Bạn đang đọc Đàn hương hình: Phần 01 – Chương 04 – 02
Tên súc sinh quả là một quái thai, hắn đánh hơi thấy ác ý của Viên đại nhân sau câu đùa, nhận rõ bản mặt của đại nhân sau tiếng cười. Hắn tụt vội xuống đất, phủ phục nói:
-Tiểu nhân không dám! Tiểu nhân đã cáo lão về quê, thực tình không dám cướp bát cơm của các đồng nghiệp ở huyện!
-Thì ra ông ngại chuyện ấy – Viên đại nhân nói – Đa tài đa lụy mà!
Súc sinh nói:
-Đại nhân đã đánh giá cao tiểu nhân, tiểu nhân đành khoe vụng vậy.
Viên đại nhân nói:
-Ông nói đi, các loại hình phạt của từng triều đại, của phủ quan, của dân gian đã từng sử dụng, nói chầm chậm để dịch cho ông Tây nghe!
Tên súc sinh nói:
-Tiểu nhân nghe sư phụ của tiểu nhân nói, trong các loại hình phạt mà bản triều đã sử dụng, không loại nào kinh khủng bằng lăng trì!
Viên đại nhân nói:
-Loại này sở trường của ông, xử tên Tiền Hùng Phi tại Thiên Tân, ông dùng hình phạt lăng trì; lăng trì ghê gớm rồi, nhưng chết vẫn nhanh!
Nói tới đây, Viên đại nhân nhìn ta gật gật đầu. Phu nhân, Viên đại nhân tai mắt khắp nơi, chắc chắn biết Tiền Hùng Phi là em ruột ta. Quả nhiên, ngài cười rất hóm nhìn ta – bộ mặt thì tươi cười, nhưng ánh mắt thì sắc như răng rắn rết – làm như chợt nhớ ra, hỏi:
-Ông Huyện Cao Mật, nghe nói mưu sát bản quan Tiền Hùng Phi là anh em họ của ông?
Phu nhân, ta nghe như sét đánh ngang tai, ướt đầm mồ hôi lạnh, lóng ngóng quì xuống, cái đầu của chồng phu nhân hôm nay thật tội nghiệp! Ta nổi cáu nghĩ, dân gian có câu: “Sống chết cũng ngỏng c. lên trời”, cứ sự thật mà nói để khỏi thấp thỏm. Ta nói: “Khải bẩm đại nhân, Tiền Hùng Phi và ti chức là anh em cùng mẹ khác cha, em thứ ba, vì ông chú họ không có con trai, xin nuôi hắn để có người nối dõi”. Viên Thế Khải gật đầu: “Quả nhiên con rồng cháu giống, mỗi người một vẻ. Thư ông gửi hắn, ta đều xem, đúng là tiến sĩ kép, con cháu danh thần, thư nhà mà nghị luận đâu ra đấy, câu chữ chặt chẽ! Thư hắn gửi cho ông – ông chưa được xem – là một thư cắt đứt quan hệ, trong thư hắn chưởi ông tệ hại. Tri huyện Cao Mật, ông là con người thực thà, thông minh, bản quan xưa nay vẫn cho rằng, thực thà là thông minh. Tri huyện Cao Mật, cái mũ trên đầu ông tuy không có cánh, nhưng suýt nữa thì bay! Đứng dậy đi!”. Phu nhân ơi, ngày hôm nay là một ngày lạ lùng, bao nhiêu là nguy hiểm, phu nhân không có lý do gì ngăn ta uống thật say!
Phu nhân, chúng ta chỉ biết chú Ba bị tội lăng trì tại Thiên Tân, nhưng không nghĩ rằng người thi hành án lại là tên súc sinh Triệu Giáp, quả nhiên, “Không phải oan gia không gặp nhau”, chà, Viên Thế Khải quả là thâm, miệng nam mô bụng dao găm, ta rơi vào tay lão, e rằng lành ít dữ nhiều! Uống đi, phu nhân, phúc hay họa đây, họa tránh cũng không thoát, đời người một trăm năm; đời cây cỏ một mùa thu, ta xem như đã xong rồi!
