Đọc truyện Đằng Tiên Bắc Ngạo – Chương 29: Nan quá mỹ nhân
Tích Nhân nắm cánh tay Hàn Tuân, xử dụng tuyệt thế khinh công bay xuống núi. Về thuyền, Hàn Tuân gọi lão bộc, nô tỳ và thuyền phu lại tuyên bố mình kết nghĩa sinh tử chi giao cùng Tích Nhân, từ nay họ phải kính trọng Tích Nhân như đối với mình. Người lão bộc vòng tay ra mắt, nhưng mặt không lộ vẻ vui hay khó chịu, còn ba con tỳ nữ qua giây phút ngạc nhiên cùng cung kính chúc mừng chủ nhân, nét mặt chúng hiện rõ nét vui vẻ, cùng xưng gọi Tích Nhân là nhị thiếu gia. Người lão bộc bây giờ thưa:
– Vùng tam giáp chạy dài mấy trăm dặm, thuyền đi đêm lại rất nguy hiểm, xin chủ nhân ban lệnh.
– Nếu vậy chúng ta phải nghỉ dọc đường. Nơi nào Bốc lão thấy thuận tiện.
– Qua khỏi Cù đường, trước khi tới Vu giáp có Vu trấn có thể nghỉ được. Đến đây trời còn rất sớm chủ nhân có thể thăm thắng cảnh Vu sơn.
Hàn Tuân:
– Nhị gia cần đi gấp, có cách nào khác hơn không?
– Vu giáp có nhiều vùng nước xoáy, dòng nước thay đổi bất thường, chiều chưa xuống đã có sương mù. Nghỉ lại ở Vu trấn để sáng ngày đi là tốt nhất.
Tích Nhân không muốn làm thuộc hạ Hàn Tuân khó chịu, vội cười:
– Đã biết nguy hiểm, thì không nên đi vội làm gì. Tiểu đệ có bận nhưng cũng muốn đưa Hàn ca đi thưởng ngoạn.
– Nhân đệ đã có lời, vậy thì chúng ta nghỉ lại ở đó. Hôm sau trời mờ sáng phải lên đường.
– Tuân lệnh chủ nhân. Trước khi lên đường, xin chủ nhân cho mọi người dùng cơm nước.
– Cứ như vậy! Sai chúng sửa soạn vài thức nhấm ngon cho ta và nhị gia mừng ngày kết nghĩa.
Cơm nước xong, khoảng hơn giờ sau lão Bốc ra lệnh cho thuyền phu đưa thuyền ra trường giang trở lại. Tích Nhân thấy dòng nước đục ngầu chảy như thác, thuyền đi như tên bắn, rồi đi vào những vùng hai bên vách đá cao mút mắt, có nơi vách đá thiên hình vạn trạng, thật là cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngoạn mục chưa từng thấy. Thuyền đến những chỗ hẹp, Tích Nhân tự nhiên lo lắng cho Hàn Tuân cảnh bị đề phòng, nếu thuyền phu tay lái không nhanh không vững để thuyền va vào vách đá thì sẽ ra tay cắp Hàn Tuân bay lên ngay. Lúc thuyền đến Diêm Dự Đôi, giòng nước bị hòn đá rất to chắn ngang làm nước chảy bắn tung lên, Tích Nhân cầm lấy tay Hàn Tuân. Hình như Hàn Tuân cảm nhận được sự quan tâm của Tích Nhân, nên đưa mắt mỉm cười và cũng nhẹ siết lấy tay người nghĩa đệ.
Thuyền chỉ trôi hơn giờ đã qua khỏi vùng nước nhỏ hẹp, và trôi một lúc sau đã thấy một sơn thôn, độ vài chục nóc gia, có vài căn nhà ngói nằm dưới chân núi. Chỗ sông rộng ra, hai bên bờ nhiều nơi có bãi cát bồi, đá hòn ngổn ngang. Từ giòng sông ngửa mắt trong lên thấy núi chập chùng, một vài đỉnh núi ẩn hiện trong mây
– Có lẽ nơi kia được gọi là Vu trấn. Những ngọn núi cao kia là vu sơn. Vu sơn có mười hai đỉnh núi, đều là thắng cảnh nổi tiếng. Ngọn Thần nữ phong được truyền tụng không biết bao nhiêu thi ca.
– Chúng ta tạm nghỉ ở đây đêm nay. Nếu Hàn ca thích lên núi cao, thì chúng ta có thể đi ngay.
– Để ta mang theo ống sáo hay cây đàn, hiền đệ mang theo rượu. Ôi! Ngồi trên đỉnh non cao kia đàn hát cho nhau nghe, ngâm thơ uống rượu, thì tưởng thần tiên cũng như chúng ta là cùng.
Tích Nhân cũng cảm thấy thích thú:
– Nghe tiếng đàn, tiếng sáo của đại ca, tiểu đệ tin chắc mình sẽ tưởng như thoát tục.
Hàn Tuân vào phòng, tay cầm ống sáo ngọc, một tay mang một bầu rượu to, bình rượu có quai mang:
– Nhân đệ mang ta lên núi, có thể mang theo bình rượu này không?
Tích Nhân lấy rượu mang vai, cười:
– Tiểu đệ tin chắc là được, nhưng có lẽ chúng ta đi bộ vào nơi vắng vẻ, tiểu đệ mới xử dụng khinh công mà không làm sơn dân chú ý.
– Đúng vậy, họ sẽ cho chúng ta là thần tiên giáng hạ.
Thuyền vừa cập bến cát, và cột neo xong, Tích Nhân và Hàn Tuân liền sánh vai đi ngay. Vào chỗ vắng vẻ, Tích Nhân kéo Hàn Tuân phi vùn vụt, sợ dù dùng chân khí trút xuống chân người nghĩa huynh đi nữa, mà đi một thời gian lâu dài, khi hết chân khí hai chân Hàn Tuân cũng sẽ đau đớn, nên Tích Nhân thay đổi cách thức, đưa người Hàn Tuân lên cao bồng lấy:
– Tiểu đệ bồng Hàn ca tiện hơn, nếu đi quá xa, hai chân Hàn ca cũng sẽ bị đau đớn vô cùng.
Tích Nhân đôi mắt vẫn ngó thẳng, không nhìn người nghĩa huynh mới kết bái nên không thấy đôi mắt chợt lộ sát khí của Hàn Tuân, nhưng khi gã nghe Tích Nhân nói, đôi mắt giận dữ và đầy sát khi kia liền nhắm lại. Trong cánh tay rắn chắc của Tích Nhân, trong tốc độ vun vút, gió phần phậc, Hàn Tuân cũng nghe mùi thơm kỳ diệu trong người Tích Nhân toát ra, tự động vươn tay ôm lấy, và Tích Nhân lại cũng cảm thấy con người của người nghĩa huynh rất êm ái, người cũng toát ra hương thơm kỳ diệu. Tích Nhân dừng chân trên giữa đỉnh một hòn núi, không biết nơi nào, vẫn ôm Hàn Tuân trên tay, nhưng thở dài:
– Tiểu đệ nên gọi người thề đồng sanh, đồng tử với mình là Hàn huynh hay Hàn tỷ tỷ đây?
Hàn Tuân im lặng giây lát, nói rất nhẹ:
– Xin hiền đệ đưa ta đến một giòng suối nào đó, rồi chúng ta nói chuyện. Người ta là giả, nhưng lòng ta là thật. Lời thề của ta là thật.
Tích Nhân nghĩ lại lời thề đầy chân tình của Hàn Tuân lại bồng gã chạy quanh một lúc, đến một giòng thác nhỏ, đổ xuống một hồ nước rộng vài trượng vuông , chung quanh có những tảng đá to như bàn thạch dừng chân.
