Miên vào bữa tiệc sinh nhật tuổi hai mươi của con bé con đã ngờ ngợ, vì nó có làn da màu nắng và những đường cong đẹp đến lạ lùng.
Bị con trai bóc phốt, ông Nhị muối hết cả mặt, ông chẳng thể làm gì ngoài hỏi đểu:
– Con gái ruột của mày mà tới năm nó hai mươi tuổi mày mới ngờ ngợ ra à? Mày cũng giỏi ghê!
– Ba bị lẫn hả? Từ ngày biết con lái xe chở Nhất Niệm và thằng Hoàng gây nạn cho ba con Hoài rồi lại đổ tội cho Niệm, ba sợ người ta bàn tán nên có cho con bén mảng tới nhà Chủ tịch bao giờ đâu? Mãi tới hôm sinh nhật Miên hai mươi tuổi, ba chè chén với Chủ tịch say khướt, mẹ bảo con tới đón ba thì con mới ghé vào xíu chứ. Từ lúc gặp nó về con nóng hết cả ruột, mãi mới trộm được ít tóc của nó để đem đi xét nghiệm ADN. Lúc nhận kết quả, biết mình là cha đẻ của nó con càng hoảng, lúc nào con cũng sợ Chủ tịch biết chuyện.
– Vậy ra chính mày tráo kết quả lần vừa rồi hả? Thằng mất nết! Đi! Tao phải dắt mày đến gặp Chủ tịch Nhất thú tội. Để Chủ tịch muốn xử mày ra sao thì xử.
Chủ tịch Nhất là người mà ông Nhị kính trọng nhất, cũng là người tuy không có máu mủ họ hàng nhưng rất yêu thương và tin tưởng ông, nên ông không muốn giấu Chủ tịch cái bí mật động trời này. Chỉ là, con trai ông một mực can ngăn hành động của ba mình, nó nói:
– Con van ba đấy, nếu như bây giờ mọi chuyện bị phanh phui thì con sẽ không còn mặt mũi nào ở lại Nhất Kỷ nữa. Chủ tịch có thể tha thứ cho con một lần vì vụ tai nạn chứ không thể tha thứ cho con lần thứ hai. Mọi người trong hội đồng quản trị sẽ nhìn ba với ánh mắt như thế nào? Họ sẽ nói ba là đồ ăn cháo đá bát, Chủ tịch tốt với ba như vậy mà ba lại chơi ông ấy vố đau…
– Mày thôi ngay cái trò lôi ba mày vào câu chuyện bẩn thỉu của mày đi, tao không làm gì sai, tao không sợ.
– Ba không sợ nhưng liệu Chủ tịch Nhất có tin ba không? Chính ba là người sắp xếp con Hương cho Chủ tịch, cũng chính ba được ông ấy giao cho đi xét nghiệm ADN. Ba nói ba không biết con đổi kết quả xét nghiệm chẳng khác nào nói xạo cả. Một con cáo già như ba làm gì có chuyện bị con trai qua mặt dễ dàng như thế?
– Mày! Thằng khốn nạn! Tao ngu nên mới tin mày!
– Người ta chẳng nghĩ ba ngu đâu, người ta sẽ nghĩ ba cũng khốn nạn như con thôi. Cha nào con nấy mà ba. Thôi, đã đổi một lần thì đổi thêm lần nữa đi ba. Giờ mà lộ ra là mặt mũi thể diện của ba quẳng cho chó gặm luôn đó, Chủ tịch chắc chắn sẽ từ ba, hội bạn bè sẽ khinh ba. Gì chứ cái thứ chó phản chủ là thứ tởm lợm nhất đó ba à. Một khi ba con mình cùng bị khinh rẻ thì số phận người thân của chúng ta hiện đang làm việc ở Nhất Kỷ sẽ ra sao? Gia đình mình bao nhiêu năm có tiếng là gia đình gia giáo, giờ bị người đời bàn tán chỉ trỏ, ba chịu nổi không ba?
Chỉ vì cái thể diện của bản thân và gia đình mà ông Nhị bất đắc dĩ phải làm chuyện có lỗi với Chủ tịch Nhất và cả Chủ tịch mới của Nhất Kỷ. Ông can thiệp vào tất cả những lần xét nghiệm ADN của Dương Tất Niệm. Lần này cũng vậy, sau khi nghe người của mình gọi điện báo cáo đã thành công tráo mẫu tóc, ông thở phào đầy nhẹ nhõm. Chỉ là, không ngờ ngày hôm sau Chủ tịch Niệm vẫn gọi ông lên văn phòng, đưa cho ông hai tờ giấy xác nhận hai kết quả khác nhau. Mồ hôi của ông Nhị vã ra như tắm, Chủ tịch nhìn ông chằm chằm, tủm tỉm hỏi:
– Đâu là kết quả thật?