Đại Ca

Chương 6


Đọc truyện Đại Ca – Chương 6

Nhạc ca làm việc nhanh nhẹn, nhanh chóng lo xong hộ khẩu giúp Ngụy Chi Viễn, nằm trên bản hộ khẩu nhà Ngụy Khiêm, giờ thì cho nó vào tiểu học cũng không còn vấn đề gì nữa.

Mà Ngụy Chi Viễn thật ra cũng chẳng khó nuôi, chỉ cần ăn no là được, Ngụy Chi Viễn cho cái gì cũng ăn, không kén cá chọn canh, nó nhanh chóng hấp thu tất cả dinh dưỡng có thể hấp thu, sau gần nửa năm đã cao thêm nửa gang, là giải thích hoàn thiện nhất cho câu “được chút nắng là sáng”.

Nó không còn mặc nổi đồ của Tiểu Bảo, Ngụy Khiêm đành phải cho nó mặc quần áo cũ của mình.

Ngụy Chi Viễn không thích tiếp xúc với người khác, trừ anh em Ngụy Khiêm và mấy ông anh thường xuyên sang chơi thì vẫn rất phòng bị, chẳng chịu nói chuyện với ai.

Ngoài ra thằng bé Ngụy Chi Viễn hầu như không có tật xấu nào khác, rất giỏi thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt, chỉ cần Ngụy Khiêm hơi cau mày là nó ngay lập tức bắt được tín hiệu, biết anh hai không vui, chỉ trong ba giây là có thể ngụy trang mình thành bức tranh tường, vờ như không tồn tại.

Nó thật sự rất chăm chỉ, ngày nào cũng quét dọn sạch sẽ nhà cửa, từ sau khi Ngụy Chi Viễn đến thì phích luôn đầy nước, rác chưa bao giờ nằm trong nhà qua đêm, quần áo ai thay ra thuận tay ném bừa để nó nhìn thấy, nó đều lặng lẽ đem giặt.

Nó vừa đề phòng vừa nịnh bợ, xem bản thân thành một đứa ở, cũng như một con chó giữ nhà nữa, ánh mắt nó khiến người lạ phải phát hoảng, đôi mắt như hạt đậu đen, nhìn người ta lom lom y như một thằng chó con không dễ chọc.

Những điều trên đây là do anh bạn Tam Béo quan sát được, Ngụy Khiêm nghe rồi cũng chẳng để tâm, gã thầm nghĩ chó con thì mặc kệ, dù sao thằng bé này không phiền phức, bình thường mình vắng nhà, để nó bầu bạn với Tiểu Bảo cũng tốt.

… Ngay sau đó đã xảy ra một việc thế này.

Bữa đó có một đám mắt đui, tới địa bàn của Nhạc ca chơi nổi, đập vỡ đầu một đàn em của Nhạc ca, hôm ấy họ liền kéo bè choảng nhau một trận với đối phương, không khéo là địa điểm ở ngay trên con đường gần nhà Ngụy Khiêm.

Họ đang choảng đối phương toác đầu chảy máu thì đột nhiên nghe thấy trên con đường đằng sau có tiếng ống tuýp quẹt đất.

Ngụy Khiêm còn chưa kịp quay đầu lại thì đã nghe thấy Tam Béo ở bên cạnh kêu réo: “Ôi chó thật!”

Ngụy Khiêm cũng giật nảy mình – chỉ thấy thằng nhãi Ngụy Chi Viễn kia kéo lê một cái ống tuýp to hơn cả người mình, dùng tư thế hết sức đẹp mắt khệ nệ chạy sang bên này.

Ngụy Khiêm vừa vặn nhìn thấy đôi mắt nó, phát hiện Tam Béo nói không sai, ánh mắt thằng bé y hệt một con chó dữ, tuy lôi cái ống dài như vậy, ngay cả đi còn không vững, nhưng lạ lùng là người ta có thể nhận ra quyết tâm muốn xử sạch kẻ địch.

Nói hơi quá thì nó quả thực có loại “sát ý” vẫn được miêu tả trong truyện chưởng.

