Đọc truyện Đằng Tiên Bắc Ngạo – Chương 4: Trong nạn gặp may
Tích Nhân tỉnh lại thấy người dồi lên đánh xuống liên tiếp, làm lồng ngực đau nhói từng cơn phải cắn răng chịu đựng. Dù nằm trong bao cũng biết rõ mình đang bị vát trên vai, và người vát đang chạy nhanh. Khoảng vài giờ sau, Tích Nhân được bỏ xuống đất và bị đá một đá với tiếng chưởi thề:
– Mẹ kiếp! Thằng nhóc này ăn gì mà nặng lắm thế!
Tích Nhân nghe tiếng tên đồng bọn:
– Ngươi nghỉ giây lát đi. Ta cột nó lên ngựa rồi đi nhanh kẻo đêm dài lắm mộng.
Tích Nhân lại bị xách lên, đặt nằm sấp ngang lưng ngựa và bị cột gô bằng mấy nuột giây ở đùi, lưng và vai. Mới bị cột Tích Nhân đã thấy đau đớn khó chịu, rồi khi ngựa phi nước đại, vừa bị những nuột giây riết chặt lên da thịt, vừa đầu cổ bị đong đưa lên xuống, bụng và ngực bị dằn xóc, cảm thấy đau đớn khổ sở không bút mực nào tả xiết. Chịu đựng được một lúc Tích Nhân hôn mê. Tuy nhiên, hắn không thể nào chết, con tim vẫn bị rung theo vó ngựa, tim còn đập máu huyết vẫn còn lưu thông.. Và hắn phải tỉnh lại để cam chịu những đau đớn khốn khổ bị trói quắp trên lưng ngựa phi đường trường. Mỗi bước chân ngựa đạp xuống mặt đường là tưởng chừng như búa đánh lên đầu, như roi quất khắp mình mẩy.
Nằm trong bao và cắn răng chịu đựng khổ sở, Tích Nhân không biết họ đã đem mình đi bao xa cho đến khi kỵ mã dừng vó ngựa và lên tiếng quát hỏi:
– Các ngươi là ai lại chận đường chúng ta?
Kẻ chận đầu cười lớn:
– Không biết chúng ông là ai mà bôn tẩu giang hồ cũng là điều lạ thiệt.
Và tiếng cười được tiếp theo bằng tiếng nói đầy đe dọa:
– Nếu muốn sống bỏ cái bao trên lưng ngựa xuống.
Kỵ mã cười khẩy:
– Cứ hỏi cây đao trong tay ta có chịu bỏ xuống hay không? Ta không muốn giết kẻ vô danh.
Kẻ chận đầu quát:
– Ta cũng không muốn giết kẻ vô danh, nhưng không bao giờ tha mạng cho ai kháng lệnh.
Kỵ mã đón đỡ đường kiếm của người chận đầu, con ngựa quay qua quay lại.. Tích Nhân lại bị đau đớn trở lại.
Kỵ mã chỉ đánh đỡ mấy chiêu, thì có tiếng con gái từ xa vọng tới:
– Thiên thủ tam kiếm nếu không muốn làm ma không đầu thì ngừng tay ngay cho ta.
Tiếng nói từ xa vọng tới, nhưng tiếng dứt thì người đã tới nơi và kiếm cũng đã xuất chiêu.
Cô gái đỡ kiếm cho kỵ mã, ra lệnh:
– Bế Thiệu đem hàng đi ngay. Để ta và Đèo Căn chận hậu.
Kỵ mã giựt ngựa chạy, có lẽ chạy vào con đường rừng núi, nhỏ hẹp nên Tích Nhân thấy có lúc lên cao, lúc nghiêng xuống, chân và đầu của mình đôi khi bị nhánh cây đánh phải. Cho ngựa chạy độ hơn giờ, Bế Thiệu dừng ngựa, vát Tích Nhân chạy bộ. Bấy giờ Tích Nhân thấy dễ chịu hơn và cũng thấy khinh công của Bế Thiệu cao hơn gã Đèo Căn vì nằm trên vai của Bế Thiệu êm ái hơn.
Bế Thiệu chạy khoảng hơn nửa giờ dừng chân, tiếng người chận nghe rất già nua:
– Ta không còn muốn làm phiền nhà ngươi nữa. Hãy để cái bao xuống rồi đi đi. Ta tha mạng cho.
Bế Thiệu đặt Tích Nhân xuống đất:
– Có phải Phàng Độc Oâng?
Tiếng con gái:
– Đã biết ông ta sao không chạy đi?
Bế Thiệu cười lớn:
– Người khác gặp lão còn sợ, Bế mỗ gặp lão thì phải trừ hại cho giang hồ.
Lão già họ Phàng cười khằng khặc trong cổ:
– Ngươi đã trúng độc của ta sắp chết mà còn lớn lối!
Bế Thiệu cũng cười:
– Ba cái ngãi độc của ngươi Bế mỗ chẳng xem ra trò gì!
– Ngươi họ Bế, chắc là con cháu gì của mụ Bế Diều?
Và chép miệng có vẻ mỉa mai:
– Dòng họ Bế đao pháp cũng khá, dùng độc dùng thuốc cũng hay không ngờ lại làm toi mọi cho Đoàn Thị, bị con bé miệng còn hôi sửa sai khiến không biết nhục. Ta phải vì mụ Bế Diều giáo huấn ngươi mới được.
