Đọc truyện Cuồng Phong Sa – Chương 27: Đồng bệnh tương lân – Thạch lao ngộ tri kỷ
Ngôi nhà đá âm u nằm cạnh một con rạch nhỏ, cánh cửa đá có gắn vòng sắt đang mở toang. Bên trong vọng ra tiếng cãi vã nhau, tiếp theo liền nghe thấy một tiếng quát lớn, Kiều Thiên Bích từ trong nhà đá lao ra, mặt nàng đầy vẻ tức giận nói :
– Ai mà cần, cái quân thối tha không biết điều.
Trở tay đẩy cánh cửa đá khép lại. Gương mặt xinh đẹp của nàng ở dưới ánh nắng lại càng thêm diễm lệ lôi cuốn.
Qua đôi môi đào vểnh lên cùng với đôi mắt rướm lệ của nàng, đủ hiểu rõ nỗi ấm ức của nàng vừa gặp phải trong ngôi nhà đá.
Nàng buông tiếng cười gằn :
– Hừ! Rồi đây ta sẽ làm cho ngươi phải quỳ mọp dưới chân ta.
– Ha ha!
Một bóng người từ trên không đáp xuống, vang lên một tiếng cười giòn, Kiều Thiên Long tay phải cắp lấy Kiều Thiên Y, nói :
– Bích nha đầu, lại giận ai nữa đó?
Kiều Thiên Bích ngoảnh lại :
– Ai bảo cháu giận chứ?
Kiều Thiên Long bật cười :
– Con nha đầu ngươi định nói dối gia gia hả? Này, đây không phải là nước mắt sao? Rõ ràng ngươi đang khóc mà còn định dối gạt gia gia?
Kiều Thiên Bích đưa tay lau nước mắt :
– Người ta bị cát rơi vào mắt thôi mà, có phải khóc đâu, làm gì phải khóc kia chứ?
Nàng liếc thấy Kiều Thiên Y, liền mừng rỡ nói :
– Cuối cùng thì vẫn là gia gia công bình nhất, Y nha đầu tự ý buông tha cho người vào đây, đúng là phải ngồi trong lao mấy hôm.
Kiều Thiên Long hắng giọng :
– Bích nhi, sư phụ ngươi đâu rồi? Bà ấy không nổi giận chứ?
Kiều Thiên Bích chẩu môi hằn học nói :
– Ai bảo là bà ấy nổi giận? Sư phụ lão nhân gia thấy con Đại Xám bị thương buồn ghê lắm, thề là phải bắt cho bằng được tên họ Bách Lý kia, ném vào trong hầm bách thú phân thây y…
Kiều Thiên Long giật mình :
– Ngươi đã cho bà ấy biết là gia gia đã bắt được tên tiểu tử liền nhốt vào trong thạch lao rồi ư?
Kiều Thiên Bích lắc đầu :
– Đâu có! Cháu sợ sư phụ hay biết, huy động cả đàn bách thú kéo đến đây thì rầy rà to.
Kiều Thiên Long giơ ngón tay cái lên khen :
– Giỏi lắm! Bích nha đầu không hổ là đứa cháu gái ngoan của Hàn Thiên Câu Ngao Khách này.
– Nhưng thưa gia gia, bây giờ cháu lại đang muốn đi báo với sư phụ.
Kiều Thiên Long chưng hửng :
– Tại sao vậy?
Kiều Thiên Bích dẩu môi :
– Ai bảo y không biết điều, vừa rồi cháu vào trong ấy định xem thương thế của y, ai ngờ y lại mắng nhiếc và đuổi cháu ra…
Kiều Thiên Long bật cười :
– Thảo nào hồi nãy ngươi đã khóc, thì ra là vậy!
Thoáng dừng rồi nói tiếp :
– Bích nha đầu, ngươi yên tâm, gia gia cam đoan sẽ báo thù cho ngươi, nhưng có điều là ngươi đừng cho sư phụ ngươi biết, có nghe thấy không?
