Bạn đang đọc Đàn cổ cầm khỏa thân – Chương 1 – Phần 01
Một
Năm 400, triều Đông Tấn
Quân đội vượt dòng Dương Tử. Ngựa hí vang, chiến xa rì rầm, kỵ binh và bộ binh gầm thét. Tất cả tạo thành một con trăn khổng lồ trườn đi chầm chậm.
Trong chiếc xe phủ trướng đen, Bà Mẹ Trẻ mê man. Nàng đã mất hết khái niệm về thời gian và không còn biết đất trời thay đổi. Con đường của các binh sĩ là một hành lang tăm tối và lạnh lẽo, cách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc đời nhà binh đong đếm bằng những hồi tù và rền vang ra lệnh tiến quân hay dừng lại, bằng những tràng trống lệnh tấn công hay rút lui. Bà Mẹ Trẻ không biết đến niềm vui. Nàng chỉ biết đến nỗi buồn. Dễ bị tổn thương và không có vũ khí, nàng buộc phải theo chân người đàn ông đã bắt được mình.
Gò má nàng hóp sâu. Tiếng rít vội vã của bánh xe và tiếng rì rầm đáng sợ của dòng sông đã chiếm lấy da thịt nàng. Tay và chân nàng sưng húp. Ngực căng đầy làm nàng đau đớn. Bụng nàng biến thành một mỏm núi chỉ toan phun trào nước và máu. Trong nàng, sự sống lao vào cuộc chiến khốc liệt chống lại thần Chết. Bằng một sợi thừng kiếm được giữa trận chiến, nàng buộc chặt cái bụng căng tròn vào cơ thể yếu ớt đang dựa vào một dải xương sống mỏng manh của mình. Nàng sợ đứa con rơi khỏi nàng và rớt khỏi chiếc xe. Trên đường, nơi nào quân sĩ đi qua, nơi đó chẳng còn người giàu kẻ nghèo, chỉ còn những thây người, những kẻ đói khát, những kẻ tha hương cầu thực. Ngựa giẫm đạp lên nhau, chiến xa và xe kéo nối đuôi nhau, binh lính chạy bộ theo hàng ngũ. Kẻ bị thương, kẻ bị bệnh, tất cả những ai ngã xuống mà không kịp bình phục, tất cả những ai bị bỏ lại phía sau đều bị thần Chết nuốt chửng, mang đi.
Chiếc xe rung giật dữ dội. Con đường mòn làm bánh xe kêu cọt kẹt. Bà Mẹ Trẻ mở mắt, ôm ghì lấy bụng mình. Bất ngờ, một mũi tên đâm thủng mái vòm, mũi của nó xé toạc tấm màn trướng. Bà Mẹ Trẻ hét lên thất thanh. Chiếc xe dừng lại. Ở đằng xa, tiếng tù và vang lại báo hiệu cuộc tiến công. Những tiếng hét lúc đầu còn nhỏ, sau đó lớn dần rồi lao thẳng vào nhau. Nàng nghe người phu xe thúc con la dữ dội. Chiếc xe rên rỉ rồi lại tiến về phía trước.
Bụng nàng co thắt mạnh. Cơn đau làm nàng phải gập người lại. Nước chảy ra giữa hai đùi nàng. Mũi tên thứ hai đâm thủng mái xe. Nàng trườn xuống sàn xe, co rúm người lại.
Bỗng một hồi vó ngựa kéo tới, kèm theo tiếng la của một tên lính:
– Lửa! Lửa!
Một giọng khác trả lời:
– Chúng bắn cung tên lửa vào xe lương thảo rồi!
Vó ngựa làm rung chuyển mặt đất.
– Nhanh! Phụ nữ và lương thực nhanh vào làng!
