Bạn đang đọc Đài các tiểu thư – Chương 15
72.Ngày … tháng … năm….
Dần dà, tôi đánh mất cảm giác chơi trống bằng đam mê, mà chỉ như một công việc tôi đang làm và phải làm để tồn tại. Nghe đâu ngòai kia nhóm cũng tan rã, vì anh Khoa bảo tay trống mới không ăn ý được. Họ chia ra mỗi người một nghề, thỉnh thoảng ngồi lại với nhau uống vài cốc rượu, nói chuyện phiếm và… chửi rủa tôi.
An không nhắn tin cho tôi thường xuyên, nhưng cô ấy gửi cho tôi một dòng link. An bảo dạo này cô ấy thích lên mạng, viết blog, vì khách sạn đang mùa ế ẩm. Ban đầu tôi chỉ đọc cho vui, về sau, tôi đọc để thấy cô ấy, thấy Hà Nội yêu thương – thỏa nỗi nhớ mong khắc khoải. Thỉnh thoảng tôi ment vài dòng linh tinh vào đấy, cũng thú vị thật.
Tôi hỏi Thục – “Em có viết blog không?”, thì cô ấy bảo – “Blog hả? Em làm gì có thời gian!”
Khi không, Bằng lại hỏi tôi về Blog, một loại nhật ký online mở ra để mọi người cùng đọc, cũng khá phổ biến với giới trẻ chúng tôi. Nhưng do công việc của một Project Assistant, hầu như tôi chỉ lên mạng để check các thông tin đấu thầu, rồi phải cắm cổ mail, chat với các đối tác để sắp xếp cuộc hẹn.
Bằng có vẻ thất vọng khi nghe câu trả lời của tôi – “Em chẳng thi vị cuộc sống gì cả. Viết cái đấy để ghi lại những gì đang diễn ra quanh mình cũng hay ấy chứ.”
“Vậy anh viết cho em đọc đi.” – Tôi cười vô tư – “Em mà viết thì chỉ toàn là lịch làm việc.”
Bằng lại cốc đầu tôi – “Có cô vợ tham việc như em thì chồng chỉ có chết đói. Anh phải nghĩ lại về việc cưới em thôi, ngốc ạ.”
“Thế anh thích cô vợ chăm bếp núc, thích viết blog, lãng mạn, thi vị.. hay là em?”
Thục nửa đùa nửa thật, tròn mắt nhìn tôi. Câu hỏi hơi đột ngột, và quá sâu xa khiến tôi có chút bối rối. Nhưng dù sao, tôi vẫn chỉ có thể khẳng định một điều – “Em, còn phải hỏi.”
Có thể đó là một đáp án khiến cô ấy hài lòng, Thục cười và hôn lên má tôi trước khi xuống xe vào công ty. Cô ấy biết cách trói chặt tôi, dù cho tôi có yêu Hà Nội, nhớ quê hương đến nhường nào đi nữa, thì không thể nào xa cô ấy.
Bởi tôi yêu Thục hơn, hơn tất cả.
Bằng không biết rằng tôi chỉ giả hồn nhiên ngây thơ như thế. Tôi quan sát từng thay đổi, từng thái độ trên gương mặt anh. Lúc trước, Bằng không hề bối rối, không cần tôi hỏi, không do dự, không suy nghĩ mỗi khi khẳng định tình yêu dành cho tôi.
Còn bây giờ, anh có chút xao lòng, và điều đó làm tôi đau đớn lẫn bất lực. Tôi không thể chạy theo một hình mẫu mà Bằng bắt đầu mơ đến, vì tôi chỉ là chính tôi mà thôi. Tôi cố tình hỏi Bằng để anh sớm nhận ra điều đó, hoặc là tiếp tục hoặc là thôi, chứ không phải vì tôi muốn nghe câu trả lời “Em, còn phải hỏi” đó, mặc dù, thú thực, nó làm tôi đỡ buồn hơn rất nhiều.
“Em không vui hả, Thục?” – Chị Tuyết vỗ vai tôi thình lình khi tôi vừa vào phòng. Tôi chỉ gượng cười.
“Chuyện hai đứa có gì không tốt sao?”
Sự quan tâm của chị làm tôi trải lòng khá dễ dàng, chỉ sau 10 phút thì chị đã nắm hết những vấn đề gút mắc đang làm tôi chán nản. Chị bảo rằng chỉ vì tôi đã yêu một chàng trai Hà Nội, mà người Hà Nội thì họ yêu thủ đô của họ không kém như yêu người tình đâu.