Hàn Tuân bước xuống, lại hồ nước, lấy một viên thuốc ra uống, sau đó cũng dùng vài món thuốc dùng khăn ướt rửa mặt mày. Tốn một thời gian khá lâu, gã cởi bỏ chiếc áo thư sinh, từ trong người kéo ra một khúc lụa dài, và cởi bỏ chiếc áo thư sinh bên ngoài, xỏa tung mái tóc. Tích Nhân hiện đang chắp tay sau lưng quay mặt chờ đợi, nghe tiếng thánh thót, ngọt ngào, êm ái:
– Nhân đệ! Đây là con người thật của ta, và lòng ta đối với Nhân đệ hoàn toàn là thật, là tự trái tim mình. Lời thề của ta từng câu, từng chữ ta không bao giờ quên trong đời này.
Tiếng nói của Hàn Tuân là tiếng nói êm ả, ngọt ngào của một người con gái. Tích Nhân khi xoay mặt lại, cũng tự nhiên ngẩn ngơ. Đã tiếp xúc qua bao nhiêu cô gái đẹp, đàn bà đẹp chưa ai có thể so sánh được với người con gái trước mắt mình. Gió núi thổi bộ đồ lụa mỏng cho thấy rõ những đường nét tuyệt vời. Và khuôn mặt cô ta! Ôi! từ ánh mắt, làn môi, sóng mũi, ..tất cả những gì trên người nàng đều đẹp, và tất cả làm cho nàng trở thành một một tuyệt tác của hóa công, một người đẹp không bút mực nào tả nỗi. Những cô gái tuyệt đẹp mà Tích Nhân quen, đã trở thành người yêu, nghĩa tỷ, Vương Tố Thư, và ngay cả Vương Như Huệ, tượng ngọc trong thạch động, đệ nhất mỹ nhân Trung nguyên năm xưa sống lại có đứng bên nàng hẳn cũng phải lu mờ đi mất. Tích Nhân buâng khuâng:
– Tỷ tỷ là người..hay tiên nữ?
Người con gái, có còn phải gọi là Hàn Tuân hay không, là người hay tiên nữ này bước đến, nhẹ tựa vào Tích Nhân:
– Tỷ tỷ là người đã thề suốt đời này sống chết với Nhân đệ, tất cả cho Nhân đệ. Chỉ Nhân đệ là người duy nhất trên đời này xứng đáng với ta. Ta.. ta thật cũng không ngờ, tình yêu đã xảy đến như sét đánh.
Người con gái đẹp tuyệt vời này là ai? Tích Nhân có chút phân vân, nhưng qua đàm đạo, thấy mình và cô ta đúng là ý hợp tâm đầu, và Tích Nhân cũng cảm nhận rõ rệt nàng đối với mình hoàn toàn chân tình, không chút giả dối. Tích Nhân nhẹ ôm cô gái, cô ta xoay lại, khiễng chân lên, nhìn sâu vào mắt Tích Nhân, đôi mắt tuyệt vời, trong hơi thở như hoa lan:
– Nhân đệ! Ta thật tâm yêu quí Nhân đệ!
Tích Nhân cũng nhìn sâu vào đôi mắt cô gái, đôi mắt có thể thu hút cả hồn người kia đầy thiết tha chờ đợi. Bàn tay Tích Nhân tự động khép lại những nụ hôn trao gởi, nhưng cánh tay tìm nhau, Tích Nhân nghe da thịt cô gái toát ra mùi thơm kỳ bí làm mình ngây ngất. Còn cô gái cũng ngất ngây với ve vuốt với ham hố, với mùi thơm trong da thịt Tích Nhân. Bình rượu mang trên vai Tích Nhân được bỏ xuống, Cây kiếm thánh vật của Côn Luân phái cũng rớt xuống bãi cỏ hoang. Họ đưa nhau đi qua bờ, qua bụi, môi vẫn tìm môi. Rồi đến bờ suối một tảng đá to đã cản bước chân của họ. Kỳ diệu thay, chiếc áo choàng thư sinh dài rộng cũng đã được cô gái vứt bỏ trên đó, Tích Nhân kéo cô gái xuống, rồi ngã ra. Mặt trời hình như cũng đồng tình, ánh tà dương hắt hiu chợt tắt, bàn tay chân Tích Nhân kéo chiếc áo lại trải rộng ra, những bàn tay tìm nhau, bấu víu nhau, những mảnh vải vướng mắc lần lần rớt xuống, làm nền cho tình yêu đang bốc lửa. Hình như cô gái lúc đến giai đoạn quyết liệt, có kêu lên, có chống đỡ yếu ớt, nhưng nàng phải xuôi tay, đã phải kêu lên tiếng kêu đau đớn, rồi cả hai như quên hết chung quanh. Nàng là ai, cô gái là ai, Tích Nhân hiểu nàng đã trao sự trong trắng cho mình, và trong núi Vu sơn họ cùng đưa nhau chìm vào cõi Vu sơn với cả thể xác lẫn tâm hồn. Đã đi đến nơi tột cùng của đỉnh vu sơn họ cũng không muốn rời nhau, những cánh tay vẫn ôm lấy nhau, người con gái rúc mặt xuống ngực Tích Nhân kêu nhỏ:
– Nhân đệ!
Tích Nhân cúi xuống mái tóc của cô ta:
– Hàn tỷ tỷ!
– Ta họ Lưu! Tên là Oanh Oanh, thường gọi là Oanh Nhi.
– Lưu tỷ tỷ! Oanh Oanh!
– Tình yêu chúng ta đến thật nhanh. Nhanh quá phải không?
– Có thể quá nhanh, nhưng tiểu đệ nghe được con tim tỷ tỷ, và tiểu đệ hiện cũng còn ngẩn ngơ, không hiểu tiểu đệ đang gần gũi một giai nhân hay tiên nữ?
Cô gái chợt buồn:
– Ta có xứng đáng là tiên nữ hay không? Chỉ sợ sau này Nhân đệ sẽ không nghĩ như vậy nữa.
– Tiểu đệ vốn chẳng văn hay chữ tốt, cầm, kỳ, thi, họa.. thú tao nhân mặc khách đều không, chỉ sợ tỷ tỷ đã đến với tiểu đệ trong xúc động nhất thời, rồi mai này..
– Người con gái chỉ có thể yêu, trao gởi cho một người..
Và nàng cười nhẹ:
– Hơn nữa nam nhân trên đời cũng không thể có ai có thể sánh với Nhân đệ. Nhân đệ đẹp như Phan An tái sinh. Ta nghĩ nhân đệ cũng là tiên nhân, Nhân đệ có thể bay cao hàng chục trượng, lướt gió, đằng vân.
Tích Nhân cũng cười:
– Nói vậy chúng ta là đôi tiên đồng, ngọc nữ.
– Trong núi Vu sơn..
– Ồ nhỉ! Phải chăng tỷ tỷ là vu sơn thần nữ?
– Ta là gì, ta vẫn là ta, người đã yêu Nhân đệ, và dâng hiến đời con gái cho Nhân đệ. Mong rằng sau này Nhân đệ sẽ không coi thường ta.. từ tiên nữ, thần nữ, hạ xuống thành hồ ly tinh..
– Chúng ta đã thề sống chết bên nhau, tỷ tỷ là tiên nhân, là gì chúng ta cũng sẽ sống chết không rời. Tỷ tỷ đừng bỏ tiểu đệ về tiên giới như những câu truyện thần tiên, để vu sơn chỉ là giấc mơ tiên.
– Nếu Nhân đệ lỡ có bề nào, thì ngày ấy cũng là ngày ta vĩnh biệt cõi nhân gian này. Chúng ta có thể không đồng sanh nhưng cùng đồng tử. Tuy nhiên, đã là người nhân gian thì chúng ta cũng không tự chủ nổi. Nhân đệ có công việc của Nhân đệ, ta cũng có những bổn phận của ta. Chúng ta gặp nhau lúc nào, bên nhau lúc nào cũng là quí lắm rồi. Hỡi ôi! đã làm người ai có thể tự chủ được?
