Đọc truyện Dì Ghẻ – Chương 66: Đi câu cá
Hôm sau chú Đại đi ra nhà bà ngoại chơi, tiện thể thăm dò cu Nam chuyện địa chỉ nhà cô giáo. Cuối năm thi cử xong nên chuyện học hành cũng nhẹ, dù là đầu tuần nhưng hôm đó Nam vẫn được nghỉ học. Dường như nhà trường các thầy cô cũng rục rịch chuẩn bị đón tết nên thi thoảng cũng lại cho các cháu nghỉ ngơi sau kỳ thi cuối năm. Chỉ mỗi con bé Hạnh là vẫn học đều bởi các cô thu tiền học phí ăn nghỉ của các cháu cả năm rồi nên không dám cho nghỉ bừa. Thế nên con bé vẫn cứ ngày hai cơ ăn ở tại trường.
Lúc đó là 8h sáng, trời cũng khá lạnh. Đang suýt xoa chạy vội vào sân thì chú Đại thấy bà ngoại đang quét qua cái sân, còn thằng Nam đang chỉnh chỉnh lại cái cần câu bằng trúc, dưới chân nó có túi tôm nhỏ cùng với một cái xô. Chú Đại đánh động:
– – Con chào bác, lạnh thế này mà hai bà cháu dậy sớm thế.
Bà ngoại nghe giọng nhận ra ngay:
– – Chào chú, sáng bảnh mắt ra còn sớm gì nữa. Tôi là tôi dậy từ 5h sáng rồi…Chú lại nhà chơi, ăn uống gì chưa. Sáng thằng Nam nó xào cơm với trứng vẫn còn chú có ăn không..?
Nam chào chú Đại:
– – Chú làm bát cơm rồi đi câu cá với cháu không..?
Chú Đại bản tính cũng ham ham mấy cái trò câu kẹo của miền quê, nghe thấy thú thú nên chú quên luôn mục đích đến đây là làm gì. Gật đầu chú Đại nói:
– – Ok, thế còn cần không chú mượn cái. Từ bé đến giờ đã được đi câu đâu..? Mà chú làm bát cơm đã…
Bà ngoại cười:
– – Cơm trong chảo dưới bếp đấy, chú tự lấy bát mà xúc ăn nhé. Nam nó xào đấy…Lạnh này cá nào nó ra khỏi hang mà đi câu.
Nam cười:
– – Cũng lâu lắm rồi cháu không nghịch mấy cái này, sáng nay dậy sớm trời âm u như này đi câu lại hay.
Chú Đại vừa và cơm vừa nói:
– – Ế ần ủa chú âu… ( Thế cần của chú đâu).?
Nam chạy lại góc tường gần bếp lấy thêm một cái cần câu nữa rồi chỉnh lại chì, chỉnh lại phao, lau lại lưỡi câu rồi đáp:
– – Chú đã dùng loại này bao giờ chưa..?
Chú Đại nói:
– – Chưa, chú thích mấy cái này lắm mà trên Hà Nội có câu cá bao giờ đâu..? Chú chỉ thấy mấy ông già hay vác cái cần quay tay ra hồ thôi..
Nam cười:
– – Mấy cái cần đó đắt lắm, bọn cháu lấy tiền đâu ra mà mua..? Cần này toàn cháu tự làm thôi đấy.
Chú Đại nhai vội bát cơm xào trứng rồi chạy lại ngắm cái cần câu nhìn Nam bĩu môi:
– – Thằng này điêu, cần tự làm sao lại thẳng đẹp như thế này được. Tre, trúc nào chặt về mà lại được như thế này…? Nói phét….
Nam chép miệng như cụ non nhìn chú Đại lắc đầu:
– – Haizzz, người ta bảo dân thành phố chẳng biết gì cũng đúng. Cái này cháu lên rừng chặt trúc, đúng là ban đầu đốt nó không được đều như này đâu, muốn cái cần câu nó thẳng mà đẹp như này mình phải uốn…Cũng mất công phết đấy chú ạ..Chú ăn xong chưa đi thôi.
Chú Đại gật đầu, nhưng nhìn cái cần câu bằng trúc thẳng tắp đoạn đầu hơi vuốt xuống có lẽ đã câu được những con cá to nên tổng thể cái cần hơi cong cong. Nhưng làm sao một cây trúc trên rừng lại có thể đẹp thế này được, chú Đại hỏi:
– – Thật không..? Thế uốn như nào vậy, mày nói chú nghe xem nào..?
Nam đội mũ xách xô đi trước, chú Đại đi sau, nó quay lại chào bà ngoại:
– – Cháu đi câu tí bà nhé…
Bà ngoại gật đầu, hai chú cháu đi theo con đường đất nhỏ tiến về phía con kênh trong xóm. Vừa đi Nam vừa nói:
– – Đơn giản lắm chú ạ, này nhé…Chú chặt trúc về, sau đó đốt một cây nến, chú ngắm cành trúc xem muốn uốn chỗ nào, chỗ nào lệch thì hơ qua lửa rồi dùng tay uốn cho nó thẳng với đốt trước là được, cứ uốn như thế cho đến khi chú cảm thấy đẹp là được. Chú không nhìn thấy ở mỗi đốt trúc đều có màu đen do bị hơ cháy xém à…?
Nam nói bây giờ chú Đại mới chú ý, hóa ra là vậy…Bảo sao cái cần nào của thằng Nam cũng đẹp như nhau. Chú Đại vỗ lưng nó bồm bộp cười khoái trí:
– – Ờ ha, thằng này thế mà khéo tay phết nhỉ..? Mà mình đi câu cá gì đấy..?