Aùnh mắt tên súc sinh rất gian, cứ lia ngang trên cổ ta. hắn bắt đầu nghiên cứu các đốt xương cổ, cân nhắc nên hạ lưỡi đao vào chỗ nào!
Viên đại nhân không hỏi gì ta nữa, quay sang hỏi Triệu Giáp:
-Ngoài lăng trì, còn có hình phạt nào hay hơn?
Tên súc sinh nói:
-Bẩm đại nhân, ngoại trừ lăng trì, còn có chém ngang lưng là thảm khốc nhất!
-Ông thi hành án này lần nào chưa? – Viên đại nhân hỏi.
Tên súc sinh nói:
-Coi như đã một lần.
Viên đại nhân nói:
-Ông nói chầm chậm để ông Caclôt nghe.
Tên súc sinh nói:
-Bẩm đại nhân, năm Hàm Phong thứ bảy, tiểu nhân mười bảy tuổi, làm “Cháu Ngoại” ở Ban Đao phủ thuộc Ngục Aùp Tư của Bộ Hình, là học trò, là trợ tá cho sư phụ khi ấy là Già Dư. Khi Già hành nghề, tiểu nhân hầu cận ở bên, cố công nắm bắt từng chiêu thức của thầy. Kẻ bị tội chém ngang lưng hôm ấy là tên coi kho ở kho bạc Hoàng gia. Tay này cao to, miệng rộng có thể đút lọt nắm đấm. Bẩm đại nhân, những tên coi kho đều là chuyên gia về trộm cắp. Khi vào kho, không một mảnh vải trên người, khi trở ra, tất nhiên vẫn không mảnh vải trên người. Mặc dù vậy, vẫn không ngăn được bọn chúng ăn trộm bạc. Bẩm đại nhân, ngài thử đoán chúng giấu ở đâu? Chúng giấu trong “hang”! Phiên dịch mặt vàng hỏi: “Hang ở đâu?” Viên đại nhân trừng mắt nhìn người phiên dịch, giải thích: Hậu môn, ông dịch ngắn gọn thôi. Vâng, tiểu nhân xin dịch ngắn gọn. Triều Thanh, ngân khố năm nào cũng bị hụt, chết oan không biết bao nhiêu quan giữ kho, nhưng không ai nghĩ rằng đó là bọn coi kho giở trò ma mãnh! Ngành có qui tắc của ngành, nhà có cung cách của nhà. Coi kho tuy đồng lương rẻ mạt, nhưng tên nào cũng nhà cao cửa rộng, thê thiếp hàng đàn. Chúng giàu lên nhờ vào “hang”. Phải nói rằng, “hang” là nơi da mỏng, dễ tổn thương, bình thường hạt cát không lọt, vậy mà những tên coi kho nhét vào đấy cả đĩnh bạc năm mươi cân! Thì ra, hàng ngày những tên này dùng cái chùy bằng gỗ đàn hương nống hậu môn. Chùy có hình dáng như cái c. của con lừa, tẩm nhựa thơm lâu năm có màu cánh gián, trơn bóng, chia ba cỡ: nhỏ, vừa, to. Lúc đầu nhỏ, sau vừa, cuối cùng to, ngày nào cũng nống, đêm nào cũng nống, nống to không thể tưởng tượng, chuẩn bị đánh cắp bạc trong kho. Hôm ấy, tên coi kho nhét vào hậu môn ba đĩnh bạc. Lúc rời kho, hắn thở hổn hển, mông cành ra như kẹp cả một bọng phân. Viên quan coi kho sinh nghi, nhằm mông đít hắn, đạp một cái. Cú đạp không mạnh, nhưng tên giữ kho khuỵu ngay xuống, một đĩnh bạc chui ra khỏi hậu môn! Viên quan trố mắt, đạp tiếp mấy đạp, hai đĩnh nữa chui ra. Viên quan chửi: “Đồ khốn, cái đít nhà ngươi kẹp cứng ba năm bổng lộc của ông!” Từ đó, người ta mới biết cung cách làm ăn của bọn coi kho. Giờ đây khi rời kho, các lính đều bị khám hậu môn bằng thám trâm. Sự vụ tâu lên, vua Hàm Phong cả giận, giáng chỉ tử hình toàn bộ lính coi kho, sung công toàn bộ tài sản. Vụ này áp dụng một loại hình phạt do Già Dư thiết kế: Nung đỏ thanh sắt xiên vào hậu môn, phạm nhân chết bỏng. Riêng tên coi kho mồm rộng thì bị tội chém ngang lưng, án xử công khai, coi như phân trần với xã hội.
