Đọc truyện Cửu Trọng Tử – Chương 52: Cự tuyệt
Kiếp trước, phụ thân thi đỗ thứ 13, kiếp này là thứ 16, không cao bằng kiếp trước.
Có phải vì kiếp này chuyện của Vương Ánh Tuyết đã khiến phụ thân tốn tâm sức nên thi không tốt?
Đậu Chiêu đoán lung tung.
Nhị thái phu nhân lại thấy tiếc nuối.
Bà nói với với Đậu Thế Hoành:
– Vạn Nguyên thật tốt số! Nếu năm nay con cũng đi thi thì chưa biết chừng được đề tên trên bảng vàng rồi.
Từ sau khi xảy ra chuyện Vương Ánh Tuyết, trong mắt Đậu gia, Đậu Thế Anh chỉ là loại không học vấn không nghề
nghiệp, vô dụng. Tuy rằng thi đỗ tiến sĩ, trúng tuyển thứ cát sĩ nhưng
nhị thái phu nhân vẫn cho rằng đó chỉ là do may mắn chứ không phải do
thực học.
Suy nghĩ này cũng không chỉ có mình nhị thái phu nhân mới có.
Đậu Thế Hoành không khỏi có chút tức giận nói:
– Vạn Nguyên học hành thông
minh, chỉ là không học hành chăm chỉ đến chết như người khác, ai dựa vào vận may mà thi hội thi đình rồi lại thi đỗ thứ cát sĩ?
Nhị thái phu nhân im lặng nhưng lòng vẫn không cho là đúng.
Đậu Đạc thì rất mừng rỡ.
Ông cho người treo tin mừng lên cổng lớn, hưởng thụ sự ngưỡng mộ của người qua đường, còn viết thư báo tin vui
cho Vương Hành Nghi.
Những ngày này của Vương Hành Nghi lại không được thuận lợi như ý.
Đông đi xuân đến, trước sau ông ta đánh
lui quân Mông Cổ vài lần, ở Tây Bắc oai danh lừng lẫy, sư phụ cũng rất
cao hứng, thậm chí hoàng thượng còn có ý định để ông đi làm tuần phủ
Thiểm Tây. Nhưng không hiểu vì sao, chuyện này lại cứ gác lại đó.
Ông ta nghi ngờ là vì chuyện lần trước
Đậu Thế Xu hồi hương khiến sư phụ cảm thấy ông ta chưa đủ chín chắn, vẫn cần tôi luyện thêm hai năm.
Vương Trí Tiêu nao nao nói:
– Sớm biết như vậy, lúc ấy phụ thân nên tới kinh thành giải thích với Tăng đại nhân.
– Sự thật là vậy, vừa giải thích thì chúng ta lại rơi xuống thế hạ phong. Còn không bằng cứ thế, để mọi
người biết Vương Hành Nghi quang minh thẳng thắn, dám làm dám nhận.
Tuy là nói như vậy nhưng ông ta vẫn viết
thư gửi cho bằng hữu thân nhất của mình ở kinh thành, cũng chính là con
rể của Tăng Di Phân – Quách Nhan ở Hàn lâm viện: “… Nhà nghèo đến mức
này, nữ nhi xẩy chân, mỗi khi nhớ lại lại khóc không thành tiếng. May
mắn được về với thất gia nhà họ Đậu ở Bắc Lâu, chính thất bị bệnh qua
đời thì có ý đưa con gái ta phù chính, dù ta cảm thấy không ổn nhưng
nghĩ tới con gái ta không được ta dạy dỗ cẩn thận, tuy là mật đắng nhưng ta cũng cố uống”.
Giờ xem ra, tuy rằng phong thư này có được tác dụng nhất định nhưng cũng không rõ ràng.
Nghĩ vậy, Vương Hành Nghi chắp tay sau lưng, đi đi lại lại trong phòng hai vòng, dặn dò con:
– Định ngày trong tháng này đi!
Phù chính khác với đón dâu. Không cần thủ tục lễ tiết cầu kì, chỉ cần đặt mấy bàn rượu tiệc rồi mời thân thích,
mặc đồ đỏ như chính thất đến kính rượu với mọi người, định lại danh phận là được.