Tam Béo: “Cục cưng, cưng nhặt được cái gì kia?”

Ngụy Khiêm: “Đừng nói nữa, lúc nhặt không mang kính lúp, nếu tôi mà biết thì đã tốt.”

Tam Béo cảm thấy quá đủ, từ đằng xa kêu Ngụy Chi Viễn một tiếng: “Được rồi bé cưng à, tụi anh bữa nay xong việc rồi, không cần cưng ra mặt nữa đâu, chúng ta khởi giá hồi cung thôi!”


Ngụy Chi Viễn biết rõ Tam Béo, nghe thế liền đứng lại tại chỗ, chớp đôi mắt tròn xoe nhìn hắn, lại quay sang Ngụy Khiêm, sau đó ném ống quẹt sạch nước mũi, nói: “À.”

Kết quả là đêm ấy về nhà Ngụy Khiêm gặp ác mộng, mơ thấy Ngụy Chi Viễn biến thành một tên cuồng sát biến thái, giết người xong không biết chạy mà còn bình tĩnh ngồi giữa vũng máu lênh láng, mặt không cảm xúc mở miệng gọi mình một tiếng “Anh”.

Ngụy Khiêm tức khắc vã mồ hôi mà choàng tỉnh dậy, gã ngồi trên giường, thấy tên nhóc mông trần nằm sấp bên cạnh ngủ say như chết, không nhịn được đưa tay sờ mái tóc mềm mại của nó.

Mà Ngụy Chi Viễn thì vô thức cọ lòng bàn tay gã như một chú heo con.

Ngụy Khiêm lại bóp cánh tay và cẳng chân bé teo của nó, phát hiện chỗ nào cũng mềm y như Tiểu Bảo vậy, chẳng giống kẻ giết người chút nào, không biết mơ thấy món gì ngon mà còn chép miệng.

Gã ngồi bên quan sát nó một lúc, thầm nghĩ thằng ôn con mới chừng này mà đã hung ác như vậy, tương lai phải tới mức nào?

Miễn đừng ra ngoài gây chuyện là được rồi.

Tương lai… Ôi, “tương lai” là một từ xa xôi mù mịt tới nhường nào.

Ngụy Khiêm không ngủ được nữa, gã xuống giường, ra ban công mở hé cửa sổ, suy nghĩ về “tương lai” mịt mù của bản thân trong gió lạnh mùa đông và giữa đêm khuya tĩnh mịch.

Học phí cấp ba cao hơn nhiều giáo dục bắt buộc, cao tới mức Ngụy Khiêm đập nồi bán sắt vụn cũng chỉ tạm đủ cho một học kỳ, trong non nửa năm học cấp ba, khoản tích góp đến từ bà mẹ đã thành ma cũng sắp xài hết rồi, trước mắt theo thời tiết ngày một lạnh hơn, Ngụy Khiêm gần như đã đến bước đường cùng, nhưng gánh nặng thế này chẳng biết phải kể lể với ai, bởi vì gã là anh hai.

Ngay cả nằm mơ Ngụy Khiêm cũng muốn học hết cấp ba, muốn giống với đại đa số trong thành phố này, âu phục giày da, chín giờ đi làm năm giờ tan sở, sống có thể diện.

“Thể diện”, đó là giấc mộng dẫu đập gãy xương thì vẫn còn dính gân, dù rằng thoạt nhìn ngu xuẩn như vậy, vừa xa xôi vừa hư ảo.

Hiện thực không cho gã tiếp tục ảo tưởng vớ vẩn, chương trình học cấp ba nặng nề đã chiếm hết thời gian, giáo viên sẽ không cho phép gã trốn đi làm trong khi người khác đang tự học.

Mà tính ra thì Tiểu Bảo đã bảy tuổi, cũng phải đi học rồi, bởi kẻ làm anh này ích kỷ, chỉ lo cho học phí và giấc mộng của mình, vô tình hay cố ý để lỡ thời gian ghi danh vào tiểu học, khiến con nhỏ bị trễ mất một năm, Ngụy Khiêm không dám để lỡ thêm năm nữa.