Hôm thi hành án, pháp trường Thái Thị Khẩu người đông như kiến, dân chúng xem chém đầu đã nhàm, nay chém ngang lưng cảm thấy mới mẻ. Hôm ấy, giám hình quan là Thị Lang Bộ Hình Hứa đại nhân, còn có Đại Lý Tự Chính Khanh Tang đại nhân, rất mực long trọng. Để thi hành bản án, Ban Đao phủ chỉ ngủ có nửa đêm, Già Dư đích thân mài lưỡi búa Tuyên Hóa to tướng, dì Uùt mới bị ốm chết, dì Cả dì Hai chuẩn bị thừng chạc, đôn ghế… Tiểu nhân vẫn tưởng chém ngang lưng thì dùng đao, nhưng Già Dư bảo, từ thời sư tổ đã dùng búa. Nhưng sắp đến giờ khởi hành, để đề phòng bất trắc, Già bảo tiểu nhân đem theo thanh đại đao.
Giải tên coi kho lên bục thi hành án. Tên này uống hơi nhiều rượu đoạn hồn, say xỉn, mắt đỏ như mắt cá chày, miệng sùi bọt, y hệt một con trâu điên. Vai hắn hích nổi ngàn cân, khi hắn cựa, dì Cả và dì Hai không sao giữ nổi. Hắn quậy, người xem ồ lên thích thú; người xem càng khen, hắn càng quậy dữ! Chật vật mãi, mới trói được hắn vào cái đôn bằng gỗ. Dì Cả đè đầu, dì Hai đè chân. Hắn không hiền chút nào, hai tay vung loạn xạ, hai chân đạp như ngựa đá hậu, xương sống uốn như rắn, lưng gồng lên như sâu đo. Quan giám hình suốt ruột, không đợi bọn tiểu nhân trói buộc xong xuôi, ra lệng thi hành án. Già Dư vung lưỡi búa Tuyên Hóa cao quá đỉnh đầu, rồi chém mạnh xuống. Soạt, một luồng sáng trắng, kéo theo một làn gió. Lúc Già Dư giơ búa lên, công chúng im như thóc; khi lưỡi búa hạ xuống, một trận hoan hô nổi lên. tiểu nhân nghe một tiếng “phụt”, làn sóng đỏ bắn tung tóe, mặt mũi dì Cả và dì Hai đầy máu. Nhát chém không gọn, chỉ đứt có một nửa, vì khi lưỡi búa hạ xuống, tên phạm vặn mình một cái, kết quả chỉ đứt một bên bụng. Tiếng gào thảm thiết của hắn át cả tiếng reo hò. Ruột hắn tuồn ra ngoài bụng, phủ kín cái đôn gỗ. Già Dư định chém bồi nhát nữa, nhưng lưỡi búa bập sâu trong đôn, rút được ra thì cán dính đầy máu, trơn tuột, không sử dụng được nữa. Công chúng lại reo hò vì nghịch cảnh vừa xảy ra. Tên phạm tay nào chân ấy quẫy đạp lung tung, tiếng gào quái đản của hắn kinh thiên động địa. Trong tình hình đó, cái khó ló cái khôn, không đợi Già Dư sai bảo, tiểu nhân bước lên, vung đao, nghiến răng, nhắm mắt, chặt một nhát, tên phạm đứt làm hai đoạn. Già Dư xoay người lại, bẩm giám hình quan:
-Aùn đã thi hành, mời đại nhân nghiệm thu!
