Đàn cổ cầm khỏa thân

Chương 15 - Phần 01


Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 15 – Phần 01

Năm
 
Năm 406, triều Đông Tấn
Đôi tay khéo léo của nàng lướt qua bức tranh. Từng lớp sóng luân phiên trên dòng Dương Tử chảy giữa những ngón tay nàng. Những cánh buồm và những con thuyền ngược xuôi về hai phía, trong khi những đô thành, làng mạc, đền miếu, cầu cống, đồi và các đỉnh núi nàng dùng để chấm phá tô điểm. Trên bức tranh, chỉ có sự trù phú của bờ Nam được thể hiện. Bờ Bắc, dù không xuất hiện, nhưng lại ở khắp nơi. Dòng Dương Tử là biên giới, khung cảnh như chốn bồng lai của bờ Nam được thu gọn trong một cái nhìn luôn cố định bên bờ Bắc.
Dọc theo dòng sông, chiến tranh và hòa bình luân phiên, tựa như tiếng đánh đàn chậm rãi và tiếng khẩy đàn dứt khoát trên cây đàn cổ cầm, tựa như mưa gió thất thường đánh dấu bốn mùa. Nhờ sử dụng cọ lông đuôi sóc, ngay cả chiến tranh cũng được vẽ rất mềm mại. Các chiến binh, chân bị cắt rời, tay áo xắn lên, hàm râu quai nón xồm xoàm, đôi mắt tóe máu là những hình dáng nhỏ bé trong câu chuyện. Trong số những người lính phương Bắc, người man di mang giáp đính lông cọp và cưỡi những con ngựa trang hoàng bằng đầu người chết. Dưới chân thành, một số người đang đẩy máy phá thành đâm vào cổng, những người khác đang đào hầm dưới đất dẫn thẳng vào trung tâm thành. Con phố bị chinh phạt toát lên vẻ sầu thương, nhưng vẻ này mất hết khi nhìn sang cảnh tiếp theo: những ngư dân quăng lưới trên sông, những cánh chim tung cánh, những thung lũng trổ hoa. Thời gian khắc nghiệt trôi qua biến cái chết thành sự sống, biến nỗi buồn thành niềm hân hoan, thành những tia nắng nhảy múa dọc theo bờ sông.
Một dải bờ đá dốc đứng hiện ra. Những con sóng ném vào bầu trời rồi rơi xuống vụn nát trong vách đá. Nếu nhìn vào con nước đang cuồng loạn của dòng sông, người ta có thể đoán biết hai bờ Nam Bắc đang lại gần nhau nhìn nhau khinh bỉ qua một khúc sông hẹp. Qua được khúc sông, những con sóng không còn cuồn cuộn, những thác nước phẳng lì đổ chầm chậm trên một mặt nước rộng. Bắc Nam lại xa cách nhau và nhìn nhau từ xa. Mùa đông đã đến bên bờ Bắc. Gió bấc mang theo tuyết và sương giá bị ấm dần lên khi đi qua sông Dương Tử rồi trở thành từng cơn gió nhẹ lúc chạm được đến bờ bên kia. Mùa hè nhấn chìm bờ Nam. Những cơn mưa không dứt của mùa mận xanh quét qua những cánh đồng, bốc hơi lên cao trên mặt sông rồi tuyên chiến chinh phạt phương Bắc.
Xa ngoài thành Kinh Châu, dưới chân núi Bắc, sông tạo thành vịnh, nơi những con thuyền đủ sắc màu qua lại. Một con đường leo đến tận đỉnh núi dẫn vào chùa Đại Bi trong mây phủ. Trên những bậc thang bằng đá và gỗ nghìn năm, một người trẻ tuổi vác cây đàn cổ cầm ngước mắt nhìn cả cánh rừng bạt ngàn. Được vẽ xiên xiên, người này lúc thì có vẻ đang leo núi, lúc lại có cảm tưởng như đang đi xuống. Chàng đi đâu? Đó có phải là một người hành hương lên chùa? Dáng chàng cao và mặt chàng nhìn về phía núi. Dù vẻ mặt chàng không thấy được, nhưng dáng vai cong cong và phía sau gáy vững chắc cho thấy chàng đang lo ngại nhưng vẫn kiên trì. Dưới chân chàng là khoảng trống. Lang thang giữa trời và đất, chàng đang tìm một căn nhà, một ngọn lửa, một niềm hy vọng. Bà Mẹ Trẻ thở dài. Hôn phu nàng đã xa rồi và tham vọng của chàng đặt cả gia đình vào nguy hiểm. Giống như chàng trai trẻ đang bị đè nặng bởi một tương lai vô định này, nàng không biết liệu mình sẽ về với ánh sáng hay vực thẳm nữa.