Lửa đã đốt sáng cả trời đêm. Lửa vẽ lên những tấm trướng đen họa tiết hoa đỏ rực. Cánh hoa rời rạc phồng lên rồi vung vẩy khắp nơi. Bà Mẹ Trẻ nghẹt thở. Nàng không còn phân biệt được tiếng bánh xe và tiếng ngựa hí, tiếng lính tráng chạy qua chạy lại la hét những khẩu lệnh vội vàng. Tiếng ầm ầm trở nên đinh tai nhức óc. Nàng nhắm mắt lại. Bà cố nàng đã sinh nở trong một chiếc xe bị kỵ binh và cung thủ của một bộ lạc du mục truy sát. Bà chết ngay tại chỗ để rồi đứa bé đã phải bú sữa của người chết.
Số mệnh đã đeo đuổi gia đình nàng hay sao?
Nàng sinh ra trong một thị tộc danh giá ở đất Trung Nguyên. Dòng máu quý phái của tầng lớp thượng lưu chảy trong nàng. Từ thuở xa xưa, tầng lớp thượng lưu đã thường giao du và kết hôn với nhau. Là đẳng cấp cao nhất trong xã hội, họ không cần phải đóng thuế cho triều đình, cũng không phải thực hiện nghĩa vụ với các hoàng đế và sống tự cung tự cấp ở miền quê.
Tổ tiên của nàng từng sở hữu những thửa đất mênh mông ở Trung Nguyên. Một kỵ binh phải mất hai con trăng mới đi hết một vòng quanh các cánh rừng, đồng cỏ, ruộng nương, làng mạc và điền trang của tổ tiên nàng. Khi các bộ tộc dã man dồn quân lính Hoa Hạ vào bước đường cùng, thị tộc cũng buộc phải rời bỏ Trung Nguyên, vượt dòng Dương Tử sang bờ Nam lánh nạn. Một vương triều được dựng lên, mang tên Đông Tấn.
Mồ hôi của những kẻ lưu đày tưới đẫm bờ Nam, làm mọc lên vô số các thị thành. Giới thượng lưu đã đánh mất tài sản nhưng vẫn giữ những thói quen của tầng lớp mình và sống tự cung tự cấp, cách xa kinh đô mới mở. Trong khi chờ đợi lấy lại được bờ Bắc, họ khai khẩn đất hoang, tưới mát các ngọn đồi và ruộng rẫy. Cung điện, đền đài, vườn tược còn cao hơn và đẹp hơn những gì để lại cho những tộc người dã man.
Với khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, nghề trồng lúa nước và bông vải cùng nghề nuôi tằm lấy lụa đã phát triển mạnh mẽ; kỹ thuật dệt và kỹ thuật kim hoàn mở rộng trong dân chúng. Giao thương cũng phát đạt không kém. Khi đã giàu có, các thương nhân ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng, mặc cho họ xuất thân từ tầng lớp thấp nhất của xã hội.
Giới thượng lưu không thích thay đổi. Cuộc sống của họ bình ổn. Họ để cho hoàng đế và chính quyền địa phương toan tính việc quân. Cầm kỳ thi họa và các suy tư triết lý mới là thú tiêu khiển của họ. Vào mùa xuân, họ đi du ngoạn bên bờ hồ, ngắm lũ cò trắng sải cánh trong sương mờ; mùa hè, họ chơi nhị cầm và tiêu sáo dưới ánh trăng; mùa thu, các cuộc tranh tài thi ca diễn ra trong chén tạc chén thù cùng thịt cá tươi ngon; mùa đông, những khúc hát dịu ngọt của phương Nam làm những thế hệ trẻ chẳng còn muốn quay về Trung Nguyên, nơi mùa đông khắc nghiệt trong bão tuyết mịt mù.
