Đọc truyện Đại Tạng Kinh – Kinh Điển Phật Giáo – Chương 142: Kinh Đại Phương Quảng Về Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn Của Như Lai
Kinh Đại Phương Quảng về Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như LaiTÔI NGHE NHƯ VẦY:Một thuở nọ, Đức Phật thành Chính Đẳng Chính Giác ở dưới cội Đạo thụ trong nước Thiện Thắng.Cội Đạo thụ đó tên là Vô Tội.
Rễ cây rất sâu và cứng chắc.
Thân cây cao vót, thẳng đứng, tròn trịa, và không có đốt, như trụ hương đàn.
Chim muông thường bay vòng quanh cây này, nhưng chúng chẳng thể bay qua ở trên.
Vỏ cây mịn và sáng láng, với nhiều màu xen kẽ, tựa như tấm lụa.
Lá cây màu xanh biếc, rậm rạp, và trải khắp đến nhiều nhánh.
Ở xung quanh cây đều có các loại hoa xinh đẹp nở rộ.
Chúng tỏa ra mùi hương thơm phức và rất đáng yêu thích; ngoại trừ hoa địa phá và hoa hương biến, không một loại hoa nào có thể sánh bằng.Lại có vô lượng cây nhỏ ở xung quanh.
Cội Đạo thụ vương này xum xuê, sừng sững, và thanh tú.
Nó như từ núi Diệu Cao trông xuống các núi khác.
Dẫu cách xa ngoài một yojana [dô cha na], nhưng mọi người đều có thể trông thấy.
Mùi hương của nó lan tỏa khắp nơi và chiếu sáng hiển hách.
Khi nhìn từ xa vào ban đêm, người ta tưởng rằng đó là một đống lửa lớn.
Ở phần dưới của cây này trang nghiêm, mỹ lệ, và mở thoáng ở bốn phía, như khu vườn Hoan Hỷ với cỏ thơm mượt mà.
Nó lại như cổ của con công, xinh đẹp và thơm ngát.
Mọi người ngắm nhìn đều không chán mỏi.Ở tại nơi đây, Như Lai ngồi đoan nghiêm, với đại chúng vây quanh, như mặt trăng ở giữa các vì sao.❖Bấy giờ có chư Phật ở phương khác nhiều bằng số lượng của vi trần trong mười cõi Phật.
Vì muốn trang nghiêm thính chúng trong Đạo Tràng của Quang Minh Biến Chiếu Như Lai, các Ngài thị hiện với hình tướng của Bồ-tát và đến ngồi tại Pháp hội.Tên các ngài là: Quán Tự Tại Bồ-tát, Diệu Cát Tường Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát, Hư Không Tạng Bồ-tát, Kim Cang Tạng Bồ-tát, Tịnh Danh Bồ-tát, Thiện Uy Quang Bồ-tát, Diệt Chư Cái Bồ-tát, Bảo Thủ Bồ-tát, Đại Tuệ Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, và chư đại Bồ-tát khác như thế làm thượng thủ.Lại có vô lượng nghìn ức chư Bồ-tát hiện làm thân Thanh Văn và cũng đến ngồi tại Pháp hội.Tên các ngài là: Tôn giả Thu Lộ Tử, Tôn giả Đại Thải Thục Thị, Tôn giả Phú Chướng, Tôn giả Giải Bổn Tế, Tôn giả Đại Ẩm Quang, Tôn giả Cận Thủ, Tôn giả Vô Diệt, Tôn giả Thất Tú, Tôn giả Khánh Hỷ, Tôn giả Thiên Nhiệt, Tôn giả Hiền Hỷ, và các vị khác như thế làm thượng thủ.
Tất cả các ngài đều đã từ lâu tu hành Sáu Độ và gần chứng Phật Đạo.
Vì để hóa độ chúng sinh ở cõi nước tạp nhiễm này, nên các ngài hiện làm thân Thanh Văn.Lại có vô lượng nghìn vị Bhikṣuṇī [bíc su ni], với Bhikṣuṇī Đại Thắng Sinh Chủ làm thượng thủ.
Tất cả đều đã thành tựu Đạo nghiệp của bậc đại trượng phu.
Vì muốn điều phục những chúng sinh thấp kém, nên các ngài hiện làm thân nữ.Lại có vô lượng Phạm Vương, Năng Thiên Đế, và Hộ Thế Thiên Vương, cùng trời, rồng, quỷ tiệp tật, tầm hương thần, phi thiên, kim sí điểu, nghi thần, đại mãng xà, người và phi nhân.
Tất cả các vị ở trong đó đều là chư đại Bồ-tát, và chẳng một ai là phàm phu.❖Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi ở dưới cội Đạo thụ, trang nghiêm, thanh tịnh, và vi diệu, ví như đặt viên ngọc như ý ở dưới cây hương biến.
Chính niệm của Ngài bất động như núi Diệu Cao.