Bà Mẹ Trẻ tiếp tục vẽ bức tranh. Một bến thuyền tấp nập chiếm lấy không gian. Những con thuyền ngư dân neo đậu quanh những con thuyền chiến và thuyền thương nhân. Trên bờ, từng đám phu khuân vác đang làm việc. Những chiếc xe thồ, xe ngựa đi về phía Kinh Châu. Những thành ới cháy sém chiếm lấy khoảng không. Những lá cờ trắng và đỏ thêu tên “Lưu” phấp phới giữa những lỗ châu mai và phần phật trong gió. Được sáu cánh cổng có lính canh cẩn mật bao quanh, đô thành được gia cố theo dáng của một con rùa mang chiếc mai cứng cáp. Bên trong bờ thành, nơi những hẻm phố nhỏ hẹp, một đám đông nhộn nhịp qua lại rồi tụ tập giữa những ngã tư, trước các cửa tiệm, ở lối vào các đền chùa. Đi ngựa hoặc đi bộ, họ là người dân trong thành, khách viễn du, lính tráng, người hành hương, ăn mày, nghệ nhân.
Thành Kinh Châu, tòa thành quân sự nổi tiếng, đã lấy lại vẻ xưa kia. Từ khi tổng đốc cho hội về những chức quan quý tộc và các đại thần trong triều đình, Kinh Châu, cửa sông, đã trở thành cửa vào quyền lực. Tất cả những ai có ý muốn xây dựng sự nghiệp trong quân ngũ, tất cả những ai muốn được mặc áo lụa, tất cả những ai mơ về một gia tài kếch sù đều vê đây an gia lập thất trong niềm hy vọng được ở gần người thủ lĩnh và lấy được lòng phu nhân của ông.
Sự nhộn nhịp ở dưới phố đã ngưng và cái tĩnh lặng sang trọng của giai cấp cao hơn trong thành đã đến. Dinh thự của tổng đốc không còn là nơi sầu não của các tòa nhà tan nát và cỏ dại. Những khu vườn đã nở hoa ở nơi những xác người từng la liệt. Một cung điện đã được dựng theo bản vẽ của Bà Mẹ Trẻ, phô ra những mái nhà oai vệ, nơi ở của người đại diện cho tinh thần bờ Nam Trung Hoa.
Một ngôi nhà, ông nội đã nói, cho thấy tính quy củ mạnh mẽ của chủ nhân. Ngược lại, các tòa nhà sẽ nuôi dưỡng đạo đức và tinh thần của con người. Bà Mẹ Trẻ đã muốn rằng lối vào của dinh thự sẽ tương xứng với phần đầu: cánh cửa chính, dành riêng cho chồng nàng và các quan lại, được hai hàng sư tử bằng khoáng vật cùng binh lính mặc trang phục xanh vàng canh giữ. Cánh cửa mở lối vào hai phòng tiếp khách như hai bờ môi trên miệng. Một con đường lát đá có viền khắc tạo thành “mũi” dẫn tới những tòa nhà làm việc, tức “hai mắt”, rồi dẫn tới một sân lớn bao quanh bởi các tòa nhà tầng trong đó là những phòng đầy kinh thư và giấy tờ. Thư khố là “trán”.
Khu nhà trung tâm được chia làm hai nửa. Ở chỗ “lá phổi” có một sân tập và một chuồng ngựa. Ở chỗ “tim” có một điện thờ nơi chồng nàng thờ phụng tổ tiên và các thần thánh phù hộ độ trì. Trong khi khắp nơi trong dinh thử có những cây ăn quả, hòn non bộ và bông hoa thì trong điện thờ chỉ có địa y xanh và những cây tùng trăm tuổi tỏa hương thơm nhã nhặn. “Kín đáo, phong phú, thanh tao và thành kính phải ở trong tim mỗi người”, cha nàng từng nói vậy.