Các đại nhân ngồi yên như phỗng, mặt tái nhợt. Dì Cả và dì Hai buông tay đầy máu, đứng lên. nửa người dưới của tên phạm vẫn đang co giật nhưng không mạnh. Còn nửa người trên thì kinh khủng! Bẩm đại nhân, nếu chưa trông thấy thì có nói cũng chẳng tin, có trông thấy thì chưa hẳn đã tin ở mắt mình, nghĩ rằng đang mê ngủ. Tên phạm gần như là hóa thân của chuồn chuồn, mất nửa người dưới mà còn định cất cánh bay. Hắn chống hai tay xuống đất dựng thẳng người lên, nhảy lóc cóc trên bục. Máu của hắn ướt đẫm chân chúng tiểu nhân, ruột của hắn quấn quanh chân chúng tiểu nhân. Mặt hắn như dát vàng, nhẵn bóng. Miệng hắn rộng như chiếc tam bản, gào to mà không nghe rõ gào câu gì, chỉ thấy bọt máu phun phì phì. Kỳ quặc nhất là cái đuôi sam, cứ cong dần lên như cái đuôi con rết, dựng đứng sau gáy một lát, rồi mệt mỏi thả xuống, thẳng đuỗn. Công chúng nín thở, người bạo phổi thì còn mở mắt nhìn, người yếu bóng vía thì hai tay bưng mặt, lại còn có người lợm giọng, nôn khan. Các quan giám hình lên ngựa bỏ chạy, bốn thầy trò tiểu nhân đứng như trời trồng trên bục, tròn mắt nhìn tên coi kho giở phép thần thông. Hắn vật vã khoảng hút tàn một tẩu thuốc, mới miễn cưỡng ngã sấp, ngã rồi miệng còn nhai nhóp nhép. Bịt tai lại, cứ tưởng đó là tiếng trẻ con bú sữa!
Tên súc sinh kể rất sinh động về hình phạt chém ngang lưng, rồi hắn câm bặt, hai mép dính nước bọt, mắt đảo lia lịa, quan sát sắc mặt Viên đại nhân và Caclôt. Trước mắt ta hiện lên hình ảnh đáng sợ nửa người lắc lư, bên tai còn nghe tiếng rú thất thanh của tên coi kho. Viên đại nhân thích thí lắng nghe, mắt lim dim, không nói gì. Caclôt nghiêng đầu nghe lời dịch, lúc nhìn Viên, lúc nhìn Triệu. Nhìn điệu bộ ấy, ta liên tưởng đến con chim ưng đậu trên mỏm đá nham thạch.
Cuối cùng, Viên đại nhân mở miệng:
-Tổng đốc các hạ, theo hạ quan thì nên dùng hình phạt chém ngang lưng.
Người phiên dịch khẽ dịch lời của Viên đại nhân, Caclôt nói câu gì đó bằng tiếng tây. Người phiên dịch nói:
-Ngài Tổng đốc muốn biết, sau khi chém, tội phạm còn sống được bao lâu?
Viên đại nhân hất cằm về phía tên súc sinh, ra hiệu cho hắn trả lời. Hắn nói:
-Sống thêm khoảng hút tàn tẩu thuốc, nhưng cũng không hẳn thế, có người chết ngay, y như một khúc gỗ sau khi chặt làm hai đoạn. Caclôt lại nói một hồi với người phiên dịch. Người phiên dịch nói lại:
-Ngài Tổng đốc nói, chém ngang lưng không tốt, phạm chết quá nhanh, không có tác dụng răn đe bọn cứng đầu. Ngài muốn có một hình phạt tân kỳ và tàn khốc, bắt phạm đau khổ cùng cực nhưng chưa chết ngay. Ngài nói, loại hình phạt nào mà sau khi gia hình, phạm còn sống được năm ngày, tốt nhất là sống đến ngày hai mươi tháng Tám, ngày làm lễ thông xe đoạn đường sắt Thanh Đảo – Cao Mật.
Viên đại nhân nói:
-Ông cố nghĩ xem, có loại nào được như vậy không?
Tên súc sinh lắc đầu:
-Treo phạm lên năm ngày, dù không hình phạt, phạm cũng chết!