Bà Mẹ Trẻ chưa ăn uống gì từ đêm qua, nhưng nàng chẳng thiết tha. Tay nàng tìm kiếm trong chiếc xe rồi lôi ra một chiếc túi da cừu có mùi tởm lợm khiến nàng buồn nôn. Nàng phải ăn để có sức sinh nở. Nàng phải cố cử động cái miệng rét cóng và nuốt ực một ngụm nước chua lòm. Nàng cầm lấy một nắm cơm đã lạnh khô và mở banh cổ họng để nuốt vào từng hạt. Nàng thèm chút trà thơm vị mận xanh mà nàng uống hồi mùa hè nào đó trong một chiếc tách mã não trắng. Nàng còn nhớ tất cả các bộ tách trà được dùng theo từng mùa: trà hạt sen, trà cẩm tú cầu, trà bột vừng, trà mộc qua, trà hoa đào. Nàng tiếc đã không thể nào giữ lại trên đầu lưỡi chút hương vị ngày xưa. Làm sao nàng còn có thể nuôi dưỡng cái vẻ huy hoàng phù phiếm đó chứ?
Những mũi tên xé gió cắm phập vào tấm vải bạt của chiếc xe. Con la hí lên như bị cắt tiết. Bà Mẹ Trẻ ép mình sát mặt đất. Đã lâu thật lâu nàng không có tin tức gì về hôn phu. Nàng không biết chàng có còn sống hay không.
– Á!
Tiếng thét của người phu xe làm nàng run lẩy bẩy. Nàng bò lên, vén cánh cửa sổ nhỏ. Một mũi tên cắm vào vai của cái bóng đen ấy. Mặc dù bị thương, ông vẫn một tay nắm chặt dây cương còn tay kia đánh thúc con la.
Lính tráng là một dòng giống khác. Như những cánh chim lượn trên sông Dương Tử và trú trong mỏm núi, họ sống với nhau, xa cách cuộc sống thường nhật bên ngoài. Nàng không biết tên tuổi của người lính này. Chẳng hề biết nhau, họ lại trở thành bạn đường trên chuyến đi chết chóc này. Tại sao ông ta không dừng lại? Tại sao ông ta không bỏ mặc chiếc xe và bỏ trốn? Tại sao ông ta ngoan cố cầm cương? Những chiếc bánh xe rên xiết và xoay đều. Hoàn toàn tập trung và im lặng, ông ta đánh xe xé toạc đêm đen, không bao giờ nhìn lại phía sau.
Trước khi hôn phu của mình ra đi, nàng từng xin chàng một lưỡi dao nhọn.
– Để làm gì? – Chàng hỏi nàng.
– Dù cho chàng đã bắt cóc thiếp nhưng thiếp đã là vợ của chàng và thiếp chấp nhận số phận này. Thiếp muốn có thể tự sát nếu những kẻ thù của chàng chẳng may bắt được rồi làm nhục thiếp. Thiếp không muốn làm chàng mất danh dự.
Chàng không thể hiểu nổi.
– Nàng rất xinh đẹp, eo nàng thon thả, – chàng trả lời. – Hãy đi theo kẻ cho nàng một túp lều để ở và một đĩa cơm để ăn. Hãy quên ta đi.
Bà Mẹ Trẻ lạnh run. Cơn đau lại ập đến nơi bụng dưới của nàng, nhưng nỗi lo phải sinh hạ trong bão lửa và cung tên còn lớn hơn cơn đau này nhiều.
Những hình ảnh ấu thơ đầu tiên của nàng là những chiếc nồi bạc bắc trên bếp đất sét nung. Nô lệ mặc áo xanh áo hồng, lũ lượt thay than trong lò. Những thang thuốc sôi ùng ục trong nồi hay đang nguội đi bên cạnh những ngọn lửa tỏa ra mùi hương ngọt ngào và cay cay khắp phòng. Mẹ Lưu cầm một cái chén tới gần. Ánh mắt bà hiền hòa mặc dù khuôn mặt bà nghiêm nghị. Bà vừa thầm thì vừa mím môi:
– Uống đi con gái. Con bị ốm rồi… Con ốm nặng rồi. Mở miệng ra nào… Đúng rồi… Như vậy…
Giọng nói này làm nàng sợ và nàng không kháng cự được khi chén thuốc đến gần.
