Đảo Thanh Mai

Chương 10: Đối mặt với người đời


Đọc truyện Đảo Thanh Mai – Chương 10: Đối mặt với người đời

Edit: Nguyệt Mẫn

Beta: MissTony

Ông bảo tôi xin nghỉ làm ngày mai, nói muốn lên núi tảo mộ mà đường thì trơn trượt nên để bà đi một mình ông không yêu tâm, nên bảo tôi lấy chiếc xe rùa điện chở bà đi.

Chuyện liên quan đến bà nên tất nhiên tôi đồng ý ngay, còn chắc như đinh đóng cột rằng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông cứ yên tâm.

Đúng tám giờ tối tôi gõ cửa nhà Nhạn Không Sơn, lúc vào nhà ấp a ấp úng xong mới trình bày sự việc.

Lúc đó nói muốn đến phụ việc ở tiệm sách, anh cũng từng bảo không được xin nghỉ phép, dạo gần đây tôi lại không tuân theo nên có hơi áy náy trong lòng.

“… Là vậy đó ạ.”

Nhạn Không Sơn đang sấy tóc cho Nhạn Vãn Thu, cô bé ngồi trên ghế mặc một chiếc váy ngủ cotton màu trắng, ngậm cây kẹo mút trong miệng, còn tay thì đang loay hoay khối rubic hình tam giác.

Cô bé chơi rubic rất nhanh, mặc dù không đạt đến trình độ làm cho người ta trầm trồ nhưng mà với một đứa nhóc mới đi nhà trẻ thì vậy đã là xịn xò lắm rồi. Thấy cô bé cũng không phải chơi linh tinh mà rất chăm chú suy nghĩ cách xoay những màu giống nhau về cùng một mặt.

Tôi không hay tiếp xúc với trẻ con, cũng không biết có phải đứa nhóc nào cũng giống Nhạn Vãn Thu hay không, đôi khi tôi thấy con bé không giống những người bạn năm tuổi đồng trang lứa. Con bé quá thông minh và chín chắn.

“Tảo mộ?”

Nhạn Không Sơn đang sấy tóc cho Nhạn Vãn Thu hệt như khi vò đầu tôi vậy, tôi nhìn đầu Nhạn Vãn Thu bị xoay trái xoay phải mà chóng mặt thay cho cô bé.

“Em nghe ông nói “nhà của dì” đều vậy cả. Sơ nữ không lập gia đình, không có con cái kề cạnh, nên khi qua đời thì người còn sống sẽ lo liệu hậu sự cho họ, hàng năm đến lễ bái quét dọn.” Tiếng máy sấy hơi ồn, tôi đứng gần, hơi nghiêng đầu về phía Nhạn Không Sơn: “Bà đã là sơ nữ cuối cùng trên đảo, cho nên ngày mai phải xách theo nhiều đồ lắm.”

Nhạn Không Sơn dừng sấy tóc, cầm chiếc lược bên cạnh chải mái tóc tổ quạ của Nhạn Vãn Thu.

“Cần anh giúp gì không?” Anh đưa mắt nhìn về phía tôi.

Môi Nhạn Không Sơn lúc không cười thì hơi mím lại nhìn có chút dữ, nhưng khi tâm trạng tốt thì ánh mắt đấy của anh lại đẹp đẽ cực kỳ, hệt như cái móc nhỏ được giấu đi, từng giây từng phút như câu vào nơi mềm mại nhất trong trái tim bạn.


Mặc dù muốn ở cùng anh nhiều thêm chút nữa, thấu hiểu nhiều hơn, bồi đắp tình cảm, nhưng chuyện cúng mộ này còn muốn anh giúp thì cũng kỳ quá. Mà có thể vì lịch sự nên anh mới hỏi thế chứ chắc gì đã thật.

Quan trọng nhất chính là ngày mai đúng là ngày nghỉ nên chắc chắn lượng khách vào tiệm sách sẽ nhiều hơn, đã vắng cậu rồi mà thiếu thêm cả anh nữa thì kiểu gì Văn Ứng cũng giận.

“Không cần đâu ạ, anh cũng bận mải mà nên em tự đi được ạ.” Tôi liên tục xua tay với Nhạn Không Sơn.

