Bạn đang đọc Đàn hương hình: Phần 02 – Chương 06 – 01
Chương 6. GIỮ LỜI
Đêm mồng Tám tháng Chạp năm thứ 22 đời Quang Tự, tuyết lớn.
Sáng ra, kinh thành khoác lên chiếc áo bạc, trắng tinh. Đao phủ số một ở Ngục Aùp Tư Bộ Hình Triệu Giáp bước xuống giường trong tiếng chuông chùa róng rả. Lão thay quần áo, mặc thường phục, đem theo một đồ đệ mới tuyển, nách kẹp một cái bát to, đến chùa lĩnh cháo. Ra khỏi phố Bộ Hình thanh vắng, lão và đồ đệ nhập vào dòng người toàn những hành khất và dân nghèo, hối hả tất bật. Sáng sớm là thời điểm tốt của những kẻ ăn xin và dân nghèo. Niềm vui trùm lên những khuôn mặt tím tái. Tuyết kêu lạo xạo dưới chân. Những cây hòe bên đường như nở đầy hoa trắng, từng chùm từng cụm tuyết trĩu cành. Mặt trời đỏ rực ló ra từ những tảng mây chì, trời hồng tuyết trắng, khung cảnh tuyệt đẹp. Thầy trò lão nhập vào dòng người, qua phố Tây Đơn, rẽ lên hướng bắc, nơi tập trung phần lớn chùa chiền của Bắc Kinh. Các quầy cháo bố thí, khói đùn lên cuồn cuộn. Gần đến lầu Tây Tứ, nơi có lịch sử đẫm máu, thầy trò lão trông thấy từ đám cây cối ngổn ngang sau tổng kho Tây Tứ, từng đàn quạ và hạc xám bay lên…
Lão cùng chú học trò tháo vát đứng vào hàng ngũ những người lĩnh cháo trước cửa chùa Quảng Tế. Ở bãi trống trước cửa chùa, người ta bắc tạm một chiếc ghênh to tướng, lửa cháy đùng đùng, nóng rực. Lão thấy bọn ăn mày áo quần rách rưới đang trong tình trạng khó xử: đến sươi bên bếp thì sợ mất chỗ ở hàng cháo. Ghênh cháo bốc hơi ngùn ngụt, luồng khí bốc ấy trượng có hình nấm, trông giống chòm sao Hoa Cái trong huyền thoại. Hai nhà sư mặt mũi nhem nhuốc đứng hai bên ghênh, khuấy cháo bằng xẻng sắt to tướng. Tiếng xẻng quẹt vào đáy ghênh cồn cột, ghê răng. Mọi người đứng trong tuyết, dậm liên tục hai bàn chân tê cóng. Tuyết dưới chân họ mau chóng trở thành băng cứng nhắc. Rồi thì mùi cháo tỏa ra, trong bầu không khí tinh khiết của ban mai, cái mùi lương thực thuần khiết ấy hấp dẫn lạ thường, khiến những con người khốn khổ rất phấn kích, người nào người ấy mắt sáng rực. Mấy chú nhóc trong đám hành khất, so vai rụt cổ, bộ dạng như khỉ, thi thoảng lại chạy ù lên, ghé mũi vào ghênh cháo hít mạnh vài hơi, rồi lại vội vã chạy về chỗ xếp hàng. Mọi người dậm chân mạnh hơn, nhanh hơn, người lắc lư theo mỗi lần dậm.
Triệu Giáp đi đôi tất bằng da chó, bên ngoài là giày nhung, không cảm thấy lạnnh chân. Lão không dậm chân, tất nhiên người không lắc lư. Bụng lão không đói. Lão xếp hàng xin cháo bố thí không phải vì đói, mà vì tuân lệnh theo lời dặn của những đao phủ tiền nhiệm. Sư phụ lão giải thích rằng, cứ đến ngày mười hai tháng Chạp đến chùa ăn cháo thí, là để cáo bạch với Phật tổ, rằng hành nghề đao phủ cũng giống như hành nghề ăn xin, chẳng qua là kiếm miếng ăn, không phải thích giết người. Do vậy, hành động ăn cháo thí, thực tế là hòa đồng thân phận đao phủ với dân nghèo là một. Dù ở Ngục Aùp Tư, đao phủ ngày nào cũng cơm thịt, nhưng cháo thí thì năm nào cũng phải ăn.