Vì muốn chư Bồ-tát và hết thảy chúng sinh hiểu rõ sức uy thần thâm sâu và thiền định bí mật của chư Phật, Ngài nhập chính định tên là Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như Lai.Lập tức, mỗi tướng trong 32 tướng hảo của Thế Tôn đều hiện vô lượng cõi Phật khắp mười phương và chư Phật ở các quốc độ kia, ví như các hình sắc phản chiếu trong gương sáng.Lại nữa, mỗi vẻ đẹp trong 80 vẻ đẹp đều hiện ra hạnh Bồ-tát của Như Lai đã tu hành vào thuở xưa, kể từ khi ngài làm đức vua Quang Minh và cho đến thời gian khi ngài tu hành ở nơi của Đức Phật Nhiên Đăng.
Lại cũng hiện ra hết thảy những khổ hạnh khó làm, như là xả bỏ đầu mắt thân thể, da thịt tay chân, vợ con tôi tớ, cung điện ngôi vua, và các việc như thế.Do chính định ấy có đại uy lực, nên tất cả chư Phật luôn nhập định này khi các Ngài thọ trai, kinh hành, thuyết Pháp, hoặc lúc vào tịch diệt.Vì sao thế? Bởi tất cả Như Lai nương chính định này mà thành tựu vô lượng sức đại uy thần và cho đến chứng nhập hết thảy pháp không, và có thể ở trong tất cả cõi Phật khắp mười phương mà thị hiện muôn việc tự tại.Đây ví như có người thấy muôn sự khác lạ trong mơ.
Khi thức giấc, những gì người ấy đã thấy đều tan biến.
Phàm phu thì cũng như thế.
Do sống trong mộng của vô minh, nên họ vọng thấy các pháp mà cho rằng là thật.
Trái lại, chư Phật do đã giác ngộ, nên đều chẳng chấp trước bất cứ thứ gì.
Bởi vậy chỉ một niệm, các Ngài với sức tự tại vô ngại, có thể thị hiện vô lượng Phật sự của tất cả thế giới trong mười phương, và khiến hết thảy chúng sinh đều ngộ vào vô lượng môn giải thoát thâm diệu.❖Lúc bấy giờ Đức Tạng Bồ-tát, do tu hành Đạo hạnh vẫn chưa viên mãn, nên ngài hỏi Phổ Hiền Đại Bồ-tát rằng:”Thưa Nhân Giả! Chính định mà Như Lai vừa vào gọi là gì? Làm sao có thể chứng đắc? Tại sao Ngài có thể thị hiện tự tại đủ mọi Phật sự của tất cả thế giới trong mười phương để độ thoát chúng sinh?”Khi ấy Phổ Hiền Bồ-tát bảo Đức Tạng Bồ-tát rằng:”Lắng nghe, lắng nghe! Tôi sẽ thuyết giảng cho ngài.”Bấy giờ chư Bồ-tát đều nhất tâm chiêm ngưỡng và đồng thanh tán thán rằng:”Câu hỏi này rất hay và vi diệu sâu xa.
Thánh giả Phổ Hiền, bậc thấy biết tất cả, nay sẽ diễn nói.”Ngay lúc ấy, đại địa đều chấn động sáu cách, và trời mưa diệu hoa.
Hết thảy phiền não và khổ ách của chúng sinh đều tạm dừng nghỉ.Phổ Hiền Bồ-tát bảo rằng:Phật tử! Tên của chính định này là Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như Lai.
Nó chính là Đạo của tất cả chư Phật, do bởi chư Như Lai luôn trụ ở trong ấy.❖Sau khi Thế Tôn được thọ ký từ chỗ của Đức Phật Nhiên Đăng, ngài liền nhập định này.
Ngài tự nhiên ứng hiện vô lượng Phật sự mà chẳng cần dùng chút công sức nào.Như ở trên đầu sợi lông giữa hư không có thế giới của chư Phật nhiều như vi trần trong tất cả cõi Phật, ngài ở trong ấy thị hiện:- hoặc sinh lên trời Hỷ Túc;- hoặc từ cõi trời kia hạ sinh vào thai mẹ;- hoặc thị hiện lúc vừa sinh đi bảy bước và tự nói rằng: “Ta bây giờ đang ở ranh giới của sinh tử.”;- hoặc thị hiện ở trong cung rồi xuất gia để tu khổ hạnh;- hoặc thị hiện hàng phục ma quân, thành Chính Đẳng Chính Giác, và chuyển diệu Pháp luân;- hoặc thị hiện trụ ở thế gian để độ các chúng sinh trong vô lượng kiếp và khiến họ thảy đều lìa xa khổ ách;- hoặc thị hiện vào tịch diệt.Ngài thị hiện tất cả kiếp thành một niệm, hoặc một niệm bằng tất cả kiếp, mà kiếp và một niệm chẳng hề tăng hay giảm.
Cho đến nếu hết thảy chúng sinh vẫn còn chưa giải thoát hết, trong mỗi niệm, ngài luôn ở mọi lúc để rộng làm đủ mọi Phật sự trong các thế giới đó, mà chưa hề thôi nghỉ hay phải dùng chút công sức nào.Như ở trên đầu sợi lông giữa hư không kia có vô lượng thế giới, trong niệm niệm, với chẳng cần dùng chút công sức nào, không những ngài hiện khắp đủ mọi uy nghi Pháp tắc của chư Phật ở trong đó, mà cho đến ở trên đầu sợi lông của vô lượng thế giới biến khắp hư không cũng lại như thế.❖Lại nữa, mỗi vi trần trong các thế giới này còn có những quốc độ nhiều hơn số lượng vi trần của tất cả cõi Phật.
