Đế Bá

Chương 30: Mười hai Tiên Thể (Hạ)


Bạn đang đọc Đế Bá – Chương 30: Mười hai Tiên Thể (Hạ)

Thọ luân và Mệnh cung lại hoàn toàn trái ngược, trời sinh thế nào thì như thế đấy, Thọ luân Tiên Thiên là Thọ luân Tiên Thiên hoặc Hoàng Mệnh vẫn là Hoàng Mệnh. Cho dù ngươi có mạnh hơn đi nữa, có trở thành Tiên Đế cũng không thể cải biến được, trừ khi ngươi muốn sửa mệnh.

Đối với việc tu luyện: Thể chất, Thọ luân và Mệnh cung đều cực kỳ trọng yếu, một thứ cũng không thể thiếu. Thể chất quyết định gân cốt và thể trạng tốt hay xấu. Thọ luân quyết định huyết khí có đủ dồi dào hay không còn mệnh cung lại quyết định thiên phú và ngộ tính.

Ví dụ như ngươi có Thánh Luân, vậy thì huyết khí của ngươi sẽ phong phú dồi dào như sa mạc, nếu tu luyện cùng một loại công pháp thì ngươi sẽ tu luyện nhanh hơn, uy lực phát ra cũng lớn hơn.

Lý Thất Dạ từ từ tìm hiểu Nguyệt Qua Dương Luân Công, chậm rãi tìm về toàn bộ áo nghĩa sâu xa của bộ công pháp này. Thực tế thì Nguyệt Qua Dương Luân Công cũng được Tẩy Nhan Cổ Phái bảo tồn nguyên vẹn, không có chút thiếu sót. Nhưng áo nghĩa mà Lý Thất Dạ đang diễn hóa ra còn thâm ảo hơn bộ bí kíp này.

Nói đến Nguyệt Qua Dương Luân Công thì phải nhắc đến lại lịch phi phàm của nó, Lý Thất Dạ cũng từng tốn vô số tâm huyết vào môn công pháp này. Trong những năm đầu tiên của thời đại Chư Đế, có một khoảng thời gian ngắn hắn từng tính toán để Minh Nhân Tiên Đế tu luyện môn công pháp này nhưng rồi lại thôi.

Ở thời đại Hoang Mãng cực kỳ xa xưa, cho dù Nhân tộc hay Yêu tộc đều là những sinh linh cực kỳ nhỏ yếu, không biết bao nhiêu tiên hiền đã thay phiên nhau sáng tạo ra vô số công pháp để đấu tranh sinh tồn, cuối cùng mới có thể khai sáng ra một cục diện thịnh thế phồn hoa.

Thời đại đó, có một vị tiên hiền cực kỳ tài giỏi đã sáng tạo ra môn Thọ pháp có thể nhanh chóng luyện thành, môn Thọ pháp đó chính là Nguyệt Qua Dương Luân Công. Trong giai đoạn đầu của môn công pháp này, tu sĩ có thể dùng huyết khí của bản thân kéo theo Mệnh hồn, nhanh chóng nâng cao đạo hạnh.

Nhưng Nguyệt Qua Dương Luân Công lại có một nhược điểm trí mạng, giai đoạn đầu thì có thể dùng huyết khí dồi dào làm cộng cơ để tăng lên đạo hạnh, nhưng đạo hạnh càng cao, huyết khí của một người không còn đủ để kéo công pháp Mệnh hồn được nữa, đến thời kỳ này, huyết khí không còn tiếp tục như cũ, đạo hạnh thì lại đình trệ không tiến, nếu như cưỡng ép tu luyện còn có thể bị giảm thọ.