Nhạn Không Sơn cũng không kiên trì nữa mà tiếp tục cúi đầu chải tóc cho Nhạn Vãn Thu, chờ đến khi chải xong thì khối rubic trong tay của cô bé cũng đã trở lại như cũ.

“Con thành công rồi nè!” Cô bé giơ cao khối rubic lên hệt như nữ thần tự do cầm lấy bó đuốc.

“Siêu quá!” Tôi vỗ tay tán dương.

Cô bé nhỏ quay người nhìn Nhạn Không Sơn, phấn khích nói: “Con chơi game với anh được không ạ?”

Tôi còn chưa kịp phản ứng lại thì đã thấy Nhạn Không Sơn cầm khối rubic kia lên nhìn, sau đó bất đắc dĩ quay sang nói với tôi: “Tôi đã nói với con bé, nếu như nó có thể xếp xong khối rubic này thì sẽ cho nó chơi game với em một tiếng.” Đột nhiên anh nhích lại gần rồi thì thầm vào tai tôi: “Tôi không ngờ là con bé lợi hại như vậy.” Nói một câu thoảng qua rồi anh nhanh chóng ngồi dậy, dùng âm lượng bình thường mà nói: “Làm phiền em rồi.”

Có gì đâu mà phiền chứ? Đây là cơ hội thể hiện thực lực của bản thân em mà!

Tôi vội vàng nói: “Không có đâu, em cũng thích chơi game lắm.”

Nhân lúc Nhạn Không Sơn cúi người ôm Nhạn Vãn Thu, tôi vội vàng xoa xoa vành tai nóng bừng vì hơi thở của anh phả lên.

Tôi cứ cảm thấy Nhạn Không Sơn có cái kiểu “thả thính vô thức”, dù rõ ràng khi đối diện với phái nữ thì anh rất giữ ý. Hay vì tôi cũng là đực rựa như anh nên anh chả thèm kiêng dè mà giải phóng bản tính với tôi nhỉ?

Chơi game với Nhạn Vãn Thu đến hơn chín giờ, vì ngày mai còn phải dậy sớm, nhìn thời gian cũng không còn sớm nữa nên xong trận tôi cũng đứng dậy để chuẩn bị đi về.

Dường như Nhạn Không Sơn muốn nói gì đó với tôi nên mới nói tôi chờ dưới nhà một chút. Anh ôm Nhạn Vãn Thu về phòng xong thì hai phút sau đã bước nhanh xuống.

“Tôi tiễn em.” Anh đi đến trước mặt tôi.

Nhà chúng tôi cách nhau chưa tới hai mươi mét, lâu nay quá lắm anh cũng chỉ tiễn tôi đến cửa sân, thế mà nay lại muốn tiễn tôi về tận nhà.


Tôi hơi mơ hồ không hiểu được ý anh, cứ cảm thấy hành động mập mờ này giống như chỉ có ở những đôi yêu nhau, nhưng nhìn đỉnh đầu trắng tinh đó của anh, không hồng cũng không vàng, lại sợ mình đa tình nên lý giải sai.

Anh tiễn tôi đến cửa nhà, tôi lấy chìa khóa ra đắn đo có nên mở cửa hay không, mở rồi thì có nên mời anh vào nhà không, vào rồi thì làm sao tránh tai mắt của ông mà dắt anh lên phòng đây…

“Tôi có nói là em không được phép nghỉ, nhưng dù sao em cũng làm không lương, nếu mệt thì cứ nghỉ ngơi, nghỉ hai ngày cũng được.” Câu này của Nhạn Không Sơn làm đứt đoạn cái suy nghĩ càng lúc càng quá đáng của tôi: “Mỗi một ngày em làm việc đều có thể lấy hai cuốn sách của tôi. Kỳ nghỉ còn dài, đủ tích góp cho em đọc sách mấy tháng. Cho nên, đừng ngại mà xin nghỉ với tôi nhé.”

Chao ôi, quả nhiên là do tôi suy nghĩ nhiều quá. Đưa tôi về nhà hóa ra là muốn nói về vấn đề đãi ngộ lương bổng sau này.

Tôi cố gắng đè nén nỗi thất vọng: “Dạ, nếu mệt thì em sẽ xin nghỉ.”

Sau khi tạm biệt anh thì tôi vào nhà.