Tích Nhân nghĩ đến bổn phận phải đi giải cứu Đằng tiên lão nhân, Oanh Oanh lại không biết võ công thì làm sao có thể theo mình được? Và dù cho nàng biết võ công thì cũng đâu có thể nhờ nàng trong một công tác vô cùng mạo hiểm, mang tội với triều đình nhà Minh? Sớm muộn họ cũng phải chia tay nhau, cũng khó biết bao giờ có thể gặp lại? Tích Nhân dấu tiếng thở dài.
– Nhân đệ gấp xuôi trường giang phải chăng có việc gì rất gấp?
Tích Nhân không trả lời mà hỏi:
– Tỷ tỷ phải chăng là con của một vị quan to của triều đình? Tỷ tỷ không có võ công nhưng Bốc lão và ba con nha hoàn đều là cao thủ. Võ công Bốc lão cũng có thể khai môn lập phái, nhưng lại làm nô bộc cho tỷ tỷ?
– Ta chẳng liên hệ gì với triều đình của họ Chu. Bốc lão là nhân vật nổi tiếng của võ lâm trung nguyên, trước kia bị thương sắp chết nhờ gia phụ cứu thoát nên cam tâm làm nô bộc cho nhà ta. Ta lại là người thích du ngoạn, nên gia phụ cũng phải cho người dạy võ cho mấy con nha hoàn để nó hộ vệ cho tiểu chủ. Thuật cải trang của ta cũng so Bốc lão truyền cho.
Nàng lại hỏi:
– Nhân đệ mang thân võ công tuyệt học, còn cao hơn cả Bốc lão, phải chăng chuyến đi này nhằm làm tên tuổi vang dội trong võ lâm trung nguyên?
Tích Nhân cười nhẹ:
– Tiểu đệ chẳng có hùng tâm tráng chí như vậy. Tiểu đệ chỉ đi cứu một người thân. Cứu xong thì rời trung nguyên ngay.
– Ta thật ngu tối, nếu muốn giương danh giang hồ, thì Nhân đệ đã không phải nôn nóng. Tấc bật trong hành trình. Xem ra chúng ta cũng sẽ không gần nhau bao nhiêu ngày.
– Tỷ tỷ nói đúng. Đã là người sống trong nhân gian, thì không thể tự chủ được.
– Xem ra chúng ta cũng không thể gần nhau bao nhiêu ngày nữa. Và dọc trường giang vạn dặm trăm ngàn cảnh đẹp, hai ta cũng không thể tay trong tay ngoạn cảnh đề thơ. Tiếng nói của Oanh Oanh chợt sũng buồn.
Tích Nhân nhẹ hôn nàng:
– Công việc xong, tiểu đệ sẽ đi tìm tỷ tỷ.
– Bao giờ Nhân đệ ra đi?
– Nếu thấy thuyền đi quá chậm, thì tiểu đệ phải dùng khinh công.
– Như vậy Nhân đệ chỉ có thể miễn cưỡng đi cùng ta đến Động đình hồ, hay Vũ Xương là cùng.
– Tiểu đệ không rành đường đi nước bước nên cũng chưa có ý định gì. Nhưng trên đường đi hẳn cũng không dám để mất thì giờ. Hỡi ôi! Nếu ngoại tổ có mệnh hệ gì thì hối hận cả đời.
– Ồ! Người mà Nhân đệ phải đi cứu là ngoại tổ của mình, thì ta không thể vì quyền luyến Nhân đệ mà làm cho Nhân đệ trễ nãi. Nhưng đêm nay, chúng ta không thể đi đêm qua Vu giáp.
Tích Nhân nhẹ ôm nàng:
– Đêm nay chúng ta đã định ngắm cảnh vu sơn, thì tiểu đệ sẽ đưa tỷ tỷ đi, và sẽ nghe thưởng thức tiếng sáo của tỷ tỷ. Nhưng bây giờ..
Tích Nhân lại cúi xuống Oanh Oanh nhưng nụ hôn say đắm, nồng cháy và cả hai lại quằn quại bên nhau. Sau khi tắm rửa, Tích Nhân dùng công lực hong khô cho người yêu, đưa nàng tiên của mình hết đỉnh Thần Nữ, tới núi Long Phục, Phượng Phi.. họ ngắm trăng thanh trên trời cao, nhìn mây và sương mù bên dưới, say sưa trong tiếng sáo, trong men nồng, trong hoan lạc. Mãi sáng, mặt trời đã lên thuộc hạ của nàng mới thấy chủ nhân của mình là Hàn công tử và nhị gia về tới. Sau khi họ dùng cơm sáng, thuyền rời bến. Cả hai ngồi bên nhau ngắm cảnh hùng vĩ của Vu Giáp, cảnh giòng nước như đưa họ tới những ngọn núi phía trước, núi chạy trùng điệp hai bên bờ của Tây Lăng giáp. Tích Nhân ngoài ngắm cảnh còn thưởng thức tiếng sáo hay tiếng đàn của nghĩa huynh Hàn Tuân mà không phải chỉ nghe tiếng chim kêu hay vượn hú. Lý Bạch khi đi từ Bạch Đế Thành tới Giang Lăng đã có bài thơ nói về cảnh sắc và sức chảy của giòng trường giang trong khúc này:
Triêu từ Bạch đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú
Khinh châu quá dĩ vạn trùng san
( Sáng từ Bạch đế ửng mây
Giang Lăng nghìn dặm một ngày tới nơi
Hai bờ vượn hú vang tai
Thuyền con vượt sóng qua ngàn núi non)
Giang Lăng nằm phía bắc bờ trường giang là một nơi trù phú, xưa kia Tào Tháo đưa quân xuống đông nam đã tranh tiên với Lưu Bị chiếm cứ nơi này để lấy lương tiền nuôi quân. Giang Lăng có nhiều trà lầu tửu quán, Kinh sơn cũng nhiều thắng cảnh, dọc sông có nhiều di tích lịch sử, nhưng Oanh Oanh cho thuyền đi đêm xuống Động Đình Hồ. Từ lúc về thuyền, Oanh Oanh vẫn nhất định đứng đắn trong vai Hàn Tuân, khi đã khuya thì vào phòng ngủ riêng, không một cử chỉ nào để làm thuộc hạ của nàng có thể nghi ngờ nhị gia đã trở thành người yêu của mình. Biết Tích Nhân nôn nóng ra đi cứu người, Oanh Oanh cũng không hỏi Tích Nhân sẽ đi đâu, và Tích Nhân cũng không muốn làm cho Oanh Oanh, một cô gái không có võ công sẽ phải lo sợ khi biết mình đơn thân đi vào kinh đô nhà Minh, phải đụng độ với cao thủ đại nội và có thể bị tầm nã khắp nơi trong đất Trung hoa. Tích Nhân lòng không muốn rời xa một cô gái vừa đẹp tuyệt vời, vừa có kiến thức bao la, cầm kỳ thi họa nam nhân khó thể so sánh, nhưng cũng không thể si mê nữ sắc để quên bổn phận của mình.
Động đình hồ là một cái hồ bao la, rộng hàng chục ngàn dặm vuông, có khả năng điều hòa lưu lượng sông trường giang. Từ Động đình trở đi nước trường giang chảy chậm lại, nếu dùng thuyền không thể nào đi nhanh bằng ngựa hay khinh công thượng thừa, Tích Nhân đã thăm dò, và Oanh Oanh cũng nói sơ qua đường đi nước bước, nên quyết định phải rời thuyền sớm. Tuy nhiên, cả hai không ai muốn duyên tình ái ân mới chớm, lại phải chia tay. Theo yêu cầu của Oanh Oanh, họ đi đến Động đình hồ, thuê một chiếc thuyền con đưa nhau đến Quân Sơn sống chung vài ngày.
Không phải đợi thuyền tới Sơn Giang khẩu, Mờ sáng, Tích Nhân đã dùng công lực đưa Oanh Oanh rời thuyền, vượt qua rừng núi để tới Động đình hồ. Chỉ dùng khinh công một lúc, từ đỉnh núi Tích Nhân đã có thể nhìn trời nước bao la mút mắt như thế của Động Đình. Oanh Oanh vẫn còn trong lốt Hàn Tuân, sau khi cùng người yêu nhìn cảnh mặt trời nhô cao từ rặng núi phương đông, nhận định phương hướng rồi bảo Tích Nhân đưa xuống một bến thuyền.