Lão họ Phàng tung chưởng đánh tới, Bế Thiệu cử đao chống cự. Trong khi hai người đánh nhau, Tích Nhân nghe mình lại bị vát lên vai. Người vát hắn lần này là cô gái, gọi lão độc họ Phàng bằng ông. Cô gái có lẽ còn nhỏ tuổi, thân hình nhỏ bé, và võ công cũng không khá nên cô ta vát Tích Nhân chạy một lúc thì hơi thở phì phò và khi thấy quá mệt cô ném bịch Tích Nhân xuống đất muốn gãy cả xương rồi xồng xộc kéo đi. Với sức nặng của hắn cô gái không đi nhanh được, nhưng đường núi đất đá lỡm chởm, Tích Nhân bị kéo lê, tưởng chừng hết mũi thương này đến mữi thương khác đâm vào người. Cô gái kéo một lúc ngừng lại, tự nói:
– Sao không tìm chỗ dấu gã đi? Kéo chạy chẳng phải để lại dấu vết cho người ta tìm hay sao?
Thế là cô ta lại xốc Tích Nhân lên vai và một lúc sau cô ta đặt Tích Nhân xuống. Nằm trong bao nên không thể thấy cô gái đặt mình ở đâu làm gì, nhưng nghe mùi đất, hơi mốc lá cây ẩm xông lên mũi và đất đá, cây khô rớt xuống người đau điếng, Tích Nhân biết là cô ta đang đùa lá để chôn giấu mình. Bị điểm huyệt không thể nói năng nên Tích Nhân không khác gì xác chết, cô gái muốn làm gì thì làm.
Cô gái dấu Tích Nhân xong bỏ đi. Tích Nhân bị chôn, dù lấp cây lá cũng muốn ngạt thở, nhưng tay chân không cử động, miệng không thể la đành rán chịu đựng. Hơn giờ sau, Tích Nhân nghe văng vẳng có người tìm kiếm và nghe tiếng của Bế Thiệu:
– Con nhỏ mang gã đi giây lát thì tam đương gia xuất hiện đánh lão họ Phàng bị thương. Lão chạy về hướng này. Chúng ta đuổi theo thấy rõø khi gặp đứa cháu gái lão thì cả hai cùng chạy về hướng tây, như vậy đứa con gái phải dấu gã quanh đây. Có lẽ nó lội theo dòng suối nên đến đây mới mất hết dấu vết.
Tiếng cô gái đàn chủ:
– Chúng ta cứ theo hướng suối mà tìm. Nếu Không thấy thì đuổi theo hai ông cháu lão. Kẻo chúng cũng trốn mất khó tìm ra manh mối.
Bế Thiệu:
– Nơi đây là khu vực xà khê, hang ổ của rắn độc, đàn chủ nên giữ một ít hùng hoàng trong người và cẩn thận.
– Cảm ơn Bế đại ca. Chúng ta phải đi ngay để tìm cho ra tên tiểu tử ấy. Các lộ giang hồ càng lúc kéo tới càng đông.
Cô đàn chủ và Bế Thiệu tìm không thấy Tích Nhân bỏ đi rồi không ai đến gần nơi Tích Nhân bị dấu nữa. Khi bị cô gái họ Phàng kéo lê trên đường núi, người Tích Nhân có nhiều nơi rách thịt chảy máu nên chẳng mấy chốc kiến chui vào trong bao càng lúc càng nhiều. Bị hàng trăm con kiến bò trên da thịt mặc tình cắn rỉa, sự đau đớn mà Tích Nhân chịu đựng thật khủng khiếp, muốn chết đi cho bớt đau khổ, nhưng không chết được phải gồng mình, cắn răng chịu đựng. Có lẽ vì gồng mình chịu đựng sự đau đớn của kiến cắn đã kích thích kinh huyệt hay các huyệt bị Bế Thiệu điểm đã tới giờ khai mở, Tích Nhân chợt có thể rên lên thành tiếng, tay chân cử động được. Mừng rỡ Tích Nhân liền chòi đạp đứng lên, nhưng chỉ vùng vẫy trong chiếc bao rồi thấy người mình lăn từ trên cao xuống nước. Bấy giờ thật sự bị ngọp, và kiến vẫn tiếp tục cắn. Bản Tính cầu sinh Tích Nhân dùng răng cắn xé chiếc bao vải và khi rách được một chút thì lấy hai tay xé toạc, choi người ra ngoài. Lội vô bờ, Tích Nhân vội vàng cởi áo quần, hai tay chà xát phủi kiến khỏi thân thể, dù đêm tối như bưng, qua hai bàn tay sờ mó Tích Nhân thấy người mình nhiều chỗ rách da máu còn chảy, còn khắp nơi kiến cắn sưng cứng, ngứa ngáy vô cùng. Biết có nhiều người đang truy tìm, và nghe lời cô gái đàn chủ cùng Bế Thiệu, Tích Nhân nghĩ mọi người đang đổ về hướng tây để tìm mình, thì tốt hơn hết nên chạy về hướng đông. Đang ở trong khu rừng núi, khó biết đâu là đông, đâu là tây. Tích Nhân cho rằng dòng nước thường chảy xuôi về đông, vậy cứ đi xuôi theo dòng nước. Tích Nhân vốc uống ít hớp nước rồi cắn răng chịu đau, chịu lạnh, giặt vắt bộ quần áo, mặc vào rồi lần mò theo suối đi lần. Tích Nhân vừa đi vừa ứa lệ, vừa xót xa hối hận đã sớm biết yêu mê để lọt vào âm mưu tính toán của Thu Hà, vừa thấy cuộc đời mình từng đói khát, chịu không biết bao nhiêu cảnh khổ đau, nhưng chưa bao giờ bị hành hạ đau khổ như lần này. Nghĩ đến lời trối trăn của người mẹ, Tích Nhân thấy mình có tội quá lớn, vì vậy trong đau khổ Tích Nhân lại tâm nguyện còn sống được ngày nào phải tìm hy vọng chữa trị căn bệnh bẩm sinh luyện thành võ công để trả thù nhà. Có lẽ vì có tâm cầu sống và có lẽ cũng đã có những ngày ăn uống thừa thải, sức khỏe hiện thay đổi nhiều, Tích Nhân tiếp tục mò mẫn, theo lòng suối mà đi. Khi trợt chân ngã qụy chống tay ngồi dậy, khi sợ hãi vì tiếng hú của khỉ vượn, cọp kêu.. hay tiếng chim bất chợt giật mình vỗ cánh, Tích Nhân ngồi thu mình giây lát rồi đi tiếp. Với Tích Nhân hiện giờ cọp, rắn rết, ma qủy.. đều không nguy hiểm bằng con người!
