Đọc truyện Đại Đường Tửu Đồ – Chương 8: Cải tiến cổ phương.
Tối nay, ánh trăng Lạc Dương rất đẹp, thật sự rất đẹp.
Tiêu Duệ ở trong phòng lặng lẽ nhìn bầu trời trong sáng đầy trăng sao, ngửi thấy hương rượu trong không khí, không khỏi cảm thấy ấm áp tận đáy lòng. Toàn bộ chăn nệm trong phòng đã được Tiêu Nguyệt thay mới toàn bộ, đồ đạc không dính chút bụi. Người tỷ tỷ cẩn thận này thậm chí còn mang tới cho hắn cả giấy, bút mực và một vài bộ sách. Hắn tới trễ như vậy mà đã có đầy đủ, chứng tỏ nàng đã chuẩn bị những thứ đó cho hắn từ lâu rồi.
Trong lúc nhất thời, tình cảm dịu dàng thắm thiết tràn ngập toàn thân hắn. Hắn liếc nhìn phòng ngủ đã tắt hết đèn của đôi vợ chồng Tiêu Nguyệt, khóe mắt hơi ươn ướt.
Kiếp trước, cha hắn mất sớm, hắn lớn lên với ông bà nội. Mẹ hắn tái giá, sau này sinh được một gái, tình cảm người mẹ liền cơ bản chuyển hết sang đứa con gái đó, đối với hắn chỉ còn là đưa tiền sinh hoạt phí và đóng học phí đúng hạn mà thôi. Nguyên nhân chính là vì kiếp trước không cảm nhận được tình thân ái ấm áp của gia đình, giờ xuyên việt tới Đại Đường, có một tỷ tỷ dịu dàng săn sóc như vậy, khiến trái tim hắn thực sự rung động.
Hắn thở dài một tiếng, nhẹ nhàng đi đã vào nhà. Ngay khi vừa đóng cửa, trong lòng hắn đã hoàn toàn tiếp nhận người tỷ tỷ Tiêu Nguyệt này. Từ hôm nay trở đi, Tiêu Nguyệt đã chính thức là người tỷ tỷ máu mủ chí thân, vĩnh viễn không từ bỏ của hắn.
Tuy rằng toàn thành Lạc Dương đã tối om nhưng kỳ thực sắc trời vẫn còn sớm. Theo Tiêu Duệ đoán, lúc này mới chỉ khoảng 9 giờ tối.
Hắn không quen ngủ sớm như vậy, liền khêu đèn đọc sách, tiện tay viết vài chữ. Viết xong, hắn tự nhìn xem lại, thấy dường như cũng không tệ lắm. Ở kiếp trước, hắn cũng có đọc lướt qua nghệ thuật thi họa truyền thống, trong đó cũng có cả viết bằng bút lông. Chẳng qua hắn biết rõ, ở xã hội hiện đại thì hắn còn có thể múa may một chút chứ trong xã hội cổ đại chuyên lấy bút lông thư pháp làm chính thì tốt nhất là không nên bêu xấu.
Điểm này đúng là tự mình hiểu mình thôi.
Suy nghĩ một hồi, hắn chuyển tinh lực sang vấn đề ủ rượu. Ở Đại Đường, hắn phải sinh tồn, lợi dụng “thiên phú” về văn hóa uống rượu và ủ ượu cũng là chuyện hợp với lẽ thường. Về phần Tiêu Nguyệt kỳ vọng khoa cử, tên đề bảng vàng, chức vị làm rạng rỡ tổ tông, hắn không thể nào cảm thấy hứng thú. Ít nhất, bây giờ còn không có gì hứng thú.
Có lẽ là bởi vì xuyên việt nên những “trí nhớ” trong đầu óc hắn không ngờ lại trở nên vô cùng rõ ràng. Tiêu Duệ ngạc nhiên phát hiện, bất cứ thứ gì đã đọc trước đây, giờ chỉ cần “hồi tưởng” lại mọt chút, lập tức chúng đều hiện rõ trong đầu như đang xem computer vậy.
Hắn cúi xuống viết luôn vài vài phương thức ủ rượu cổ truyền ghi trong “Tề dân yếu thuật” và “Bắc Sơn tửu kinh”, cân nhắc nên tiến hành cải tiến như thế nào để rượu mình làm ra “bạch lý thấu hồng, dữ chúng bất đồng” (trong trắng có hồng, không giống người thường).
Thời đại này, sở dĩ rượu có độ cồn không cao, là bởi vì vẫn không có kỹ thuật chưng cất rượu, rượu ủ ra chỉ có thể đạt từ 10% tới 18%. Tiêu Duệ nhớ rõ đã xem một quyển sách cổ, từ thời nhà Tùy đã có cổ nhân từng muốn dùng rượu để ủ tiếp, hy vọng đạt được độ rượu cao hơn nhưng không thành. Điều này bởi vì cồn là do vi khuẩn men rượu (nấm men, con men) lên men đường mà thành, một số nấm men có tác dụng ức chế nhất định, khi độ cồn đạt tới khoảng 10% thì nấm men liền ngừng sinh sản, quá trình lên men cũng chậm lại. Cho dù là dùng nhiều con men tới đâu thì độ cồn cũng không thể quá 18%, cho nên dù có dùng rượu để lên men lần thứ hai cũng không tăng độ rượu lên được bao nhiêu.