Mặc cho nàng nước mắt đầm đìa, Mẹ Lưu đỡ nàng dậy rồi đổ chất nước đen ngòm vào miệng nàng. Nước thuốc chua lòm làm nàng nghẹt thở. Hai thái dương nàng kêu ù ù. Giọng Mẹ Lưu của nàng nghe lúc được lúc mất:
– Uống đi… rồi con sẽ khỏe lại… Con sẽ có một người chồng tử tế và một bầy con ngoan…
Mẹ Lưu trở lại bên bếp lò và nấu một thứ thuốc khác.
– Uống cái này nữa. Nếu không con sẽ không đi lại được…
Nước mắt đầm đìa, nàng lại ngoan ngoãn há miệng. Chất nước sền sệt và đen ngòm nhấn chìm nàng. Đầu óc nàng quay cuồng, ngực nàng nức nở. Mẹ Lưu không lau khuôn mặt lem luốc của nàng mà còn quay lại với chén thuốc thứ ba.
– Thuốc này để giữ tay chân con được ấm và bổ gan.
Nàng quên cả nghiến răng và để mặc cho Mẹ Lưu làm gì thì làm. Cơ thể nàng đẫm mồ hôi, nàng ngã vật xuống chiếc gối và ngủ thiếp đi cho tới khi Mẹ Lưu gọi nàng dậy uống thuốc khác.
Mẹ Lưu là một nô tỳ mà người ta không biết tên tuổi. Tuy nhiên, chính bà là người mang bên mình tất cả các chìa khóa trong nhà. Những lời to nhỏ về quyền lực của bà đi trước bước chân của bà, tiếng chìa khóa lanh canh trước khi bà xuất hiện. Khi bà ngồi xuống và cầm lấy cây cọ, không phải để viết thư pháp hay để vẽ. Bà giữ hai khoản tiền, một khoản cho trang viên ở miền quê và một khoản cho tòa nhà trong kinh thành. Miệng lưỡi thiên hạ đồn rằng bà đã tách ông nội khỏi những người vợ của ông để dễ dàng cai quản. Mẹ Lưu cai quản ruộng đồng, trông chừng hạt giống rồi cho thu hoạch chúng. Bà đếm từng túi thóc và từng cuộn len, vải, lụa mà những nông dân làm việc cho gia đình nộp về. Bà xâu từng đồng tiền có được từ những người lái thương vào một sợi dây mảnh dài như con rắn và trao lại cho những người quản lý các phu nhân của ông nội. Mỗi tháng một lần, bà chất lên thuyền những túi lớn rau quả, hạt và lúa gạo rồi đi về phía kinh thành. Bà ở nhà ông nội và sắp xếp mọi việc trong tòa nhà. Vì Mẹ Lưu nói không ai biết cách dạy con gái nên bà dẫn nàng về ở với bà và không ai dám phản đối.
Gắn bó với Mẹ Lưu như một chiếc chìa khóa dính với thắt lưng của bà, nàng thường xuyên ù tai với giọng nói sang sảng của bà, nấp dưới váy bà và chơi đùa giữa hai chân bà. Khi bàn tay sần sùi của bà lướt trên khuôn mặt nàng, nàng cảm nhận từng đợt sóng yêu thương trìu mến. Trong số con cháu của ông nội với các bà vợ khác nhau, Mẹ Lưu chỉ yêu có mình nàng. Bà nhìn nàng bằng con mắt đầy lo lắng, thấy nàng quá gầy, quá xanh xao, quá im lặng. Bà nhìn nàng ăn từng chút, từng chút và sắp xếp giường chiếu cho nàng cẩn thận rồi mới đi ngủ trước cửa phòng nàng.