Cũng với trong một niệm, mỗi cõi nước tự nhiên hiện khắp sự tu hành uy nghi của hết thảy chư Phật: như là sinh lên thiên cung và cho đến diệt độ, hoặc giải thoát vô lượng vô số chúng sinh.
Như vậy trong từng niệm cho đến hết vị lai, chư Phật luôn làm Phật sự để làm lợi ích cho chúng sinh.
Dẫu cho cõi giới hư không tận và cõi giới chúng sinh tận, chư Phật sẽ không bao giờ thôi nghỉ.
Tuy vậy, cõi Phật cũng chẳng giảm, và vi trần cũng chẳng tăng.Vì sao thế? Bởi hết thảy pháp đều như ánh lửa huyễn ảo và chẳng kiên cố.Ví như ở Pháp hội này có số lượng của chư đại Bồ-tát bằng số lượng của vi trần trong mười cõi Phật.
Tất cả đều cùng trú ở nước Thiện Thắng với bề ngang chỉ 12 yojana, mà chẳng hề chướng ngại lẫn nhau.
Cũng thế, mỗi vi trần kia chứa đựng vô số thế giới của chư Phật.- Hoặc có những thế giới hướng lên.- Hoặc có những thế giới hướng xuống.- Hoặc có những thế giới hướng đối nhau.- Hoặc có những thế giới hướng ngược nhau.- Hoặc có những thế giới hướng song song với nhau.- Hoặc có những thế giới xuyên vào nhau mà chẳng hề chướng ngại lẫn nhau.Cũng lại như vậy, như người trong mơ thấy đủ mọi việc ở tại một nơi.
Do bởi chúng chẳng phải thật, cho nên chúng không hề chướng ngại lẫn nhau.❖Tất cả thế giới ấy hoàn toàn là do tâm của họ hiện ra:- hoặc thấy thế giới đang ở kiếp lửa, hay đã thiêu rụi;- hoặc thế giới đang hình thành bởi gió;- hoặc thế giới tịnh hay uế;- hoặc thế giới chẳng có Phật.Chúng sinh thấy muôn sự chẳng giống nhau như thế đều là tùy theo tâm nghiệp của họ.
Ví như ngạ quỷ bị đói khát bức bách nên chúng đi đến bờ sông Hằng.
Hoặc có ngạ quỷ thấy nước, nhưng cũng có ngạ quỷ chỉ thấy toàn là đồ bất tịnh, như là tro, máu, mủ, và phân.Chúng sinh cũng lại như vậy.
Tùy theo nghiệp mà thấy cõi Phật của họ có khác nhau:- hoặc thanh tịnh hay uế trược;- hoặc Phật còn tại thế hay đã vào tịch diệt;- hoặc họ thấy Phật đang ở Đạo Tràng thuyết Pháp cho đại chúng;- hoặc họ nghe Phật thuyết giảng Chân Lý Cứu Cánh;- hoặc họ nghe Phật thuyết giảng và ngợi khen Pháp bố thí;- hoặc họ thấy Phật đang đi hay đứng;- hoặc họ thấy Phật đang ngồi hay thọ trai;- hoặc họ thấy thân Phật cao lớn gấp bội hay thậm chí gấp bảy lần so với người thường, cho đến cao 1 yojana, 100 yojana, hay 1.000 yojana;- hoặc họ thấy uy quang của Phật như mặt trời mọc hay như ánh trăng rằm;- hoặc do bởi nghiệp chướng nên họ sinh ra ở vào thời Đức Phật Thế Tôn đã diệt độ từ lâu;- hoặc họ chẳng nghe các danh hiệu của chư Phật, như loài ngạ quỷ kia đều chẳng thấy nước trong sông Hằng, mà chúng chỉ thấy đầy rẫy đồ dơ bẩn.- hoặc họ thấy mỗi chư Phật từ cõi nước của mình thị hiện với hình tướng uy đức của đại Bồ-tát mà đến dự Pháp hội này;- hoặc trong cõi nước có chúng sinh chỉ thấy kiếp lửa đang thiêu đốt;- hoặc trong cõi nước có chúng sinh đầy khắp đồng thấy Phật;- hoặc họ thấy Như Lai lấy tất cả cõi nước bỏ vào một cõi Phật;- hoặc họ thấy Như Lai lấy một cõi Phật bỏ vào tất cả cõi nước.Đây ví như người với mắt có bệnh.
Cùng một chỗ mà họ thấy cảnh vật sai khác, mà chẳng hề chướng ngại lẫn nhau.
Do bởi mắt có bệnh, họ không thể thấy hình sắc chân thật.
Chúng sinh cũng lại như vậy.
Mặc dầu sắc tính không bị chướng ngại, nhưng do tâm duyên sai khác, nên che lấp chính kiến và họ chẳng thể hiểu rõ chân thật.❖Phật tử! Bây giờ ta lại vì Nhân Giả mà lược nói Pháp để trụ chính định này.