Nhưng Đường nhân không làm được, không có nghĩa là Tiêu Duệ không làm được. Hắn tuyệt đối tin tưởng và nắm chắc, có thể dùng kỹ thuật chưng cất để tinh luyện ra rượu trắng có độ cồn rất cao.
Có điều, nếu chỉ độ rượu cao vẫn là không đủ, còn rất nhiều phương diện cần “đồng thời cải tiến” như vị, hương khí, nồng độ… mới có thể thành công ngay lần đầu tiên tung ra thị trường ở thời đại này, đổi lấy cuộc sống hạnh phúc và tài phú mà Tiêu Duệ hằng hy vọng.
Hắn nhớ lại bia của kiếp trước. Công nghệ ủ phức tạp của bia có lẽ không thực tế ở Đại Đường này, nhưng liệu có thể mượn một ít công nghệ ủ bia không nhỉ? Ví dụ như dùng lúa mạch thay thế tiểu mạch, cao lương của loại rượu truyền thống, sau đó còn thêm một ít hoa bia (1) và quả cẩu kỷ (2)…
Lúa mạch được trồng ở Trung Quốc đã có hơn 5000 năm lịch sử, loại nguyên liệu này hẳn là không khó tìm, còn về cây hoa bia, trong “Bản thảo Cương mục” gọi là Xà Ma Hoa, là một loại thực vật thân cỏ sống lâu năm, cổ nhân vẫn dùng làm dược liệu, hẳn là cũng không có vấn đề gì.
………………
Cải tiến một công thức xong, Tiêu Duệ cười dài nhìn lại, tràn đầy tin tưởng vào tương lai của mình.
Tùy tiện giở mấy quyển sách, Tiêu Duệ phát hiện một quyển “ Đại Đường Đại Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện”. Xem chữ ký thì thấy do đệ tử của pháp sư Huyền Trang là Tuệ Lập và Ngạn Tông viết, hoàn thành vào cuối năm Trinh Quán. Quyền sách này còn “huyền bí” hơn nhiều so với “Đại Đường Tây Du Ký” mà mình biết, không ngờ cũng mang một ít sắc thái “huyền ảo”, khuếch đại, bịa đặt một số “truyền thuyết” trên đường đi của Huyền Trang.
Tuy nhiên, loại “tiểu thuyết thần thoại” vỡ lòng này trong mắt một kẻ xuyên việt như Tiêu Duệ thì quả thực là quá nhạt, kém quá xa so với Tây Du Ký do Ngô Thừa Ân viết. Nghĩ tới đây, hắn liền hưng phấn lấy bút ra viết chính tả “Tây Du Ký”, tiện thể vừa là luyện chữ, vừa là tiêu khiển.
Ở kiếp trước, hắn đã đọc “Tây Du Ký” không biết mấy trăm lần, hiện giờ viết chính tả đúng là ngựa quen đường cũ. Đương nhiên, nếu không phải bởi vì có trí nhớ thần kỳ sau khi xuyên việt, trí nhớ của hắn dù có tốt tới đâu cũng không thể viết lại chính xác tới từng chữ như thế này.
Tiêu Duệ chậm rãi nhẹ ngâm khúc dạo đầu của Tây Du Ký, đọc lướt qua hồi một “Khí thiêng kết tụ sinh khỉ đá,
Tâm thành tu niệm đạo nhân gian” mà mình vừa viết ra, cảm thấy hơi mệt mỏi và buồn ngủ, liền đặt giấy bút xuống, nằm vào giường nhớ lại lúc Tôn hầu tử vào Thủy Liêm động xưng vương, rồi chìm vào giấc ngủ.
Sáng sớm hôm sau, Vương Ba thức dậy, mang theo một vài tiểu nhị bắt đầu ủ rượu. Còn Tiêu Nguyệt thấy cửa phòng đệ đệ vẫn đóng chặt liền đẩy cửa ra, thấy Tiêu Duệ vẫn đang ngủ say liền không nhẫn tâm đánh thức hắn dậy. Đang định đi ra, nàng bỗng thấy trên bàn có một đống lộn xộn, sách vở mở lung tung.
Tiêu Nguyệt vừa thấy liền không khỏi nhấp nháy mắt vui sương: hóa ra tối qua đệ đệ khêu đèn đêm đọc sách…
Nàng thuận tay thu dọn đống sách vở lộn xộn, lại thấy bốn chữ lớn “Tây Du Truyền Kỳ”, viết theo thể thức chữ gầy. Tiêu Nguyệt xuất thân con nhà quan lại, cũng là người hiểu biết chữ nghĩa, nhìn thấy chữ này thì vô cùng mừng rỡ.
“Ông Trời ơi! Tử Trường nhà ta thực sự tốt quá!” Tiêu Nguyệt quay đầu nhìn Tiêu Duệ vẫn đang say ngủ, lại một lần nữa kích động rơi lệ.
———————-
1. Hoa bia, hoa hublon
2. Cẩu kỷ: một vị thuốc bổ nhưng trong dân gian vẫn thường dùng trong bữa ăn. Lá dùng để nấu canh, hoa để pha trà, quả để ngâm rượu.