Đọc truyện Dì Ghẻ – Chương 16: Phải biết chấp nhận
Chú Đại nhìn bố Nam nói:
– – Anh đã sai nhiều lần rồi, nếu anh còn đánh nó thì không sửa sai được nữa đâu.
Bố Nam hạ tay xuống, ông gắt lên:
– – Chú cũng thấy nó xưng hô với anh như nào rồi đấy, nó còn nói không cần loại bố như này mà giờ chú vẫn bênh được à..?
Chú Đại bảo Nam với bác Dung tạm thời ngồi xuống, chú trả lời bố Nam:
– – Đừng trách trẻ con khi chính người lớn mới là nguồn gốc tạo ra những suy nghĩ xấu trong đầu chúng nó. Em đã nói với anh từ lúc anh đón hai cháu về nhà, em đã dặn anh đừng bao giờ dùng bạo lực với các cháu. Mình ra ngoài có thể giết người nhưng với người thân thì mình phải bảo vệ. Sao anh có thể đổ máu vì anh em ngoài kia mà giờ anh lại lấy máu của con mình. Tại sao anh không thử nghĩ xem vì sao nó lại nói như vậy…?
Tất cả mọi người đều im lặng trước lời nói của chú Đại, lúc này chú mới ngồi xuống ghể nhìn bác Dung và Nam rồi nói:
– – Chào chị, em là Đại, là em kết nghĩa của anh Tuấn đây. Gọi là kết nghĩa nhưng bố mẹ em coi anh ấy như con đẻ. Em cũng coi anh ấy như anh ruột, chuyện cháu Nam bị như này tối muộn ngày hôm qua em mới về đến đây nên mới biết. Em cũng đang định chiều nay sẽ ra ngoài nhà bên đó nhưng không ngờ mọi người bên đó lại đến trước. Tuy là em trong nhà nhưng em không ủng hộ cách sử dụng bạo lực nhất là với người trong gia đình. Dù em có được nghe nói lại là cháu Nam láo nên bị bố đánh. Theo em dù cháu láo thì đánh vào mông, vào đùi nó. Đằng này anh Tuấn lại cầm cốc đáp thẳng vào mặt cháu như vậy là sai hoàn toàn. Em thay mặt anh em xin lỗi cháu với mọi người bên nhà.
Chú Đại nhìn Nam hỏi:
– – Thế giờ cháu có muốn ở với bố nữa không…?
Nam nhìn chú Đại trả lời cương quyết:
– – Cháu không muốn ở đây nữa…?
Chú Đại nhìn Nam với vẻ mặt hơi buồn, chú nói:
– – Cháu năm nay cũng đã 16 tuổi, bắt đầu bước vào cấp 3 rồi. Cháu cũng đã biết thế nào là đúng thế nào là sai. Nếu cháu đã quyết định như thế thì chú tôn trọng điều đó. Nhưng chú chỉ đồng ý với quyết định của cháu thôi.
Nhìn Bác Dung chú Đại nói tiếp:
– – Còn thưa chị, trên danh nghĩa thì anh Tuấn vẫn là bố đẻ của cả hai đứa, nếu ra pháp luật khi mẹ hai cháu mất đi thì bố sẽ là người dành quyền nuôi con chứ không phải ông bà hay các bác. Tuy nhiên để xảy ra sự việc như hôm qua thì bây giờ em có ý kiến như thế này. Cũng là để anh Tuấn với chị cùng cháu thử nghe xem thế nào. Em cũng đã nghe hết mọi chuyện từ đầu đến giờ, bên ngoại thật sự rất tốt khi đã chăm lo cho các cháu bao năm qua. Giờ thương cháu là điều ai cũng có thể hiểu được, nhưng việc xảy ra với cháu Nam là chuyện của cháu Nam với bố nó. Em muốn nói thế này để cả hai bên không phải áy náy hoặc đến mức tranh chấp.
Bác Dung lắng nghe nãy giờ nói:
– – Vậy chú cứ nói xem ý kiến của chú là như thế nào..?
