Đọc truyện Đế Vương – Chương 9: Hỏa ngưu
Kẻ địch đóng quân ở bờ sông Kỳ Thủy, Kỳ Huyên tính vây quân địch ở rìa sông, làm cho bọn chúng chỉ có thể lui không thể trốn.
Kỳ Huyên viết xong phong thư, cho người đưa tới mấy thị trấn ở Vạn Hà quan, chiêu mộ rất nhiều trâu, trước khi đưa trâu đến, thiết kỵ binh mỗi ngày như cũ ra ngoài đánh du kích, chặn đội lương thảo của quân địch.
Đợi cho mấy con trâu lục tục đến quân doanh rồi, quân sư mới đi xem tinh tượng(*) , tính ra ba ngày sau lúc mặt trời lặn sẽ có một trận gió to, Đại Kì ở phương Bắc, địch quân ở phía nam, gió to từ bắc thổi qua nam, vừa đúng là thứ Kỳ Huyên cần.
(*): từ độ sáng, vị trí của sao chiếu mệnh mà suy đoán số mệnh
Khi mặt trời của ngày thứ ba dần lặn xuống, Kỳ Huyên sai người buộc trên đầu trâu một lưỡi dao sắc bén, mấy ngàn con trâu trên người cùng cái đuôi đều trát đầy rơm rạ dễ bốc cháy; tiếp theo tới lượt thiết kỵ binh xuất động, lúc này đây cơ hồ tất cả thiết kỵ binh đều dốc toàn bộ lực lượng, hướng về quân doanh của địch mà tấn công.
Quân địch thấy thiết kỵ binh của Đại Kì tới rào rạt, cho dù binh lính cùng ngựa đều bị đói, nhưng không thể không ứng chiến, cứ như vậy, đại bộ phận quân địch đều phải ra trận bảo vệ quân doanh.
Cách quân doanh khoảng năm dặm, khi quân địch đang cùng thiết kỵ binh đánh nhau kịch liệt, đột nhiên không biết từ chỗ nào bay tới một cỗ khói đặc, dần dần, khói đặc càng lúc càng lớn, làm bọn chúng nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.
Lúc này đang là hoàng hôn, quân sư đoán trước được sẽ có gió to nổi lên, Kỳ Huyên sai người thiêu đốt rơm rạ, gió từ hướng bắc thổi qua nam, quân địch ngay mặt đón gió, mỗi người đều bị khói đặc làm cho mù tịt.
Hơn nữa khói đặc quá lớn, tầm mắt trở nên không rõ ràng, quân địch phân không rõ địch ta, không dám tùy tiện vung đao; trái lại đội thiết kỵ của vương triều Đại Kì, uy phong lẫm lẫm quơ trường mâu, không ngừng đâm quân địch bị thương té khỏi ngựa.
Đồng thời một đội thiết kỵ binh khác đưa rơm rạ đến gần quân doanh của địch, phóng hỏa một lần, cây cỏ chung quanh rất nhanh đã bắt lửa, lại một luồng khói đặc dày đặc thổi vào quân doanh. Khi doanh địch đã loạn xà ngầu lên, đột nhiên có tiếng bước chân hỗn độn vang vọng, cùng với mặt đất hơi hơi chấn động, nhằm về phía quân doanh của địch.
Quân địch vẫn chưa hiểu mô tê gì cho lắm thì đã thấy một đoàn trâu đang điên cuồng chạy tới, đột nhiên vọt vào quân doanh, lửa trên đám trâu đó bắt vào doanh trướng, không ít doanh trướng cũng đang đốt lửa nấu cơm, thế là quân doanh lập tức lâm vào biển lửa.
Thiết kỵ binh nhanh chóng lui lại, bởi vì khói quá đặc, quân địch cũng không dám truy kích, mà lui về doanh địa tính toán sau; không nghĩ tới, quân doanh đã lâm vào biển lửa, ánh lửa tận trời, đêm tối sáng như ban ngày.
