Đọc truyện Đất Ma – Chương 11: Khoảng Lặng Trước Cơn Bão
Điền Quý đùa:
“Ai chứ riêng bà ta thì nói xấu trước mặt còn dễ hơn.”
Anh gọng vó gật đầu như hái sao, lại vái về phía ngôi đền mấy vái:
“Con lạy bà con nhỡ mồm.”
Nói đoạn chống chân xuống đẩy thuyền đi thật nhanh, không dám ngoái đầu lại lấy một giây nào cả.
Đợi thuyền đi xa khỏi bán đảo có đền con mắt rồi, Điền Quý mới đưa bình chè cho Phượng Ngân, bảo cô nàng uống một hơi cho trôi họng, rồi giải thích:
“Bà này từ gần năm trăm năm trước đã ký giao kèo với sông âm, trở thành người giám sát của nó, ngự ở Linh Thị miếu.
Văn vẻ thì gọi là Bách Nhãn nương nương, gọi nôm là bà trăm mắt.
Kể ra cũng khổ, bà ấy có đứa con vừa lười vừa vụng.
Lúc đau ốm, cô này chẳng được cái gì, hở chút là hỏi cái này ở đâu, cái kia thế nào, được chưa.
Bà ấy bực mình, mới buột miệng ước sao con gái mình có trăm mắt, lại bảo không cần con nữa.
Run rủi thế nào lại bị một tên ác thần nghe thấy, thế là ước sao được vậy.
Quả cây mà bây giờ ta gọi là quả dứa có xuất xứ như thế…”
“Ý…!ý anh là??”
“Ừ, Đúng rồi.
Bà mẹ trong truyện cổ tích là người mà cô vừa mới gặp ban nãy đấy.
Cái bướu sau lưng bà ấy, nói ra thì hơi kinh dị chút, chính là đứa con gái bà ấy hóa thành, gọi trại đi là Phượng Lê Thú hoặc con quả dứa, có trăm mắt, nhìn được khắp mọi nơi.
Đợi đến khi hết kỳ hạn làm giám hộ cho sông Âm, con của bà ấy mới hóa được thành người trở lại.”
Anh chàng đứng dậy, chắp tay, vái một vái về phía ngôi đền ở xa xa, thở dài:
“Phượng Lê Thú dùng trăm con mắt nhìn khắp sông âm, mấy năm nay giúp đỡ người vớt xác rất nhiều, thật là công đức vô lượng, đáng để người ta kính trọng.
Thiết nghĩ kỳ hạn của Bách Nhãn nương nương cũng vì thế mà rút ngắn đi phần nào.”
Phượng Ngân nheo mắt, đoạn nói xen vào:
“Đúng vậy, chả bù cho ai đó mồm nói thì nghiêm trang, nhưng lại mang tạp chí cấp ba vào sông âm để xem lén.”
Vừa nói mỉa, cô nàng vừa rút quyển tạp chí nóng bỏng giấu bên dưới tờ báo giấy ra, huơ trước mặt Điền Quý.
Anh chàng ho khan một tiếng, ngoảnh mặt sang chỗ khác.
Trong dạ thì lại cười thầm, nghĩ bụng:
“Không mang cái này vào pha trò, cô mà đi hỏi nhân bánh là gì chắc chắn sẽ ám ảnh ba năm cho xem.”
Nhân bánh trôi nước chính là mắt của Phượng Lê Thú.
Cô con gái bị tà thần nguyền rủa, ngày nào cũng mọc ra mắt mới, rất đau khổ.
Bà mẹ mới dùng đến đây, nhờ cậy sông âm dạy cho pháp thuật gỡ mắt con gái ra, để con mình dễ chịu một chút.
Còn việc nấu thành trôi nước là ý của dòng sông âm.
Bánh trôi lấy nhân là mắt của Phượng Lê Thú, sau khi ăn vào, mắt Âm dương của người ta sẽ mạnh lên, lúc này mới có thể phát hiện được tung tích của thần trùng.
Phượng Lê, Phượng Ngân.
Có lẽ Bách Nhãn nương nương dịu dàng với cô nàng như vậy là do tên của Phượng Ngân na ná con gái của bà.
Nhưng lý do thực sự có lẽ chỉ mình bà ấy biết.
Anh gọng vó chở hai người về gầm cầu, giao ban cẩn thận, rồi mới hóa thành một con nhện nước bé tí, bò ra khỏi gầm cầu.
Anh chó trắng đón quyển tạp chí của Điền Quý, nói:
“Cho anh mày thật hả??”
