Đạo Ma Nhị Đế

Chương 110: Gieo là có giặc


Đọc truyện Đạo Ma Nhị Đế – Chương 110: Gieo là có giặc

Triệu Sĩ Nguyên phi thân rời khỏi gian nhà cỏ của Nguyễn Lý Cư Sĩ, trở lại chỗ nấp của Thư Tiếu Thiên. Thư Tiếu Thiên chờ đợi khá lâu, có ý bồn chồn, vừa thấy chàng trở ra, vội tụt xuống cội cây, hấp tấp gọi:

– Chừng như có náo động ở trong ngôi nhà đó, có phải là Thiếu lệnh chủ đã động thủ với họ chăng?

Triệu Sĩ Nguyên lắc đầu, nhếch nụ cười khổ:

Nói làm gì? Chỉ biết là lần ra đi này của chúng ta cầm như vô ích.

– Tại sao thế? Văn Công Đạo chẳng phải là người không biết đạo nghĩa kia mà?

– Không phải vậy đâu! Văn lão tiền bối là người biết trọng đạo nghĩa lắm chứ. Thật tình người cũng có ý tiếp trợ tại hạ, nhưng người không tự chủ được, thì biết làm sao? Người đã bị Tào Duy Ngã bức hiếp rồi, bây giờ người còn hành động gì được nữa!

Cam thảo lang trung Thư Tiếu Thiên lại hỏi:

– Rồi Thiếu lệnh chủ lặng lẽ trở ra à?

Lão bất phục. Chẳng rõ lão bất phục Văn Công Đạo hay bất phục hành động của Triệu Sĩ Nguyên?

Triệu Sĩ Nguyên thở dài:

– Không ly khai thì ở lại đó để làm gì chứ? Thôi đi tiền bối, chúng ta có ở lại đây cũng vô ích, hãy ly khai gấp, tìm biện pháp khác là hơn.

Thư Tiếu Thiên hằn hộc:

– Đi đâu mà dễ dàng thế chứ?

Triệu Sĩ Nguyên thở dài:

– Muốn giết con chuột, chúng ta phải ngại hư đồ vật, tiền bối ạ. Văn Công Đạo đã sa vào vòng kiếm tỏa rồi, chúng ta không thể buộc lão phản ngược lại Tào Duy Ngã trắng trợn được.

Chàng vừa thốt vừa bước ra khỏi Vạn sanh đại trận.

Thư Tiếu Thiên lắc đầu:

– Đừng đi đâu hết Thiếu lệnh chủ ạ! Chúng ta cứ ở đây chờ cơ hội tốt hành sự.

Triệu Sĩ Nguyên đáp:

– Chúng ta đừng phí lãng thời gian, tiền bối ạ, trong khi chờ đợi, chúng ta cứ ra bên ngoài kia, thu thập đồng đảng của Tào Duy Ngã.

– Mãi đến bây giờ lão phu mới thấy Thiếu lệnh chủ bỏ hẳn cái lòng nhân của nữ giới, trở thành quyết liệt đáng ngợi!

– Đem lòng nhân đối xử với bọn hung ác ma quỷ là mang đàn gảy tai trâu! Không quyết liệt cũng không được, tiền bối ạ!

– Phải đó! Thiếu lệnh chủ lập luận hợp với lão phu lắm!

Cả hai bước qua đường Âm Dương giới. Lần này Triệu Sĩ Nguyên rút kinh nghiệm lúc vào, nên không mất lắm công phu để tìm cửa trận.


Triệu Sĩ Nguyên lấy vạt áo bao mặt, đồng thời gọi Thư Tiếu Thiên:

– Phải bao mặt, tiền bối, đừng để chúng nhận ra mình. Chúng biết được mình là chẳng bao giờ dám xuất hiện.

Thư Tiếu Thiên gật đầu:

– Thiếu lệnh chủ có cao kiến!