Cánh cửa từ từ đóng lại, khe hở càng lúc càng hẹp đi, bóng dáng Nhạn Không Sơn cũng xa dần.

Sáng sớm hôm sau, chưa đến bảy giờ tôi đã ra cửa đón bà.

Bà cô ở cách không xa nhà ông bà là bao, đi tầm mười phút, đôi khi bà sẽ dắt chó qua rồi cùng xem hai tập phim truyền hình sau đó thì dắt về.

“Miên Miên ơi, hôm nay cảm ơn con nhiều lắm.” Bà cô chờ ở bên đường, hôm nay không mặc sườn xám mà là một bộ đồ màu đen, mái tóc bạc đã dùng cây trâm kẹp lại, dưới chân còn có mấy túi đồ lớn nhỏ xem ra đều là mấy loại nến trắng đồ lễ dùng để tảo mộ.

“Không sao đâu ạ, bà còn khách sáo với con làm gì nữa?” Tôi giúp bà chất túi lên chiếc giỏ xe to tướng đằng trước của chiếc xe rùa điện, chờ đến khi bà ngồi ổn định ở phía sau, ôm lấy tôi, sau đó vít ga một cái rồi đi thẳng về hướng núi.

Bao quanh đảo Thanh Mai là biển, một nửa trên đảo đều là núi. Người ta nói rừng vàng biển bạc, đảo Thanh Mai có cả hai, chính vì vậy rất giàu có sung túc.

Vốn trên đảo không có nghĩa trang công cộng, những người có tuổi quan niệm rằng nhập thổ bình yên, trần sao âm vậy, thế là đều chôn cất trên núi. Mười năm trước, chính phủ đã xây dựng một nghĩa trang mới trên đảo để phổ biến chuyện hỏa táng, để khuyến khích mọi người đón nhận phương thức mai táng mới, cứ một ngày mười hai tiếng chạy vòng quanh đảo phát thanh tuyên truyền khẩu hiệu —– bụi về với bụi, đất về với đất, hoả táng tích phúc giàu muôn đời.

Đây đều là mấy chuyện lý thú mà Tôn Nhụy hay kể cho tôi nghe lúc rảnh rỗi, nói là hai tháng đó đến cả mơ cũng nghe khẩu hiệu này, một đứa trẻ tý tuổi đầu như cậu ấy đã phải chịu đựng những thứ không nên chịu đựng.

Tôi hỏi cậu ấy khẩu hiệu này là ai nghĩ ra, sao mà cảm giác quen quen thế. Cậu ấy nói tất cả người dân trên đảo đều có thể gửi góp ý cho chính phủ, ai hay thì dùng của người nấy, lại còn nói với tôi một cách đầy tự hào rằng, bởi vì ba cậu ấy văn hay chữ tốt, nên cuối cùng mọi người nhất trí quyết định lấy khẩu hiệu mà ông nghĩ ra.


Cho nên khẩu hiệu này là do ba của Tôn Nhụy nghĩ.

Hèn gì nghe quen đến thế…

Lái chiếc xe điện tầm nửa tiếng, cuối cùng tôi và bà cô đã đến chân núi phía nam của đảo Thanh Mai

Ngọn núi này từng có một cái tên hẳn hoi và rất dễ nghe là “Núi phượng già”, nhưng vì mộ trên núi nhiều quá nên dần dần mọi người gọi nó là “Núi bao bao”.

Đang ngầu như thế mà đổi cái nghe cưng dễ sợ.

Đỗ xe xong, tôi tay xách nách mang đi sau, bà cô thì nhẹ nhàng đi trước.

“”Không khí trên núi vẫn tốt nhất, phổi bà dễ chịu hẳn.”

Núi không cao lắm, nhưng do nhiều đồ nên tôi leo cũng hơi thở dốc một chút.

“Không khí trên đảo… đúng thật là tốt, trong thành phố nhiều khói bụi, trên lá cây cũng cảm thấy bẩn bẩn.”

Chưa gì bà cô đã đến đỉnh núi còn quay đầu lại gọi tôi: “Sức khỏe Miên Miên kém thế, con trai gì mà đi một chút đã thở hổn hển rồi?”