Hình như là chị đúng thì phải.
73.Ngày … tháng … năm….
Thục bảo tôi ghé ngang hàng hoa, tôi hỏi mới biết hôm nay là sinh nhật mẹ của cô ấy. Quen nhau gần ba tháng mà tôi còn chưa gặp bố mẹ Thục, chỉ biết có Tấn. Nghe Thục nói cô ấy còn có một chị gái nữa.
Dù cũng rất sợ gặp hai vị phụ mẫu của nàng, tôi vẫn cho rằng đó là việc nên làm, đặc biệt là hôm nay.
“Anh đến gặp mẹ em đựơc không?”
Không phải là không được, nhưng…có nên không? Tình hình chiến sự gia đình tôi thì cũng biết rồi đấy, đâu có vui vẻ gì. Nhưng thật bất công nếu Bằng không được đến trong ngày sinh nhật của mẹ tôi, anh chẳng có tội gì, và tôi hãnh diện có một người bạn trai như Bằng. Tôi đánh liều, đến đâu thì đến.
“Được. Anh đi cùng em ha.” – Và tôi cũng không quên dặn dò – “Sẽ căng thẳng đấy. Ba em khó, nên nói chuyện đừng màu mè quá, cứ thật lòng thôi.”
Bằng nháy mắt, nhảy xuống xe, bảo chị bán hoa bó ột bó lys đẹp, rồi nói với tôi – “Anh màu mè lắm à? Yên tâm đi, bố mẹ em sẽ thích anh à xem.”
Thiệt mệt, Bằng cứ tự tin cho rằng mình là một người sinh ra để được người ta yêu quý.
Cho đến khi nhìn thấy căn nhà to của gia đình Thục, tôi mới biết đích thị cô ấy là một tiểu thư đài các. Tôi không sợ, không ngại những căn biệt thự như thế này, nhưng tôi thấy nó xa lạ với cuộc sống bình dị của mình. Đó là lý do tôi không thích đến nhà An.
Mẹ Thục là một người phụ nữ nhân hậu, ít lời. Bà đón bó hoa của tôi với nụ cười hiền hòa, nhưng cũng có hơi khách sáo, giữ kẽ. Thục và chị gái khá giống nhau, cả hai đều đẹp thuần khiết với đôi mắt trong như pha lê, mái tóc dài và gương mặt thanh tú, chỉ có dường như chị Thục hơi đơn giản hơn so với cô ấy.
Mẹ quan sát Bằng một cách kín đáo, không để lộ ra ngoài, trái lại chị Hai rất thoải mái trong việc tìm hiểu. Bằng lễ độ, chừng mực, và nói năng có phần cẩn trọng – một hình ảnh hoàn toàn khác với người tôi từng biết. Tôi chợt thấy anh giống một quyển sách dày mà tôi còn chưa đọc tới những trang bên trong, chưa khám phá hết.
“Thủy, con vào kêu ba ra đi.” – Mẹ tôi nói với chị Hai – “Đến giờ ăn tối rồi.”
Tim tôi đập loạn xạ, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương, giống như bị sốt. Trong khi đó Bằng ngồi cạnh tôi, mỉm cười, nói chuyện với Tấn khá tự nhiên, không hề có chút run sợ.
Ba tôi đi từ trên lầu xuống, mặc sơ mi và quần tây, tóc chải chỉnh tề. Bằng đứng dậy cúi đầu, người hơi gập, còn tôi thì cứ ngồi trơ mắt ếch vì chẳng biết phải làm gì nữa.
“Bạn trai con Thục phải không?” – Bố cô ấy cười thân thiện bắt tay tôi – “Ngồi đi, tự nhiên hen.”
Tôi không hiểu sao tay Thục lại lạnh ngắt khi tôi vừa chạm vào và môi cô ấy cũng run rẩy. Thục nhìn bố mình bằng ánh mắt nghi hoặc, e dè, như thể đang chiến đấu với kẻ thù vậy. Tôi đoán có điều gì bí ẩn đang diễn ra giữa hai bố con họ, mà nó chắc chắn là liên quan đến tôi.
“Con ăn món trong Nam thấy quen không Bằng?” – Mẹ Thục hỏi khi gắp thức ăn cho tôi. Tôi đỡ bằng hai tay rồi thành thật đáp – “Không quen lắm ạ, cháu thích ăn món Bắc hơn.”