Một bức tường cao ngăn cách khu vực việc công với khu vực dành cho gia tộc. “Bụng” gồm có các tòa nhà có tre và lựu bao quanh. Một hành lang hai bên đầy tranh vẽ nối các tòa nhà này lại với nhau và uốn lượn qua những bụi hoa để người ta có thể đi dạo mà không bị ướt mưa. Nếu Bà Mẹ Trẻ phải đi ra ngoài, nàng sẽ không bao giờ đi lối cổng chính. Một chiếc xe ngựa bốn bánh sẽ đến đón nàng ở cổng bên hông. Có trướng phủ kín màu xanh đen, chiếc xe sẽ chở nàng đi lại bí mật trong thành mà không ai biết người ngồi trong là ai.

Bà Mẹ Trẻ gọi yêu khu sau nhà là “chân”, vì chân luôn chạm đất và mang lại cho thân thể sức mạnh của đất. Quanh phòng ngủ, nàng đã trồng một khu vườn diễn đạt lại cái mênh mông của thiên nhiên. Những lối mòn rải sỏi đủ màu sắc lấy từ dưới lòng sông Dương Tử bao quanh các “núi” là những hòn non bộ được khéo léo chồng lên nhau thể hiện những bờ đá dốc đứng và những đỉnh núi xa xôi. Tán cành của những cây liễu rủ, cây trẩu, cây mận, cây đào, cây thích lùn làm người ta liên tưởng tới một khu rừng rậm rạp. Những thác nước đổ xuống từ trên cao trở thành thượng nguồn. Một cây cầu tía bắc ngang qua hồ nước, qua những thân sen ảnh và những lá súng to bản rồi dẫn tới một tòa nhà ba tầng có mái vòm.
Bà Mẹ Trẻ được vẽ một cách kín đáo trên bức tranh, một bóng người gần như bị nhòe mờ vì những đường nét chằng chịt và những mảng màu phóng khoáng. Đó là một phụ nữ ngồi bên hiên cái điếm nghỉ trên mặt nước chơi đùa với chiếc quạt nan. Bóng nàng soi xuống mặt hồ làm lũ cá chép vây lại. Chỉ khi quan sát kĩ cái bóng trên mặt nước, người ta mới phát hiện ra một điều bí mật. Những nếp gấp của chiếc áo lụa đôi chỗ bị căng lên, làm lộ ra cái bụng đang ngày một to lên.
Bà Mẹ Trẻ đã mang thai! Tất cả các ngự y đã soi đồng xu của mình, tất cả các nhà chiêm tinh đã xem kĩ các chủ tố đều tiên đoán đó sẽ là một hoàng tử. Nàng tự vẽ chân dung của mình để thể hiện niềm hạnh phúc này.
Không như cô con gái Huệ Viên lâu nay vốn không có tên, Nghĩa Phù, con trai nàng, được cha đặt tên từ trước khi ra đời. Cuộn trong bụng nàng, cuốn lấy dạ dày nàng, nó làm Bà Mẹ Trẻ buồn nôn và những cơn chóng mặt trong hạnh phúc. Một đoàn ngự y ra vào mỗi ngày bốc cho Bà Mẹ Trẻ cả chục thang thuốc uống từ sớm đến tối. Những món quà các các tổng đốc quân sự, lời chúc phúc của Hoàng đế và Hoàng hậu, sự ân cần của các chiến binh và người đưa tin triều đình qua lại mỗi ngày làm Bà Mẹ Trẻ vốn quen một mình cảm thấy khó chịu. Mang trong mình đứa con trai nối dõi của thống soái, nàng không còn biết trốn đi đâu. Nghĩa Phù đã ra đời để thay đổi cuộc đời nàng. Chính đứa bé này sẽ mang cho nàng hạnh phúc và nỗi buồn, sự bình tâm và lo lắng.
