Đọc truyện Đạo Ma Nhị Đế – Chương 61: Tâm sự cá nhân
Cổ Kim Đồng hét lớn:
– Cuồng đồ nào từ đâu đến, dám gây náo nhiệt trước động của lão phu?
Ngầm vận công đưa ngang ngực, lão lắc nhẹ đôi vai, thân hình lao vút ra ngoài.
Những người kia cùng đứng lên, cùng lướt theo Cổ Kim Đồng.
Song Triệu Sĩ Nguyên vội ngăn lại, thốt:
– Chúng ta chưa biết tình hình của địch như thế nào, thì đừng vội cho họ thấy thực lực của mình.
Bọn Phong Trần Tứ Hiệp thán phục thâm ý của chàng, cùng dừng bước, Võ Lâm Tứ Khuyết và Triệu Sĩ Mẫn cũng dừng bước luôn.
Rồi tất cả cùng im lặng, lắng tai nghe.
Chợt Cổ Kim Đồng bật cười sang sảng:
– A! Dương lão đệ! Lão phu cứ tưởng là ai! Xa cách nhau hơn ba mươi năm rồi, lão đệ vẫn chứng nào tật ấy, vẫn còn đùa cợt như ngày trước.
Thì ra người mới đến là bằng hữu của lão.
Người trong động thở phào, nhưng khách mới đến lại đáp với giọng lạnh lùng:
– Tiểu đệ có lịnh tại thân, không thể nói đến điều tình nghĩa với nhau được.
Triệu Sĩ Nguyên biết có biến, vội khoát tay ra hiệu cho mọi người giữ sự yên lặng, chờ xem sự tình diễn tiến như thế nào.
Cổ Kim Đồng thoạt đầu gọi đối phương là lão đệ, bây giờ lại đổi giọng:
– Dương huynh có ý tứ gì?
Người họ Dương vẫn lạnh lùng:
– Công vụ chưa tròn khoan nói đến tình riêng!
Cổ Kim Đồng không dằn lòng được nữa, trước hai lượt đối đáp phủ phàng của khách.
Lão không cười nữa, buông giọng cứng liền:
– Thế thì lão phu lỗi rồi! Xin đại hiệp thứ lỗi cho nhá! Dám hỏi Lôi đình thủ Dương đại anh hùng có oai danh chấn dội góc trời Nam hiện nay đã sung đại quan cao chức gì mà đắc ý thế?
Lão mỉa mai quá nặng nề.
Lôi đình thủ Dương Oai giữ vẻ mặt lạnh như tiền, không vì lời mỉa đó mà cúi đầu dấu thẹn, trái lại lão ta còn ngẩng cao mặt lên, với giọng ngạo nghễ đáp:
– Tiểu đệ đã theo với Vô Tình cung từ lâu, hiện tại đang sung chức Phiên chúa tại Nam phiên, giang san toàn cỏi thuộc về Vô Tình lệnh chủ, dưới quyền lệnh chủ có bốn phiên trấn, mà tiểu đệ là một, quản trị miền Nam này. Vô Công Sơn của Cổ huynh nằm trong vùng quản hạt của tiểu đệ đó.
Cổ Kim Đồng bật cười ha hả:
– Thế à? Đại phiên chúa đã đến đây, tiểu dân không hay biết thành ra thất lễ tiếp nghinh. Vậy mong đại phiên chúa dung thứ cho tiểu dân.
Dương Oai làm gì chẳng hiểu thâm ý châm biếm của Cổ Kim Đồng? Song đã theo về với Vô Tình cung thì tự nhiên lão ta dày mày dạn mặt là cái chắc, lão vẫn ngạo nghễ tiếp:
– Tiểu đệ vâng lệnh Tào lệnh chủ, đến đây thương lượng với Cổ huynh.
Cổ Kim Đồng trầm mặt lạnh giọng:
– Về việc chi đó, đại phiên chúa?