Vương Trí Tiêu đáp lời, đợi phụ thân viết thư hồi âm rồi đưa qua.
Đậu Đạc chọn ngày 22 tháng 5.
Đậu Chiêu căn bản không muốn dập đầu kính trà gọi Vương Ánh Tuyết là mẫu thân.
Nàng sai Thỏa Nương mang thư cho tổ mẫu, nói muốn gặp tổ mẫu.
Bên tổ mẫu mãi không hồi âm.
Đậu Chiêu lấy bạc bảo Thỏa Nương lén mướn xe: “… Bảo xa phu đến giờ mẹo ngày 22 tháng năm, chờ ở ngõ sau Tây phủ, lúc đó tam đường tẩu vừa khéo sai người bên Đông phủ qua giúp đỡ, hôm
đó Vương Ánh Tuyết không được tùy tiện ra ngoài, Đinh di thái thái, Hồ
ma ma đều phải ra ngoài tiếp đãi đám tam đường tẩu, chúng ta nhân cơ hội đó rời đi.
Thỏa Nương gật đầu nói:
– Để tôi thu dọn hòm xiểng giúp tiểu thư.
– Thu dọn hòm xiểng gì chứ?
Đậu Chiêu nói:
– Chỉ cần mang mấy tờ ngân phiếu và mấy lạng bạc vụn là được, đến lúc đó dàn xếp xong xuôi thì về lấy
hòm xiểng cũng không muộn.
Thỏa Nương luôn cảm thấy thiếu cái gì đó.
Đậu Thế Anh đã trở lại.
Mang về cho lục bá phụ mấy vò Đổng tửu,
mang cho lục bá mẫu mấy hộp điểm tâm trong kinh thành, cho hai huynh đệ
Đậu Đức Xương, Đậu Chính Xương mấy chiếc nghiên mực, Đậu Chiêu và Đậu
Minh là hai con rối giống hệt nhau.
Đậu Minh vô cùng vui mừng, ôm vào lòng không buông.
Đậu Chiêu cảm thấy con rối này không tinh xảo bằng của lục bá mẫu cho mình, nói “cảm ơn” rồi bảo Thỏa Nương cất đi.
Vẻ hiểu chuyện mà xa cách của Đậu Chiêu khiến Đậu Thế Anh có chút khó chịu.
Sau khi vấn an Nhị thái phu nhân, hắn đặc biệt đến thăm Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu đang được Kỷ thị dạy viết chữ.
Thấy Đậu Thế Anh về, Kỷ thị lấy cớ đi pha trà, nhường thư phòng lại cho hai cha con Đậu Chiêu.
Đậu Chiêu ra khỏi bàn học, đứng thẳng nơi đó nhìn Đậu Thế Anh:
– Ngày 22 con muốn đi thăm Thôi di thái thái.
Đậu Thế Anh sửng sốt.
Đậu Chiêu nhìn Đậu Thế Anh không chớp mắt.
Phòng tĩnh lặng như tờ.
Hồi lâu sau, Đậu Thế Anh khàn giọng hỏi con gái:
– Vì sao?
– Con không muốn gọi một di nương là mẫu thân!
Đậu Chiêu nghiêm mặt nói. Đậu Thế Anh trầm mặc một hồi rồi nói “Biết rồi”, vẻ mặt không chút thay đổi, nhìn không ra cảm xúc gì.
Đậu Chiêu không hề nghĩ xem phụ thân nghĩ gì.
Nếu phụ thân đồng ý thì chuyện càng đơn giản, nếu phụ thân không đồng ý thì nàng vẫn có thể đạt được mục đích.
Chỉ bằng bao quả du kia, nàng chắc chắn, chỉ cần nàng đến điền trang thì tổ mẫu sẽ nhận nàng.
Đậu Thế Anh hốt hoảng về nhà, vẻ mặt Cao Thăng quái dị, đứng ở cửa chờ hắn.
– Thất gia!
Cao Thăng tiến lên hành lễ với Đậu Thế Anh rồi thấp giọng nói:
– Thôi di thái thái vừa sai người tới báo tin, nói bà bị bệnh, muốn tứ tiểu thư đến điền trang với người.