Trên bàn trang điểm, cuộn tranh nằm bất động dưới sức nặng của những viên ngọc thạch. Bà Mẹ Trẻ thở dài chầm chậm. Tóc nàng đã được cuốn lại thành một búi đơn giản. Trên chiếc váy đỏ là một chiếc áo xanh nàng mặc như áo khoác khi làm việc. Nàng bặm môi, cúi xuống, đưa tay trái qua phải để cầm lấy viền bên phải. Cầm một cây cọ cực mịn, nàng bắt đầu vẽ đứa con gái Huệ Viên đang chơi trong vườn. Nét cọ khẽ chạm trên giấy để lại những nét màu. Các điểm, đường nét giới hạn nhau rồi trở thành khuôn mặt, nếp áo. Nét cọ vẫn tiếp tục chạy và làm hiện lên sống mũi, đôi mắt. Bà Mẹ Trẻ bắt đầu vẽ đôi lông mày và mái tóc khi giọng nói lo lắng của bà quản gia vang lên sau lưng:
– Thưa phu nhân, ngự y không cho phu nhân vẽ nữa ạ! Phu nhân đang làm gì vậy?
Cây cọ dừng giữa không trung.
– Thưa phu nhân, con xin phu nhân hãy đi nghỉ đi ạ!… Chúng ta có một tin dữ.
– Một con hầu của thống soái Kiến Khang đã mang thai, – một người đàn ông nói.
Nàng nhận ra giọng nói của người quản quân.
– Các ngự y đã khẳng định là con trai!
Bà Mẹ Trẻ ngoái đầu lại và buông cây cọ.

– Hãy mau nghỉ ngơi, thưa phu nhân, – người quản quân thúc giục, – đừng làm mình mệt. Giọt máu trong bụng phu nhân là tương lai nhà chúng ta!
Ngập tràn cảm xúc buồn bã xen lẫn thất vọng và oán hận, nàng không nhúc nhích.
Một con hầu đến, giọng nó giải tỏa bớt bầu không khí:
– Quý cô đã học xong. Cô đang tìm phu nhân ạ!
Nàng ngẩng lên. Che giấu cảm xúc của mình, nàng trả lời:
– Tốt. Hãy chuẩn bị trà và bánh ở nhà Thủy. Ta đến ngay.
Nàng đứng dậy rồi ra lệnh cho các nàng hầu đang chờ ở cửa lau sạch các chén đĩa màu.
Vịn vào tay bà quản gia, Bà Mẹ Trẻ đi chầm chậm theo đường mòn khảm đá. Mùa xuân đã đến, ong bướm lượn quanh những cây hồng đào và lê trắng. Mặt trời đổ lên mặt nàng những đốm vàng. Bị chói, nàng nheo mắt. Trên hồ, một đôi vịt hoàng gia đang rỉa lông. Thấy nàng, chúng nghểnh cổ lên rồi vỗ cánh bơi lại gần. Hầu nữ đã rút bớt những bức trướng giữa những cột nhà để nó trở thành một hành lang mở có góc nhìn rộng rãi về phía vườn. Căn phòng được trang hoàng đơn giản với hai bàn thấp sơn đen, một tấm chắn gió có vẽ cảnh mà Bà Mẹ Trẻ cho thay đổi luân phiên theo mùa và một chậu dài có cổ mảnh mai lúc nào cũng có một nhành hoa. Đêm trước, nàng cho thay nước để đặt vào đó một nhánh hoa lê. Vậy mà những cánh hoa trắng cũng đã rụng cả trên nền đất rồi.
Nàng nằm trên chiếu lụa, dựa bụng mình lên gối, tì khuỷu tay lên một chiếc bàn được làm riêng cho nàng rồi ngả đầu vào bàn tay. Trên thềm, một bếp lò nhỏ đã được đưa tới. Một nàng hầu thổi than hồng để đun nóng nước suối, một nàng khác tán nhỏ trà. Cả hai vận đồ xanh tối, dáng họ chìm vào lũy tre trong vườn.
Bà Mẹ Trẻ đã chán những nét đẹp đó. Hoa và cây cối thi nhau làm nàng vui, tỏa hương thơm nhẹ nhàng. Nàng nhìn chúng mà trong lòng như lửa đốt. Cái đẹp nhắc cho nàng nhớ thời gian đang trôi đi, và mùa xuân tuổi trẻ của nàng đã kết thúc. Nhưng mùa xuân vĩnh cửu thì tạo ra những cái đẹp khác để thay thế nàng, tươi mới hơn, thơm hơn, quyến rũ hơn. Xuân đến xuân đi, nàng không còn là người phụ nữ như xưa nữa. Con tim đã bớt ngây thơ, đôi mắt đã mở to hơn, nàng phải chịu đựng số phận mà chồng nàng đã định đoạt như một cánh bướm bị gắn lên tường.