Mấy chục con mắt chưng hửng nhìn Bằng rồi lại nhìn tôi. Miệng Tấn ngậm một họng cơm tròn vo, chị Hai và anh rể giống bị điểm huyệt. Mẹ tôi hơi bất ngờ nhưng rồi cũng mỉm cười múc canh vào chén cho ba tôi, nói nhỏ giọng – “Uh, thì cũng phải. Người miền nào thích ăn món miền đó mà.”
Ba tôi cũng bị sốc, dĩ nhiên. Nhưng ông không tỏ rõ thái độ cho lắm, chỉ gật gù đồng tình với lời mẹ tôi nói. Sự cởi mở của ba tôi với Bằng chỉ là lớp vỏ bề ngoài, che phủ những đợt sóng dữ đang cuộn trào trong lòng ông mà thôi. Tôi im lặng suốt buổi, không mở miệng nói bất cứ câu nào, tránh để bị ba tôi bắt bẻ hay xét nét là tôi muốn đỡ lời cho Bằng.
Tôi không trách Bằng, anh đã làm đúng. Tôi cũng đã nói anh nên chân thật, đừng khéo léo quá. Thà vậy còn hơn.
74.Ngày … tháng … năm….
Thục không mảy may nói điều gì, cô ấy chỉ ăn và ăn. Tôi biết mình đang trở thành trung tâm của vũ trụ khi mà mọi người trong gia đình Thục đều tập trung quan sát tôi. Tuy nhiên nó không làm tôi thấy khớp hay khó chịu, chỉ đến khi có một người khác xuất hiện ngay sau bữa ăn. Một người đàn ông trẻ, dáng trí thức, lịch sự và quan trọng là được bố Thục xem như … con rể.
Tấn nói nhỏ vào tay tôi – “Tình địch đấy.” Tôi liếc sang Thục, cô ấy dửng dưng như tự nãy đến giờ, rồi bỗng quàng tay với tôi như một cặp tình nhân mặn nồng thắm thiết. Đầu cô ấy hơi ngẩng cao.
Ánh mắt người kia chùn xuống khi thấy cảnh này, nhưng anh ta chỉ cười xã giao và gật đầu chào tôi.
Tôi không biết mình đang hành động gì nữa, chỉ như một cách khẳng định rằng, tôi đã có chỗ.
Anh Trung không đáng bị tôi đối xử như vậy, nhưng tất cả là tại ba tôi. Ai biểu ba tỏ ra thân thiện gần gũi với anh Trung, ai biểu ba kêu tôi pha nước cam cho anh Trung, ai biểu mẹ cứ cười khen món quà của anh Trung hợp ý mẹ quá… để Bằng của tôi trở nên lạc lõng. Tôi chỉ muốn bảo vệ tình yêu của mình mà thôi.
“Con với Bằng về nha, mẹ.” – Tôi nói rồi đứng dậy khi cả nhà vừa ăn xong bánh kem. Mẹ tôi gật đầu, còn ba tôi thì – “Để Bằng về một mình đi, con Thục ở lại với mẹ mày chút nữa chứ.”
Tôi hơi nhận ra bố Thục không thích tôi, hoặc chí ít là thích người kia hơn tôi. Cả mẹ cô ấy cũng thế. Cũng phải thôi, người ấy là bác sĩ, nghề nghiệp ổn định và có trình độ hơn một tên chỉ biết chơi trống và đi giao hàng bằng xe tải như tôi.
“Uh, hôm nay là sinh nhật mẹ em mà” – Tôi nói nhỏ với Thục – “Anh lấy xe về, sáng mai sẽ đến đón em.”
“Khỏi đi cháu” – Bố Thục lên tiếng cản – “Lát khuya thằng Trung sẽ đưa nó về.”
Giờ thì tôi có thể khẳng định ông không thích tôi một chút nào. Tôi như vừa bị xô ra khỏi chiến trường mà tôi đã khó khăn lắm mới giành được chỗ đứng. Một cảm giác hiếu chiến vùng lên trong tôi.
“Thế thì không nên ạ. Thục là người yêu của cháu, mà cháu thì không thể để người yêu mình về khuya với… người đàn ông khác được.”