Đoạn sóng vai nhau cùng lướt ra khỏi trận thế. Ra khỏi trận rồi, trời lại sắp sáng, họ đi hơn hai mươi trượng, vẫn chưa gặp một bóng người. Triệu Sĩ Nguyên dừng chân, vận dụng thuật Thiên Thị Địa Thính nghe ngóng một lúc, đoạn cười nhẹ, nắm tay Thư Tiếu Thiên tiếp tục đi tới. Phía trước mặt họ là một cái đồi, chính nơi đó là đầu đường xuất nhập địa điểm bí mật. Trên đồi cỏ lau mọc lan tràn, trong cỏ lau có một con đường mòn, nếu không để ý quyết chẳng biết được là có con đường đó. Không lâu lắm, cả hai lên đến gò.

Bỗng có tiếng quát:

– Đứng lại!

Từ trong cỏ lau bốn người xuất hiện, chận đầu Triệu Sĩ Nguyên và Thư Tiếu Thiên.

Triệu Sĩ Nguyên nhận ra bốn người đó thuộc Thập Tam Thái Bảo trong Vô Tình cung. Họ là Thập thái bảo Đặng Tiềm, Thập nhất thái bảo Đàm Phi, Thập nhị thái bảo Phong Tam Xuân, Thập tam thái bảo Châu Nhất Quý. Triệu Sĩ Nguyên vờ không biết, cười lạnh một tiếng, hỏi:

– Lý do gì bốn vị chận đường khách bộ hành?

Châu Nhất Qúy cười hắc hắc:

– Cần gì phải nói lý do? Ta không muốn cho ai đi là không ai được đi cả.

– Thập tam thái bảo có tư cách nói với bổn công tử câu đó chăng?

Bởi chàng bao mặt, bốn thái bảo chẳng rõ chàng là ai, nên nghe chàng nói thế, tất cả đều giật mình, cùng một lượt buộc miệng hỏi:

– Tôn giá là ai, tại sao lại nhận ra bọn tại hạ là Thập tam thái bảo?

Triệu Sĩ Nguyên muốn dẫn dụ tất cả các cao thủ mai phục quanh đó, tập trung lại một chỗ nên tỏ vẻ cao ngạo, đáp:

– Bổn công tử là ai, các vị không đủ tư cách hỏi đâu!

Đoạn chàng hét lên:

– Đi! Đi ngay, gọi kẻ chủ trì các vị đến đây, nghe bổn công tử phân phó!

Thập thái bảo Đặng Tiềm lạnh lùng hừ một tiếng:

– Bằng vào một lời nói suông của tôn giá mà bọn tại hạ phải ngoan ngoãn tuân theo à?

– Bằng vào một lời nói suông rồi sao? Các vị không vâng?

Chàng đẩy ra một chưởng nhẹ. Không khi cuộn dồn tới, xoáy quanh Thập thái bảo Đặng Tiềm. Đặng Tiềm không dám khinh, nhập hai bàn tay làm một, lật qua một bên, đồng thời hét:


– Khá lắm đó!

Y tung ra một đạo chưởng phong. Hai chưởng kình chạm nhau, Đặng Tiềm như diều đứt giây, bay vút trở lại, rơi xuống ngoài ba trượng xa.

Đánh bật một thái bảo chấn dội về phía hậu, Triệu Sĩ Nguyên tiến tới gần ba thái bảo kia. Nhiều tiếng gió rít lên, đao kiếm và câu cùng chớp, ba loại vũ khí cùng xẹt đến Triệu Sĩ Nguyên, cùng nhắm đúng ngực chàng. Cả ba thái bảo cùng xuất thủ một lượt, Triệu Sĩ Nguyên lách mình qua một bên, hoành tay chụp vào vầng đao kiếm câu hỗn loạn đó, đoạt thanh kiếm, thuận thế quét ngược thanh kiếm, đẩy bật nhị thái bảo ra xa. Thanh kiếm còn dư đà, quật luôn vào chiếc Ngô công câu của Thập tam thái bảo. Máu phún lên, như hoa nước, bàn tay hữu cầm Ngô công câu của Thập tam thái bảo đứt lìa.

