Đọc truyện Đại Mạc Thương Lang – Chương 34: Khoang sắt
Những lời đội phó nói tràn đầy khí khái anh hùng, giống như những lời diễn viên Trương Chí
Kiệt thường nói trên phim, tiếc là tôi còn chưa kịp xúc động thì anh ấy
đã rơi xuống, đột ngột đến nỗi khiến tôi trở tay không kịp. Trong sát
na, tôi vội vàng thò tay ra định tóm lấy, thế nhưng sự việc xảy ra quá
bất ngờ, đến lúc tôi ý thức được, thò tay ra kéo thì đã muộn rồi. Đội
phó cứ thế dán người vào vách đập gần như dựng đứng và trượt thẳng
xuống.
Tôi giật mình thất sắc, trong lúc hoảng hồn, suýt chút nữa cũng bị rơi theo anh ấy, cũng may là bức tường ngoài con đập vẫn hơi có độ dốc, nên anh ấy bị trượt khoảng hai, ba mét thì túm được một sợi dây từ chiếc thang dây thép, như thế mới không bị rơi tan xác. Nhưng, vì
đột ngột chịu xung lực quá lớn, nên dẫu chiếc thang không bị đứt, thì nó cũng bị anh kéo bật ra khỏi bức tường bê tông. Gần như không thể bám
được nữa, tay anh cứ thế trượt xuống dưới.
Tôi vội hét lên, bảo
anh đừng hoảng, tôi sẽ kéo anh lên. Nói xong, tôi nằm rạp người xuống,
ngặt nỗi tay tôi chưa với được một nửa khoảng cách từ chỗ tôi đến chỗ
anh, tôi nhoài hơn nửa người ra ngoài thành đập, nếu cứ nhoài mãi thế
này thì tôi sẽ bị trượt xuống luôn chứ chẳng chơi, thế mà vẫn còn cách
một khoảng khá xa mới túm được tay đội phó.
Cũng may đội phó là
lính chuyên nghiệp, nên sức khỏe dẻo dai hơn người, nhìn thấy tôi nhoài
người xuống, anh vội vàng dồn hết sức đạp chân vào thành đập, rướn người bật lên và thật may đã túm được vào tay tôi.
Tôi tóm được tay
anh liền vội vàng nín thở, lấy hết sức bình sinh kéo lên. Thế nhưng lúc
trước đó, tôi đã lượng sai sức mình cũng như xác định sai vị trí đứng,
tôi nhoài người xuống quá sâu, ban đầu thì có vẻ ổn, nhưng đến khi sức
nặng của cả cơ thể anh ấy tập trung bám vào cánh tay của tôi, thì tôi
mới thấy mình không chịu nổi. Vậy là, cả hai người liền bị kéo tuột
xuống dưới.
Tôi luống cuống đưa tay tìm chỗ bám víu, nhưng với tư thế lúc ấy cho dù có túm được cái gì thì cũng không thể vận sức giữ lại nổi, và kết cục tất yếu là, chỉ trong một phút choáng váng đó, tôi bị
đội phó lôi tuột xuống.
Tôi nhìn đội phó, thấy ánh mắt của anh thật khó tả, còn trong đầu tôi thì hoàn toàn trống rỗng, tất cả diễn ra quá nhanh.
Sau khi rơi xuống, cằm tôi bị cọ sát vào thành bê tông lởm chởm, sau đó tôi lộn nhào mấy vòng liền. Trán tôi cộc phải một thanh thép của thang dây
khiến đầu tôi đau điếng.
Ngay lúc nhìn thấy sợi dây, tôi chợt
nghĩ phải nắm bằng được lấy nó, nhưng vừa kịp nhìn thấy, thì người tôi
đã trượt qua mất. Trong nháy mắt, hai chúng tôi đã trôi tuồn tuột xuống
mười mấy mét, cứ thế trượt xuống tận chỗ chiếc đèn chiếu sáng. Trong
thoáng chốc, tôi nhìn thấy một ô cửa sổ hình vuông trên sườn đập, ánh
sáng trắng chiếu ra từ vuông cửa đó, chói lòa đến mức tôi không mở mắt
ra nổi. Thời khắc ngắn ngủi đó diễn ra chưa đến một giây, tôi tiếp tục
rơi xuống.
Thượng đế thánh thần phù hộ, đang lúc rơi tự do, tôi
bỗng thấy mình khựng lại, bả vai như bị thít chặt, thế rồi tự nhiên dừng lại, dường như tôi bị mắc vào cái gì đó, tôi lắc lắc cái đầu đang trống rỗng của mình ngó lên, chỉ thấy bên ngoài bức tường, cứ một đoạn cách
nhau chừng sải tay lại chìa ra một thanh sắt ngắn, chắc là lúc xây dựng
người ta muốn đảm bảo an toàn nên các đoạn sắt bị uốn cong thành móc ở
đầu đoạn, thật may dây quai chiếc bi đông mà tôi lấy trong phòng máy lúc nãy mắc vào cái móc nên đã giữ tôi ở lại.