– Mẹ! Mẹ!
Bà Mẹ Trẻ ngước mắt lên rồi khuôn mặt bừng sáng. Từ xa, trên con đường mòn đầy rêu và cánh hoa hồng, cô con gái Huệ Viên vừa đi vừa nhảy nhót. Nó như đang chạy. Bà quản gia nắm chặt lấy tay nó và cứ phải kéo nó lại. Cơn gió thổi giọng nói ầm ầm của bà ta đến:

– Phu nhân đang mệt lắm. Đừng có chạy tới chỗ phu nhân. Cô sẽ làm phu nhân đau…
Bị nắm lấy cánh tay, Huệ Viên đu trèo như một chú khỉ. Bất ngờ nó thoát ra rồi phóng lên cầu la lớn:
– Mẹ! Hôm nay con viết được bốn mươi chữ! Thầy khen con giỏi lắm!
Bà quản gia chạy theo sau con bé.
– Đứng lại tiểu thư ơi! Đến đây nào!
– Mẹ! Mẹ!
Tiếng Huệ Viên la hét với nàng còn ngọt ngào hơn tiếng hót của chim vàng anh. Bà Mẹ Trẻ cuối cùng cũng cười mỉm rồi mở rộng vòng tay. Nàng cảm thấy thèm thuồng được cảm nhận sức nóng của cái cơ thể nhỏ bé kia.
Thoắt cái Huệ Viên đã ôm lấy nàng.
– Mẹ! Con nhớ mẹ quá!
Bà Mẹ Trẻ ôm chặt lấy nó rồi hít hà mùi thơm của con hoẵng con. Khi một đứa bé nhảy ào đến chỗ mẹ nó, đó là lúc nó muốn được hưởng sự bảo bọc âu yếm của mẹ. Khi một bà mẹ trẻ ôm đứa con vào lòng, bà ôm cả cuộc đời nhảy nhót trong từng mạch máu và uống lấy sự ngây thơ trong ánh mắt đứa bé, cái ánh mắt làm bà quên mọi ưu phiền trên thế gian. Huệ Viên là một điều kỳ diệu và Bà Mẹ Trẻ luôn thấy rất khó tin. Sinh ra trong chuồng ngựa giữa một cuộc thảm sát, nó đã sống sót giữa chiến tranh, giữa cái đói, giữa bệnh tật. Nó đã trở thành một cô bé nhỏ nhắn, với hàm răng và đôi chân chắc khỏe, rất giống cha nó. Nó có nước da màu thẫm, đôi mắt to, miệng chúm chím và tính nết của nàng. Huệ Viên là một viên lửa long lanh và rực rỡ.
– Cha đi đâu rồi mẹ? – Nó la lên. – Bao giờ cha về?
– Cha con là một anh hùng phải theo đuổi những cuộc phiêu lưu. Cha sẽ về khi nào cha thắng trận mới.
– Cha cho con cái này nè!
Huệ Viên xòe bàn tay rồi giơ ra một con rùa bằng ngọc thạch. Bà Mẹ Trẻ cầm lấy nó rồi đem nó ra chỗ sáng.

– Nó để nhắc con rằng chiến cuộc sẽ sớm kết thúc và cha sẽ về với rất nhiều quà.
– Con không muốn con rùa, con muốn cưỡi ngựa với cha!
Bà Mẹ Trẻ bảo con bé ngồi xuống, đưa trà cho nó uống, đưa bánh cho nó ăn rồi hỏi han việc học của nó.
Huệ Viên nhìn bụng mẹ rồi mặt mũi tối sầm. Nó ngoảnh mặt đi rồi cúi gằm mặt.
– Tại sao Nghĩa Phù nấp trong đó? Tại sao em không ra chơi với con?
Rồi nó quay mặt lại.
– Mẹ, con muốn có em gái!