Đậu Thế Anh vô cùng bất ngờ, vội hỏi:
– Người truyền tin đâu?
Giọng nói căng thẳng, vẻ mặt kích động.
– Tôi đã giữ người đó ở lại, đang ăn cơm trong bếp. Lão thái gia không đồng ý.
Cao Thăng nói.
Đậu Thế Anh ừ một tiếng rồi vội đi vào phòng bếp.
Trong phòng bếp hôn ám, Thôi Đại đang bưng bát ăn mì sợi.
Hắn là cháu của Thôi thị, năm nay tròn 20 tuổi.
– Thất gia!
Thôi Đại vội bỏ bát đũa đứng dậy, thần sắc câu nệ, lẩm bẩm:
– Thôi di thái thái nói, nếu
thấy thất gia thì nói với người một tiếng, bà không có chuyện gì, chỉ
muốn đón tứ tiểu thư qua đó mấy ngày.
Sau đó nhấn mạnh:
– Ở mấy ngày thôi rồi sẽ về!
Trong cảm nhận của Đậu Thế Anh, Thôi di
nương là người rất mạnh mẽ, từ khi phụ thân đưa bà đến điền trang, bà
cũng không chủ động liên lạc với Đậu gia một câu, càng đừng nói đến việc sẽ nhúng tay vào chuyện của Đậu gia.
Hắn cố áp chế sự hoang mang trong lòng, nói với Thôi Đại:
– Được rồi, hôm nay đã muộn, ngươi nghỉ lại đây đi, sáng mai hộ tống Tứ tiểu thư đến điền trang.
Thôi Đại “a” một tiếng rồi cười thật tươi, nụ cười hàm hậu.
Ánh mắt như bị ai châm mà đau đớn, Đậu Thế Anh theo bản năng nhắm chặt mắt lại.
Hắn đi gặp Đậu Đạc.
Đậu Đạc đang vui vẻ đùa nghịch một chậu cây văn trúc, thấy Đậu Thế Anh thì vội buông bình tưới, tươi cười càng vui vẻ:
– Đã gặp nhị bá mẫu chưa?
– Đã gặp rồi, con còn gặp Thôi Đại.
Đậu Thế Anh nói.
Nụ cười của Đậu Đạc cứng lại.
Đậu Thế Anh như không nhìn thấy, ngữ khí rất ôn hòa.
– Con bảo hắn ở lại rồi. Sáng mai hộ tống Thọ Cô đến điền trang.
“Thùng” một tiếng, bình tưới rơi xuống
chậu, nước bắn tung tóe ra xung quanh, có mấy giọt còn vẩy lên áo Đậu
Thế Anh, hắn vẫn không hề để ý, nói:
– Phụ thân, chuyện này cứ quyết
định vậy đi. Con chỉ xin nghỉ mười mấy ngày, về nhà vội nên cũng đã hai
ngày không được chợp mắt, con đi ngủ trước. Có chuyện gì ngày mai chúng
ta lại nói!
Xoay người hành lễ rồi lui xuống.
Đậu Đạc nhìn bóng con dần xa, nửa ngày cũng không lấy lại được tinh thần.
※※※※※
Đậu Chiêu biết rõ “bệnh” của tổ mẫu, lòng rất áy náy.
Nàng biết, nếu tổ mẫu thực sự bị bệnh, vẻ mặt phụ thân sẽ không thoải mái như vậy được. Hoàn toàn là vì nàng nên
tổ mẫu mới giả bệnh.
Đậu Chiêu thắp ba nén nhàng với Bồ Tát, cầu Bồ Tát phù hộ cho tổ mẫu sống lâu trăm tuổi.
Đậu Thế Anh nghe con gái thì thào khấn mà rất hoảng sợ, hồi lâu sau mới nói:
– Con, con có phải là…
Nhìn gương mặt non nớt của con gái, nhất thời hắn không biết nên hỏi thế nào.
Một khi Vương Ánh Tuyết trở thành kế mẫu
của nàng thì sẽ chiếm được thế mạnh. Nếu nàng tiếp tục giả câm giả điếc
thì sẽ bị Vương Ánh Tuyết tùy tiện sắp đặt.