Cả quân doanh cơ hồ đều bị phá hư hầu như không còn, trên thân đàn trâu treo những lưỡi dao sắc bén cũng đã chém giết rất nhiều quân địch, tướng lãnh Thư quốc thật không ngờ, khi bọn họ bị địch nhân dẫn ra khỏi quân doanh, trong quân doanh cũng gặp phải công kích mãnh liệt như vậy.
Đang lúc bọn họ kinh ngạc khi nơi đóng quân bị phá huỷ, thiết kỵ binh vừa rồi giả bộ lui binh lại tới.
Lúc này đây đội thiết kỵ của Đại Kì gióng trống khua chiêng, đánh trống trận, thổi kèn, tạo thanh thế thật lớn mà hướng về phía quân địch. Phía trước địch có thiết kỵ binh, sau lại có một đám trâu điên cuồng giận dữ, trong khoảng thời gian ngắn đúng là tiến thoái đều không được.
Thiết kỵ binh dồn địch tới bờ Kỳ Thủy, quân địch chật vật thối lui đến Kỳ Thủy; lửa trên thân đám trâu vì bị đốt đau nên vẫn chạy tán loạn, vừa lúc cũng hướng tới bờ sông, khiến cho quân địch vốn vẫn còn ương ngạnh chống đỡ, cũng bị đám trâu đuổi chạy tới Kỳ Thủy.
Thiết kỵ binh của Vương triều Đại Kì cầm trong tay trường mâu có thắt đai màu vàng, cùng mũ giáp và trên hai cánh tay cũng có đai màu vàng tương tự, phân rõ ràng địch ta.
Quân địch bị thiết kỵ binh cùng đám trâu đuổi theo, song phương giáp công, có rất nhiều binh lính hoảng đến mờ mắt, trực tiếp giục ngựa vọt vào Kỳ Thủy, ngựa bị con sông cuốn đi, chẳng mấy chốc chỉ còn lại lác đác vài binh lính trên bờ sông.
Yến Quy dẫn thiết kỵ binh, giơ tay phải, hô một tiếng “Bắn tên”, tiếng xé gió “Vèo vèo”, đám sĩ binh vì tránh né mưa tiễn, không thể không lặn xuống nước.
Sĩ binh nào có kỹ năng bơi không tốt, nghẹn không được khí, trồi lên mặt nước thì bị bắn thành cái sàng; có binh lính tuy rằng kỹ năng bơi tốt, nhưng là tài chưa đủ thâm, vẫn bị bắn chết ở dưới nước.
Không lâu sau, trên mặt Kỳ Thủy nhiễm một màu đỏ máu, rất nhiều thi thể theo nước sông trôi dạt vào, còn có rất nhiều sĩ binh không xuống sông, cũng trực tiếp bị bắn chết ở trên bờ.
Tướng quân Thư quốc được binh lính bảo hộ, còn ở bờ Kỳ Thủy đau khổ chống đỡ, lúc này, công kích của đội thiết kỵ đột nhiên ngừng lại, sau đó tách ra tạo một đường đi ngay chính giữa.
Đế vương trẻ tuổi của Đại Kì, một thân áo giáp ngân bạch, giục ngựa chậm rãi tiến đến.
“Tướng quân Thư quốc, trở về nói cho Thư vương, chớ xem thường Đại Kì, ngày nào còn có trẫm ở đây, các ngươi đừng nghĩ tới chuyện bước qua Kỳ Thủy một bước.” Kỳ Huyên khí thế nghiêm nghị, ngữ khí hùng hồn nói.
Sau đó sai người đem toàn bộ quân địch ra chém, chỉ lưu lại tướng quân Thư quốc, trên chân đang có vết thương lại bị trói, Kỳ Huyên sai người làm một cái thuyền nhỏ, buộc chặt ông lại rồi bỏ lên thuyền, đưa về bờ bên kia sông.