Caclôt lại xì xồ với người phiên dịch. Người phiên dịch nói:
-Ngài Tổng đốc nói rằng, Trung Quốc cái gì cũng lạc hậu, nhưng hình phạt thì tiên tiến. Người Trung Quốc có biệt tài về việc này. Bắt người ta đau khổ đến tận cùng mới chết, đó là nghệ thuật của Trung Quốc, là sự tinh túy trong chính trị của Trung Quốc…
-Cút! – Ta nghe thấy Viên đại nhân nói nhỏ, nhưng ngay lập tức ngài cao giọng để át tiếng chửi lúc nãy. Ngài kiên nhẫn gợi ý:
-Ông chịu khó nghĩ đi.
Sau đó ngài nói Caclôt:
-Ngài Tổng đốc, nếu quý quốc có loại hình phạt như thế thì đừng ngại, cứ giới thiệu. Chuyện ấy dễ học hơn sản xuất xe lửa.
Người phiên dịch dịch lời Viên đại nhân cho Caclôt. Caclôt nhíu mày suy nghĩ rất lung. Tên súc sinh cúi đầu, chắc chắn hắn cũng đang tìm tòi.
Bỗng Caclôt tỏ ra phấn khởi, xì xồ với người phiên dịch. Người phiên dịch nói:
-Ngài Tổng đốc nói, Châu Aâu có loại hình phạt câu rút, đóng đinh người trên cọc, rất lâu mới chết.
Tên súc sinh mắt sáng lên, mặt mày tươi tỉnh:
-Bẩm đại nhân, kẻ hèn nghĩ ra rồi. Năm xưa tiểu nhân từng nghe sư phụ nói, sư phụ của sư phụ vào quãng năm Ung Chính đã dùng đàn hương hình để xử tội một người dám ỉa gần Hoàng thượng.
Viên đại nhân hỏi:
-Đàn hương hình là gì?
Tên súc sinh nói:
-Sư phụ của tiểu nhân nói cũng chưa rõ lắm, đại để là dùng một cái cọc bằng gỗ đàn hương đâm từ lỗ đít lên gáy, rồi trói người ấy vào gốc cây.
Viên đại nhân cười nhạt, nói:
-Đúng là những tư tưởng lớn thường hay gặp nhau! Người ấy sống được mấy hôm?
Tên súc sinh nói:
-Khoảng ba hôm, có lẽ bốn hôm.
Viên đại nhân bảo người phiên dịch dịch cho Caclôt nghe. Caclôt mặt mày tươi tỉnh, lắp bắp một câu tiếng Trung Quốc.
-Tốt, tốt, đàn hương hình tốt!
Viên đại nhân nói:
-Ngài Tổng đốc đã nói là tốt, vậy thì coi như đã quyết, áp dụng đàn hương hình cho Tôn Bính, nhưng phải để hắn sống năm ngày. Hôm nay là mười ba tháng Tám, mai chuẩn bị một ngày, ngày kia, ngày mười lăm bắt đầu thi hành án.
Tên súc sinh đột nhiên quỳ xuống, nói:
-Bẩm đại nhân, tiểu nhân tuổi đã cao, chân tay lóng ngóng, công việc quan trọng này phải có một trợ thủ.
Viên đại nhân nhìn ta bảo:
-Bảo tên đao phủ Khám Nam làm trợ thủ cho ông.
Tên súc sinh nói:
-Bẩm đại nhân, tiểu nhân không thích đồng nghiệp ở huyện nhúng tay vào.
Viên đại nhân cười:
-Ông sợ họ tranh công chứ gì?
Tên súc sinh nói:
-Xin đại nhân phê chuẩn cho con trai của tiểu nhân giúp tiểu nhân một tay.
Viên đại nhân hỏi:
-Con trai ông làm nghề gì?
Tên súc sinh nói:
-Giết lợn giết chó.
Viên đại nhân cười, nói:
-Cũng coi như có nghề! Được, đánh trận cần đông người, xung trận toàn cha con. Bản phủ đồng ý.
Tên súc sinh vẫn quỳ, chưa đứng dậy.
Viên đại nhân hỏi:
-Ông còn điều gì nữa không?