Kiều Thiên Bích ra chiều thắc mắc :
– Gia gia làm sao thế này? Hôm nay bỗng dưng lại vui vẻ, khác hẳn với trước đây, vì sao vậy gia gia?
– Ồ!
Kiều Thiên Long không ngờ mình nhất thời vui mừng đã để lộ ra ngoài mặt cho Kiều Thiên Bích nhận ra. Ông thoáng ngớ người, lại không tiện nói ra nguyên nhân, bèn ấp úng nói :
– Có lẽ tại vì gia gia hôm nay cảm thấy sảng khoái đó mà!
Kiều Thiên Bích chau mày :
– Vì sao gia gia lại cảm thấy sảng khoái vậy?
– Cái đó… ngươi đi mà hỏi bà ngoại, để ta đem nhốt Y nha đầu lại rồi hẵng tính.
Đoạn ông kéo cửa ra đi vào, Kiều Thiên Bích cũng theo sau hỏi :
– Gia gia, bà ngoại bị sao vậy?
Nàng đảo mắt, thấy Bách Lý Hùng Phong đang ngồi xếp bằng trong rào song sắt, quay mặt vào tường, dường như đang vận công, chớ hề đếm xỉa đến hai người mới vào.
Kiều Thiên Long đi vào trong cùng, kéo rào sắt lại, đặt Kiều Thiên Y lên trên giường đá, đoạn khóa lại rồi nói :
– Bà ngoại ngươi nhất thời bất cẩn đã bị Y nha đầu đả thương, hiện giờ đang nằm trong phòng…
Kiều Thiên Bích sửng sốt :
– Ồ! Bà ngoại đã bị thương ư?
Nói đoạn, tức tốc quay người lao ra khỏi gian nhà đá, phi thân vọt đi.
Kiều Thiên Long gượng cười, chầm chậm lắc đầu, bước đến trước rào sắt giam Bách Lý Hùng Phong, cất tiếng gọi :
– Tiểu lão đệ! Này, tiểu lão đệ!
Bách Lý Hùng Phong lặng thinh bất động. Kiều Thiên Long lại nói :
– Ta biết là lão đệ đang giận ta, chẳng qua là không muốn để cho mụ già hung ác kia biết được công phu của ta, nên bắt buộc phải phát ra La Hầu châm ám toán lão đệ, xin lão đệ đừng buồn.
Bách Lý Hùng Phong buông tiếng cười khẩy :
– Tại hạ nếu không bị lệnh lang ám toán, thọ nội thương nhẹ, nên khi tỷ thí nội công không thể phân tâm được, bằng không thì đâu có trở thành tù nhân của các ngươi thế này?
Kiều Thiên Long cười giả lả :
– Ta hiểu sự uất ức của lão đệ, nhưng xin lão đệ hãy yên tâm, tối nay lão đệ sẽ có thể rời khỏi đây rồi.
Bách Lý Hùng Phong trầm giọng :
– Tại hạ cũng chẳng gấp rời khỏi, không thì cái rào sắt tầm thường này đâu thể giam được tại hạ, lão có tin chăng?
Kiều Thiên Long cười xởi lởi :
– Tin chứ! Tin chứ! Lão phu cho là với công lực của lão đệ có thể đến đi tùy ý, bởi theo sự suy đoán của lão phu, lão đệ đến từ Vạn Câu động trên đỉnh núi, đúng chăng?
Bách Lý Hùng Phong ngạc nhiên :
– Sao lão lại biết?
Kiều Thiên Long bật cười :
– Lão phu thấy võ công của lão đệ hết sức hỗn tạp, có nội gia công lực nhưng lại nghiêng về thiền công chính tông cao nhất của Phật môn. Đành rằng là lão đệ theo về đạo môn, song thành tựu hiện nay lại vượt xa đạo môn, nên theo sự suy đoán của lão phu, rất có thể lão đệ là đồ nhi của Không Không đại sư!
