Đọc truyện Dấu Chân Của Chúa – Chương 10
Giấc ngủ không mộng mị vụt tan trong tiếng mạch đập thình thịch và ký ức về Fielding nằm chết trong phòng làm việc của ông. Ánh nắng lọt qua khe rèm cửa sổ. Tôi đã sống sót qua đêm nhưng vẫn luồn tay xuống gối tìm khẩu 38 ly. Chỉ sau đó tôi mới đưa tay đập lên đầu đồng hồ báo thức, dập tiếng chuông.
Suốt đêm điện thoại không réo chuông, vậy là tổng thống đã không tìm tôi. Tôi kiểm tra hộp thư thoại phòng trường hợp ngủ quên không nghe thấy, nhưng chẳng có tin nhắn nào cả. Cố không nghĩ gì lôi thôi nữa, tôi bấm số gọi Lu Li Fielding. Tiếng máy trả lời. Giọng Fielding vẫn vang lên trong hộp thoại, đầy hài hước. Hy vọng lúc này Lu Li đã cách xa Chapel Hill hàng trăm cây số, tôi bỏ máy, cầm súng vào trong buồng tắm, khóa cửa lại sau lưng.
Tôi cạo râu thật nhanh. Một chiếc xe do thám đã đậu gần nhà tôi đêm qua lúc tôi từ nhà Fielding về. Nó vội lủi đi khi tôi đến gần. Sau khi bỏ mấy món đồ nhạy cảm trong cốp xe ra, tôi gọi cho Rachel để biết chắc cô đã về nhà. Tôi nằm yên không ngủ trong khoảng hai tiếng, lắng nghe xem có tiếng động nào khả nghi, đầu óc nghĩ đến chiếc đồng hồ bỏ túi của Fielding. Vỏ bằng vàng xỉn, đã mòn vì cọ xát nhiều, một mặt số bằng chữ số La Mã đã ngả vàng. Không phải đồng hồ, Lu Li bảo thế. Dây chuyền. Có lần tôi đã hỏi Fielding về viên pha lê trên dây đồng hồ. Ông kể rằng một vị đạo sư Tây Tạng đã tặng nó cho ông ở gần Lhasa, nó giúp cho trí nhớ không bị phai mờ. Ông cười ha hả khi kể chuyện đó, nhưng khi ấy tôi không hiểu ý vị của câu chuyện vui. Bây giờ tôi mới hiểu.
Một công nghệ vi tính mới do Trinity hoàn thiện là bộ nhớ lưu trữ hình ảnh không gian ba chiều. Thay vì lưu dữ liệu vào mấy con chíp tí xíu, các kỹ sư của Trinity đã lưu chúng dưới dạng hình ảnh ba chiều trong phân tử của những tinh thể ổn định. Dùng laser để đọc chép dữ liệu, họ đã lưu được những lượng thông tin cực lớn trong các nguyên tử bố trí đối xứng của pha lê. Những viên pha lê tôi đã thấy ở phòng thí nghiệm hình ảnh ba chiều của Trinity có kích thước một quả bóng bầu dục, nhưng không có lý gì những viên pha lê nhỏ hơn không thể sử dụng được. Như cái viên pha lê trên dây đeo đồng hồ của Fielding.
Bằng cách nào đó, ông bạn người Anh này đã tải được các dữ liệu của Trinity vào viên pha lê trên dây đồng hồ. Và bởi vì không có kỹ sư hoặc nhà khoa học nào ngoài những thành viên cơ mật của Trinity biết về khả năng này, nên Fielding đã mang nó ra vào phòng thí nghiệm mà chẳng mảy may bị nghi ngờ.
Nhưng tại sao ông lại ăn cắp thông tin? Để bán cho kẻ trả giá cao nhất ư? Fielding là người truyền thống. Cho dù ông có bị túng quẫn về tiền bạc đi nữa, thì tôi cũng không bao giờ nghi ngờ ông có dính líu đến hoạt động gián điệp. Hay là ông ôm ấp một tư tưởng bí mật nào đó? Hay từ bỏ một tư tưởng? Hay ông là nhà khoa học với tư tưởng chính trị non nớt tin rằng mọi dân tộc nên được chia sẻ quyền tiếp cận những phát minh khoa học mới nhất? Có thể lắm. Nhưng tôi không nghĩ ông muốn một nước hiếu chiến nào đó lại có một vũ khí mạnh như máy tính Trinity. Nghe Fielding nói, có thể thấy ông không muốn bất kỳ một nước nào có nó.
Phải vậy không? Ông chẳng đã làm hết sức mình để ngăn không cho Trinity trở thành hiện thực đó sao? Kịch bản này có vẻ hợp lý nhất, nhưng tôi không đủ thông tin để đoán chắc. Và nếu không có chiếc đồng hồ ấy tôi không thể chứng minh được điều gì.
Tôi tắm dưới vòi hoa sen nóng rẫy, rồi mặc một chiếc quần cotton cứng và áo khoác thể thao, rảo bước ra xe, cố không nghĩ nhiều về những việc sắp làm. Mục đích đầu tiên của việc trở lại Trinity là để tìm chiếc đồng hồ của Fielding, nhưng sự thật là tôi không thể làm gì khác hơn. Ở lì trong nhà chỉ tổ kéo bọn theo dõi của NSA đến gần hơn, còn bỏ trốn – như tôi hy vọng Lu Li đã làm – sẽ khiến cho cả cơ quan chống lại tôi, nhưng nếu cứ duy trì được cái ảo tưởng là mọi chuyện vẫn bình thường – cho đến lúc tổng thống trở về – là tôi có thể trả thù cho cái chết của Fielding.