Triệu Sĩ Nguyên thu kiếm về, rồi nhanh như chớp, đâm qua đầu vai của Thập nhất thái bảo. Thập nhất thái bảo hoành đao từ bên trên chặt xuống, Triệu Sĩ Nguyên lách mũi kiếm qua, hạ thấp tay, từ bên dưới đâm thốc lên. Thập nhất thái bảo kinh hãi, lùi nhanh nhưng mũi kiếm cũng kịp thời cắt đứt một vành tai của y.

Đoạt kiếm, chặt tay, cắt tai, đánh trọng thương, trong chớp mắt Triệu Sĩ Nguyên hạ luôn bốn Thái bảo, họ không kịp thời xử dụng tròn một chiêu! Đúng là một cái bại ngoài chỗ tưởng của họ.

Triệu Sĩ Nguyên lạnh lùng thốt:

– Bổn công tử hy vọng các vị phát xuất tín hiệu, gọi những kẻ mai phục quanh đây đến tiếp trợ!

Thập Tam Thái Bảo là nhóm cao thủ thuộc hàng đệ nhất nhì trong Vô Tình cung, nào phải là những tay vừa. Thế mà họ bải cả lũ cùng một lượt, trước một người.

Chúng cùng nhìn nhau, rồi Thập nhị thái bảo lấy một ống tiêu thổi lên. Không lâu lắm, từ hai bên xuất hiện vô số bóng người, đồng thời một số khác từ khắp mọi nơi quanh đồi lao vút đến, tất cả bao quanh Triệu Sĩ Nguyên và Thư Tiếu Thiên.

Triệu Sĩ Nguyên đảo mắt một vòng phỏng đếm có lối bốn mươi người, kể cả bốn Thái bảo. Chàng nhận ra những người đó thuộc các nhóm Thất Diệu, Bát Man, Cửu Cung, và những Thái Bảo còn lại ngoài số bốn người đã xuất trận.

Chàng cười lên một tràng dài. Đối phương nghe tiếng cười, giật mình, vội vận công trấn định tâm thần chống lại. Triệu Sĩ Nguyên đợi chúng đến gần, tạo vòng vây chặt chẻ rồi chàng mới lạnh lùng hỏi:

– Các vị có nhận ra tại hạ chăng?

Vừa thốt, chàng vừa giật vuông áo xuống, bày gương mặt thật. Đồng thời chàng quắc mắt, bắn thần quang, quét tròn một vòng.

Quần ma cùng biến sắc, mất hẳn tự chủ, cùng lùi lại mấy bước. Vòng vây lại nới rộng ra, thừa đất dụng võ cho Triệu Sĩ Nguyên. Thư Tiếu Thiên cũng lấy vuông áo bao mặt xuống, đoạn mò tay vào hông, lấy ống đồng bảy lỗ chuyên phóng châm độc có tên là Huỳnh Phong Châm, sẵn sàng ứng chiến.

Một lúc lâu, Triệu Sĩ Nguyên trầm giọng thốt:

– Hẳn các vị cũng biết tao ngộ của Bát diện thư sinh Ngô Lương như thế nào rồi chứ?

Quần ma biến sắc một lượt nữa, mồ hôi lạnh rỉ ra. Chừng như ai ai cũng hối hận, là quá hấp tấp xuất hiện. Bây giờ đối diện với thiên thần rồi làm sao rút lui được?

Không rút lui là phải chết. Tuy nhiên chẳng người nào tỏ lộ cái vẻ sợ chết, bất quá họ cho thấy là họ ngán tài đối phương vậy thôi. Cái khổ của họ là biết phải bại, phải chết, song không được tháo chạy. Bởi gặp địch mà bỏ chạy thì có khác nào tự tìm cái án tử hình mà tròng lên đầu? Họ không thể rút lui, mà cũng không dám tiến tới.