Ngụy Khiêm rón rén xuống bếp, trong thùng gạo chỉ còn chưa đầy 1kg gạo cũ, dưới bếp sót lại một củ hành tây và mấy lá rau thối, túi còn mỗi mười đồng năm hào.

Gã phải mua đồ ăn, phải mua vật dụng hằng ngày, phải đóng tiền điện nước…

Gã cần rất nhiều tiền, mới có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.


Cuộc sống y như một cái bao tải rách nát, nhìn đâu cũng thấy lỗ thủng, khiến số tiền Ngụy Khiêm kiệt sức kiếm được dễ dàng trôi sạch.

Ngụy Khiêm vẫn kiếm tiền bằng cách đi làm vào mỗi cuối tuần, theo gia đình thêm một miệng ăn thì tiền bắt đầu không đủ xài.

Mỗi sáng trước khi đi học Ngụy Khiêm đều nấu một món, để lại hai cái bánh bao cho tụi nhỏ, sau đó bảo rằng mình ăn ở trường.

Nếu không bớt tiền cơm trưa thì sẽ không đủ xài. Nhưng dù sao gã cũng đang trong tuổi ăn tuổi lớn, không thể bị đói, cho nên Ngụy Khiêm nhân giờ nghỉ trưa leo tường trốn khỏi trường, đến phòng bi-a của Nhạc ca giúp kéo khách, tiện thể ăn chực bữa trưa luôn, sau một học kỳ, gã cảm thấy trình bi-a của mình sắp đạt bán chuyên nghiệp rồi.

Mỗi ngày… Mỗi ngày củi gạo mắm muối đều là một cái roi, bắt đầu từ lúc vừa mở mắt đã quất gã phải chạy không nghỉ, nghĩ cách không ngừng.

Khiến tâm trạng Ngụy Khiêm cứ thấp thỏm khó yên – dưới gánh nặng mấy ai mà yên cho nổi.

Gã mò được nửa gói thuốc trong túi, lúc chiều đánh nhau chẳng biết ai nhét cho, gã đột nhiên nhớ đến dáng vẻ của người khác khi phì phèo phun khói, thế là Ngụy Khiêm ngồi trong bếp châm thuốc.

Gã cứ thế vừa ho sù sụ vừa tự mò mẫm hút hết điếu thuốc đầu tiên, phổi thiếu oxy khiến gã cảm thấy đầu váng mắt hoa, thậm chí hơi buồn nôn.

Ngụy Khiêm ngồi bệt xuống sàn nhà, dựa cửa nghỉ ngơi một lát.

Không thì… khỏi đi học nữa.

Gã mù mờ nghĩ như vậy.

“Mình thật sự hết cách rồi.” Ngụy Khiêm tự nhủ, “Mình thật sự đã cùng đường bí lối, chẳng còn cách nào nữa.”

Gã buồn muốn khóc, giống như trơ mắt nhìn cánh cửa thông đến một thế giới khác, một cuộc sống khác đang thong thả đóng lại ngay trước mặt, gã liều mạng đuổi theo nhưng nó luôn nằm ngoài tầm với.

Đúng lúc này, Ngụy Khiêm nhớ đến câu nói của Nhạc ca – có khó khăn gì đều có thể đi tìm anh ta.

Ngụy Khiêm mở mắt trừng trừng cân nhắc giây lát, bỗng đứng phắt dậy như bắt được phao cứu mạng, hai ngón tay còn vụng về kẹp điếu thuốc, cả người run rẩy không thôi vì con đường thênh thang đột nhiên xuất hiện trước mắt.

Ngụy Khiêm hơi khô miệng, chỉ hận không thể lao đến trước mặt Nhạc ca ngay bây giờ.

Đúng, Nhạc ca nhất định sẽ cho gã vay tiền, chờ học xong cấp ba, gã thậm chí có thể lên đại học, gã sẽ trở về báo đáp Nhạc ca, bằng một thân phận khác.