Trong những ngày giao thông thuận lợi, đi từ nhà tôi ở khu ngoại ô Chapel Hill đến tổ hợp Trinity mất độ hai mươi phút. Công viên Tam giác Nghiên cứu, nơi ẩn náu gọn ghẽ của tập đoàn nghiên cứu khoa học, ở địa phương được gọi là RTP, nằm giữa Raleigh và Durham, tên được đặt theo tam giác hình thành bởi trường y của Đại học Duke, UNC ở Chapell Hill và bang Bắc Carolina. Những con đường lặng lẽ xuyên qua những bãi cỏ rộng mênh mông gợi nghĩ đến một câu lạc bộ thể thao ngoài trời thượng lưu nào đó, nhưng thay vì những sân golf, khu vực các phòng thí nghiệm RTP rộng gần ba nghìn ha này thuộc quyền sở hữu của các hãng DuPont, 3M, Merck, Biogen, Lockheed và hàng chục công ty danh tiếng khác. Hằng ngày có đến bốn mươi lăm nghìn người làm việc phía trong hàng rào, nhưng chưa đến ba trăm người biết những gì xảy ra sau các bức tường của tòa nhà Trinity. Tôi lái chầm chậm, ao ước một cách trẻ con rằng giá cứ đi mà sẽ không bao giờ đến.
Cách phòng thí nghiệm Trinity hai trăm mét có một tấm biển khiêm nhường ghi hàng chữ ARGUS OPTICAL. Một tòa nhà năm tầng bằng thép và kính đen trong khu vực cấm, nằm trong khu rừng hai tư héc ta, có tầng hầm rộng và sân bay trực thăng. Kết cấu thép và kính chẳng qua chỉ là cái vỏ để trưng bề ngoài. Phía sau đó, lớp vỏ bằng đồng công nghệ cao có tên mã hóa là Tempest bao bọc tòa nhà bên trong, ngăn ngừa bức xạ điện từ ra hoặc vào Trinity. Chất liệu đó cũng được dùng để bảo vệ các tòa nhà điều hành của NSA ở căn cứ quân sự Meade.
Vì tòa nhà nằm trên một mảnh đất trũng hình lòng chảo nên hai tầng đầu bị khuất tầm mắt. Cửa vào chính nằm trên tầng ba. Để vào được đó, nhân viên phải đi qua một lối đi hẹp có mái che dài bốn mươi mét. Bên trong chiếc cổng vòm kiên cố ở cuối lối đi ấy, họ đụng phải một hành lang hẹp có một sĩ quan an ninh canh gác, và phải dàn hàng trước các máy dò kim loại, máy dò bom mìn, máy dò huỳnh quang tinh nhạy. Muốn vào, phải có thẻ căn cước dán ảnh, phải quét dấu vân tay, các túi bọc mang theo phải được kiểm soát.
Một lính gác bấm mở cửa, qua một lối đi có mái vòm, tôi đi thẳng tới bàn kiểm tra an ninh, nét mặt không để lộ chút lo lắng nào.
“Chào bác sĩ, ” người lính gác tuổi trung niên tên là Henry chào tôi.
Đôi khi tôi nghĩ Henry được thuê qua một trung tâm tuyển lựa. Tất cả nhân viên an ninh khác đều là những cô cậu cao gầy, tuổi chưa đến ba mươi, mặt mũi nhẵn nhụi, mắt cú vọ và không có chút mỡ thừa. Chỉ Henry, người gác cổng, là chào hỏi mọi người.
“Chào bác Henry,” tôi đáp.
“Có cuộc họp trên phòng hội nghị lúc chín giờ.”
“Cám ơn.”
“Anh còn bốn phút nữa.”
Tôi liếc đồng hồ, gật đầu.
“Vẫn chưa kết thúc vụ giáo sư Fielding,” Henry nói. “Họ nói ông ấy chết trước khi xe cứu thương đến đây.”
Tôi thở thận trọng. Cuộc trao đổi này đang được các camera bí mật ghi lại. “Đôi khi chuyện đó xảy ra với trường hợp đột quỵ.”
“Không phải là một cách ra đi tồi. Thật chóng vánh, ý tôi muốn nói thế.”
Tôi cố nặn ra một nụ cười, rồi áp ngón trỏ phải lên một máy quét nhỏ. Sau tiếng bíp của máy báo hiệu nhận dạng trùng khớp, tôi đi qua dãy thiết bị phát hiện vũ khí, vào cầu thang lên tầng năm, nơi có các văn phòng hành chính và phòng hội họp.
Một dải dây vàng của cảnh sát chăng quanh cửa phòng đóng kín của Fielding. Ai đã chăng nó ở đây? Chắc chắn là NSA không cho phép cảnh sát địa phương hoặc cảnh sát bang đi vào khu vực này. Liếc ngang dọc hành lang vắng bóng người, tôi vội xoay thử tay nắm cửa. Khóa. Và không phải loại khóa nhẹ thường mua ở cửa hàng ngũ kim. Nếu chiếc đồng hồ bỏ túi của Fielding ở bên trong phòng làm việc của ông thì tôi không thể nào lấy được.
Tôi bước tiếp qua mấy cánh cửa tới phòng làm việc của mình, đóng cửa lại, rồi ngồi xuống trước máy tính gốc. Một bộ phận của mạng nội bộ chỉ dành cho các nhà khoa học Trinity, không kết nối với thế giới bên ngoài. Để truy cập Internet, tôi phải dùng một máy tính thứ hai không có cổng và ổ đĩa nào mà qua đó các file có thể từ Trinity truy xuất ra ngoài.