Khi tiếng chim buổi sáng bắt đầu trổi những điệu nhạc du dương, và ánh sáng le lói xua tan màn đêm, Tích Nhân thấy mình đang ở trong một con suối, nước quá gối, lòng nước rộng hơn trượng, hai bờ đá thẳng đứng cao quá đầu, cây cối gai góc rậm rạp che phủ thành vòm bên trên nhìn lên không thấy bầu trời. Suốt đêm ngâm mình dưới nước, Tích Nhân muốn tìm một nơi khô ráo để nằm nghỉ, nhưng chẳng thấy nơi nào trống trải cả, đành men theo con suối đi tiếp.
Đi một lúc nữa Tích Nhân mới cảm thấy nước dưới chân âm ấm, và nhớ là suốt đêm chạy trốn có mệt mỏi sợ hãi, nhưng chỉ rét cóng lúc mới rớt xuống nước còn bò lết đi được một lúc sau thì hầu như chẳng thấy lạnh lẽo nữa, thì ra dòng nước suối là dòng nước nóng. Dọc hai bờ suối gai góc, cây cối giăng mắt chằng chịt nên khi gặp một phiến đá bằng phẳng trong lòng suối, Tích Nhân bèn nằm lăng ra để nghỉ mệt. Có lẽ bây giờ cũng đã trưa, qua vòm cây lá bên trên Tích Nhân không nhìn rõ bầu trời xanh hay mù đục, nhưng có thể nhìn thấy ánh sáng dọi chiếu xuyên qua kẽ lá và khi thấy được ánh sáng, Tích Nhân cũng thấy trên những cành cây, tàn lá, có những con vật đang nhẹ nhàng trườn mình qua lại, có những con bám chặt trên thân cây, cuộn mình nằm yên. Những con vật mà Tích Nhân nằm ngửa nhìn lên thấy rõ là rắn, rất nhiều loại rắn..
Xà khê! Tích Nhân nghe Bế Thiệu nhắc đến hai tiếng Xà khê, hay khe rắn là một trong những vùng ác địa ở Đại Việt, ít ai dám léo hánh tới. Con đường từ Kinh thành lên trấn Lạng chỉ đi băng qua gần khu xà khê nhưng mỗi khi đi qua lại, từ thương buôn đến quân lính đều phải đi ban ngày và phải mang theo nào cây xun, cây ngải, hùng hoàng kỵ rắn để đề phòng bất trắc. Đi sâu vào xà khê chỉ hạng chuyên dùng độc nổi tiếng và những cao thủ thượng thừa trên giang hồ.
Thấy rắn khắp trên cây và nhớ hai tiếng xà khê, Tích Nhân vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng cả đêm mình đã đi theo con suối mà không gặp rắn, thì cứ bò theo con suối, có dòng nước nóng ấm rắn sẽ không làm nguy hại, và phải thoát nhanh ra khỏi chỗ ác hại này. Tích Nhân lại rón rén bò xuống nước, rồi len lén, nhẹ nhàng lội theo dòng nước đi tiếp.
Cuối cùng Tích Nhân cũng ra khỏi dòng suối nhỏ hai bờ cây cao che phủ, đến một nơi quang đãng, một thung lũng nhỏ. Con suối đổ vào hồ nước độ vài mẫu giữa thung lũng đang bốc hơi như sương mù. Ra đến thung lũng Tích Nhân càng cảm thấy sợ hãi hơn vì khắp nơi, cây nhỏ có rắn nhỏ, cây lớn có rắn lớn và trên mặt đất cũng lúc nhúc rắn bò. Oâi! Có thể nói đây là một thung lũng rắn.
Tích Nhân không thể nào biết mình đã lọt vào xà động. Một nơi mà từ xưa đến nay chưa ai dám đặt chân vào. Khi thoát khỏi bao vải, sợ người đuổi bắt Tích Nhân lần mò theo khe suối mà đi. Vì đêm tối, tâm trạng nặng nề sợ đau khổ, Tích Nhân mãi đi, không để ý, không nhìn thấy gì, nếu thấy càng đi xuôi theo dòng nước càng gặp nhiều rắn và khi dòng suối chảy vào một hang ngầm dài vài chục trượng và chung quanh miệng hang đu đầy những rắn thì dù có gan bằng trời cũng chẳng bao giờ dám đi tiếp và lọt vô xà động như bây giờ. Sở dĩ loài rắn trong xà khê không con nào ngăn trở hay làm hại Tích Nhân thứ nhất là vì người hắn đang mang đầy nọc độc của kiến. Nọc độc của kiến không giết Tích Nhân, nhưng làm cho người hắn sưng vù tiết ra mùi hôi của loài kiến quen thuộc trong khu vực xà khê. Ngoài cả người không khác gì ổ kiến, vì mò theo lòng suối mà đi, rắn không nằm dưới nước nên Tích Nhân đã không đạp nhầm hay quơ trúng rắn, một điểm nữa là thông thường loài vật dù độc hại và hung dữ đến đâu cũng đều có một thứ linh giác bén nhạy, nếu con người có ý làm hại hay sợ hãi chúng thì chúng mới tấn công, ngược lại không có chút gì lo sợ mà tự nhiên với chúng, thì chúng cũng nằm yên và đó là trường hợp Tích Nhân. Tích Nhân bấy giờ chỉ sợ con người theo đuổi, hoàn toàn không biết đi vào hang rắn, động rắn, vì đi trong trạng thái hoàn toàn vô úy với rắn, cho nên loài rắn cũng chẳng buồn để ý đến hắn.