Đậu Chiêu quyết định từ từ để lộ mũi nhọn, bức bách Vương Ánh Tuyết nhượng bộ, lui binh với chuyện của nàng.
Cho nên thấy Đậu Thế Anh nghi ngờ thì nàng chỉ nói:
– Con xin Thôi di nương đón con đến điền trang.
Đậu Thế Anh cứng họng.
Đậu Chiêu mặc kệ hắn, sai Hải Đường cất bức tượng sứ phúc lộc thọ mà nàng yêu thích vào hòm xiểng.
Bức tượng đó màu sắc diễm lệ, ngụ ý tốt lành, chắc chắn tổ mẫu sẽ thích.
Nàng lại nhìn long nhãn đã làm để mang biếu tổ mẫu. Vừa to vừa ngọt.
Đậu Chiêu hài lòng vuốt cằm, thưởng cho tiểu nha hoàn làm việc chút bạc vụn.
Tiểu nha hoàn mừng rỡ cảm tạ rối rít.
Đậu Thế Anh nhìn đứa con gái trầm ổn, bình tĩnh trước mặt mình, lòng dâng lên cảm giác quái dị.
Nữ nhi như đóa hoa kiếm lan, vốn phải
nuôi ở trong nhà ấm chờ nó dần dần lớn lên nhưng đột nhiên nàng bị vứt
qua một bên, trong gió táp mưa sa, nàng đành phải giãy dụa cùng với cỏ
dại, cũng nhanh chóng trưởng thành… Còn mình, chính là trận gió táp mưa
sa đó…
– Thọ Cô, con có muốn về nhà?
Hắn hỏi Đậu Chiêu.
Hắn muốn đưa con gái về lại nhà ấm.
– Không muốn. Trong nhà rối loạn lung tung, nhìn đã thấy phiền, không bằng con ở bên lục bá mẫu và Thôi di thái thái.
Đậu Chiêu đáp rành rọt. Đậu Thế Anh nghẹn lời.
Suốt dọc đường hai cha con đều không nói gì.
Tổ mẫu đứng ở ven đường, kiễng chân chờ đợi.
Thấy phụ thân, mắt bà lập tức ươn ướt. Tổ mẫu cười nói.
– Nghe nói con đỗ tiến sĩ, con thật giỏi.
Phụ thân hơi hơi cười.
Tổ mẫu cúi đầu gọi Đậu Chiêu:
– Thọ Cô!
Vẻ mặt từ ái của bà đã cùng Đậu Chiêu vượt qua biết bao đêm dài đen tối.
Mũi Đậu Chiêu cay cay, không nhịn được lại rơi nước mắt.
– Thôi di thái thái, long nhãn làm, ăn ngon lắm!
Nàng ôm lấy tổ mẫu. Tổ mẫu sửng sốt, sau đó ôm chặt lấy Đậu Chiêu.
※※※※※
Điền trang của tổ mẫu vẫn giống như trong trí nhớ của nàng.
Hoa màu xanh mướt, đường đất bằng phẳng,
gốc hòe lớn tỏa bóng như chiếc ô khổng lồ, có mấy người đàn bà ngồi túm
tụm ở đó, cười cười nói nói cùng thêu thùa, còn có mấy đứa trẻ ở bên đùa giỡn.
Thấy có người vào thôn, mọi người đều ngừng việc trong tay, tò mò nhìn qua.
Đậu Chiêu nhìn chằm chằm những người đó, muốn tìm trong đó một gương mặt quen thuộc.
Nhưng thật đáng tiếc, cách quá xa, bọn họ đều trông thật xa lạ.
Xe ngựa nhanh chóng dừng lại trước căn phòng ngói xanh của tổ mẫu.
Một người đàn bà sạch sẽ, hoạt bát tiến lên vén rèm xe, tổ mẫu tự mình bế Đậu Chiêu xuống.
Căn phòng trước sân, cửa sổ dán giấy
trắng, những con gia súc ăn cỏ trong chuồng, cảnh vật quen thuộc như
vậy, chỉ là góc tường thiếu mất một cây mận do chính tay nàng trồng.