Màn hình máy gốc của tôi hiện lên e-mail nội bộ: lời nhắc về một cuộc họp được bố trí tại phòng hội nghị sau hai phút nữa. Tôi rùng mình ớn lạnh nhận ra mình đang phần nào mong chờ sẽ đọc được một e-mail hài hước của Fielding. Ông hay gửi cho tôi mấy mẩu chuyện cười hay trích dẫn mỉa mai từ các nhà khoa học hoặc triết học đã chết: Các nhà khoa học trên sáu mươi tuổi làm nhiều chuyện có hại hơn là có lợi! – T.H. Huxley – đại loại thế. Nhưng hôm nay không có tin nhắn nào. Và vĩnh viễn không bao giờ còn nữa. Tôi nhìn quanh phòng với ánh mắt trống rỗng. Fielding đi rồi, và tôi hoàn toàn mất phương hướng. Chúng tôi đã cùng nhau hãm Trinity lại trong sáu tuần lễ căng thẳng, làm cho các đồng nghiệp tức giận khi chúng tôi cố gắng vô vọng tìm nguyên nhân gây ra tác dụng ngoại ý của MRI lên sáu nhân vật chủ chốt của Trinity. Cho đến hôm nay vấn đề đó vẫn còn nguyên chưa được giải quyết.
Không phải là tôi tự nguyện cho máy siêu MRI quét qua vì không biết gì. Lý thuyết rất đơn giản: vì loài Homo sapiens vốn tiến hóa trong từ trường trái đất thì năng lượng từ trường của một máy MRI chẳng thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của nó. Điều này đã được chứng minh qua vô số lần sử dụng máy MRI thông thường, tạo ra từ trường mạnh gấp ba mươi ngàn lần từ trường trái đất. Nhưng máy Siêu MRI do Trinity phát minh – sử dụng vật liệu siêu dẫn và những nam châm khổng lồ – tạo ra một từ trường lớn hơn từ trường trái đất tám trăm ngàn lần. Những tác dụng phụ khó chịu như làm nóng mô đã được giải quyết tốt trong các thí nghiệm ở động vật, nhưng trong nhiều ngày sau khi tiến hành “siêu chụp”, tất cả chúng tôi đã trải qua những triệu chứng rối loạn thần kinh.
Jutta Klein, người thiết kế máy Siêu MRI, bị mất trí nhớ ngắn hạn. Ravi Nara chịu sức ép kinh khủng của các xung động tình dục (y đã bị bắt gặp nhiều lần đang thủ dâm trong phòng làm việc hay trong toilet). John Skow bị chứng run tay, còn bản thân Godin thì bị động kinh. Fielding, thật ngạc nhiên, bị hội chứng Tourette và thường xuyên buột ra những câu chữ không thích hợp. Còn tôi thì bị chứng ngủ rũ.
Vì Ravi Nara, nhà thần kinh học đoạt giải Nobel của chúng tôi, không thể tìm thấy cách giải thích nào về mặt y học cho những triệu chứng hỗn loạn đột ngột này, nên toàn bộ các cuộc chụp Siêu MRI được tạm ngưng. Công việc trên máy tính Trinity vẫn tiếp tục, nhưng máy Siêu MRI đã được đưa ra khỏi dây chuyền, các kỹ sư của Godin chỉ có sáu bản chụp nguyên gốc để khảo sát và không ai biết như vậy có đủ làm nên một bước nhảy vọt trong máy tính mẫu hay không. Nara thất bại rồi, Fielding bắt đầu điều tra những tác dụng ngoại ý này trong thời gian rảnh rỗi. Sáu tháng sau, ông đề xuất rằng những tác dụng ấy là do các quá trình lượng tử trong não chúng tôi bị phá vỡ gây nên – và bổ trợ cho lý thuyết của mình bằng hai mươi trang giấy dày đặc các phép toán phức tạp. Nara cãi rằng không có gì trong lịch sử thần kinh học chứng tỏ rằng não người diễn ra các quá trình lượng tử. Chỉ có vài nhà vật lý – trong đó có Roger Penrose – ủng hộ lý thuyết “tân kỳ” của nhận thức này, tuy vậy Fielding vẫn lao như điên vào công việc để chứng minh lý thuyết của mình là đúng.
Peter Godin lúc đầu ủng hộ Fielding, nhưng chẳng bao lâu sau lão lại cho tiếp tục thí nghiệm MRI trên loài linh trưởng. Tinh tinh và vượn không có biểu hiện bị tác dụng phụ. Fielding lập luận rằng các giống vượn không có ý thức như con người, vậy nên trong não chúng không có các quá trình lượng tử để bị phá vỡ. Godin phớt lờ. Lúc đó tôi báo cáo những hoài nghi của Fielding cho tổng thống, và ông đã chính thức ra lệnh đình hoãn dự án, cho đến khi có một cuộc nghiên cứu thấu đáo về các tác dụng ngoại ý.
Đó là chuyện cách đây sáu tuần. Từ đó đến nay, Fielding và tôi đã làm việc hầu như suốt ngày đêm để chứng minh lý thuyết về sự phá vỡ các quá trình lượng tử của ông. Tôi cảm thấy mình như một người phụ việc cho Einstein, gọt bút chì và ghi chép các nhận xét trong khi thiên tài làm việc bên cạnh. Tuy nhiên, dù cực kỳ thông minh, Fielding vẫn chưa chứng minh được lý thuyết của ông. Còn quá nhiều điều chưa biết về bộ não. Bây giờ ông chết khi chưa chứng minh được mối liên hệ giữa MRI và những tác dụng ngoại ý, tôi không thể hy vọng chặn lại cơn triều của ý chí tập thể đòi tiếp tục dự án. Không có bằng chứng về tác hại, Trinity lại tiếp tục.
Trận chiến sẽ bắt đầu ngay trong vài phút, sau mấy lời trống rỗng tỏ lòng tiếc thương Fielding “ra đi đột ngột”. Tôi bước đến trước cửa phòng họp, mồ hôi rịn ra trên mặt.
Phòng họp trống rỗng.
