Bạn đang đọc Cướp Anh Từ Tay Định Mênh! – Chương 42
Thụy Dương bấm chuyển kênh liên tục trên cái tivi. Cô cũng chả hiểu cô định làm gì và muốn làm gì nữa. Định lên phòng nhưng lại sợ cảm giác một mình, sợ cái không gian tù túng bí bách đó. Bà Ái Lê từ trên nhà đi xuống, nhìn Thụy Dương thở dài rồi bước đến ngồi đối diện cô.
– Con đi đâu cả 2 hôm nay cũng không báo một tiếng?
– Mẹ không cần quan tâm đến con đâu.
Nói rồi cô đứng dậy, bỏ tay vào bao quần định đi lên nhà.
– Ngồi đó đã! Nhã Thư sắp về
– Việc Nhã Thư sắp về từ bao giờ liên quan đến con vậy?
Bà Lê nén tiếng thở dài chảy ngược vào trong. Giá như có hai Vũ Huy ở trên đời chắc chắn bà sẽ giành giật đứa còn lại cho Thụy Dương. Dù sao nó cũng là đứa con bà đứt ruột đẻ ra. Nhưng nó can trường và bản lĩnh hơn Thư nó sẽ vượt qua dễ dàng hơn nhiều. Bà luôn tin vậy.
– Chuyện cưới hỏi của em con. Có liên quan chứ?
Thụy Dương bóp chặt tay trong bao quần. Hai mắt mờ đi nhìn những bậc cầu thang trước mặt. Cưới hỏi ư? Sao lại thế? Sao lại nhanh thế được? Không! Không tin! Không thể nào!
Có tiếng Nhã Thư ở bước vào, có tiếng chào mẹ khe khẽ, hình như có cả tiếng một người đàn ông nào đó. Thụy Dương không quan tâm được nữa. Mặc kệ tất cả, cô bước những bước chới với về phòng mình. Không còn nghe được gì. Không còn cảm nhận được gì nữa.
– Mẹ! Đây là ba Vũ Huy!
Bà Lê không quay lại nhìn, mắt vẫn mải miết theo bước chân Thụy Dương.
– Con quên luật lệ của nhà này rồi à?
– Bác ấy đã gọi điện cho mẹ rồi ạ! Bác ấy cần gặp mẹ!
– Ngay cả ba Vũ Huy cũng không được.
– Mẹ! Bác ấy vì không gọi được cho mẹ nên đến hẹn gặp mà! Với lại sắp tới Vũ Huy cũng đến mà! Con trai cũng có sao đâu mẹ!
– Xin lỗi! Tôi đến đường đột!
Bà Lê nghe như rõ rệt tiêng cười ri rỉ trong cuống họng người đàn ông lạ mặt. Bà Lê gần như không tin vào tai mình nữa. Tim bà xốc mạnh. Bà quay phắt lại nhìn người đàn ông trước mặt mình rồi ngồi phịch xuống ghế:
– Ra ngoài! Cút ra ngoài! Ra ngoài ngay cho tôi.
Bà thở gấp rồi ôm lấy ngực hổn hển. Nhã Thư hoảng hốt đỡ lấy bà:
– Mẹ! Mẹ! Mẹ sao vậy! Mẹ ơi!
– Ra ngoài! Cút đi! Đưa ông ta ra ngoài! Ngay lập tức!
Ông Ngọc hoàn toàn không thể ngờ bà lại phản ứng mạnh như thế. Nhã Thư đẩy mạnh ông ra ngoài kèm theo lời xin lỗi. Ông lùi dần cho đến khi cánh cửa đóng lại.
– Cháu xin lỗi! Cháu không hiểu mẹ cháu làm sao nữa.
– Rồi sau này cháu sẽ hiểu thôi! Vào với mẹ cháu đi! Chuyện này rồi cũng rối tung lên cho coi! Đúng là nực cười cho hai chữ định mệnh!
Bà Lê đưa tay lên lau hai hàng nước mắt cứ âm ỉ chảy không chịu yên ướt đẫm cả gối. Cuối cùng cũng phải đối mặt sao? Không cho bà kể cả một chút thời gian sao? Không cho Thụy Dương một chút thời gian sao? Không được! Thụy Dương sẽ không chịu đựng được mất! Chính bà còn đau đến tắc thở thì làm sao nó chịu đựng được. “Bố của Vũ Huy”. Ông trời ơi! Có nhất thiết phải trừng phạt chúng tôi như hôm nay không?
– Mẹ ổn chứ?
Cái giọng bất cần lạnh lùng của Thụy Dương vang lên thật gần. Bà vội vàng quay người che những giọt nước mắt.
