Cuồng Vọng Phi Nhân Tính

Chương 19: Lạc hướng và chứng minh


Đọc truyện Cuồng Vọng Phi Nhân Tính – Chương 19: Lạc hướng và chứng minh

Vụ án giết người ở mê cung không tiến triển, vụ giết người ở siêu thị Phú Sĩ Mã cũng giậm chân tại chỗ, mặc dù hồ sơ của hai vụ án này đã xếp thành hai chồng dày, nhưng vẫn không cung cấp được một đầu mối có giá trị nào cho việc phá án.

Tháng 11 năm 2004, Bộ Công an đã triệu tập hội nghị toàn quốc về công tác điều tra các vụ án mạng tại Nam Kinh, Giang Tô. Tại hội nghị này đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo: “Vụ án mạng bắt buộc phải phá”, và quán triệt chấp hành tại tất cả cơ quan công an trong toàn quốc. Sở Công an tỉnh cũng hết sức coi trọng hai vụ án mạng xảy ra trong thời gian trước đây và liệt kê vào các vụ án cần phải đôn đốc. Nhưng về mặt ảnh hưởng xã hội, việc cấp bách trước mắt là phải nhanh chóng bắt cho được đối tượng vượt ngục La Gia Hải về quy án.

Cơ quan cảnh sát đồng thời với việc tiếp tục các hoạt động vây bắt La Gia Hải tại thành phố C cũng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ với cảnh sát của thành phố J, bố mẹ cậu ta cũng ở thành phố J, do đó, cảnh sát đã tiến hành giám sát nghiêm ngặt nhà bố mẹ La Gia Hải, nhưng từ khi xảy ra vụ án đến nay, không hề thấy tăm hơi La Gia Hải, cũng không thấy cậu ta lộ diện hay liên lạc với gia đình.

Thái Vĩ thông báo sơ bộ kết quả hợp tác cho Phương Mộc. Vấn đề cuối cùng có vẻ khó nói chính là gần đây các vụ trọng án ở thành phố J cũng xảy ra liên tiếp, lực lượng cảnh sát thiếu trầm trọng, cho nên việc phối hợp điều tra vụ án La Gia Hải chỉ có thể dựa vào cơ quan công an cơ sở, nhưng nếu có tin tức gì sẽ lập tức thông báo cho Phương Mộc ngay.

Đặt điện thoại xuống, tinh thần của Phương Mộc có vẻ hơi ủ dột nhưng chưa đến nỗi thất vọng, chán nản. Thực ra thì điều này cũng nằm trong tính toán, La Gia Hải cho dù ở bất cứ đâu cũng không ngốc đến mức trốn về nhà.

Xét đến sai lầm của Phương Mộc trong vụ án, cấp trên đã ủy nhiệm cho Biên Bình làm một báo cáo phân tích La Gia Hải. Trong báo cáo, Biên Bình tiếp nhận kiến nghị của Phương Mộc đối với việc La Gia Hải vẫn còn ở trong thành phố và khả năng phát triển của vụ án. Phương Mộc rất cảm kích trước việc làm của Biên Bình vì anh biết Biên Bình vẫn tin tưởng ở anh.

Mặc dù trong việc truy bắt La Gia Hải bản thân đã tìm hết cách để phát huy tác dụng nhưng Phương Mộc vẫn dứt khoát đem hết sức mình tập trung vào hai vụ án giết người gần đây. Anh hy vọng có thể nhanh chóng phá được hai vụ án này. Tạm thời không nói đến vấn đề chức nghiệp của cảnh sát, thứ nhất là vì danh dự bản thân, thứ hai là để báo đáp Biên Bình.

Biên Bình không tán thành với phương pháp của Phương Mộc. Anh nói với Phương Mộc, phá án là công việc của cảnh sát, nhưng không vì thế mà để tình cảm cá nhân chi phối sẽ làm cho bản thân rơi vào những sự phiền toái không cần thiết.