Khi Tích Nhân nhìn thấy và lo sợ, thì rắn trong động cũng hình như phát hiện có người xâm nhập vào lãnh thổ của chúng. Khe nước đi vào thung lũng hai bờ không còn cao nữa mà chỉ độ hơn thước nên khi rắn lần lần kéo tới, thì Tích Nhân chỉ có con đường duy nhất là chạy vào hồ, và nước trong hồ không đủ sức nóng làm phỏng người, nhưng khá nóng nên rắn chỉ kéo tới rồi nằm chung quanh, có con cất đầu, có con quẫy đuôi, nhưng không con nào lội xuống nước để tấn công Tích Nhân.
Vào hồ nước Tích Nhân thấy giữa hồ có một cù lao đá rộng độ vài trượng, trên cù lao có cây cỏ ra hoa màu đỏ và lá màu tím thẩm. Thấy chung quanh hồ rắn đầy dẫy nhưng chúng không bò xuống nước, Tích Nhân nghĩ rằng cù lao đá giữa hồ nước là nơi an toàn có thể ngồi hay nằm nghỉ ngơi.
Tích Nhân lội ra cù lao, nước trong hồ có chỗ sâu đến cổ, ra gần cù lao hơn, Tích Nhân thấy nước nóng hơn, nhưng cũng cạn dần và đến sát cù lao thì chỉ sâu đến bụng. Trèo lên cù lao, Tích Nhân thấy giữa ở giữa cồn đá lại có một giếng nước đường kính vài thước, nước bốc hơi ngùn ngụt và chung quanh giếng nước mấy thước chỉ có đá trắng không cây cỏ nào mọc được. Sờ lên đá Tích Nhân thấy rất nóng và nghĩ rằng nước trong ao nhỏ giữa cù lao cũng nóng nhiều so với nước trong hồ. Thấy gần mép cù lao có một miếng đá cao vài thước bề mặt bằng phẳng đủ một người nằm và mặt đá sờ lên chỉ âm ấm, Tích Nhân bèn trèo lên nằm nghỉ.
Trải qua bao nhọc nhằn, đau đớn và không giây phút chợp mắt, vừa nằm giây lát Tích Nhân đã ngủ vùi và khi giật mình thức giấc trời đã vào đêm. Sau một giấc ngủ say, Tích Nhân thấy người khoẻ khoắn, những nhức nhối ngứa ngáy vì kiến cắn trên da thịt chỉ còn cảm giác tê ngứa, nhưng bụng lại đói cồn cào. Nhìn vào trong rừng chung quanh thung lũng, chung quanh hồ nước Tích Nhân thấy cả rừng cây, bờ hồ, bờ cỏ muôn ngàn đốm ánh sáng nhấp nháy lóng lánh khi ẩn khi hiện trông đẹp tuyệt vời nhưng biết đó là mắt rắn. Khắp nơi đều rắn, hắn nghĩ nếu không thể thoát khỏi nơi này chỉ có cách ăn rắn mới sống được. Nhưng rắn bầy rắn lũ như thế làm sao có thể bắt được một con mà không nguy hiểm?
Đói quá, Tích Nhân mò bức một chiếc lá cỏ tím mọc ven cù lao, đưa lên miệng nhai thử thấy cay và đắng vô cùng, hắn vứt ngay chiếc lá nhưng đã thấy miệng rát bỏng biết là cây cỏ có độc nên không còn có ý nghĩ ăn lá cây đỡ đói nữa.
Tích Nhân thầm tính có lẽ hắn bị bắt, bị đem đi và trốn thoát đến giờ này đã hai ngày hai đêm. Tính ra thời gian, Tích Nhân càng cảm thấy đói hơn nữa, nhưng đành ngồi một nơi ôm bụng chịu đựng. Ngồi một lúc, Tích Nhân lại nghĩ đến cái ngủ. Ngủ có thể quên được đói, nhưng bụng đói cồn cào Tích Nhân lại không thể nào ngủ được và cứ phải ngồi lên rồi nằm xuống.