Triệu Giáp tự nhận lão là người đứng yên nhất trong hàng ngũ, nhưng lão nhanh chóng phát hiện phía trước lão, chỉ cách có mấy người, một người đứng như bụt mọc, không nhúc nhích. Người này mặc áo dài bông màu đen, đầu đội mũ nỉ, kẹp nách một gói màu xanh. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho loại quan nhỏ, ít bổng lộc ở Bắc Kinh. Cái gói nhỏ màu xanh, bên trong có bộ quan phục, khi nào về nha môn mới thay. Nhưng làm quan ở Kinh bất kể liêm hay tham, hàng năm vẫn kiếm chác được từ các quan ngoại tỉnh về Kinh có việc, chí ít cũng nhận được “phí trao đổi”, nếu cực kỳ liêm khiết, ngay “phí trao đổi” cũng không lấy, thì bổng lộc bình thường cũng đủ chi dùng, không đến nỗi phải xếp hàng ăn cháo thí cùng đám ăn mày và dân nghèo. Vậy ông quan này là người như thế nào, lão rất muốn xem mặt, nhưng lại sợ kinh thành vốn là nơi ngọa hổ tàng long, ai dám bảo cái quán quèn không có cao nhân kỳ sĩ? Gánh vằn thắn bán rong, rất có thể là nơi trú chân của anh hùng hào kiệt. Chân nhân không lộ mặt, lộ mặt không phải là chân nhân. Vua Đồng Trị bản triều, tam cung lục viện không xài, lại mò đến quán họ Hàn chôi gà đồng! Sơn hào hải vị của phòng ngự thiện thì không ăn, lại ra Thiên Kiều húp sữa đậu nành! Người xếp hàng trước mặt, làm sao biết được vì sao ông ta xếp hàng xin cháo? Nghĩ vậy, lão từ bỏ ý định lên xme mặt người nọ. Mùi cháo ngày càng đậm, mọi người vô tình cứ lấn dần lên, khoảng cách giữa mọi người càng hẹp, giữa lão và người kia lại càng ngắn, chỉ cần ông ta nghiêng đầu, lão có thể nhìn thấy nửa mặt. Nhưng lưng ông ta thẳng đuỗn, mắt không nhìn ngang nhìn ngửa. Lão chỉ nhìn thấy chiếc đuôi sam ngỗ ngược của ông ta thả xuống sau lưng và chiếc cổ áo bóng lên do đuôi sam cọ vào. Ông ta có đôi tai vừa to vừa dày, vành và dái tai nứt nẻ vì lạnh, có chỗ còn mưng mủ, chảy nước vàng. Cuối cùng, giớ phút sung sướng đã tới. Bắt đầu thí cháo. Hàng ngũ nhích dần lên phía trên. Lúc này hai bên của dòng người, thỉnh thoảng lại có những cỗ kiệu che rèm, do ngựa kéo cũng có, do la kéo cũng có, vụt qua. có cả những bộ hành tay khoác làn, đi đưa cháo cho người thân hoặc bằng hữu. Càng gần, mùi cháo càng thơm. Triệu Giáp nghe thấy bụng lão sôi ùng ục. Người đã được cháo thí đứng húp ngay bên vệ đường, người thì vào chân tường, hai tay bê bát – bàn tay đen nhẻm, húp xoàn xoạt. Hai nhà sư đứng hai bên ghênh, cầm muỗng sắt cán dài, múc không biết mệt đổ vào các bát đưa tới. Cháo rớt từ miệng bát, từ muỗng xuống đất, mấy con chó đói mặc cho người ta đá rất đau, cố xông vào liếm láp những hạt cháo rơi vãi. Rồi cũng đến lượt người nọ. Triệu Giáp trông thấy ông ta lôi từ trong bọc ra chiếc bát bé tí, đưa đến trước mặt nhà sư. Nhà sư ngạc nhiên, vì rằng những người đến xin cháo thí đều dùng bát rất to, có bát to bằng cái chậu, vậy mà bát của người này chỉ một bàn tay là úp kín miệng. Nhà sư cầm muỗng đầy cháo, thận trọng khẽ trút vào bát của ông ta, cái muổng to gấp ba bốn lần cái bát, chỉ trút một phần, bát đã đầy có ngọn. Người nọ kẹp chặt cái gói, hai tay bê bát cháo, gật đầu chào rất lễ độ với nhà sư, rồi ra ven đường ngồi xổm, lặng lẽ húp. Chính trong lúc ông ta bê bát cháo quay đi, Triệu Giáp nhận ra con người mũi iệng rộng, mặt xanh như tàu lá rau này là quan chủ Sự của một Tư trong Bộ Hình, Triệu Giáp chỉ biết mặt chứ không biết tên. Lão nghĩ mà buồn thay cho ông ta. làm đến chức Chủ Sự trong Lục bộ, tất nhiên phải là tiến sĩ xuất thân, vậy mà phải bê bát đến xin cháo thí cùng với đám ăn mày, thì thật là thiên hạ có một. Triệu Giáp mấy chục năm ở nha môn, rất biết những cách kiếm tiền và con đường thăng quan của các quan ở Kinh. Người ngồi xổm trên tuyết lở vệ đường kia, nếu không là một anh đần thối, thì là một ông thánh.