“Bệ hạ thứ tội, vi thần cả gan, đã thả cọp về núi.” Yến Quy giục ngựa đi đến chỗ Kỳ Huyên, thấp giọng mở miệng nói.
“Trẫm có dụng ý cả rồi, ngươi thả lỏng đi.” Kỳ Huyên thản nhiên nói, tướng quân Thư quốc là kẻ có tài được trọng dụng, nhưng trong chiến dịch lần này, đối phương bị thương một chân, có thể không bao giờ … ra chiến trường lãnh binh tác chiến được nữa.
Hắn không nghĩ tới chân của tướng quân Thư quốc vẫn bị thương như trong kiếp trước. Lúc ấy hắn từng nghe qua, chân của ông bởi vì chữa trị chậm trễ nên không thể cứu được.
Lúc này hắn âm thầm ra tay cứu giúp, bất quá hắn ra tay đều có mục đích cả, hắn nghĩ sẽ lập kế ly gián Thư vương cùng vị tướng quân kia, rồi mới mời đối phương tới Đại Kì.
Chính là chuyện này từ từ rồi cũng sẽ đến, không hối được, bước đầu tiên đó là buông tha cho tướng quân của Thư quốc một mạng, khiến hắn bị thương trở lại Thư quốc. Đời trước khi Thư quốc tướng quân bị thương trở về nước, vì bị đả bại nên Thư vương nổi trận lôi đình, thương tích của người kia coi như không thấy, các quan trong triều nhân cơ hội đó chèn ép, xa lánh hắn.
Lúc đó, vết thương của tướng quân bị cứu trị chậm trễ, từ đó bị thọt một chân. Lúc này đây Kỳ Huyên đương nhiên sẽ không phế chân đối phương, nhưng hắn vẫn sẽ khiến đối phương bị mọi người chán ghét mà vứt bỏ, bị đại thần trong triều nhân cơ hội ngáng chân.
Kỳ Huyên muốn cho tướng quân của Thư quốc biết Đại Kì sẽ lớn mạnh đến mức nào, hắn sẽ từng bước phá nát mộng tưởng chiếm lấy quốc thổ Đại Kì của Thư quốc và mấy tiểu quốc khác.
Yến Quy đương nhiên không hiểu được khúc mắc trong này, hắn cùng tướng quân Thư quốc đã từng giao thủ qua, cho rằng đối phương là một mãnh tướng, lúc này thả cho đối phương đi, ngày sau chỉ sợ xảy ra hậu hoạn.
Kỳ Huyên cũng không định giải thích nhiều, hắn là đế vương, vốn không có thói quen giải thích với người ngoài, bởi vậy chỉ dùng một câu rồi đuổi Yến Quy về. Yến Quy cũng không dám nhiều lời nữa, lại càng không dám tùy ý phỏng đoán thánh ý, chỉ biết cung kính vâng dạ.
Trận này, năm tháng sau khi Kỳ Huyên ngự giá thân chinh, rốt cục cũng chấm dứt, binh tướng Đại Kì chiến thắng trở về, uy danh của đế vương Kỳ Huyên, cũng bắt đầu lan truyền ra cả nước.
Tuy rằng trong triều có tả tướng cùng Thái úy, Kỳ Huyên vẫn không yên lòng, hắn biết có rất nhiều người như hổ rình mồi, chỉ chờ hạ bệ hắn đoạt vương vị, trong đó người có cả trăm phương ngàn kế thì phải kể đến Thái hậu đương triều.
Kỳ thật kiếp trước, Kỳ Huyên cũng không biết thân sinh nhi tử của Thái hậu thân là ai, phải đến mấy ngày trước khi xuất chinh, mới trong lúc vô tình phát hiện, mình không phải là con ruột của Thái hậu. Lúc ấy thời gian cấp bách, hắn vốn định quay về bắt tay vào điều tra, rốt cuộc cũng không có cơ hội.