Bách Lý Hùng Phong giật mình thầm nhủ:
“Lão ngư ông không phải là đơn giản, óc phán đoán và nhận xét quả là chính xác. Nếu chẳng phải gần đây sư phụ không rảnh để truyền thụ thần công cho ta, lẽ nào ta lại bị lão ám toán?”
Nhớ lại cảnh bị ám toán khi nãy, chàng vô cùng tức tối.
Kiều Thiên Long lại nói :
– Sở dĩ lão phu đã giam lão đệ vào đây mà không giao cho hai vị Cốc chủ kia cùng nghị định xử quyết, một mặt là vì nể lệnh sư là một bậc kỳ nhân, mặt khác là định nhờ lão đệ giúp cho một việc…
Bách Lý Hùng Phong bực tức quát :
– Lão hãy dang ra đi, tại hạ chẳng muốn nghe thêm gì nữa cả.
Kiều Thiên Long nào hiểu được ý nghĩ câu nói của chàng? Thoáng ngẩn người ngẫm nghĩ, cố nén cơn giận nói :
– Lão phu biết là lão đệ đang bực mình, tạm thời lão đệ cứ nghỉ ngơi trước đã, hai giờ sau lão phu sẽ quay lại đây bàn với lão đệ về vấn đề của bổn cốc…
Thân hình ông nhấp nhoáng, đã lách người qua khe cửa ngoài, lập tức đóng cửa lại, gian nhà tối om ngay.
Bách Lý Hùng Phong buông tiếng thở dài não nuột, nhủ thầm:
“Ta làm sao mà ngờ được mình lại bị giam cầm trong gian nhà đá tối tăm này đây? Cho dù sư phụ thần thông vô biên cũng chẳng ngờ được ta bị nhốt tại đây… Chẳng qua cũng tại mình tự chuốc lấy cả, nếu không đa sự thì đâu đến nông nỗi này?”
Đang suy nghĩ miên man, chàng chợt nghe có tiếng trong trẻo và dịu dàng gọi :
– Bách Lý công tử! Bách Lý công tử!
Bách Lý Hùng Phong tập trung mục lực về phái phát ra tiếng nói, chỉ thấy Kiều Thiên Y đang nghiêng người dựa vào giường đá, vẻ uể oải nhìn về phía mình, hàm răng trắng muốt kia lộ rõ trong bóng tối.
Chàng kinh ngạc nói :
– Ồ! Thì ra là Y cô nương, làm sao cô nương lại bị giam vào đây vậy?
Kiều Thiên Y vội đưa tay vén làn tóc lòa xòa trước trán, gượng cười :
– Vì tiện nữ đã đả thương bà ngoại!
Bách Lý Hùng Phong thấy nàng đang ở trong bóng tối mà cũng vẫn vén lại làn tóc rối, như sợ mình trông thấy dung nhan bất chỉnh của nàng vậy, chàng bất giác nghe lòng hơi rung động.
Chàng sửng sốt hỏi :
– Tại sao vậy? Chả lẽ…
Kiều Thiên Y rất mẫn cảm, hiểu ý Bách Lý Hùng Phong ngay. Nàng lắc đầu :
– Không! Không phải vì việc của công tử đâu, đó là vì tiện nữ đã muốn báo thù từ lâu rồi. Tiện nữ có biết bao là đau khổ, nhưng lại không có cơ hội để bày tỏ với ai cả… và cũng chẳng có ai quan tâm đến tiện nữ…
Bách Lý Hùng Phong có thể cảm nhận được niềm cô đơn và đau khổ qua giọng nói của nàng, dứt khoát chẳng phải là giả dối. Chàng lặng thinh một hồi, nghĩ đến những tao ngộ của mình, chàng không khỏi có cảm giác đồng bệnh tương lân.
Chàng khẽ buông tiếng thở dài, thấp giọng :
– Sống trên cõi đời mà không tìm được một người tri kỷ, quả là niềm bi ai to lớn nhất của đời người. Thế nhưng, chúng ta vẫn luôn luôn phải đơn độc đấu tranh với số mệnh, đó là điều bắt buộc, bởi nếu ta mà nhu nhược thì số mệnh sẽ bỏ rơi ta một cách bạc bẽo hơn.