Bằng nắm tay tôi kéo về phía mình, giọng nói mạnh mẽ tuyên chiến. Ba tôi cũng có phải là người dễ bị hạ đâu, ông cười khẩy – “Trước khi nó là người yêu cậu, nó là con tôi. Chẳng lẽ tôi không biết cái gì nên hay không nên à?”
Tình hình thế này thì còn căng thẳng hơn chiến sự…Pakistan nữa. Đến lúc tất cả mọi người không biết phải nói gì, anh Trung rụt rè bảo – “Con xin lỗi nhưng tối nay con có ca trực, cũng không nán lại lâu được. Con ghé mừng sinh nhật bác gái tí thôi.”
Và thế là anh Trung cáo từ ra về trước. Khi mục đích của ba bị hỏng ngang xương, ba cũng chẳng buồn giữ tôi lại làm gì, ông bỏ lên lầu ngay sau khi anh Trung đi được 5 phút.
“Anh có sợ ba em không?” – Thục hỏi khi chúng tôi đang trên đường về. Tôi lắc đầu – “Anh chỉ sợ hai người trong đời: mẹ anh và…em”.
“Gì? Em á?” – Thục hỏi lớn, hình như rất bất ngờ – “Sao lại sợ em?”
Tôi không đáp, chỉ tủm tỉm cười. Tôi sợ cô ấy quá đi chứ, sợ nàng dỗi, sợ nàng buồn, sợ nàng khóc. Sợ ai đó cướp mất nàng, sợ không thể ở bên nhau. Những nỗi sợ lung tung nhưng đều có liên quan đến cô ấy.
“Nói đi chứ! Em làm gì mà anh sợ?” – Cô ấy cứ cương quyết hỏi cho ra.
“Không phải à? Em bảo anh đi đằng Tây, đố anh có dám đi đằng Đông không?”
Tôi đập nhẹ vào lưng Bằng và cười rúc rích như một cô gái mới lớn. Đôi khi người ta cũng thích được nịnh bợ quá nhỉ? Rõ ràng biết đó là một câu tán khéo, tôi vẫn bị sập bẫy ngon lành. Người ta gọi như vậy là yêu mù quáng.
“Anh sợ mẹ lắm à?”- Tôi hỏi lảng sang chuyện khác.
“Không phải sợ lắm, nhưng cũng sợ thật. Mẹ đánh anh đến ê ẩm cả mình đấy.”
“Vậy hả? Anh bị đánh vì chuyện gì?”
“Yêu em.”
75.Ngày … tháng … năm….
Kể từ sau đó, tôi và Bằng biết rằng tình yêu của chúng tôi không được sự ủng hộ của các bậc phụ mẫu, ba tôi, và mẹ anh ấy. Người ta nói tình yêu đích thực càng bị cản trở càng trở nên mãnh liệt, không biết nó có đúng trong trường hợp này không, nhưng hình như tôi không có ý nghĩ sẽ bỏ cuộc. Còn Bằng? Đã có lúc anh muốn rút lui. Đó là khi tôi đột ngột bị đau ruột thừa cấp.
Hôm ấy, ngay sau khi xem ti vi xong, tôi bỗng đau bụng dữ dội đến không thể chịu nổi, Tấn hoảng hốt gọi anh Trung, vì nó chỉ nghĩ được tới anh ấy – một bác sĩ. Tôi được đưa thẳng đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, và sau đó trải qua ca mổ ruột thừa kéo dài một tiếng.
Tôi nhận được điện thoại của Tấn lúc 4 giờ sáng, cậu ấy bảo Thục đang ở bệnh viện. Tôi lăn từ trên giường xuống đánh động cả gia đình chị Vân chủ nhà, lập tức bay ra khỏi cửa với cái quần đùi và áo ba lỗ, nếu không nhờ chị Vân nhắc chắc tôi sẽ tới bệnh viện trong bộ dạng ấy.
Thục nằm ở phòng hồi sức, tôi gặp anh bác sĩ hôm nọ ngay cửa phòng. Anh ta cho biết cô ấy phải nằm lại vài hôm. Tấn đang ngồi trên băng ghế ngoài hành lang, mặt rất đờ đẫn. Vì thế tôi bảo Tấn về nghỉ đi, để tôi trông Thục, nhưng Tấn nói cậu ấy chỉ tìm chỗ ngủ một lát thôi, chứ không chịu về.
Gần sáng Thục lên cơn mê sảng, do sốt hay sao ấy. Tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ gọi y tá, vài phút sau thì Trung đến. Anh ta đóng sập cửa không cho tôi vào, để tôi vốn đang sốt ruột càng thêm sôi điên.