Dương Oai tiếp:
– Tào lệnh chủ ngưỡng mộ oai danh Cổ huynh từ lâu, đang khát vọng được hội kiến với Cổ huynh. Người đã đặt chiếc ghế Phó lệnh chủ, chờ Cổ huynh từ lâu rồi. Vì quá nóng gặp mặt Cổ huynh, lệnh chủ sai phái tiểu đệ đến báo tin Cổ huynh, không lâu lắm người sẽ thân hành đến bái kiến Cổ huynh.
Cổ Kim Đồng hừ một tiếng:
– Giá lão phu không thấy hứng thú về đề nghị của Dương đại hiệp?
Lão không cần gọi đối phương là lão đệ hay lão huynh nữa.
Dương Oai mỉm cười:
– Tào lệnh chủ có bảo tiểu đệ đến thỉnh Cổ huynh một việc, nghe rồi thì hẳn Cổ huynh sẽ có hứng thú ngay!
Cổ Kim Đồng cao giọng:
– Lão quỷ họ Tào đó dám chắc như vậy?
Dương Oai tiếp luôn:
– Tào lệnh chủ chuyển lời hỏi Cổ huynh, chứ Cổ huynh có còn nhớ cái đêm Trung thu mười bảy năm về trước chăng?
Cổ Kim Đồng trợn trừng đôi mày, như đột nhiên bị đối phương đánh mạnh, niềm phẫn uất chừng như lắng xuống phần nào.
Lão lẩm nhẩm:
– Việc gì trong đêm trung thu mười bảy năm trước?
Dương Oai lờ đi, cứ tiếp:
– Việc cũ, Tào lệnh chủ nắm đủ chứng tích, song người chẳng hề tiết lộ ra với bất kỳ ai, và luôn luôn ca tụng Cổ huynh đức cao, lượng rộng…
Cổ Kim Đồng rung người thấy rõ…
Lão hét lớn:
– Vô lý! Lão phu là người vô can…
Dương Oai điềm nhiên:
– Sự việc xa xưa, tiểu đệ có biết gì đâu mà Cổ huynh phải biện hộ. Nói với tiểu đệ cũng bằng thừa, Cổ huynh ạ. Hiện tại, tiểu đệ chỉ chú trọng đến sứ mạng của mình thôi, và mong Cổ huynh cho biết thái độ, đáp ứng hay không đáp ứng vậy thôi.
Cổ Kim Đồng nín lặng.
Lâu lắm lão mới thốt:
– Trong nhất thời lão phu không thể quyết định được.
Lôi đình thủ Dương Oai gật đầu:
– Quyết định gấp hay lâu chẳng quan hệ gì. Tuy nhiên, Tào lệnh chủ có mấy việc định nhờ Cổ huynh giải quyết, nếu Cổ huynh sẵn sàng tiếp trợ thì sự tiếp trợ đó là chứng minh cái ý chân thành của Cổ huynh.
Cổ Kim Đồng chẳng khác nào con gà chọi bị bại, lông và cánh tơi bời.
Lão hồi như rên rỉ:
– Lão phu phải làm những việc gì?
Dương Oai hỏi lại:
– Vô Tình lệnh chủ có lập đàn tràng bên bờ sông Mịch La, làm lễ truy hồn Triệu Thiếu lệnh chủ, có lẽ Cổ huynh cũng nghe nói đến việc đó chứ?
Cổ Kim Đồng gật đầu:
– Vô Tình lệnh chủ tỏ lộ cao nghĩa như vậy, còn ai không cảm phục? Tự nhiên hào kiệt võ lâm đều có nghe nói đến chuyện đó.
Dương Oai cười nhạt:
– Tào lệnh chủ và Triệu Thiếu lệnh chủ có mối quan hệ mật thiết với nhau, vừa là nhạc trưởng, vừa là hiền tế, vừa là sư phụ môn đồ, cái lý đương nhiên là phải vậy, chứ Tào lệnh chủ nào dám xưng mình trọng nghĩa?