Tôi chưa bao giờ đến đầu tiên ở bất kỳ cuộc họp nào. Những người chủ chốt khác buộc phải đến đúng giờ. Tôi rót cà phê từ bình trên tủ buffet ra, ngồi vào góc bàn phía xa và cố giữ bình tĩnh.
Mọi người đi đâu tiệt cả thế này? Đang quan sát tôi từ phòng an ninh chăng? Họ giấu camera ở đâu? Đằng sau một bức tranh? Phía bên phải tôi treo một bức ảnh đen trắng hiếm có, chụp các nhà vật lý chủ đạo của Dự án Manhattan: Oppenheimer, Szilard, Fermi, Wigner, Edward Teller. Họ đứng thành một nhóm thân ái trước dãy núi Oscura ở New Mehico, những người khổng lồ của khoa học ấy, sau này mỗi người đi theo một số phận tiền định là nổi danh hay ô nhục, tùy theo quan điểm của họ. Một vài người, như Teller hiếu chiến, đã vươn lên trong vinh quang rực rỡ, những người khác thì không được may mắn như vậy. Oppy bị bọn người ti tiện tước mất giấy phép an ninh mà ông cần để làm việc, và sống như một cái bóng của cuộc đời ông đã từng sống. Nhưng năm 1944 họ cùng nhau đứng đó, trong những bộ âu phục sẫm màu giữa cát trắng sa mạc. Họ chăm chăm nhìn qua bàn hội nghị của Trinity như những vị thánh bảo hộ, ánh mắt biểu lộ sự kết hợp bí hiểm của hài hước, khiêm nhường và trí tuệ khó sánh. Trinity chỉ có duy nhất một nhà bác học có được những phẩm chất ấy, nhưng ông đã chết hôm qua trên sàn phòng làm việc của mình.
Nhiều giọng nói từ hành lang vọng vào phòng hội nghị. Tôi ngồi thẳng người trên ghế khi các đồng nghiệp bắt đầu thủng thẳng bước vào, cố làm ra vẻ tự nhiên. Tôi cảm thấy họ vừa mới rời khỏi một cuộc họp riêng mà chủ đề duy nhất là “xử lý” tôi.
Người đầu tiên là Jutta Klein, người phụ nữ duy nhất trong tập thể khoa học này. Vốn là trưởng nhóm nghiên cứu của tập đoàn Siemens ở Đức, bà Klein tóc hoa râm – cũng đoạt giải Nobel vật lý – đã được Trinity mượn trong suốt thời gian dự án. Với sự trợ giúp của Fielding và một nhóm kỹ sư đến từ General Electric, bà đã thiết kế, chế tạo ra máy Siêu MRI thế hệ bốn. Hiện giờ bà giám sát hoạt động của con vật khổng lồ đồng bóng này.
“Guten Morgen 1 , ” bà chào tôi một cách khô khan rồi ngồi vào bên phải tôi, khuôn mặt nghiêm nghị không thể hiện cảm xúc gì.
“Morgen,” tôi đáp lời.
Ravi Nara vào phòng ngay sau Klein. Y ngồi cách tôi ba ghế, nhấn mạnh khoảng cách trong quan hệ giữa chúng tôi gần đây. Nhà tâm thần học trẻ tuổi người Ấn này cầm một chiếc bánh rán vòng phủ sô cô la trong bàn tay nâu sạm, nhưng bàn tay phải của y thò ra từ khuôn bó bột. Tôi cố nín cười. Cách đây bốn hôm, y mang một ca cà phê pha kim loại vào phòng máy Siêu MRI và đặt lên quầy. Khi Klein mở máy để thí nghiệm trên một con tinh tinh, chiếc ca bỗng bay vọt qua phòng, văng vào tay Nara khiến tay y đập vào máy làm giập khớp xương trụ. Klein bảo rằng y nên tự coi là đã gặp may. Có lần trong khi Siêu MRI làm việc, một kỹ thuật viên mượn của Siemens đã chết do máy xúc kim loại EKG hất cô vào máy và nghiến vỡ sọ cô.
“Chào David.”
Tôi ngẩng lên thấy John Skow tươm tất trong bộ cánh hiệu Brooks Brothers ngồi vào chiếc ghế đầu bàn. Là Phó Giám đốc NSA, có thể nói Skow là người có thẩm quyền cao nhất về chiến tranh thông tin, và là giám đốc danh nghĩa của Dự án Trinity. Nhưng chính Peter Godin mới là người quyết định đường đi nước bước của Trinity. Quan hệ giữa Godin và Skow chẳng khác gì quan hệ giữa Tướng Leslie Groves và Robert Oppenheimer ở Los Alamos. Groves là một nhà chỉ huy lạnh lùng, nhưng nếu không có sự hợp tác của Oppenheimer thì ông ta không thể nào có được bom nguyên tử. Như vậy, quyền năng tối thượng nằm trong tay nhà khoa học dân sự, chứ không phải giới quân sự.
“Chào Skow,” tôi nói, thậm chí không cả mỉm cười.
“Ngày hôm quả thật là một đòn khủng khiếp với tất cả chúng ta,” gã ngân nga cái giọng Boston quý tộc của mình, đôi môi mỏng chỉ hơi mấp máy. “Đặc biệt là với anh, David ạ.”
Tôi cố tìm vẻ đau thương chân thành trong giọng nói của gã. Nhân vật NSA này là một tay quan liêu sành sỏi, nên sự chân thành của gã thật khó mà đo đếm được.
“Peter sẽ đến đây ngay trong vài phút nữa,” gã nói. “Tôi nghĩ từ nay trở đi ông ấy sẽ là người đến trễ nhất.”
Tôi cười thầm. Hồi trước, Fielding luôn là người đến cuối cùng những khi ông chán họp hành. Những hôm ông vắng mặt không lý do, tôi là người được phái đi tìm ông. Tôi thường thấy ông đang vùi đầu vào đống phương trình trong phòng làm việc của mình.