Quân sơn, một hòn đảo giữa hồ, một thắng cảnh với bảy mươi hai ngọn đồi xanh mướt, có thứ trà ngân kim rất ngon, hoa rừng muôn sắc, tre trúc xanh um là nơi họ muốn tới. Ở đó, theo lời Oanh Oanh, trước kia gia gia nàng có một căn nhà mát, vẫn mướn người săn sóc, và họ có thể sống bên nhau cho đến khi Tích Nhân bắt buộc phải ra đi. Động Đình Hồ có nhiều thắng cảnh, đôi trai gái không ai nghĩ đến phải mất thì giờ rong chơi những nơi nổi tiếng, từng được nhiều thi nhân ca tụng như Nhạc Dương Lầu, hay Oanh Oanh trong lốt thư sinh cũng không kể chuyện cổ kim liên quan đến nơi này như Nhạc Phi đã từng bình định loạn quân Dương Yêu đời Nam Tống trước đây như thế nào. Chỉ trong thời gian chủ thuyền giương buồm ra Quân sơn, Oanh Oanh dưới lốt Hàn Tuân vẫn huynh huynh đệ với Tích Nhân, cùng Tích Nhân nhìn ngắm hàng đàn chim lạ bay lượn trên cao, thổi những bản nhạc ca tụng trời nước bao la, như đôi bạn tài tử đi ngắm cảnh, nhưng khi thuyền vừa cập bến, đưa Oanh Oanh lên trên căn nhà gỗ dưới chân đồi, giữa rừng tre rợp bóng, Tích Nhân không đợi phải bỏ hành lý, kiếm quý trên vai xuống, không cần để ý khen căn nhà thật xinh, không chút bụi, hay ai đã mới trải chăn mền còn thơm mùi vải trên chiếc giường to trong nhà. Tích nhân không để ý gì khác ngoài Hàn Tuân, còn Hàn Tuân cũng không màng thay đổi lớp hóa trang, họ ôm chặt lấy nhau.
Chiều hôm ấy, trước căn nhà gỗ, một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, một chàng công tử tuấn tú phi thường cùng nhau câu cá, nướng cá uống rượu, cô gái thỉnh thoảng thổi sáo, dù làm gì, cả hai không phải nửa bước không rời, mà gần như cô gái lúc nào cũng ngồi trong lòng, trên đùi chàng công tử. Họ có xuất hiện trước gian nhà một lúc, rồi lại đưa nhau vào trong. Đêm xuống, trong ánh trăng mông lung, mặt hồ như tấm gương vàng bao la, đôi trai gái xuất hiện, đưa nhau xuống làn nước mát, chàng công tử vẫn nâng nui cô gái trong tay, như sợ bỏ ra nàng sẽ biến mất, không còn nữa.
Anh hùng nan quá mỹ nhân quan! Hán Vũ đế một vị vua anh minh, hùng tài đại lược, trong cung không biết bao phi tần mỹ nữ, ai cũng tài mạo tuyệt vời, muôn người chọn một, nhưng khi gặp Triệu Phi Yến thì tất cả phi tần, cung nữ khác đều quên, không còn thiết tha triều chánh. Đường Huyền Tông một vị vua mở đầu cho giai đoạn Khai Nguyên Thịnh Thế của nhà Đường, khi gặp Dương Quí Phi thì trở thành vị vua: “Xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi, tùng thử quân vương bất tảo triều.” (Đêm xuân vắn vủn có phần, ngai vàng từ đấy chậm phần vua ra). Tích Nhân, một người cũng đã từng ôm ấp bao cô gái đẹp thế gian hiếm có, nhưng không có ai có thể làm cho Tích Nhân mê mẩn như đối với Oanh Oanh. Khi đến đây, Tích Nhân chỉ nghĩ mình sẽ ở với nàng một hai ngày là nhiều, nhưng ngày đêm trôi qua, Tích Nhân gần như quên cả nhiệm vụ của mình, hay không dám thốt ra lời từ giã. Ngoài những lúc lặn ngụp trong bể ái ân, Tích Nhân say mê học thổi tiêu, thổi sáo, đánh cờ, ngất ngây với ánh mắt làn môi, tiếng cười thanh tao của người ngọc. Mãi đến đêm thứ bảy, sau phút giây hoan lạc, Oanh Oanh thỏ thẻ:
– Những ngày qua, biết Nhân đệ yêu thương tỷ tỷ vô cùng, tỷ tỷ cũng muốn hai ta ở đây cho đến răng long tóc bạc, vĩnh viễn không rời. Nhưng, Nhân đệ cần phải đi cứu ngoại tổ của mình.
Lời nhắc nhở của Oanh Oanh làm Tích Nhân cảm thấy mũi tên xuyên vào tim óc, vỗ đầu:
– Tiểu đệ.. Ồ! tiểu đệ..
Oanh Oanh ôm chặt người yêu, cười khẽ:
– Nhân đệ đã vì tỷ tỷ mà quên mất! Tỷ tỷ cảm thấy hạnh phúc vô vàn. Ngày mai chúng ta sẽ rời khỏi nơi đây. Sau nhà có chiếc thuyền con.
– Cám ơn tỷ tỷ đã có lời nhắc nhở. Nếu không tiểu đệ sẽ trở thành tội nhân muôn thuở với lương tâm.
– Tỷ tỷ tuy liễu yếu, nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi yếu đuối như cô gái thường tình. Chẳng hay Nhân đệ có thể cho tỷ tỷ biết ngoại tổ bị ai giam giữ?
Tích Nhân thở dài:
– Ngoại tổ đang bị giam trong thiên lao của triều đình nhà Minh. Tiểu đệ tin tưởng vào võ công của mình, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, đường đi nước bước trong kinh thành lại không rành nên cũng rất quan ngại.
– Ồ! Nếu là triều đình thì kinh hiểm vô cùng. Một thế lực không phải chỉ kinh thành, mà ở đâu cũng có cao thủ. Một đạo chiếu chỉ ban ra, các võ phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn, Hằng Sơn, Nga Mi, Côn Luân.. đều có thể xua cao thủ ra đi tìm Nhân đệ. Nhân đệ cũng không là người hễ mỗi chút là giết người, trở thành công địch võ lâm.
– Chính vì lo ngại, sợ tỷ tỷ lo âu mà tiểu đệ không muốn nói ra điều này.
– Gia đình tỷ tỷ không phải là quan quyền, chỉ là một phú hộ. Dù gia tài rất lớn, hiện cũng trú ẩn khiêm nhường ở Tào Khê, một vùng ngoại ô của Thành Đô. Gia phụ từng tham gia khởi nghĩa chống quân Nguyên. Nghĩa quân khăn đỏ sau này đã phân chia thành nhiều thế lực thôn tính lẫn nhau, nên gia phụ chọn lối sống ẩn cư. Chu Nguyên Chương khi làm hoàng đế giết hại công thần hàng vạn. Chu Đệ cướp ngôi cháu, cũng làm không biết bao nhiêu điều tàn ác. Chính vì vậy mà họ sử dụng, mua chuộc rất nhiều cao thủ để hộ vệ nơi cung đình. Hoàng thành trở thành nơi bất khả xâm phạm. Tỷ tỷ không thể giúp Nhân đệ, thì cũng ngại gì bị liên lụy, nhưng với sứ mạng vô cùng nguy hiểm này, tỷ tỷ thật lo lắng.
Tích Nhân an ủi:
– Dù nguy hiểm đến đâu, tiểu đệ cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn.
– Tỷ tỷ cũng không khuyên Nhân đệ xuôi tay. Nhưng sứ mạng này, Nhân đệ không thể thố lộ cho ai biết. Nhất là khi tới chốn kinh thành. Bọn bán tin có thể bán ra đầu mối, tin tức nhưng chính chúng cũng sẽ thông tri cho Cẩm y vệ hay Đông xưởng biết để nhận tiền thưởng. Giới võ lâm chính phái, lại càng không thể gần vì chúng sẽ cho giúp Nhân đệ là bất trung, bán nước.