Khi Đức Phật Thế Tôn trụ ở chính định này, chỉ trong một niệm, biến khắp cõi giới hư không, Ngài có thể hiện khắp vô lượng cõi Phật ở trên đầu sợi lông.
Lại nữa, mỗi vi trần trong mỗi cõi Phật kia có quốc độ nhiều như số vi trần trong Pháp Giới.
Vì muốn làm lợi ích cho các chúng sinh, trong mỗi niệm, biến khắp mỗi cõi nước, Ngài có thể hiện sức phương tiện và sự tu hành uy nghi của chư Phật nhiều như số vi trần trong mười cõi Phật.
Và luôn hiện ra như thế không gián đoạn, cho đến khi nào tất cả chúng sinh đều chứng đắc Đạo vô thượng.
Chẳng phải chỉ một Đức Phật hiện ra như thế, hoặc hai hay ba, mà cho đến hết thảy chư Phật trong mười phương, mỗi vị đều hiện sức đại uy đức cũng lại như vậy.”Khi nghe những lời đó xong, Đức Tạng Bồ-tát liền ở tại chỗ ngồi mà đắc môn chính định này.
Ngay lập tức, ngài thấy vô lượng chư Phật, cùng biết được sức phương tiện và uy đức của chư Phật kia.
Bằng với sức chính định, ngài cũng có thể điều phục chúng sinh như vậy.Giữa lúc ấy, lại có số lượng Bồ-tát nhiều như số cát của 100 sông Hằng, mỗi vị chứng đắc đủ mọi môn chính định, Nhẫn, và các Địa.Quán Tự Tại Bồ-tát và chư đại Bồ-tát đang trụ ở Địa Thứ Mười thì công đức và diệu hạnh đã viên mãn.
Từ lâu xa, họ đều đã đắc môn chính định này.
Họ có thể lấy vô lượng kiếp bỏ vào trong một niệm, có thể lấy vô lượng cõi nước bỏ vào trong một vi trần, và có thể thị hiện ở khắp tất cả cõi nước với chỉ trong một niệm.
Các ngài luôn hóa độ vô lượng chúng sinh mà chẳng cần dùng chút công sức nào, do bởi có thể tự nhiên thị hiện các Phật sự.
Mặc dầu nay cũng nghe Pháp này, nhưng họ không có tiến triển gì thêm.
Đây ví như có một bình nước đã tràn đầy được đặt dưới mưa.
Nó không thể chứa thêm một giọt nào khác.
Chư Bồ-tát này đây cũng lại như vậy.❖Lúc bấy giờ ở trong chính định, Thế Tôn phóng hào quang từ giữa đôi chân mày, tên là Đại Hiển Phát.
Hết thảy chư Bồ-tát nào còn phải dùng công sức để làm và vẫn chưa chứng Địa Thứ Mười, một khi ánh sáng đó chạm đến, họ đều thấy vô lượng cõi Phật ở trên đầu sợi lông giữa hư không, cũng như vô lượng cõi Phật ở trong vi trần.Đây ví như bình lưu ly đựng những hạt cải trắng và mọi người đều thấy rõ.
Chư Bồ-tát kia thấy hết thảy cõi Phật ở trong vi trần cũng lại như vậy.
Họ cũng thấy tất cả chư Phật ở trong những quốc độ kia.
Ở trong mỗi thân của Phật, họ thấy tất cả chư Phật.
Mỗi chư Phật có vô lượng danh hiệu, đều là vì để làm lợi ích cho mỗi chúng sinh.
Trong từng niệm, chư Phật luôn tự nhiên ứng hiện ở mỗi cõi Phật và thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Đây ví như ở trên chóp tràng phan cao vót mà đặt một viên ngọc như ý.
Tùy theo ước mong của chúng sinh, nó sẽ tự nhiên mưa khắp muôn loại trân bảo để khiến họ đều mãn nguyện.
Cũng như vậy, Như Lai thị hiện thành Chính Đẳng Chính Giác và tự nhiên độ thoát vô lượng chúng sinh.
Ở trong các quốc độ ấy, chúng sinh đều có sai khác, nhưng mỗi người họ chẳng hề chướng ngại lẫn nhau.
Đây cũng như có người du hành trong hư không bằng sức thần thông; các núi non, sông hồ và vách đá đều chẳng bị ngăn ngại.Vì sao thế? Bởi hết thảy các nghiệp đạo đều như ánh lửa huyễn ảo và chẳng kiên cố.Khi đã thấy như thế xong, mỗi Bồ-tát đều tự thấy thân mình biến khắp ở tất cả quốc độ.
Ở trong một niệm, họ đến trước mỗi chư Phật và cung kính cúng dường suốt một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, cho đến trăm nghìn kiếp, hay thời gian của một niệm, hoặc chỉ một thoáng.
Hoặc họ nghe chư Phật tuyên thuyết các Pháp Đến Bờ Kia, các môn tổng trì, hay giảng về các Địa.