Khi tỉnh lại, tôi thấy đau nhiều ở vết mổ, còn đầu thì hơi nặng, có lẽ do thuốc mê. Tấn viết một mảnh giấy, nói nó đi thi buổi sáng, sẽ trở lại vào giấc trưa. Bằng ngồi cạnh giường nhìn tôi, đôi mắt có vẻ buồn xa xôi thế nào. Tôi mò tìm tay anh và siết nó bằng sức yếu ớt của kẻ vừa tỉnh dậy sau ca phẫu thuật.
“Anh lo cho em à?” – Tôi mỉm cười – “Chỉ là mổ ruột thừa thôi, không sao đâu”
“Em đã sốt….” – Bằng nói giọng hơi lạc đi – “Suốt đêm, người lo cho em không phải anh, mà là anh bác sĩ Trung.”
Thì có gì lạ đâu, anh ấy là bác sĩ. Anh Trung chỉ lo cho tôi như bệnh nhân, hoặc có gì thì là hơn mức bệnh nhân một chút. Tôi cố ngồi dậy nhưng Bằng bảo tôi cứ nằm, ngồi sẽ bị đau.
Thục kêu đói và vì tôi không biết phải mua cho cô ấy thứ gì ăn, tôi lại phải đi hỏi y tá. Chị y tá nói cô ấy chỉ uống được sữa và cháo loãng.
Tôi trở lại phòng thì gặp bác sĩ Trung. Anh ta khám cho Thục cẩn thận, dặn dò cô ấy và cũng dặn dò tôi. Tôi bỗng thấy anh ta không giống tình địch, mà giống… đàn anh của tôi, cái gì cũng hơn tôi. Trước nay tôi chưa bao giờ tự ti đến vậy.
Ngồi nhìn Thục ăn từng thìa cháo, tôi bất giác nói bừa – “Em chọn anh ấy thì tốt hơn anh nhỉ.”
Trời ơi.
Tôi phun cả muỗng cháo đang ăn ra ngoài vì quá sốc. Ba tôi, mẹ tôi, mẹ anh ấy, hay ai cũng được, có thể nói câu này nhưng Bằng thì không. Sao anh bảo tôi chọn anh Trung thay vì anh?
“Anh nói gì vậy?” – Tôi ngồi bật dậy và nhăn mặt vì đau ở bụng. Bằng hốt hoảng chồm người lên đặt tay vào chỗ tôi đang ôm, hỏi lo lắng – “Em lại đau à?”
Tôi thì thào trong hơi thở mệt mỏi – “Đừng có nói câu ấy lần thứ hai.”
Tôi vội gật đầu đồng ý để Thục chịu nằm xuống vì cô ấy cứ nhìn tôi kiên định. Làm sao mà nàng có thể tin rằng tôi sẽ từ bỏ, trao nàng cho gã bác sĩ kia được? Đôi khi tôi hay nói lung tung để tự thức tỉnh mình, chỉ có vậy thôi.
“Em sợ anh bỏ em đúng không?” – Tôi cười, đùa một câu…hơi không đúng lúc, Thục ngoảnh mặt đi, nhắm mắt lại chẳng đáp. Tôi cầm tay cô ấy lên và đặt lên đó một nụ hôn – “Em biết là anh không thể mà.” 76.Ngày … tháng … năm….
Sau lần ấy, không biết vì lý do gì, Bằng chỉ chơi trống vào hai ngày cuối tuần, những ngày còn lại anh theo học một lớp Lập trình viên. Tôi hỏi Bằng thì anh chỉ nói tự nhiên muốn học thêm cái gì đó cho có kiến thức với thiên hạ.
Tôi không nghĩ đó là lý do chính, bởi Bằng không phải kiểu người như vậy. Điểm đẹp nhất của anh là một cách sống tự do, đam mê và quyết tâm với những gì mình đeo đuổi – điều đã đánh gục tôi. Tôi không phản đối lựa chọn của Bằng hiện tại, nhưng tôi thích anh ngày ấy hơn. Hy vọng chuyện này không phải vì tôi.
Hai mươi bốn tuổi, tôi vẫn còn quá lông bông, đủ để có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngừơi yêu. Bản năng đàn ông của tôi không cho phép mình tiếp tục sống như trước: vô tư, không lo nghĩ được. Nếu muốn đứng vững trong chiến trường này, tôi phải nỗ lực rất nhiều cho tương lai.