Bên trong động, Triệu Sĩ Mẫn thì thầm bên tai Triệu Sĩ Nguyên:
– Tam đệ…
Triệu Sĩ Nguyên thẹn đỏ mặt, thốt:
– Nghe lão quỷ đó nói…
Bên ngoài, Dương Oai lại tiếp nối:
– Đúng ngày đó, Cổ huynh với thân phận là người không môn phái đến tại tế đàn, đốt một nén hương, tưởng niệm vong linh người quá cố.
Cổ Kim Đồng dở khóc dở cười:
– Nếu có vậy, lão phu phải cố gắng…
Dương Oai tiếp luôn:
– Cổ huynh đừng quên dẫn Nhị công tử Sĩ Mẫn cùng theo.
Cổ Kim Đồng giật mình:
– Triệu nhị công tử? Lão phu…
Dương Oai vụt cười ha hả:
– Nếu tiểu đệ đoán không lầm thì hiện tại Triệu nhị công tử đang ở phía sau lưng Cổ huynh, trong động kia, và có thể còn có bốn vị bằng hữu nữa?
Cổ Kim Đồng còn nói được gì hơn? Sự tình trong động, đối phương hiểu rõ, như chính mắt trông thấy tường tận.
Dương Oai lại tiếp:
– Nam Bắc Song Hùng cùng Phong Trần Tứ Hiệp là những nhân vật mà Tào lệnh chủ hằng ước mong được kết giao, Cổ huynh cũng nên mời họ cùng đến Mịch La!
Bên ngoài trầm tịch sau câu nói cuối cùng của Lôi đình thủ Dương Oai.
Chừng như Cổ Kim Đồng đang suy tư để quyết định thái độ.
Lâu lắm lão mới thốt, song giọng nói của lão không được bình tỉnh lắm:
– Dương huynh có công vụ như thế nào?
Dương Oai đáp:
– Công vụ là sứ mạng hôm nay đó, bây giờ kể như làm tròn rồi.
Cổ Kim Đồng cố lấy can đảm, tiếp:
– Thế thì Dương huynh hãy vào động, dùng với tiểu đệ một chén trà.
Dương Oai lắc đầu:
– Tiểu đệ không thừa thời gian. Cổ huynh miễn cho. Đây là một cơ hội bằng vàng, mong lão huynh suy nghĩ kỹ đừng để mất! Tiểu đệ xin cáo từ. Ngày gặp lại hẳn không xa!
Lão ta thoát đi liền.
Cổ Kim Đồng mơ màng một lúc, rồi thay vì trở vào động lại nhắm một phương hướng chạy đi.
Triệu Sĩ Nguyên lấy làm lạ, vội bảo mọi người ở tại động chờ chàng, đừng ai đi đâu cả.
Đoạn chàng bước ra khỏi động, giở thuật khinh công đuổi theo Cổ Kim Đồng.
Tuy người chạy trước đã mất tung tích, song Triệu Sĩ Nguyên theo dấu không khó khăn lắm, chỉ một thoáng sau là chàng thấy được Cổ Kim Đồng ở phía trước.
Chàng giữ khoảng cách đó theo mãi.
Qua một khắc, với tốc độ phi thường của họ, cả hai đã vượt ít nhất cũng hơn trăm dặm đường.
Đến một vùng núi non hoang vắng, Cổ Kim Đồng dừng chân bên cạnh một thân cây to lớn đến độ ba người dang tay ôm quanh cũng chưa giáp vòng.
Lão vòng qua phía Tây Bắc, đưa tay gõ nhẹ vào thân cây ba lượt.
Bên trong có tiếng hỏi vọng ra:
– Sư huynh lại đến đó phải không? Có việc gì thế? Hãy vào đi.
Chừng như nơi đó có một cái cửa nhỏ, cửa mở ra, Cổ Kim Đồng chui qua cửa, vỏ cây liền lại ngay.
Triệu Sĩ Nguyên bước tới quan sát thân cây rồi phi thân lên cành, nhận ra nơi đó có lồ thông hơi, lỗ còn bỏ trống.
Chàng ghé mắt nhìn vào.