Chỉ cần Nhạc ca chịu tạo điều kiện thì gã sẽ không cần buồn phiền về chuyện ăn bữa hôm lo bữa mai, chẳng phải tính toán chi li vì vài xu lẻ đến mức đau tim, gã có thể vững dạ học hết mấy năm, gã bảo đảm mình sẽ đạt thành tích hạng nhất…

Tàn thuốc nóng hổi rơi xuống bỏng tay làm Ngụy Khiêm phải run lên.

Gã lặng lẽ cúi đầu ngây người nhìn chằm chằm mẩu thuốc lá rẻ tiền, cuối cùng dụi tắt rồi ném vào thùng rác.

Cái đầu vừa nóng lên đã nguội lại, Ngụy Khiêm phát hiện mình không làm được.

Gã luôn nhớ rõ câu chuyện qua sông ấy, nhớ đặc biệt sâu sắc – dựa vào lòng mẹ nghe kể chuyện là ký ức xa xỉ hiếm có.

Gã nhớ lời bà ta từng nói, “Con người ta không thể sống quá thoải mái, chờ khi óc đầy bụng phệ, mỗi ngày đều ăn no căng, thì ngày ngỏm củ tỏi sẽ không còn xa nữa.”

Nhạc ca có thể giúp gã một lần, nhưng giúp được suốt sao?

Cứu gấp chứ không cứu nghèo.

Nhạc ca có nghĩa vụ gì mà phải cho gã tiền, để gã đến trường, cho gã ăn no mặc ấm, giúp gã khỏi cần sầu lo?

Mà cuộc sống khỏi cần sầu lo ấy, không biết vì sao hễ nghĩ đến là Ngụy Khiêm cảm thấy vừa khát khao vừa sởn gai ốc, giống như chợt nhìn thấy bản thân an nhàn mà yếu đuối kia y hệt một con heo bị nhốt trong chuồng vậy.

Trên thế giới còn điều gì càng khiến thiếu niên như gã sợ hãi hơn “yếu đuối” không?

Trên thế giới còn điều gì càng khiến thiếu niên như gã tuyệt vọng hơn “hết hi vọng” không?

Nếu Ngụy Khiêm không yếu đuối thì gã đành phải nghỉ học, đành bước lên một con đường không hi vọng – bỏ học, đi làm du côn, làm tay chân, làm việc vặt, trở thành cặn bã thấp kém nhất dưới đáy xã hội, sống hết đời trong khốn khó, đây là một con đường thoáng nhìn đã thấy ngay kết cục.

Ngụy Khiêm cũng không biết mình đứng đờ trong bếp bao lâu, cảm thấy tay lạnh cóng đến tê dại, lúc này mới khụt khịt mũi, quay về phòng ngủ nhỏ dùng rèm ngăn ra từ phòng khách, nằm lại lên giường.

Nhà Ngụy Khiêm chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách, sau khi Tiểu Bảo được ba tuổi, gã cảm thấy để con nhỏ ngủ với mình không tiện lắm, liền nhường phòng ngủ cho em, bản thân thì căng rèm ngoài phòng khách, kê một chiếc giường trong góc, xem như ngăn ra một chỗ ngủ.

Ngụy Chi Viễn vẫn ngủ cùng với gã.

Khi Ngụy Khiêm về giường nằm, thằng nhóc bên cạnh lại hơi động đậy, không biết là chưa ngủ hay là bị đánh thức.

Ngụy Chi Viễn dè dặt mở mắt, quan sát sắc mặt ông anh, liền ngửi thấy mùi thuốc lá phát ngộp. Ngụy Chi Viễn không phải là Tiểu Bảo, từ nhỏ chưa bao giờ được cưng chiều, bởi vậy chẳng dám vô tư như con bé.

Tiểu Viễn lựa mặt gửi lời, cẩn thận gọi khẽ một tiếng: “Anh.”

Tâm tư đang rối bời nên Ngụy Khiêm không muốn để ý tới nó.


Tiểu Viễn đợi rất lâu vẫn không nhận được câu trả lời, liền khẽ túm áo gã hỏi: “Anh, có phải là anh không còn tiền, không nuôi được em nữa?”