Kiều Thiên Y lẳng lặng nghiền ngẫm những lời lẽ đầy tính triết lý của Bách Lý Hùng Phong, ra chiều kinh ngạc hỏi :
– Công tử còn trẻ thế này, sao lại thốt ra những lời lẽ đầy triết lý sâu sắc thế này?
Bách Lý Hùng Phong cười nhẹ :
– Triết lý ư? Tại hạ chẳng biết triết lý gì cả. Đó chẳng qua là nhận thức về cuộc sống của cá nhân tại hạ mà thôi. Hễ mỗi khi tại hạ cô đơn, liền dùng cái nhận thức ấy để tự khích lệ mình, và rồi cuối cùng tại hạ luôn thoát khỏi được ác vận, xoải bước đi tới.
Kiều Thiên Y lặng thinh đăm chiêu nhìn vào khoảng tối mịt mùng, ánh mắt trống rỗng, cả tâm thần đều chìm đắm trong câu nói ấy và gặm nhấm mãi.
Nàng lẩm bẩm :
– Ôi! Tiện nữ tựa hồ thấy mình cũng sâu sắc cảm nhận được nỗi đau khổ của công tử. Bởi tiện nữ cũng đã từng bị định mệnh bỏ rơi, hơn nữa không chỉ một lần…
Bách Lý Hùng Phong với giọng hàm súc tiếp :
– Chỉ có những kẻ từng trải qua đau khổ mới thấu hiểu được niềm đau của kẻ khác, câu ấy quả là đúng.
Chàng nhắm mắt lại, một cảm giác cô đơn chưa từng có bỗng chiếm ngập cõi lòng chàng. Mặc dù chàng có thể trông thấy đồ vật trong bóng tối, song chàng lại muốn nhắm nghiền mắt, ném mình vào trong khoảng tối vô biên.
Bầu không trong nhà chết lặng như khi nãy. Chẳng rõ thời gian trôi qua bao lâu, bỗng Kiều Thiên Y cất tiếng gọi :
– Bách Lý công tử!
Song Bách Lý Hùng Phong vẫn đắm chìm trong suy tư, không hề nghe thấy tiếng gọi của nàng.
Không nghe tiếng trả lời, nàng hốt hoảng căng mắt ra nhìn, tựa như một kẻ bị lún trong sình lầy cần thiết một người chìa tay ra cứu giúp, nàng lại cất tiếng gọi lớn :
– Bách Lý công tử! Bách Lý công tử!
Bách Lý Hùng Phong giật mình, mở mắt :
– Ồ! Y cô nương đó à? Việc gì thế?
Kiều Thiên Y thở phào :
– Tiện nữ tưởng đâu công tử đã bỏ đi xa rồi, để lại một mình tiện nữ trong bóng tối, nên mới thử gọi công tử đó mà.
Bách Lý Hùng Phong khẽ nhếch môi thầm nhủ:
“Tính bẩm sinh của loài người vốn đã có cảm giác sợ hãi bóng tối rồi, chẳng thể nào sai được cả”.
Kiều Thiên Y không nghe tiếng trả lời, lại hỏi :
– Bách Lý công tử có nghe tiện nữ nói chăng?
Bách Lý Hùng Phong mỉm cười :
– Tất nhiên là nghe rồi, cô nương cho rằng tại hạ có thể thoát ra ngoài được ư? Hiện giờ thì không được đâu.
Kiều Thiên Y thẹn thùng cúi gằm mặt :
– Ồ, xin lỗi, tại tiện nữ trẻ người khờ dại quá…
Bách Lý Hùng Phong lướt nhìn gương mặt e thẹn của nàng, nói :
– Không phải vậy đâu, chính tại hạ ở trong bóng tối thì cũng sợ người khác bỏ rơi thôi. Đó chỉ là bản tính thông thường của con người, chẳng liên quan gì đến tuổi tác cả.