Vào thời đó, sau khi Lý Thất Dạ đạt được môn công pháp này thì cũng từng truyền qua cho không ít người, nhưng không ai có thể tu luyện một cách hoàn mỹ cả. Vì cải thiện Nguyệt Qua Dương Luân Công mà Lý Thất Dạ đã bỏ ra biết bao nhiêu tâm huyết, hắn thậm chí còn tìm vài vị Tiên Đế như Huyết Tỳ Tiên Đế, Minh Nhân Tiên Đế, Thôn Nhật Tiên Đế… tham gia công việc này

Mãi cho đến thời đại của Hắc Long Vương, Lý Thất Dạ mới chính thức hoàn thiện Nguyệt Qua Dương Luân Công. Ngày hôm nay, lúc Lý Thất Dạ bình tĩnh tìm hiểu Nguyệt Qua Dương Luân Công trong tay thì hết thảy ký ức về áo nghĩa của nó vốn đã bị xóa đi cũng chậm rãi trở về trong đầu hắn.

Sau khi nguyên vẹn Nguyệt Qua Dương Luân Công xuất hiện thì hắn thu hồi lại bí kíp, hít thở một hơi thật sâu.


Trên thế thế gian hỏi có mấy ai biết hắn đã tốn bao nhiêu công sức cho bộ công pháp này trong những năm tháng dài dằng dặc. Mấy ai biết được, có bao nhiêu tiên hiền của nhân tộc thay phiên nhau tu bổ Nguyệt Qua Dương Luân Công.

Thực sự thì kể từ khi Lý Thất Dạ để lại quyển bí kíp này trong Tẩy Nhan Cổ Phái, không ít thiên tài của môn phái cũng từng thử tu luyện qua nhưng rốt cuộc cũng không có ai có thể tu luyện đến viên mãn.

Lý Thất Dạ đã tốn mất ba ngày ba đêm để tìm hiểu Côn Bằng Lục Biến và Nguyệt Qua Dương Luân Công. Tuy ba ngày đã qua đi nhưng Nam Hoài Nhân vẫn chưa trở về, Lý Thất Dạ cũng không gấp gáp đi lựa chọn bảo khí mà ở lại trên Cô Phong bắt đầu tu luyện.

Sau khi Lý Thất Dạ chỉnh sửa lại một lượt hai môn Thọ pháp và Mệnh công cho hoàn chỉnh, tất cả đều sẵn sàng thì hắn cũng bắt đầu tu luyện. Có thể nói kinh nghiệm tu luyện của Lý Thất Dạ cực kỳ phong phú, mặc dù thiên phú của hắn không tốt, nhưng nếu luận về kinh nghiệm thì không ai có thể so với hắn.

Bất quá, dù đã có hai môn công pháp nghịch thiên như Côn Bằng Lục Biến với Nguyệt Qua Dương Luân Công, nhưng hắn cũng chẳng vội vàng mong sớm thành công, hắn muốn tu luyện theo chất lượng. Lý Thất Dạ biết rõ, chỉ cần nóng lòng thì sẽ lưu lại tai họa ngầm cho con đường tu luyện Đại đạo dài đằng đẵng của bản thân.

Lý Thất Dạ đồng thời tu luyện cả hai bộ công pháp, bất quá cả hai đều không hề có liên hệ lẫn nhau, cũng không có khai thông qua lại.

Côn Bằng Lục Biến thuộc về Mệnh công để hộ mệnh phạt địch mà Nguyệt Qua Dương Luân Công lại là Thọ pháp để dưỡng huyết, kéo dài tuổi thọ. Một cái tu luyện Mệnh cung, cái còn lại thì tu luyện Thọ luân, vào giai đoạn đầu có thể đồng thời tu luyện, không ảnh hưởng lẫn nhau.

Công pháp thì được chia thành bốn loại: một là Thọ pháp dùng để dưỡng huyết, kéo dài tuổi thọ, hai là Mệnh công để hộ mệnh, phạt địch, ba là Thể thuật để luyện thể, tẩy tủy và bốn là Thiên Mệnh Bí Thuật có khả năng gánh lấy Thiên Mệnh.