Tên súc sinh nói:
-Bẩm đại nhân, tiểu nhân đã nghĩ, muốn thực thi đàn hương hình phải dựng một đài cao hai trượng bằng gỗ, trên đài dựng một cây cột, trên cột đính một thanh ngang. Một bên đài phải lát một con đường bằng ván, để cho những người thi hành án lên xuống.
Viên đại nhân nói:
-Ông về vẽ ra giấy, để tri huyện Cao Mật chiểu theo đó mà làm.
Tên súc sinh nói:
-Cần hai thanh gỗ đàn hương loại tốt nhất, vót thành hai cái cọc nhọn hình thanh kiếm. Công việc này tiểu nhân tự làm.
Viên đại nhân nói:
-Để tri huyện Cao Mật giúp ông một tay.
Tên súc sinh nói:
-Cần hai trăm cân dầu thơm đã tinh luyện.
Viên đại nhân cười, nói:
-Ông định rán Tôn Bính để nhắm rượu hay sao đấy?
Tên súc sinh nói:
-Bẩm đại nhân, kiếm đàn hương sau khi vót xong, đun trong dầu thơm chí ít phải một ngày một đêm, như vậy mới bảo đảm là không dính ruột, không thấm máu.
-Tri huyện Cao Mật sẽ giúp ông tất cả những việc này – Viên đại nhân nói – Cần những gì, tốt nhất là ông nói hết ra.
Tên súc sinh nói:
-Còn cần mười sợi thừng bằng da trâu, một dùi đục bằng gỗ, một con gà trống trắng, hai mũ nỉ màu đỏ, ủng hai đôi, áo trắng hai chiếc, dây lưng bằng lụa hồng hai cái, dao bầu hai con, còn nữa, gạo tẻ một trăm cân, bột trắng một trăm cân, trứng gà một trăm quả, thịt lợn hai mươi cân, nhân sâm loại Một nửa cân, ấm sắc thuốc một chiếc, củi đun ba trăm cân, thùnh gánh nước hai cái, ang đựng nước một cái, chảo to một cái, chảo nhỏ một cái.
Viên đại nhân hỏi:
-Ông cần nhân sâm làm gì?
Tên súc sinh đáp:
-Tiểu nhân xin nói đại nhân nghe, phạm nhân sau khi thụ hình, ruột gan không bị thương, nhưng máu thì vẫn chảy. Hàng ngày phải đổ nhân sâm thì mới sống được một số ngày. Nếu không, tiểu nhân cũng không dám đảm bảo sống được năm ngày.
Viên đại nhân hỏi:
-Đổ nhân sâm, ông có đảm bảo sống được năm ngày không?
-Tiểu nhân đảm bảo – Tên súc sinh cả quyết.
Viên đại nhân nói:
-Tri huyện Cao Mật, ông giúp ông ta liệt kê các thứ ra giấy, gấp rút sai người đi mua, không được chậm trễ.
Tên súc sinh vẫn quì.
Viên đại nhân nói:
-Ông đứng lên đí
Tên súc sinh vẫn quì, dập đầu lia lịa.
Viên đại nhân nói:
-Rồi, đừng dập cái đầu chó của ông nữa! Nghe đây, nếu ông thực thi viên mãn hình phạt đàn hương, bản phủ sẽ thưởng cho cha con ông một trăm lạng bạc. Vạn nhất xảy ra sai sót, ta sẽ lấy kiếm đàn hương xiên chả hai cha con rồi phơi khô trên cột!
Tên súc sinh dập đầu một cái rõ kêu, nói:
-Tạ ơn đại nhân!
Viên đại nhân nói:
-Tri huyện Cao Mật, ông cũng vậy đấy nhé!
Ta đáp:
-Ti chức xin cố sức, không dám trễ nải.
Viên đại nhân rời chỗ ngồi, sánh vai cùng Caclôt bước xuống công đường. Đi được mấy bước ông ta ngoảnh lại làm như chợt nhớ ra, hỏi:
-Tri huyện Cao Mật, nghe nói ông đưa công tử Lưu Bùi Thôn từ Tứ Xuyên về đây làm việc ở huyện?