Ngụy Khiêm nghĩ bụng, may mà mày còn biết – nhưng gã chưa nói ra miệng, không phải sợ thằng bé đau lòng, mà là gã cảm thấy “thừa nhận mình vô năng và không có tiền” là cực kỳ mất mặt, bởi vậy gã tức giận hất tay Ngụy Chi Viễn: “Lắm lời quá, mày có ngủ không? Câm miệng đi!”

Ngụy Chi Viễn một lúc lâu không lên tiếng, Ngụy Khiêm cho rằng nó ngủ rồi.

Ai ngờ một lát sau, thằng bé lại sột soạt sán tới, chui vào chăn của Ngụy Khiêm, đụng trúng tay chân lạnh ngắt – mùa đông trong nhà rất lạnh, thời bấy giờ thiết bị sưởi ấm chưa phổ biến đến khu ổ chuột bị quên lãng như thế này. Trong nhà còn có trẻ nhỏ, Ngụy Khiêm không yên tâm về bếp lò, liền dùng số tiền tích góp hơn nửa năm mua hai cái lò sưởi điện, nhưng thứ đó dù sao cũng tốn điện, thông thường không cần thiết thì sẽ không mở.

Làn da lạnh ngắt của Ngụy Khiêm khiến Ngụy Chi Viễn co rúm lại theo bản năng, nhưng ngay sau đó, thằng bé lại run rẩy sán tới, dùng hai tay nắm chặt tay Ngụy Khiêm đem nhét vào lòng mình, lại cố gắng duỗi thẳng chân, gần như vùi đầu vào chăn, mới miễn cưỡng chạm tới chân Ngụy Khiêm, nhẹ nhàng đặt chân mình trên đôi chân lạnh lẽo của anh.

Trong khoảnh khắc, Tiểu Viễn liền cảm thấy độ ấm khắp người đang nhanh chóng trôi mất.

Làm xong những việc này, nó nhỏ giọng nói với vẻ hơi lấy lòng: “Đừng bỏ rơi em, được không? Em có thể làm việc, em còn có thể đi lượm ve chai, em cũng có thể kiếm tiền.”

Mấy câu khe khẽ này khiến tâm thần Ngụy Khiêm chấn động.

Chắc là mãi không thấy gã trả lời nên Ngụy Chi Viễn bắt đầu hoảng sợ.

Ngụy Khiêm cho nó một nơi ở an toàn ấm áp, một gia đình mà nó vẫn hằng khát khao, không dám tưởng tượng, cũng chưa bao giờ đánh đập hay sai nó làm việc.

Thậm chí mùa đông này, anh hai còn mua cho nó và Tiểu Bảo mỗi đứa một tấm áo bông dày.

Ngụy Chi Viễn cảm thấy như một giấc mơ đẹp, nó sợ tỉnh mộng rồi thì mình lại là đứa lang thang chẳng ai cần, quanh quẩn trong cái xó âm u và lạnh lẽo nhất thành phố, nhặt rác kiếm sống.

“Em cầu xin anh!” Ngụy Chi Viễn hạ giọng hơi run run, “Đừng vứt bỏ em.”

Sau hai giây, nó lại bổ sung một câu: “Anh hai.”

Lòng Ngụy Khiêm ngổn ngang cảm xúc, không phải gã không muốn ném thằng ranh này đi để giảm bớt gánh nặng, nhưng cuối cùng gã chỉ xoa đầu Ngụy Chi Viễn rồi ra lệnh đơn giản: “Ngủ đi!”

Rồi chẳng nói gì thêm nữa.

Nhưng con mèo con chó nuôi hơn nửa năm cũng phải sinh ra tình cảm, huống chi là con người.

Thêm nữa thằng nhóc này ngày ngày lượn quanh mình, vắt óc nghĩ cách chăm chỉ làm việc, chỉ để mình vui vẻ hơn mà cho nó ở lại.

Ngụy Khiêm biết mình đã mềm lòng rồi, gã cho rằng mình không nên mềm lòng, nhưng gã chẳng có cách gì cả, dù sao thì gã đâu phải là tảng đá.

Thôi vậy, gã nghĩ thế, nghe tiếng hít thở khe khẽ bên tai, thầm nghĩ, thằng nhãi này tội nghiệp quá.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.