Trên thắt lưng của bà có một chiếc chìa khóa nghìn chân. Nó mở cửa căn phòng giấu kho báu của bộ tộc. Những chiếc rương bằng gỗ chống được mối mọt và hơi ẩm nằm ngay hàng, thẳng lối với nhau, trong đó chứa những nhạc cụ được đặt nằm ngang. Cầm một cái giẻ nhỏ trên tay, Mẹ Lưu lau chùi chúng thật kĩ lưỡng. Một nhạc cụ giống hình lá chuối được chăm sóc đặc biệt. Đáy cây đàn đã sờn và rạn là chỗ ít đẹp nhất. Mẹ Lưu nói rằng cây đàn cổ cầm cổ là một trong số các vật quý hiếm mà gia đình mang theo trong lúc chạy loạn về phương Nam và chỉ cây đàn đó thôi đã trị giá bằng cả một đô thành.
Mẹ Lưu hát thầm những điệu nhạc ngọt ngào. Bà không phải người Hán mà là con gái của một tộc người ở vùng đất cực Nam. Khi còn nhỏ, bà đã hát theo giọng điệu của bộ tộc. Mẹ Lưu nhắm mắt mơ màng và vỗ tay lên đùi giữ nhịp như thể bà đang nghe được thứ âm nhạc tuyệt hảo nhất.
Một buổi sáng, khi vừa mở mắt, cô gái nhỏ nhận thấy chiếc thảm trước phòng mình trống rỗng. Mặt trời chiếu qua tấm mành che rồi dừng lại trên tấm chăn vẫn còn nguyên hình dáng bà. Những hạt bụi nhỏ óng ánh xoay tròn trên dấu vết này rồi chợt tắt. Chúng thành hình một người đàn bà ngủ rồi bay tản ra.
Sau đó, người ta cho cô gái biết Mẹ Lưu chết trong đêm. Cùng với bà, thời thơ ấu của nàng cũng vụt mất như một cánh hoa bồ công anh bay đi.
Bên kia tường cao cổng kín quanh nhà, cuộc đời rất bình yên. Lừa và ngựa nhẩn nha gặm cỏ trên đồng; ngỗng và gà đẻ trứng giữa đường đi. Cây cối phủ quanh ngôi làng nhìn xuống những cánh đồng và ao hồ đầy ắp cá. Khu nhà ở rộng rãi gồm các tòa nhà và vườn tược của cha mẹ và các bác chia nhau, nối với nhau nhờ một dòng nước. Cùng với các anh em họ hàng, nàng nhảy nhót, trèo lên lưng dê, câu tôm, hái lá dâu về cho tằm ăn, nhả tơ nhả lụa.
Đi thuyền khoảng nửa ngày thì đến kinh thành nơi ông nội sống, một thành đô nằm giữa bốn bức tường cao bằng đá, các con kênh thay thế đường sá và những con thuyền được trang hoàng bằng những tấm vàng dát mỏng thay thế lũ ngựa bờm xinh xắn. Nàng ngoảnh đầu lại đếm những ngôi nhà xây bằng xà và cột được tô vẽ đang cắt vào nền trời.
Ông nội sống trong một tòa nhà có nhiều tầng. Nàng hiểu rõ tất cả các bức tranh và những hình vẽ trên tường đến từng chi tiết. Phong cảnh, thú vật, cỏ cây, những cảnh chiến tranh, những cuộc phiêu lưu của các thương nhân bán lụa trong sa mạc Tây Bắc, hình minh họa cho các bài cổ thi, cuộc đời những ông vua và những tao nhân mặc khách, ngôi nhà này với nàng còn rộng hơn cả một vương quốc. Phòng nàng ở tầng ba. Nàng nhảy cóc lên cầu thang gỗ để làm nó rung lên từng đợt. Khi nàng ngồi bên cửa sổ, kinh thành trải ra dưới mắt nàng như một bức họa trên vải cuốn.