Tôi có chút năng khiếu về tin học, nên tôi chọn học Lập trình để lấy bằng Kỹ thuật viên. Đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc tìm một nghề chính thay cho chơi trống. Tôi hầu như đã quên đi chính mình, một tay trống chỉ biết chơi bằng cả sức sống và tình yêu mạnh mẽ nhất.
Rồi bỗng dưng Vũ gọi tôi…
Thường mỗi cuối tuần tôi luôn đến bar lúc 7h để xem và nghe Bằng chơi trống, nhưng hôm nay tôi đến sớm hơn một chút do có thời gian rảnh. Một anh nhân viên chỉ hướng phòng trong cho tôi, bảo rằng Bằng đang ở đó.
Tôi lén đi thật nhẹ để xem anh đang làm gì, hình như chưa lần nào tôi quan sát anh từ xa hết. Bằng đứng ngay cửa sổ, đang nghe điện thoại và không hề để ý đến sự “đột nhập” kín đáo của tôi.
“Uh…khỏe…tốt…………Gì cơ?……Ra đó à?………Vậy sao?………Tớ cũng nhớ mọi người………………Uh…………nhưng mà… Chắc không được…………….Không, tớ muốn lắm đấy chứ…………Xin lỗi………Bye……”
Tôi chỉ nghe được như vậy, và dưới ánh đèn đường, đôi mắt người tôi yêu đen và sâu, buồn chơi vơi như thể rất cô đơn. Anh phóng tầm mắt ra xa, hình như là về một chân trời vô định nào đó…
Vũ lẽ ra không nên gọi tôi, cậu ấy chỉ mang lại ký ức và thắp cháy ngọn lửa tình yêu trong tôi đối với những gì ở đó – Hà Nội, Roam Band, những buổi chiều chơi nhạc tưng bừng, những hôm ăn mì gói của cả bọn và những đêm say khước ôm nhau ngủ.
Vũ nói cả nhóm ai cũng mong lại được cùng nhau chơi thỏa thuê. Hôm đi ngang góc phố Tràng Tiền cũ, có nhiều người hỏi sao nhóm không chơi nữa? Và anh Khoa nghĩ đến một đêm tái ngộ…
Tôi đã muốn đi biết bao nhiêu. Nhưng tôi đã từ chối.
Tôi lặng lẽ rời khỏi chỗ đó, quay ra ghế ngồi ngoài gian bar chính, xem như chưa biết gì cả. Bằng cũng ra và ngồi vào chỗ bộ trống ngay sau đó, nét mặt của anh vẫn phủ đầy một lớp băng lạnh buốt, mỉm cười với tôi đấy nhưng lại không có chút ấm áp, vui vẻ nào thực sự.
Anh vẫn chơi thứ nhạc ngày nào làm tôi say sưa, vẫn bộ dạng đánh trống như một tay chuyên nghiệp, vẫn ánh mắt nhìn tôi đầy yêu thương, thế mà sao tôi thấy nó khác rất nhiều. Rõ ràng 4 bức tường đã đóng khung anh, giam cầm Bằng tại thành phố này, chỉ bởi vì …tôi?
“Em nghĩ ngợi gì mà suy tư suy năm thế?” – Bằng kéo ghế ngồi cạnh tôi và hỏi.
Thục chống cằm nhìn tôi một hồi lâu, rồi cô ấy bỗng cười toe – “Tuần sau mình đi Hà Nội!”
Mấy chữ “đi Hà Nội” của Thục làm tôi sững sờ, cái điều mà tôi vẫn bị ám ảnh suốt từ sau khi Vũ gọi. Tôi tự hỏi sao Thục lại muốn ra đó, vì lúc này không phải lúc rảnh rỗi của cô ấy. Mới hôm trước Thục còn bảo tôi rằng cô ấy còn một dự án lớn chưa giải quýêt gì đấy nữa.
“Em có việc công tác ngoài ấy mà.” – Thục giải thích, vừa ngậm cái ống hút trong cốc soda – “Anh cũng nên về thăm nhà chứ nhỉ?”
Ra thế. Quả là đúng lúc, tôi mừng rỡ ra mặt, ôm cô ấy một cái thật nồng nàn, bất kể những kẻ xung quanh cứ tròn mắt nhìn.