“Bảo vệ người bị hại là chức trách của chúng ta, bảo vệ những quyền lợi hợp pháp khác củ người phạm tội cũng không có gì sai. Nhưng nên có mức độ.” Biên Bình tỏ ra nghiêm khắc, anh chỉ vào Phương Mộc, “Sai lầm lớn nhất của cậu là dễ để tình cảm chi phối công việc. Những sai lầm tương tự tốt nhất là không nên tái phạm, đặc biệt là việc cậu dùng thân mình đỡ đạn cho tội phạm!”

Đây là lần đầu tiên Biên Bình chính thức nói chuyện với Phương Mộc về vấn đề này. Tình cảm của anh ấy với Phương Mộc không nói cũng hiểu. Nhưng Phương Mộc thấy ý kiến của Biên Bình và Thái Vĩ đều giống nhau: Anh là người rất dễ dàng để tình cảm cá nhân xen lẫn vào trong công việc.

Phương Mộc rất hiểu mình là con người như thế, nếu không đã không có những cơn ác mộng kéo dài hơn hai năm; không có cuộc đối diện độc lập với con quỷ hút máu; không có việc bắn thẳng vào đầu Tôn Phổ ở dưới hầm ngầm; cũng không có việc vì La Gia Hải mà suýt bị người của mình bắn chết…

Phương Mộc buồn rầu suy nghĩ, có lẽ mình không hợp với nghề cảnh sát.

Nhưng cho dù là hợp hay không hợp thì những công việc trước mắt vẫn cần phải làm cho tốt. Việc này không cho phép chọn lựa, Phương Mộc đóng cửa, giam mình lại, suốt cả ngày nghiên cứu hồ sơ về hai vụ án giết người.


Hướng suy nghĩ để phá vụ án giết người dưới mê cung còn được cho là rõ ràng một chút, về cơ bản là giết người báo thù. Chỉ vì quan hệ xã hội của nạn nhân Tưởng Bái Nghiêu nên rất khó phát hiện động cơ gây án của hung thủ. Cảnh sát lúc đầu nghi ngờ thủ phạm là Đàm Kỳ nhưng đã chứng minh được thời gian ngoại phạm của anh ta. Còn điều tra qua những quan hệ thân thiết thì Đàm Kỳ rất ít bạn, những quan hệ tiếp xúc chủ yếu là đồng nghiệp ở công ty quảng cáo. Thời gian rảnh rỗi Đàm Kỳ chỉ thích ở nhà chơi điện tử, dùng một câu theo mốt bây giờ để nói, đây là người đàn ông chuẩn mực luôn có mặt ở nhà. Do đó, tạm thời không thể chứng minh Đàm Kỳ là đồng phạm với bọn người kia được. Ánh mắt của Phương Mộc dừng lại hơi lâu trên bức ảnh chụp hiện trường. Có lẽ, do có duyên với ánh sáng khi chụp nên bức ảnh hơi mang tính chất của trang sơn dầu. Trong mê cung dưới lòng đất tối tăm chật hẹp, nạn nhân nằm sấp trông như vô tội. Cảnh này khiến Phương Mộc nhớ đến những tác phẩm hội họa thời văn hóa phục hưng ở châu Âu của các họa sĩ nổi danh lấy đề tài từ những câu chuyện tôn giáo.

Đúng, cảm giác đây là một nghi thức.

Phương Mộc không thể giải thoát mình ra khỏi cái cảm giác này. Nạn nhân trước khi chết đã bị bắt trói và bị cho điện giật nhiều lần. Từ kết quả khám nghiệm cho thấy quá trình chết của nạn nhân tương đối dài, những tia điện lấp lánh, cơ thể co giật, tiếng kêu thẳm thiết yếu dần, không nghi ngờ gì nữa chính là lúc cao trào nhất của cái nghi thức tà ác này. Còn việc bỏ xác ở mê cung lại là kết cục hoàn mỹ nhất của nghi thức. Nhìn thi thể của nạn nhân, Phương Mộc cảm thấy như mình đang đứng bên cạnh nạn nhân, hai bên là những bóng đen lặng lẽ đứng trang nghiêm, khuôn mặt họ trông rất mơ hồ, nhưng hơi thở đều đều lại như đang vang lên ngay bên tai. Phương Mộc thậm chí cảm thấy họ đang rất an lành vì đã được thỏa nguyện, còn dưới chân của thi thể đó không chỉ là những nạn nhân, mà còn là những tế phẩm của nghi thức vừa kết thúc.