– Tỷ tỷ cũng hiểu rất nhiều chuyện võ lâm.
– Bốc lão là cao thủ võ lâm. Tỷ tỷ cải trang du lịch được người như Bốc lão hộ vệ, không muốn biết cũng phải biết tình hình giang hồ, mánh khóe và thủ đoạn của giới giang hồ, hắc đạo.
Nàng lại nói:
– Tỷ tỷ nghĩ mình có thể giúp Nhân đệ phần nào.
– Như thế nào?
– Nhân đệ cần phải biết thuật dịch dung. Năm xưa ở Trung nguyên có một người tên là Đa diện thần quân, ông ta có hai người học trò, một là Bốc lão hiện nay, một là sư muội của lão. Sau khi ăn ở với nhau một thời gian không con, Bốc lão muốn lập thiếp. Người sư muội vì thế mà bỏ đi biệt tích. Bốc lão lang thang giang hồ tìm vợ, nhưng không thể nào tìm được vì vợ ông ta cũng biết thuật dịch dung thần kỳ. Người cải trang đeo mặt nạ da người, hay đắp nhiều bột sẽ làm cho khuôn mặt cứng trơ, không bộc lộ cảm giác mừng vui rất dễ nhận biết. Thuật dị dung của đa diện thần quân, trái lại có thể làm da mặt trương lên hay xẹp xuống,làm bớt đen, bớt đỏ, cải đổi gương mặt, nhưng hoàn toàn trông giống như trời sinh ra. Ngoài ra cũng có thể cải đổi âm thanh.
– Tiểu đệ cũng không thể nào phát hiện thuật dịch dung của tỷ tỷ khi mới gặp nhau.
– Ngoài phải biết thuật dịch dung, thiên biến vạn hóa không để ai có thể truy tầm được. Nhân đệ cũng phải có cách khai thác tin tức từ bọn nha trảo trong triều. Tra tấn bằng thủ pháp đau đớn cũng sẽ không làm chúng tiết lộ điều gì. Chúng là những người rất trung thành. Nếu chúng chết vì trung với chủ, vợ con còn có ân điển. Nếu không, thì có thể bị tru di tam tộc. Bốc lão năm xưa bị thương sắp chết vì đã đi cướp một bảo vật của võ lâm trung nguyên là Cửu âm chân kinh.
– Ồ! Nghe nói đó là võ công tuyệt học của võ lâm trung nguyên.
– Có lẽ như vậy. Lúc Bốc lão ngất xỉu trong rừng sâu, Gia phụ mang về chữa thương phát hiện cuốn kinh này trong người ông ta. Cuốn kinh này đối với triều đình cũng như các phái võ, cũng không khác gì mật đối với ruồi. Bốc lão cũng không phải là chính nhân quân tử. Nếu luyện thành Cửu âm chân kinh cũng sẽ có thể gây họa lớn cho giang hồ. Lúc này tỷ tỷ còn bé, mới mười ba tuổi, nhưng là người đọc sách qua một hai lần thì có thể nhớ từng chữ. Gia phụ muốn hủy, nhưng lại tiếc. Sau khi tỷ tỷ đọc thuộc quyển kinh văn này, gia phụ đem đi đốt. Gia phụ không luyện kinh này vì nó phải tiệm tiến, từ từ tập luyện, nhưng lỡ ai phát hiện thì mang họa sát thân. Cửu âm chân kinh có hấp lực làm cho anh em, vợ chồng có thể tàn sát nhau. Tỷ tỷ cũng không muốn tốn thời gian nhiều với võ học, và cũng lo võ công chưa thành đã bị uổng tử nên kinh văn vẫn giữ trong đầu. Bốc lão sau khi được cứu tử xin làm nô bộc cho gia phụ, có thể ông ta mang ơn, nhưng cũng có thể ẩn nhẫn để thăm dò chân kinh vì nghi ngờ bị gia phụ lấy đi. Việc ta biết Cửu âm chân kinh, trên đời này, như vậy chỉ có tỷ tỷ và Nhân đệ. Nhân đệ tuyệt đối không thể tiếc lộ với bất cứ ai. Dù là người thân đến đâu cũng không thể hở môi.
– Cảm ơn tỷ tỷ tin tưởng tiểu đệ.
– Mạng tỷ tỷ.. cũng không tiếc vì Nhân đệ, chúng ta đã là người của nhau Nhân đệ nói tiếng cảm ơn làm gì? Sở dĩ tỷ tỷ nói ra điều này, vì trong Cửu âm chân kinh có môn di hồn đại pháp có thể làm cho người đối diện phải ngoan ngoản trả lời những câu hỏi của mình, sau đó họ không còn nhớ đã nói những gì, làm gì. Với thuật này, Nhân đệ có thể tra bọn nha trảo trong thiên lao, tìm ra chỗ giam giữ ngoại tổ an toàn nhất. Nếu chỉ luyện di hồn đại pháp, với công lực của Nhân đệ chỉ vài giờ hay một ngày là cùng.
– Tiểu đệ sẽ học thuật dị dung và luyện Di hồn đại pháp vào ngày mai với.. sư phụ. Còn bây giờ..
Oanh Oanh giây lát kêu lên:
– Nhân đệ thật là dũng mãnh.. sao mà mạnh thế này. Nhân đệ đi, tỷ tỷ nhớ Nhân đệ đến chết mất..
Hôm sau Tích Nhân học thuật dịch dung hết nửa ngày. Nửa ngày sau đóng cửa luyện Di hồn đại pháp. Trong khi Tích Nhân luyện công, Oanh Oanh dưới lốt Hàn Tuân, khuôn mặt do Tích Nhân đã học thuật dị dung và thực tập, ra ngoài đi dạo. Một con chim ưng đang đậu trên đọt tre cao không biết từ lúc nào xà xuống, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ trên chân nó ra đọc. Đọc xong lá thư hình như Oanh Oanh suy nghĩ giây lâu, viết mấy chữ cho con chim mang đi, rồi tiếp tục dạo chơi. Nếu Tích Nhân thấy ở những chỗ đất đá lởm chởm khó đi, Oanh Oanh chỉ nhẹ nhàng nhấc chân đưa người đi xa mấy trượng thì phải mở to đôi mắt kinh ngạc. Từ lúc biết Oanh Oanh đã dâng hiến sự trong trắng cho mình, Tích Nhân không còn chút nghi ngờ nào. Không một chút thông minh để tự hỏi, một người con gái liên tiếp nhiều ngày trong hoan lạc ái ân, sẳn sàng chiều chuộng, hưởng ứng một người tình dẻo dai như mình bất cứ lúc nào, qua nhiều ngày liên tiếp vẫn không lộ vẻ mệt mỏi có thể là người con gái bình thường? Oanh Oanh đến một rừng hoa, một bờ núi đầy hoa, trong cùng của vườn hoa có căn trại nhỏ nuôi heo, gà, vịt, bồ câu. Người đàn ông và người đàn bà khá già có lẽ là chủ nhân nơi đây, hay là người đang ở chăm sóc vườn hoa, thấy nàng và nàng ra dấu họ vội vã quỳ xuống. Hình như họ vừa câm vừa điếc, Oanh Oanh lại ra dấu, người bà già vội đi bắt một con gà mái to, trong khi người bà lão làm gà, ông lão xách một cái lẵng đi theo Oanh Oanh, nàng hái những bông hoa kỳ lạ bỏ vào. Khi hoa đầy lẵng, ông lão vào nhà lấy thêm những món thuốc, có cả nhân sâm bỏ vào. Oanh oanh sau đó lại bắt một con bồ câu, viết vài chữ cho nó mang đi. Bấy giờ nàng ra dấu, ông lão xách lẵng hoa và con gà đã làm sạch đi theo. Ông ta cũng là người có võ công, đi đứng rất nhanh nhẹn. Khi tới gần căn nhà gỗ, ông ta trao mọi thứ cho nàng. Cung kính vái lạy rồi ra đi. Gần bên căn nhà gỗ có một căn bếp, Oanh Oanh vào nhà bếp, bắt đầu lo nấu nướng. Trời vừa tối, món ăn chắc đã chín, nàng dập lửa ra hồ tắm rửa, trở lại dung mạo Oanh Oanh, cũng vừa lúc Tích Nhân hoàn thành phép luyện di hồn đại pháp bước ra ngoài.