“Anh cứ lấy đi, đến khổ.”
“Cấm không được nuốt lời đấy nhé.”
“Yên tâm.
Đúng rồi, đây là phí qua sông, anh đưa cho gọng vó giúp em.”
Điền Quý vừa đặt xấp tiền vào tủ đựng, vừa lắc đầu.
Trông cái vẻ hí hửng của con chó trắng thì e là không chữ nào sau “yên tâm” lọt được vào tai nó.
Sau đó, anh chàng lại dẫn Phượng Ngân đến nhà anh Bắc, nói là tranh thủ chuẩn bị, tối nay đến bãi tha ma đánh con thần trùng luôn.
Vừa nhác thấy hai người, anh hàng gà đã nói bô bô:
“Hai người cũng to gan thật đấy, mắt trước mắt sau đã đánh chết mấy con ma rừng liền.”
“Không sợ hàng xóm nghe thấy à?”
Điền Quý hất đều về phía nhà bên cạnh, hỏi.
Bắc cười hơ hớ, đáp:
“Có sao? Ai chả nghĩ thằng này bị điên? Lo gì?”
Điền Quý bỏ ra một món tiền to, thu mua hết cứt gà của Bắc, đem trộn với vôi sống, bột tỏi, lúc này mới đỡ mùi khắm.
Anh chàng buộc hỗn hợp cứt gà thành từng bao nhỏ, tổng cộng có mười tám túi, đoạn bảo Phượng Ngân đem hết những thứ này ra bãi tha ma, dặn:
“Cô gặp người trông nghĩa địa, dặn là đồ của Điền Quý gửi, ông ấy tự sẽ biết phải làm gì.
Làm xong thì ở đấy chờ tôi.”
“Sao? Vẫn chưa tin tưởng tôi à?”
Phượng Ngân hỏi, giọng hơi có ý trách móc.
“Không phải là tin hay không, chẳng qua tôi mà dẫn cô đến chỗ này thể nào cũng có chuyện đau đầu cho xem.
Phiền phức lắm bà cô của tôi ơi…”
“Ồ.
Thế thì tôi càng phải đi theo một chuyến mới được.”
Điền Quý nhún vai, đoạn chẳng rõ anh ta làm cách nào, anh ba bị đạp xích lô hồi hôm đã vòng tới đón.
Hai người lên xe, đi lòng vòng một lúc mới đến một ngôi chùa cũ, nằm sát cạnh bên chợ, biển đề Trấn Long tự.
Cửa thiền thanh tịnh lại ở ngay bên chốn chợ búa xô bồ, ngẫm lại cũng thấy có phần quái lạ.
Ở cửa chùa có một trú tiểu ngồi canh, trên bàn để sẵn một sấp cà sa cho các anh, các chị ăn mặc cởi mở theo lối bên tây thay trước khi vào chùa.
Phượng Ngân từ trước đến giờ vẫn ăn mặc khá kín cổng cao tường, còn Điền Quý thì hôm nào cũng đóng đúng bộ phong cách sơ mi xộc xệch, quần bò sờn mép, thành ra cả hai vào cửa chùa không phí chút công sức nào.
Hai người đi thắp hương một lượt, rồi anh chàng mới tìm gặp sư trụ trì.
Ông sư già dáng khắc khổ, mắt sáng, mặc một cái cà sa nâu.
Vừa thấy Điền Quý, ông đã đến chào hỏi hết sức thân mật, đủ biết anh chàng nhìn như lập dị này giao thiệp rộng tới mức nào.
Sư cụ bảo:
“Hôm nay sao cậu rảnh rỗi mà đến đây thế?”
Điền Quý không đáp ngay, mà hỏi:
“Đám trẻ con sao rồi cụ? Có phá phách gì không??”
“Chúng nó ngoan lắm, nhiều đứa lớn rồi vẫn còn nhớ chú Quý đấy.
Hôm nay cháu đến thăm, chúng nó mà biết thì chắc vui lắm.”
“Hôm nay con đến nhờ vả các em nó mà thầy ơi.”
Điền Quý cười.
“Thế mà không nói sớm, để thầy vào gọi chúng nó ra.”
Đợi sư thầy đi khuất, anh chàng mới quay sang phía cô bạn đi cùng, giải thích:
“Chùa này có thu nhận những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ.
Trong lúc đi làm nhiệm vụ tôi cũng có gửi một hai cháu đến nhờ thầy chăm giúp, với cũng cúng giường ủng hộ cho chúng.”