Hoặc họ thấy chư Phật hiện thần biến, như là lấy tất cả kiếp bỏ vào trong một niệm.Khi thấy như thế, họ sinh tâm rất kỳ đặc, khởi ý tưởng khó gặp, và nghĩ như vầy:”Làm sao Thế Tôn với uy đức tự tại, chỉ trong một niệm, mà có thể khiến mình đầy đủ thiện căn phúc đức trong vô lượng kiếp, và nhanh chứng đắc sức đại uy thần trong Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như Lai Chính Định?”❖Lúc bấy giờ Đức Tạng Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho các chúng sinh, nên ngài lại hỏi Phổ Hiền Bồ-tát rằng:”Nếu có ai muốn chứng đắc môn chính định này, họ phải tu phúc đức, bố thí, trì giới, và trí tuệ như thế nào?”Khi ấy Phổ Hiền Bồ-tát, bậc thị hiện thành chính giác ở khắp tất cả tịnh độ trong mười phương để hóa độ chúng sinh, bảo Đức Tạng Bồ-tát rằng:”Phật tử! Nếu ai muốn chứng đắc môn chính định này, trước tiên họ nên tu phúc và gieo trồng các thiện căn, như là luôn cúng dường Phật Pháp Tăng và hiếu dưỡng cha mẹ.
Họ nên từ bi thương xót, chiếu cố, và không bỏ rơi tất cả những ai bần cùng khổ não, không người cứu hộ, không chỗ cậy nương.
Thậm chí ngay cả thân thể của mình, họ cũng không luyến tiếc.Vì sao thế? Bởi ai cúng dường Phật thì sẽ được phúc đức lớn.
Họ sẽ nhanh thành Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, và khiến các chúng sinh đều được an lạc.Ai cúng dường Pháp thì sẽ tăng trưởng trí tuệ.
Họ sẽ chứng Pháp tự tại, và có thể thấu rõ chân chính về thật tính của các pháp.Ai cúng dường chư Tăng thì sẽ tăng trưởng vô lượng phúc đức và trí tuệ, là tư lương để thành Phật Đạo.Đối với cha mẹ, tôn trưởng, tôn sư, và những ai trong thế gian đã từng làm lợi ích và giúp đỡ mình, họ nên hiếu dưỡng và nghĩ tưởng để báo đáp ân đức gấp bội.Vì sao thế? Bởi những ai biết ơn, tuy vẫn còn trong sinh tử, nhưng thiện căn của họ sẽ không bị hủy hoại.
Còn những kẻ vong ân thì căn lành của họ sẽ bị hủy hoại và làm các nghiệp ác.
Bởi vậy, Như Lai ngợi khen những ai biết ơn, chê trách những kẻ vong ân, luôn xót thương và cứu độ các chúng sinh khổ đau.Lại nữa, Bồ-tát do tu hành như thế nên sẽ không bao giờ mất những căn lành rộng lớn của họ.
Nếu ai có thể siêng tu phúc đức, luôn nhớ báo ơn, và từ bi thương xót chúng sinh, thì Đạo đã ở trong tay của họ.Chúng ta nên biết lời Phật dạy:Ai có thể tùy thuận cúng dường ba loại phúc điền này, họ sẽ thành tựu vô lượng căn lành.❖Đức Tạng Bồ-tát! Nhân Giả phải biết, Bồ-tát kế đến nên gieo trồng hạt giống quảng đại, thì sẽ mới nảy mầm chính định này và sẽ thành Đạo Quả.Làm sao trồng được hạt giống này? Đó là cung kính cúng dường chư Phật hiện tại hoặc hình tượng của Phật, như là dâng lên muôn loại vòng hoa vi diệu, hương xoa, hương bột, và các loại âm nhạc.Người cúng đường kia nên nghĩ như vầy:Như đã nói ở trên, ở trên đầu sợi lông của vô lượng thế giới biến khắp hư không và vô lượng thế giới ở trong những hạt vi trần, ta thảy đều thấy chư Phật với sức uy thần ở giữa chư Bồ-tát.
Trong tất cả Pháp hội của chư Phật kia, với nhất tâm chính niệm, ta đều rộng cúng dường.
Nếu ta cúng dường một Đức Phật Pháp tính, tức là cúng dường tất cả chư Phật Pháp tính.
Nếu ta cúng dường một vị Như Lai, tức là cúng dường tất cả chư Như Lai.
Bằng vào thần lực của mỗi chư Phật kia, ta cũng có thể lấy vài kiếp bỏ vào trong một niệm, và cúng dường chư Như Lai suốt trong những kiếp ấy.Nếu có chúng sinh nào tín giải Pháp gieo trồng hạt giống quảng đại này, họ sẽ có thể đắc Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như Lai Quảng Đại Chính Định kia.Do đó, thiện nam tử! Hãy nên đối với Pháp này mà cúng dường mỗi ngày.
Bởi vì, dẫu chỉ một lần kính lễ chư Phật, thì họ cũng có thể khiến hạt giống tăng trưởng và nảy mầm chính định này.Lại nữa, Bồ-tát luôn nên tưới vào hạt giống chính định này với bố thí, trì giới, đại nguyện, và trí tuệ.❖Lại nữa, khi Bồ-tát tu hành bố thí để tưới vào hạt giống chính định này, họ không nên đối với phúc điền mà phân biệt: thân thuộc hay oán thù, thiện hay ác, trì giới hay phá giới, giàu sang hay nghèo hèn.Bồ-tát nên nghĩ như vầy:Mặc dầu sự bố thí của mình cho người giàu sang thì đối với họ chẳng có ích lợi, nhưng mình vẫn nên tu tập bố thí.❖Lại nữa, Bồ-tát nên trì giới thanh tịnh.