Triệu Giáp và đồ đệ lĩnh được cháo, cũng đem sang bên đường, ngồi húp. Miệng húp, nhưng mắt thì theo dõi người kia. Ông ta bê cái bát sứ rất tinh xảo một cách cực kỳ thận trọng, rõ ràng là có ý truyền sức nóng của bát cháo cho hai bàn tay. Đám ăn mày và những người nghèo thì húp xoàn xoạt, còn ông ta thì khẽ khàng, không một tiếng động. Húp xong, ông ta dùng ống tay áo che bát và mặt, không hiểu để làm gì. Triệu Giáp đã đoán ra, khi ông ta bỏ tay áo xuống, lão trông thấy cái bát sạch như lau như chùi. Ông ta cất bát vào trong bọc, rồi vội vã đi về hướng đông nam.
Triệu Giáp và đồ đệ đi theo ông ta. Đi theo cũng là đi về hướng đông nam, Bộ Hình ở hướng ấy. Ông ta có cặp chân dài, sải bước rộng, mỗi bước chân đầu lại gật một cái y như con ngựa bất kham. Triệu Giáp và đồ đệ phải chạy gằn mới kịp. Sau này, khi nhớ lại, Triệu Giáp cũng không cắt nghĩa được lão đi theo để làm gì. Ông ta đi đến xóm đồ gốm kề bên đường thì trượt chân ngã bổ chửng, cái gói vải xanh văng đi khá xa. Triệu Giáp giật mình, định chạy đến đỡ ông ta dậy, nhưng sợ mua việc vào thân, nên chỉ đứng xa mà ngó. Ông ta nằm thẳng cẳng một lúc rồi đứng dậy một cách khó nhọc, đi được mấy bước lại gục xuống. Triệu Giáp hiểu rằng ông ta bị thương. Lão đưa cái bát cho đồ đệ, mình lão chạy lên đỡ ông ta dậy. Lão nhìn khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, ân cần hỏi:
-Đại nhân bị thương phải không?
Ông ta không nói gì, vịn vai Triệu Giáp đi được mấy bước, mặt rúm lại vì đau.
-Bẩm đại nhân, xem ra ngài bị thương không nhẹ đâu.
-Ông là ai? – Ông ta hỏi, giọng ngờ vực.
-Bẩm đại nhân, tiểu nhân là nha dịch trong đại đường Bộ Hình.
-Người của Bộ Hình? – Ông hỏi lại – Người của Bộ Hình mà sao ta không biết ông?
-Đại nhân không biết tiểu nhân, nhưng tiểu nhân biết đại nhân – Triệu Giáp nói – Đ ại nhân cần gì ở tiểu nhân, xin cứ nói.
Ông ta đi thử vài bước, người nhũn ra, ông kiếm giúp ta cỗ xe đưa ta về nhà.
Triệu Giáp hộ tống một chiếc chở than do lừa kéo, đưa viên quan về ngôi miếu cũ nát, phía ngoài Tây Trực Môn. Trong sân, một thanh niên rất cao nhưng hình như hơi yếu đang luyện võ. Trời lạnh kinh người, vậy mà chàng thanh niên mặc phong phanh chiếc áo lót, mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt trắng nhợt. Triệu Giáp dìu đại nhân vào sân, chàng thanh niên chạy tới, gọi đại nhân là phụ thân, gọi rồi nước mắt chan hòa. Trong miếu không đốt lửa, gió giật giấy dán cửa sổ xoàn xoạt, chỗ tường nứt được nhét đầy bông gòn. Đầu giường, một phụ nữ đang co ro ngồi xe sợi, khuôn mặt vàng võ, tóc điểm sương, xem ra có vẻ là bà. Cùng với người thanh niên dìu đại nhân lên giường xong, Triệu Giáp cúi chào, chuẩn bị ra về.
-Ta họ Lưu, tên Quangười Đệ, tiến sĩ khoa Qúi Mùi đời Quang Tự, làm Chủ Sự ở Bộ Hình đã nhiều năm. Đây là phu nhân và con trai ta, gia cảnh bần hàn, mong “Già” đừng cười! – Đại nhân nói năng hòa nhã.
-Bẩm, đại nhân đã nhận ra tiểu nhân – Triệu Giáp đỏ mặt nói.