-Vâng, thưa đại nhân – Ta nói toạc móng heo – Phú Thuận của Tứ Xuyên là quê hương của Lưu Bùi Thôn, bạn đồng tuế của ti chức. Thời gian ti chức làm huyện lệnh ở Phú Thuận, Lưu phu nhân cùng cả nhà đưa linh cữu về quê. Nghĩ tình đồng niên, ti chức có gửi lời ai điếu và mười lượng bạc. Ít lâu sau, Lưu phu nhân vì quá đau thương cỡi hạc về tây trúc, lúc lâm chung, gửi gắm Lưu Phác cho ti chức. Ti chức thấy cậu ta nhanh nhẹn cẩn thận, nên cho vào làm việc trong huyện.
-Ông Huyện Cao Mật, ông là con người thẳng thắn, một con người đàng hoàng, một con người không xu thời phụ thế, một con người có tình có nghĩa! – Viên đại nhân ý tứ sâu xa – Nhưng cũng là con người không thức thời!
Ta gục đầu trên mặt đất, nói:
-Ti chức cảm ơn đại nhân đã chỉ bảo.
-Triệu Giáp! – Viên đại nhân nói – Ông là kẻ thù giết cha của Lưu Phác đấy!
Tên súc sinh nhanh miệng đáp:
-Đó là tiểu nhân chấp hành ý chỉ của Thái Hậu!
Phu nhân, sao phu nhân không rót rượu cho ta? Đầy vào, đầy vào! Nào, phu nhân cũng nên uống một chén. Sắc mặt phu nhân nhợt nhạt quá, phu nhân khóc đấy à? Đừng khóc, ta đã suy tính rồi, quyết không để thằng súc sinh lấy được trăm lượng bạc, quyết không cho thằng Caclôt thực hiện được âm mưu! Ta cũng quyết không cho Viên Thế Khải như nguyện. Thằng cho họ Viên đã xẻ em ruột ta làm nghìn mảnh, thảm quá, thảm quá! Viên Thế Khải bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao! Hắn không dễ dàng tha cho ta! giết xong Tôn Bính, hắn sẽ giết ta. Phu nhân, đằng nào cũng chết, phải chết cho đàng hoàng! Thời buổi này, sống là kiếp chó, chết là kiếp người. Phu nhân, chúng ta là vợ chồng mười mấy năm, tuy chẳng có con cái gì, nhưng cũng đầu gối tay ấp, phu xướng phụ tùy. Sáng sớm mai, phu nhân nên về Hồ Nam, xe cộ đã chuẩn bị sẵn. Gia đình ta còn mười mẫu ruộng nước, năm gian nhà cỏ, cóp nhặt nhiều năm được khoảng ba trăm lượng bạc, đủ cho phu nhân rau cháo qua ngày. Phu nhân đi rồi, ta không vướng víu gì nữa. Phu nhân, đừng khóc! Phu nhân khóc, lòng ta xót xa! Sống giữa thời loạn, làm quan làm dân đều không dễ, con người thời loạn không bằng con chó thời bình! Phu nhân, sau khi về quê, phu nhân nên nhận một con trai của chú Hai làm con, để nó lo liệu cho phu nhân lúc về già. Ta đã viết thư đây rồi, chắc chắn chúng nó đồng ý. Con chim sắp chết tiếng hót bi thương, con người sắp chết lời nói dịu hiền! Phu nhân, xin phu nhân đừng nói vậy. Phu nhân mà cùng chết thì lấy ai đốt vàng mã cho ta? Phu nhân cũng không nên ở lại đây. Phu nhân mà ở lại, ta không quyết được bất cứ điều gì.
Phu nhân, ta có một chuyện không phải với phu nhân, vốn định nói từ lâu, kỳ thực chẳng nói thì phu nhân đã biết. Ta và Mi Nương – con gái Tôn Bính và cũng là con dâu Triệu Giáp – đi lại đã ba năm, nàng đã có thai với ta. Phu nhân, niệm tình vợ chồng ăn ở với nhau mười mấy năm, sau khi nàng sinh nở, nếu là trai thì phu nhân tìm cách đưa nó về Hồ Nam, nếu là gái thì thôi. Đây là sự gửi gắm cuối cùng của ta, phu nhân, xin hãy nhận một lạy của Tiền Đinh này?