Một tiếng chửi thề khẽ lọt qua cánh cửa mở, báo hiệu Godin đến. Nhà bác học dẫn dắt Trinity bị chứng thấp khớp hành hạ, đôi khi chỉ đi bộ thôi đã là một cực hình đối với lão. Ở tuổi bảy mươi mốt, Godin là nhà bác học hàng đầu của dự án này. Khi lão ra đời, máy điện toán dùng đèn chân không còn chưa xuất hiện, thế mà qua bốn chục năm, “ông già” của dự án Trinity đã đẩy máy điện toán kỹ thuật số đi xa hơn và nhanh hơn bất kỳ một nhà bác học mê mụ đèn tia âm cực nào từng trượt ván ra khỏi thung lũng Silicon.
Giống như Seymour Cray – cha đẻ của siêu máy tính – Godin đã từng là một trong kỹ sư đầu tiên thuộc Hệ thống Kiểm soát Dữ liệu vào đầu những năm 1950. Năm 1957, lão cùng với Seymour rời bỏ công ty này để giúp thành lập Viện Nghiên cứu Cray. Godin là thành viên nhóm nghiên cứu tạo ra 6660 và Cray 1 nổi tiếng, nhưng khi Cray 1 không còn kiểm soát nổi sự bành trướng quá nhanh của Cray 2, Godin quyết định đã đến lúc bước ra khỏi cái bóng ông thầy của mình. Lão đến gặp hết chủ nhà băng này đến chủ nhà băng khác, vay được sáu tỷ đô la, và sáu mươi ngày sau bắt đầu khai trương Siêu máy tính Godin ở Mountain View, California. Trong khi Cray vật lộn để thực hiện cuộc cách mạng Cray 2, thì Godin cùng với nhóm nhỏ của mình sáng chế ra chiếc máy bốn bộ vi xử lý thanh nhã và tin cậy, bằng cách nâng tốc độ lên gấp sáu lần, nó đã làm cho Cray 1 mất ưu thế hàng đầu. Tuy chưa phải là một tiến bộ có tính cách mạng, nhưng đã có một phòng thí nghiệm vũ khí của chính phủ đề nghị mua nó. Với tám tỷ đô la mỗi chiếc máy bán ra, Godin đã nhanh chóng trả hết nợ và bắt tay vào thiết kế chiếc siêu máy tính mơ ước của mình.
Chạy đua với các cơ quan chính phủ và với bản thân Seymour Cray, Godin đã có chỗ đứng trong thị trường siêu máy tính, và lão không bao giờ ngoái lại. Khi sự kết thúc chiến tranh lạnh gần như đã quét sạch các cơ hội làm ăn của siêu máy tính, Godin chuyển sang công nghệ xử lý đồng thời, và vào giữa những năm chín mươi, các máy tính của lão đã chiếm ưu thế hoặc hất cẳng máy của Cray ở NORAD, NSA, Lầu Năm Góc, Los Alamos, Lawrence Livermore và các căn cứ tên lửa trên hầu khắp đất nước. Thời cơ đến, Godin vừa là người tiên phong vừa là người nối gót, nhưng lão là người đầu tiên trụ lại được.
Mọi người ngước nhìn lên khi lão già bước vào phòng họp, còn tôi thì gần như đứng hẳn lên. Khi tôi mới đến đây hai năm trước, Godin trông còn trẻ hơn cả Fielding, lúc đó mới sáu mốt tuổi. Thế mà hai năm dẫn dắt Trinity đã làm Godin già đi kinh khủng. Mặt lão có lúc trông phì ra như bệnh ung thư dùng steroid. Lúc khác, nó lại quắt lại như những hốc xương, tóc thì gần như rụng hết. Hôm nay trông lão có vẻ như sắp sụp xuống trước khi đến được bên bàn. Lão đã từng nói với tôi rằng trong những lúc sáng tạo căng thẳng, cơ thể lão luôn chịu sự biến đổi về vật lý. Godin thường xuyên làm việc không nghỉ năm sáu mươi giờ liền, và mặc dù biết làm thế sẽ lấy đi của lão nhiều năm tuổi thọ, lão cho rằng đó là cái giá công bằng phải trả cho những gì lão đạt được khi còn đứng trên mặt đất này.
Đôi mắt màu xanh nhạt của lão lướt qua phòng một lượt, dừng lại nơi tôi lâu hơn những người khác. Sau đó lão gật đầu chào tất cả mọi người rồi ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh Skow.
“Vâng, giờ tất cả chúng ta đã có mặt cả đây,” Skow nói với vẻ trang trọng như đang hành lễ, “Tôi sẽ rất thiếu sót nếu cứ bắt đầu cuộc họp mà không có đôi lời về tổn thất kinh hoàng mà chúng ta – và dự án này – đã phải chịu ngày hôm qua. Sau khi cuộc giải phẫu tử thi hoàn tất, chuyên gia nghiên cứu bệnh học khẳng định rằng tiến sĩ Fielding chết do xuất huyết não. Ông…”
“Chuyên gia nghiên cứu bệnh học ư?” tôi cắt ngang. “Cán bộ pháp y nhà nước à?”
Skow nhìn tôi vẻ nhẫn nhịn. “David, anh biết rằng chúng ta không ở trong tình trạng an ninh thông thường. Chúng ta không thể để chính quyền địa phương dính vào. Nguyên nhân tử vong của tiến sĩ Fielding được chứng thực bởi một chuyên gia nghiên cứu bệnh học của NSA ở căn cứ quân sự Meade.”
“NSA có chuyên gia nghiên cứu bệnh học?” Tôi hiểu tại sao cơ quan cần bác sĩ tâm thần. Bẻ mã khóa là một nghề cực kỳ căng thẳng. Nhưng tại sao cần nhà nghiên cứu bệnh học?