Năm 410
Bà Mẹ Trẻ cởi áo cho con bú. Nghĩa Phù mút và nhìn nàng không chớp mắt. Bà Mẹ Trẻ phát điên vì giây phút này, khi thế giới cũng chẳng còn tồn tại nữa, chỉ còn mình nàng và Nghĩa Phù, cùng một hơi thở. Vì lý do đó, nàng không bao giờ muốn giao con trai cho vú nuôi. Nó đã bốn tuổi và nàng tiếp tục cho nó bú như một đứa bé sơ sinh.
Phải chăng các thánh thần thổi luồng sinh khí từ người mẹ sang cơ thể của đứa con. Phải chăng nàng già đi để đứa con được lớn lên? Nghĩa Phù là điều thần kỳ thứ hai trong cuộc đời nàng. Nó có làn da trắng trẻo, mũi bẹt dài, đôi mắt như hạt hạnh nhân, khuôn mặt như trăng tròn và tất cả những nét quý phái của giới quý tộc Trung Nguyên. Đến với cuộc đời này vì vinh quang và sự giàu có của cha, nó mang lại ẹ cơn đau và niềm kiêu hãnh.
Nghĩa Phù sinh ra trong thành Kinh Châu bốn mươi mốt ngày trước đứa em là Nghĩa Chân, con trai một nàng thiếp yêu của thống soái thành Kiến Khang. Từ lúc đó, những nàng thiếp đã làm thành một phe thù địch, âm mưu chống lại nàng và người vợ cả là nàng Tăng, không sống ở kinh đô. Còn trẻ, đẹp và tham vọng, những tỳ thiếp này gọi hai nàng đầy khinh miệt là “những nông dân trong thành Kinh Châu”. Chúng không chấp nhận sự hợp thức của Nghĩa Phù, kết tội Bà Mẹ Trẻ đã dan díu với một lính canh. Chúng chọc ghẹo nàng Tăng mỗi khi nàng đến Kiến Khang yết kiến triều đình, chúng cho nàng ăn đồ nguội lạnh và bắt chuột bỏ vào phòng nàng. Cách đây một năm, nàng Tăng đã lìa đời trong oán hận và giận dữ, làm Bà Mẹ Trẻ mất đi người đồng minh duy nhất dưới chồng, người chẳng hiểu gì về những cuộc tranh chấp của đàn bà. Sau cái chết này, nàng đã được thăng lên thế chỗ vợ cả và từ đó được hưởng đặc ân triều đình. Nghĩa Phù được ấn định àm người thừa kế của thống soái. Vì Nghĩa Phù, Bà Mẹ Trẻ phải đối mặt với thị phi nhiều hơn bao giờ hết.
Ở thành Kinh Châu, đứng ngồi giữa tiếng sột soạt của áo quần và những lời xiển dương êm tai, Bà Mẹ Trẻ phải hít thở sự cô đơn và im lặng. Dù nàng đã quyết không dính đến triều chính, nàng vẫn bị những thái giám và tướng lĩnh lo ngại những âm mưu của phe Kiến Khang tấn công. Những người hầu cận trung thành này cúi lạy khiêm nhường dưới chân nàng và kể cho nàng tất cả những chuyện soi mói nghe được ở kinh đô. Lời họ nói, được kể chậm rãi, giống như những ngụm thuốc độc chạy dọc theo cổ nàng làm chân tay nàng bủn rủn.
Trên ngôi vị vợ cả và mẹ của người thừa kế thống soái, nàng phải đi cùng những đứa trẻ về kinh đô mỗi dịp lễ trong triều. Không hề giấu giếm sự hung dữ của mình, các tỳ thiếp soi mói nàng, vạch lá tìm sâu, chê bai những bộ áo của nàng, nữ trang của nàng và từng bước đi của nàng trước một bầy nàng hầu. Bà Mẹ Trẻ phải giữ nguyên nụ cười và chỉ được khóc lúc đêm thâu đến. Ở sân chầu, Hoàng đế và Hoàng hậu hết lời dành cho nàng những vinh dự và quà cáp. Những món quà này làm nàng đau khổ: bực tức và cay cú, đám tỳ thiếp chỉ muốn nàng chết. Từ đó nàng phải cẩn trọng từng miếng ăn để tránh bị đầu độc. Thỉnh thoảng nàng giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì có cảm giác những kẻ ám sát lảng vảng đâu đó…
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.