Kiều Thiên Y ngẫm nghĩ giây lát :
– Tuổi của công tử còn trẻ thế này mà đã nhận thức được nhiều triết lý nhân sinh đến vậy, tiện nữ rất bội phục và cũng rất lấy làm hổ thẹn.
– Có lẽ vì cô nương ở vào một hoàn cảnh không khiến cho phải nghiền ngẫm về vấn đề nhân sinh, chứ theo tại hạ thì sự chín chắn của trí tuệ hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến tuổi tác cả.
Kiều Thiên Y lặng nghĩ một hồi, đoạn nói :
– Theo công tử thì sự trưởng thành của tư tưởng có liên quan đến nỗi đau khổ mà người đó đã gặp trong đời không?
– Có chứ! Theo tại hạ thì người nào càng nếm trải nhiều đau khổ thì càng thấm thía về cuộc sống.
– Vậy thì công tử đã thấu hiểu về cuộc sống thế này, chả lẽ công tử đã từng nếm trải nhiều đau khổ ư?
Nghĩ đến cuộc đời mình, bao dĩ vãng liền lần lượt hiện về như đang diễn ra trước mắt, mặt chàng thoáng co giật :
– Quả thật những đau khổ mà tại hạ từng nếm trải sâu đậm hơn nhiều so với bất kỳ người nào khác.
Kiều Thiên Y nhếch môi chua xót :
– Bất kỳ người nào ư? Trên cõi đời này còn có người khác phải chịu sự đau khổ sâu đậm hơn tiện nữ ư?
Bách Lý Hùng Phong kinh ngạc :
– Ô! Cô nương… xin thứ cho tại hạ đến giờ vẫn chưa hỏi cô nương vì sao lại bị giam vào đây, chả lẽ lệnh tổ chỉ vì việc cô nương đã bênh vực tại hạ mà giam cầm cô nương sao? Nếu quả như vậy thì tại hạ rất là bứt rứt.
Kiều Thiên Y lắc đầu :
– Không phải đâu! Chẳng liên quan gì đến công tử cả đâu, bởi vì tiện nữ đã đả thương bà ngoại nên mới…
– Khi nãy cô nương cũng đã nói như vậy rồi, nhưng vì lý do gì chứ?
Bách Lý Hùng Phong buột miệng nói ra, lập tức nhận thấy mình không nên soi mói việc riêng tư của gia đình người ta, vội im miệng ngay.
Ngờ đâu Kiều Thiên Y đã nói :
– Công tử có muốn nghe chăng? Đó là niềm đau lớn nhất trong đời tiện nữ, cho mãi đến chết tiện nữ cũng không thể nào quên được, trừ phi tiện nữ biến mất trên cõi đời này.
Bách Lý Hùng Phong chạnh lòng thầm nhủ:
“Trên cõi đời này quả có người ôm ấp niềm đau sâu nặng như ta thật ư? Lại còn có người khác có số mệnh ác nghiệt hơn ta thật ư?”
Kiều Thiên Y cười cay đắng :
– Tiện nữ biết công tử không muốn nghe đâu, chỉ trách mình thôi, niềm đau ấy lẽ ra phải vùi chôn theo thân xác của tiện nữ, hà tất để người khác biết mà làm gì?
Bách Lý Hùng Phong vội nói :
– Không! Ý tại hạ không phải là vậy, tại hạ rất muốn được biết nếu không quá mạo muội…
Kiều Thiên Y chầm chậm nhắm mắt lại, để cho niềm suy tư quay về với dĩ vãng xa xưa.
Hồi lâu nàng cất giọng mơ màng :
– Đã lâu lắm rồi, có lẽ là trong thời Nguyên triều Mông Cổ đã trải qua ba lần tây chinh, vó ngựa Mông Cổ đã giày xéo lên khắp miền phương tây, lúc bấy giờ tổ tiên của mẫu thân tiện nữ bị xem như là nô lệ mang sang Trung Thổ…
Nàng thở ra một hơi, chỉnh đốn lại tâm trạng nói :
– Công tử có nghe qua danh từ Côn Lôn Nô bao giờ chưa?