“Cơ quan đã nhận được ý kiến bổ sung đầy đủ của các chuyên gia y khoa,” Skow nói như hướng dẫn viên của nhà nước. “Một số được thuê trực tiếp, một số là các bác sĩ chuyên khoa được đánh giá kỹ càng.” Gã liếc nhìn Godin, lão này đang nhắm tịt mắt. “Anh nghi ngờ về nguyên nhân tử vong của Fielding phải không?”
Đến lúc quyết đấu đây. Găng tay đã ném ra bàn rồi.
“Xét cho cùng,” Skow nói bằng giọng hạ cố, “anh cũng là một bác sĩ nội khoa có kinh nghiệm. Phải chăng anh thấy có gì mâu thuẫn trong ca đột quỵ này?”
Tôi cảm thấy không khí căng thẳng. Mọi người đang chờ tôi nói, đặc biệt là Ravi Nara, người đã chẩn đoán là Fielding chết do đột quỵ.
“Không,” cuối cùng tôi nói. “Ravi bảo anh ấy thấy hiện tượng liệt, cấm khẩu, dãn đồng tử ngay trước khi chết. Các dấu hiệu ấy phù hợp với đột quỵ. Có điều… thông thường, nó phải kéo dài đôi chút trước khi chết. Sự đột ngột khiến tôi ngạc nhiên.”
Chẳng khác gì không khí thoát ra khỏi một quả bóng. Những đôi vai chùng xuống nhẹ nhõm, bàn tọa xê dịch, những ngón tay bắt đầu gõ nhịp trên bàn.
“Ừm, tất nhiên,” Skow nói vẻ rộng lượng. “Điều đó cũng làm tất cả chúng tôi ngạc nhiên. Và Andrew, rõ ràng là, không thể thay thế.”
Tôi muốn bóp cổ Skow. Chính gã đã muốn thay thế Fielding từ sáu tháng nay, nhưng không một ai có đủ khả năng như nhà bác học người Anh này để mà thay thế.
“Và để chứng minh tôi nói hoàn toàn nghiêm túc,” Skow nói, “chúng ta sẽ không tìm người thay thế ông.”
Chỉ Jutta Klein có vẻ bị sốc giống tôi. Fielding biết về dự án Trinity rõ hơn bất cứ ai trừ Godin. Ông đã đưa chúng tôi qua bao phen bế tắc. Những vấn đề làm cho các kỹ sư phần mềm cũng như kỹ sư vật liệu phải bí hàng tuần lễ thì đối với ông người Anh lập dị này chỉ như những câu đố vui, đôi khi được giải quyết trong mười lăm phút. Về mặt này, Fielding là người hoàn toàn không ai thay thế được. Nhưng khía cạnh lượng tử của Dự án Trinity thì không thể bỏ qua. Đối với tôi, vật lý lượng tử cũng na ná như giả kim thuật – thứ giả kim có lợi – và nếu cứ tiến hành mà không có ai đủ trình độ giải quyết các vấn đề như hiện tượng liên đới lượng tử và hiệu ứng cơ học lượng tử không mong muốn, thì đúng là điên rồ.
“Nhưng các anh định làm gì với những tác dụng ngoại ý của MRI mà chúng ta đang nghiên cứu?” tôi hỏi. “Như các anh đã biết, Fielding tin rằng đó là do tình trạng rối loạn lượng tử trong não.”
“Vớ vẩn,” Nara phản pháo. “Không có bằng chứng về bất kỳ quá trình lượng tử nào trong não người. Không có, và sẽ không bao giờ có!”
“Bác sĩ Nara,” Skow lên tiếng.
Tôi khinh bỉ nhìn nhà thần kinh học. “Khi ở trong phòng với Fielding, anh đâu có chắc chắn bằng một nửa thế.”
Nara im bặt, hầm hầm nhìn tôi.
Skow ban cho tôi một nụ cười nhẫn nhịn. “David, cả Peter và tôi đều coi anh và Ravi hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục khám phá ra những vấn đề y học bất thường. Đưa thêm một bác sĩ mới nữa vào đây lúc này chỉ khiến tình hình an ninh thêm rủi ro một cách không cần thiết.”
Tôi không muốn tranh cãi chuyện này. Tôi cần dành sức để làm việc với tổng thống. “Liệu thi hài Fielding và các vật dụng cá nhân của ông có được gửi về cho bà quả phụ không?”
Skow hắng giọng. “Hình như chúng ta không thể tiếp xúc với bà Fielding. Do đó di hài của Andrew sẽ được hỏa thiêu theo di chúc của ông.”
Cùng với tất cả bằng chứng của vụ giết người. Tôi cố giữ nét mặt bình thản. Như vậy là Lu Li đã trốn thoát rồi. Mặt khác… liệu họ có nói giọng đó không nếu họ đã bắt được hoặc giết bà ấy?
Godin khẽ chạm vào cổ tay Skow.
“Ông muốn bổ sung thêm điều gì phải không, Peter?” Skow hỏi.
Godin đưa tay xoa đỉnh đầu đã hói gần hết dưới ánh đèn phản quang. Lão ngồi bất động như Phật đang tọa thiền, chỉ thấy đôi mắt xanh chuyển động. Lão ít nói, nhưng mỗi khi cất lời là cả thiên hạ lắng nghe.
“Bây giờ không phải lúc nói những chuyện vụn vặt đó,” lão nói. “Hôm qua chúng ta đã mất đi một con người vĩ đại. Andrew Fielding và tôi không nhất trí với nhau về rất nhiều vấn đề, nhưng tôi tôn trọng ông hơn bất cứ ai tôi đã từng cộng tác.”