Thì ra thân cây bộng, trong bộng có một gian phòng nhỏ.
Trong phòng có một lão phụ, Cổ Kim Đồng đang ngồi đối diện với lão phụ.
Lão đem sự tình vừa rồi thuật lại cho lão phụ nghe. Lão phụ chốc chốc cau mày, chốc chốc đáp từng tiếng một.
Khi Cổ Kim Đồng dứt tiếng, lão phụ thở dài, một lúc lâu bà thốt:
– Trong mấy năm qua, sư huynh khổ tâm vô cùng, điều đó tiểu muội biết rõ lắm! Tuy nhiên sư huynh đã giáo dưỡng bốn trẻ thành người, như vậy cha mẹ chúng cũng phải tri ơn!
Cổ Kim Đồng bi thảm cực độ:
– Lan muội! Ngày nay Lan muội còn hoài nghi ngu huynh nữa chăng?
Lão phụ cười khổ:
– Nếu tiểu muội có ý gì nghi ngờ sư huynh, thì hẳn đã liều chết với sư huynh từ lâu rồi, đâu phải đợi đến hôm nay.
Bà dừng lại một chút, rồi tiếp:
– Tuy nhiên một mình tiểu muội tin sư huynh, cũng chẳng giải quyết được gì! Chỉ sợ bốn trẻ biết được sự việc ngày xưa lúc đó thì làm sao sư huynh giải thích cho chúng tin được là chẳng phải sư huynh sát hại cha mẹ chúng, lại làm cho chúng trở thành phế nhân, mất tay, mất chân.
Cổ Kim Đồng ủ rủ nặng nề:
– Ngu huynh không có ý định dấu diếm việc đó mãi mãi với chúng. Đến lúc đó, chúng tin hay không tin ngu huynh, chỉ bằng vào định mệnh thôi. Cũng tại ngu huynh bất tài, trong nhiều năm qua vẫn không tìm ra hung thủ!…
Dừng lại để thở dài, rồi lão tiếp:
– Ngu huynh đã định, khi nào chúng học thành tài rồi, ngu huynh sẽ đem sự tình ngày trước thuật lại với chúng. Chứ cứ giữ bí mật mãi như thế này thì ngu huynh khó chịu quá chừng.
Lão phụ cau mày:
– Rồi lúc đó sư huynh an bày cho tiểu muội như thế nào? Tiểu muội phải ăn nói làm sao với chúng?
Cổ Kim Đồng thấp giọng:
– Làm sao? Làm sao? Ngu huynh còn biết làm sao? Ngu huynh mang niềm khổ đau suốt mười bảy năm dài! Trong mười bảy năm qua, ngày tiếp nối ngày, chẳng ngày nào không thấy mặt chúng. Thấy mặt chúng là ngu huynh muốn tự sát ngay. Thà chết đi còn khoan khoái hơn.
Lão phụ hỏi gấp:
– Bây giờ sư huynh tính sao?
Cổ Kim Đồng bật cười quái dị:
– Ngu huynh có chủ ý rồi.
Lão phụ hỏi:
– Chủ ý như thế nào?
Cổ Kim Đồng đáp:
– Ngu huynh chuẩn bị tiếp thọ chức Phó lệnh chủ Vô Tình cung.
Lão phụ giật mình, rung như chạm điện:
– Ngươi… bây giờ thì ngươi bắt đầu ló đuôi chồn rồi phải không? Ta tin ngươi từ lâu!
Ta lầm.
Bà không còn tôn xưng lão là sư huynh nữa.
Cổ Kim Đồng khoát tay:
– Lan muội giữ bình tĩnh! Ngu huynh nào đã nói hết ý đâu. Chưa chi mà Lan muội lại để niềm tin lung lay rồi.
Lão phụ căm hờn:
– Phàm ai tiếp cận với Vô Tình lệnh chủ rồi thì đừng bao giờ nói đến nhân phẩm và tư cách nữa. Ngươi làm thế là nghĩa gì chứ? Mười bảy năm qua ta tin ngươi, bây giờ ta thức ngộ ra, là lầm lạc! Trời, ta mù mất rồi.
