Bạn đang đọc Đẹp và Buồn: Chương 08 – Part 2
Chương 08: (Part 2)
Sau cùng Keiko đứng dậy. Cô gái nói:
«Hôm qua mãi gần ba giờ sáng em mới ngủ được.»
Keiko bắt đầu thu dọn chăn đệm.
Otoko hỏi:
«Tại nóng phải không?»
«Dạ…»
«Đừng cất áo ngủ của cô nhé. Cô muốn bỏ giặt.»
Otoko ôm áo vào phòng tắm. Keiko vào theo để đánh răng. Cô gái xem ra vội vã. Otoko hỏi:
«Sao không tắm luôn?»
«Dạ…»
«Hôm qua em đi ngủ mà không rửa mặt phải không?»
«Vậy sao cô?»
Otoko khả nghi vì vẻ lo ra của cô gái.
«Keiko, tối hôm qua em đi đâu?»
Không có tiếng trả lời.
«Tắm đi Keiko, tắm xong em sẽ thấy khỏe à coi.»
«Dạ, em sẽ tắm.»
Khi Otoko ra khỏi phòng tắm, Keiko đang chọn áo.
Otoko hỏi:
«Em ra phố bây giờ hả?»
«Dạ…»
«Em có hẹn với ai?»
«Dạ…»
«Ai đấy?»
«Anh Taichiro.»
Otoko ngơ ngác như chưa nghĩ ra là ai. Keiko cắt nghĩa:
«Anh Taichiro nhà ông Oki.»
Keiko trả lời rành rẽ, thiếu điều nhắc đến liên hệ cha con giữa hai người đàn ông. Otoko muốn nói nhưng lạc mất giọng. Keiko nói tiếp:
«Em ra phi trường đón anh ấy hôm qua và hẹn sáng nay đưa đi thăm thành phố. Thật ra anh ấy hứa dẫn em đi… Otoko, em không bao giờ giấu cô điều gì. Sáng nay, việc đầu tiên là anh ấy sẽ đưa em đi xem đền Nisonin. Anh ấy muốn thăm một cái lăng trên ngọn đồi gần đấy.»
«Đi thăm lăng?»
«Anh ấy bảo lăng của một quý tộc trong triều đình.»
«Vậy sao?»
Keiko cởi áo ngủ, quay lưng trần lại Otoko.
«Em nghĩ em sẽ mặc kimono cho nó đàng hoàng. Hôm nay chắc sẽ nóng, nhưng ăn mặc xoàng xĩnh em sợ trông không được.»
Otoko yên lặng nhìn cô gái thay đồ.
Keiko đưa tay ra sau nắm múi thắt lưng kéo mạnh. Cô gái nói một mình:
«Thắt lưng phải cho gọn và chặt.»
Qua gương, Otoko nhìn cô gái trang điểm. Keiko nói:
«Cô đừng nhìn em chằm chặp như vậy.»
Otoko cố gắng giữ vẻ dịu hiền. Keiko trang điểm xong, liếc vào gương, và xếp lại lọn tóc mai nơi vành tai. Cô gái đứng dậy, rồi lại ngồi xuống chọn nước hoa.
Otoko chau mày.
«Nước hoa xức đêm qua không rửa mà vẫn chưa đủ sao?»
«Cô đừng lo.»
«Xem ra em bồn chồn nhỉ?»
Rồi Otoko hỏi tiếp:
«Keiko, tại sao em lại đi gặp anh ta?»
«Anh ấy viết thư cho em báo tin anh ta tới.»
Vừa nói Keiko ra tủ cất vội vã vào ngăn kéo mấy chiếc áo nàng đã đem ra để chọn. Otoko nói:
«Xếp lại cho ngăn nắp nào.»
«Được mà, cô…»
«Em lại phải gấp lại à coi.»
«Được mà…»
Keiko nói mà không buồn nhìn lại tủ áo.
Otoko nghiêm giọng:
«Keiko, làm ơn lại đây.»
Keiko trở lại ngồi xuống và nhìn thẳng vào mắt nàng. Otoko quay đi. Nàng hỏi:
«Em không ăn sáng?»
«Không sao cô, hôm qua em ăn tối trễ.»
«Trễ đến khỏi cả ăn sáng?»
«Dạ…»
Otoko hỏi:
«Keiko, tại sao em đi gặp anh ấy?»
«Em cũng không biết nữa.»
«Em có muốn gặp người ta không?»
«Dạ có.»