– Ừ! Mẹ ổn! Không ngủ qua đây làm gì?
– Lâu lắm rồi con không vào phòng mẹ! Người đàn ông đó là ba Vũ Huy à?
– Ừ! Con nhìn thấy ông ta rồi à?
Giọng bà gấp gáp.
– Không nhìn thấy chỉ nghe thôi! Mẹ có vẻ sợ mất con gái cưng quá.
– Ừ! Mẹ sợ mất con gái mẹ!
– Nhanh quá! Chính con cũng bất ngờ. Rồi sẽ ổn thôi! Mẹ ngủ đi
Thụy Dương đặt tay lên bờ vai đang quay đi của mẹ.
– Ừ! Rồi sẽ ổn!
Bà Lê quay mình nhìn dáng đi đầy mệt mỏi của Dương. Lòng chợt đắng lại. Những hình ảnh ngày xưa thoáng hiện về. Hình ảnh bà bước lên xe máy một vị khách qua đường, con bé ùa chạy theo ngã nhào trên đường mà bà chẳng thể lại đỡ. Hình ảnh lần đầu tiên con bé cùng bà bước chân vào ngôi nhà này, nháo nhác đưa mắt nhìn bà mà bà gạt đi như chưa từng thấy. Giọt nước mắt của con bé lần đầu tiên thấy bà ra sức quyến rũ ông chủ nhà. Từ năm 18 tuổi bà đã quen có nó ở bên cạnh, gánh nặng cũng được, của nợ cũng được…nhưng đã quen mất rồi. Sao nói mất là mất được. Bà không cho phép điều đó xảy đến. Nhất định không cho phép.
Lại có tiếng dép và tiếng gõ cửa rụt rè, bà Ái Lê biết người đứng bên ngoài là Nhã Thư:
– Con vào đi!
Nhã Thư ôm gối chạy đến bên giường bà. Cô ngồi xuống ngay sát mép giường. Đưa tay đặt bàn tay lên tay mẹ. Bà cười nhìn cô rất hiền lành.
– Con ngủ với mẹ nhé!
– Ừ! Con ngoan!
Bà lại khóc. Nước mắt của người phụ nữ đã đi qua những biến thiên khủng khiếp của cuộc đời đáng quý biết bao. Nước mắt của người phụ nữ đã từng mệt nhoài tranh đấu, từng yêu, từng tàn ác, từng chấp nhận, từng cô đơn… mặn lắm. Nó đủ vị. Vị của cuộc đời. Nhã Thư đưa tay vuốt nhẹ những giọt nước mắt lăn trên má bà:
– Mẹ à! Hôm nay mẹ con mình cùng kể chuyện cho nhau nghe nhé! Con không để mẹ kể một mình như trước nữa đâu.
– Ừ! Mẹ cũng không muốn kể một mình nữa!
– Chỉ cần mẹ biết rằng: Con gái mẹ lớn rồi! Cách quên nó chưa học được nhưng cách tha thứ thì đã học được rồi!
Đêm ấy gió bên ngoài vẫn thổi, mưa tan nát nơi khung cửa sổ. Có những chuyện xưa được kể lại. Có những nỗi đau được khơi lại. Có những dĩ vãng chẳng bao giờ quên được. Quá khứ tàn khốc không được nhắc lại để quên mà nhắc lại để những người đang sống của hiện tại học cách vị tha, học cách bỏ qua, bởi yêu thương ngay chính thời điểm họ sống là yêu thương thật sự, sâu sắc và chân thành. Đó mới là điều quan trọng nhất!
Nhã Thư thức dậy hồi lâu, cô nằm yên trong vòng tay người mà cô gọi là mẹ bao nhiêu lâu nay. Người ta vẫn tự dặn lòng phải tha thứ nhưng đằng sau quyết định đó là nhiều lắm những trăn trở những thao thức không yên. Sai lầm của quá khứ có thể là vô tình cũng có thể là cố ý, nhưng nỗi đau của nó chắc hẳn đậm và sâu lắm. Càng đậm càng sâu sự tha thứ càng trở nên khó khăn. Nhã Thư đưa tay chạm nhẹ những đường nét trên gương mặt hao gầy của bà Lê, thấy lòng đau nhói. Cô biết, cô cảm nhận được rất rõ những yêu thương, những lo lắng, quan tâm hết mình mà bà dành cho cô. Dẫu phủ nhận, dẫu trốn chạy, dẫu học cách nhẫn tâm thật nhiều, trước bà, Thư vẫn thổn thức muốn được gọi là mẹ, là mẹ thôi.