Đàn Ông Không Đọc

Cha mẹ tôi


Bạn đang đọc Đàn Ông Không Đọc: Cha mẹ tôi

Cứ mỗi lần cha tôi tìm kiếm người bạn gái mới, tôi lại phấp phỏng lo âu.
Lần đầu tiên, cha tôi mê… bà hàng xóm. Hai ông bà đã làm hàng xóm với nhau chừng nửa thế kỷ. Bỗng một ngày đẹp giời, cha tôi phát hiện bà già bảy chục tuổi gần nhà cũng… cô đơn y như mình. Vào ngày giỗ chồng của “ý trung nhân”, cha tôi mang chút quà sang, rồi lựa lời thủ thỉ. Khỏi phải nói, bà già bảy mươi nổi khùng, chỉ thiếu nước cầm chổi rượt ông già tám mươi chạy có cờ.
Bản thân người già cũng thấy, tình già thật kỳ quặc, khùng điên.
Cha tôi không nản chí, ông quay ra mê một nữ phát thanh viên truyền hình nổi tiếng, ông cứ lẳng lặng, con cháu không ai biết gì. Tôi có giải thích với cha rằng, bà này ngoài đời xấu lắm, sồ sề béo lùn tịt, con lớn của bà thì ghê gớm, cha không ăn thua gì đâu. Ấy thế mà thỉnh thoảng bà xuất hiện trên ti vi, lại thấy cha tôi ngồi ngắm cái… màn hình, thế có thương không!

Cha tôi thích một nữ tù nhân chính trị ngày xưa giam cùng nhà lao của thực dân Pháp với ông. Bà rất đẹp lão, tính tình điềm đạm, quần áo tươm tất, lại ở vậy một mình. Thế nhưng một thời gian sau không thấy bà tới nhà tôi ngồi chơi, ăn đám giỗ nữa. Tôi dò hỏi thì được biết, bà đã chuyển vào Nam sinh sống. Bà giải thích rằng, những vết thương thời chiến tranh và đòn tra tấn trong nhà tù làm bà nhức xương khớp lắm, ở miền Bắc trời lạnh mùa đông làm bà đau thấu xương. Tôi không rõ có phải bà chạy trốn người đồng chí cũ chăng, hay tìm một cớ khéo léo để từ chối.
Thực sự, nhiều người cũng nghĩ rằng già rồi mà còn tính ý này kia thì thật là tồi tệ, con cháu cười cho. Ngay cả người không có con cháu, như bà đồng chí của cha tôi, cũng vẫn sợ điều gì đó, lạ ghê!
Tôi lấy chồng, cha tôi rất ít khi đến thăm tôi. Dù ông vẫn chạy xe máy cà tàng cả trăm cây số một ngày, lang thang ngao du sơn thuỷ, ông cũng ít khi quá bộ có một con phố chừng hơn một cây số để tới thăm con cháu. Hỏi ra thì mới biết, cha tôi bảo, mỗi lần ông đến, thấy ông bà thông gia vui vẻ, trò chuyện với nhau, chăm sóc nhau, cha tôi thấy tủi cho cái thân già vò võ của ông lắm. Cho nên ông rất ít khi tới.
Chà, thì ra bao nhiêu con cháu cũng không thế được cái chỗ trống của người bạn đời ở bên cạnh cha tôi.
Bố mẹ chồng tôi đâu biết tâm tư ấy của cha tôi. Bố mẹ chồng tôi vẫn chắc lưỡi bảo, ông già rồi mà còn chẳng chịu nghỉ ở nhà cho con cháu chăm sóc, làm sao mà cứ nay đi tỉnh này, mai chơi tỉnh kia thế. Bây giờ lương hưu cao, nhà ở đầy đủ, con cháu dâu rể đầy ra, cháu nội cháu ngoại có hết rồi, ông chỉ hô một tiếng là có con cháu phục vụ, thế mà sao cứ tự cái thân làm tội cái đời làm chi!
Bố mẹ chồng tôi rất hạnh phúc, đều đặn một hai ngày ông lại chở bà đi chơi, sáng ông dậy sớm quét sân giúp con cháu, bà ra công viên đi bộ cùng các bà trong Tổ phụ nữ, tập thể dục với nhau, trên đường về tạt qua chợ mua tí thức ăn trong ngày. Đối với bố mẹ chồng tôi thì tình già là một thứ trong khuôn phép gia đình, chỉ dành cho vợ chồng già với nhau thôi. Trần đời chưa từng ai nghĩ già rồi còn yêu đương. Cho nên một hôm, các bà ở Tổ phụ nữ tíu tít rủ nhau đi rình một đôi uyên ương đầu bạc trong công viên. Các bà rủ mẹ chồng tôi đi xem sự lạ.