Chú Đại nghiêm nghị trình bày:
– – Cháu Nam đã đủ lớn để đưa ra quyết định với lựa chọn của mình, nay cháu không muốn ở với bố, mà tất nhiên vào hoàn cảnh cháu nó bây giờ chắc chắn không muốn ở với người đánh mình đến rách cả mặt. Nên tạm thời trước mắt chị cứ đón cháu về bên ngoại, còn cháu Hạnh thì vẫn sẽ ở đây với bố.
Bác Dung vội ngắt lời:
– – Nhưng chú thấy đấy, ở đây rồi tay nó sẽ còn bao nhiêu vết bầm tím thế kia nữa.
Chú Đại khẽ nói:
– – Chị cứ nghe em nói hết đã, em đang nói về hiện tại. Cháu Nam sẽ về ngoại, còn cháu Hạnh ở đây. Bây giờ những vết bầm trước kia em sẽ coi như không có. Em xin lấy tính mạng mình ra đảm bảo nếu sau này cháu Hạnh chỉ cần nói bị ai đánh thì chính em sẽ đánh kẻ đó gấp 10 lần, cháu nó bị chảy một giọt máu thì em sẽ lấy nó một chén, cứ thế nhân lên. Không cần biết đó là ai, tại vì theo em được biết bà ngoại với các bác ngoài đó cũng khó khăn. Em đang nói đến thực tế, việc nuôi hai cháu ăn học là điều không dễ dàng. Việc chị để cháu Hạnh ở lại đây cũng là tốt cho cháu, đến khi nào cháu lớn đủ tuổi quyết định như Nam mà cháu nó không muốn ở với bố nữa thì lúc đó em lại cho cháu quyết định. Còn hiện tại nó vẫn còn quá nhỏ, rồi một ngày ngay cả cháu Nam cũng sẽ hiểu ra thôi.
Mọi người vẫn im lặng, chú Đại tiếp tục:
– – Còn về việc cháu Nam ở ngoài bà thì hàng tháng anh Tuấn vẫn phải chu cấp tiền ăn uống, lo đóng tiền học cho con. Cái này nếu anh em không làm thì em sẽ là người hàng tháng làm việc đó. Em không thể để sợi dây liên kết cuối cùng của hai bố con bị đứt được. Chính em và bố mẹ em là người khuyên anh Tuấn đón các cháu về. Nay để cháu nó thành ra thế này em cũng có một phần trách nhiệm. Ý em là vậy mọi người thấy sao…?
Bố Nam gật đầu đồng ý, vì những điều chú Đại nói đều là muốn tốt cho bố Nam. Bác Dung cũng không còn cách nào khác ngoài chấp nhận. Bởi lẽ những lời mà người đàn ông nhỏ bé kia nói ra không sai một điểm nào cả. Nó hợp lý với mọi hoàn cảnh bây giờ, thằng Nam đã lớn có thể chịu khổ nhưng nhìn cái Hạnh mới hơn 6 tuổi, con bé từ nhỏ đã vô cùng thiếu thốn. Nếu bây giờ lại trở về cảnh ngày xưa, không còn không bằng ngày xưa khi người bao bọc chúng nó bao nhiêu năm nay là ông ngoại đã mất. Những câu nói của chú Đại không những hợp lý mà còn hợp tình.
Mọi người đều đã đồng ý chỉ còn Nam vẫn cau mày khó chịu, tất nhiên lúc đó nó không thể nghĩ đến nhiều cái như chú Đại phân tích. Nó chỉ biết nó và em gái đã ở với nhau từ nhỏ, giờ mọi người lại muốn chia rẽ anh em nó, làm sao nó có thể chấp nhận. Chú Đại nhìn nó:
– – Nam, giờ là lúc cháu phải nghĩ cho em. Cháu phải biết rằng nếu em gái mà đi theo cháu thì nó sẽ khổ. Đàn ông phải học cách chấp nhận…
Thằng Nam rấn nước mắt cúi mặt gật đầu, nó đi lên tầng lấy quần áo cho vào túi xách rồi đi xuống trong cái nhìn ngơ ngác của bé Hạnh. Con bé vẫn chưa hiểu được rằng từ hôm nay nó sẽ không còn được ngủ với anh, không còn được anh chở đi học, không còn được anh mua đồ ăn sáng nữa. Cho đến khi nó nhìn thấy anh xách túi chào chú Đại, chào bố rồi đi ra cổng. Lúc này nó vội chạy theo nắm tay anh như muốn anh nó dắt nó đi cùng.