Cuối cùng Tích Nhân ngồi lên ôm bụng thở dài, và khi vô tình nhìn quẩn quanh, Tích Nhân chú ý thấy bờ đá quanh chiếc giếng nhỏ phát ra một thứ ánh sáng lờ mờ và nước dưới giếng hình như gợn sóng phản chiếu ánh sáng nhấp nháy lên xuống, vòng vèo trông rất đẹp. Tò mò, Tích Nhân cởi áo quần cột hai bàn chân rón rén đến xem và thấy trong giếng có một con rắn trắng như tuyết dài hơn thước, to bằng ngón chân cái, đang lượn lờ lên xuống qua lại. Có lẽ đã sống rất bình yên trong giếng chưa bị ai hay con thú nào rượt bắt nên Tích Nhân đến miệng giếng ngồi xuống, con rắn trắng vẫn không để ý, vẫn bình thản lượn lờ. Nhìn thấy con rắn, cặp lông mày lưỡi kiếm của Tích Nhân cau lại, đôi mắt hiện ra nỗi vui mừng rồi nhanh chóng lừa khi con rắn lượn lên vừa tầm tay liền chụp bắt. Con rắn bất ngờ bị bắt, vùng vẫy lấy thân quấn chặt lên tay Tích Nhân, nhưng hắn cũng liền đưa cổ rắn lên miệng cắn mạnh. Sau khi hút hết máu, Tích Nhân ăn cả da thịt con rắn, chỉ phun ra ngoài những mẫu xương sống của nó.
Tích Nhân đã hút máu, ăn sống con rắn trắng không phải vì đói mà xuất thân từ gia đình võ học, có học qua y thuật và cũng biết mình bị bệnh thất âm tuyệt mạch may ra chỉ có những hãn thế kỳ trân dị thảo như như thiên niên tuyết sâm, thiên niên hà thủ ô, linh chi ngàn năm và máu huyết của bạch long xà mới có thể chữa khỏi. Bạch long là một loại rắn không độc, da thịt thơm ngon, ngoài công năng chữa bách bệnh, nó còn có tác dụng bội tăng công lực cho người luyện tập võ công. Chỉ có người có nhiều duyên phước mới gặp được bạch long, không ai dụng tâm đi tìm mà có thể gặp nó, bởi vì nó không phải sống ở một nơi có những điều kiện đặc biệt nào. Nó có thể lang thang ở khe rạch nơi đồng ruộng khó phân biệt với con rắn nước tầm thường, nó cũng có thể sống trong rừng sâu, suối thẳm, đồng cỏ hoang vu không người lai vãng. Nó cũng có thể hiện diện ở miền lạnh giá, thì cũng có thể có mặt ở nơi quanh năm nắng ráo.
Tích Nhân biết giống rắn tiểu bạch long có thể chữa bệnh bẩm sinh của mình, nhưng không biết khi con rắn phải sống trong một đầm nước nóng, thân thể và máu huyết của nó lại tính cực âm, chí hàn nên chỉ trong giây lát sau, Tích Nhân nghe trong bụng lạnh ngắt, từng luồng khí lạnh xông ra đơn điền toả vào kinh mạch và thân thể bắt đầu tê cứng ngã nhào xuống nước. Nước nóng làm chân tay Tích Nhân có thể cử động được nhưng vẫn thấy lạnh phải run cầm cập, ngoài cái lạnh từ xương thịt xông ra, Tích Nhân cũng thấy da thịt mình như bị trương lên, mạch máu như muốn vỡ vô cùng đau đớn khó chịu. Cử động theo phản ứng tự nhiên, Tích Nhân đứng trong giếng nước nhảy lên nhảy xuống như con choi choi, nước bắn tung toé, và khi những hạt nước rơi xuống mặt đá thì bốc hơi lên. Buổi sáng hôm ấy, nếu có ai ở xà động thì không thể thấy hòn cù lao đá nữa vì đã bị hơi nước che phủ.
Thấy nhảy lên nhảy xuống làm dễ chịu hơn, Tích Nhân vừa nhảy vừa vung tay đánh lui đánh tới.. Cho đến khi mặt trời lên giai sào, Tích Nhân cảm thấy sự căn nức của da thịt bớt đi phần nào, thì hắn cũng nghe một tiếng hú dài lãnh lót và giây lát sau trong đám hơi nước mịt mù của cù lao đá, xuất hiện một người áo quần đen, mặt mày tay chân che kín bằng vải đen. Bóng đen nếu không có bộ ngực và mái tóc đen huyền óng ả thả xuống quá lưng thì khó biết là nam hay nữ. Nữ nhân che kín tay chân mặt mày xuất hiện trên cù lao thấy Tích Nhân đang ở trong giếng nước thì tức giận gầm lên một tiếng như tiếng gầm của dã thú, đưa tay nắm cổ Tích Nhân xách lên quăng mạnh. Thần lực của nữ nhân thật kinh khiếp, thân thể của Tích Nhân không phải là nhẹ nhưng nữ nhân xách và quăng lên cao cả trượng, may nắm là rớt xuống hồ nước, nếu không thì đã gẫy hết xương cốt. Nữ nhân nhìn xuống giếng nước nóng không thấy con bạch long lại tức giận gầm lên lần nữa, phi thân ra hồ chụp đầu Tích Nhân mang lại cù lao đá. Tích Nhân khi ra giếng nước đã cởi áo quần quấn chân và sau khi ăn con bạch long ngã xuống giếng, nhẩy nhót thì áo quần đạp dưới đáy giếng, bây giờ trần truồng như nhộng. Tuy nhiên nữ nhân hình như không chút ngại ngùng, ném hắn xuống mặt đá, nữ nhân cầm cổ tay hắn xem mạch, cặp mắt long lên ác độc, và rút trong người một con trủy thủ đen tuyền. Thấy nữ nhân muốn giết mình, Tích Nhân quát hỏi:
– Ngươi là ai? Có thù oán gì với Nhân mỗ?