Nam cười đáp:
– – Mấy cái này trẻ con ở quê đứa nào chẳng biết hả chú. Nhưng giờ ít người còn đi câu lắm, thế càng tốt cá càng to. Kênh này có đủ loại, rô phi, rô đồng, diếc, cá quả…..Hên mà câu được cá quả trưa nay chú cháu mình được bữa canh chua bá cháy luôn đấy. Thịt cá quả trắng, dai, thơm…Nấu canh chua ăn thì ối giời ôi..
Nghe nó nói mà chú Đại đã thèm chảy nước miếng, khuôn mặt rạng rỡ chú Đại tự tin:
– – Được, chú sẽ câu được cá quả cho mày xem…? Chú có vận số hơn người lắm…
Nam bĩu môi:
– – Không dễ đâu chú, mà cần chú cháu mình hơi nhỏ. Nếu câu được cá quả không biết giật lên là cũng gãy cần đấy. Cá quả nó khỏe lắm…
Câu chuyện dọc đường chẳng mấy chốc hai chú cháu đã đến được con kênh trong xóm, nước đục màu nâu nâu, có những bụi cỏ, bụi le rậm rạp, không khí buổi sáng ở quê thoáng đãng vô cùng. Gọi là quê cũng không phải vì cách đây mười mấy cây chỗ trường học không khí sầm uất cũng không kém gì trên phố. Chỉ có điều chỗ nhà bà ngoại Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng của một vùng quê đúng nghĩa.
Chọn được một chỗ có địa hình khá đẹp, Nam để cái xô xuống rồi múc ít nước, không quên cho thêm ít bèo vào trong xô. Chú Đại cũng tài lanh lấy tôm rồi móc vào lưỡi câu như ai, đang định quăng cần thì thằng Nam nó nhặng lên:
– – Úi giời, chú móc cả con tôm thế kia thì cá nó cắn câu sao được. Móc mồi nhỏ nhỏ thôi chú, phải để lộ chút lưỡi câu ra. Như thế cá nó đớp cái hết mồi thì mới dính. Chú để cả con thế kia nó chỉ rỉa thôi.
Chú Đại gãi đầu cười trừ, đúng là đi câu kinh nghiệm của thằng cháu hơn ông chú hẳn mấy bậc. Nghe lời nó chú Đại sửa sai rồi quăng cần ra xa, nhìn cái xô chưa có gì mà nó đã múc nước chú Đại cười:
– – Tí lại xách xô không về thì hài lắm nhỉ..?
Nam chép miệng:
– – Cháu sát cá lắm, chưa bao giờ vác xô đi câu mà về tay trắng cả.
Vừa dứt mồm thì phao của nó bị kéo chìm hẳn xuống nước:
– – A lê hấp, chết ngay….Ha ha ha…
Chú Đại tròn mắt ngạc nhiên vì nó vừa nói xong thì cụ chứng, một con cá rô bằng bàn tay đã mắc câu bị nó giật lên nhẹ nhàng, nhìn cái cần khẽ cong một chút, nhìn con cá rô đang quẫy mình trên không trung cảm giác nó sướng vô cùng. Nó gỡ con cá rô nhanh như khoái rồi liếc chú Đại ra vẻ thách thức:
– – Chậc, đã bảo cháu sát cá lắm mà…?
Chú Đại hơi nóng máy vì bị châm chọc:
– – Cứ bình tĩnh, chú mày câu cá quả cơ chứ cá rô ăn thua gì…?
́y vậy mà cùng một chỗ thằng Nam nó giật cần liên tục, đôi lúc lưỡi câu mắc chưa sâu lên giật được nửa chừng con cá lại rơi xuống nước. Nhưng thương thay cho ông chú ngồi nãy giờ phải đến 20’ mà phao không một lần thèm nhúc nhích. Chú Đại bực quá gắt:
– – Đổi chỗ đi xem nào, chỗ của chú không có cá…?
Nhìn vào xô lúc này đã có nào là rô phi, nào là cá sộp, một hai con diếc. Tất cả đều do Nam lập công, chú Đại nãy giờ ngồi tê mông mà không đem lại lợi ích gì..Thấy ông chú mặt buồn như mất sổ gạo thằng Nam với sang cái cần của chú xem thử. Nó nhấc lên thì ôi thôi, mồi đã rụng mất từ bao giờ, bảo sao cá nó không thèm cắn. Nam cười như nắc nẻ:
– – Đi câu mà mất mồi không biết mà chú đòi câu được cá quả….Thi thoảng chú phải nhấc lên xem còn mồi không chứ, cá nhiều con nó khôn lắm, chỉ rỉa thôi. Mà mồi móc là phỉa dọc theo phần thịt con tôm thì nó mới chắc. Để cháu móc cho chú một lần nhé.
Nó móc mồi cho chú Đại, thả được tầm gần phút thì cần phao câu ( Phao ở cần câu nhé) của chú Đại rung dữ dội. Nam đứng bên cạnh hét to:
– – Giật…giật đi chú…Nó đang kéo phao đi kìa…Giật…
Chú Đại quýnh quáng giật mạnh một phát, một con cá rô to hơn lòng bàn tay bị giật bay lên khỏi mặt nước. Chú đại thích thú cười lớn:
– – Ha ha ha….Chú câu được rồi này…Cá to thế…Đấy đã bảo mà…
Hai chú cháu cứ thế cười ầm ỹ, câu được con cá đầu tiên khiến chú Đại háo hức hơn hẳn. Có vẻ đã học được ít nghề nên chú Đại bắt đầu hòa mình vào cái thú vui nhỏ bé của người miền quê và quên hẳn đi mục đích hôm nay đến tìm cu Nam là gì. Nhưng chẳng sao, cứ vui trước đã….