Thằng Nam quay lại nhìn bé Hạnh khóc như mưa, nó khẽ bỏ tay em gái ra rồi nói mếu máo:
– – Em phải ngoan nhé, hôm nào nghỉ học anh đón đi chơi.
Con bé lắc đầu nguầy nguậy, nó khóc thét lên khi anh nó cứ thế mà đi theo bác Dung rồi lên xe biến mất trước mắt nó. Nó chạy ra cổng nhìn nhìn xung quanh nhưng không thấy anh đâu, nó cứ thế chạy theo rồi nó vấp ngã, nó lại nhổm dậy định chạy tiếp thì chú Đại bế bổng nó lên đi vào trong nhà. Nó càng khóc to hơn, nó gọi tên anh nó:
– – Anh Nam ơi…Mẹ ơi…
Tiếng gọi lạc cả giọng vì nó đã gào khóc từ nãy đến giờ, nhưng tất nhiên là anh nó làm sao nghe được, rồi nó cũng nín. Nó nấc lên những tiếng nghẹn ngào, bố nó vẫn ngồi ở ghế ngoài phòng khách, mụ Hường và chú Đại cũng ngồi đó. Chú Đại lấy giấy khẽ lau mặt cho bé Hạnh, nhìn bố Nam chú nói:
– – Anh ạ, em chỉ giúp anh được đến thế này thôi. Nếu quả thật anh thương con anh, thương người mẹ đã chết của nó như lời anh nói trước đây thì anh biết anh phải làm gì rồi đấy. Em không muốn anh đã sai lầm một lần ngày xưa, em và bố mẹ trên nhà đã cố khuyên anh sửa sai nhưng bây giờ anh lại sai thêm lần nữa. Con bé chính là hi vọng duy nhất cũng là cuối cùng em giữ lại cho anh để tiếp tục sửa sai thêm một lần nữa.
Bố Nam lúc này mắt đỏ như trực khóc, chú Đại nói tiếp:
– – Anh cũng biết em về đây hôm qua không phải dự đám cưới của anh. Em điện cho anh em về là để cuối tuần em đưa các cháu lên ông bà chơi. Bố mẹ em đi đám cưới về nhìn hai đứa nó đứng dưới không ai đoái hoài ông bà cũng buồn lắm. Vậy mà…….Giờ em sẽ cho cháu Hạnh đi chơi với em vài hôm. Con bé không thấy anh thể nào nó cũng khóc không chịu, em sẽ dỗ nó. Còn anh tạm thời nên ở nhà suy nghĩ lại bản thân mình xem, xem anh đã làm được gì và lấy những gì của hai đứa nó.
Chú Đại bế bé Hạnh lên định đi lên tầng, được mấy bước chú quay lại nhìn mụ Hường nói bâng quơ:
– – Còn những lời em vừa nói có mặt tất cả mọi người là thật, bản thân em cũng sai khi đưa ra ý kiến đón hai cháu về mà vội quên mất một điều. Giờ thì chính em cũng phải chịu trách nhiệm về điều đó. Mong cả anh lẫn chị hãy nghĩ một câu này: “ Trẻ con nó không có tội tình gì cả.” Còn em đã lấy mạng mình ra để hứa thì chị cũng biết rồi đấy.
Mụ Hường câm lặng không mở mồm một câu nào từ khi chú Đại xuất hiện, tất nhiên mụ biết chú Đại là người sống xã hội. Nhưng khác với vẻ tếu táo thích đùa vui những lần trước, lần này vẻ mặt ấy như muốn giết người khi thằng Nam kéo tay áo bé Hạnh và con bé chỉ về phía mụ khi Nam hỏi ai là người đánh em. Mụ hiểu những điều chú Đại đang nói là nhằm vào ai. Trong số anh em kể cả trong nhà thì chú Đại vẫn là người nói mà bố Nam sẽ nghe. Tuy không phải anh em ruột nhưng hai người họ còn hơn cả ruột thịt. Chính mụ Hường cũng không thích điều đó vì mụ biết chú Đại ghét mụ ra mặt. Bằng chứng là ngày tổ chức đám cưới của mụ chú Đại không về, nhưng sau khi xong xuôi chú Đại lại gọi điện cho anh mình là ông Tuấn hỏi thăm các cháu, muốn đón các cháu đi chơi. Để rồi khi biết tin thằng Nam bị bố đánh nhập viện chú Đại về nhà mà không thèm nhìn mặt cả hai vợ chồng mụ.