Cổ Kim Đồng thấp giọng giải thích:
– Lan muội! Lan muội! Ngu huynh bị bức, phải tạm thời nhẫn nhục, hà tất Lan muội nổi giận? Huống chi… ta có chủ trương.
Lão phụ thở ra:
– Được rồi! Ngươi cứ nói cái chủ trương đó cho ta nghe!
Triệu Sĩ Nguyên biết rõ, họ là hai tử oan gia của Vô Tình lệnh chủ, và hiển nhiên với cái lối đối thoại đó, họ không phải là đôi vợ chồng.
Nhưng nếu không là vợ chồng, sao họ có vẻ thần bí cực độ như thế?
Chàng hết sức hoang mang.
Cổ Kim Đồng tiếp:
– Ngu huynh nghi ngờ Vô Tình lệnh chủ là người gieo họa cho ngu huynh mười bảy năm trước?
Lão phụ lắc đầu:
– Bằng vào đâu?
Cổ Kim Đồng giải thích:
– Việc ngày xưa chỉ có Lan muội và nguy huynh biết mà thôi, tuy có bốn trẻ song lúc đó chúng còn nhỏ quá, nào có biết được gì? Đến ngày nay chúng vẫn chưa biết thân thế ra sao nữa kia mà? Huống chi, Lan muội lại không thể tự mình tiết lộ cho người ngoài biết.
Lão phụ chừng như thức ngộ, dịu giọng liền:
– Mà sư huynh cũng không phải là người nông nổi!
Cổ Kim Đồng gật đầu:
– Như vậy là phải có đệ tam nhân. Kẻ đó mục kích sự tình nếu không thì…
Lão phụ chớp mắt:
– Kẻ thứ ba, hắn phải là Tào Duy Ngã. Nếu không thì làm sao lão biết được?
Cổ Kim Đồng khẳng định:
– Ngu huynh cho rằng chính lão hạ thủ đoạn tàn độc! Lão đánh cắp luôn quyển Hạo thiên bí kíp, làm cho ngu huynh mất an tịnh suốt mười bảy năm dài!
Lão phụ tiếp:
– Cho nên sư huynh có ý định tạm thời tiếp thọ chức phó lệnh chủ, để thừa dịp lấy lại quyển Hạo Thiên bí kíp, giải tỏa niềm oan?
Cổ Kim Đồng gật đầu:
– Đúng vậy! Lan muội cao tuổi rồi, vẫn còn sáng suốt như thuở thiếu niên.
Lão phụ hừ một tiếng:
– Nếu tiểm muội thông minh thì đâu đã để cho bao nhiêu người phải khổ!
Cổ Kim Đồng an ủi:
– Cố quên đi, Lan muội. Hãy dành tâm huyết cho những việc phải làm, bởi chúng ta chưa đến đổi tuyệt vọng. Chúng ta chẳng phải là hiệp nhau đây sao?
Rồi chính lão mơ buồn liền theo đó.
Lão tiếp:
– Trong thời gian ngu huynh lưu tại Vô Tình cung, không ai chiếu cố đến Lan muội…
Lão phụ vỗ hai tay kêu bôm bốp:
– Tiểu muội vẫn còn đủ hai tay đây mà!
Nhưng bà quên là đôi chân đã mất!
Cổ Kim Đồng lắc đầu:
– Dù sao ngu huynh vẫn không yên tâm.
Lão phụ bật cười vang:
– Không yên tâm cũng phải yên. Nếu chẳng vậy thì sau này phải chết với bốn trẻ.
Cổ Kim Đồng thốt:
– Ngu huynh không sợ chết vì tay chúng, mà chỉ ngại chúng đau khổ thôi.
Bỗng lão phụ đưa tay chỉ về phía ngoài quát:
– Ai?
Triệu Sĩ Nguyên cảm thấy một đạo kình khí cuốn đến đầu vai chàng.