Nữ nhân không trả lời búng ra một luồng chỉ lực cách không điểm huyệt hắn rồi ngồi xuống dí mũi trủy thủ vào động mạch cổ tay hắn. Tích Nhân nhắm mắt thở dài, hiểu ra rằng nữ nhân biết hắn đã ăn thịt con bạch long nên bây giờ lại muốn uống máu của hắn. Tích Nhân nhắm mắt chờ chết. Tuy nhiên, khi mũi dao kề lên động mạch cổ tay Tích Nhân, thì nữ nhân lại dừng tay và hai bàn tay lại sờ sẫm, nắm bóp lên những khớp xương, các kinh huyệt trên người hắn, ngay cả vùng xương thiêng của hắn nữ nhân cũng không ngại ngùng. Thấy nữ nhân làm điều kỳ lạ Tích Nhân mở mắt định quát mắng, nhưng bàn tay của nữ nhân nhanh vô cùng, hắn vừa mở mắt, thì nữ nhân đã lật úp hắn lại, lướt qua xương vai, xương sống và sau đó hú lên một tiếng lãnh lót, tiếng hú không phải người, không phải vượn, cao bỗng, kéo dài và bằng một động tác dụng lực kỳ lạ, nữ nhân chỉ nắm cổ tay của hắn nhưng có thể vừa nhấc hắn lên cao vừa đẩy thân thể của hắn lên vai mình, hú dài một tiếng nữa, phóng đi.
Tích Nhân đã từng nghe mẫu thân kể đến võ công thượng đẳng của ngoại tổ mình, cũng như của những cao thủ thượng thặng ở Đại Việt và Trung nguyên năm xưa còn truyền tụng lại như thuật khinh công có thể đi trên mặt nước, lướt trên đầu ngọn cây ngọn cỏ, đầu ngón tay có thể phóng ra chỉ kình làm tan bia vỡ đá, chưởng trung có thể tụ khí đánh ra như sấm sét..v.v. nhưng chưa bao giờ thấy. Hôm nay, qua nữ nhân áo đen, Tích Nhân đã chứng kiến việc búng ngón tay từ xa có thể điểm huyệt, dùng khinh công lướt qua mặt hồ và sau đó bay lướt qua đầu cây mà đi không khác gì chim bằng.
Không hiểu nữ nhân là ai, thù hay bạn đối với mình, nhưng nằm trên vai nữ nhân, nghe gió lùa qua hai tai phần phật, mở mắt thấy cây cỏ nằm rạp lại phía sau, Tích Nhân kính phục võ công của nữ nhân vô cùng và phân vân không hiểu ngoại tổ của mình, một kỳ nhân thế ngoại của Đại Việt hiện nay, võ công có hơn được nữ nhân đang bắt mình hay không? Hắn cũng thầm ao ước mong sao mình có được võ công như nữ nhân này.
Nữ nhân đi như tên bắn, nhưng Tích Nhân nằm trên vai lại thấy êm ái dễ chịu không giống như trước đây bị tên Đèo Căn bỏ trong bao vác chạy, xốc lên xốc xuống khổ sở vô cùng.
Tích Nhân không hiểu có phải dùng khinh công như vậy, cứ vài giờ phải điều tức một lúc hay không? Nữ nhân phi hành độ vài giờ, ném Tích Nhân xuống đất, tìm chỗ ngồi điều tức độ nửa giờ, rồi đi tiếp. Khuya hôm đó đến một bờø suối, nữ nhân ném Tích Nhân xuống, đi vào rừng, lúc sau mang về một con gà, quơ một số cây khô chất lại thành đống. Nữ nhân không dùng đá đánh lửa như mọi người mà bàn tay nắm nhánh cây trong giây lát, nhánh cây bốc cháy. Nữ nhân mồi lửa, để con gà bên cạnh, búng tay cách không giải huyệt cho Tích Nhân, không nói nửa lời bỏ đi đến một hòn đá cách đó vài trượng ngồi quay lưng lại điều tức. Trong người các luồng hàn khí vẫn còn, ở giữa rừng khuya, không mảnh vải che thân, vừa lạnh vừa đói, dù nữ nhân không nói lời nào, nhưng cử chỉ cho Tích Nhân biết hắn có thể nướng gà để ăn và sưởi ấm nên liền lại bên đống lửa, xỏ con gà lên một cành cây hơ nướng. Gà chín, không biết nữ nhân lớn nhỏ thế nào hắn gọi:
– Gà đã chín, đại tỷ có thể lại ăn.
Không thấy trả lời, Tích Nhân lại gọi lớn:
– Mời cô nương dùng gà.
Nữ nhân vẫn im lặng, hắn nghĩ nữ nhân có võ công rất cao, phải là ngươi lớn tuổi, lễ phép:
– Kính mời tiền bối dùng gà.
Hỏi mấy lần nữ nhân cũng chẳng thèm ư hử, Tích Nhân cũng ngại mình đang trần truồng nên cũng không dám mang lại gần mời mọc. Ngần ngừ giây lát, bụng quá đói Tích Nhân không khách sáo nữa. Aên no, ngồi dựa gốc cây hơ lửa rồi ngủ quên lúc nào không hay. Khi thức giấc thấy mình đã đang nằm trên vai nữ nhân.
Nữ nhân cũng cõng hắn, lúc đi, lúc nghỉ nhưng thủy chung cũng với tốc độ không thua ngựa phi nước kiệu suốt ngày hôm sau. Đếán nửa đêm nữ nhân hú lên một tiếng dài không khác gì vượn, nhưng âm vang lại lồng lộng bất tận và Tích Nhân thấy tốc độ khinh thân còn nhanh hơn nữa, băng trên ngọn cây lướt nhanh lên một hòn núi thật cao, khoảng hơn giờ sau, đến một bờ vực, nữ nhân một tay nắm chân Tích Nhân, một tay nắm một sợi dây dài, tung mình xuống bên dưới, khi dừng lại Nữ nhân nghiêng vai hất Tích Nhân xuống mặt đá.