Bách Lý Hùng Phong chợt hiểu, nhủ thầm:
“À, thảo nào nước da nàng lại đen như thế này, thì ra trong huyết thống của nàng có chứa dòng máu của Côn Lôn Nô”.
Mặc dù chàng chưa nghe Kiều Thiên Y kể lại thân thế, song đã rất thấu hiểu niềm đau lớn nhất trong đời nàng.
Chàng thầm thở dài, trầm giọng nói :
– Danh từ Côn Lôn Nô trước tiên là gặp trên sách đời Đường, lúc bấy giờ những nhà hào phú đã xem Côn Lôn Nô là hàng nô lệ thấp hèn nhất, nghe đâu Côn Lôn Nô khắp người đen đúa, mái tóc quăn quíu…
Kiều Thiên Y buông tiếng hừ mũi :
– Và xương của họ cũng muôn đời đen đúa, không bao giờ biến thành trắng được, mỗi ly mỗi tác trong cơ thể họ đều chỉ một màu đen, ngoại trừ hàm răng và đôi mắt.
Giọng nói của nàng đầy bi phẫn, nắm chặt bàn tay nói tiếp :
– Mẫu thân của tiện nữ chính là Côn Lôn Nô, kể từ khi tiên tổ của bà bị mang từ Tây Thổ sang Trung Nguyên, con cháu đời đời đều là nô lệ cho kẻ khác, luôn luôn phải làm những công việc thấp hèn, không bao giờ ngẩng đầu lên được, cũng giống như một con trâu, con cháu đời đời đều là con trâu, không bao giờ trở thành con người được.
Nàng bật khóc nức nở, đấm tay vào vách uất ức :
– Tại sao ta lại phải tiếp tục sống? Tại sao?
Bách Lý Hùng Phong quát lớn :
– Kiều Thiên Y!
Chàng nhìn thẳng vào bộ mặt ràn rụa nước mắt của Kiều Thiên Y, trầm giọng nói :
– Cô nương nên bình tĩnh, đừng nói thêm gì nữa cả. Hãy nghỉ ngơi một lát, tâm trí sẽ ổn định lại thôi.
Kiều Thiên Y bật cười đau xót :
– Nghỉ ngơi ư? Khó khăn lắm tiện nữ mới có dịp để bày tỏ niềm đau, làm sao có thể nghỉ ngơi được?
Nàng thở mạnh hai hơi, đoạn nói tiếp :
– Tiện nữ dứt khoát chẳng thể nghỉ ngơi được, tiện nữ phải cho công tử biết rõ tự sự mới được.
Bách Lý Hùng Phong lắc đầu :
– Thôi được, vậy thì cô nương cứ nói đi. Phát tiết được niềm đau trong lòng thì cũng là một điều tốt.
Kiều Thiên Y đã phần bình tĩnh hơn, nàng đưa tay lau nước mắt, trầm giọng nói :
– Hễ mỗi lần nghĩ đến việc ấy là cõi lòng tiện nữ lại như rực lửa vậy, khó mà kềm chế được, đã khiến công tử cười cho.
Bách Lý Hùng Phong vẻ thương hại :
– Y cô nương bất tất phải khách khí, theo tại hạ thấy thì bất kỳ người nào ở vào hoàn cảnh của cô nương, e rằng càng đau khổ hơn, rất có thể đã nổi điên từ lâu rồi.
Kiều Thiên Y cắn răng quả quyết :
– Không đâu, tiện nữ dứt khoát không bao giờ nổi điên đâu.
– Nếu như cô nương thấy không đến nỗi ảnh hưởng xấu đến tâm trí thì cô nương cứ nói ra để cho tại hạ chia sẻ phần nào, bằng không thì cô nương đừng nói.
– Tiện nữ vốn đã định cho công tử biết rồi.
– Vậy thì tại hạ xin kính cẩn lắng nghe.