Tôi cắn răng, bùng lên ba chân bốn cẳng bắn vọt lên đỉnh núi. Vất vả lắm mới trèo lên được, đầu gối tôi cũng hơi nhũn đi.

Bà cô vỗ một cái lên người mà tôi lảo đảo cả đi: “Con phải học tập anh hàng xóm cạnh bên nhiều đấy, người người ta tướng tá to cao, chắc chắn là rất hay rèn luyện.”

Không cần đoán cũng biết bà nhắc đến Nhạn Không Sơn.

Tôi thả chiếc túi xuống rồi ngồi lên một tảng đá nghỉ ngơi, cực kỳ hiểu bản thân mình: “Con chỉ sợ không cao được như ảnh thôi.”

Bà cô an ủi tôi: “Có sao đâu, cứ mơ ước cao xa đi mới đương đầu được với hiện thực gian khó chứ.”

Tôi: “…”

Hình như không được an ủi gì cả.

Mộ của các sơ nữ rải rác ở trong núi, bà cô đều nhớ đường cả, còn có thể gọi tên của họ rõ ràng rành mạch, thậm chí là ngày sinh ngày mất.


Bà nói đây là trách nhiệm. Sống đến người cuối cùng đều vì trách nhiệm với những người đi trước.

Chúng tôi ngồi xuống cúng bái cho từng ngôi mộ, chỉ số trên đỉnh đầu bà vẫn luôn là màu xanh lam nhàn nhạt như thế. Tôi biết bà đang nhớ về họ nên im lặng không quấy rầy bà.

Cúng bái xong, lúc xuống núi, bà cô vẫn đi phía trước, bóng lưng thẳng tắp, nhịp bước mạnh mẽ không hề giống một người già đã bảy mươi.

Tôi đi vội lên vài bước để đuổi kịp bà, kiềm lòng không được mà hỏi: “Bà ơi, bà có hối hận không?”

“Hối hận? Con nói việc bà làm sơ nữ ấy hả?” Bà cô vừa đi vừa nhìn tôi.

“Dạ.”

“Người khác ra sao thì bà không biết, còn bà không hề hối hận.” Khóe môi bà treo một nụ cười, giây phút này những buồn thường dường như đều đã giữ lại trên núi.

Những năm đó, chuyện không nhất quyết không lấy chồng cần biết bao can đảm. Đừng nói là trước kia mà bây giờ phái nữ độc thân không kết hôn chưa chắc được người đời thấu hiểu. Mà chuyện của tôi cũng đôi chỗ giống như bà, có khi còn không được như thế.

Trên con đường đồng tính luyến ái tôi đang đi trên ấy thì Phó Duy chỉ mới là chướng ngại đầu tiên, tôi biết, những chướng ngại đó trong tương lai còn rất nhiều.

Tôi có hơi sợ hãi, cũng đôi chút mơ hồ: “Đối mặt với người đời có vất vả không bà?”

Cuộc sống sau này của tôi… sẽ khó khăn ư?

Bà cô không biết những phiền não này của tôi, bà chỉ có thể nói cho tôi biết về kinh nghiệm của chính cuộc đời mình.

“Đôi khi sẽ tức giận vì bị người tò mò chỉ trỏ, nhưng có khổ không à?” Bà cười nhạt: “Bà không khổ. Người nghèo khó bần cùng mới khổ, có tiền sẽ không hề khổ chút nào, lại còn rất vui.”

Tôi: “…”

Cảm giác như rất thâm sâu.

Ông có dặn tôi từ trước là đưa bà về nhà ăn bữa cơm trưa, thế nên tôi đạp chiếc xe rùa điện của mình về thẳng nhà. Vừa dừng ở cổng sân đã nghe tiếng cãi nhau kịch liệt bên trong truyền đến.

Một giọng nam có chút quen tai nói: “Tôi mới là cha con bé, cha ruột, thật sự không phải người xấu, ông để tôi gặp con bé một lần, tôi hứa là chỉ nhìn thôi không làm gì cả…”

Ông nhất quyết không đồng ý, mà thái độ còn kiên quyết: “Tôi đã nói rồi, người ta gửi con ở chỗ tôi, tôi không để cậu làm loạn được. Cậu tự ý xông vào nhà dân, nếu còn tiếp tục là tôi báo cảnh sát đấy!”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.