Triệu Sĩ Nguyên lại tiếp:

– Đã biết tạo ngộ của Bát diện thư sinh Ngô Lương, hẳn các vị đã ức đoán hậu quả sẽ đến với các vị như thế nào, nếu có ai dám động thủ tới bổn lệnh chủ! Bắt đầu từ phút giây này, mỗi lần xuất thủ, bổn lệnh chủ không nương tình như trước nữa! Vậy các vị hãy suy nghĩ kỷ và chọn một thái độ. Hoặc giả ăn năn, cải hối để sống trọn những ngày trời, hoặc giả cứ tiến tới nhận cái chết cho trọn cái ngu trung với kẻ đại gian ác.

Chàng khoa Long Đản và Phụng Chưởng một vòng, vũ khí rít gió, bật kêu oang oang, hai đạo kim quang và ngân quang chớp sáng. Quần ma hoa cả mắt.

Bỗng một lão nhân gầy như que củi, bật cười lạnh, cất tiếng:

– Khoác lác quá, tiểu tử! Ngươi cho rằng nói một vài câu là có thể dọa khiếp được bọn ta à? Đừng nuôi mộng.


– Bổn lệnh chủ đã nói hết những gì muốn nói, còn nghe hay không là do các vị. Giả như ai thấy hứng, xin cứ xuất thủ! Sự việc sẽ chứng minh bổn lệnh chủ khoác lác hay thành thật.

Tiền bối chuẩn bị Huỳnh Phong Thất Tuyệt Châm, nếu có ai hướng về tiền bối mà xuất thủ, thì cứ cương quyết hạ thủ đoạn, không cần nương tay nữa.

Trên giang hồ còn ai chẳng biết Huỳnh Phong Thất Tuyệt Châm là ám khí lợi hại nhất của Cái Bang? Chính thứ ám khí đó góp phần lớn trong việc bảo trì thinh danh Cái Bang từ nhiều năm qua, chẳng một môn phái nào dám xem thường. Ám khí đó độc đã đành, nó lại có công hiệu xuyên phá được vầng cương khí hộ thể của hàng cao thủ đâm vào da thịt như thường.

Thư Tiếu Thiên điểm một nụ cười:

– Lệnh chủ muốn đơn thân độc lực giải quyết trường hợp này, thế thì lão phu nhàn hạ!

Lão cầm chiếc ống đồng bước đến một cội cây, tung mình lên tàng cao ngồi đó, xem cuộc chiến đấu. Quần ma đã bao vây bên ngoài, song chẳng một tên nào ngăn chặn lão.

Lão nhân gầy lúc đó ra lệnh:

– Thập Tam Thái Bảo vào trước, Cửu Long tiếp ứng, Bát Man và anh em lão phu đứng bên ngoài bao vây!

Triệu Sĩ Nguyên bật cười ha hả:

– Thập Tam Thái Bảo có nghe chăng? Chính các vị phải lót đường cho chúng đó! Nếu muốn làm vật hy sinh thì cứ tiến tới!

Lệnh đã ra rồi, Thập Tam Thái Bảo không tiến tới cũng chẳng được, tuy nhiên bước chân của họ lơi lỏng quá chừng, như không có một điểm khí lực nào.

Triệu Sĩ Nguyên hét lớn:

– Thập Tam Thái Bảo! Nếu các vị muốn ăn năn cải hối thì ngay từ bây giờ quay trở lại.

Bổn lệnh chủ khuyên cáo các vị một lần cuối cùng đó.

Trong mười ba người, đã bốn vừa nếm qua thủ đoạn của Triệu Sĩ Nguyên, dĩ nhiên họ thừa hiểu bản lĩnh của chàng, tất cả đột nhiên dừng bước.

Lão nhân gầy thấy thế vội hét:

– Tại sao các Thái Bảo không xuất thủ?