Còn có một loại công pháp bao gồm tất cả, có người xưng nó là tâm pháp nền móng, cũng có người gọi là tâm pháp trụ cột, loại tâm pháp này thuộc về tâm pháp vạn năng, nó đem dưỡng huyết, hộ mệnh, luyện thể hoà làm một, một loại công pháp có thể tu luyện toàn bộ thọ luân, mệnh cung và thể chất.

Mặc dù loại tâm pháp này bao gồm nhiều tác dụng nhưng đa số đều có cấp bậc tương đối thấp, uy lực có hạn, tu luyện loại này thì khó mà đạt tới cảnh giới cường đại.

Công pháp cũng có phân chia cao thấp, ví dụ như Cửu Thánh Thiên Yêu – Thuỷ tổ của Cửu Thánh Yêu Môn là một vị Đại Hiền vô cùng cường đại, công pháp mà ông ta sáng chế được gọi là công pháp Đại Hiền, còn Tiên Đế sáng chế công pháp thì gọi là công pháp Tiên Đế hay Đế thuật.


Cùng một loại thể chất, thiên phú giống nhau, nếu tu luyện công pháp khác nhau thì đạo hạnh cũng khác nhau. Nếu dùng thời gian như nhau thì người tu luyện Đế thuật chắc chắn sẽ mạnh hơn người tu luyện công pháp Đại Hiền rồi.

Còn về phần Thiên Mệnh Bí Thuật thì khỏi phải nói, đây là loại bí thuật gánh lấy Thiên Mệnh, khó mà tưởng tượng được sự nghịch thiên của nó.

Tất nhiên công pháp cũng không phải toàn bộ, không có một viên đạo tâm kiên định thì cuối cùng tất cả đều là mây bay. Từ xưa đến nay, bao nhiêu thiên tài bởi vì tu luyện công pháp nghịch thiên nên tu hành Đại Đạo cực kỳ thuận guồm xuôi gió, nhưng cuối cùng vẫn bị tẩu hoả nhập ma. Hoặc một vài thiên tài chỉ vì từ lúc vừa ra đời liền tu luyện Đế thuật làm cho bản thân lúc tranh giành Thiên Mệnh lại không cách nào sáng tạo ra Thiên Mệnh Bí Thuật của riêng mình, cuối cùng trở thành kẻ thất bại.

Nên tu luyện thế nào cho ổn thỏa, Lý Thất Dạ hiểu rõ hơn bất kì ai, nên dù hắn nắm giữ vô số bí mật trong tay, lúc bắt đầu tu luyện thì vẫn tiến hành theo từng bước một, chậm mà chắc.

Lý Thất Dạ cùng lúc tu luyện cả hai môn công pháp, hắn dùng Nguyệt Qua Dương Luân Công để thúc dục Thọ luân của mình, hiệu quả cũng rất rõ ràng. Sau đầu Lý Thất Dạ từ từ hiện lên một vòng tròn sáng quay không ngừng nghỉ, vòng sáng trông giống như vòng tuổi của cây cối, lúc Thọ luân quay tròn thì huyết khí bên trong cũng bắt đầu chìm nổi lưu động.

Huyết khí lưu động theo Thọ luân, giống như nước sông bị guồng nước kéo lấy, liên tục chảy róc rách không ngừng nghỉ.

Huyết khí là yếu tố để quyết định sức khoẻ của một người, nếu huyết khí suy yếu thì tu sĩ cũng bắt đầu già nua mà chết.

Trời sinh Lý Thất Dạ là Phàm luân, ưu thế về phương diện này rất yếu, huyết khí coi như bình thường nên lúc Thọ luân của hắn chuyển động, huyết khí chỉ giống như dòng suối chảy róc rách không ngừng.

Nếu là người khác có Thọ luân Tiên Thiên hoặc Hoàng Luân, huyết khí sẽ giống như một con sông lớn chảy ào ào không dứt. Đặc biệt là Thánh Luân, huyết khí của ai mang có được nó dữ dội giống như biển cả đang gào thét.