Tôi không nhìn thấy
đội phó đâu cả, chiếc đèn duy nhất sắp hết pin tôi mang theo cũng bị rơi mất, xung quanh tôi chỉ còn màn đêm tối thui, cũng may lại có ánh đèn
chiếu, nếu không thì coi như hết đời ở đây. Không biết đội phó có được
may mắn như tôi, cũng mắc lại ở một cái móc nào đó, hay là đang gặp nguy rồi.
Tôi định thần lại, bắt đầu nắm lấy dây quai bi đông để leo
lên, những cái móc câu bằng sắt được đóng khá chắc, hai chân tôi run lẩy bẩy trèo về phía ô cửa phát ra ánh sáng, lúc tôi bám tay vào được khung cửa thì đã thấy tay mình không còn chút sức lực, cố gắng thế nào cũng
không điều khiển được.
Cảm giác này tôi biết rất rõ, chắc chắn
tôi đã bị gãy xương, đang lúc tuyệt vọng, bỗng tôi thấy một cánh tay từ
trong khung cửa thò ra, cánh tay đó túm lấy tôi, rồi kéo tuột vào trong.
Tôi ngã vật ra mặt sàn, cảm giác đầu óc choáng váng quay cuồng, tôi không
biết làm sao để ngóc đầu lên nhìn rõ người vừa kéo mình, chỉ thấp thoáng thấy một cái bóng thu mình sau ánh đèn, nhìn qua là biết vóc dáng người này gầy gò, thấp bé, chắc chắn không phải Vương Tứ Xuyên.
Lúc
trước, tôi cứ đinh ninh rằng người bật đèn chiếu chính là Vương Tứ
Xuyên, nên giờ nhìn thấy người này tôi còn ngỡ mình nhìn nhầm. Kẻ đứng
trong bóng tối vội bước ra ngoài vùng sáng, tôi thấy người đó đang đeo
chiếc mặt nạ chống độc kiểu cũ, anh ta nhìn tôi rồi cúi xuống đỡ lấy
người tôi.
Tôi thầm hỏi không biết anh ta là ai? Lẽ nào lại là
một tên lính Nhật còn sống sót? Nghĩ vậy, tôi liền tìm cách né tránh.
Anh ta gọi tên tôi nhưng âm thanh phát ra từ sau chiếc mặt nạ nghe không rõ lắm, anh ta gọi liền mấy tiếng, nhưng tôi chỉ lắc đầu. Anh ta bất
lực gãi gãi đầu rồi đành phải tháo chiếc mặt nạ ra. Tôi vừa nhìn đã há
hốc miệng ngạc nhiên: Người này chính là cậu lính được đội phó giao
trọng trách ở lại chăm sóc hai người Viên Hỷ Lạc và Trần Lạc Hộ.
Qua giây phút bất ngờ, tôi vui mừng định nhỏm dậy ôm lấy cậu ta, nhưng cánh tay của tôi không còn cảm giác và sức lực nữa. Tôi đành hỏi cậu ta tình hình hai người kia bây giờ thế nào? Nghe hỏi, sắc mặt cậu ta bỗng trở
nên căng thẳng, chỉ bảo: “Để tôi đỡ dậy nào!”, nói rồi cậu ta lại đeo
chiếc mặt nạ vào, sau đó dìu tôi vào phòng.
Tôi líu ríu bảo đội
phó đang ngoài kia, không biết có mắc được lại như tôi hay đã rơi xuống
vực rồi. Cậu ta gật đầu bảo đợi lát nữa sẽ đi tìm.
Nói rồi cậu ta đỡ tôi vào phòng, đèn báo khẩn cấp màu đỏ trong phòng chợt lóe sáng
nhấp nháy. Đây có lẽ là tầng kĩ thuật của phòng máy, bên dưới nền nhà là một lớp lưới sắt được nối vào lớp bê tông, từ trên tấm lưới nhìn xuống
có thể thấy được dòng nước bên dưới đang chảy rất mạnh, và cả những máy
móc cũ kĩ, giống như những cuộn lõi sắt và các tấm bê tông được đổ lẫn
vào nhau. Những ai chưa từng nhìn thấy trạm thủy điện thì sẽ không thể
tưởng tượng được độ lớn của những loại máy này, từng bó dây cáp và đường ống hoen gỉ sắt đi từ dưới lên trên và giao nhau tại đây. Ở điểm tận
cùng của căn phòng là bức tường được đúc hoàn toàn bằng sắt, bên trên có cánh cửa thép kín hơi hình tròn.
Đây là loại cửa “ba chống”[1]
có tác dụng chống không khí bên ngoài tràn vào, giờ đã bị han gỉ loang
lổ hết cả. Cậu lính vặn thanh chốt cửa hình bánh lái, cánh cửa này rõ
ràng có hộp khóa trợ lực ở bên trong, cậu ta nhẹ nhàng mở được cửa ra,
sau đó đỡ tôi vào bên trong.
[1] Cửa ba chống: là cách gọi dân gian; một loại cửa có ba chức năng: chống trộm, chống cháy, chống lạnh.