Bị ném xuống mặt đá đau đớn vô cùng, Tích Nhân tức giận chưa kịp lên tiếng mắng chửi, thì nữ nhân biến mất, giây lát sau trở lại với cây đèn sáp. Aùnh đèn cho Tích Nhân thấy mình đang ở trong một động đá rộng vài trượng vuông. Nữ nhân thần bí đặt cây đèn sáp, một cuốn sách da đen lên trên một tảng đá hình vuông giống như chiếc bàn nhỏ, rồi phóng ra ngoài, không biết đi đâu. Trong khi nữ nhân phóng mình đi thì cũng phóng chỉ kình vô hình giải hết các huyệt đạo của hắn.
Tay chân được cử động, sự lạnh lẽo do khí âm hàn trong người xung ra cũng giảm rất nhiều, không hiểu nữ nhân sao lại đặt cây đèn và quyển sách lại làm gì, Tích Nhân bước lại xem.
Quyển sách đen là những trang sách bằng da dê, có lẽ chỉ nửa quyển, phía sau không có bìa, trang đầu có bốn chữ lớn: Huyền âm khí công, bên cạnh có kẹp một lá thư nhỏ mới viết chữ còn thơm mùi mực, nét chữ tuyệt đẹp: “Ngươi mang tuyệt chứng thất âm tuyệt mạch là người trăm năm khó tìm để có thể luyện thành huyền âm chân khí. Ngươi ăn con tiểu bạch long, trong người hiện đã có chân khí tương đương với mười năm công lực. Hẹn cho ngươi ba năm phải luyện thành huyền âm khí công này. Nếu ngươi không dốc tâm dốc chí hoàn thành, đả thông sinh tử huyền quan thì ta không giết ngươi, ngươi cũng không thể sống thêm vì tuyệt chứng của ngươi. Hừ! Ngươi còn nhỏ mà đã sắc dục quá độ, con tiểu bạch long chỉ có thể giúp ngươi thọ thêm được ba năm…”
Tích Nhân đọc lá thư của nữ nhân để lại thở dài. Sau khi mất thân đồng trinh với Thu Hà, tự biết mình không còn sống lâu, chỉ hy vọng mong manh gặp được thần y, hay uống được kỳ trân dị thảo, và cũng tự biết hy vọng mong manh này chỉ là ảo vọng, nên hết lòng thương yêu, chiều chuộng Thu Hà và cũng thầm tính khi về nhà nàng, có chỗ ở ổn định dù nàng có con với mình hay không, cũng sẽ viết lại Thái ất thần công và đằng tiên bí pháp lưu lại cho nàng.. Thế nhưng hắn đã vô tình mà nghe được sự thực phủ phàng. Đau khổ hối hận khôn xiết, thì cũng cùng lúc bị giành giật, bắt giữ, muốn chết đi cho rảnh, và trong lúc tuyệt vọng lại thấy thêm sinh lộ. Lá thư của nữ nhân nói hắn không thể sống quá ba năm nếu không luyện thành huyền âm chân khí là hoàn toàn không ngoa, bởi phụ thân và mẫu thân của hắn từng đã dồn hết tâm huyết nghiên cứu sách vở y dược cổ kim đã không tìm ra môn thuốc nào có thể trị dứt tuyệt chứng của hắn. Ngoại tổ của hắn một kỳ nhân võ học cũng đã vì hắn mà lặn lội sang trung nguyên định lên tận Tuyết sơn, Trường bạch sơn tìm thiên niên tuyết sâm và cũng thăm dò để tìm ra một bí cấp võ công có thể trị được tuyệt chứng của hắn. Ngoại tổ của hắn ra đi, biết chuyến đi của mình nguy hiểm và cũng không muốn võ lâm Trung nguyên chú ý, biết lai lịch nên lưu lại cây đằng tiên cho mẫu thân hắn cất giữ, hẹn ba năm sau sẽ trở về động thất ở Công Mẫu Sơn, nơi mà lúc nhỏ hắn rất thích thú với dòng suối mát lạnh quanh năm, những quả đào tiên to tròn ngọt ngào không thể tìm nơi nào có được, và hắn cũng từng nói ra ước mơ, nếu có chết muốn được chôn cạnh mộ ngoại tổ mẫu trong vườn tiên đào.
Qua lá thư của nữ nhân che kín tay chân mặt mày, hắn biết mình may mắn ăn được con bạch long, lại có cuốn huyền âm bí kíp và có thời gian ba năm để có thể vừa cứu mạng vừa có thể trở thành một cao thủ thượng thừa nên không biết nữ nhân là ai, trẻ hay già, thù hay bạn, Tích Nhân cũng nghĩ nữ nhân là người đem đến cho mình cơ hội, là người cứu mạng của mình nên quỳ gối:
– Không hiểu phải gọi ân nhân bằng bà hay cô, tiền bối hay đại tỷ, Tích Nhân cúi đầu lạy ba lạy tạ ơn cứu mạng và chỉ cho con đường sống. Tích Nhân quyết không để ân nhân phải thất vọng. Trong ba năm nếu không luyện thành huyền âm khí công ân nhân không giết, Tích Nhân cũng sẽ tự hủy cái thân vô dụng của mình.
Rập đầu lạy xong ba lạy, Tích Nhân không đợi ngày mai, lật bí kíp ra đọc và bắt đầu tư thế luyện tập tầng công lực thứ nhất.