Lý Thất Dạ dùng ý niệm thúc dục chân quyết của Côn Bằng Lục Biến, bắt đầu gõ lấy Mệnh cung của mình một cách thứ tự. Mỗi một người đều phải có Mệnh cung của bản thân.

Mệnh cung, chính là chỗ quy tụ của chân mệnh, là chỗ quy tụ của ba hồn bảy vía mà phàm nhân thường hay nói. Mệnh cung trốn trong huyệt Nê cung, lúc Lý Thất Dạ bắt đầu dùng Côn Bằng Lục Biến để gõ thì Mệnh cung cũng chậm rãi lay động, xuất hiện trong huyệt Nê cung *.


Thời điểm Mệnh cung xuất hiện, nó sẽ mang một phong cách cổ xưa và trong suốt như ngọc. Chẳng qua Lý Thất Dạ chỉ có Phàm mệnh mà thôi nên Mệnh cung của hắn cũng chỉ lập loè sáng bóng nhàn nhạt.

Còn nếu là người mang Hoàng Mệnh thì Mệnh cung lại lấp loé từng đạo hào quang vừa lớn vừa dài màu vàng, loại Mệnh cung này cực kỳ bá đạo. Lý Thất Dạ chỉ có Phàm mệnh, không cách nào so sánh với loại người này.

Bình thường Mệnh cung đóng kín, hồn phách ngủ say, chỉ cần gõ mở ra Mệnh cung, làm cho hồn phách tỉnh lại, câu thông với lực lượng của sinh mệnh thì mới có thể bắt đầu tu hành.

Vì vậy người ta mới gọi cảnh giới đầu tiên của tu sĩ là Khấu Cung, cảnh giới này lại chia thành ba cấp nhỏ, từ thấp đến cao: một Khấu Môn, hai Tỉnh Giác, ba Huyết Dũng.

Khấu Môn, tên như ý nghĩa, gõ cửa Mệnh cung, để cho chân quyết của Mệnh công tiến vào bên trong Mệnh cung. Trong quá trình này, giống như Phật tử đang bái lạy Phật tổ, chỉ có không ngừng nỗ lực, gõ đánh không ngừng nghỉ, đợi Mệnh cung đáp lại mới có thể mở ra cánh cửa của Mệnh cung.

Lý Thất Dạ một lần lại tiếp một lần dùng Côn Bằng Lục Biến gõ vào cửa Mệnh cung. Tiếng gõ “đùng, đùng, đùng” vang vọng quanh quẩn trong đầu của hắn.

Lý Thất Dạ dùng chân quyết gõ liên tục không hề dừng lại, đến hắn cũng không biết bản thân đã gõ bao nhiêu lần nhưng Mệnh cung vẫn như cũ, không có phát bất kỳ một âm thanh nào. Dù vậy, Lý Thất Dạ không dừng lại, vẫn tiếp tục gõ.

Đối với thiên tài, đặc biệt là loại người mang Thánh Mệnh thì việc gõ mệnh cung quá dễ dàng do mệnh hồn của người đó rất cường đại. Có truyền thuyết kể lại: từng có một người mang Thánh Mệnh chỉ gõ một lần liền mở ra cửa Mệnh cung của mình.

Loại người này thuộc về thiên tài trong thiên tài, tất nhiên là Lý Thất Dạ không thuộc số đó, nên hắn cần phải nỗ lực và kiên nhẫn, có công mài sắt có ngày nên kim.

Mặc dù Lý Thất Dạ cũng biết vài phương pháp khác để gõ một lần duy nhất liền mở ra Mệnh cung, chẳng hạn như dùng Nguyệt Qua Dương Luân Công kéo lấy toàn bộ huyết khí, lại dùng huyết khí toàn thân làm động lực để thúc dục chân quyết của Côn Bằng Lục Biến, dùng sự cường thế của huyết khí để đánh bay cửa Mệnh cung, hoặc cũng có thể dựa vào uy lực của huyết khí để mạnh mẽ mở Mệnh cung chỉ bằng một lần gõ.