Kiều Thiên Y hít sâu một hơi đoạn nói :
– Từ khi tiện nữ có trí nhớ, mẫu thân tiện nữ đã là một người đàn bà suốt ngày rửa mặt bằng nước mắt. Theo như bà cho biết, phụ thân vốn là một vọng tộc ở Quan Lạc, vì kẻ thù truy sát, không thể sống yên ổn ở Quan Lạc, nên mới di cư về phương tây, bấy giờ là lúc tổ phụ của tiện nữ đã bị con rể của ông giết chết.
Nàng im lặng giây lát rồi tiếp :
– Khi tổ phụ tạ thế, phụ thân tiện nữ tuổi đã gần ba mươi, bởi võ công của ông đã luyện là theo đường lối chí cương mãnh, nên vẫn chưa lập gia đình.
Đầu óc của Bách Lý Hùng Phong liền hiện lên bóng dáng uy mãnh của đại hán áo đỏ, chàng thầm nhủ:
“Phàm là người theo đường dương cương, vì bảo nguyên bồi khí tất không kết hôn quá sớm. Thảo nào tuổi ông đã cao mà vẫn như trung niên, chẳng thấy già nua chút nào cả”.
Kiều Thiên Y nói tiếp :
– Phụ thân của tiện nữ vì trốn tránh kẻ thù nên đã bán hết gia sản, gom góp tất cả đi về hướng tây, và dọc đường đã gặp mẹ cả của tiện nữ.
Bách Lý Hùng Phong ngạc nhiên :
– Mẹ cả của cô nương ư?
Kiều Thiên Y liền giải thích :
– Đó chính là mẹ thân sinh của Thiên Bích tỷ tỷ. Bà ấy là con gái cưng của ông bà ngoại tiện nữ, tính vốn bướng bỉnh, nên khi gặp phụ thân, đã vì tránh đường mà xảy ra xung đột. Ngờ đâu bà ấy lại mến mộ khí khái uy mãnh của phụ thân, và đã có ý định kết hôn với ông.
Nàng cười chua chát nói tiếp :
– Do bởi mẹ của của tiện nữ là con gái độc nhất, nên sau khi gia gia gặp phụ thân, đã yêu cầu ông ở rể. Cũng chẳng rõ phụ thân vì quá yêu mẹ cả của tiện nữ, hoặc vì muốn dựa vào thế lực của gia gia mà trốn tránh kẻ thù, nói chung là ông đã bằng lòng vào ở rể tại gia đình họ Kiều, định cư tại đây.
Bách Lý Hùng Phong thắc mắc hỏi :
– Khi tại hạ mới vào đây, đã nghe cô nương bảo là Kiều gia đã định cư tại đây có hơn năm mươi năm rồi, chẳng hay chốn đào nguyên này được phát hiện từ bao giờ vậy?
Kiều Thiên Y chậm rãi nói :
– Ngoại hiệu của gia tổ là Hàn Thiên Câu Ngao Khách, khi xưa cư trú tại Đông Hải, thời thiếu niên đã cùng với Trường Bạch Sài Ẩn và Thúc Thủ Lão Nông hợp xưng là Võ Lâm tam ẩn. Năm mươi năm trước, Thúc Thủ Lão Nông Dư Bán Nông đã phát hiện ra nơi này, nên báo với gia tổ và Trường Bạch Sài Ẩn Lưu Tước cùng đến đây ẩn trú, khai hoang lập vườn… Thế nhưng, mấy năm gần đây, vì tranh chấp quyền thế, giữa ba người đã rất là bất mãn, có lẽ bầu không khí hòa thuận hiện nay đã chẳng còn bao lâu nữa.
Bách Lý Hùng Phong nhủ thầm:
“Vừa rồi Hàn Thiên Câu Ngao Khách toan mua chuộc ta, hẳn là vì nguyên nhân ấy, bằng không hà tất lão nhẫn nhịn ta đến vậy?”