«Thế là em là người khởi xướng ra cuộc gặp gỡ này. Em có thể cho cô biết tại sao không?»
Keiko không trả lời.
Otoko mắt nhìn xuống hỏi tiếp:
«Em không đi gặp anh ấy có được không? Cô muốn em đừng đi. Em, làm ơn ở nhà cho cô.»
«Tại sao lại không gặp hở cô. Chuyện này ăn nhằm gì đến cô?»
«Tất nhiên là có.»
«Nhưng cô có biết anh ấy là ai đâu.»
«Em đã ngủ một đêm với ông bố, bây giờ lại đi hẹn hò với anh con trai. Coi sao được?»
Otoko không nhắc nổi tên hai người đàn ông. Keiko nói:
«Ông Oki là nhân tình cũ của cô, em đồng ý. Nhưng anh Taichiro, cô chưa bao giờ gặp mặt. Anh ấy không có liên hệ gì với cô. Anh ta chỉ là con trai ông Oki. Cũng không phải là con cô nữa.»
Lời nói phũ phàng làm Otoko tổn thương. Nàng nhớ lại vợ Oki đã sanh đứa con gái không lâu sau khi chính đứa con gái thiếu tháng của nàng qua đời. Otoko nói:
«Keiko, em quyến rũ anh ta phải không?»
«Chính anh ấy viết cho em trước, báo giờ giấc máy bay tới…»
«Em thân với anh ta đến suồng sã như vậy sao?»
«Em không thích lối dùng chữ của cô.»
«Em còn muốn cô nói thế nào? Rằng em với anh ấy có gian díu với nhau?»
Otoko lấy cườm tay chùi mồ hôi trán. Nàng nói:
«Em là một con người đáng sợ.»
Ánh mắt Keiko lóe lên, bí hiểm. Cô gái nói:
«Otoko, em thù ghét đàn ông.»
«Keiko, đừng có đi. Cô xin em. Nếu em nhất định đi, thì đừng có về lại nhà này nữa.»
«Cô!» Keiko nói, dơm dớm nước mắt.
«Em định làm gì Taichiro?»
Otoko lần đầu tiên gọi đến tên con trai người yêu cũ. Hai bàn tay nàng run rẽ trên đùi. Keiko đứng dậy. Cô gái nói:
«Em đi đây.»
«Cô xin em đừng đi.»
«Cô đánh em đi. Đánh em như hôm đi chùa Rêu về.»
Keiko ngồi thêm một lúc như để đợi cho Otoko ra tay. Rồi cô gái vội vã ra khỏi nhà.
Otoko đẫm mồ hôi lạnh. Nàng ngồi quay ra ngoài vườn, thấy khóm tre lấp lánh trong nắng sớm. Sau cùng nàng đứng dậy vào phòng tắm mở nước. Nước chảy ào ào làm nàng giật mình. Vô tình đã vặn nước quá lớn, nàng vội vã vặn nhỏ lại. Nàng rửa mặt và bình tĩnh hơn, nhưng đầu óc vẫn còn căng. Nàng lấy khăn lạnh chườm trán và gáy.
Trở sang phòng ngoài, Otoko ngồi xuống trước tranh mẹ và mấy tấm phác họa con gái. Nàng bỗng chán chường với chính mình. Từ trước nàng vẫn thấy không ổn trong cuộc tình với Keiko, nhưng giờ đây cái không ổn ô nhiễm cả cuộc sống, tiêu hủy sinh khí của nàng, và làm cho nàng vô cùng mệt mỏi. Nàng nghĩ sống mà làm gì, và tại sao nàng chưa chết đi cho rảnh nợ.
Otoko như muốn cất tiếng gọi mẹ. Rồi nàng nghĩ đến tác phẩm «Mẹ già» của Nakamura Tsune, tác phẩm cuối cùng của họa sĩ trước khi chết trước mẹ. Tác phẩm làm nàng vô cùng xúc động. Nàng chưa bao giờ thấy bản chính, nhưng ảnh chụp lại cũng đủ gây xúc động mạnh cho nàng.