Tích Nhân phóng tới ôm nàng, Oanh Oanh nhẹ quát:
– Ông mãnh! đi tắm rửa rồi ăn chiều đã!
Tích Nhân hít mấy hơi:
– Nghe thơm quá! Mùi thơm từ nhà bếp làm tiểu đệ đói bụng. Nhưng hương thơm của tỷ tỷ làm tiểu đệ .. không thèm cơm. Mà thèm tỷ tỷ..
Oanh Oanh đỏ mặt, ôm người tình thì thào:
– Nhân đệ ngoan nào! Tỷ tỷ sẽ đền bù cho.
Oanh oanh mới tắm, nhưng Tích Nhân đã ôm nàng phóng xuống nước, trong lúc tắm rửa cho nhau, trên người không còn gì, Tích Nhân lại không thiết đến ăn uống, bồng Oanh Oanh vào nhà. Oanh Oanh vừa cười khặc khẽo, vừa la mắng. Tiếng cười và la mắng của nàng hình như đã quen tai Tích Nhân.
Đêm đó sau khi ăn món gà hầm với những loại hoa và nhân sâm của Oanh Oanh, uống vài cốc rượu bồ đào, căn nhà gỗ không có tiếng đàn, tiếng sáo. Món bách hoa triều kê của nàng có tác dụng gì không, hay trước khi chia tay họ muốn đền bù những ngày xa cách nên không muốn một phút rời nhau. Nữ nhân nào cũng là nữ nhân, trời gần sáng, Oanh Oanh chợt khóc òa:
– Nhân đệ! Sáng nay..ra khỏi hồ, chúng ta phải chia tay rồi!
– Sau khi công việc hoàn thành, tiểu đệ sẽ đi tìm tỷ tỷ!
– Nhân đệ anh tuấn phi thường, ta sợ. Ta sợ.. cảnh xa mặt cách lòng.
Nàng rít nhẹ:
– Ta yêu Nhân đệ với tất cả con tim. Nhân đệ phản bội ta, đi lại với bất cứ nữ nhân nào, ta sẽ không để yên cho họ. Và với Nhân đệ.. ta sẽ thà đồng qui ư tận, không phản lời thề nơi Tiên chủ miếu và cũng không phải sống trong đau khổ, bẽ bàng.
Từ lúc cùng nàng trở thành tình cá nước, Tích Nhân chưa một lần thố lộ mình đã có nhiều người yêu, tri kỹ. Nghe Oanh Oanh nói, Tích Nhân nghe cả người chấn động, lùng bùng hai tai.
Tích Nhân im lặng, định lựa lời nói cho Oanh Oanh biết về những người yêu của mình, nàng là kẻ đến sau, nhưng Oanh Oanh như vô tình:
– Nếu ta biết Nhân đệ có ai, chắc ta chết mất! Ta không thể nào sống nổi.
Đây là lần đầu tiên Tích Nhân gặp hoàn cảnh chưa bao giờ gặp. Những người con gái đi qua đời Tích Nhân, ai cũng rộng lượng, thông cảm cho hoàn cảnh của người yêu. Sẳn sàng chấp nhận nhau. Không có ai quyết liệt như Oanh Oanh. Tích Nhân la thầm, phải chăng trước đây, đối với ai cũng nói rõ trước hoàn cảnh của mình. Đối với Tô Kiều Minh mới đây, thấy nàng có tình ý, và nghĩ đến tương lai Phượng hoàng bang, Tích Nhân cũng nói rõ hoàn cảnh, nàng chấp nhận mới có việc kết bái phu phụ với nàng. Còn với Oanh Oanh, khi nàng từ vai Hàn Tuân hiện nguyên hình, thì Tích Nhân như bị thôi miên trước nhan sắc tuyệt vời, chẳng những không tự chế mà còn ham hố mê cuồng. Khi nàng đã có quan niệm không thể chia xẻ người yêu với ai, thà chết còn hơn, Tích Nhân không phải không có lỗi là đã không thẳng thắn giải bày trước, và những ngày ân ái bên nhau cũng không thổ lộ nửa lời.
Thấy Tích Nhân im lặng, Oanh Oanh lại khóc:
– Nhân đệ đã có ai rồi phải không? Ta ta.. chết mất..
Thấy nàng đau khổ, và cũng sắp chia tay nhau, Tích Nhân không muốn sự chia tay trở thành cảnh chia tay bi thảm, Oanh Oanh đau buồn, bèn đánh bài mua thời gian, thở dài:
– Tiểu đệ tưởng chỉ mình phải lo sợ một người đẹp không khác Hằng Nga như tỷ tỷ biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt Trung nguyên sẽ đeo đuổi, tiểu đệ là người Nam phương xa xôi hẻo lánh.. không sợ tỷ tỷ chê bỏ, thì có đâu.. Tiểu đệ thật phước đức mấy đời mời được gặp và lọt vào mắt xanh tỷ tỷ.
– Nhân đệ không phải là người Trung Nguyên?
– Tiểu đệ là người Đại Việt. Vốn họ Lê tên Tích Nhân. Vì sợ võ lâm Trung nguyên biết mình là người Đại Việt sẽ có lòng kỳ thị, khó đi lại nên mới dùng họ Trần, vốn là họ mẹ.
Oanh Oanh cười khẽ:
– Tỷ tỷ ôm ấp Nhân đệ bao ngày, bây giờ mới biết người yêu của mình là người Đại Việt. Nghe nói người Đại Việt nhuộm răng đen, ăn trầu. Nhưng Nhân đệ lại răng trắng môi hồng. Xinh như con gái.
Tích Nhân thở dài:
– Tiểu đệ lúc nhỏ đau ốm, mười mấy tuổi đã mất cha mẹ, nên chẳng ai nhuộm răng cho.
– Nhân đệ nói tiếng Hán như người Hán và thuộc lòng nhiều thi thư.
– Lúc bệnh hoạn không thể tập võ, mẫu thân dạy đọc sách và tiểu đệ cũng có khả năng sách nào đọc qua một lần là nhớ. Trong nhà có một nô bộc vốn người Hán nên biết tiếng Hán từ nhỏ. Sau này ở trong sơn cốc học võ với đại tỷ cũng là người Hán nên có thể nói năng như người Hán.
– Đại tỷ của Nhân đệ phải là người võ công phi thường mới có thể đào tạo một người như Nhân đệ.
Tích Nhân nhắm mắt:
– Đại tỷ đúng là người phi thường. Năm xưa có danh lớn trong giang hồ Trung nguyên được ca tụng là Bắc bạch liên, Nam tiên tử!
Hình như lời nói của Tích Nhân làm Oanh Oanh chấn động, nàng ngồi rột lên:
– Ồ! Ta nghe danh Phượng hoàng tiên tử, võ công, tài sắc đều hơn người. Nàng có thể đào tạo một người như Nhân đệ, thì võ công hiện nay phải cao siêu khôn lường.
Tích Nhân thở dài:
– Đại tỷ đã không còn sống ở nhân gian. Người luyện công bị tẩu hỏa và bị độc thương, chất độc vào xương, nên không chữa trị được.
Oanh Oanh nằm xuống:
– Xin lỗi ta đã khơi lại nỗi buồn của Nhân đệ.
Tích Nhân kéo nàng vào lòng:
– Chỉ giây khắc nữa phải chia tay với tỷ tỷ. Hỡi ôi! Tiểu đệ sẽ nhớ tỷ tỷ biết đến ngần nào.
