Đọc truyện Để Hôn Em Lần Nữa – Chương 10
Chẳng cần biết đến những ý nghĩ đầy ác cảm của Đăng, Quỳnh vuốt nước mưa trên mặt rồi chìa tay:
– Thầy cho em xin túi lá me.
Trước kiểu ứng xử không theo bất cứ một logic nào như vậy, Đăng còn biết làm gì nữa cơ chứ! Anh móc gói lá me trong túi ra đưa cho Quỳnh rồi lao xe xuống dốc. Hừ, giờ thì anh hiểu tại sao đám sinh viên nam lại gọi cô ta là Cô Khùng!
Giờ thì Quỳnh hối hận vì hành động khí khái không phải lối của mình lắm rồi. Quãng đường từ đầu dốc xuống điểm trường Tin Tốc chẳng đáng bao nhiêu, ngày nắng ráo cô đi chậm cũng chỉ
mất mươi phút. Nhưng dưới cơn mưa trắng trời trắng đất, lối mòn hẹp men
theo những bụi cỏ cao đã trở thành một rãnh bùn nhão, lúc thì trơn trượt nguy hiểm, lúc lại khiến chân nhấc lên mà cứ bị níu xuống như đang buộc vào mấy sợi dây chun vô hình. Quỳnh không dám đạp vào cỏ vì sợ có rắn,
cứ bước từng bước ì ạch và chịu hàng trăm roi mưa quất rát mặt, gần hai
mươi phút sau mới về đến phòng. Cô chỉ kịp rửa chân tay, thay bộ quần áo khô, rồi nằm lăn vào một góc. Mái đầu vẫn còn ướt lướt thướt ngả dần về phía giấc ngủ.
Không biết bao lâu sau, những âm thanh đánh thức cô dậy. Hình như trời
đã tối, ánh đèn sáng gắt rọi vào mắt làm cô phải đưa tay lên che mặt. Có tiếng xì xào:
– Kìa… nhìn kìa…
Quỳnh dụi mắt, ngồi hẳn dậy, đụng ngay phải gương mặt nhớn nhác của Phương.
– Ôi, may quá, ấy tỉnh rồi.
Quỳnh nhìn quanh, ánh mắt của tất cả đám con gái đang đổ dồn về phía cô, lo lắng có, tò mò có, khó chịu cũng có. Ngoài cửa, mấy cái đầu con trai lấp ló. Tiếng ai đó oang oang từ tận phòng bên kia vọng sang, chẳng có
gì khác ngoài mấy từ “Dậy rồi, tỉnh rồi”. Cô ngơ ngác nhìn Phương:
– Tớ ngủ lâu lắm hả ấy?
– Ấy mê man từ trưa đến giờ – Phương gật đầu, chìa đồng hồ trước mặt Quỳnh – Gần mười tiếng rồi.
– Thế cơ à? Thầy Hiện có biết không?
– Biết chứ sao không. Thầy đang đi mượn cáng đưa ấy ra trạm xá đấy.
– Thôi chết! Ấy đi báo cho thầy mau lên.
– Tôi biết rồi, chị ạ – thầy trưởng đoàn bước vào, tay xách cái phích to – Sao, chị ra trạm xá khám khiếc kiểu gì mà lại ốm nặng thêm thế, hả?
– Dạ, em đi về gần đến đây thì bị mưa.
– Chìa cái trán bướng ra đây xem nào!
– Ấy, nam nữ thụ thụ bất thân thầy ơi.
– Ờ, nó còn giãy nảy lên được thế này – thầy nhìn những người còn lại
trong phòng, gật gù, miệng chép chép một cách hóm hỉnh – Chắc không sao
thật.
Đám con gái ríu rít góp chuyện, hết liệt kê số lần thay khăn ướt cho
Quỳnh, lại trêu rằng có cậu này cậu kia trong đám con trai cứ chạy qua
hỏi thăm cô suốt. Thầy trưởng đoàn hấp háy mắt nghe và trêu thêm vào mấy câu. Một lát, thầy đứng dậy, trỏ tay về phía cái phích mới đem đến:
– Nước sôi kia. Mấy đứa ngâm cho nó cốc mì để còn uống thuốc.
– Vâng ạ.
– Xong rồi đóng cửa đi ngủ sớm đi. Mai dậy sớm mà ra chợ.
Câu nói cuối cùng của thầy trưởng đoàn làm đám con gái vừa mới trật tự
một chút lại xôn xao bàn tán. Không bận tâm đến những lời trao đổi hăng
hái về chuyện mua cái này mặc cái kia, Phương rót nước sôi vào cốc mì,
bưng lại cho Quỳnh:
– Này, ấy ăn thật nhanh cho vã mồ hôi ra nhé.
– Ừ – Quỳnh áp lòng bàn tay lên miệng cốc mì, nhìn quanh.
– Ấy tìm cái gì à?
– Ấy có thấy cái túi lá me của tớ không?
– Không, tớ không thấy. Nó to không?
– Bé thôi, nó là cái vỏ mì tôm cũ ý. Y sĩ ngoài trạm cho tớ, bảo giã vắt lấy nước uống cho hạ sốt.
– Thế à. Lúc trưa tớ ở bên nhà cô Xiêng, tạnh mưa mới về. Bọn cái Hằng cái Trang về trước thì phải. Để tớ hỏi xem.
– Thôi, đừng hỏi, chắc bọn nó tưởng rác vứt đi rồi.
– Kệ, cứ hỏi chứ.
– Thôi – Quỳnh bóc hẳn lớp thiếc trên miệng cốc mì và bắt đầu ăn – Tớ ăn nóng vào rồi ngủ một giấc là hết ý mà. Ấy chuẩn bị ngủ đi, mai còn đi
chợ.