Khi thấy kẻ hủy phạm giới cấm, Bồ-tát nên khởi lòng đại bi thương xót, và chớ nên sinh tâm chán ghét hay giận dữ đối với họ.❖Lại nữa, Bồ-tát nên phát quảng đại thệ nguyện như vầy:Trong niệm niệm, ở trên đầu sợi lông của vô lượng thế giới biến khắp hư không, và cho đến vô lượng thế giới ở trong vi trần của tất cả cõi Phật, con nguyện thành Chính Đẳng Chính Giác và chuyển diệu Pháp luân để độ các chúng sinh.
Con sẽ như Thế Tôn Quang Minh Biến Chiếu hiện nay–không chút sai khác.
Con sẽ lấy vô lượng kiếp bỏ vào trong một niệm mà chẳng cần dùng chút công sức nào.
Liền ngay sau đó, ở trong mỗi cõi nước, con sẽ hiện uy nghi của chư Phật nhiều như số vi trần trong các cõi Phật.
Mỗi uy nghi của con sẽ độ Hằng Hà sa chúng sinh, và khiến họ đều lìa xa khổ ách.
Dẫu cho cõi giới hư không tận và cõi giới chúng sinh tận, con sẽ không bao giờ thôi nghỉ.❖Phật tử! Sao gọi là tu trí tuệ? Hãy nhất tâm lắng nghe! Ta nay sẽ thuyết giảng cho ông.Nếu thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân nào vì cầu Đạo vô thượng mà phát tâm muốn chứng môn chính định này, người ấy trước tiên nên tu trí tuệ.
Đó là vì môn chính định này phải có trí tuệ mới được thành tựu.Những ai tu tập trí tuệ thì phải nên lìa xa nói dối, nói thêu dệt, các sự rối loạn, và những việc vô ích.
Tuy khởi lòng đại bi đối với các chúng sinh, nhưng họ phải luôn nhiếp tâm, chớ để nhiễm ô và tán loạn.❖Kế đến, người ấy hãy đi vào tinh xá để chiêm ngưỡng hình tượng Phật.
Thân Phật được trang nghiêm bằng màu vàng hay làm bằng vàng ròng, với thân tướng viên mãn.
Ở trong vầng hào quang, họ nên thấy vô lượng hóa Phật đang ngồi thứ tự và nhập chính định.Khi ấy ở trước tượng, họ nên cúi đầu đỉnh lễ với trán chạm sát chân và tư duy như vầy:Mình đã nghe rằng, hiện đang có vô lượng chư Phật khắp mười phương xuất hiện ở thế gian, như là Nhất Thiết Nghĩa Thành Phật, Vô Lượng Thọ Phật, Bảo Tràng Phật, Bất Động Phật, Quang Minh Biến Chiếu Phật, Bảo Nguyệt Phật, Bảo Quang Phật, và chư Phật khác như thế.Tùy theo lòng kính ngưỡng đối với chư Phật kia, người ấy nên sinh đại tín tâm thanh tịnh.
Họ nên nghĩ tưởng hình tượng Phật như là chân thân của chư Như Lai kia, và cung kính tôn trọng như đang thấy ở trước mắt.
Với nhất tâm bất loạn, người ấy hãy quán rõ trên dưới của hình tượng.Tiếp theo, họ nên đi đến một nơi vắng vẻ, rồi ngồi ngay thẳng, và tư duy hình tượng Phật như đang đối diện trước mặt với khoảng cách chừng một cánh tay; hãy luôn nhất tâm quán sát và chớ để phai mất.
Giả như bỗng phai mất, họ nên trở lại tinh xá để chiêm ngưỡng hình tượng Phật thêm một lần nữa.
Khi nghĩ tưởng hình tượng, họ nên hết mực sinh tâm cung kính tôn trọng, như là chân thân của Phật đang ở trước mặt của người ấy.
Họ nên thấy một cách rất rõ ràng và chẳng còn nghĩ rằng đó là hình tượng.Khi đã thấy rồi, họ hãy làm muôn sự cúng dường ở chỗ của Đức Phật kia, như là dâng lên vòng hoa vi diệu, hương xoa, hương bột, và cung kính đi nhiễu bên phải.
Người ấy nên nhất tâm chuyên niệm và nghĩ tưởng hình tượng của Thế Tôn, như là Ngài đang đứng ở trước họ.Đức Phật Thế Tôn, là bậc thấy tất cả, bậc nghe tất cả, và bậc biết tất cả; Ngài tất hiểu rõ cõi lòng của ta.Họ nên nghĩ tưởng nhiều lần như thế.
Khi đã nghĩ tưởng thành tựu, họ hãy trở lại nơi vắng vẻ, chính niệm quán sát Đức Phật kia và chớ để phai mất.
Với nhất tâm và tinh tấn, họ hãy tu tập như thế suốt 21 ngày.
Nếu ai có phúc đức thì sẽ liền thấy Như Lai hiện ra ở trước mặt.