Bên trong là hành lang phụ, tôi nhìn thấy trên tường có treo những bộ quần
áo bảo hộ kiểu Nhật, sau khi cậu ta đóng cửa, cả căn phòng bỗng thay đổi không khí, cậu ta chạy về phía cuối phòng chờ, ở đó lại có một cánh cửa “ba chống” giống hệt cánh cửa lúc nãy, cậu ta lại thao tác giống khi
trước để mở nó ra.
Phía sau cánh cửa là một căn phòng kín mít,
không một chỗ hở, bốc lên toàn mùi sắt gỉ, xung quanh chỉ thấy sắt thép, có cả bộ bàn ghế làm việc bằng sắt, đồ đạc trên bàn để vô cùng bừa bãi
lộn xộn, bốn bức tường treo đầy bản đồ, vài bức biểu ngữ bằng tiếng
Nhật, có hai chiếc đèn báo khẩn cấp đang nháy sáng. Cậu lính để tôi ở
lại trong đó, dặn dò đừng đi đâu, rồi vội vã quay ra.
Tôi liếc
mắt nhìn quanh và lập tức phát hiện thấy Viên Hỷ Lạc đang cuộn người
trong một góc phòng, còn Trần Lạc Hộ đang ngồi trên ghế. Trông thấy tôi, sắc mặt cậu ta bỗng sáng bừng lên, cậu ta vụt đứng dậy. Đôi mắt cậu ta
vằn đỏ mạch máu, mấp máy không hiểu đang định nói gì.
Tôi cũng
không biết phải nói gì, việc nhìn thấy họ ở đây quả thực quá bất ngờ, dù chúng tôi mới tách nhau ra chưa đầy một ngày, thế nhưng trong khoảng
thời gian ngắn ngủi này, có quá nhiều sự việc đã phát sinh và mọi thứ cứ thay đổi đến chóng mặt.
Tôi hỏi tại sao hai người bọn họ lại đến được đây,
Trần Lạc Hộ kể lúc nước dâng lên, chính cậu lính kia đã cứu mình và Viên Hỷ
Lạc. Họ đã bơm khí vào chiếc xuồng cao su, rồi thả xuống nước và nó cứ
thế trôi xuôi dòng, chẳng ngờ nước lũ dâng lên quá nhanh, phía trần đá
bên trên dòng sông ngầm thực ra có khá nhiều hang nhánh, chỉ có điều lúc trước chúng tôi đi qua nhưng không phát hiện ra. Lúc nước lũ dâng, họ
không tài nào xoay sở được, đành phó mặc để dòng nước xô vào một nhánh
hang rồi trôi đến nơi này.
Tôi thầm nghĩ hóa ra là thế. Quả thật, lúc chúng tôi đi dưới đáy sông ngầm đã không chú ý đến cấu tạo phía
trên trần hang, chắc chắn sau khi mực nước tiếp tục dâng cao, các hang
nhánh đều bị chìm dưới nước và trờ thành vô số khám động ngầm, chẳng
trách lúc anh Miêu và các đồng chí khác đi qua, lại không hề phát hiện
thấy.
Những chuyện về sau Trần Lạc Hộ không còn nói được trôi
chảy nữa, có lẽ tinh thần của cậu ấy đã mệt mỏi, căng thẳng đến cực độ
rồi. Đừng nói cậu ta, mà ngay cả đến tôi, nếu không trải qua cảm giác
kinh hoàng khi bị rơi xuống thác nước, thì phản ứng của tôi khi đột ngột nhìn thấy chiếc Shinzan không khéo còn tệ hơn cậu ta ấy chứ.
Chúng tôi im lặng hồi lâu, cậu ta lại hỏi tôi về những người khác, có phải cấp trên đã cử người đến cứu viện chúng tôi?
Tôi không biết phải giải thích những gì mình vừa trải qua như thế nào, chỉ
đại khái tóm tắt nội dung chính cho cậu ta nghe một lượt. Cậu ta nghe
tôi kể đến anh Miêu thì gương mặt bỗng biến sắc, rồi đột nhiên thở hắt
ra. Tôi nghĩ đến nếu như đây mới là điểm đến thực sự của chúng tôi,vậy
thì bây giờ, cái máy điện báo quỷ tha ma bắt kia đang dẫn người đồng đội của tôi tới nơi nào dưới lòng đất sâu rồi?
Lúc tôi đang nói thì
cánh cứa “ba chống” lại bật mở, cậu lính lúc nãy cõng đội phó chạy vội
vào, một tay bịt mũi bịt mồm, miệng thở hổn hển nói: “Mau đóng cửa lại!”
Tôi vẫn chưa kịp định thần thì Trần Lạc Hộ vội vã chồm dậy đóng cửa, tôi và cậu ta cùng vặn chốt cửa, cứ vặn mãi tới mười mấy vòng, cho đến khi tôi nghe thấy tiếng “khục” từ bên trong ổ khóa phát ra mới dừng tay.
Từ lỗ thủy tinh trên cửa nhìn ra phòng chờ, tôi thấy cánh cửa kín hơi của
phòng chờ vẫn chưa khép lại, một luồng khí màu xám đậm đặc đang chầm
chậm nhả dần vào bên trong qua khe cửa.