Mùa xuân, hoa bừng nở trong từng góc phố. Màu sắc lúc đầu khác biệt nhau rồi hòa vào nhau. Khi gió thổi nhẹ, những cánh hoa bay lên cao rồi nhẹ nhàng đáp xuống mái tóc nàng. Mùa hè, khi những cơn bão tràn về, kênh rạch trở thành những dải lụa màu xanh ngọc. Mùa thu, vào những đêm trăng tròn, các tòa nhà in bóng xuống kênh làm thành một con rắn dát bạc. Nó chạy vòng quanh nàng để phô ra những đường kẻ sọc rực rỡ rồi chọc nàng cười. Mùa đông, thương nhân gả con gái của họ và phô trương sự giàu có. Cả kinh thành chen lấn nhau dưới những bến thuyền để xem từng đoàn thuyền chất đầy của hồi môn đi ngang qua. Trong tiếng nhạc lễ hội, những chiếc đĩa bạc, lọ ngọc thạch, san hô hình cây cối lũ lượt nối đuôi nhau, dẫn theo đủ thứ đồ đạc bằng gỗ quý khảm xà cừ và cẩm thạch. Khi những cuộn lụa đào ở cuối hàng đi ngang qua, lũ trẻ reo hò ríu rít, đàn ông nhíu mày và bứt râu, đàn bà ghen tỵ trong im lặng.
Lụa, cái thứ nguyên liệu vuốt ve dịu dàng này lại mang trong mình sức mạnh của ngọn lửa và cái tinh khiết của cánh rừng tre, chính là thứ đồ xa xỉ của giới quý tộc. Một sắc lệnh triều đình đã cấm dân chúng mặc lụa và những ai dám vi phạm luật này sẽ bị xử tử. Ngay cả những người lái buôn giàu có nhất cũng chỉ có thể trưng bày lụa trong cửa hiệu của họ như một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
Lúc còn bé, nàng thích lụa như điên. Nàng nhảy giậm lên nó, nàng ôm nó, quấn quanh cơ thể mỗi khi người thợ dệt của ông nội kính cẩn đem đến những tấm lụa mới dệt xong. Nàng nắm lấy đầu mút của cuộn vải và giật mạnh. Những làn sóng đủ màu sắc trải ra. Lụa, tùy theo xưởng dệt ra nó, mà mang những cái tên ngọt ngào khác nhau. Nàng biết rất nhiều tên và đọc chúng như một bài thơ dài: “Tuyết muộn hoa lê”, “Giấc mơ cầu hoa trà”, “Bóng liễu”, “Mây lang thang mùa hạ”, “Khúc hát chim vàng anh trong sương mù xanh”, “Trăng lên”, “Ao sen”, “Mùi hương sau cơn mưa thu”, “Thác hoa cúc dại”, “Hoa lan lười nhác”…
Ông nội, người cho nàng tất cả những gì nàng muốn, nói rằng phụ nữ thượng lưu đặc biệt hơn cả loại lụa mịn nhất.
Ông nội sinh ra trên đường lưu vong nên thích những thứ kỳ thú. Ngoài khả năng thi họa, ông còn là một tay đàn tỳ bà bốn dây siêu hạng. Ông chán ở quê và lên kinh thành của những hội hè miên man. Một chiếc thuyền phủ trướng thêu là ngôi nhà thứ ba của ông. Ông thích trôi nổi trên những con kênh từ sáng sớm để ngắm nhìn màu trời bình minh thay đổi, lướt qua các nhịp cầu và viết thư pháp trên nước bằng cách dùng cán cây quạt của mình để đẩy dồn ánh mặt trời.
Phụ nữ ngồi bên những khung cửa sổ rình xem ông đến; họ mân mê tấm khăn trong tay rồi ném xuống mũi thuyền những bó hoa trong đó gói ghém những bức thư tình. Ông chọn lựa tùy theo thơ hay thơ dở. Khi ông cập bến căn nhà, những người đàn bà vốn thích đeo mạng che kín khuôn mặt đẹp mỗi khi ra đường đều để lộ mặt mộc đến chen lấn nhau đón chào ông. Giữa những tấm màn khảm ngọc trai và những bình đốt trầm hương, những bàn tay trắng nõn mời ông ăn những món nóng hổi, rồi mang đến đĩa vàng, đĩa bạc, trên đó xếp từng lát cá sống theo hình muôn loài hoa. Sau giấc nghỉ trưa, mọi người chơi đối đáp nhau theo nhịp một chiếc cồng nhỏ và người thua phải cạn chén. Vui vẻ say sưa, ông nội nàng sẽ dùng miếng gảy ngà chơi đàn tỳ bà, thân đàn giống như thân thể một phụ nữ và sẽ hát, những khúc ca ngẫu hứng. Giống như sự nổi tiếng của xưởng kim hoàn sẽ làm nên giá trị của những viên đá quý, những người phụ nữ được vinh danh trong các bài thơ của ông cũng được thơm lây muôn phần.