Mẹ chồng tôi với mấy bà nấp sau gốc cây, tiến tới sát gần đôi uyên ương đang mải mê trò chuyện trên ghế đá công viên buổi bình minh. Tới gần, mẹ tôi ngẩn người nhận ra… hoá ra đó chính là ông thông gia nhà mình, tức là cha tôi, đang âu yếm nắm tay một bà già, cùng ngồi nhìn mặt trời lên, nghe chim hót líu lo, thủ thỉ tâm sự trong không khí mát lành của buổi sáng mùa hè.
Sợ mọi người phát hiện ra, mẹ tôi xấu hổ quá vội lẻn về ngay, bỏ mặc các bà trong Tổ phụ nữ vẫn say sưa mắt tròn mắt dẹt ngắm hai ông bà già tội nghiệp như người ta ngắm khỉ qua song sắt vườn thú Thủ Lệ vậy.
Mối tình đấy của cha tôi chắc là kéo dài chẳng bao lâu, vì ít lâu sau, không còn thấy các bà ở Tổ phụ nữ trong ngõ rủ nhau buổi sáng đi tập thể dục nhân tiện đi rình xem nữa. Chỉ có một bữa, bà béo hàng xóm hớt hải và tinh quái chạy sang nhà tôi hỏi, này bà ơi, sao tôi vừa đứng phơi quần áo ở gác hai, nhác thấy có cái xe máy Pơ-giô cà tàng chạy từ cổng nhà bà ra, trông dáng giông giống cái ông ở công viên dạo nào, có phải khách nhà bà không hở bà?
Cuối cùng, cha tôi cũng tìm được một người bạn gái chung thuỷ và đảm đang, trẻ hơn tuổi ông cỡ khoảng nửa thế kỷ. Thế là từ đó, những chuyến chu du của cha tôi có thêm bạn đồng hành, ông vi vu đi chơi bạn bè khắp nơi có khi hàng hai ba tháng trời không về nhà. Cha tôi rất hạnh phúc, mãn nguyện và vui ra mặt, dù cuộc sống của ông cũng chỉ là thêm một người xới cơm cho, đun nước pha cho ấm chè, cùng ăn xôi sáng, cùng xem ti vi, có người ngồi băm thịt nấu nhừ cho ông ăn, trên một cái bếp củi ở nhà quê hay chân núi nào đó, khi ông dừng chân, mà ông bảo là ngon hơn thịt xay ngoài chợ về nấu trên bếp gas do con cháu làm.

Tôi cũng mong ước khi về già, vẫn còn người yêu hoặc yêu được người nào trẻ hơn nửa thế kỷ. Mà không hề bị ngăn cản bởi những trở ngại như thừa kế tài sản, con cháu sợ mang tiếng, xã hội lên án…
Cha tôi vẫn bảo, cả cuộc đời đã tranh đấu cho độc lập tự do, cớ gì khi về già, ngay cả suy nghĩ và tình cảm độc lập của mình, tự do của cá nhân mình cũng không được quyền tự quyết định? Thế giới của người già, thì các anh các chị làm sao hiểu nổi?
2009


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.