– Ta cũng sẽ nhớ Nhân đệ đến chết mất!
Và nàng dụi đầu lên ngực:
– Hay là tỷ tỷ để Bốc lão lại đây, chúng ta thuê chiếc thuyền con đi nhanh trên trường giang, Nhân đệ có bị chậm vài ngày, nhưng hai ta lại được gần nhau thêm một thời gian nữa.
Tích Nhân đã quá say mê Oanh Oanh, không muốn rời nàng. Nếu biết nàng có võ công, Tích Nhân đã không chối từ. Tuy nhiên, Oanh Oanh đã dấu diếm công lực một cách thần kỳ, trong mắt Tích Nhân nàng là cô gái yếu đuối, thì làm sao có thể đem nàng đi theo được?
– Tiểu đệ không thể đưa tỷ tỷ, một tiểu thơ chân yếu tay mềm vào một nơi nguy hiểm mà tiểu đệ không thể phân thân chiếu cố.
Nếu được đi với Tích Nhân, Oanh Oanh có lẽ sẽ bỏ hết công việc của mình, nhưng lúc này nàng không thể làm gì khác hơn. Nàng chợt sa nước mắt, nàng nghĩ đến tình yêu của mình sẽ gặp biết bao cản trở, trong xúc động nàng chồm lên với những nụ hôn vồn vập. Nàng chủ động và rên rỉ:
– Ta muốn có một đứa con với Nhân đệ. Nhân đệ hãy cho ta một đứa con.
Trời sáng, mặt hồ tan lớp sương mù, Tích Nhân mang chiếc thuyền con ra bờ hồ, cũng vừa lúc một chiếc thuyền từ phía tây đi xuống. Lão ngư phủ kêu to:
– Quí phu phụ muốn chèo ghe chơi hồ, hay vào bờ?
Oanh Oanh, không cải dạng thành Hàn Tuân nữa, mà để y dung mạo tuyệt trần trong trang phục một phu nhân quí phái, chỉ che mặt bằng làn lụa mỏng, nàng muốn tiễn người yêu ra đi như người vợ tiễn chân chồng, reo lên:
– Thuyền lão trượng vào bờ?
– Chúng tôi đang vào bờ!
– Vậy thì hay lắm. Lão trượng hãy cho vợ chồng chúng tôi quá giang.
Lão Ngư phủ quay thuyền lại, Oanh Oanh bảo Tích nhân cột thuyền con lại. Tích Nhân dìu nàng lên thuyền thì lão ngư phủ đẩy thuyền ra và căng buồm. Oanh Oanh tặng một đỉnh bạc, lão ngư phủ hết lời cảm tạ, luôn miệng nói mình may mắn, chẳng những ban đêm đánh được nhiều cá, mà buổi sáng còn được tiền thưởng hậu hỹ nữa.
Vài giờ sau, Tích Nhân đã có thể nhìn thành Nhạc Dương và Nhạc Dương Lầu, một ngôi lầu ba tầng, mái uốn cong, trông rất nguy nga, đẹp mắt, nhô cao lên trên mấy bức tường thành của thành Nhạc Dương. Oanh Oanh đứng trên thuyền phe phẩy quạt lông ngâm nhẹ:
Lâu quan Nhạc Dương tận
Xuyên quýnh Động Đình khai
Nhạn dẫn sầu tâm khứ
… ( đứng trên lầu nhìn khắp vùng Nhạc Dương, nhìn khắp mặt hồ mênh mông, nỗi buồn chim mang đi mất..).
Và kêu lên:
– Phu quân! Thiếp có thể ngâm tiếp câu thơ sau cùng hay không?
Tích Nhân biết Oanh Oanh muốn lưu mình lại ngắm trăng lên, mỉm cười:
– Ta có thể đọc tiếp cho nàng, câu thơ cuối như thế này: “Sơn hàm bảo nhật lai” ! (Núi đang ngậm mặt trời mọc).
– Phu quân cả gan sửa thơ người xưa, nguyệt đổi thành nhật, nhưng cũng không đúng cảnh. Mặt trời đang gần như trên đỉnh đầu chúng ta!
– Ta là kẻ võ biền, sửa được một chữ là đã giỏi lắm rồi!
Oanh Oanh bỗng buâng Khuâng:
– Phải chi, phải chi..
Tích Nhân thấy Oanh Oanh buồn, nói nhỏ:
– Tiểu đệ sẽ ở với tỷ tỷ thêm một đêm nữa!
Oanh Oanh tươi tắn ngay nét mặt , hớn hở tươi cười, chỉ trỏ nơi này nơi kia nói chuyện không dứt. Thuyền chưa cập bến đã nói:
– Phu quân đưa ta lên bờ vào thành, lên Nhạc Dương Lâu.
Không muốn lộ liễu võ công, Tích Nhân chờ thuyền chỉ cách bến còn vài thước mới nhẹ ôm Oanh Oanh phóng lên. Sau khi qua bến thuyền, một dãy dài quán xá, họ vào cửa thành tây. Nhạc dương lâu là nơi nổi tiếng, tài tử xa gần đưa nhau đến ngắm cảnh Động Đình nên buôn bán trên đường đã đông, thì Tích Nhân thấy ăn mày cũng nhiều. Cặp trai gái làm mọi người mở to cặp mắt, người ta không nhìn rõ được dung mạo của nàng, nhưng bước chân uyển chuyển, bàn tay trắng nuốt của nàng, và qua người đàn ông như cây thụ cành dao bên cạnh nàng, ai cũng có thể đoán nàng là một giai nhân. Oanh Oanh rất hào phóng, gặp tên ăn mày nào nàng cũng cho tiền. Có lẽ không phải tiền bạc luôn luôn làm cho con người được trọng vọng, mà phong tư của đôi trai gái cũng đã làm bọn tửu bảo phải chạy tới sum xoe. Họ được lên lầu cao, được mời vào chiếc bàn dựa lan can nhìn ra Động Đình và Quân Sơn. Oanh Oanh kêu một bầu rượu ngon, vài món nhắm.
Nhạc Dương Lầu là tài sản của triều đình, của Nhạc Dương Phủ, trước đây là nơi để xem duyệt binh trên Động Đình Hồ, vì nó lôi cuốn nhiều tao nhân mặc khách, đem mối lợi lớn nên mở cửa đón khách. Khách vào Nhạc Dương Lâu có thể kêu rượu, mọi thức ăn ngon trong thành, nhưng không nấu nướng tại chỗ, thức ăn do bọn chạy bàn mang lên cho khách được nấu từ những nhà hàng chung quanh. Ngồi vào một chiếc bàn trong Nhạc Dương Lâu khách phải chi gấp ba bốn lần giá bên ngoài, vì thế những người lên đây đều là những người có tiền bạc. Tích Nhân cảm nhận ngay mọi cặp mắt đã đã đổ dồn vào mình và Oanh Oanh, nhưng cả hai không lấy điều này làm ngạc nhiên. Ngồi xuống bàn, Tích Nhân liếc mắt thấy chung quanh chỉ có sáu bàn, có người mặc áo nhà quan, có người nhìn biết là công tử nhà giàu, nhưng trong số người ấy lại có một cặp nam nữ, nam khoảng trên bốn mươi, nữ khoảng trên ba mươi, mặc võ phục và đeo kiếm. Người đàn ông thân hình to lớn, mặt vuông, miệng rộng, chân mày dài và đậm, mắt lấp lánh thần quang, hai huyệt thái dương lộ cao như hai trứng gà, râu ba chòm không dài nhưng đen nhánh, ngồi uống rượu nhưng cũng toát ra vẻ uy phong. Còn người đàn bà mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, thân hình nở nang cân đối đáng thuộc hàng quốc sắc. Nhìn hai người biết ngay họ là cao thủ thượng thặng. Bàn của cặp cao thủ võ lâm chỉ cách bàn Tích Nhân mấy thước. Khách trong lầu, sau khi nhìn cặp Tích Nhân, khó đoán Oanh Oanh đẹp xấu thế nào, họ trở về với chén rượu của mình, với không gian của mình. Có lẽ họ là những người có học, tự trọng, không muốn làm phiền ai. Có người lấy giấy đề thơ cũng ngâm nga nho nhỏ. Tích Nhân và Oanh Oanh cũng không muốn làm ai phải chú ý nên kê đầu vào nhau khi cần nói chuyện gì. Tích Nhân không giả trang, chỉ cây kiếm của Côn Luân lão nhân, Oanh Oanh khi biết lý lịch đã bảo che bọc lại để không ai chú ý.