Một trong số Thái Bảo dùng pháp truyền âm liên lạc với Triệu Sĩ Nguyên:

– Tại hạ là Tam thái bảo Vương Phương, trước kia có ở trong thủy phủ, sau công việc đó, tại hạ có ý hồi đầu hướng thiện, tại hạ xin hỏi Thiếu lệnh chủ có thể dung tình cho chăng?

– Nếu Vương huynh có ý đó thì bổn lệnh chủ hoan nghinh vô cùng.

Với Thiên Linh Chưởng Pháp, nếu Triệu Sĩ Nguyên xuất thủ dù có thêm bao nhiêu lần số người đó cũng ngã gục như thường. Cho nên chàng không muốn dùng chưởng pháp lợi hại đó, sợ chạm những kẻ biết ăn năn hối cải.

Thu phục được bọn thái bảo, chàng có hai cái lợi, giảm thiểu số người chống đối, lợi dụng số đó quật lại đồng bọn. Vương Phương lướt tới, như quyết liều sống chết với Triệu Sĩ Nguyên, nhưng khi gần đến chàng, y quay người lại, cao giọng gọi đồng bọn:

– Mười ba chúng ta, từ lâu này cùng chung một nhóm, xem nhau như thủ túc, giờ đây cùng xuất trận một lượt, lại gặp phải đại địch. Bọn chúng ta còn lâu lắm mới là đối thủ của Triệu thiếu lệnh chủ, chọi với người như trứng chọi đá, sao bằng chúng ta tìm một con đường sống, quật ngược lại kẻ đã dồn chúng ta vào chỗ chết. Ngu đệ tưởng rằng chẳng bao giờ Triệu thiếu lệnh chủ điềm nhiên mà không tiếp trợ chúng ta dọn con đường hướng thiện? Ai cho rằng ngu đệ nói phải, hãy bước sang đây, đứng bên cạnh Triệu thiếu lệnh chủ.

Thoạt đầu các Thái Bảo kia thấy Vương Phương bước ra cứ tưởng hắn sính tài, toan chống cự. Họ bất mãn, song còn ai sám phản kháng? Bây giờ nghe hắn xướng xuất sự phân tính, thì còn ai chẳng phụ họa theo? Họ cùng lướt tới cạnh Vương Phương, cùng quay mình đối diện với bọn Vô Tình cung, cùng reo to:

– Vương huynh nói phải! Bọn chúng tôi hưởng ứng ngay.

– Vương ca sáng suốt quá!

Mỗi người một câu, bao nhiêu câu cùng thốt lên một lượt, gây tiếng vang chấn động cả cục trường.


Lão nhân gầy nằm mộng cũng không tưởng nổi có cảnh đó. Lão chưa có phản ứng nào, Vương Phương quát lớn:

– Hỡi các anh em! Thời cơ đã đến cho chúng ta chuộc tội ác. Hãy cùng lướt tới.

Hắn vung đôi bút, tiến lên, xung kích Cửu cung. Mười hai Thái bảo kia theo liền.

Cửu cung lập tức nghinh chiến.

Cuộc chiến khai diễn tuy là đồng bạn tương tàn, song thực sự thì đúng là cánh tỉnh ngộ diệt trừ bọn chấp mê. Một Thái bảo chận một Cửu cung, còn lại bốn, bốn đó bị Triệu Sĩ Nguyên đánh trọng thương, tuy nhiên họ vẫn không chịu ngồi không, họ chực chờ tiếp cứu đồng bọn nếu có người nào thất cơ trước nhóm Cửu cung.

Đứng bên ngoài Triệu Sĩ Nguyên theo dõi trận chiến, nhận ra quả thật bọn Thái bảo còn kém nhóm Cửu cung một bậc. Bại là cái chắc về bọn Thái bảo, song ít nhất họ cũng cầm cự độ năm mươi chiêu, cũng đủ thời gian cho chàng hành động mà khỏi cần phải chiếu liệu bọn Thái bảo, chàng yên tâm, không còn lo về mặt trận đó nữa.