Từ cổ chí kim, bất cứ nghi thức nào cũng đều là một loại tượng trưng tinh thần, thế thì nghi thức này rốt cuộc tượng trưng cho cái gì?

Địa điểm bỏ xác là ở chính giữa mê cung, bất luận là tiến lên hay lùi lại, đều cách hai cửa ra vào một khoảng bằng nhau, cho nên, chỗ đó thực ra là nơi sâu nhất của mê cung. Nếu như nói mê cung mang đến cho người ta một cảm giác lạc hướng, thế thì trong nhận thức nơi đây sẽ là nơi sâu thẳm nhất.

Cái cảm giác lạc hướng ở nơi sâu nhất là cảm giác của hung thủ cảm thấy hay là hắn muốn để cho nạn nhân cảm thấy, hoặc là cả hai?

Nếu như hung thủ đã trải qua cảm giác này một cách sâu sắc, đồng thời cũng muốn cho nạn nhân được nếm trải mùi vị của nó, thế thì mùi vị của việc báo thù này rất đậm.

Tượng trưng của nghi thức dần dần hiện rõ: Phục thù.

Lúc vừa tan tầm, Phương Mộc phát hiện thấy điện thoại di động của mình hết pin, anh đặt tạm nó xuống bên cạnh tập hồ sơ, rồi về ký túc xá dành cho người độc thân lấy xạc.

Khi vừa mới tham gia công tác, để dễ quản lý và tập trung, cơ quan cấp cho mỗi người độc thân một phòng ký túc. Bất kể Phương Mộc là người ở thành phố hay là được mời đến công tác một thời gian. Nói là để thuận tiện cho công việc nhưng thực ra là vì anh không muốn về nhà. Bố mẹ Phương Mộc không đồng ý cho anh làm cảnh sát, do đó, đêm trước khi tốt nghiệp đã to tiếng một trận.

Vừa mở cửa, Phương Mộc ngẩn người ra, buổi sáng căn phòng còn bừa bộn lung tung bây giờ đã được dọn dẹp gọn gàng. Sách vở lẫn tạp chí bừa bộn ở trên giường được xếp lên giá sách, tấm ga đến một tháng không thay và cái chăn thì biến đi đâu mất. Đôi giày đánh bóng rổ đang rỏ nước trên bệ cửa sổ. Ánh mắt của Phương Mộc dừng lại ở một cái túi vải quen thuộc trên bàn, mẹ đến rồi.

“Tránh ra!” Phương Mộc còn đang ngẩn ngơ thì nghe thấy một giọng nói mệt mỏi vang lên ngay sau lưng, sau đó, một đôi tay đẩy vào vai anh.

Mẹ anh nét mặt nghiêm nghị, tay bưng một chậu quần áo ướt đi vào. Bà để chậu quần áo xuống cuối giường, ngồi xuống thở dốc.


“Quần áo của ai đấy ạ?” Phương Mộc chân tay luống cuống đi tìm ấm chén, đun nước, cười làm lành, hỏi.

“Của ai à? Mẹ mua đấy!” Bà xắn tay áo lên, nói giọng không vui: “Con ở đây ngay cả một cái chậu để giặt quần áo cũng không có, không biết bình thường thì giặt quần áo thế nào?”

“Mang ra hiệu giặt.”

“Thế họ giặt có sạch không?” Bà mẹ không nhẫn nhịn, “Con xem này, cái chăn của con thành ra màu gì rồi?”

Phương Mộc kéo một cái ghế, ngồi xuống trước mặt mẹ, cười nhăn nhở, “Mẹ à, sao hôm nay mẹ lại rảnh rỗi thế?”

“Ừ, con tưởng mẹ muốn đến sao?” Bà mẹ chẩu môi ra, “Con thử tính xem, đã bao lâu con chưa về nhà rồi?”

Phương Mộc hơi ngượng, cúi đầu không trả lời. Căn phòng bỗng chốc trầm hẳn xuống, hồi lâu, mẹ Phương Mộc thở dài, nói: “Con đã chọn con đường này, mẹ và bố con đành phải nghe theo. Nhưng con không được lâu như thế không về thăm nhà, đến cả điện thoại cũng ít gọi. Bố mẹ sợ ảnh hưởng đến công tác của con, cũng không dám liên hệ nhiều. Nhưng con biết đấy, mẹ và bố con đều rất nhớ con.”