Tôi không giấu nổi ngạc nhiên. Mọi người rướn mình lên như muốn nuốt từng lời. Đôi mắt xanh thôi miên lia một vòng quanh căn phòng. Godin tiếp tục. Giọng lão mềm mỏng nhưng vẫn trầm sâu và mạnh mẽ.
“Từ buổi bình minh của lịch sử, chiến tranh bao giờ cũng là động lực của khoa học. Nếu có mặt hôm nay, Fielding ắt sẽ cãi lại tôi. Ông sẽ nói rằng chính bản năng ham hiểu biết của loài người đã thúc đẩy khoa học tiến lên. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ ao ước mà thôi. Chính xung đột của loài người đã tạo nên những bước nhảy vọt vĩ đại trong công nghệ. Một thực tế đáng tiếc, nhưng là thực tế mà ai có đầu óc đều phải nhận thấy. Chúng ta sống trong thế giới sự kiện, không phải thế giới triết học. Các nhà triết học đặt ra những câu hỏi về thực tại của vũ trụ rồi tỏ vẻ ngỡ ngàng khi chúng ta đá họ bằng mũi giày và hỏi xem họ có cảm thấy cái thực tại đó không.”
Nara cười khẩy, nhưng ánh mắt quắc lên của Godin làm y tiu nghỉu ngay.
“Andy Fielding không phải loại người đó.” Godin gật đầu với tấm ảnh đen trắng treo trên tường. “Giống như Robert Oppenheimer, Andy là một huyền thoại. Nhưng về bản chất, Andy là một nhà lý thuyết thiên tài có khuynh hướng thực hành lớn.”
Godin vuốt món tóc bạc ra sau vành tai, nhìn khắp bàn. “Việc vũ khí hóa khoa học là bước đi đầu tiên không tránh khỏi đã cuốn biết bao tài năng thời bình vào guồng của nó. Nỗ lực chế tạo bom đầy phi thường của Oppenheimer đã chấm dứt Thế chiến II và mang lại cho thế giới năng lượng hạt nhân an toàn. Chúng ta ngồi đây – năm người còn lại chúng ta – đang đối mặt với một nhiệm vụ không nhẹ hơn chút nào. Chúng ta không cố gắng chiếm lĩnh bộ não của Chúa, như Fielding từng nói. Chúa chỉ là một bộ phận của não người, một cơ chế sao chép tiến hóa được tạo ra để giúp chúng ta chịu đựng được ý nghĩ về cái chết của chính mình. Khi cuối cùng chúng ta tải được mẫu thần kinh đầu tiên vào máy mẫu và có thể giao tiếp với nó, chúng ta sẽ làm việc với bộ phận đó của não, tương tự như các phần còn lại. Nói theo lối nhân cách hóa thì chúng ta sẽ phải làm việc với Ngài. Nhưng Thượng đế, tôi nói trước, sẽ chỉ phiền toái như bất kỳ vết tích nào của não. Bởi vì sự hoàn thiện của Trinity sẽ khiến cơ chế đặc biệt này trở nên không cần thiết. Công việc của chúng ta sẽ kết liễu sự ngự trị của cái chết đối với loài người. Và chắc chắn rằng không có một mục tiêu nào cao quý hơn thế.”
Godin đặt đôi bàn tay cong vẹo lên bàn. “Nhưng hôm nay… hôm nay chúng ta thương tiếc một con người có niềm tin can đảm. Trong khi chúng ta, do sự cần thiết nghiệt ngã, phải tập trung vào các khả năng quân sự và tình báo của một nguyên mẫu Trinity hoạt động, Fielding đã nhìn thấy cái ngày ông có thể ngồi xuống hỏi máy câu hỏi xưa nhất của loài người: Sự sống đã bắt đầu như thế nào? Tại sao chúng ta hiện hữu? Vũ trụ sẽ kết thúc ra sao? Ở tuổi sáu mươi ba, Fielding có lòng nhiệt tình của một đứa trẻ mà không xấu hổ vì điều đó. Mà ông cũng chẳng việc gì phải xấu hổ.” Lão cúi đầu buồn bã. “Phần tôi, tôi sẽ rất nhớ ông.”
Tôi thấy nóng mặt. Tôi đã chờ đợi John Skow vãi nước mắt cá sấu xong sẽ vội vã quay về với đề tài nghiên cứu và phát triển toàn diện. Nhưng Godin còn cao thủ hơn. Lời lẽ của lão chứng tỏ lão hiểu rất rõ kẻ thù của mình.
“Sau khi tìm ra nguyên nhân triệu chứng thần kinh của chúng ta,” Godin kết luận, “dự án sẽ tiếp tục. Nếu chúng ta cần một nhà vật lý lượng tử nữa, chúng ta sẽ thuê người. Chúng ta sẽ không tiếp tục tiến lên mà không rõ nguy hiểm. Fielding đã dạy tôi biết tầm quan trọng của sự thận trọng.”
Godin dùng các ngón tay trái xoa bóp kỹ bàn tay phải. “Tất cả chúng ta đã phải chịu một cú sốc trầm trọng. Tôi muốn mọi người hãy nghỉ ngơi đầy đủ trong ba ngày, bắt đầu từ trưa nay. Sáng thứ ba tới chúng ta sẽ gặp nhau tại phòng này. Trong thời gian này cần tuân thủ tất cả các quy tắc an ninh ngoài nơi làm việc.”
Câu nói của Godin làm mọi người im phăng phắc. Con người làm việc hùng hục gấp đôi bất kỳ ai khác lại đề xuất nghỉ ngơi? Một “kỳ nghỉ” như thế trái ngược với bản tính của Godin đến nỗi không ai còn biết nói gì nữa.
Cuối cùng Skow hắng giọng. “Vâng, về phần mình, tôi sẽ tận dụng chút thời gian cho gia đình. Vợ tôi chuẩn bị ly dị tôi bởi tôi dành quá nhiều thì giờ ở đây rồi.”