Hú vọng một tiếng dài, chàng tung mình lên cao, vọt tà tà về bọn Thất diệu và Bát Man, làm bọn này hoảng sợ, nhốn nháo hẳn lên. Chàng cao giọng hỏi:

– Các vị đã dứt khoát thái độ chưa?

Mười lăm người đó không tin là Triệu Sĩ Nguyên có thể làm gì nổi họ, khi tất cả kết hợp lại tổng phản công. Dĩ nhiên họ không thay đổi thái độ, họ sẵn sàng giao thủ với chàng và người đầu tiên là lão nhân gầy xuất trận với chiếc điếu dài ba thước. Lão quét chiếc điếu ngang qua hông Triệu Sĩ Nguyên.

Triệu Sĩ Nguyên khẽ nhích chân lùi về nửa bước, đủ tránh ngọn ống điếu, bàn tay hữu vung lên, hoành Long Đản khóa chặt chiếc điếu, đoạn rút tay về. Một tiếng rắc vang lên, ống điếu gãy lìa.

Ống điếu làm bằng một loại trúc đặc biệt tại Thiên Sơn, rắn chắc phi thường. Dù đánh vào đao kiếm, đao kiếm cũng chẳng gây một vết trầy nhỏ nào. Từ bao lâu nay, lão ta dùng nó mà tạo nên những thành tích phi phàm, nhưng bây giờ thì nó gãy rồi, gãy vì nội lực của Triệu Sĩ Nguyên cực kỳ thâm hậu. Dù khiếp hãi, lão không hề bối rối, cấp tốc lùi lại, đồng thời quát lên:

– Xem chưởng của lão phu!

Hai tay cùng vươn ra, theo pháp phách không chưởng, lão tung hai kình đạo.

Triệu Sĩ Nguyên tràn mình qua một bên, nhường cho chưởng lực bay qua, đoạn quật trả lại một phụng chưởng, kịp lúc hốt trọn số châm độc do lão nhân phóng đến, nương theo phách không chưởng của lão cuốn đi. Chàng quát to:

– Các vị hung ác thành tánh, xuất thủ là nhất định phải giết người. Như thế đừng trách bổn lệnh chủ lấy độc trừ độc!

– Phàm động thủ là phải có thắng, có bại, và có ai không giành phần thắng chứ? Nếu nhân đạo thì đưa nhau đến chiến trường làm gì? Lão phu có quyền dùng mọi thủ đoạn.

Một tiếng quát vang lên:

– Nói nhiều vô ích, hành động là hơn!

Tiếp nối hai lão nhân vận áo đen, tóc bỏ dài song bạc trắng, cùng lướt tới, mỗi người cầm một ngọn Cô Lâu Tiên.

Cô Lâu Tiên vung lên, màu roi đen sì, bóng roi chớp chớp, tạo thành một lớp sương mù dày đặc, màn sương bốc khí lạnh rợn người chực phủ đầu Triệu Sĩ Nguyên. Không ai thấy Triệu Sĩ Nguyên phản ứng thế nào, chỉ nghe vũ khí chạm nhau, hai lão nhân bị hất ngược về phía hậu, xa ngoài năm bước. Cả hai cùng đứng lại, thở hồng hộc. Qua cái chạm đó, họ tiêu hao chân khí phần lớn.

Triệu Sĩ Nguyên cười lạnh, đảo mắt nhìn mười lăm người một lượt, đoạn trầm giọng thốt:

– Bổn lệnh chủ dành cho các vị một cơ hội cuối cùng, hồi đầu hối tội. Các vị cứ chấp mê thì tốt hơn nnê vào cuộc một lần, cho bổn lệnh chủ khỏi nhọc công thu thập nhiều lượt!

Lão nhân gầy hừ một tiếng:

– Tiểu tử ngông cuồng cực độ, không cần biết trời cao đất dày là chi! Chúng ta nên hóa kiếp cho hắn!

Lão hét:

– Tiến!

Thất Diệu, Bát Man gồm mười lăm người bao vây Triệu Sĩ Nguyên!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.