Còn những ai có nghiệp chướng do tạo ác ở đời trước, họ tất sẽ không thấy.
Tuy nhiên, nếu người ấy có thể nhất tâm, tinh cần không thoái chuyển, và đừng nghĩ bất cứ điều gì khác, thì họ vẫn nhanh thấy được Như Lai.Vì sao thế? Bởi nếu có ai vì cầu Đạo vô thượng mà chuyên tâm tu tập, thì không việc gì mà chẳng thành.
Trái lại, nếu ai đối với sự tu hành mà luôn luôn khiếp nhược và thoái chuyển, họ còn không thể tự giải thoát.
Hà huống là độ thoát các chúng sinh khổ đau.
Nếu ai gặp Chính Đạo như thế để nhanh được thành Phật nhưng chẳng thể tinh tấn tu hành, thì phải biết người ấy chỉ là một gánh nặng cho đại địa mà thôi.Đây ví như có người uống một bụm nước trên tay từ trong biển cả, thì họ tức là đã uống nước của tất cả sông hồ ở châu Thắng Kim.
Bồ-tát cũng lại như vậy.
Nếu có thể tu tập trong biển tuệ giác này, thì họ tức là đã tu hành hết thảy chính định, các Nhẫn, các Địa, và các môn tổng trì.
Do đó, hành giả phải luôn tinh tấn tu hành, lìa xa lười biếng và buông lung.
Họ nên nhất tâm chuyên niệm thì mới có thể tự thấy Đức Phật hiện ra ở trước mặt.Đương lúc tu tập như thế, khi hành giả thấy Đức Phật lần đầu tiên, họ có thể sẽ nghĩ như vầy:Đây là Đức Phật thật hay chỉ là hình tượng?Nếu biết những gì đang thấy là Đức Phật thật, người ấy hãy quỳ hai gối ở trước Phật và chắp tay cung kính.
Họ nên tưởng nhớ đến vô lượng công đức của hết thảy chư Phật trong các thế giới ở trên đầu sợi lông khắp hư không và trong những hạt vi trần.[Rồi hãy thầm nghĩ:]Do bởi lòng đại từ bi, Đức Phật đã hiện ra ở trước mình.
Kính mong Thế Tôn hãy diễn nói cho con Pháp môn Đại Chính Định về Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như Lai.Nếu có nghe bất cứ lời dạy gì từ Như Lai, họ nên nhất quyết tin tưởng và chớ sinh lòng hoài nghi, thì liền ở nơi đó sẽ đắc môn chính định này.Nếu do nghiệp chướng ở đời trước mà không thể hỏi Pháp, người ấy nên tư duy tất cả pháp như huyễn hóa, như ánh lửa, như mắt nhòe, như bóng hiện, như hình tượng, và như giấc mộng.❖Khi quán sát tường tận như thế, họ biết pháp tính vốn không tịch và thầm nghĩ:Mặc dầu Như Lai biết rõ hết thảy các pháp đều như mộng huyễn, nhưng tự tính của Như Lai tựa như hư không và chẳng phải huyễn hóa hay mộng tưởng.
Tuy nhiên, với trí tuệ và từ bi, Ngài hiện ra ở trước mình.
Kính mong Như Lai hãy phóng hào quang đại bi màu xanh để diệt trừ khổ ách của con.Bấy giờ Đức Phật kia sẽ phóng hào quang từ giữa đôi chân mày, tên là Thanh Diễm.
Một khi ánh sáng đó chiếu đến, khổ ách của người ấy liền tiêu trừ.
Lập tức ngay tại chỗ ngồi, họ sẽ chứng đắc Pháp Quang Minh Nhẫn, và nhất định có thể liễu đạt vô lượng môn chính định.
Ở vào đêm thứ bảy, người ấy sẽ mơ thấy được Như Lai thọ ký Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Nếu biết những gì đang thấy là hình tượng, họ hãy tư duy chư Phật và các chúng sinh cũng đều như ảnh tượng; tùy theo sự nghĩ tưởng của người ấy mà hiện ra và chúng không có thể tính chân thật.
Khi đã biết rằng Như Lai như huyễn, như hóa, như mộng, và như ảo, thì người ấy sẽ thấy Đức Phật tự nhiên hiện ra ở trước họ cũng như trong mơ và không thể nắm giữ.- Ngài không có sinh nhưng thị hiện sinh ra.- Ngài không bị diệt nhưng thị hiện diệt mất.- Ngài không rời khỏi nhưng dường như rời khỏi.- Ngài không nhận biết nhưng thị hiện nhận biết.- Ngài không bị pháp hữu vi trói buộc nhưng thị hiện các hành.- Ngài không nói gì nhưng diễn nói các pháp.- Ngài không phải ngã hay thọ.- Ngài không phải chúng sinh hay cần sự nuôi dưỡng.- Ngài không chuyển sinh, không nghĩ tưởng, không tạo tác, không cảm nhận, và không cần ăn uống.- Ngài không phải năm uẩn hay ở trong năm uẩn, nhưng thị hiện năm uẩn.Cho đến 12 xứ và 18 giới cũng lại như thế.
Tất cả đều chẳng có và cũng chẳng không.