Khi đêm xuống, căn nhà của ông nội nhộn nhịp hẳn lên. Như những đám mây muôn màu của buổi chiều tà, thuyền bè được sơn vẽ sẽ đỗ đầy bốn phía kinh thành. Gió thổi nhẹ qua ống tay áo của những bóng người ngồi bên mũi thuyền và làm phập phồng cổ áo. Tóc búi cao, mặt điểm trang son phấn, môi tô son và mắt được tôn lên nhờ những đường kẻ đen, khách khứa nhẹ nhàng phe phẩy những cây quạt lông chim quý hiếm chẳng hạn như chim Thiên thần bất tử, rồi lũ lượt kéo vào vườn Ngọc Hồ, được Mẹ Thiên nhiên đất Tây đô dâng tặng. Thuyền bè cập bến. Dựa vào tay người hầu, họ nhảy lên mặt đất. Những đôi ủng làm bằng gỗ quý của họ gõ cộc cộc. Những đôi giày cao gót nhồi bột trầm hương in dấu những bông hoa sen trắng trên con đường lát đá đen. Họ sẽ đến ngồi trong những tửu lầu nhìn ra kênh, uống rượu và nhâm nhi những lát cá tươi bắt trên sông Dương Tử rồi luận bàn về sự bất tử và thuật đắc nhân tâm. Trời vào đêm. Trăng lên cao. Những chiếc đèn lồng hoa đăng được thả xuống kênh nổi bập bềnh rồi xoay tròn, báo hiệu một kiều khách nổi tiếng sắp đến. Những chiếc thuyền mũi nhọn ló ra từ đêm đen. Với khuôn mặt che mạng kín, nàng cúi chào tất cả mọi người, ngâm một bài thơ với đàn tỳ bà rồi chiếc thuyền chở nàng biến mất vào trong những chiếc bóng lấp lánh trên sông.
Ông nội và cha nàng không thể sống cùng nhau. Ông nội giọng nói lớn, ngủ rất trễ và dậy sớm. Ông có thể diễn thuyết về hình dáng các vì sao đến tận sớm tinh mơ rồi đi lang thang trên những con kênh để đón ánh mặt trời. Cha nàng thì khác, ông rút lui từ sớm, dậy trễ và lảng tránh những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng. Trắng trẻo và đa tình, ông có giọng nói nhỏ nhẹ và ánh mắt của người mơ ngủ. Sao chiếu mệnh của hai người đối lập nhau, người đầu tiên mạng Mộc, còn người thứ hai mạng Kim. Khi hai người giận nhau, mấy ông chú cả trong nhà nói “dao” đã đâm vào “cây”. Chỉ sau cái chết của Mẹ Lưu và ông nội, nàng mới được biết cha nàng.
Trên thuyền, cha nàng không bao giờ ngồi. Ông nằm ườn ở mũi thuyền dưới một cây dù. Dập dềnh đều đặn theo sóng nước, mọi người đến gần một hòn đảo hoang bao quanh toàn lau sậy mọc tua tủa trên đường chân trời. Khi cha và con gái đến, ngay lập tức một đám đông bao quanh nàng. Nàng bám vào tay áo cha mình. Người ta chào hỏi cha nàng rồi ngợi khen nàng không tiếc lời:
– Quả nhiên là tố nga khuynh thành mà!