Nhưng hắn cũng không có làm vậy, bản thân hắn là Phàm mệnh, huyết khí cũng không dồi dào. Nếu như cưỡng ép sẽ làm Thọ luân bị tổn thương, hơn nữa cưỡng ép huyết khí để gõ cửa cũng sẽ làm kinh sợ Mệnh hồn, mặc dù sau này tốc độ tu luyện rất nhanh, nhưng sẽ để lại tai hoạ ngầm cho bản thân.

Biết rõ nhược điểm của bản thân, Lý Thất Dạ đã trui rèn cho mình một đạo tâm kiên định và đánh xuống một trụ cột rất vững chắc. Lúc này hắn kiên nhẫn gõ liên tục vào cửa Mệnh cung, cho dù là vạn lần, mười vạn lần, hắn cũng một mực gõ đến lúc Mệnh cung đáp lại mới thôi.


* 1. Nê Hoàn Cung
Nê Hoàn hay Nê Hoàn Cung là Thượng Đơn Điền. Huyệt của nó là Bá Hội, ở giữa đỉnh đầu. Vận Chu Thiên Hỏa Hầu từ Đốc Mạch lên đến Nê Hoàn.

Sau lại từ Nê Hoàn đưa xuống qua mạch Nhâm, để thu kết quả Hoàn Tinh Bổ Não.

Huỳnh Đình kinh viết: Nê Hoàn bách tiết giai hữu Thần.

Hay: Nê Hoàn phu Nhân đương trung lập.

Hay: Nê Hoàn cửu Chân giai hữu phòng.

Trần Anh Nhi viết: «Tuy trong người chỗ nào cũng là Thần, nhưng Thần trong Nê Hoàn là Thần đứng đầu. Toàn bộ Nê Hoàn có 4 phương chính, 4 phương phụ và Trung Ương, Tổng Cộng là 9 vị, trong đó tất cả đều có Thần. Nhưng nơi trung ương ngang dọc có 1 tấc, là Tổng hợp Chư Thần, cho nên tu luyện Đạo gia không phải tìm cầu nơi đâu. Chỉ cần để tâm đến vị Thần nơi Trung Ương đó, sẽ được thọ vô cùng.»

Vị thần nơi trung ương đó không có tán cư chỗ nào khác, mà ở ngay trong Não Bộ.

Trong quyển Đạo Khu, Bình Đô Thiên có viết: «Trong Đan Điền, có một chỗ vuông 1 tấc, gọi là Huyền Đan chi cung, là Não Tinh Nê Hoàn chi hồn cung. Mà Óc là 1 đểm linh trong con người, là nơi cư ngụ của Chúng Thần, là nơi phát sinh Tân Dịch, là ngọc thất của Hồn Tinh.»

Nếu biết dùng cái Viên Mãn, Hư Không (Viên Hư) trong đó mà tưới tắm, thì Vạn Huyệt trong người sẽ hẳn hoi, trăm khiếu trong người sẽ thông suốt. Công Đức sẽ sánh Trời Đất, cho nên gọi Nê Hoàn. Nê Hoàn là thượng thần trong thân hình con người.

Nê Hoàn ngày nay có thể có vị trí ở Tuyến Tùng Quả. Tuyến này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển con người, đến sức mạnh, đến sự thông minh nơi con người.

Tôi không cho rằng Tuyến Tùng Quả là Nê Hoàn Cung, vì Tuyến Tùng Quả ngày nay người ta mới biết sơ sơ đó là Con Mắt thứ Ba.

Tôi cho Nê Hoàn Cung là Não Thất Ba (Third Ventricle), vì vị trí nó ở Trung Ương; vì khoa học hiện nay ít người bàn đến nó; vì trong đó không thấy có gì, tức là Không theo các đạo giáo. 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.