Kiều Thiên Y nói tiếp :
– Tổ phụ tiện nữ vốn là nô lệ của gia đình gia gia, nên khi mẫu thân ra đời, tất nhiên cũng trở thành nô bộc của Kiều gia, về sau khi phụ thân vào ở rể, lần gặp đầu tiên bà đã đem lòng thương ông, song với thân phận một nô lệ, dẫu có yêu thương ai thì cũng chẳng thể bày tỏ được, nên bà đành giấu kín trong lòng.
Nàng ngẩng lên, ném cho Bách Lý Hùng Phong một cái nhìn sâu lắng, đoạn nói tiếp :
– Bà vốn tưởng suốt đời cũng chẳng có cơ hội thố lộ, nào ai ngờ được nghiệt duyên lại như thế, cuối cùng bà đã đón nhận tình yêu của phụ thân và cũng đón nhận số phận bi thảm tiếp theo sau… Đó là vào một đem trăng sáng sao thưa, cha của tiện nữ đã được Bách Thủ Thiên Vương Vi bà bà trên núi mời đi, thoạt đầu bảo là để bàn về vụ mang thai của đại nương. Vi bà bà rất quý mến đại nương, ý bà muốn đứa con sắp chào đời của đại nương biếu cho bà làm con nuôi, nên mới mời cha tiện nữ để thương lượng.
Nàng hơi cất cao giọng nói tiếp :
– Nào ngờ môn hạ của Vi bà bà lại có một người con gái vô sỉ. Thị đã thừa lúc cha tiện nữ quay về, trên đường đã lập kế sử dụng thuốc mê hồn hoặc sắc, làm cho cha tiện nữ mất đi lý trí…
Nàng nở một nụ cười chua xót, nói tiếp :
– Cha tiện nữ quả đáng kể là một kẻ mạnh, khi thần trí vừa mê loạn đã ra tay giết chết người con gái nọ, rồi chạy nhanh trở về cốc…
Ý ông vốn định chạy vào phòng của đại nương, bấy giờ dẫu độc tính có phát tác thì cũng chẳng quan hệ gì, ngờ đâu trong cơn mê loạn đã vào lầm phòng của mẹ tiện nữ.
– Ồ.
Bách Lý Hùng Phong bàng hoàng, chàng có thể tưởng tượng được hậu quả bi thảm sau khi đại hán áo đỏ mất lý trí xông vào phòng của một nữ Côn Lôn Nô.
Kiều Thiên Y ngồi lặng như tượng đá, để mặc cho nước mắt chảy qua đôi má, rơi xuống trên áo.
Bao đau xót, bao tủi hận đã tăng dần theo tháng năm. Nàng càng thông minh thì niềm đau ấy càng thêm sâu nặng.
Kiều Thiên Y với giọng đều đều nói tiếp :
– Thế rồi, tiện nữ đến với thế gian này với bao nhục nhã và đau xót, chẳng có được chút vui sướng nào, ngay từ thuở bé đã bị mọi người chế nhạo khinh khi…
Nàng mỗi lúc càng thêm khích động, cất cao giọng :
– Người mẹ da đen của tiện nữ đã vì sự hành hạ của bà ngoại, cuối cùng đã uất ức sinh bệnh mà chết.
Bách Lý Hùng Phong bỗng hỏi :
– Còn phụ thân của cô nương đâu? Chả lẽ ông chẳng màng gì cả sao?
Kiều Thiên Y bĩu môi :
– Ông ấy nương nhờ vào Kiều gia, làm sao dám đắc tội với họ sao? Dẫu ông có muốn can thiệp thì cũng vô ích, đành trơ mắt nhìn mẹ tiện nữ chết đi.
Bách Lý Hùng Phong thoáng trầm ngâm :
– Phụ thân của cô nương tên họ là gì? Ý tại hạ là danh tính trước kia ấy?
Kiều Thiên Y ngẩng lên đáp :
– Xưa kia ông ấy họ Quan, tên là Sơn, ngoại hiệu là Phích Lịch Thần Quyền…
Bách Lý Hùng Phong sững sờ :
– Phích Lịch Thần Quyền Quan Sơn?