Nhà họa sĩ trẻ đã vẽ những bức tranh đầy sinh khí và gợi tình về những người đàn bà ông yêu. Ông dùng màu đỏ nhiều và có người thấy nơi ông ảnh hưởng của Rouault. Bức Chân dung Eroshenko nhà thơ mù, một trong những tuyệt tác của ông, thể hiện cái buồn trầm lặng cao quý của nhà thơ khuyết tật bằng những màu ấm và dịu. Nhưng tác phẩm cuối đời «Mẹ già» của ông lại vẽ bằng những màu tối và lạnh, và kỹ thuật giản dị chân chất. Tranh vẽ một người đàn bà gày gò mòn mỏi ngồi bán diện trước một bức tường lửng. Một bình nước đặt trong ô trống khoét vào tường khoảng trên đầu bà cụ. Chiếc cặp thủy treo lơ lửng một bên. Cái cặp thủy cho vào chắc chỉ để cho cân cảnh, nhưng Otoko rất thích chi tiết này cũng như những ngón tay già nua đang lần tràng hạt. Nàng thấy những chi tiết phản ánh cảm nghĩ của họa sĩ về sự chết, trong khi chính cuộc sống bản thân cũng sắp tàn. Cả bức tranh trong toàn diện nói lên điều này.
Otoko mở tủ lấy cuốn sưu tập những tác phẩm của Nakamura, so sánh tranh nàng với tranh của họa sĩ vẽ mẹ. Nàng đã chủ tâm vẽ mẹ như một người đàn bà trẻ đẹp, dù khi ấy mẹ nàng đã qua đời. Còn nữa, bức tranh không phải là bức tranh cuối đời của nàng, và không có bóng thần chết lảng vảng trong tranh. Tranh nàng còn hoàn toàn khác kiểu, vẽ theo lối cổ điển Nhật, trong khi tranh Nakamura lại mang nhiều ảnh hưởng tây phương. Ngồi ngắm bức ảnh chụp lại tranh Nakamura, nàng thấy tranh mình phiến diện.
Nàng nhắm chặt mắt, choáng váng như muốn ngất đi. Chính vì yêu mẹ mà Otoko đã vẽ tranh mẹ. Nàng chỉ có thể vẽ mẹ trẻ đẹp như trong thời điểm mãn khai nhất của bà. Bức tranh nông cạn làm sao nếu so với cái hiếu thảo như toát ra từ tranh vẽ mẹ của Nakamura khi chính bản thân ông cũng gần kề cái chết. Nhưng cả cuộc đời nàng cũng đã chẳng nông cạn như tranh nàng sao?
Otoko đã không vẽ tranh mẹ khi bà còn sống. Nàng lấy cảm hứng từ một tấm hình của mẹ. Rồi nàng đã vẽ mẹ còn trẻ đẹp hơn cả trong ảnh. Không quên mình giống mẹ, nàng thỉnh thoảng nhìn bóng mình trong gương khi vẽ. Nên chi bức chân dung có nét mỹ miều, nhưng thiếu chiều sâu và không có hồn.
Otoko nhớ mẹ rất ghét chụp ảnh sau khi dọn về Kyoto. Trong bài báo người ta dành cho nàng, nhiếp ảnh gia của tòa báo muốn chụp hai mẹ con, nhưng bà nhất định từ chối. Lần đầu tiên, Otoko hiểu bà từ chối là vì buồn phiền. Bà sống với con gái ở Kyoto như người đi đầy, và đã cắt liên lạc với cả những bạn thân cũ ở Tokyo. Otoko cũng cảm thấy nỗi buồn bị phụ bạc, nhưng nàng mới mười bảy khi chia ly, và vấn đề của nàng khác vấn đề của mẹ. Lại càng khác, vì nàng tiếp tục yêu Oki, mặc dù tình này đã làm nàng đau khổ hơn. Otoko suy nghĩ không biết có nên vẽ lại ảnh mẹ lần nữa không.
Keiko bây giờ đã bỏ đi gặp Taichiro. Otoko cảm thấy bị bỏ rơi. Nàng cảm thấy lo âu. Sáng nay Keiko có nói đến «trả thù». Cô gái còn nói «ghét đàn ông», nhưng biết đâu mà tin. Cô gái lấy cớ đã ăn tối hôm trước để bỏ điểm tâm đi hẹn với Taichiro. Keiko tính làm gì con trai của Oki? Chuyện gì sẽ xảy ra cho hai đứa? Chính nàng rồi sẽ ra sao, sau bao năm bị cầm tù bởi tình yêu dành cho Oki? Otoko cảm thấy không thể ngồi yên một chỗ, thụ động chờ sự việc xảy ra.
Không cấm nổi Keiko ra khỏi nhà, bây giờ nàng chỉ còn nước là đuổi theo, để chính nàng cảnh cáo Taichiro. Nhưng Keiko không nói Taichiro ở khách sạn nào, hay hai người hẹn nhau ở đâu.