-Thực ra, công việc của các ông cũng như công việc của bọn ta, đều là làm việc cho nhà nước, phục vụ Hoàng thượng, nhưng các ông quan trọng hơn bọn ta – Lưu Quang Đệ thở dài – Bộ Hình thiếu đi vài Chủ Sự, Bộ Hình vẫn là Bộ Hình; nhưng Bộ Hình mà thiếu Già Triệu thì Bộ Hình không còn là Bộ Hình nữa. Vì rằng, phép nước có hàng nghìn điều khoản, thì vẫn phải nhờ thanh đao của ông mà được thực thi.
Triệu Giáp quì xuống, nước mắt lưng tròng:
-Bẩm Lưu đại nhân, thực tình tiểu nhân cảm động về những lời của đại nhân. Làm nghề này, trong con mắt của người khác, chúng tiểu nhân không bằng đồ chó lợn, nhưng đại nhân thì đáng giá cao như thế.
-Đứng dậy đi, Già Triệu – Lưu Quang Đệ nói – Hôm nay ta không mời ông ở lại uống rượu, để hôm khác vậy – Nói rồi, ông bảo chàng thanh niên – Phác con, tiễn Già Triệu ra về!
Triệu Giáp hốt hoảng:
-Đâu dám phiền công tử…
Chàng thanh niên mỉm cười, vòng tay làm một động tác rất điệu, vẻ lịch sự hòa nhã của cậu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức của Triệu Giáp.
Ngày mồng một tháng Giêng năm Quang Tự thứ hai mươi ba. Lưu Quang Đệ cầm một gói bạc bằng giấy dầu, bước vào phòng xép phía đông, nơi ở của cánh đao phủ. Cánh đao phủ đang múa quyền uống rượu, ăn Tết trên giường. Thấy đại nhân bước vào, mọi người kinh hoàng thất thố. Triệu Giáp tuồn xuống giường, chân đất quì lạy: “Năm mới, xin chúc mừng đại nhân!”
Bọn đao phủ đều tụt vội khỏi giường, quì theo Triệu Giáp, đồng thanh chúc: “Năm mới, xin chúc mừng đại nhân!”
Lưu Quang Đệ nói:
-Đứng dậy, đứng cả dậy! dưới đầ lạnh lắm, lên cả trên giường.
Cánh đao phủ nghiêm, hai tay buông xuôi, không dám trèo lên giường.
-Hôm nay ta trực nhật, đến với các ông cho vui – Lưu Quang Đệ mở cái gói: một ít thịt muối đã nấu chín; ông lại lôi từ trong bọc ra một bình rượu hâm nóng, nói – Thịt là do người nhà làm, rượu thì bạn bè cho, các ông nếm thử.
-Chúng tiểu nhân đâu dám ngồi cùng đại nhân – Triệu Giáp nói.
-Hôm nay là ngày Tết, không kể lễ tiết! – Lưu Quang Đệ nói.
-Bẩm đại nhân, chúng tiểu nhân quả thực không dám… – Triệu Giáp nói.
-Lão Triệu, lão làm sao thế? – Lưu Quang Đệ bỏ mũ ra, cởi quan phục, nói – Chúng ta là những người cùng ở trong cung, khách khí làm gì!
Cánh đao phủ nhìn Triệu Giáp. Triệu Giáp nói:
-Đại nhân đã có lòng như vậy, chúng tiểu nhân cung kính không bằng vâng lời! Kính mời đại nhân lên trước.
Lưu Quang Đệ tụt giầy trèo lên giường, hai chân xếp bằng tròn, nói:
-Giường các ông hun nóng ra nóng!
Cánh đao phủ đứng ngây ra mà cười. Lưu Quang Đệ nói:
-Chả lẽ ta phải bế từng người lên chắc!
-Lên giường, lên giường! Đừng để đại nhân giận!
Cánh đao phủ trèo lên giường, người nào người nấy co co rúm rúm. Triệu Giáp rót một chén rượu đầy, hai tay nâng quá đầu, nói:
-Bẩm Lưu đại nhân, chúng tiểu nhân xin mời Lưu đại nhân một chén, chúc đại nhân thăng quan phát tài!
Lưu Quang Đệ đón lấy chén rượu, uống cạn một hơi, chùi mép, nói:
-Rượu ngon, các ông cũng uống đi chứ!
Triệu Giáp cũng uống một chén, lão cảm thấy trong lòng xốn xang.
Lưu Quang Đệ nâng chén, nói:
-Lão Triệu, may mà lần trước ông đưa ta về nhà, ta xin nợ ông món nợ nhân tình ấy. Nào, rót đầy tất cả vào, ta xin chúc các ông một chén.