Bởi vậy chư Phật cùng hết thảy pháp là bình đẳng chân thật, và đều đồng một tướng như ánh lửa.Hết thảy chúng sinh, chư Phật, và quốc độ đều hiện ra bởi thức và tưởng ở trong tâm của chính họ.
Do thức và tưởng làm duyên mà sinh ra muôn hình sắc; chúng cứu cánh đều chẳng thật có.Như Lai đã lìa tất cả thức và tưởng.
Do đó, người ấy không nên dùng hình sắc để thấy Ngài.
Phải biết rằng hình sắc là do tùy theo tưởng mà sinh ra.
Cho đến hết thảy chư Phật thật trong các thế giới ở trên đầu sợi lông khắp hư không cũng đều như thế.
Các Ngài tựa như hư không, bình đẳng và không sai khác.Nếu phân biệt, họ liền thấy Phật; nếu lìa phân biệt, họ sẽ chẳng thấy gì.
Tâm của chính mình tạo ra Phật; nếu lìa khỏi tâm sẽ không có Phật.
Cho đến hết thảy chư Phật trong ba đời cũng lại như vậy.
Tất cả đều không chỗ có và chỉ nương ở tâm của chính mình.Nếu Bồ-tát nào có thể hiểu rõ, rằng chư Phật và hết thảy pháp đều do tâm suy lường, họ sẽ đắc Tùy Thuận Nhẫn, hoặc được vào Địa Thứ Nhất.
Lúc xả báo thân, người ấy sẽ nhanh sinh về Thế giới Diệu Hỷ hoặc sinh trong Phật độ thanh tịnh của Thế giới Cực Lạc.
Họ sẽ luôn thấy Như Lai và đích thân cúng dường.”❖Lúc bấy giờ Đức Tạng Bồ-tát lại thưa với Phổ Hiền Bồ-tát rằng:”Nếu có chúng sinh nào nghe được Pháp môn này, rồi thọ trì đọc tụng và giảng giải biên chép, thì họ sẽ được bao nhiêu điều phúc lợi?”Phổ Hiền Bồ-tát bảo rằng:”Phật tử, hãy lắng nghe! Giả sử ai đó có thể nhiếp thọ tất cả chúng sinh trong ba cõi để khiến họ thoát sinh tử và thành bậc Ứng Chân.
Rồi suốt 100 kiếp, người ấy làm muôn sự cúng dường cho mỗi vị Ứng Chân đó, như là dâng y phục thượng diệu cõi trời, ẩm thực, giường nệm, và thuốc thang.
Sau khi mỗi vị ấy vào tịch diệt, họ lại xây một ngôi tháp bảy báu để cung kính cúng dường.
Lại nữa, giả sử cũng có người giữ giới cấm thanh tịnh, hoặc tu nhẫn nhục, tinh tấn, hay thiền định suốt 100 kiếp.
Tuy những người ấy sẽ được vô lượng phúc, nhưng sẽ không bằng người nghe được Pháp môn này với lòng tôn trọng tín thọ và không sinh tâm hủy báng.
Phúc đó sẽ hơn những người kia, và họ sẽ nhanh thành chính giác.”Ngay lúc ấy, vô lượng chư Phật ở tất cả thế giới trong mười phương đều tự hiện thân và ngợi khen Phổ Hiền Bồ-tát rằng:”Lành thay, lành thay, Phật tử! Đúng như lời ông nói.”❖Bấy giờ từ ở khuôn mặt, Năng Tịch Như Lai phóng ra vô lượng sắc quang và chiếu khắp ba cõi.
Có muôn loại hoa rơi xuống, các loại âm nhạc vi diệu đều không cần khảy mà tự vang, và đại địa chấn động nhẹ.
Ở trong vầng hào quang, Đức Phật nói kệ rằng:”Nếu tâm thanh tịnh nghe Pháp nàyĐắc các tổng trì, Địa và địnhGiới nhẫn tự tại sức thần thôngCùng nhanh chứng đắc Đạo vô thượngChuyển diệu Pháp luân chưa từng cóCũng như quá khứ chư Đại TiênỞ trong một niệm gồm nhiều kiếpMột trần hiện khắp vô lượng cõiVô lượng chúng sinh trong ba cõiBị các khổ não luôn bức báchTà kiến trói buộc mất Chính ĐạoNiệm niệm họ đều được giải thoát”❖Do Phổ Hiền Bồ-tát đã chứng Pháp môn này từ xa xưa, nên khi ngài thuyết giảng cho đại chúng, có nghìn ức hàng trời người được thoát khỏi tất cả khổ ách và đều không thoái chuyển nơi Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác.Khi ấy Đức Tạng Bồ-tát, hết thảy chư Bồ-tát khác ở chúng hội, cùng trời, rồng, phi thiên, và những loài hữu tình khác trong thế gian, đều rất hoan hỷ và tín thọ phụng hành.Kinh Đại Phương Quảng về Cảnh Giới Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Như LaiDịch sang cổ văn: Pháp sư Hỷ Học (652-710)Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên ThuậnDịch nghĩa: 1/8/2014 ◊ Cập nhật: 10/6/2021☸ Cách đọc âm tiếng Phạnyojana: dô cha naBhikṣuṇī: bíc su ni.