Phượng Ngân gật gù, bảo:
“Chuyến này đánh thần trùng nguy hiểm trùng trùng, anh tranh thủ đến thăm chúng đúng là chuyện nên làm.”
“Cả nhà cả cửa được con bạn đi cùng mà nó lại trù mình chết, ông giời không có mắt mà…”
Điền Quý thở dài, ngửa đầu lên, giả ra cái vẻ bi thương.
Phượng Ngân còn đang định đùa lại, thì từ phía sau vườn đã có tiếng trẻ con nhao nhao gọi:
“Chú Quý! Chú Quý!”
Chỉ thấy sư trụ trì dẫn ra một nhóm hơn chục đứa trẻ con, lớn thì mười một mười hai, nhỏ thì mới năm sáu tuổi, cả trai cả gái.
Vừa nhác thấy Điền Quý, cả lũ đã hớn ha hớn hở, chạy ùa tới.
Đứa thì chào hỏi, đứa thì vòi quà, huyên náo cả một góc chùa.
Điền Quý nghiêm mặt, nói:
“Này, mấy đứa, đây là chỗ trang nghiêm, đừng có làm ồn.”
Sư trụ trì thì xua tay, bảo:
“Trẻ con hiếu động thôi mà, không sao cả.”
Lúc này, trong bọn lại có một đứa bé độ năm sáu tuổi, trong lúc đám trẻ chen lấn xô nó ngã oạch xuống sàn nhà.
Phượng Ngân đang định chạy đến dỗ nó đứng dậy, thì đã thấy đứa bé hiện nguyên hình là một con đỉa to như con lợn, vừa giãy lên đành đạch vừa khóc lóc thảm thiết.
Sư trụ trì vỗ lên đầu con đỉa một cái, nói:
“Kìa con, dọa cô bây giờ.”
Một đứa khác bỗng dưng hùa vào:
“Đúng rồi.
Cậu dọa cô, cô không lấy chú Quý nữa thì chú Quý ghét cậu cho xem.”
Con đỉa có vẻ hoảng, bèn hóa lại thành đứa trẻ con, chạy đến kéo áo Phượng Ngân:
“Cô ơi, cô đừng bỏ chú Quý.”
Cô nàng đang định giải thích, nhưng thấy hai mắt thằng bé rưng rưng, mặt méo xệch như chực khóc, bèn đáp:
“Ừ.
Ừ.
Cô không bỏ chú ấy đâu.”
Mình chỉ làm thế để thằng bé không biến thành con đỉa thôi.
Phượng Ngân tự thuyết phục bản thân như vậy.
“Thì ra đám trẻ này không phải người.”
Phượng Ngân ngồi xuống bên cạnh Điền Quý – người đang ngồi mềm oặt như mớ giẻ lau trên băng ghế nhựa.
Cô nàng đẩy chai nước suối lạnh về phía anh chàng, hỏi:
“Uống không?”
Điền Quý vơ đại chai nước, uống một hơi cạn hết một nửa, rồi “khà” một tiếng.
Anh chàng nói tiếp:
“Bọn nó đều mồ côi.
Có đứa cha mẹ chết trong chiến tranh, có đứa thì mất người thân vì con người lạm sát.
Tôi đi làm nhiệm vụ, tình cờ gặp được đứa nào thì đưa chúng vào chùa, vào cô nhi viện đứa đấy, coi như cũng có người chăm sóc, đỡ phải lang bạt kì hồ.”
Ngừng một chốc, Quý lại tiếp:
“Nhưng cô thấy đau đầu chưa? Bọn trẻ con đúng là quỷ sứ đầu thai, loài nào cũng như loài nào.
Hết phải chạy theo nhặt đầu cho bé ma lai, lại phải dỗ dành bọn quỷ nhỏ.
Chúng nó còn bé, không kiểm soát được sức mình, nhỡ mà có đánh nhau thì can đến phát mệt.
Nhưng sợ nhất là chúng nó nói linh tinh ấy.”
Phượng Ngân cười khẽ một cái, lại hỏi:
“Anh có vẻ ghét trẻ con nhỉ?”
“Ghét á? Sợ thì đúng hơn bà cô của tôi ơi.
Chẳng bỗng dưng tôi chuồn khỏi nhà.”
“Nhưng anh rất quan tâm tới bọn nó, đúng không? Bé đỉa cần máu nè, bé ma lai cần ruột cá này, đứa nào cần thứ gì anh đều mang theo đủ cả, còn cả đống quà vặt nữa.”
“Trùng hợp thôi.”
Điền Quý quay ngoắt mặt sang hướng khác, nhưng lời nói đã không còn kiên quyết như trước.