Buổi sáng, ánh nắng vàng dịu tuyệt đẹp chiếu dọi vào cửa động, Tích Nhân xả công bước ra ngoài mới thấy mình đang ở trong một hang động nằm cheo leo giữa bờ vực thẳm, nhìn xuống bên dưới sương mờ dày đặc không biết sâu bao nhiêu trượng, ngước mắt nhìn lên thẳng tắp tới mây, nếu không phải là người có khinh công cao tuyệt thì không thể nào đi đâu được.
Nhìn thấy địa thế bí hiểm như thế Tích Nhân tự hỏi phải chăng nữ nhân mang mình đến đây để bỏ cho chết đói chết khát? Nhớ lại trong đêm nữ nhân đã đi giây lát và trở lại với cây đèn sáp liền vào trong xem thử. Chú ý kỹ Tích Nhân mới thấy vách phía trong có một hang nhỏ vừa người đi chỉ vì có một phiến đá che phía trước nên khó nhận ra. Bên trong cửa hang tối om, nhưng vì muốn khám phá Tích Nhân vẫn lách mình vào trong. Mò mẫn đi một lúc Tích Nhân thấy phía trước có ánh sáng yếu ớt và đến một căn động tương đối lớn hơn động bên ngoài, lòng động sáng lờ mờ nhờ ánh sáng xuyên qua kẽ hở của vách đá chiếu xuống. Qua ánh sáng lờ mờ ấy, Tích Nhân thấy vách đá phía sau động có nước rỏ lách tách và giữa động có để mấy giỏ mình tinh, củ nâu, đậu lạc, hạt trái cây, mấy hủ mật ong, muối và cạnh đấy, trên có một hòn đá hơi bằng phẳng có để mấy cây đèn sáp ong còn nguyên.
Thấy có khoai, có nước, Tích Nhân yên trí không còn lo nghĩ gì nữa chỉ tập trung vào việc luyện tập võ công. Khi đói nhai sống đậu lạc, mình tinh và hạt trái cây uống nước, khi buồn ngủ nằm ngay xuống sàn đá mà ngủ, còn tất cả thì giờ thì tập trung luyện công. Mấy tháng sau khi số khoai, đậu trong động gần hết, nữ nhân che kín vải đen xuất hiện mang đến một số táo khô, thịt khô, ít bộ quần áo và cũng không nói tiếng nào, chụp mạch môn hắn thăm dò công phu rồi đu dây đi ngay.
Ngày qua tháng lại Tích Nhân miệt mài luyện công, vài tháng nữ nhân lại đem thức ăn đến.Mỗi lần nữ nhân trở lại, vì bấy giờ đã được có áo quần ăn mặc nên Tích Nhân không còn ngại ngùng, tỏ ra rất mừng, hỏi han chào đón, muốn được chuyện trò với nữ nhân giây lát, nhưng nữ nhân cũng không bao giờ lên tiếng. Qua hết năm thứ hai, Tích Nhân đã luyện đến tầng thứ bảy của huyền âm chân khí , nữ nhân xuất hiện, lần này không mang theo khoai củ cho hắn nữa mà chỉ có một sợi dây gai to dài. Sau khi cột sợi dây vào hòn đá to giữa động, nữ nhân ném sợi dây xuống vực rồi nắm tay hắn kéo ra ngoài. Nữ nhân cầm sợi dây tuột xuống vực, ra dấu hắn làm theo. Tích Nhân ngoan ngoãn làm theo ý muốn của nữ nhân. Qua khỏi vùng khói đá suốt ngày bao phủ, Tích Nhân thấy đáy vực là một thung lũng nhỏ bao quanh bởi những vách đá thẳng tắp, trong thung lũng có cỏ cây, chim chóc và giữa thung lũng có một hồ nước rộng vài chục trượng, nước xanh ngắt. Nữ nhân ra dấu cho hắn đi theo, bức mấy lá rau xanh quanh hồ ra dấu bảo hắn ăn. Tích Nhân ăn thử lá rau thấy nhân nhẩn đắng, nhưng nuốt xuống cổ thấy ngọt. Nữ nhân lại lăng không chụp xuống nước bắt ngay được một con cá lớn đưa cho Tích Nhân xem rồi ném xuống hồ trở lại. Nữ nhân là một người câm, Tích Nhân nghĩ như vậy nên hỏi:
– Phải chăng đại tỷ muốn từ nay tiểu đệ xuống đây tự tìm lấy thức ăn?
Nữ nhân gật đầu, rồi phăng giây đi lên trên động ngay. Khi Tích Nhân đu giây lên tới động đá trở lại nữ nhân đã mất dạng, sợi giây từ trên núi xuống nữ nhân cũng không lưu lại. Tích Nhân vào động thấy có mảnh giấy để lại: “ Trong hai năm ngươi luyện được bảy tầng huyền âm khí công chứng tỏ thông minh và chuyên cần lắm. Ta rất vừa ý. Ba tầng còn lại khó khăn hơn nhiều và ngươi chỉ còn hơn năm nữa để quyết định mạng sống của ngươi. Hãy cố gắng. Ta có việc quan trọng phải vắng mặt một thời gian lâu. Từ nay ngươi tự lo liệu lấy. Luyện thành công lực để trị tuyệt chứng của ngươi là ưu tiên trước hết, bí cấp luyện huyền âm chưởng pháp và huyền âm chỉ sau khi ta trở về và ngươi không còn là gã yểu tử nữa thì ta sẽ giúp ngươi luyện tập.. biến ngươi trở thành một tuyệt đại cao thủ trên chốn giang hồ..”