“Con biết ạ.” Phương Mộc cầm tay mẹ, cọ cọ vào lòng bàn tay mình.

“Nhất định phải chú ý an toàn, biết không?” Mẹ Phương Mộc xoa đầu anh, “Hai sự việc ở thành phố này và thành phố J đã làm bố mẹ sợ chết khiếp rồi, nếu lại xảy ra nữa, coi như con giết mẹ đấy.”

“Không sao đâu ạ.” Phương Mộc cười hề hề, “Con có đi bắt tội phạm giết người đâu mà.”

“Con…” Bà mẹ sầm mặt xuống, “Mẹ không phải không biết, hàng ngày giao lưu với con là những hạng người nào!”

“Con sẽ cẩn thận, mẹ cứ yên tâm!”


Bà mẹ lườm Phương Mộc một cái, vỗ vỗ vào cái túi vải, nói: “Trong này là quần áo mùa thu, trời lạnh thì nhớ mặc vào.” Sau đó bà rút trong túi ra một tập tiền bỏ lên bàn.

“Mẹ làm gì vậy?” Phương Mộc vội vàng cầm tập tiền lên, “Mẹ cầm về đi, con có thiếu tiền đâu.”

“Mày khách sáo với cả mẹ à?” Bà đánh một cái vào tay Phương Mộc, “Đừng có giả vờ giàu có với mẹ, con có tiền hay không mẹ còn không biết sao?” Bà nói chắc nịch, nhét tiền xuống dưới gối, miệng lẩm bẩm, “Cũng không biết rồi cái thằng mất nết này đem tiền tiêu lung tung ở đâu nữa.”

Phương Mộc gãi đầu, “Thế để con mời bố mẹ ăn cơm.”

“Ăn cái gì mà ăn? Tiêu tiền bậy bạ, hơn nữa, cầm tiền của mẹ rồi mời mẹ đi ăn cơm, mày coi mẹ là đồ ngốc à?”

“Ha ha, hay bố mẹ mua chút gì ngon mang về nhà ăn.”

“Được!” Cuối cùng bà mẹ cũng mỉm cười đồng ý, rồi hôn một cái lên mặt Phương Mộc, “Đây mới là thằng con trai ngoan của tôi!”

Ăn một bữa cơm thịnh soạn tại nhà, đánh một giấc ngon lành trên chiếc giường quen thuộc, hôm sau tinh thần của Phương Mộc phấn chấn hẳn lên, tinh lực cũng đầy sung mãn, tư duy tự nhiên cũng sáng ra nhiều.

Nếu như nói tượng trưng nghi thức ở mê cung là báo thù, thế thì nghi thức ở siêu thị Phú Sĩ Mã tượng trưng cho cái gì?

Vẫn đề tập trung ở hai điểm: Một là ở siêu thị; hai là con gấu bông đồ chơi.

Từ những kết quả thu thập được như kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo của hung thủ, không quản hiểm nguy để hoàn thành kế hoạch bỏ xác, mặc dù việc bỏ xác khó hơn nhiều so với việc khống chế, giết hại nạn nhân. Rất hiển nhiên, việc bỏ xác ở siêu thị là rất quan trọng với hung thủ, là một tình tiết không thể thiếu của quá trình phạm tội. Thế thì vì sao hung thủ lại phải mang xác nạn nhân vào siêu thị? Vì sao phải treo xác nạn nhân lên tường?

Phô bày.

Đặc điểm lớn nhất của siêu thị là lượng người ra vào mật độ quá đông, nếu như muốn hành vi phạm tội của mình được phơi bày ở một nơi đông người thì siêu thị chính là nơi phù hợp nhất.

Nếu như mục đích hung thủ chọn nơi bỏ xác nạn nhân ở siêu thị là vì muốn hành vi phạm tội của mình được thể hiện ở trình độ cao nhất, thế thì ít nhất cũng chứng minh được một vấn đề: Hung thủ hoặc kẻ thù ác có một trạng thái tâm lý dị thường. Bởi vì anh ta hoặc cô ta coi việc phơi bày xác nạn nhân quan trọng hơn nhiều so với việc giết hại nạn nhân.