Giờ đây khi hắn sống lại, đã sớm bắt đầu điều tra rồi. Hai năm nay, mặc dù thái hậu không hề thân cận hắn, không gây phiền toái cho hắn, cũng không thấy Thái hậu cùng ai thân cận, cho nên Kỳ Huyên chỉ có thể theo dõi nàng, muốn tìm ra người sau lưng nàng rốt cuộc là ai.
Lần này ngự giá thân chinh, đó là hắn cố ý, hắn nghĩ, khi hắn rời vương thành, Thái hậu tất sẽ không cẩn thận như vậy nữa, có thể sẽ để lộ dấu vết.
Bởi vậy hắn không trở về cùng đại quân, mà che giấu mọi người, mang theo Yến Quy cùng mấy thiết kỵ binh, suốt đêm rời khỏi quân doanh, chạy về Vương thành trước. Hắn nghĩ đột nhiên quay về như thế, sẽ dễ khiến Thái hậu trở tay không kịp, có lẽ còn có thể bắt được cá nhỏ tôm tép không an phận khác.
Đại quân thì được Yến tướng quân cùng quân sư dẫn dắt, về sau Kỳ Huyên bọn họ hai ngày, giờ mới xong việc nhổ trại, men theo Vạn Hà quan chậm rãi quay về. Đi ở phía trước là Kỳ Huyên cùng Yến Quy, phong trần mệt mỏi mà chạy đi, nhẩm tính thời gian về đến Vương thành…….
Một ngày này bọn họ đi vào một thị trấn nhỏ, vì không muốn nhiều người chú ý, Kỳ Huyên không mặc quan phục, mà ngụy trang thành một thương nhân.
Bọn họ đi vào khách điếm của thị trấn, nội thị của Kỳ Huyên lập tức đi chuẩn bị, Kỳ Huyên ngồi trong xe ngựa, đang nhắm mắt dưỡng thần. Không lâu sau, nội thị đã an bài xong hết thảy, nhanh chóng tới hầu Kỳ Huyên xuống xe.
Đoàn người vào khách điếm, nội thị dẫn Kỳ Huyên đi vào phòng hảo hạng trên lầu hai, bên cạnh đó là phòng của Yến Quy. Nội thị rất có mắt nhìn, biết đế vương coi trọng Yến Quy, không hề dám lạnh nhạt với đối phương.
Khi mọi người đã vào phòng nghỉ ngơi, tiểu nhị đem đồ ăn nội thị chọn lựa đưa lên lầu, nội thị đi trước thử nghiệm chất độc, xác nhận đồ ăn đều ổn, mới đưa vào phòng, bắt đầu giúp Kỳ Huyên chia thức ăn.
“Yến Quy đã ăn chưa?” Kỳ Huyên thản nhiên mở miệng hỏi, nội thị nhanh chóng cung kính đáp: “Khởi bẩm bệ hạ, tiểu nhân đã an bài tốt cả.”
“Ân, ngươi trước đi xuống đi, nhìn xem chỗ Yến Quy có thiếu gì không, tặng thêm cho y.” Kỳ Huyên vẫy lui hắn xuống, một mình một người ngồi bên cạnh bàn.
Giây lát sau, cửa sổ phát ra âm thanh va đập nho nhỏ, một người mặc trang phục của thị vệ từ ngoài cửa sổ vào, hắn bước nhanh đến trước mặt Kỳ Huyên, quì một gối cung kính bẩm báo sự vụ trong triều.
Kỳ Huyên vừa suy nghĩ, vừa nghe thị vệ bẩm báo, khi nghe thấy trong cung có thêm một tú nữ, mới mở to mắt, thản nhiên nói: “Lai lịch.”
“Khởi bẩm bệ hạ, nàng chính là chất nữ (cháu gái) của Hữu tướng.” Thị vệ cung kính đáp.