Godin cau mày và lại nhắm nghiền mắt.
“Hoãn họp à?” Skow liếc sang Godin hỏi.
Ông già loạng choạng đứng lên rồi ra khỏi phòng không nói một lời.
“Ừm, thì thế,” Skow nói một câu không cần thiết.
Tôi đứng dậy đi về phòng làm việc của mình, mắt dán vào lưng Godin đang thoái lui. Cuộc họp đã diễn ra không hề giống như tôi dự liệu. Phía trước, Godin bắt đầu rẽ, nhưng lão bỗng dừng lại và quay mặt về phía tôi. Tôi bước lại gần lão.
“Anh và Fielding rất thân nhau phải không?” lão hỏi.
“Tôi mến ông ấy. Và cả ngưỡng mộ nữa.”
Godin gật đầu. “Tôi mới đọc cuốn sách của anh hai đêm trước. Anh thực tế hơn là tôi dự đoán. Ý kiến của anh về nạo phá thai, nghiên cứu mô bào thai, nhân bản vô tính, chi tiêu cho chăm sóc cuối đời, về chết êm ái. Tôi hoàn toàn đồng ý.”
Tôi không thể tin nổi Peter Godin làm việc với tôi hai năm mà lại chưa đọc cuốn sách đã đưa tôi đến với Trinity. Lão nhìn qua vai tôi một lát, rồi lại nhìn thẳng vào mặt tôi.
“Có một ý nảy đến với tôi trong cuộc họp,” lão nói. “Anh có biết một giả thuyết cũ về lịch sử? Nếu anh có thể ngược dòng quá khứ, và có cơ hội để giết Hitler, anh có giết không?”
Tôi mỉm cười. “Đây không phải công thức thực tế cho lắm.”
“Chưa chắc. Tất nhiên, vấn đề Hitler thì dễ. Nhưng thử tưởng tượng một trường hợp khác xem nhé. Nếu anh trở lại năm 1948 và anh biết rằng Nathuram Godse đang chuẩn bị ám sát Gandhi – anh có giết hắn để ngăn cuộc ám sát không?”
Tôi suy nghĩ về điều này. “Ông thật ra đang hỏi cứ theo chuỗi sự kiện này rồi tôi sẽ đi đến đâu. Vậy ông có giết mẹ Hitle không?”
Đến lượt Godin mỉm cười. “Tất nhiên anh đúng. Và câu trả lời của tôi là có.”
“Thực tế, tôi nghĩ câu hỏi của ông là về quan hệ nhân quả. Liệu giết mẹ Hitler có tránh được Thế Chiến II không? Hay một kẻ ất ơ nào đó nổi lên từ sự bất bình của quần chúng lại xả nỗi uất hận Đức vào Hiệp ước Versailles?”
Godin xem xét ý này. “Hoàn toàn có khả năng. Thôi được. Giả sử đây là năm 1952, và anh biết rằng một tay kỹ thuật viên phòng thí nghiệm lóng ngóng sắp làm hỏng thí nghiệm cấy tế bào của Jonas Salk. Việc điều trị bệnh viêm tủy xám bị chậm lại có khi nhiều năm. Liệu anh có giết tay kỹ thuật viên vô tội đó?”
Đầu tôi bắt đầu có tiếng ù ù kỳ lạ. Có lẽ Godin đang đùa bỡn tôi, mặc dầu lão đâu có phí thời gian để đùa.
“May sao cuộc sống thực tế không đặt cho chúng ta những câu đố ấy,” tôi nói. “Chỉ có kinh nghiệm mới cho phép chúng ta định hình được nó.”
Lão cười nhạt. “Tôi không rõ, bác sĩ ạ. Người ta đã có thể chặn Hitler lại ngay từ khi ở Munich.” Godin nhoài người vỗ vào cánh tay tôi. “Dù sao đó cũng là đôi điều để ngẫm nghĩ.”
Lão quay đi và cẩn trọng chọn hướng khi đến chỗ rẽ.
Tôi đứng trong hành lang, cố đoán ra ẩn ý trong những điều vừa được nghe. Godin không bao giờ lãng phí ngôn từ. Lão không rỗi hơi suy nghĩ về lịch sử hoặc đạo đức. Lão đã nói trắng ra về vụ giết người. Vụ giết người mà theo lão là chính đáng. Tôi lắc đầu không dám tin. Godin vừa nói đến Fielding.
Việc giết Fielding là cần thiết, lão vừa nói thế. Fielding vô tội, nhưng vì thiện ý ông đã can thiệp, vậy ông phải bị thủ tiêu.
Tôi quay bước về phòng làm việc của mình, bất giác rùng mình. Không ai hỏi tôi về việc liên lạc với Washington. Không ai nhắc đến cuộc viếng thăm của tôi tới nhà Fielding. Không một lời về Rachel Weiss. Và ba ngày nghỉ sẽ cho tôi vô khối thời giờ nói chuyện với tổng thống. Thậm chí tôi có thể bay tới Washington. Cái quái quỷ gì đang xảy ra thế này?
Tôi chết lặng trước ngưỡng cửa phòng làm việc. Một phụ nữ tóc vàng, cao ráo gân guốc với đôi mắt xanh lóe sáng và một vết sẹo lốm đốm trên má trái đang ngồi trên ghế của tôi, dán mắt vào màn hình máy tính của tôi. Geli Bauer. Nếu có người nào trong tòa nhà này ra tay giết Andrew Fielding, thì đó chính là ả.
“Xin chào, bác sĩ,” ả nói, môi thoáng cười. “Trông anh có vẻ ngạc nhiên. Tôi nghĩ hẳn anh đang chờ tôi.”
— —— —— —— ——-
1 Chào buổi sáng (tiếng Đức).