Giống như mọi nghi thức vốn có, ý nghĩa của hình thức là phải thể hiện được bản chất của nội dung.


Thế thì việc phơi bày như thế có thể mang đến cho hung thủ một sự thỏa mãn tâm lý nào?

Giễu cợt sự bất tài của cảnh sát hay là sự huênh hoang, khoe khoang bản thân?

Một nhà mạng sau khi công bố sản phẩm của mình sẽ phải luôn quan tâm xem sản phẩm của mình sẽ được truy cập và phản hồi như thế nào.

Một đạo diễn điện ảnh, sau khi phim của mình được chiếu sẽ đích thân đến rạp ngồi quan sát phản ứng của khán giả.

Mỗi tác giả đều hy vọng sẽ có nhiều người biết đến tác phẩm của mình. Nếu như tác phẩm được nhiều người khen ngợi thì người đắc ý nhất chính là tác giả, bởi vì nó chứng tỏ được bản thân họ.

Nếu hung thủ cũng có một trạng thái tâm lý giống như vậy, thế thì hắn muốn chứng minh cái gì?

Đáp án nhiều khả năng sẽ ở con gấu bông đồ chơi kia.

Phương Mộc chăm chú xem lại bức ảnh hiện trường, trong đầu vẫn không ngừng nhớ lại cảm giác lần đầu tiên đến hiện trường. Ngoài cảm giác sâu sắc đây là một nghi thức thì cái ấn tượng nhất đối với anh chính là con gấu bông đồ chơi kia. Nó không cho anh một cảm nhận mãnh liệt mà mang đến cho anh một sự bất ngờ. Anh không thể tưởng tượng một con gấu đồ chơi lại có thể khiến cho hung thủ có được sự khẳng định cái Tôi mãnh liệt như vậy.

Bỗng nhiên Phương Mộc nhận thấy mình đã bỏ qua một đầu mối rõ ràng nhất.

Nếu như con gấu bông đồ chơi kia là vật để hung thủ biểu đạt yêu cầu nội tâm thì hắn ta không nhất thiết phải moi rỗng ruột con gấu bông. Mục đích moi ruột con gấu bông là để nhét người chết vào bên trong giống như mặc quần áo điều đó chứng tỏ: Người mặc bộ da của con gấu bông mới chính là yêu cầu của hung thủ.

Phương Mộc nhớ đến câu nói của trưởng khoa Sái, người mặc bộ da của con gấu đồ chơi chính là hình tượng của người làm nghề quảng cáo!

Giết chết người quảng cáo mặc bộ da của con gấu đồ chơi mới là mục đích chính của hung thủ! Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết, hung thủ quyết tâm làm như thế để chứng minh cái gì? Cho dù hắn ta muốn chứng mình cái gì đi nữa thì vẫn xác định được một vấn đề đó chính là trạng thái tâm lý của hung thủ đã đạt đến mức cực kỳ mãnh liệt, đến độ không thể dừng lại được. Để kích thích hành động đó không ngoài hai khả năng: Một là tự cứu; hai là phục thù. Cuối cùng thì đó là khả năng nào?

Phương Mộc thấy rất phấn khởi, hai vụ án càng ngày càng có ý nghĩa đây.

Nghĩ đến đây, Phương Mộc bất giác ngừng cười, tự mình liên hệ hai vụ án với nhau. Trực giác cũng rất tốt, dự đoán cũng rất đúng, chí ít bây giờ có hai vấn đề cần phải xác minh:

Thứ nhất: Nạn nhân Tưởng Bái Nghiêu trong vụ án mạng dưới mê cung có bao giờ xúc phạm đến thân thể học sinh của mình để đến mức gây thù chuốc oán không; Thứ 2: Nạn nhân Thân Bảo Cường trong vụ án mạng ở siêu thị Phú Sĩ Mã đã bao giờ làm nghề quảng cáo, nếu như đã làm nghề quảng cáo thì trong thời gian đó có xảy ra sự cố nào không?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.