Trong lúc Tích Nhân và Oanh Oanh nhâm nhi rượu, dưới lầu một lão khiếu hóa thân thể cao to râu tóc bạc phơ, mặt đỏ gay chống gậy bước lên. Lão khiếu hóa cười khà khà.. tiếng cười làm cho nhiều người khách phải giật mình. Cặp vợ chồng mang kiếm đứng lên, họ cùng cung kính xá lão khất cái:
– Tham kiến Tần trưởng lão.
Lão khiếu hóa lại cười to, tiếng cười tưởng rung rinh mái ngói, nhiều người khách liền đứng lên đi xuống lầu, lão khiếu hóa cũng chẳng quan tâm, oang oang:
– Từ thiếu trang chủ phu phụ xuất chinh, thì bọn ma nữ Bạch Liên phải bị chúng ta tóm cổ. Khà Khà.. chúng không thể ngờ chúng tập trung theo dấu lão Thần Thâu, thì chúng ta cũng lần lần cột chặt cái rọ lại.
Ông ta lại khoát tay:
– Lão phu phải uống vài chung rồi mới chuyện vãn được.
Người đàn ông, Từ thiếu trang chủ, mời ông lão ngồi xuống bàn, đưa cả bình rượu:
– Tiểu điệt biết tiền bối không bao giờ chịu uống chung.
Từng được Vương Tố Thư kể qua những cao thủ Trung Nguyên, Tích Nhân nghĩ ngay ông lão là Tửu Cái, một trong tứ si, còn người đàn ông là con trai Thần kiếm trang chủ Từ Mộ Hoa, nhưng không biết tên gì. Người đàn bà đã giới thiệu dùm cho Tích Nhân, với tiếng cười của bà ta:
– Lâm ca ca, một bình rượu không phải là cách tiếp đãi Tần tiền bối.
Tửu Cái cười to:
– Khí thôn Hà Bắc Từ Mộ Lâm, nghe nói kiếm pháp, công lực không thua Thần kiếm, nhưng tiếp đã bạn bè không hào phóng bằng..
Trên lầu bây giờ không còn ai, ngoài cặp Tích Nhân và ba người trong bàn Từ Mộ Lâm. Tửu Cái uống ừng ực xong bình rượu, liếc nhìn Tích Nhân:
– Ai cũng sợ ta đi cả, hai đứa bé con kia vẫn còn ở đây hay sao? Đi đi cho chúng ta nói chuyện.
Oanh Oanh lộ vẻ sợ đứng lên, ra mắt cho Tích Nhân. Tích Nhân nổi giận muốn phản ứng, nhưng nàng kéo tay, nói nhỏ:
– Tránh bọn thô lỗ, côn đồ, vô học chẳng xấu mặt nào! Phu quân! chúng ta đi đi.
Oanh Oanh nói nhỏ, nhưng không thoát khỏi tai những cao thủ như Tửu Cái, Từ Mộ Lâm. Hai vợ chồng Từ Mộ Lâm động dung, nhưng có lẽ họ cũng thấy cái lỗi đã làm khuấy động mọi người, còn Tửu Cái thì không, người bị mắng thô lỗ, vô học, côn đồ chính là ông ta. Ông ta nổi giận vỗ bàn quát như sấm:
– Tổ bà nó! Con nhỏ kia! Ngươi dám mắng thái lão gia của ngươi?
Tích Nhân cũng không muốn dây dưa, nhưng Tửu Cái mắng Oanh Oanh, một người đẹp như thiên tiên và mình đang ngây ngất si mê, xưng là ông cố nội của nàng, máu anh hùng nổi dậy:
– Lão dám lập lại lần nữa?
Tửu Cái có võ công cao, trưởng lão Cái bang là bang phái hành hiệp trượng nghĩa, nhưng là ăn mày từ nhỏ đến già, quen tính ngang tàng, lại có tính chán ghét, muốn hành hạ bọn công tử nhà giàu. Thấy Tích Nhân còn trẻ, ăn mặc sang trọng cho là thứ công tử bột, lại dám to tiếng, ông ta tức giận không nói mà đứng lên vung tay ra tát. Ông ta là cao thủ võ lâm, việc nghe hơi thở để đoán công lực người bên cạnh, chung quanh trở thành tập quán. Ông ta không muốn gia hại, chỉ muốn trừng trị một bạt tai đủ đau để Tích Nhân, một người mà ông cho là một thứ công tử học đòi, mang kiếm đưa gái đi chơi phải sợ hãi bỏ chạy. Không ngờ bàn tay ông ta vung lên gần tới mặt Tích Nhân liền bị Tích Nhân nắm chặt cổ tay, và thân thể to lớn của ông ta bị nhấc bỗng lên khỏi đầu ném vút ra khỏi lầu.
Tửu Cái bị đòn bất ngờ, nhưng đã là cao thủ luôn luôn có phản ứng nhanh chóng trong lúc bất ngờ, phải là người ra tay rất nhanh, công lực cao siêu khôn cùng mới làm cho Tửu Cái không phản ứng kịp, bị khống chế và thân hình to lớn bị ném tung như cái bị thịt ra ngoài như vậy. Vợ chồng Từ Mộ Lâm tái mặt đứng lên. Họ yên trí Tửu Cái bị ném từ trên cao năm sáu trượng xuống đất chắc tan xương nát thịt. Nhưng họ thở dài nhẹ nhõm, thấy Tửu Cái đang trên cao nhào lộn để hạ chân xuống đất. Khi Tích Nhân chụp tay, Tửu Cái nghe như song chùy đập lên ngực, thân thể không thể cử động, nhưng lúc bị ném bay ra ngoài, ông ta thấy chân khí lưu thông trở lại, liền lộn mấy vòng, rớt xuống sân lầu. Đứng lại được, ông ta lớn tiếng thóa mạ:
– Con bà nó! Thật là rồng mắc cạn.
Vừa chưởi, vừa kiểm soát kinh mạch thấy không bị thương tích gì, ông ta dùng khinh công phóng lên, thân hình to lớn của ông ta tung lên như cầu vồng, đạp chân lên mái ngói thứ nhất, phóng lên tầng hai, rồi tầng ba. Bên dưới nhiều người vỗ tay tán thưởng. Vợ chồng Từ Mộ Lâm theo dõi động tịnh của Tửu Cái, chưa có phản ứng nào với Tích Nhân. Khi ném Tửu Cái ra ngoài, Tích Nhân kéo Oanh Oanh ngồi xuống:
– Chúng ta hãy dùng hết bình rượu và thức nhấm rồi mới rời khỏi đây. Không phải sợ gì cả.
Tửu Cái đang phóng lên lầu, Tích Nhân không để mắt tới, vỗ bàn nhìn Oanh Oanh nghêu ngao:
“Túy biệt kỷ phục nhật,
Đăng lâm biến trì đài
Hà thời thạch môn lộ
Trùng hữu kim tôn khai?
Thu ba lạc tứ thủy
Hải sắc minh tồ lai.
Phi bồng các tự viễn
Thả tận thử trung bôi.”
(ta chia tay giữa cơn say
nhớ bao hôm trước trong tay dạo cùng
Chừng nào đến thạch môn này
Lại khui bầu rượu lại cùng bên nhau
Sóng thu đã hiện trên sông
Ánh quang của biển sáng trưng núi Tồ
Cỏ bồng mọi nẻo xa về
Cạn đi ly rượu đang cầm trong tay)