Ngày hôm nay những lời nói của con người ấy khiến mụ lạnh sống lưng khi nghĩ đến những việc mình đã làm. Mụ thầm nghĩ một ý nghĩ xấu xa khi mụ đổ tất cả mọi chuyện cho Nam:
“ Thằng mất dạy đó lại chọn đúng ngày hôm nay để về.’’
Nhưng mụ vẫn cố gắng ngọt nhạt:
– – Chú cũng đừng nghe lời trẻ con, cháu Nam vốn dĩ đã không ưa chị. Hôm qua chị đưa nó vào viện mà tỉnh dậy nó còn chửi cả chị ấy chứ. Có anh Minh bạn bố nó ở đấy cũng biết…
Chú Đại không trả lời mụ, chú bế bé Hạnh lên tầng, bố Nam quay sang quát mụ Hường:
– – Thôi cô im đi, tôi giờ đã đủ đau đầu lắm rồi.
Mụ Hường ngúng nguẩy, vừa đi vừa lạu bạu mấy câu không rõ là gì. Mụ đi vào phòng rồi lại thò đầu ra nói:
– – Mà trưa nay còn phải sang nhà em gặp các bác với bố mẹ nữa đấy. Đã hẹn từ hôm qua rồi không đi không được đâu. Tối nay thì bạn bè nó rủ đi hát, hôm qua anh say quá nên em hẹn chúng nó tối nay. Chuyện đã thế rồi anh còn suy nghĩ làm gì, hai vợ chồng mới hơn 40 anh thích con trai thì em sẽ đẻ cho anh một đứa. Chẳng hơn à….
Trên tầng hai bỗng nhiên có tiếng “ Rầm “ khá mạnh như ai đó vừa đập cái gì. Mấy phút sau chú Đại đi xuống nhìn bố Nam lắc đầu:
– – Em đưa cháu lên ông bà chơi đây, anh ở nhà giữ sức khỏe. Em đi đây…Hạnh chào bố đi rồi chú chở đi ăn kem, mua quần áo mới nhé..
Bé Hạnh giờ đã nín, nó được chú Đại thay cho bộ quần áo mới xinh xắn, nó khoanh tay chào bố:
– – Con chào bố ạ.
Bố nó giờ mới đứng dậy nhìn nó, ông đi sát lại bế nó lên cao rồi khẽ cười:
– – Ừ con gái bố đi chơi nhé, mấy hôm nữa rồi về đây với bố.
Hai chú cháu dắt tay nhau ra xe, bố nó nhìn theo mà mặt hơi nhăn lại. Có lẽ bố nó muốn khóc vì những việc mình đã gây ra, hoặc có thể bố nó nhận ra sai lầm của mình hiện tại là gì hoặc bố nó thầm biết ơn chú Đại vì đã giữ lại cho mình một thiên nhần nhỏ là bé Hạnh. Nhưng giọt nước mắt đang chảy nơi khuôn mặt bụi bặm, gai góc kia có lẽ là vì Nam, thằng bé bất hạnh giờ chẳng còn lại gì, chỉ còn đó vết sẹo trên mặt không bao giờ khiến nó quên những gì đã xảy ra với nó ngày hôm qua và cả ngày hôm nay nữa. Ai cũng đau, ai cũng có vết sẹo riêng trong tim nhưng chắc chắn nó là người đau nhất và dĩ nhiên vết sẹo của nó không chỉ lớn nhất mà còn ngày càng bị khoét sâu.
Nó về nhà bà ngoại không nói năng gì, bà ngoại ngồi đó buồn rầu còn nó đi xuống nhà tắm, nó tháo băng trên đầu nhìn vào gương ngắm thật kỹ vết rách cùng những mũi khâu chưa lành. Nó nhìn bản thân nó trong gương, nó có đau không…? Đau, không chỉ thể xác mà cả tâm hồn. Nó có khóc không..? Không, nó không rơi một giọt nước mắt nào cả.